Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



GIÁO DỤC VÀ CÂU CHUYỆN -
"DẠY THÊM, HỌC THÊM"

  


1- Nhìn lại miền Nam trước 75

Dù công lập như : Gia Long,Pétrus Ký,Trưng Vương,Chu Văn An,Võ Trường Toản,Mạc Đỉnh Chi,Hồ Ngọc Cẩn…hay tư thục (Hưng Đạo,Nguyễn Bá Tòng,Bồ Đề,Đạt Đức,Lê Bảo Tịnh,Saint Thomas… - các trường phổ thông đều đồng nhất dạy chương trình chuẩn của Bộ VHGD&TN .Giáo án giảng dạy thường được các thầy cô biên soạn dựa theo các bộ sách giáo khoa của Trung tâm học liệu hoặc tự chọn tài liệu sách tham khảo của cá nhân,nhóm giáo sư có uy tín như quý Thầy :

- Quốc Văn: Hà Như Chi,Dương Quảng Hàm,Nguyễn Quảng Tuân,Phạm Văn Diêu,Phạm Thế Ngũ,Vũ Ký,Tạ Ký,Đỗ Văn Tú,Vũ Quế Viên…

- Hình học,Đại số: Hoàng Xuân Hãn,Nguyễn Xuân Vinh,Phạm Kế Viêm,Võ Thế Hào,Nguyễn Văn Phú,Bùi Hữu Sủng,Bùi Hữu Đột,Nguyễn Văn Kỷ Cương,Cù An Hưng…

- Vật Lý : Trần Thế Hiển,Nguyễn Phượng Các,Trương Đình Ngữ,Vũ Văn Chuyên…

- Hóa Học : Hà Ngọc Bích,Nguyễn Thanh Khuyến,Chu Phạm Ngọc Sơn …

- Vạn Vật: Phùng Trung Ngân,Đỗ Danh Tẫm…

- Anh Ngữ : Lê Bá Kông,Lê Bá Khanh,Trần Văn Điền …

Việc học thêm chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của bản thân hs - không có chuyện o ép - học sinh yếu kém môn nào,nếu có điều kiện,ra ngoài các Trung tâm học thêm môn đó - nhà khá giả mời SV kèm tại gia .Nghèo quá thì cố tự học,học nhóm,học bạn…

Dưới sự quản lý- cấp phép theo dõi kiểm tra của Nha Tư Thục (Bộ GD cũ),các trường tư thục - trung tâm ôn luyện thường tập trung quanh khu vực Tân Định – đường Đặng Tất (Q1),Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần),Bà Huyện Thanh Quan,Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ),Lê Văn Duyệt (CM Tháng Tám) - Q.3)như : Văn học,Âu Lạc,Trường Sơn,Hưng Đạo,Văn Lang,Văn Hiến,Việt Nam Học Đường …

2-Nhà giáo với mức sống

Thời trước 75 đồng lương nhà giáo khu vực công lập nhìn chung đảm bảo cuộc sống khá phong lưu. Theo bài viết “Nền giáo dục ở miền Nam 1954-1975” - GSTS Nguyễn Thanh Liêm : ”Chỉ số lương mới ra trường sư phạm của giáo viên tiểu học là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470.Với lương căn bản cộng thêm phụ cấp sư phạm,nhà giáo ở tỉnh thời Đệ Nhất Cộng Hòa có cuộc sống khá thoải mái,có thể mướn được người giúp việc.

Sang thời Đệ Nhị Cộng Hòa,đời sống bắt đầu mắc mỏ,vật giá leo thang,nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng.Tuy vậy lúc nào nhà giáo cũng vẫn giữ vững tinh thần và tư cách nhà mô phạm,từ cách ăn mặc thật đứng đắn,đến cách ăn nói giao tiếp với phụ huynh học sinh,và cả với giới chức chính quyền địa phương.Dù gặp hoàn cảnh khó khăn đến đâu,nhà giáo cũng hết lòng với sứ mạng,vẫn làm đúng lương tâm chức nghiệp của mình”.

3- Tình hình dạy thêm sau 1975 ?

Sau ngày thống nhất đất nước - luận điểm cách mạng (révolution) được vận dụng giáo điều triệt để lật đổ – từ “hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc”cũ – xác lập cơ chế mới - chủ trương chiến lược tiến lên xây dựng CNXH – cả nước còn 5 thành phần kinh tế:(KT XHCN, KT sản xuất hàng hóa nhỏ, KT nông dân gia trưởng, KTTB chủ nghĩa và KT TB nhà nước).Riêng mảng văn hóa - giáo dục với đặc thù là ngành sản xuất đào tạo“con người vừa hồng,vừa chuyên”,được minh định trong điều 41,chương III,Hiến pháp 1980 : “Sự nghiệp giáo dục do nhà nước thống nhất quản lý…”. Toàn bộ hệ thống nhà trường cùng với chương trình sách giáo khoa của bên “sụp đổ”đương nhiên bị xóa sạch - đổi mới .

Thời bao cấp thập niên 80,90 cơm áo chẳng đùa với bất cứ ai - Dạo ấy tâm tư thầy cô rất hoang mang trong quá trình tiếp nhận cái mới .Để đứng được trên bục giảng thực hiện cái thiên chức “trồng người”cho thế hệ mai sau,rất nhiều thầy cô thật thảm hại – Họ hoặc bất lực chờ thời - tự hão huyền ru câu “lạc đạo vong bần”, gìn giữ sĩ khí ; hoặc phải chấp nhận“đói thì đầu gối phải bò”,làm thêm đủ loại công việc thượng vàng hạ cám - (giữ xe, đạp xich lô,chạy honda ôm - thậm chí tội lắm có cô giáo tiểu học trải tấm nhựa nylon cạnh cổng trường muối mặt ngồi bán lèo tèo ít tập vở,dụng cụ học tập,cho thuê sách hình,truyện tranh trẻ con - có cô còn đem theo cả quà vặt (kẹo,bánh,sữa chua,kem chuối),bán tại lớp giờ chơi - Chuyện cũ qua lâu lắm rồi giờ nhắc lại đầu bạc muốn rớt nước mắt – bởi bản thân tôi cũng từ trong những ngày ấy chui ra !

Thời nào cũng thế nhà giáo được đào tạo để dạy “Người” – trong thế cùng cực - không còn đường nào khác phải tự cứu mình trước khi trời cứu,và cách lương thiện nhất lúc bấy giờ,là dạy thêm. Những năm đầu thập niên 80 bắt đầu xuất hiện một vài lớp“cour” Toán,Lý,Hóa,luyện thi tuyển sinh 10 - nổi lên một số thầy cuốn hút học sinh (Nguyễn Tr Th.Ng Bác D.Đặng Vũ Đ … – các em lao vào đăng ký giành chỗ,cá biệt có hs đóng phí trọn khóa - lớp học nêm chặt như cá hộp. Bản thân tôi cũng nếm mùi dạy thêm (luyện thi 10) ở mấy điểm trung tâm Bùi Thị Xuân,Trương Công Định …

Tình hình dạy thêm ngày càng tràn lan,khoảng năm 1985 trở đi một vài trường phổ thông thỏa thuận với Hội PH HS,tăng tiết học có thu phí các môn chính(T,L,H) với mục tiêu đảm bảo tốt nghiệp PT - đậu ĐH tỉ lệ cao ! Tiết tăng trái buổi hoặc cài xôi đậu trong thời biểu chính khóa.

Để chấn chỉnh,chính phủ ban hành Quyết định 242-TTg,ngày 24.5.1993 (Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký),về việc dạy thêm,học thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập với chỉ đạo :


“Từ nay các trường phổ thông công lập không được tổ chức dạy thêm đồng loạt đối với học sinh ở các lớp phổ thông và không được dùng các biện pháp trực tiếp hoặc gián tiếp buộc học sinh phải học thêm ngoài giờ.Cho phép dạy thêm mang tính chất bổ trợ đối với một số học sinh kém,học sinh giỏi và học sinh cuối cấp.Bộ Giáo dục&Đào tạo quy định cụ thể quản lý việc dạy thêm này và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.”(Điều1)

Các trường dựa vào cái “242” trên đây,tiếp tục tăng tiết bồi dưỡng “hs giỏi”,phụ đạo“hs trung bình – yếu”.Tình hình DT,HT trong và ngoài nhà trường tồn tại kéo dài với nhiều quyết định hướng dẫn bổ sung tiếp theo đó …

Học thêm, tăng tiết phát sinh nhiều bất cập : học lệch – xem nhẹ môn này,dồn lực cho môn kia. Và rồi đâu phải môn nào cũng có thể tăng tiết (như Sử,Địa,Công Dân,Kỹ Thuật,Thể dục…) - dẫn đến tình trạng thu nhập toàn hệ thống chênh lệch,vô tình hình thành cái mà ngày nay người ta gọi là “nhóm lợi ích”.Điều này ngấm ngầm tác động tiêu cực tinh thần công tác tập thể sư phạm - bởi thành quả của nhà trường là công sức chung đâu của riêng ai ?

Khi đó nhiều ý kiến đề nghị :

- Cần tăng lương - tăng phụ cấp sư phạm ! vì đó là cốt lõi của quy luật – phải đảm bảo nhà giáo người lao động trí óc đủ sống – đủ bù đắp mức hao phí và tái sản xuất mở rộng sức lao động.

- Khẩn trương cải cách chương trình theo hướng tinh giản nội dung,giảm bớt môn học

- Đổi mới phương pháp giảng dạy,không thuyết giảng một chiều - chú ý đánh thức tư duy phản biện,rèn hs biết cách vận dụng kiến thức soi rọi thực tế - Bởi kiến thức sách giáo khoa mới chỉ ở dạng thông tin chưa biến thành tri thức …

Tôi ngày ấy cũng tham gia một số bài viết góp ý – nhưng rồi cũng trôi vào lặng lẽ .

4-Những thay đổi thời gian gần đây

- Lương bổng tăng khá hơn trước nhưng áp lực lạm phát còn đó – thời điểm ngày 03/3/25 đồng đô (25.745 VNĐ/USD - vàng (91T/lượng) - giá cả thị trường xu hướng gia tăng…)

-Nhân đây cũng xin gửi bảng lương tham khảo - theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng. Cách tính : Lương cơ bản 2T3 x hệ số lương -Tròn 12 tháng được xếp Bậc 1-Sau đó cứ 36 tháng thì xếp lên 1 bậc lương. Trích (Nguồn https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn).


5- Chương trình giáo dục phổ thông có nhiều cải tiến sửa đổi

Ròng rã sau nhiều lần cải cách – kể từ năm học 2022 - 2023, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 - Cấp THPT hạ tải giảm còn 10 môn học - (6 bắt buộc : Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử) - và 4 lựa chọn trong 9 môn còn lại (Địa, GD kinh tế và pháp luật,Lý,Hóa,Sinh,Công nghệ,Tin học,Âm nhạc,Mĩ thuật) .

Về qui định thi cử từ năm 2025 chỉ còn thi 4 môn gồm toán, ngữ văn bắt buộc, hs tự chọn thêm 2 môn trong 9 môn còn lại như trên (trong đó tin học và công nghệ là 2 môn thi mới). Điều này đã tháo khá nhiều gánh nặng đáng kể - các em rộng đường lựa chọn môn học và thi theo sở thích khả năng của mình . Và việc “dạy thêm học thêm”cũng sẽ giảm áp lực từ hai phía thầy và trò.

Tóm lại học tập là công việc suốt đời. Thế giới phẳng ngày nay - một cái click chuột sẽ mang đến cho ta vô số thông tin kiến thức khoa học tự nhiên,xã hội.Nhiệm vụ của nhà trường phổ thông là giáo dục đào tạo học sinh biết cách xử lý - biến thông tin thành tri thức phục vụ cuộc sống.Chất lượng giáo dục đào tạo quyết định từ lúc sản phẩm còn nằm trên dây chuyền sản xuất,phụ thuộc nhiều yếu tố : Nội dung chương trình Sgk tinh gọn phù hơp - Đội ngũ thầy cô được đào tạo chuẩn - Cơ sở vật chất trường lớp khang trang - Chế độ lương bổng gv đủ để “tái sản xuất lao động” ! - Khâu quản lý (BGH) phải thấu đáo tính Sư phạm - dạy và học trung thực nghiêm túc – nội bộ đoàn kết .

Việc học ở cấp phổ thông là “Cách học” chứ không phải học “Cái gì” . Jame Beatle đã chỉ ra : “Mục đích của giáo dục là dạy cách nghĩ chứ không phải dạy suy nghĩ cái gì”. Nhìn sang GD Hoa Kỳ cách dạy chủ yếu - qua các bài Essay rèn học sinh kỹ năng tự nghiên cứu,rèn tư duy phê phán - phản biện đa chiều,nêu vấn đề khám phá, tranh luận. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức thay vì chỉ đơn thuần nghe thuyết giảng áp đặt một chiều. Thực tế ngày nay không một quốc gia nào trên thế giới không nói đến vai trò của giáo dục đào tạo trong việc phát triển nguồn nhân lực.Một quốc gia muốn tồn tại và phát triển, nguồn nhân lực - thì giáo dục phải là quốc sách hàng đầu !. ■-/.

(Saigon – 03/03/2025 - gom ý bổ sung từ những bài viết cũ )




VVM.06.03.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .