Vậy nguồn gốc dân ca Quan họ được hình thành và phát triển như thế nào?
Dân ca Quan họ cũng như các loại hình dân ca khác đều có đặc điểm chung là bắt nguồn từ nhu cầu hoạt động văn nghệ của quần chúng, từ sinh hoạt đời sống nên khó có thể xác định được thời điểm xuất hiện. Với dân ca Quan họ được xác định thời điểm xuất hiện vào thời Hùng Vương. Theo thần tích làng Diềm (thôn Viêm Xá - Hoà Long - Yên Phong), công chúa Nhữ Nam con Hùng Vương đi du xuân gặp mưa to gió lớn dừng chân ở làng Diềm và ở lại dạy dân làm ăn, giáo hoá lễ nghĩa. Những lúc nông nhàn bà dạy dân các làn điệu hát đối đáp nam nữ. Nhờ có bà mà dân làng no đủ cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Khi bà mất, dân làng lập đền thờ và tôn làm thành hoàng. Đền thờ hiện nay có kiến trúc thời Nguyễn, tôn tạo năm Khải Định thứ 9 (1924), kiểu chữ nhị, gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung. Trong đền có một số đồ thờ thời Lê. Hội đền vào ngày mồng 6 tháng hai âm lịch. Ngoài các nghi thức tế lễ, dâng hương còn có các sinh hoạt bọn quan họ đặc sắc để tưởng nhớ đức Vua Bà thuỷ tổ Quan họ.
Từ làng Diềm, các làn điệu và lề lối hát đối Quan họ lan toả sang các làng quê khác trong vùng. Theo truyền thuyết, vào thời Lý dân ca Quan họ đã phổ biến hầu khắp phủ Thiên Đức, ảnh hưởng tới cả các gia đình quyền quý. Chuyện kể về mối tình Trương Chi, liền anh Quan họ bậc nhất làm nghề chài cá với nàng Mỵ Nương, liền chị xinh đẹp con quan thừa tướng khẳng định điều đó.
Tuy nhiên, người có công tổ chức hát xướng và bổ sung nâng cao dân ca Quan họ được ghi vào bia đá và có sự trạng rõ ràng là Cơ quận công Đỗ Nguyên Thuỵ, quê Đình Cả - Nội Duệ - Tiên Du. Ông làm quan thời chúa Trịnh Cương. Hiện nay ở làng quê còn di tích lăng mộ đá và nhà thờ khá hoàn chỉnh, kiến trúc hài hoà với nhiều hiện vật quý, xây dựng từ năm 1734. Tại lăng mộ có bia Thọ phúc thần hiến điền bi kí ghi rõ: Tết Trung thu năm nào Đình Cả và Lộ Bao không tiến hành ca hát được thì phải noi theo các xã, thôn khác chiếu lệ phụng thờ, từng ngày sửa lễ vật như khi có công việc ca hát. Theo văn bia được biết, từ năm 1724 quận công Đỗ Nguyên Thuỵ đã hiến cho các xã, thôn thuộc tổng Nội Duệ số ruộng như sau: Đình Cả 12 mẫu; Lộ Bao 5,5 mẫu và 100 quan tiền; Duệ Khánh 5,5 mẫu và 100 quan tiền; Duệ Nam 3,1 mẫu 6 thước và 100 quan tiền; Lũng Giang 6 mẫu và 100 quan tiền; phường bát âm cửa đình huyện Tiên Du 3 mẫu 5 thước và 100 quan tiền. Quận công Đỗ Nguyên Thuịy tổ chức thi hát Quan họ quy mô hàng tổng với ý nguyện: Mong mỏi hai thôn Đình Cả, Lộ Bao cùng Nội Duệ, Nội Khánh và các xã thôn khác, hằng năm vào dịp cầu phúc, hát xướng tết Trung thu phái cố noi kịp đẻ nuôi dài huyết mạch. Do được đầu tư mạnh về vật chất mà dân ca Quan họ có bước phát triển mới phong phú hơn, nó kếa thừa cả các làn điệu dân ca khác. Lời ca cũng được bổ sung văn học bác học làm cho trang trọng hơn, như: Nhất quế nhị lan/ Nhất xinh, nhất lịch khôn ngoan đủ trăm chiều. Thậm chí nhạc tuồng Tàu cũng được vận dụng như các tiếng đệm hồ, xừ, xang, cống, líu, từ đó tạo nên một đặc trưng âm sắc là vang, rền, nền, nẩy.
Bước phát triển mới của nghệ thuật biểu diễn Quan họ vào khoảng năm 1769 Cảnh Trung hầu Nguyễn Diễn cũng người Đình Cả mua nửa núi Hồng Ân (đồi Lim) hiến cho tổng Nội Duệ. Tiếp đó ni cô Mụ Cả mua hiến nốt nửa núi còn lại thì hội hát Quan họ 13 tháng Giêng chuyển lên tập trung ở đồi Lim và duy trì đến tận ngày nay. Từ cuối thế kỷ 19, nhà văn hoá Đỗ Trọng Vĩ đã viết trong sách Bắc Ninh địa dư chí như sau: Các xã Lũng Sơn, Lũng Giang ngày xuân ở đình có cây đu, đường làng có trai gái tụ họp ca hát. Lời hát như sau: Gió đưa lay cúc ngả quỳ/ Ba năm trực tiết còn gì là xuân. Lại có câu: Cây cao gió đánh lưng chừng/ Gặp anh từ đấy vui mừng từ đây. Đây là nói những nét lớn, còn về mặt đình đám hội hè thì nổi tiếng nhất là hội làng Phù Đổng, thứ đến hội núi Hồng Ân tổng Nội Duệ rất đông vui.
Khoảng giữa thế kỷ 20, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã viết khái quát về dân ca Quan họ trong cuốn Tục ngữ, dân ca, ca dao Việt Nam: Hát Quan họ được xây dựng trên tình bạn. Về hình thức, hát Quan họ có hàng trăm điệu. Cái đặc biệt của hát Quan họ là nó hoàn toàn phục vụ cho nhạc và hát không có đệm đàn sáo, ở mọi bài hát Quan họ, những tiếng láy đi láy lại, những tiếng đệm, những tiếng đưa hơi rất nhiều, nó làm cho lời ca lên bổng xuống trầm như cung đàn, cho nên một điệu Quan họ cần phải được hát lên người ta mới cảm thấy hết được cái say sưa của nhạc điệu.
Người cất công đi sâu sưu tầm, nghiên cứu Quan họ là nhạc sĩ Hồng Thao, và công trình Dân ca Quan họ của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Hiện nay tỉnh Bắc Ninh có hai cơ quan Nhà nước chuyên nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dân ca Quan họ là Trung tâm văn hóa Quan họ và Đoàn dân ca Quan họ. Sinh hoạt Quan họ gốc vẫn được bảo tồn ở các làng quê. Hằng năm tỉnh tổ chức thi hát đối vào ngày 10 tháng Giêng để khuyến khích phong trào sinh hoạt Quan họ cổ. Dân ca Quan họ cũng được nâng cao để biểu diễn sân khấu đáp ứng nhu cầu rộng rãi thưởng thức Quan họ của nhân dân cả nước. ở Bắc Ninh có những liền chị hơn trăm tuổi vẫn hát chuẩn các làn điệu, có liền chị được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú. Rất nhiều liền anh, liền chị là diễn viên chuyên nghiệp đã nổi danh như Thuý Cải, Thuý Hường, Khánh Hạ, Quý Tráng, Quý Thăng... Lớp Quan họ măng non được đào tạo bài bản ở trường Văn hoá nghệ thuật tỉnh hàng năm làm cho dân ca Quan họ ngày càng phát triển.
Vùng quê của Trương Chi - Mỵ Nương ngập tràn lời ca tiếng hát trở thành cảm hứng để các thi sĩ, nhạc sĩ viết nên những tác phẩm hay như Làng quan họ quê tôi, Xe tăng anh qua miền Quan họ, Đêm sông Cầu, Chiều sông Thương...
Mùa xuân mời bạn trẩy hội Quan họ để thấy hết nét đặc sắc văn hoá của vùng quê nơi đây. ♡ -/.