Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



GHEN - BIỂU HIỆN VÀ HÓA GIẢI

  


Đ ã có rất nhiều giấy mực để viết về chuyện ghen tương cũng như có rất nhiều nhà tâm lý học phân tích, khuyên nhũ người vợ, người chồng cố gắng bảo vệ mái ấm một cách hợp tình hợp lý để kéo dài cuộc sống hôn nhân đến khi răng long đầu bạc.

Ai cũng muốn vậy nhưng làm sao duy trì hạnh phúc khi cơn ghen đã bắt đầu nổi dậy trong lòng người vợ, người chồng và có khi đã bắt đầu thể hiện bằng những hành động có khi là bạo lực, dẫn đến sự đổ vỡ của hạnh phúc gia đình.

Nhưng làm sao hóa giải được chuyện ghen tương? Vấn đề sẽ không còn là bí mật sau khi xem xét những nội dung sau đây của đề tài.

I.- Ghen là gì ?

Có người nói rằng ghen là một "phẩm chất" cố hữu của tình yêu đôi lứa, một điều nghe đã quá đỗi bình thường nhưng lại không hề cũ trong mọi thời đại.

"Phẩm chất" này đã tồn tại lâu đời, như một thực tại khách quan trong ý thức hệ của con người từ lúc sinh ra và có thể còn tồn tại mãi mãi cùng với cuộc sống.

Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ. Bất cứ một sự chia sẻ nào cũng làm cho tình yêu trở nên không trọn vẹn và mất đi sự thiêng liêng của tình yêu, mà tình yêu thì vốn có tính bền vững vĩnh cửu trong đời sống tinh thần của con người.

Khi đã đem lòng yêu ai, người ta chỉ muốn người ấy chỉ là của riêng mình một cách tuyệt đối. Theo đó, những người yêu chưa hết mình, theo kiểu nửa vời hoặc những kẻ tính toán, hẳn nhiên không thể có cái "ghen nồng nàn", đáng yêu, đẹp đẽ như một người có sự trao gửi tuyệt đối về tư tuởng và hành động đến với người mình yêu. Có người còn nói ghen là mức thang đánh giá tình yêu.

Dân gian có câu: "Ớt nào là ớt chẳng cay. Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng". Nhưng thực tế thì nam hay nữ đều ghen như nhau, thậm chí nam còn ghen khiếp hơn.

Theo nhà tâm lý học Manfred Schmitt của ĐH Tổng hợp Trier (Đức), ghen là khi người ta muốn đạt được mục đích trong cuộc sống của mình cùng với người mình yêu mến quan tâm, và cảm thấy có ai đó hoặc cái gì đó cạnh tranh, cũng như đám mây dông che mờ mục tiêu, và người ta sẽ rơi vào tình trạng báo động. Nói khác đi, ghen chính là tín hiệu báo động, biểu hiện dưới dạng lo sợ hoặc đau đớn, nó cảnh giác chúng ta, chuẩn bị năng lượng để đấu tranh quyết đạt mục tiêu của mình.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa ghen là "khó chịu, bực dọc với người được hưởng cái gì đó hơn mình, thường là về tinh thần, về tình cảm, họ có được cái mình muốn có cho mình mà mình không có được; đó cũng là một trạng thái khó chịu, tức tối, thường để biểu lộ ra, vì biết hoặc nghi ngờ sự thiếu chung thủy của vợ, chồng hay người yêu".

II.- Phân loại ghen tương

1. Ghen đúng.

Còn gọi là ghen đúng cách, ghen đúng chổ, ghen có căn cứ, đúng đối tượng, có nhân chứng vật chứng rõ ràng. Lọai ghen này thường kéo theo hậu quả mà mức độ khốc liệt tùy theo giai tầng xã hội. Ở những người kém hay ít văn hóa, cơn ghen đem lại sự thương tổn tạo ra cho người khác nhiều hơn, có khi đưa đến tình huống một mất một còn, hoặc kẻ bị thương tật, người bị đưa ra công lý xét xử với khung hình phạt tùy theo mức độ thương tích gây cho người bị hại. Đây chính là những trường hợp dùng bạo lực như tạt axít, dùng hung khí gây thương tích. Cái kiểu đánh ghen hết sức tàn ác như tạt a xít hay giết người mà Nhà nước cần phải xử lý thật nặng, cần phải đưa vào khung hình phạt cao nhất. Bất cứ các vụ án nào khác, cướp bóc, trả thù cá nhân mà sử dụng hình thức tạt a xít, giết người cũng cần phải được xét xử nặng như vây, không phân biệt người có hành vi tàn ác là đàn ông hay phụ nữ.

Tuy nhiên đối với những người có trình độ văn hóa nhất định, hoặc ở trình độ cao, thì cách xử trí của người vợ hay người chồng thường êm dịu hơn, nghĩa là không có hoặc ít có bạo lực, nhưng không có nghĩa là không có cãi vã to tiếng.

Hậu quả của sự bùng nổ ghen tương ở hai thành phần trên đây đều đưa đến hai tình huống: Thứ nhất, người vi phạm được "chiêu hồi" và được phép trở về với mái ấm gia đình của riêng mình, với vợ hoặc chồng và các con cùng với sự hối hận kéo dài, dù rằng người kia thực sự đã khoan hồng, "đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại."

Tình huống thứ hai là chia tay, anh đường anh, tôi đường tôi. Đây là giải pháp tất yếu, hai người phải chấp nhận. Chỉ tội nghiệp cho đàn con sau này, cuộc sống của chúng sẽ thiếu mất một người mà trước đây chúng rất mực thương yêu. Tình huống xấu hơn nữa, có khi con cái, vì quá xấu hổ hay buồn chán, cũng bỏ nhà đi theo quyết định riêng của chúng. Qua báo chí chúng ta cũng thường gặp những tội phạm thiếu niên đa phần có cha mẹ đã bị đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân. Trường hợp này thường gặp nhiều ở các nước tây phương.

2. Ghen không đúng.

Đó là ghen bóng, ghen gió, ghen mù quáng, ghen không đúng chổ, không đúng lúc, và ghen "tầm bậy, tầm bạ", ghen một cách vô căn cứ, không tìm hiểu rõ nguyên nhân cội nguồn. Loại ghen này thường rất nhiều, nhưng không bao giờ được người bị hại tâm phục khẩu phục. Theo những thống kê không cần chính xác lắm, cũng thấy được tỷ lệ phái đẹp cao hơn hẳn phái mày râu. Tiêu biểu có những tình huống sau đây:

a) Đối với phụ nữ, chưa thấy có nhà nghiên cứu nào khẳng định giác quan thứ sáu của phụ nữ mạnh hơn đàn ông, nhưng họ cứ linh cảm rằng ông chồng lúc nào cũng có những người đẹp bao vây, cụ thể là những cô nhân viên trẻ đẹp ăn mặc đúng thời trang. "Tấm lòng" của quá nhiều "nhi nữ" chắc chắn "phải xiêu anh hùng", dù rằng vị anh hùng này đã có vợ. Ông chồng ra đường bất chợt nhìn thấy một phụ nữ đẹp chạy ngược chiều, buộc miệng khen, chắc chắn sẽ bị bà cho rằng ông có tà ý, lả lơi, ong bướm. Các bà cũng hay linh cảm cho rằng ông chồng không thực sự trung thành với mình. Nhiều bà còn nghi ngờ rằng tất cả những cử chỉ ân cần chăm sóc của ông chồng chỉ là để che đậy bởi vì lát nữa đây ông sẽ tếch đi chơi với bạn. Có thật đi với bạn không, hay là đi đến với một người đàn bà nào khác. Trường hợp này các bà thường bị các tay thầy bói mù hoặc giả mù đoán mò bá vơ đặt điều vẽ chuyện.

b) Mỗi khi các ông đi tiếp khách về bị bà phát hiện một vết son nho nhỏ trên áo hay một mùi nước hoa lạ. Thế là nổi ghen liền. Có bà xé toang chiếc áo mới của ông chồng. Quý bà không biết được rằng các cô ca-va hay tiếp viên phục vụ rất quỉ quái thường kiếm cách phá mấy ông bằng cách lén cho dính tí son môi trên áo. Việc này rất dễ, các cô để vết son lại mà các ông không biết. Còn mùi nước hoa lạ là từ chiếc khăn tay nhỏ xíu của các cô được tẩm nhiều nước hoa, lúc nào cũng được các cô cầm trong tay. Khi khách khiêu vũ hay làm bộ cầm tay các cô xem bói, thế là, nhanh hơn cúm AH1N1, ông dẫn mùi nước hoa đó về đưa vào mũi bà vợ đang ở trong tư thế sẵn sàng "nổi lửa lên ghen".

c) Ông chồng đi chơi với bạn về hơi khuya. Hai gác chân cho người ngồi sau xe máy bật ra, thế là đủ làm đề tài cho bà question liền "chở em nào vậy?". Bởi vì theo con mắt thám tử, kiêm điệp viên 007, của bà thì hai cái chân gác bật ra là có chở người, mà vô lý là chở các ông vì ai cũng có xe. Chắc chắn là chở các bà các cô rồi. Thế là bà vận hết thành công lực lên để hít chung quanh ông, lùng sục tìm mùi nước hoa, tìm vết son trên áo. Việc ông chồng phản ứng cho trường hợp này cũng tùy ở mỗi gia đình. Cách hay nhất nên dĩ hòa vi quý.

d) Một trường hợp hết sức nguy hiểm là ông chồng có tật ngủ mớ, tức là ngủ mà nói. Một câu nói bất chợt không đầu không đuôi. Bà xã hay ghen mà nghe được thì mừng lắm, như một thám tử tìm được manh mối vụ án. Có người nằm ngủ tự nhiên gọi tên một nữ nhân viên và bảo cô ta ngồi gần lại. Sáng ra bà xã hỏi ông chồng cô nhân viên tên đó là ai, mà còn bảo cô ấy ngồi gần lại. Ông chồng chỉ có nước kêu trời và thanh minh thanh nga trối chết. Trong thực tế ông ta không hề có tình ý gì với cô ta hết.

e) Đối với quý ông, nhất là quý ông may mắn có bà vợ tương đối sắc sảo mặn mà, thì linh cảm vợ mình bị người khác dụ dỗ lúc nào cũng ám ảnh các ông. Các ông cũng thường cảm thấy bị đe dọa bởi câu "vợ đẹp là vợ người ta" cho nên canh giữ vợ như người ta canh giữ một tử tù. Vợ đi làm việc ở cơ quan, ông ở nhà cứ đứng ngồi không yên vì sợ ông sếp hay mấy cha manager nước ngoài cuỗm mất vợ mình. Vợ đi công tác với sếp hay với đồng nghiệp, chồng ở nhà bỏ ăn bỏ ngủ, vào ra trông ngóng. Đến khi vợ về thì hạch hỏi vợ có chấp hành triệt để câu "an toàn là bạn, tai nạn là thù" hay không?

Đối với người phụ nữ cũng vậy. May mắn của cuộc đời bà là có được một ông chồng đẹp giai. Trong thời gian yêu nhau bà đã từng được các bạn gái cùng trang lứa trầm trồ khen ngợi hết lời. Bây giờ cưới nhau rồi, thành công rồi, nhưng bà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ kẻ khác "vồ" mất. Bà thấp thỏm vào ra tìm trăm phương ngàn kế để kềm kẹp ông chồng.

f) Khi ông ra đường thấy một người đàn ông khác nhìn vợ mình cũng thấy bực bội, về nhà gây gổ với vợ, "em mặc áo mỏng quá chúng nó cứ nhìn chằm chặp". Ông cũng khó chịu với anh hàng xóm, mỗi sáng anh ta đi làm ăn mặc rất tươm tất. Bà vợ thỉnh thoảng nhìn với ánh mắt tôn trọng. Không ngờ ông bắt gặp. "Nó là cái gì mà bà nhìn nó như thế".

Nhiều bà vợ cũng thường hậm hực khi thấy các cô hay ngắm nhìn ông xã mình, hoặc ông xã mình láo liên hết nhìn cô này đến cô khác đi ngược chiều. Cái hay nhất các ông cứ làm một cái che mắt chỉ nhìn được phía trước mà đi.

Tóm lại, ghen vô cớ còn là biểu hiện của kiểu ghen bệnh lý ở những người thiếu tự tin, đó là sự thú nhận vụng về những kém cỏi của mình...

3. Ghen ngược

Trường hợp thứ nhất thường thấy ở các ông có bồ nhí, nhưng vợ nhà chưa biết, hoặc có nghe phong phanh nhưng thấy ông nhà chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên chưa nói gì. Một phần cũng vì những bà vợ này thường hiền lành và có một trình độ văn hóa nhất định. Quý bà thấy rằng không có gì phải lảm ồn ào, làm xấu mặt chồng. Trong khi đó cô bồ nhí thường xuyên nhũng nhiễu ông chồng. Nào là "Anh lo cho bả chứ đâu có lo cho em", hay là "Cái hột xoàn này anh mua cho em có 4 ly, còn của bả hôm trước 6 ly". Có một bà vợ tình cờ xem cái điện thọai di động của ông chồng thấy có một mẫu tin nhắn: "Anh xem xong rồi xóa liền kẻo mụ phù thủy đó đọc được" vv… Như vậy chúng ta nhận thấy rằng lúc nào các cô bồ lẻ cũng "chằm hăm", ghen tị với bà vợ chính. Có khi cô bồ nhí này muốn phá bà vợ bằng cách giả một phụ nữ gọi tới kiếm ông chồng, nói rằng có hẹn với ông ta. Kiểu chọc tức này thường có hiệu quả đối với những bà vợ có học thức kém, nông nổi, bắt được cú điện thọai như vậy nổi tam bành ngay. Tình huống xấu nhất là có người sẽ bị "sốc" tim mà chết. Nhưng đối với bà vợ có học thức, có trình độ sẽ nhận biết ngay đó là kiểu phá phách của những cô bồ nhí. Chồng đi làm về chỉ cần kể lại và lưu ý ông chồng nhắc nhở cô bồ nhí, nếu có, không nên phá như vậy.

Trường hợp ghen ngược về phía đàn ông cũng hơi bị hiếm. Một bà vợ thường lén chồng nuôi một anh kép nhí mập mạp, nhưng anh kép cứ mè nheo nói bà vợ không thương anh ta nên cho anh ta tiền không đủ xài, xúi bà vợ ly dị chồng để chia gia tài và về chung sống với anh ta. Anh kép này đã chuẩn bị bài hát ngựa phi đường xa vì sau khi bà ta ly dị, chia gia tài, bà sẽ tiếp nhận tài sản rồi giao cho anh ta giữ.

Trong truyện "Tình ảo" của Nedra Tyre, kể lại rằng có hai vợ chồng sống với nhau đã 20 năm trời, yêu nhau đằm thắm, những tưởng hai người sẽ sống với nhau đến răng long đầu bạc. Nhưng sóng gió đã xảy đến với gia đình này khi ông chồng, trong một chuyến công tác xa nhà, đã gặp một phụ nữ quá tuyệt vời đối với ông. Người vợ mà 20 năm qua ông đã cho rằng không một người nào thay thế được đã tan biến trước người phụ nữ mới gặp này. Cô này nằng nặc thúc giục ông ly dị, nhưng ông không thể tìm một lỗi lầm nào của vợ để ly dị. Sau cùng, ý tưởng giết vợ đã đến với ông. Ông sẽ tạo ra mội tai nạn hết sức tinh vi sẽ đưa bà vợ về nơi chín suối. Nhưng hết sức trùng hợp, ngay khi ông chồng gặp người phụ nữ làm ông chết mê chết mệt, thì cùng lúc đó, bà vợ bị choáng ngộp bởi sự lịch thiệp của một người đàn ông khác. Ông bồ này cũng thúc giục bà ly dị chồng để về chung sống với hắn. Nhưng bà cũng không thể tìm được lý do để ly dị, bà bắt đầu mang ý tưởng giết chồng. Một ngày nọ ông chồng đi công tác xa về, bà vợ như thường lệ mang ly cà phê mời ông chồng uống để thư giãn, sau đó có việc phải vào nhà kho. Ông chồng liền cho kích hoạt cạm bẫy của mình, và bà vợ đi về bên kia thế giới. Đắc thắng với thành quả giết vợ, ông chồng uống cạn ly cà phê. Một cơn buồn ngủ đến với ông ta rồi ông ngủ thiếp đi và sẽ không bao giờ thức dậy. Bà vợ đã bỏ thuốc độc vào ly cà phê.

4. Ghen giùm

Một phụ nữ biết một đồng nghiệp đã có vợ, nhưng có bồ nhí hoặc có nhiều bạn gái. Cô này tự nhiên bực mình khó chịu, cau có, tìm mọi cách đưa nhân vật này ra tổ chức kiểm điểm, rình rập theo anh này khi tan sở xem anh này có đi đến nơi hẹn hò không, viết thư nặc danh gửi tới nhà cho bà vợ biết, nói cho tất cả mọi người trong cơ quan biết để làm cho anh chàng này xấu hổ. Nguyên nhân sâu xa: Anh chàng không có vẻ quan tâm đến cô này.

5. Ghen giả tạo:

a) Trong trường hợp này, bà vợ không có một lý do gì để ghen vì biết rất rõ rằng ông chồng không hề có một khả năng chuyên môn nào để chinh phục bất cứ một phụ nữ nào khác bởi lẽ ông chồng không đạt bất kỳ một tiêu chuẩn điển hình tiên tiến nào cả. Ngày xưa hai người đến với nhau do mai mối hoặc một lý do nào đó không nằm trong phạm trù yêu đương, cũng có thể là duyên trời đã định. Lý do để bà ghen là, thứ nhất, sợ người ta nói bà không yêu ông ấy, thứ hai, sợ người ta nghĩ ông chồng mình quá đát rồi, nếu không muốn nói là yếu đuối là "mất khả năng chi trả" và thế là bà ghen với những lý do không giống ai, gần gũi với trường hợp ghen bóng, ghen gió đã đề cập ở trên.

b) Một quý ông khi đang chú ý đến một bóng hồng khác hoặc đã có bồ nhí thì giả bộ ghen với vợ, có nghĩa là vờ ghen để đánh lạc hướng. Bà vợ thấy chồng theo dõi mình, hạch hỏi đi shopping với ai, hôm nay sao về trễ, làm như để ý và săn sóc nhưng mục đích chính làm bà xã lơ là không theo dõi mình nữa, lúc đó tha hồ hẹn hò đi chơi du hí với người yêu nhí.

6. Ghen bằng cách trả thù

Bà vợ biết chắc chắn ông chồng có bồ nhí sau quá trình kín đáo theo dõi, điều tra chính xác. Bà vợ âm thầm lặng lẽ đi tìm một anh kép cho riêng mình. Thế là ông đi đâu mặc ông, bà cũng có "công việc" đi sớm về tối. Đây là cảnh "ông ăn chả bà ăn nem". Hậu quả của kiểu ghen tương như thế này chắc hẳn ai cũng biết rằng sẽ vĩnh viễn đường ai nấy đi không mong gì hàn gắn lại được.

Trong Thiên Long Bát Bộ, Đao Bạch Phụng là vợ của Đoàn Chính Thuần, vì quá căm hận chồng mình háo sắc, gian dâm với nhiều phụ nữ khác nên bà trả thù bằng cách quan hệ với Đoàn Diên Khánh để rồi sinh ra anh chàng Đoàn Dự với chiêu Lục Mạch Thần Kiếm và Lăng Ba Vi Bộ.

7. Ghen thầm lặng.

Một người, vì bản tính hiền lành , luôn luôn ầm thầm lặng lẽ trước việc người kia đi sớm về tối không khai báo rõ ràng, có khi còn kiếm chuyện cơm không lành canh không ngọt, nhà cửa dơ bẩn, điện nước máy móc trong nhà bị hỏng hóc không biết chăm sóc. Người này một mực im lặng hòa hoãn luôn luôn giữ đúng mực vai trò người vợ hoặc người chồng. Phớt lờ trước những thông tin "mật" về người kia. Đây là một kiểu ghen hết sức nguy hiểm. Khi lên đến cao trào, người kia không chịu đựng đựơc nữa sẽ bùng nổ phản ứng tiêu cực "một mất một còn".

III.- Những cách biểu hiện cơn ghen

1. Ghen thần tốc

a) Có lẽ chưa ai quên vụ một nữ thẩm phán nổi ghen đến tận "sào huyệt", thật ra là một quán bia ôm, và đã "bụp" cô gái ngồi bên cạnh đức lang quân của mình. Kết quả là bà thẩm phán này phải lãnh "cái búa" kỷ luật. Thật tội nghiệp cho vị phu nhân này, đường đường là một trí thức, và là một viên chức nhà nước cao cấp lại sử dụng chiêu thức công phu Thiếu Lâm Tự với nàng Kiều bia ôm thời H5N1. Nhưng làm sao bà lại biết được "sào huyệt" mà đức lang quân của bà đang có mặt. Chắc chắn ông chồng bà đi chơi mà để "lộ đề thi", lộ tin tức tình báo để bà nhà biết được nên mới ra nông nỗi.

b) Một chuyện đánh ghen khác tại một nhà hàng khiêu vũ cách đây gần hai chục năm. Lúc đó gần 12 giờ khuya rồi. Trên sàn nhảy một ông Trợ lý giám đốc đang du dương với một cô vũ nữ trên nền nhạc slow dìu dặt dưới ánh đèn mơ mờ ảo ảo, bỗng nhiên một nữ hiệp từ dưới lầu phóng lên chạy ra giữa piste xuất ra hai chiêu phóng đúng vào mặt cô vũ nữ. Anh chàng trợ lý chưa hết bàng hoàng nhưng cũng đã kịp nhận ra vị nữ hiệp kia chính là má sắp nhỏ ở nhà, vội vàng kè nữ hiệp xuống lầu ra xe biến mất.

2. Ghen lãng mạn

Một trường hợp ghen nữa, nhưng lại là ghen êm dịu vì ghen với người đã… chết. Số là một ông có đến hai bà nâng khăn sửa túi. Bà cả tức lắm nhưng đã có với ông ấy 4 mặt con rồi đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng rồi, không biết là trời thương hay ghét, ông chồng và bà hai kẻ trước người sau đủng đỉnh đi về cõi vĩnh hằng. Thời gian trôi qua, con cái của hai bà đã trưởng thành. Bả cả cho người cải táng ông ấy và bà hai, rồi đưa hai hủ cốt vào chùa để gửi gắm cho hai ông bà sớm chiều nghe lời kinh tiếng kệ. Bà cả mới lấy quyền của mình ra lệnh cho hai hũ cốt phải được đặt vào hai ngăn khác nhau, nghĩa là phải cách rất xa nhau. Sau đó, bà còn ra lệnh phải canh phòng cẩn mật không cho "chúng nó" trộn hai hũ cốt vào nhau. Chúng nó ở đây là các con bà hai. Quả thật ghen mà lãng mạn như thế thì hết ý.

3. Ghen bóng gió:

a) Theo kiểu "Ghen" của nhà thơ Nguyễn Bính.

Ghen như thế này thì thật là ích kỷ vì muốn độc quyền sở hữu đến suy nghĩ và giấc mơ.

b) Một trường hợp ghen mù quáng nữa trong văn học. Đó là anh chàng Othello trong một truyện mang cùng tên của Shakespeare. Othello đã bị Iago gài bẫy làm anh ta nổi ghen và giết vợ mình là Desdemone, người đàn bà hiền lành dễ thương, không hề có ý tưởng phản bội. Sau đó Othello phát hiện là đã bị gài bẫy nên vô cùng hối hận và đã tự sát.

c) Ông chồng từng du học ở Châu Âu về, bà vợ làm việc ở một cơ quan. Hai người có với nhau một đứa con gái 4 tuổi, xinh xắn. Đang sống trong hạnh phúc, bà vợ may mắn được cơ quan đề cử qua Mỹ tu nghiệp 3 tháng cùng với một nam đồng nghiệp nhưng nhỏ hơn bà vợ 5 tuổi. Anh chàng đồng nghiệp này cũng có vợ con đàng hoàng.

Anh chồng không chịu, đến cơ quan vợ, đề nghị cử người khác đi thay, nhưng không được. Ông chồng bắt vợ nghỉ việc ở nhà, bà vợ dĩ nhiên không chịu.

Bà vợ đành nhờ hai bên gia đình nội ngoại can thiệp, khuyên bảo. Cuối cùng chồng cũng để vợ đi du học. Nhưng suốt 3 tháng bà vợ ở Mỹ, ông chồng như ngồi trên lò lửa. Lúc nào anh cũng nghĩ chắc hẳn giờ này vợ mình đang dung dăng dung dẻ với tay đồng nghiệp trẻ trung kia.

Khi vợ về, thay vì mừng đón, ông chồng đóng cửa vặn hỏi, ngày đêm tra khảo. Bà vợ hết sức thanh minh, nhưng chồng vẫn một mực không tin. Ông chồng còn tìm đến anh chàng đồng nghiệp kia gây sự. Cả cơ quan vợ anh ầm ĩ lên vì chuyện ghen tương này khiến cô gặp ai cũng ngại. Sau cùng bà vợ xấu hổ quá không chịu đựng nổi, viết đơn ra tòa xin ly hôn.

d) Trong thời gian yêu nhau chàng trai thật lòng kể cho người vợ sắp cưới nghe thuở học trò đã có yêu một cô bạn gái có tên là Kim Chi. Sau đó phải chia tay vì cô bạn gái ấy được gia đình cho đi nước ngoài du học, rồi ở lại làm việc và lấy chồng nước ngoài. Người vợ tương lai của anh chàng này không nói gì. Sau ngày đám cưới, hai người về sống chung, bà vợ tuyên bố cấm ông chồng ăn món kim chi của Hàn quốc và loại món này ra ngoài thực đơn của gia đình.

e) Từ khi kết hôn, anh ấy suốt ngày tra hỏi vợ là đã yêu ai trước anh ấy chưa, có ai đụng tay đụng chân gì không. Anh ấy không cho vợ đi làm và cấm liên hệ với bạn bè cũ, nhiều khi còn dùng vũ lực hành hạ. Ban đầu, người vợ nghĩ anh ấy quá yêu vợ nên mới ghen như thế. Nhưng rồi, càng ngày người vợ càng không thể chịu nổi khi anh ấy vu oan cho vợ đã ăn nằm với một người bạn cũ. Anh ấy nghi ngờ mọi việc người vợ làm.Trước những trận đòn hành hạ, chị vợ đã tìm đến những người thân trong gia đình chồng nhưng không cải thiện được tình hình. Sau hai năm chịu đựng, chị ký đơn ly hôn bỏ về nhà mẹ đẻ.

f) Một anh thợ hồ 37 tuổi, đến sửa nhà cho một đôi vợ chồng trẻ. Bà vợ cũng có chút nhan sắc. Anh thợ hồ thích bông đùa, nhè đâu bà vợ thấy anh thợ hồ vui tính hưởng ứng cũng bông lơn qua lại. Ông chồng nổi cáu la bà vợ. bà vợ không những không thôi còn bảo: "Xời ơi người ta nói chơi cho vui vậy mà". Ông chồng thì không vui chút nào. Trưa đó, ông chồng kêu ông thợ hồ qua nói chuyện, rồi thủ một con dao trong mình. Ông thợ hồ vừa qua tới, ông chồng đâm tới tấp nhiều nhát vào chàng thợ hồ, anh này ngả lăn. Bà vợ thấy vậy nhào vô can, ông chồng trở mũi dao đâm bà vợ cũng không biết mấy nhát. Bà vợ cũng ngả lăn. Ông chồng quay lại tự đâm vào mình. Ba người được đưa vào bệnh viện. Kết cuộc chỉ mình ông chồng còn sống.

g) Hai vợ chổng đã ngoài 50, con cái học hành giỏi giắn thành đạt. Mấy năm gần đây chị vợ tự nhiên nghi chồng chị đã mê mẩn một em xinh xinh nào đó. Chị không cho chồng xem hình ảnh các người mẫu xinh đẹp ở kênh thời trang. Chị cũng không cho ông chồng xem phim Hàn Quốc vì ông chồng cứ mải khen cô diễn viên Lee Seung Yun quá đẹp. Chị không cho chồng mặc quần áo hiệu. Bao nhiêu quần áo mới may, chị bằm nát như tương. Mổi lần anh đi đâu về chị hỏi ngay, "Đi với con nào". Có lần bà nổi máu ghen, lấy dao cắt một đường dài phần sau yên xe máy để "không cho con nào ngồi được". Bà bắt ông chồng về hưu sớm. Ông chồng cũng chìu bà và đồng ý ở nhà mở tiệm bán tạp hóa. Bà ngồi canh như canh tù. Khách hàng nữ nào cười cười, nói nói, đưa mắt với chồng là chị lại lườm nguýt, chửi toáng lên. Nếu tối nào ngủ bất ngờ được ngủ say là y như rằng, sáng dậy chị bù lu bù loa, bảo chồng lừa cho chị uống thuốc mê để trốn đi với gái.

Gia đình phải dụ dỗ đưa đi khám ở bệnh viện tâm thần, bác sĩ kết luận chị bị tâm thần dạng nhẹ, phải điều trị mấy tháng. May là chị chưa gây ra điều gì nghiêm trọng.

h) Chuyện của một ông Bình Tân (TPHCM) quả là đau đớn. Vợ ông cũng là người mắc bệnh ghen tương hoang tưởng. Hễ thấy ông ra khỏi nhà là bà vợ giữ xe lại, hỏi tới hỏi lui rồi mới cho đi.

Có lần bà bắt gặp ông đang chỉ đường giúp một cô gái, không cần biết đầu đuôi ra sao, bà lao tới, la hét rằng bắt được quả tang ông đang... trả giá với cave. Không những thế, bà còn thuê thám tử theo dõi ông. Đỉnh điểm của cơn ghen là không biết bà lừa ông như thế nào mà biến ông thành một họan quan.

i) Một trường hợp bị ghen oan uổng. Ông chồng đi làm vể thấy một ông bạn thân của mình ăn mặc đàng hoàng đang đứng như trời trồng, còn bà vợ mình thì đang gục đầu vào ngực anh bạn đó. Thế là ông chồng la toáng lên, sử dụng toàn từ ngữ dao to búa lớn. Bà vợ phải thanh minh thanh nga hết lời. Hóa ra là thế này. Ông bạn lâu ngày không gặp tình cờ đến thăm và cố canh đúng giờ tan sở để gặp ông chồng. Trước khi đến áo ông bạn bị long một cái nút ở ngực. Bà vợ thấy vậy kêu anh bạn đứng gần lại để đính giùm nút áo, thế thôi. Vừa xong cũng vừa lúc ông chồng về đến và cùng lúc đó bà vợ đang dùng miệng cắn cho đứt sợi chỉ vừa khâu xong. Vì là loại chỉ tốt nên bà vợ cắn mãi sợi chỉ mới đứt. Đó là lý do ông chồng về thấy bà vợ gục đầu vào ngực anh bạn mình hơi bị lâu.

4. Ghen giả tạo

Một ông chồng nhỏ con, dung nhan không có gì hấp dẫn, chữ nghĩa chẳng là bao thế mà mỗi lần ông đi nhậu với bạn bè về bà cứ mè nheo hỏi đi hỏi lại: "Hôm nay ông đi với con nào vậy?". Ông chỉ biết trả lời nhỏ nhẹ. "Bà ồn ào quá, đi nhậu với anh Ba, anh Tư chứ con nào đâu". Thực sự ai cũng biết chắc chắn rằng bà này đóng kịch, ý muốn khoe ông chồng còn ngon cơm ra đường cũng còn đào hoa lắm, và bà cũng còn yêu ông ấy ra rít theo cái kiểu có yêu mới ghen. Ông bạn tôi vẫn hay than thở: "Tôi mệt bả quá, nói chuyện câu thứ hai qua câu thứ ba là cãi lộn. Bả cứ nói tui vẫn còn nhớ mấy con nhỏ hồi còn đi học". "Mấy con nhỏ" ở đây là mấy cô bạn hồi thời còn ở bậc trung học, hiện nay họ đều có gia đình và sống ở nước ngoài. Thỉnh thoảng họ về thăm quê nhà, thường tạt qua thăm gia đình anh bạn cũ nhỏ thó năm xưa, và tặng vài thỏi sô cô la. Thế mà bà vợ cũng nghiến răng nhiếc móc: " Ăn mấy viên kẹo đó đi rồi đứt gân máu mà chết".

IV.- Hóa giải cơn ghen: Thất ra không có liều thuốc gì, hay biện pháp nào cắt đứt được cơn ghen đang bùng nổ, nhưng theo tôi có thể chận đứng những nguyên nhân dẫn đến chuyện ghen tương.

1. Nguyên nhân:

a) Yêu mới ghen? Xin đừng suy ra rằng yêu là nguyên nhân của ghen.

Chúng ta vẫn thường nghe mọi người nói "có yêu thì mới ghen". Thật ra, cũng đúng một phần, nhưng đây là một lối yêu mù quáng không còn phân biệt điều hơn lẽ thiệt. Đã yêu mù quáng thì thường dẫn tới cái ghen hoang tưởng như cái ghen trong bài thơ của Nguyễn Bính.

Một số người cho rằng người vợ, hay người chồng phải biết ghen mới làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của cuộc sống hôn nhân, và thể hiện cụ thể tình cảm yêu thương của vợ chồng. Nói như vậy, nhưng các ông, các bà đó không xác định sự chịu đựng đối với cơn ghen của người kia đến mức độ nào, để người kia biết mà dừng lại đúng mức. Thay vì tặng cho tình địch một lon axít, người kia sẽ dừng lại ở định mức nửa lon thôi hay sao? Thực sự, cơn ghen ghê gớm lắm. Xin đừng xem cơn ghen của người phụ nữ hay của một người đàn ông là để tô điểm tình cảm vợ chồng thêm mặn mà.

Một trường hợp không yêu cũng ghen. Cặp vợ chồng đã ly dị, người vợ đi lập gia đình với người đàn ông khác. Ông chồng cũ nổi ghen chém bà vợ cũ của mình. Thế là ông chồng cũ vào nhà lao nghỉ mát. Như vậy ghen không phải là dấu hiệu của tình yêu.

Như trong phần định nghĩa đã nói, ghen là một "phẩm chất" tồn tại khách quan trong một con người nào đó. Như vậy, bản tính ghen có thể là có, cũng có thể là không ở mỗi con người. Có người nói đàn bà ghen là chuyện đượng nhiên vì họ là… đàn bà.

Trong Truyện Kiều, Hoạn Thư đã tự biện hộ khi bị dẫn ra để Thúy Kiều xét xử:

"Rằng tôi chút phận đàn bà.
Ghen tương thì cũng người ta thường tình"

Hoạn Thư đã sử dụng cái Tam đọan luận "Đàn bà ai cũng ghen, Hoạn Thư là đàn bà, vậy Hoạn Thư ghen là chuyện bình thường" mà được tha cho khỏi phải tội chết. Tuy nhiên, vế đầu của Hoạn Thư "Đàn bà ai cũng ghen" không được chính xác. Ngày nay chúng ta cũng biết đàn bà có người không ghen, rồi đàn ông cũng ghen. Tam đoạn luận này đã bị hỏng. Một tam đoạn luận gọi là chính xác như câu: "Người ta ai cũng chết, Socrates là người, Socrates phải chết."

Nguyên nhân của tình trạng ghen tương này xuất phát từ sự thiếu tự tin. Một số người mắc chứng tâm thần hoang tưởng, lúc nào cũng ngỡ mình bị bạn đời lừa dối. Như vậy, lời biện minh ghen do vì yêu quá nên ghen không đứng vững.

b) Các tình huống dẫn đến ghen tương.

Trong sinh họat gia đình, có rất nhiều tình huống nếu không khéo léo có thể tạo ra ghen tương". Muốn hóa giải cơn ghen thì không nên tạo ra những tình huống này. Sau đây là một số tình huống tiêu biểu:

(1) Khi sử dụng điện thọai .

Ngày nay ai cũng có điện thọai di động. Trong nhà, mỗi khi có điện thoại reo, một người trả lời, người kia có thể đang theo dõi cuộc đối thoại. Nhưng nếu người trả lời tỏ ra không muốn cho người kia nghe bằng cách vào phòng riêng hay ra một chỗ khác để trả lời điện thoại, điều này sẽ làm cho người kia cảm thấy tự ái bị va chạm, rồi phát sinh chuyện nghi ngờ. Đúng ra, nếu quan niệm một cách phóng khoáng, người kia có thể coi như bình thường không quan tâm đến chuyện riêng tư của người khác, dù là vợ chồng.

(2) Ăn mặc:

Một trong hai người nghĩ rằng có vợ hoặc có chồng rồi ra đường ăn mặc đơn giản, nhưng người kia thường thường có bộ cánh hết sức chải chuốt, diêm dúa. Nếu là người vợ thì có phần làm bắt mắt người khác, và nếu là ông chồng thì quá tươm tất còn thêm mùi nước hoa ngào ngạt. Sự kiện này thường tạo ra một khoảng chênh lệch giữa hai người, tạo ra một mặc cảm tự ti đối với người ăn mặc giản dị, rồi nghi ngờ lòng chung thủy của người kia. Có phải người kia muốn cho thiên hạ thấy rằng người đi bên cạnh có tư cách hèn kém, không xứng đáng với người kia?

Tuy nhiên người giản dị cũng không nên giản dị quá đâm ra xuềnh xoàng làm giảm đi cái mỹ quan.

(3) Khen ngợi một người bạn.

Tình huống này có thể xảy ra cho cả hai phái nam và nữ. Trong một gia đình người vợ thường hay khen ngợi một người bạn trai về một lãnh vực nào đó. Dù rằng người bạn trai này đã có vợ con đàng hòang, nhưng không khỏi làm ông chồng cảm thấy tự ái cho rằng khi vợ khen một người đàn ông khác có nghĩa là ông chồng mình phải thua anh chàng kia. Rồi chính bản thân ông chồng cũng thấy mình "tệ" hơn người kia. Niềm tự ái lớn dần và chuyện ghen tương ầm ĩ chỉ còn là vấn đề thời gian để bùng phát.

Trong khi đó ở một gia đình khác, người đàn ông thường khen một cô bạn đồng nghiệp đã có chồng. Nào là cô ấy nói chuyện rất khéo, giọng nói êm đềm, ăn mặc không cầu kỳ nhưng sang trọng! Đến một lúc nào đó, chỉ có ông trời mới ngăn được bà mở hết loa phóng thanh: "Ừ tôi nói chuyện vụng về, ừ tôi chanh chua, ừ tôi ăn mặc lôi thôi như con đầy tớ? Ông đi mà ở với nó". Thế là trái bom ghen đã bùng nổ do sự không tế nhị của ông chồng.

(4) Đột ngột thay đổi quy luật sinh hoạt :

Ông chồng đột nhiên thường hay đi làm về trễ, có khi lại về rất khuya. Điện thoại lại khóa, vợ không gọi được. Âm thanh ò í e trong máy rất dễ làm cho người ta điên tiết. Hôm nào về không có mùi rượu thì ông chồng lý giải rằng sếp bàn việc nhiều quá. Nào là vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng vấn đề kinh doanh của công ty, nào là vấn đề phát triển kinh tế vỹ mô vv... Tội nghiệp mấy bà vợ nghe nói đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì nghĩ là vấn đề trầm trọng đây. Nhưng các ông đừng vội đắc thắng. Các bà bắt đầu đặt vấn đề theo dõi áp sát đối phương rồi đó.

Đối với người vợ khi đột ngột đi sớm về trễ, hoặc tự ý rời nhà nói rằng để đi chơi với một đồng nghiệp nữ. Ông chồng dễ dàng nghi vấn và từ đó có thể phát sinh chuyện ghen tương. Nhưng trên thực tế có những bà vợ chỉ thích đi chơi hay shopping với các bạn đồng phái khác.

(5) Tiền bạc không chứng minh rõ ràng :

Trong quá trình chung sống của đôi vợ chồng cùng nhau xây dựng tương lai, người này biết rõ khả năng thu nhập của người kia để cùng nhau gây quỹ tiết kiệm. Bất ngờ một trong hai người nhất là về phía ông chồng, tự nhiên sự đóng góp ngày càng ít. Bà vợ hẳn nhiên phải nghi ngờ. Tiền lương tiêu hao nhanh chóng. Hỏi ra thì ông nói phải chiêu đãi sếp này sếp nọ. Người vợ biết chắc chắn rằng không có việc gì phải chiêu đãi hoài như vậy. Sự nghi ngờ ngày càng lớn và dễ dàng dẫn tới ghen tương.

Về phần người vợ, nếu có xảy ra tình huống mất khả năng đóng góp sẽ không thể nào dấu diếm được. Đây là nguyên nhân rõ rệt dẫn tới ghen tương. Chắc nhiều người còn nhớ chuyện một bà nọ sử dụng công quỹ mua nhà cho một kép hát cải lương tuổi đã về già.

(6) Vết tích lạ còn lưu lại khi về đến nhà.

Như ở trên đã đề cập khi nói đến biểu hiện cơn ghen do bà vợ phát hiện những vết tích như vết son trên áo, mùi nước hoa xa lạ, mẫu giấy ghi tin nhắn của người kia… Thực sự đây là nguyên nhân dẫn đến cơn ghen. Hầu như rất ít người phụ nữ nào thấy áo chồng mình có vết son, hoặc có mùi nước hoa xa lạ mà không nổi nóng. Cái nguyên nhân này còn mang ý nghĩa thách thức của ông chồng, xem thường người vợ mình. Cái ý nghĩ đó mới làm bà vợ căm tức và nổi ghen.

Như vậy, qua một số nguyên nhân dẫn đến ghen tương nói trên, người ta thấy nếu vợ chồng khéo léo xử sự không để những nguyên nhân trên đây xuất hiện, có lẽ ghen tương cũng khó mà có đất sống. Hạnh phúc gia đình mới bền vững.

2. Chuẩn bị ban đầu:

Đây là một phương pháp hóa giải từ xa. Chuẩn bị ở đây là sự tìm hiểu giữa hai người trong giai đoạn tiền hôn nhân tức là ở vào "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Tuy nhiên trên thực tế hai người khó mà tìm hiểu lẫn nhau được bao nhiêu. Ở thời kỳ yêu nhau hai người nam nữ thường cùng nhau thệ nguyện "ta sẽ yêu nhau trọn đời…" Nhiều khi anh chàng còn dặm thêm một gam màu rực rỡ "anh sẽ săn sóc em và mãi mãi trung thành với em". Cô nàng cũng không kém: "Em sẽ thương anh, và theo anh đến tận chân trời góc biển". Thuở ban đầu hứa hẹn, thề nguyền với nhau như vậy đó, nhưng năm mười năm sau của thời kỳ chung sống, không biết hai người có còn nhớ những gì mình đã hứa đã thề nguyền hay không?

Trong quá trình yêu nhau, chắc chắn cũng có một vài nguyên nhân dẫn đến ghen tương, người này có chịu đựng cơn ghen của người kia không, có thể hóa giải được không. Nếu thấy rằng không chịu được, không hóa giải được thì phải chia tay sớm. Không nên chủ quan tin rằng sau này cưới nhau người này sẽ nói với người kia để cùng thông cảm. Hậu quả cho sự chủ quan này sẽ không nhỏ. Nên chuẩn bị cẩn thận để dứt khoát ngay từ đầu. Thà rằng chia tay vì "không hợp nhau" trong giai đoạn yêu nhau, chứ không nên để sau này ly dị rồi mới biện minh với bạn bè là "không hợp nhau".

Auguste Forel nói: "Thà rằng có người chồng không trung thành còn hơn là có người chồng hay ghen. Vì người chồng không trung thành còn có thể giữ được hạnh phúc với vợ. Còn người chồng hay ghen luôn luôn biến gia đình thành Hỏa Ngục" và ông cũng nói: "Người vợ càng ghen càng không thể nào sửa đổi được người chồng, mà trái lại còn gây ra những cảnh hỗn loạn mà kết cuộc là đầu độc đời sống chung cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn.

Trong giai đoạn chuẩn bị này cần phải hình dung đến cuộc sống hôn nhân mà hình ảnh hai người sẽ đóng vai trò người chồng và người vợ trong gia đình sẽ như thế nào. Ở đây xin đặc biệt lưu ý đến hình ảnh người chồng.

Đàn ông thường có hai dạng, một dạng chậm chạp, khép kín, chân chỉ hạt bột, vợ đặt đâu, chồng ngồi đấy. Bất cứ chuyện gì ông chồng này cũng thành khẩn khai báo, nếu có sai xin vợ khoan hồng. Một dạng đàn ông khác là năng động, tháo vát, có kiến thức, dễ hòa nhập vào xã hội. Nếu người phụ nữ muốn chọn ông chồng ngoan ngoãn sẵn sàng nghe lời vợ sai bảo như ở dạng thứ nhất, thì yên tâm lo kiếm sống không bao giờ cần nghĩ tới chuyện ghen tương vì đã có được ông chồng trung thành, cúc cung tận tụy, thành khẩn nghe lời giáo huấn của bà xã. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội hiện đại số người phụ nũ thích có ông chồng theo kiểu này chắc không nhiều. Vậy thì nếu bạn nữ nào muốn có ông chồng tháo vát lịch thiệp, năng nổ... thì phải chấp nhận năm ăn năm thua. Nếu bản tính năng động đó của ông chồng thăng hoa, tức là phát triển theo chiều hướng tích cực, người đàn ông đó sẽ đối xử với gia đình vợ con một cách hoàn hảo. Mọi sự tiếp xúc với phụ nữ ngoài xã hội, chắc chắn phải có, nhưng đối với "típ" đàn ông này, là "rủ sạch nợ trần" không để trách nhiệm dây dưa gì cả. Nhưng nếu bản tính đó thoái hóa, tức là theo chiều hướng tiêu cực, người đàn ông đó sẽ trở thành kẻ lăng nhăng vô trách nhiệm. Giải pháp tan hàng cũng khó tránh khỏi cho trường hợp này.

V.- Tổ chức cuộc sống hôn nhân.

Để hóa giải những cơn ghen hay chặn đứng nguyên nhân dẫn đến ghen tương, chúng ta nên quan tâm đến các vấn đề sau:

1. Thực sự tôn trọng lẫn nhau. Đối với nhiều cặp vợ chồng, sau đám cưới, ông chồng coi như cưới được vợ rồi, tức là đạt được mục đích, nên xem vợ là một người coi sóc gia đình. Người vợ vừa phải đi làm việc, vừa phải sắp xếp thời gian để làm mọi công việc nhà như một "ô shin". Người chồng không hề quan tâm tới. Thực sự công việc nhà rất nhiều. Người chồng phải quan tâm, đỡ đần công việc nhà với vợ nếu như không có khả năng thuê người làm.

Có cặp vợ chồng đã tan rã nhanh chóng sau đám cưới một thời gian ngắn, chỉ vì ông chồng trẻ vẫn còn mải theo bè bạn đêm nào cũng nhậu nhẹt say sưa về đến nhà khuya lơ khuya lắc, bà vợ ngồi chong đèn chờ đợi mỏi mòn. Bà vợ quá sức chán nản cái cảnh đêm đêm làm "người vọng phu". Quý ông nào đã từng nếm cảnh "đêm chong đèn ngồi nhớ… vợ" chắc sẽ rất thông cảm với quý bà trong trường hợp này.

Quan niệm chồng chúa vợ tôi, và nữ trung hào kiệt không còn phù hợp trong một xã hội phát triển. Trong nhiều gia đình người chồng nắm toàn bộ vai trò quyết định. Tại sao không để người vợ quyết định trong phạm vi và khả năng hiểu biết của mình. Có nhiều gia đình, bà vợ nắm nguồn kinh tế gia đình, thường nắm luôn quyền quyết định mọi việc. Quý bà cũng không nên kềm hãm tinh thần tự quyết và ý chí tiến bộ của đức ông chồng.

Cũng có những người đàn ông quá tự mãn cho rằng chỉ có ông mới là người đem lại cuộc sống hạnh phúc cho bà, rồi ung dung tự tại xem thường vợ, tự cho mình là kẻ ban ơn, tự cho mình có quyền hạn đối với bà vợ, rồi cấm cung không cho vợ tiếp xúc bất cứ một người đàn ông khác. Thực ra, có một triết gia đã nói "không ai tắm hai lần trong một dòng nước". Các ông không nghĩ rằng nếu ông Tơ bà Nguyệt trước kia không xe duyên bà với ông mà lại xe duyên với một người đàn ông khác biết đâu bà ấy có thể giàu có và hạnh phúc hơn là sống với ông nhiều. Mặt khác, đàn ông cần phải có trách nhiệm đảm bảo tương lai cuộc sống của người phụ nữ, vì người phụ nữ đã phải từ giã cha mẹ anh chị em để vĩnh viễn đi theo người đàn ông về sống trong một môi trường xa lạ.

Cũng xin đừng miệt thị lẫn nhau. Có trường hợp một ông chồng giữa đám đông bè bạn và trước mặt vợ mình, chê bà vợ nấu ăn dở quá và nói rằng ông ấy phải ăn là ăn giùm bà ấy không lẽ đổ cho con tô tô ăn. Nhiều ông không bao giờ đề cao, hay khen vợ mình trước mặt bè bạn. Tương tự, nhiều bà cũng hay chê ông chồng giữa đám đông xa lạ, hay bạn bè, nào là ông ấy cù lần, nào là ông ấy rù rù rờ rờ... không hề biết khen một câu để cho ông chồng kiếm một bàn danh dự.

Cũng có nhiều đàn ông còn sót lại quan niệm phong kiến, cho rằng đàn ông có quyền "năm thê bảy thiếp", cho nên có vợ rồi vẫn còn ham đèo bồng. Có ông còn nói "Tôi lấy vợ lẻ để cho bà lên làm vợ cả không sướng sao? Chuyện ghen tương trong gia đình sẽ không bao giờ xảy ra nếu quý ông đó biết "khắc phục" được cái máu phong kiến đó. Khôi hài nhất là các quý ông đó lại bắt bà vợ phải "chính chuyên một chồng", tuyệt đối không cho bà tiếp xúc một người đàn ông nào khác.

Có tôn trọng lẫn nhau sẽ làm tăng thêm thời gian khăng khít của hai vợ chồng. Khi không có khoảng xa cách nhau, nguyên nhân cho việc ghen tương khó xuất hiện.

2. Thành thực với nhau. Vợ chồng nên đối xử thành thực với nhau càng nhiều càng tốt. Sự thành thực không thể nào đạt đến mức tối đa 100%, nhưng hai vợ chồng phải hạn chế việc nói dối đến mức có thể được. Không ai bắt một trong hai người phải thật thà khai báo việc gì có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc hai người. Ví dụ trên đường đi làm việc người vợ hay người chồng gặp lại người yêu thời đi học. Thôi thì việc hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện dăm ba câu gì đó rồi chia tay không việc gì phải về báo cáo lại cho người kia biết. Nên luôn luôn tự hỏi người này đã tỏ ra thành thực với người kia đến mức độ nào, để rồi phát huy.

3. Tin tưởng nhau. Hai vợ chồng "hãy tin nhau như chưa tin lần nào". Không nhất thiết phải là tuyệt đối, nhưng cứ tạm tin để có hạnh phúc. Mọi gian dối, nếu có tự nhiên dần dần xuất hiện. Niềm tin tưởng lẫn nhau của đôi vợ chồng là niềm an ủi rất lớn để hai người có nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Nếu người vợ vẫn vững tin rằng ông chồng luôn giữ những điều khoản cam kết trong thời kỳ tiền hôn nhân, tức là thời kỳ yêu nhau trước khi đi đến đám cưới. Như vậy ông chồng vẫn là của mình, không mất mát đi đâu cả.

Mỗi khi ông chồng nêu lý do này lý do nọ để đi sớm về trễ người vợ hãy tin chắc rằng ổng có thể đã "xạo" hết tám chục phần trăm. Cái khéo của người vợ là cứ tin là thật bởi vì ông chồng có thể bị bắt buộc phải nói dối. Không bao giờ có một ông chồng nào lại thành thật khai báo với vợ là đi bia ôm. Thử hỏi, và trên mảnh đất này có bao nhiêu đàn ông lành mạnh chưa hề biết đến bia ôm. Số lượng chắc chắn không quá đầu ngón tay.

Trong một môi trường mà người đàn ông có quá nhiều điều kiện dễ dàng tíếp xúc với phụ nữ, người vợ ở nhà nên tin tưởng ở bản lĩnh của ông chồng và nên thường xuyên nhắc nhở ông chồng về lời cam kết với nhau ban đầu và đừng bao giờ để "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Tương tự, ông chồng nghe bà vợ nói chiều nay đi tiếp khách, ông chồng cứ vui vẻ ở nhà lo bữa ăn tối cho mình và cho con cái. Rửa bát đĩa luôn càng tốt. Xin đừng nói rằng lấy "quyền làm chồng" để bắt buộc bà vợ phải ở nhà. Quý ông nên hết sức tin vào bản lĩnh của người vợ.

4. Thương yêu nhau. Dĩ nhiên phải thương yêu nhau thật lòng mới có thể sống chung với nhau trong một mái ấm. Có thương yêu nhau người này có thể tha thứ cho người kia về mọi sai trái người kia mắc phải. Có thương yêu nhau về già người này sẽ thấy không thể thiếu người kia.

5. Ân cần chăm sóc nhau: Quan tâm lẫn nhau về mọi vấn đề, nói một cách cụ thể, từ miếng ăn, giấc ngủ, sức khỏe, tình trạng công tác. Nếu cả hai cùng đi làm việc, cần phải quan tâm lẫn nhau cùng nhau đề phòng tình trạng stress. Tất cả vấn đề liên quan đến sức khỏe của một người, người kia phải hết mực quan tâm để khuyến khích điều trị đúng mức. Mỗi người nên thường xuyên đặt câu hỏi có quan tâm đầy đủ đến người kia không?

6. Đối xử dịu dàng với nhau. Một chứng bệnh chung cho nhiều gia đình là vợ chồng con cái thi nhau lớn tiếng dù chỉ trao đổi với nhau về những chuyện thông thường. Có khi sử dụng những từ ngữ không được thanh nhã. Riêng đối với vợ chồng, lớn tiếng dễ gây hiểu lầm là người này nạt nộ người kia rồi dễ sinh bất hòa, bất hòa thì lại lớn tiếng. Chuyện trong nhà hàng xóm đều biết. Không nên để xảy ra cảnh vợ chồng giận nhau về nhà đóng cửa ra ngoài đường nói chuyện. Nếu không có sự đối xử dịu dàng vợ chồng sẽ ít có dịp ngồi lại tâm sự, như vậy sẽ tạo ra khoảng cách, rồi càng ngày khoảng cách càng lớn dễ xảy ra xa mặt cách lòng.

7. Tự tin vào chính mình. Ông chồng phải tin rằng đối với vợ ông là người đàn ông số một, bà đồng ý để ông cưới có nghĩa là bà sẽ tuyệt đối trung thành với ông suốt đời. Không nên sợ rằng bà vợ sẽ đem ông chồng ra so sánh với những người đàn ông khác. Nhân vô thập toàn, khó mà nói được ai thắng ai. Ngược lại bà vợ cũng phải tự tin chính mình là một nữa tốt hơn mà ông ấy đã tìm được, chắc chắn không có một người đàn bà nào khác thay thế vị trí ngon lành của mình trong trái tim của ông chồng.

Có một số phụ nữ khi tuổi tác đã bước qua bên kia sườn núi của thời gian, sợ nhan sắc tàn tạ, các ông chồng sẽ chán, sinh ra mèo chuột vớ vẩn. Đây cũng là một biến tấu của ghen. Bà bèn đi cầu cứu đến thẩm mỹ viện, rồi mang bộ mặt không giống ai về trình diện ông chồng. Hầu hết các ông chồng thường bị sốc khi gặp phải cảnh này. Đây mới là nguyên nhân làm cho ông chồng mất đi mỹ cảm đối với vợ và dễ sinh ra chán nản và rồi, có khi, mâu thuẩn bắt đầu.

Các bà vợ này không biết rằng xấu đẹp còn tùy người đối diện. Vẻ đẹp riêng của mình từ "thuở ban đầu lưu luyến ấy" đã được các ông chồng khắc ghi sâu vào tâm khảm của các ông rồi. Thời gian có làm cho nhan sắc vợ mình phai nhạt, nhưng hình ảnh của bà ở trong tim của ông vẫn còn đẹp mãi với thời gian.

VI.- Kết luận

Đặt vấn đề ghen hay không chỉ là giải quyết phần nổi của tảng băng mà phải xem lại quan hệ đối xử giữa vợ chồng,qua mức độ yêu thương, niềm tin của người này dành cho người kia, sự tự tin của mỗi người vv… làm sao đạt được một chuẩn mực nào đó khả dĩ chận đứng những nguyên nhân dẫn đến ghen tương.

Trên thực tế, ghen không đảm bảo đem lại hạnh phúc gia đình mà nó thường dẫn tới những hậu quả thật đáng tiếc trong đó phải nói đến việc đáo tụng đình vì gây tổn thương cho người khác mà không có lý do chính đáng. Ngoài ra điều tai hại hơn hết là gây tổn thương rất lớn về mặt tinh thần cho đàn con cái.

Nghị lực cũng như bản lĩnh và sự chính chắn vững vàng của hai người vợ hoặc chồng là điều hết sức quan trọng trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình.     -./.


 

VVM.10.5.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .