Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



MÓN ĂN TẾT XƯA VÀ NAY





X ưa nhất về món ăn ngày Tết ta có thể lui về thời vua Hùng dựng nước với bánh chưng và dưa hấu, còn trở về thời nay... xin mời các bạn ra siêu thị gần nhà nhất.

* BÁNH CHƯNG

Ý nghĩa văn hoá của món ăn truyền thống này được nêu lên với sự tích bánh chưng được kể lại trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, viết từ thế kỷ thứ 15: Truyện kể rằng trong kỳ cuối năm..đem trân-cam mỹ-vị đến dâng cúng Tiên-vương - tức là Tết - Vua Hùng Vương đã ra đề thi để tuyển chọn người nối ngôi với điều lệ là ai dâng được món ngon nhất, thì sẽ được trao ngôi báu.

Trong cuộc thi nấu ăn đầu tiên dành cho nam giới này, Hoàng Tử Lang Liêu đã đoạt giải nhất với Tấm Bánh Chưng. Là vì.." Hốt nhiên mộng thấy thần-nhân bảo rằng : Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được nếu lấy gạo nếp hoặc gói hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn-vị chắc được." (Trạnh nghĩ : làm gì chẳng trúng giải, khi đã có "thần nhân" nhắc bài!)

Trở lại ngày nay, có thi chắc cũng trúng giải thôi, nếu làm theo hướng dẫn của sách dậy nấu ăn, với ba nguyên liệu chính là :

· 1 kg gạo nếp

· 400 g đậu xanh

· 450 g thịt ba rọi

đủ để gói được 3 tấm bánh lớn, cỡ vuông cạnh chừng 2 tấc, bề dầy khoảng 5 phân, vì theo tiêu chuẩn dinh dưỡng, sẽ có các ưu điểm sau đây :

Ngon, No, Chắc dạ, lại Gọn, Nhẹ , và Ăn Được Liền chiếc bánh chưng có khả năng giúp chúng ta thực hiện được các sinh hoạt giao lưu ngày Tết, một cách phấn khởi, không biết mệt mỏi : đi mừng tuổi, vui chơi, hội hè, thăm viếng bạn bè cũng cần đủ Calo chứ!

Đi theo dân tộc Việt trong hành trình Nam Tiến, biến hình đổi dạng từ vuông đã thành hình trụ của đòn bánh Tét - thiếu lá dong thì dùng lá chuối để gói, cũng chẳng sao.

* DƯA HÀNH VÀ DƯA MÓN

Vào thời tiết lạnh mà ăn bánh chưng thì rất thích hợp, nhất là có kèm theo dưa hành. Người nào có cảm thấy là ăn bánh chưng nặng nề, lâu tiêu thì càng nên ăn thêm dưa hành vì:

-1. Hành có vị hơi cay, mùi hăng (không ăn mà thái hành cũng đủ cay mắt, trào lệ!) do chất alicin có tính kháng sinh tự nhiên và theo sách thuốc, có tác dụng "kích thích thần kinh, tăng tiết dịch tiêu hoá". (Đông Y còn dùng hành để chữa cảm, trong bài thuốc Cháo giải cảm.)

-2. Dưa chua được quá trình lên men tạo ra chất acid lactic, giúp cho việc tiêu hoá hấp thu được điều hoà ở ruột già, do làm cho môi trường nơi đây trở nên bất lợi đối với các vi khuẩn gây ung thối, và nhất là các giống hay gây bệnh đường ruột.

Mà trong Môn Dinh Dưỡng, các thức ăn cũng là thuốc, nếu ta biết cách xử dụng.

- Dưa leo tươi mát, ngay cả người Anh cũng phải công nhận "fresh as a cucumber" có nghĩa là "tươi như một trái dưa leo" trước tiên hẳn là vì dưa leo nhiều nước.

- Củ cải , trong tinh dầu có Lưu Huỳnh (Sulfur), phụ giúp khử chất độc bằng cách tạo ra những chất sulfat hoà tan trong nước dễ thải hơn trong mồ hôi hay nước tiểu.

- Cà rốt giàu Caroten, có khả năng chuyển hoá thành sinh tố A. Cà rốt mà để nguyên cả vỏ còn giàu pectin, tới nay hãy còn người ưa chuộng trong việc điều trị chống tiêu chẩy bằng xúp cà rốt coi như một nguồn prebiotic tốt.

- Dứa đem lại men Bromelin, Đu Đủ xanh thì trong nhựa có men Papain, giúp người ta ăn mau tiêu chất Đạm.

* DƯA HẤU CŨNG CÓ MẶT TỪ THỜI VUA HÙNG với sự tích An Tiêm.

Khởi đầu, An Tiêm được Vua Hùng tin yêu .. "ai cũng úy phục và chen nhau đến dâng lễ vật không thức gì là không có" khiến cho đương sự coi "của cải đều là vật tiền-thân" của mình và Vua Hùng đâm "cả giận" áp dụng xoá bỏ bao cấp. "Bèn đày..ra ngoài bãi cát...tứ phía không có dấu chân người đi đến,...(với) lương thực đủ dùng...bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói."

Nhờ vững niềm tin rằng "Trời đã sinh thì trời phải dưỡng" và một chút may mắn là có "con bạch hạc từ phương Tây" bay lại, làm rơi sáu bẩy hạt dưa "đâm chồi nẩy lộc,...kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết" "Dưa ăn vào thì tinh thần khoẻ khoắn; rồi cứ mỗi năm trỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con...Những khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa. Nhân dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt, bắt chước trồng tỉa khắp bốn phương."

Giống như ở một vùng kinh tế mới phát triển trồng trọt thành công, dẫn tới trao đổi hàng hoá và kinh tế thị trường.

Nói tóm lại : Xưa hay nay, Tết không thể nào thiếu được bánh chưng và dưa hấu!.  -/.




VVM.06.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .