Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


(1894-1954)

NGÔ TẤT TỐ


     N gô Tất Tố (1894-1954) sinh ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học: ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh năm 1915, nên được gọi là đầu xứ Tố

Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà đã vào Sài Gòn. Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội. Ông tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An Nam tạp chí, Thần chung,Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần báo, Thực nghiệp, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba, Tương lai, Công dân, Đông Pháp thời báo, Thời vụ, Hà Nội tân văn. Trong thời gian những năm 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại tham nhũng phong kiến.

Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào ủy ban giải phóng ở xã Lộc Hà quê ông. Năm 1946, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.

Ngô Tất Tố không chỉ là nhà văn mà còn là một nhà báo nổi tiếng. Trong 28 năm làm báo, Ngô Tất Tố đã viết 1.360 bài cho 27 tờ báo và tạp chí với 29 bút danh. Những tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố là Tắt đèn (tiểu thuyết, báo Việt nữ, 1937), (Mai Lĩnh xuất bản, 1939), Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, báo Thời vụ, 1939-1944), (Mai Lĩnh xuất bản, 1952), Việc làng (phóng sự, báo Hà Nội tân văn, 1940-1941), (Mai Lĩnh xuất bản, 1941), Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941), Văn học đời Lý (tập I) và Văn học đời Trần (tập II) (trong bộ Việt Nam văn học) (nghiên cứu, giới thiệu, 1942), Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, báo Đông Pháp, 1942), Kinh dịch (chú giải, 1953)

Ngô Tất Tố được coi là nhà văn hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam trước 1945 với các tác phẩm tiêu biểu như Tắt đèn,Việc làng, Tập án cái đình, Lều Chõng. Phong Lê, trên Tạp chí Sông Hương tháng 12 năm 2003, gọi những tác phẩm viết về nông thôn của Ngô Tất Tố là "một nhận thức toàn diện và sâu sắc, đầy trăn trở và xúc động về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam" .

TẮT ĐÈN

Tiểu thuyết Tắt đèn là tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của nhà văn Ngô Tất Tố . Tác phẩm nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỉ 20 dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Câu chuyện xoanh quanh nhân vật chính là chị Dậu và gia đình. Do sưu cao thuế nặng trong xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời chị Dậu phải bán con, khoai và bán cả bầy chó để lấy tiền nộp sưu thuế cho chồng. Cảnh chị Dậu chạy ra giữa màn trời đêm tối đen như mực cho thấy viễn cảnh đen tối của chị và gia đình.Tắt đèn phê phán chế độ thực dân nửa phong kiến đương thờI đầu thế kỉ 20.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) từng khen ngợi Tắt đèn là "một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác.” Nghề báo đòi hỏi sự thích ứng với thời cuộc. Ngô Tất Tố đã thích ứng được trên con đường văn nghiệp của ông. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét: "ông vào số những nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê bình, có trí xét đoán có tư tưởng mới". Nhà phê bình Vương Trí Nhàn nhận xét: " Về mặt tính cách, người ta thấy Ngô Tất Tố gắn liền với lớp người trưởng thành từ đầu thế kỷ (thế kỷ 20) (những Phan Kế Bính, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Duy Tốn...) thì tác phẩm của ông lại thường được xếp cạnh tác phẩm Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng nghĩa là thuộc về một giai đoạn những năm 30 huy hoàng của thế kỷ 20. -./.




VVM.29.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com