Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



(1491-1585)

NGUYỄN BỈNH KHIÊM

  


N guyễn-bỉnh-Khiêm tự là Hanh-Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, đời tôn là Tuyết-Giang phu tử, người Tàu gọi ông là Trình Toàn, lời tục gọi là Trạng Trình, quán làng Trung Am (nay là Cổ Am), huyện Vĩnh Lại (nay là phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương). Thân phụ ông là Nghiễm quận công Văn Định, thân mẫu ông, không biết tên là gì, họ Nhữ, hiệu là Từ thục phu nhơn.

Nguyễn-bỉnh-Khiêm sanh năm 1491, thông minh, đĩnh ngộ, mới lên 4 tuổi mà đã học truyền khẩu văn thơ, và học đến đâu nhớ đến đấy. Lớn lên ngoài khoa văn chương, ông còn được ông Lương-đắc-Bằng truyền dạy môn “Thái Ất thần kinh” nên tinh thông lý số để lại cho đời nhiều câu sấm tiên tri rất ứng nghiệm, không sai chạy mảy may.

Gặp buổi Lê vong Mạc khởi nên ông ẩn náu ở quê nhà, mãi đến năm Ất Mùi (1535) là năm Mạc-đăng-Doanh niên hiệu Đại Chánh thứ 6, ông đã 44 tuổi mới ra thi, đậu Trạng-ngươn, làm quan đến Lại bộ tả thị lang, kiêm Đông-Các đại học sĩ. Ở triều 8 năm, ông dâng sớ hạch 18 người lộng thần.

Năm 1542, ông xin về trí sĩ làm nhà ở làng gọi là Bạch vân am để ở, lại bắt hai cầu Nghinh Phong và Tràng Xuân, dựng quán Trung Tâm ở bến Tuyết (một bến trên sông Thái Bình. Tuyết giang là khúc sông Thái Bình chảy qua miền Vĩnh Bảo) rồi đi chơi những nơi núi non sông biển để thưởng ngoạn phong cảnh và ngâm vịnh thơ văn.

Tuy ông ở nhà, nhưng vua Mạc vẫn tôn trọng ông lắm, có công việc lớn lao vẫn phải hỏi đến ông. Hai năm sau, ông được phong tước Trình tuyền hầu sau lại được thăng Lại bộ và phong tước Trình quốc công.

Những lời thơ của ông rất bình đạm mà có ý vị. Những bài vịnh cảnh nhàn thì phóng khoáng thanh tao, rõ ra phẩm cách một bậc quân tử đã thoát vòng danh lợi mà biết thưởng thức cảnh vật thiên nhiên. Còn những bài răn đời đều có giọng trào phúng nhẹ nhàng, kín đáo, tỏ rõ một bậc triết nhơn đã từng trải thế sự và am hiểu tâm lý người đời.

Xin kể ra đây vài trường hợp về sấm tiên tri của ông mà khi việc xảy ra rồi người đời mới rõ:

Kìa cơn gió thổi lá rung cây,

Rung Bắc sang Nam, Đông tới Tây.

Tan tác KIẾN kiều AN đất nước,

Xác xơ CỔ thụ sạch AM mây;

Sơn Lâm nổi sóng mù Thao cát

HƯNG địa tràn dâng HÓA nước đầy,

Một ngựa một YÊN ai sùng BÁI ?

Cha con ngươi VĨNH, BẢO cho hay !...

Mấy câu thơ nầy như tả một cuộc giông tố mờ cát bụi, sóng nước đầy sông, nhưng thật ra là nói về cuộc cách mạng của các chiến sĩ quốc gia trong “Việt Nam Quốc Dân Đảng” của Nguyễn-thái-Học chống Pháp hồi năm 1930. Quân cách mạng đã nổi lên đánh phá các tỉnh Kiến An, Hưng Hóa, Yên Bái, phủ Lâm Thao và giết ông Hoàng-gia-Mô làm tri huyện Vĩnh Bảo. nhà chức trách Pháp liền cho dội bom xuống làng Cổ Am. Làng nầy bị tàn phá không còn một căn nhà.

Lúc đó, giữa đống gạch vụn, người ta thấy lộ ra một tấm bia đá, có bài thơ trên đây trong đó có ẩn tên những nơi bị đánh phá và hai câu nầy:

Giữa năm hai bảy mười ba,

Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây !

Câu thơ nghe thật… vu vơ và còn trật về toán học nữa. người ta thường tính 2 lần 7 là 14 nhưng Nguyễn-bỉnh-Khiêm chỉ tính có 13 thôi! Thì ra năm ấy nhuận hai tháng bảy âm lịch, thành 13 tháng. Và “tám gà” không có nghĩa là… tám con gà. Phải chuyển nôm thành tự mới rõ: “tám” là “bát”, “gà” là “kê”. “Tám gà” là “Bát kê” tức là Trạng-Trình kêu đích danh ông Pasquier (Bát-kê) làm Toàn quyền Đông Dương hồi ấy, đáp phi cơ về Pháp với một sứ mạng, nào dè máy bay phát hỏa khiến ông Pierre Pasquier bị cháy thành than. Vì vậy mà Trạng-Trình hỏi “Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây?”.

Lại hồi năm Minh Mạng thứ 14, chẳng rõ vì duyên cớ gì mà vua Minh Mạng hạ chỉ sai ông Nguyễn-Công-Trứ phá đền thờ của Trạng-Trình. Tuân thượng lịnh ông Trứ thi hành phận sự. Nhưng khi phá tới nóc đền, thì gặp ở cây đòn dông có hàng chữ khắc sẵn từ lâu rằng:

Minh Mạng thập tứ,

Thằng Trứ phá đền !

Phá đền thì lại làm đền,

Nào ai cướp nước tranh quyền gì ai ?!

Ông Trứ hoảng sợ, tâu vua sự thể như vậy, vua lại cho lịnh làm trả đền thờ của Trạng-Trình!

Về nhơn tình thế thái, dưới mắt Nguyễn-bỉnh-Khiêm:

Thế gian biến cải vũng nên đồi,

Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi.

Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,

Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.

Xưa nay đều trọng người chân thực.

Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.

Ở thế mới hay người bạc ác,

Giàu thì tìm đến, khó tìm lui !

Trạng-Trình chẳng những là một thi gia nổi tiếng trong thế kỷ thứ 16 mà còn là một nhà tiên tri hiếm có của thế giới.

Phê bình về nhơn vật Việt-Nam, người Tàu có câu rằng: “An-Nam lý học hữu Trình Toàn”. Nói về các bậc tiên tri thì mấy ngàn năm trước có vị thánh Ai-Cập, kế đến Khổng Minh Gia cát Lượng đời Tam Quốc khoảng thế kỷ thứ ba, rồi đến Trạng-Trình (thế kỷ thứ 15).

Nguyễn-bỉnh-Khiêm từ trần năm 1585, hưởng thọ 95 tuổi.  -/.




VVM.19.02.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .