Chỉ nguyên câu chuyện kỳ cục đó đủ đảm bảo cho tính độc đáo cúa một Haruki Murakami. Tôi đã phải hài cả tên lẫn họ của ông ta ra là vì hiện nay ở Nhật có hai nhà văn mang họ Murakami, một người là Ryu Murakami và ông ta. Không biết trong tương lai người nọ có thổi còi qua mặt được Haruki không chứ hiện giờ thì ông còn là người nổi tiếng nhất và rất …nobelisable.
Có lẽ với tình trạng hiện tại thì chúng ta khỏi cần giới thiệu thân thế sự nghiệp cũng như liệt kê danh sách những tác phẩm của Haruki Murakami ; tôi tin rằng những kẻ thích đọc sách chắc chắn không thể bỏ qua được một tên tuổi như vậy. Ngay như ở nước ta, việc dịch và phổ biến các tác giả ngoại quốc vẫn rất giới hạn nhưng Muarakami thì thoát khỏi thông lệ đó. Sách ông khá dày, việc dịch thuật đã đòi hỏi dài ngày mà nhà xuất bản thì lại cần nhiều vốn, ấy thế mà nghe nói một khi sách ông được bày lên kệ sau đôi ba hôm đã hết nhẵn, kẻ chậm chân khó hy vọng tìm mua được. Điều này tự nó cũng giải thích tại sao có khá nhiều dịch giả Việt cho một mình Haruki. Sẵn đây tôi cũng xin có thắc mắc : ngày nay các học giả, các nghiên cứu sinh, các nhà trí thức sang Nhật khá nhiều, tại sao không có ai dịch trực tiếp từ Nhật ngữ sang Việt ngữ mà phần nhiều cứ phải kinh qua các bản dịch Pháp hoặc Anh văn ? Hơn nữa, kẻ giỏi Hán văn cũng không thiếu, nếu dựa Hán văn chắc còn gần gũi chúng ta hơn là các ngôn ngữ phương tây. Hay là vì Haruki thuộc thế hệ mới, lại là nhà văn am hiểu tường tận văn hóa Tây phương nên cách viết của ông gần Tây hơn Đông ? Những thắc mắc này tôi nêu lên do chỗ không biết chút gì dính líu tới Nhật ngữ và lòng khao khát muốn học Nhật văn do bị chóa mắt bởi kho tàng văn chương đồ sộ của Nhật bản. Trở lại với việc dịch sách Haruki. Những dịch giả VN ta có thể kể : Cao Việt Dũng dịch Phía nam biên giới, phía tây mặt trời theo bản tiếng Pháp (của ai ? Phải chăng là của Corinne Atlan ? Bà này dịch khá nhiều HM) và chú thêm là có tham khảo nguyên bản Nhật ngữ ; Trần Tiến Cao Đăng dịch Biên niên ký chim vặn giây cót ; Dương Tường dịch Kafka bên bờ biển theo bản tiếng Anh của Philip Gabriel và bản tiếng Pháp của Corinne Atlan ; Trịnh Lữ dịch Rừng Na-uy theo bản tiếng Anh của Jay Rubin, một bản dịch khác do Hạnh Liên và Hải Thanh theo Alfred Birnbaum… Ngoài ra Phạm Vũ Thịnh cũng dịch và giới thiệu khá nhiều (diễn văn, truyện ngắn…) và Phạm Xuân Nguyên nữa (tôi nghe chứ chưa đọc sách nào của HM do ông dịch). Dẫn giải này tôi chép của Wikipédia.
Đọc Murakami ít ai có thể bỏ ngang. Không để mắt đến thì thôi chứ một khi đã đọc một vài giòng thì không thể ngừng lại được. Cái gì đã kéo níu chúng ta ? Tôi không biết. Nhiều thứ lắm. Tôi nghĩ, sau khi đã thử đọc một số sách cúa ông, rằng tác phẩm của ông như một dung dịch khôn khéo một cách vừa phải (đôi khi ông cũng hơi quá đà một chút) của nhà bào chế thuốc (có lẽ là thuốc bắc thì đúng hơn là thuốc tây) để công và phạt ở độ trung dung nên rất dễ tiêu thụ. Dù không giống như các nhà văn lớn khác luôn luôn nói lên một cái gì đó và toàn thể tác phẩm họ có tính nhất quán (vì sự theo đuổi miên viễn cốt minh chứng cho cái chủ đề mình ôm ấp) nơi ông cái nhất quán chỉ được tìm thấy ở phần kỹ thuật.
Khoan nói đến phần kỹ thuật, hãy nói đến tư tưởng. Trưởng thành khi ở trường học mốt hiện sinh của Jean Paul Sartre, Albert Camus đang được rao giảng, tôi chịu ảnh hưởng văn dĩ tải …triết lý khá nặng --có nghĩa là tác phẩm chỉ được xem là lớn khi nó mang theo tư tưởng triết lý, kiểu như Mythe de Sysiphe hay La Nausée . Và đương nhiên những giải thưởng văn chương lớn thường cũng lấy nó như tiêu chuẩn chính để đánh giá ; chẳng ai để tâm đến cái mục đích khiêm tốn mua vui cũng được một vài trống canh . Nhưng ngày nay hình như nhân loại sau thời kỳ dài vật lộn với các tư tưởng cao xa, nhất là các ý thức hệ chính trị, đã nhìn thấy đàng sau nó hun hút một khoảng đen ngòm đầy ảo tưởng chẳng đưa chúng ta tới đâu bèn trở nên dễ dải chấp nhận những phút mua vui ngắn ngủi. Hãy duyệt qua những khuôn mặt lớn của thế hệ văn nhân ngày nay rồi chúng ta rõ ngay đấy mà. Ngoại trừ số nạn nhân của các chế độ chính trị còn sống sót như Soljénitsyne, như Kundera, như Cao Hành Kiện… các nhà văn tây phương chỉ còn ngồi kể chuyện tầm phào, từ Mỹ sang Anh qua Pháp. Cái nhà ông Paulo Coelho xứ Ba-Tây ấy viết thật nhiều, cũng khá nổi tiếng nhưng thú thật tôi đọc không vô mà cũng chẳng thấy những cái thèses của ông ta hay ho chỗ nào. Bên Anh có ông Salman Rushdie gốc Ấn độ, viết cuốn The satanic verses thiếu chút nữa bị xin tý huyết. Ở Pháp ông Michel Houellebecq khá nặng nề về tư tướng nhưng một mình ổng một cõi không thể coi như phản ánh chung cho một thế hệ văn nhân ; số còn lại chỉ nhảm nhí chuyện vật dục, chắng hạn một François Weyergan được mấy ông hàn Goncourt chấm đỗ nhờ cuốn Trois jours chez ma mère chỉ rặt kể chuyện ngủ với gái. Ở địa hạt này, Philip Roth còn cừ khôi hơn nhiều. Hay một John Irving dám đẩy câu chuyện xác thịt tới chỗ gây tai họa động trời : nàng đang đóng trò Lewinsky với người tình học trò (bà Nguyễn thị Hoàng ngày xưa chưa đi tới đó) bị ông chồng (vô tình) lái xe húc tới khiến nàng bị sốc nghiến răng cắn đứt luôn một phần cúa chàng trong miệng! Trái lại, kế những câu chuyện vô thướng vô phạt mà quyến rủ được người đọc như Murakami thì hiếm lắm. Cái đó thuộc về kỹ thuật, kỹ thuật dàn dựng, chi tiết ly kỳ. Ly kỳ mà không bị xem là hoang đường, cái ấy mới lạ. Thì ra loài người lâu đời vẫn ham trò ảo thuật.
Nhưng xin đừng tưởng bỡ. Nhà văn Nhật của chúng ta là tay sành điệu kể chuyện chăn chiếu. Ông kể vanh vách, thắng tuột, tươi rói mà không hề đỏ mặt. Đâu có gì lạ : đó là một của những tính chất quan trọng trong phương cách xây dựng truyện nơi ông. Chất kỳ bí, chất viễn mơ, chất lãng mạn thơ mộng cộng với cuồng bạo thể xác làm nên dấu ấn Murakami. Như tôi có nói ở trên, nhờ khéo tay pha trộn với độ chừng mực, Murakami không làm khó chịu người đọc mà chỉ khiến y háo hức : chẳng hạn trong Phía đông biên giới, phía tây mặt trời người ta theo dõi mối tình dài hơi và kín đáo giữa cô bé Shimamoto-san dịu dàng cùng cậu Hajime của tuổi 12. Cậu ta ngó vậy mà không phải tay vừa, cứ lâu lâu thì lại bỏ lề bên phải mà bước sang bên kia đường, xem thường qui luật ; thế nhưng bên tai cậu tiếng hát Nat King Cole trong South of the border vẫn văng vẳng theo cậu gần hết cuộc đời đến độ khi đã lập gia đình tạo nên sự nghiệp vật chất, cậu vẫn cứ tương tư cô bé đầu đời để hễ trông thấy ai có bộ đi khập khiểng (boiter/boiteuse) là cậu theo tới cùng, nhìn mặt xem có phải là nàng Shimamoto xưa không. Cho tới khi nàng tái hiện thì cậu tung bê tất, sự nghiệp, vợ con. Murakami đã khéo đạo diễn, tạo ra nhiều tình tiết thơ mộng từ việc cô bé trịnh trọng lau chiếc đĩa hát lúc hai người còn niên thiếu cho đến ngày nàng trở lại thăm chàng nhiều lần trong quán cà phê ca nhạc của chàng và đẩy câu chuyện đến độ cao tuyệt đỉnh khi nàng tặng lại chàng đĩa hát cũ. Những hành động lãng mạn ấy đã chuẩn bị tinh thần cho người đọc nên khi hai nhân vật truyện rủ nhau về ngôi nhà nghỉ hè của chàng giữa đêm khuya ta sẵn sàng cho phép họ làm bất cứ điều gì dù táo bạo đến đâu đi nữa. Đấy là kỹ thuật làm nhòa bức tranh quá sống sượng và là của một tay nghề cao ! Trong cuốn truyện khác, cuốn Kafka bên bờ bể cái ởm ờ của tác giả được thể hiện theo cung cách khác. Sử dụng kỹ thuật đánh bài lận giữa mơ và thật, giữa ý thức và vô thức, ông đã ngang nhiên tạo những mối tình lăng loàn (inceste) giữa mẹ và con, giữa chị và em mà người đọc đành chấp nhận không dám vùng vằn ! Ông nhận giải văn chương Kafka nhờ cuốn này.
Cờn tính chất kỳ bí ? Trong mọi truyện của Murakami độc giả luôn luôn bắt gặp chất hoang đường này (ngay trong những truyện ngắn dăm trang), phải chăng là cách thêm mắm dặm muối cho món ăn của tay đầu bếp độc đáo ? Mặc dù đã thanh minh rằng mình là kẻ sống rất thực tế nhưng dường như Murakami cũng có một niềm tin nào đó mà đôi khi ông thử lập chứng qua miệng các nhân vật truyện, thí dụ lão già ngớ ngấn (tôi quên tên) trong Kafka bên bờ bế đã triết lý : ngay cả những gặp gỡ tình cờ cũng có những liên hệ móc nối từ tiền kiếp (même les rencontres de hasard sont dues à des liens noués dans des vies antérieures -bản dịch của C. Atlan)
Tuy nhiên nếu không nhắc tới khung cảnh thơ mộng, những tình tiết lãng mạn nơi Murakami thì quả chúng ta đã đánh mất một đặc trưng lóng lánh hào hoa nhất của ông. Nét đẹp kỳ thú trong sách ông có thể nói gồm những trang viết về tình yêu, những phân tích tinh tế đậm đặc chất yêu thương, những mang mang sầu muộn trước mất mát và tuyệt vọng. Bức thư Kumiko gứi cho chồng khi nàng bỏ nhà ra đi tuy giọng điệu làm ra cứng rắn mà thấm đẫm một thứ ai oán của hoàn cảnh oái oăm ; cuộc đối thoại bằng máy vi tính cũng vậy. Đối với kẻ viết bài này thì cuốn sách ngắn (so với những cuốn tràng giang đại hải khác của ông) Phía đông biên giới, phía tây mặt trời có độ xây dựng cân xứng tuyệt đẹp.
Người ta xếp Murakami vào loại các tác giả có khuynh hướng văn chương hậu hiện đại. Tôi không phải là nhà phê bình văn học lại cũng không đủ sức hiểu thế nào là post-modernisme trong nghĩa chuyên môn của nó nhưng tôi vẫn cứ tin bừa rằng việc xếp loại văn học đó có chỗ gượng ép, ít ra là với Murakami. Khá nhiều các nhà văn Mỹ cũng được xem là theo khuynh hướng này nhưng giữa một Paul Auster so với Roth tôi không thấy có gì tương đồng. Có lẽ không là hình thức (một khuynh hướng văn học thường được căn cứ trên hình thức nhiều hơn nội dung) mà là tư tưởng chăng ? Hoặc khác hơn, cũng chẳng là khuynh hướng văn học mà chỉ là thời đại văn học ? Trong trường hợp đó, thái độ, cách ứng xứ của con người thời đại đươc mang ra mổ xẻ. Như vậy hậu hiện đại có thể được hiểu như hậu kỹ nghệ, xã hội mà trong đó con ngưòi cá thể bơi lội lững lờ : chung quanh hắn có chừa khoảng trống kết quả của quá trình tranh đấu mất còn giữa hắn với xã hội hầu bảo vệ cái tôi của hắn. Để có được cái tôi đó, hắn đánh mất nhiều liên hệ chung quanh. Hắn trở thành vô cảm, dửng dưng. Hắn có tự do nhưng cùng một lúc đánh mất ý thức về kẻ khác, hắn đánh mất tình yêu. Vì vậy, tình yêu thời nay thuộc về những kẻ phủ nhận nó : tôi hiểu ra điều này khi lần đầu đọc Hoàng Ngọc Tuấn – “Hình như là tình yêu” .Vào thế hệ Xuân Diệu, Huy Cận và Tự Lực văn đoàn người ta sẵn sàng tuyên cáo việc yêu đương ngay khi chưa có mùi mằn gì, kiểu chửa biết tên nàng biết tuổi nàng/mà sầu trong dạ đã mang mang ; ngày nay vì rủ nàng lên giường dễ quá chàng đâm lên mặt không chịu nhận rằng mình yêu. “Phong tục” đó bắt nguồn từ 1968, cuộc cách mạng xã hội từ các nước Tây phương trong đó tầng lớp sinh viên Pháp đóng vai trò lớn, mà từ những đòi hỏi cải cách về quyền lợi vật chất lan sang đến địa hạt tinh thần, con người tranh đấu cho điều kiện sống trong đó gồm cả phạm vi hôn nhân và giao thiệp nam nữ (ly dị, tự do luyến ái đưa đến việc ngừa thai, phá thai) . Một khi đã làm người hùng, người ta khó chịu một khi phải tỏ ra yếu đuối. Tỏ tình là yếu đuối mà đau khổ vì bị tình phụ lại càng yếu đuối hơn. Người đàn ông ở thế kỷ 21 không khác mấy các tay võ sĩ đạo. Y không bày tỏ đau đớn. Y bằng lòng chui xuống lòng giếng ngẫm nghĩ sự tình một mình còn hơn. Không biết sau khi cuốn Biên niên sử chim vặn giây cót tung ra thị trường có cuộc chui xuống lòng giếng nào không những độc giả của Murakami ? -./.