Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TIẾNG VIỆT TIẾNG VIỆT




M ở mắt chào đời, ngôn ngữ làm quen đầu tiên là tiếng Việt. Từ ông bà bố mẹ anh chị thầy cô bạn bè, tất cả đều trao đổi bằng tiếng Việt. Chập chững đến lớp, ai ai cũng đều được biết câu “Tiếng Việt phong phú và giàu đẹp”.

Vậy ưu điểm của tiếng Việt là gì?

Do có sáu thanh nên tiếng Việt có ngữ điệu trầm bổng nói như hát, dễ thành thơ thành nhạc. Do cấu trúc từ ngữ đa dạng nên tiếng Việt hàm súc phong phú số lượng từ. Không thể thống kê rằng kho từ vựng của tiếng Việt có khoảng độ bao nhiêu. Sự kết hợp mỗi nguyên âm và các phụ âm lại cho ra một số lượng từ và nghĩa khác nhau. Cách ghép câu nhờ thế mà cũng hết sức đa dạng, sự đa dạng này cho phép đảo từ, đảo chủ vị mà có thể không khác nghĩa trong một số trường hợp, nhưng lại có thể thay đổi rất nhiều về ý nghĩa trong trạng huống khác... Người giỏi chữ tha hồ tung tẩy bay lượn ngôn phong ngữ sắc. Cũng từ đó mà sinh ra nhiều thể loại thơ phú vần vè. Thêm vào đó là sự đa sắc về các nền văn hoá phong tục tập quán phương ngữ bản địa cũng góp vào kho tàng tiếng Việt một số lượng đồ sộ từ ngữ. Bên cạnh đó là sự giao thoa văn hoá, giao dịch thương mại, giao tế chính trường với thế giới, sự phát triển đa lĩnh vực góp thêm một số từ chuyên ngành, những ám chỉ bóng bảy trong khả năng minh biện sự vụ, đã bổ túc khá nhiều vào vốn từ vựng, và người Việt đã vận dụng theo nguyên thể hoặc Việt hoá. Tổng hợp đôi ba chiều như thế cho thấy kho tàng từ ngữ tiếng Việt quá dư dả cho những vận dụng chuyển tải nội dung ý nghĩa trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt cuộc sống, một thành phần người Việt đã tự làm nghèo đi vốn liếng ngôn từ của mình. Đầu tiên là sự khu biệt một số từ vào những nghĩa thiếu trong sáng, để rồi trong ngữ cảnh khác lại ngại ngần vận dụng. Tiếp đến là thứ gọi là ngôn ngữ mạng, ban đầu chỉ là những cách viết tắt cho nhanh trong lúc trò chuyện, về sau thành mốt, cắt cụt què cả từ cả câu đi, nếu chỉ là một số bạn trẻ nghịch ngợm trong một thời đoạn thì cũng chẳng có gì cần để ý. Nhưng rồi sự lây lan dần làm biến dạng một thành phần ngôn ngữ Việt. Một vấn đề nữa cũng cần phải nói đến là việc chen từ nước ngoài vào các câu đã trở nên rất phổ biến. Việc bổ sung vốn từ thích hợp cho ngắn gọn mà vẫn chuyển tải đủ ý không phải là điều không tốt. Xong, sự sử dụng có phần tùy tiện mang hàm ý khoe mẽ, ra điều mình giỏi, mình hiểu biết, mình hiện đại thì thật là lố bịch. Kệch cỡm hơn, nhiều người không nắm rõ văn phạm thứ từ mình dùng, phát âm sai, dùng vào tình huống không thích hợp, khiến cho những cái cười thầm đầy mỉa mai mà không biết. Không những tự làm nghèo đi tiếng mẹ đẻ của mình, mà còn khiến người cười chê là “đã dốt lại hay nói chữ”. Là người Việt nhưng không phải ai cũng hiểu biết hết lợi thế của tiếng Việt, cũng như số lượng từ đồng nghĩa mỗi thể loại. Vẫn thường thấy khá nhiều người lúng túng trong việc tìm từ thích hợp cho một nội dung đang cần diễn trải. Học văn và đọc sách là một cách bổ từ hữu hiệu nhất, nhưng đáng buồn là cả hai hình thức này ngày càng kém thế. Văn không chỉ sử dụng cho việc viết văn, mà văn hầu như cần thiết ứng dụng trong nhiều lĩnh vực thông tin, giao lưu, diễn đàn. Bất kỳ một hình thái nào cần đến ngôn ngữ là cần đến văn. Trong giao tiếp thông thường hàng ngày, ngôn ngữ là công cụ đặc hiệu, thông thạo ngôn ngữ rất thuận tiện suôn sẻ cho sự trao đổi thương thuyết. Nhiều khi chỉ cần một câu nói đúng, đủ, hay, gọn, rõ ý thì công việc sẽ trôi chảy, ngược lại câu nói thiếu ý, rối rắm, cụt, tối nghĩa rất dễ gây hiểu nhầm, sẽ làm sự thể trở nên phức tạp khó khăn hơn. Nhưng hầu hết môn văn nhà trường chưa bộc lộ hay chuyển tải rõ về thông điệp này, sự khô khắc bó hẹp trong một phạm vi đề tài đã làm cho môn văn ngày càng mờ nhạt, đó cũng là một cách làm nghèo đi tiếng Việt vậy.

Ngôn ngữ mẹ đẻ không chỉ là công cụ, là văn hoá, là bản sắc mà rộng hơn lớn hơn còn là quốc thể. Người không thông thạo không tôn trọng tiếng mẹ đẻ của mình mà lại hay lạm dụng tiếng nước ngoài, thì phần nào đó có thể xem như một sự làm nhục quốc thể. Bởi nếu ta không tôn trọng và sử dụng tốt tiếng nước ta, thì làm sao biểu thị được lòng tự tôn dân tộc, thể hiện được nền văn hoá dân tộc. Khi thấy một vài người nước ngoài nói sõi tiếng Việt, thậm chí biết chơi chữ tiếng Việt, lập tức ta rất có cảm tình và khâm phục người ấy. Bởi “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Người ta không có cùng màu da sắc tộc với mình, mà người ta còn yêu thích cố công học tập, chứng tỏ tiếng nước mình hay, phong phú, giàu đẹp, thực sự có ấn tượng, có sức thuyết phục. Vậy thì sao của chính mình mà mình không biết giữ. Không những cần phải biết gìn giữ mà ngày càng phải làm giàu thêm nữa. Sự sáng tạo ngôn ngữ là rất cần thiết, nó không những góp phần đa thanh đa sắc mà còn thể hiện được tư duy trí tuệ của người Việt. Nhưng phải là sự sáng tạo tròn đầy có khí có sắc chứ không phải là cách tùy tiện cụt què ấm ớ.

Một vấn đề nữa cũng cần phải đề cập đến là quan niệm “cũ - mới” của một số từ vựng. Đành rằng, theo bước chuyển tự nhiên của cuộc sống, từ ngữ cũng như nhiều lĩnh vực khác cũng luôn phải chịu sự đào thải. Người ta sáng tạo từ mới thì cũng phần nào đồng nghĩa lược bỏ bớt những từ của một thời đoạn khá xa về mặt thời gian. Nhưng không cứ phải có mới là được quyền nới cũ. Nếu từ cũ nhưng vẫn biểu thị tốt mặt ý nghĩa và màu sắc của câu văn thì không thể lược bỏ. Trong quá trình biên thiên của lịch sử, đất nước ta vừa là bị áp đặt nhưng cũng vừa là cơ hội giao thoa với nhiều nền văn hoá thế giới, cũng như nhiều lĩnh vực khác, không tránh khỏi sự ảnh hưởng, ít nhiều hay đậm nhạt. Nhiều nhất vẫn là loại từ Hán Việt. Đặc tính của loại từ này là gọn và súc tích. Nếu đặt một câu văn với hoàn toàn từ Việt, có thể khá rườm rà rối rắm, nhưng chỉ cần một hoặc hai cặp từ Hán Việt, sẽ cô đọng về mặt ý nghĩa và sắc thái câu văn cũng sáng hơn. Không việc gì phải bài bác cách dùng loại từ này cả, vì nó đã rất phổ biến, và khi ta dùng theo cấu trúc ngôn ngữ của ta, thì nó chỉ còn mang tính xuất xứ chứ không phải là sự vay mượn hay lạm dụng. Nói về sự lạm dụng từ ngữ, ta cũng thấy rất nhiều người sính chữ không phải lối, ra vẻ văn hoa hay tài giỏi mà dùng thừa chữ hoặc đặt ngữ nghĩa không thích hợp với ngữ cảnh, không những tạo ra một câu hay một đoạn văn dài dòng với nhiều lập ý, mà còn lộ rõ tính phô trương và kém hiểu biết. Không ít người tranh thủ chiếm diễn đàn để khoe khoang mà dân gian đã thành câu “nói dài nói dai thành nói dại”. Nhưng có vẻ đây là một thứ bệnh khó chữa, nên vẫn thưòng xuyên gặp những trường hợp này khắp đây đó.

Tác giả bài viết này có lẽ khá nhiều tham vọng. Cho dù thế thì cũng cảm thấy những tham vọng của mình không phải là quá đáng. Bởi gìn giữ một kho tàng ngôn ngữ phong phú đa thanh đa sắc của tiếng Việt không phải là điều vô lối. Bởi tôn vinh một nền văn hoá của dân tộc mình không phải là điều vô lý. Bởi góp một tiếng nói nhỏ cho cả một quốc thể không phải là điều vô ích. Không những thế mà còn tham vọng nhiều hơn là muốn được thấy người Việt mình cho ra người Việt. Cho dù sức phát triển của đất nước Việt mình còn khá nhiều hạn chế, thì cũng không thể chấp nhận được những con dân nước Việt chối bỏ dân tộc mình bằng cách này hay cách khác. Có rất nhiều gia đình Việt nam định cư lâu năm ở nước ngoài nhưng vẫn ý thức gìn giữ và lưu truyền tiếng Việt cho con cháu. Bởi còn ngôn ngữ mẹ đẻ là còn hồn cốt dân tộc. Còn thiết tha muốn nghe muốn nói ngôn ngữ mẹ đẻ là còn biết riết róng “Quê hương ơi!”. Không có cách phỉ báng chính mình nào tồi tệ hơn là xem trọng những thứ ngôn ngữ không phải của dân tộc mình. Tất cả những nền văn hóa đều thông qua chiếc cầu ngôn ngữ, thì không có lý do gì đi xây cầu cho thiên hạ mà lại đánh sập cầu của mình.  -/.




VVM.13.02.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .