1
Bỗng nhớ bộ phim “Nhà giàu cúng khóc”, kẻ viết bài này nhại lại một chút cho vui, nhưng cũng không thể nói là không xa xót.
Thơ chữ Hán của các Đại thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là một di sản vô cùng quý giá. Việc phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ (có nhiều độc giả không biết chữ Hán, thuộc lầu bản dịch thơ) để cho độc giả dễ tiếp cận là rất quan trọng. Chúng ta rất biết ơn các nhà Hán học uyên thâm đã sưu tầm, khai sơn phá thạch, đã sớm ra được một số tập sách có chất lượng cao, có giá trị. Các tập sách ấy cũng còn nhiều sạn. Chuyện có sạn, bản dịch yếu kém, nói sao hết, đó lại là những cuốn sách đã xuất bản từ lâu, song vẫn nên bàn bởi nhiều soạn giả, giáo sư, tiến sĩ vẫn dùng những bản dịch thơ ấy để giảng dạy, đưa vào các công trình đại chúng. Làm công việc chữ nghĩa mà hình mấy vị có trách nhiệm trong Ban tu thư cũng không để ý đến chữ nghĩa, mấy bản dịch thơ nhiều sạn vẫn đưa vào sách giáo khoa.
Cuốn Nguyễn Trãi toàn tập (có phần ức Trai thi tập), do Văn Tân, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp dịch, chú giải (NXB Khoa học xã hội - 1969, tái bản 1976), trong số 373 chú thích có trên một trăm chú thích biện minh cho việc dịch sai nguyên tác. Ví dụ, vì bí vần, chúng tôi dịch rắn thành rồng (bài 39), đồng hồ nước thành đồng hồ cát (bài 29)... Câu Hồng diệp đôi đình, trúc ủng môn (bài 30), nghĩa: Lá đỏ thành lùm ở sân, trúc trùm cổng. Trúc, chữ Hán chỉ chung các loại tre; chữ Việt, trúc là loại tre nhỏ, thường trồng làm cảnh. Xưa, không ai dám trồng tre trước cửa vì dông gió luôn, tre đổ vào nhà tre, nguy hiểm. Ngay đến chuối người ta thường cũng không trồng trước cửa (Chuối đằng sau, cau đằng trước), để cho nhà thoáng, gió mát. Vậy mà sách trên dịch thành: Lá đỏ chồng sân, tre dựng cửa. “Chồng” là chồng chất, lá cành đã chặt khỏi cây, tre “dựng” cửa cũng là thứ tre đã chặt khỏi gốc. Đêm trăng thu, cỏ hoa tươi đẹp, chuyển ngữ thành cảnh chết. Câu Tâm thanh hoạt thuỷ nhất âu trà (bài 63), nghĩa: Để cho lòng thanh trong, (nghe) suối chảy, lại có một âu trà. Vậy mà sách trên đã dịch: Rửa dạ sạch trong chè một ang. Cái âu nó nhỏ, lượng chứa chỉ như một cái ấm, cái xuyến, thường có nắp. Lại có những cái âu cổ, tráng men, có hoa văn đẹp. Thời ấy, Nguyễn Trãi sống giản dị có khi pha trà bằng âu, giống như một cái chén tống, đậy nắp lại, chắt ra uống dần. Còn cái ang, miệng nó rộng gang rưỡi, hai gang tay, thành ang chỉ cao hơn mười xentimet. Không có vung. Người quê thường dùng ang để đựng cám bã cho lợn ăn. Còn hai chữ “rửa dạ... ”, thì hoá ra Nguyễn Trãi bị... bệnh đường ruột? Trời! Dịch như thế thì sợ quá, “Chúng con lạy cụ!”.
Cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du - (NXB Văn Học - 1965), nhóm Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch...; 9 người tham gia dịch thơ. Câu thơ Tiển đăng độc chiếu sơ trường dạ - (Thanh Hiên thi tập, bài 17). Tiển đăng - ngọn đèn vặn nhỏ. Quách Tấn dịch: Đèn khêu riêng cảm đêm dài dặc. Trong sách trên dịch: Quạnh quẽ đêm dài đèn bấc lụi. Đèn hết dầu, thối bấc sao? Lại nhớ, Nguyễn Trãi có câu: Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh, ý thơ rộng lắm. Câu thơ Nhược ngộ sơn trung mi lộc hữu - Nghĩa: Nếu gặp bạn hươu nai trong núi. Mi : nai, lộc: hươu. Sách trên bí vận, muốn hai chữ đó phải có một chữ vần trắc để đảm bảo niêm luật, nên đã dịch: Nếu gặp bạn bè hươu vượn núi. Hai chữ hươu vượn còn có ý xấu (nói hươu nói vượn). ý thơ bị giảm hẳn. Trong sách giáo khoa Văn 10, có đến mấy chục năm người ta dùng các bản dịch thơ: Phản chiêu hồn, Long thành cầm giả ca... , rút từ cẩm nang Thơ chữ Hán Nguyễn Du - 1965 này. Bản dịch thơ Phản chiêu hồn có câu: Lên trời xuống đất hết đường/ Mà thành Yên, Dĩnh chớ mường để chân, chắc người dịch bí vần, muốn biểu đạt là “chớ màng”. Câu Giảo tước nhân nhục cam như gi, chữ gi: kẹo mạch nha, còn gọi là kẹo mầm, kẹo kéo. Bọn thượng quan Cao, Quỳ nhai xương thịt dân lành ngọt xớt, dẻo mồm như nhai kẹo mạch nha. Sách trên dịch: Cắn xé thịt người ngon mía de. Hai chữ sai: cam là ngọt, ngọt khác với ngon; mía de, loại mía cây chỉ bằng chiếc xe điếu, mọc dại ở bờ sông. Mấy bà mẹ nghèo ngày xưa đi chợ, không có tiền mua quà cho con, khi qua bãi sông thường bẻ lấy một nắm mía de về cho lũ con nhỏ nhai nhì nhằng, qua chuyện. Mía này độ ngọt ít lắm. Bí vần, dịch giả cứ dịch “đại” như thế! Câu Ngư long bất thực sài hổ thực, nhóm trên dịch: Cá không rỉa, hùm cũng tha. Ngư long chính là cá sấu (dân gian gọi là thuồng luồng), dịch là cá (bản của BHC dịch là cá rồng) đều không thoát ý.
Bài Long thành cầm giả ca, câu Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm; chữ ngâm, nghĩa 1: đọc thơ ngân nga, nghĩa 2: rên rỉ. Chuyện xưa: Trang Tích ốm, Sở Vương hỏi mọi người: “Tích là kẻ tầm thường ở đất Việt, nay làm quan ở nước Sở, được phú quý rồi thì còn nhớ nước Việt không?”. Viên ngự thị đáp: “Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không thường tỏ ra trong lúc ốm đau. Nếu lúc này nói tiếng Việt thì tức là nhớ nước Việt, bằng không thì nói tiếng Sở”. Sở Vương sai người lén nghe, thấy Tích ngâm bằng tiếng Việt. Từ ngâm này nên dịch với nghĩa 1, khi đau yếu người ta hay ngâm nga những khúc ca cố hương. Sách trên đã dịch: “Buồn như tiếng Việt, Trang nằm đau rên”. Rên là tiếng phát khẽ, do bí vận, dịch là rên tiếng Việt nghe không ổn. Lại câu Nê thổ kim tiền thù thảo thảo, sách trên dịch: Tiền như bùn ước lược qua loa. Đã coi tiền như bùn, sao trước khi ném cho người đẹp còn phải “ước lược”?...
Trên đây, chỉ là một số dẫn chứng. Biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối: sưu tầm, chú giải, dịch thuật, tiếp thu không có nghĩa chúng ta nuốt luôn cả sạn. Sau khi hai cuốn sách ấy xuất bản, trên 40 năm qua, ta đã có thêm nhiều bản dịch thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Nên chăng, Ban tu thư, các soạn giả một lần nữa xem lại các bản dịch nghĩa, dịch thơ những tác phẩm thơ chữ Hán của hai Đại thi hào? Nên chăng, ai đó tâm huyết, tuyển chọn bản dịch tốt nhất cho mỗi bài thơ để có những tập sách tinh túy nhất, xứng với tầm tác giả? Đừng để, nhìn những chữ nghĩa hậu duệ dịch thơ mình nhuôm nhoam, anh linh các Đại thi hào phải rơi lệ!
2
Phê phán thì dễ, dịch mới khó. Tạp chí Hán Nôm (Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam) có yêu cầu mấy người phê bình phải có bản dịch khắc phục được những chỗ vướng mắc ấy. Duy Phi tôi chữ nghĩa còn nông cạn nhưng đã gắng sức mà có mấy bản dịch sau đây:
Bác lại Chiêu hồn
Hồn ơi! Có về? Hồn ơi!/ Đông Tây Nam Bắc đâu nơi tựa hồn?/ Lên trời xuống đất không đường/ Dĩnh, Yên đất cũ sao nương được mà/ Thành xưa dân đã khác xa/ Bụi trần mù mịt lượt là cũng nhơ/ Đứa xe ngựa, kẻ ngất ngư/ Tựa Cao, Quỳ cũng say sưa luận bình/ Lộ đâu nọc độc vuốt nanh/ Mà nhai xương thịt dân lành ngọt không/ Hồ Nam trăm xứ kìa trông/ Đâu béo tốt, chỉ gầy nhom, võ vàng/ Con đường xưa của Tam Hoàng/ Hợp thời đâu nữa, đừng màng hồn ơi!/ Thái hư, hồn lánh xa thôi/ Đừng trở lại, kẻo miệng cười thế gian/ Ai ai giờ cũng Thượng Quan/ Khắp nơi sông suối đã toàn Mịch La/ Chẳng thuồng luồng, hùm sói tha/ Hồn ơi, hồn hỡi, biết là làm sao?...
Bài ca người gảy đàn
đất Long Thành
Long thành người đẹp từng quen/ Đã lâu nào có nhớ tên họ gì/ Nguyệt cầm nổi tiếng đương thì/ Trong thành quen gọi ca nhi: Cô Cầm/ Cung Phượng xưa
học khúc đàn/ Khúc đàn hay, cả thế gian khôn bì/ Thiếu thời từng gặp say mê/ Bên hồ Giám, yến tiệc khuya năm nào/ Nàng chừng ba bảy (3 x7= 21)
trẻ sao/ áo hồng, ánh mặt hoa đào hồng thêm/ Ngấm men má đỏ hồn nhiên/ Ngón tay buông bắt diệu huyền năm cung/
Tiếng khoan như gió rừng thông/ Tiếng trong, đôi hạc vọng cùng xa xăm/ Mạnh như Tiến Phúc sét gầm/ Buồn như Tích ốm, điệu ngâm quê nhà/
Nghe mê mải nhớ thiết tha/ Nhạc xưa Đại nội Trung Hòa khôn quên/ Tây Sơn quan khách ngả nghiêng/ Mảng vui những muốn nối thêm canh trường/
Bốn bề gieo thưởng tranh hơn/ Bạc tiền coi rẻ như bùn, ném ra/ Vương hầu thua vẻ hào hoa/ Kể gì trai trẻ mấy tòa Ngũ Lăng/ Tưởng như ba sáu cung xuân/ Đúc nên vật báu Trường An rỡ ràng/ Tiệc xưa đã hai mươi năm/ Tây Sơn bại, ta trời Nam gửi mình/ Tấc gang chẳng thấy bóng thành/ Huống chi dự những tiệc quỳnh múa ca/ Nặng tình, Tuyên phủ tiễn ta/ Tiệc vui ca kỹ những là trẻ măng/ Chợt cuối phòng mái hoa râm/ Mặt vàng mình võ âm thầm xót xa/ Nét mày nếp áo phôi pha/ Ai hay Đệ nhất tài hoa một thời?/ Khúc xưa nghe lệ thầm rơi/ Lắng tai, dạ những bùi ngùi gần xa/ Chốc mòng hai chục năm qua/ Tiệc bên hồ Giám la đà... còn đây... / Thành quách khác, người đổi thay/ Nương dâu xưa hóa biển đầy, mù khơi/ Nghiệp Tây Sơn đã mất rồi/ Riêng làng ca vũ một người còn kia/ Trăm năm như bóng chớp lòe/ Thương nàng vạt áo này chia lệ sầu/ Nam ra, mình trắng mái đầu/ Trách chi người đẹp xanh xao, héo tàn/ Trừng trừng đôi mắt mơ màng/
Quen mà như lạ lại càng thêm thương...
VVM.29.11.2024.
Bác lại Chiêu hồn
Hồn ơi! Có về? Hồn ơi!/ Đông Tây Nam Bắc đâu nơi tựa hồn?/ Lên trời xuống đất không đường/ Dĩnh, Yên đất cũ sao nương được mà/ Thành xưa dân đã khác xa/ Bụi trần mù mịt lượt là cũng nhơ/ Đứa xe ngựa, kẻ ngất ngư/ Tựa Cao, Quỳ cũng say sưa luận bình/ Lộ đâu nọc độc vuốt nanh/ Mà nhai xương thịt dân lành ngọt không/ Hồ Nam trăm xứ kìa trông/ Đâu béo tốt, chỉ gầy nhom, võ vàng/ Con đường xưa của Tam Hoàng/ Hợp thời đâu nữa, đừng màng hồn ơi!/ Thái hư, hồn lánh xa thôi/ Đừng trở lại, kẻo miệng cười thế gian/ Ai ai giờ cũng Thượng Quan/ Khắp nơi sông suối đã toàn Mịch La/ Chẳng thuồng luồng, hùm sói tha/ Hồn ơi, hồn hỡi, biết là làm sao?...
Bài ca người gảy đàn
đất Long Thành
Long thành người đẹp từng quen/ Đã lâu nào có nhớ tên họ gì/ Nguyệt cầm nổi tiếng đương thì/ Trong thành quen gọi ca nhi: Cô Cầm/ Cung Phượng xưa học khúc đàn/ Khúc đàn hay, cả thế gian khôn bì/ Thiếu thời từng gặp say mê/ Bên hồ Giám, yến tiệc khuya năm nào/ Nàng chừng ba bảy (3 x7= 21) trẻ sao/ áo hồng, ánh mặt hoa đào hồng thêm/ Ngấm men má đỏ hồn nhiên/ Ngón tay buông bắt diệu huyền năm cung/ Tiếng khoan như gió rừng thông/ Tiếng trong, đôi hạc vọng cùng xa xăm/ Mạnh như Tiến Phúc sét gầm/ Buồn như Tích ốm, điệu ngâm quê nhà/ Nghe mê mải nhớ thiết tha/ Nhạc xưa Đại nội Trung Hòa khôn quên/ Tây Sơn quan khách ngả nghiêng/ Mảng vui những muốn nối thêm canh trường/ Bốn bề gieo thưởng tranh hơn/ Bạc tiền coi rẻ như bùn, ném ra/ Vương hầu thua vẻ hào hoa/ Kể gì trai trẻ mấy tòa Ngũ Lăng/ Tưởng như ba sáu cung xuân/ Đúc nên vật báu Trường An rỡ ràng/ Tiệc xưa đã hai mươi năm/ Tây Sơn bại, ta trời Nam gửi mình/ Tấc gang chẳng thấy bóng thành/ Huống chi dự những tiệc quỳnh múa ca/ Nặng tình, Tuyên phủ tiễn ta/ Tiệc vui ca kỹ những là trẻ măng/ Chợt cuối phòng mái hoa râm/ Mặt vàng mình võ âm thầm xót xa/ Nét mày nếp áo phôi pha/ Ai hay Đệ nhất tài hoa một thời?/ Khúc xưa nghe lệ thầm rơi/ Lắng tai, dạ những bùi ngùi gần xa/ Chốc mòng hai chục năm qua/ Tiệc bên hồ Giám la đà... còn đây... / Thành quách khác, người đổi thay/ Nương dâu xưa hóa biển đầy, mù khơi/ Nghiệp Tây Sơn đã mất rồi/ Riêng làng ca vũ một người còn kia/ Trăm năm như bóng chớp lòe/ Thương nàng vạt áo này chia lệ sầu/ Nam ra, mình trắng mái đầu/ Trách chi người đẹp xanh xao, héo tàn/ Trừng trừng đôi mắt mơ màng/ Quen mà như lạ lại càng thêm thương...