Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




TÌM HIỂU VỀ THƠ



            

T hơ văn giúp ích cho con người rất nhiều nên người xưa có câu: “Thi thơ bất độc, tử tôn ngu” có nghĩa: Thơ sách không đọc, con cháu ngày sau sẽ ngu.

Dù tiến lên hiện đại đến đâu cũng không thể coi nhẹ việc kế thừa truyền thống của dân tộc mình. Tìm hiểu, khám phá văn học Việt Nam, trong đó có thơ, chúng ta sẽ thấy còn nhiều điều thú vị. Nói về văn là cả một thế giới phong phú, đa dạng, đa sắc màu, có nhiều đặc điểm khác biệt. Người viết cũng như người đọc gồm nhiều trường phái, sở thích khác nhau. Để thuận tiện cho việc nghiên cứu văn học, người ta chia văn ra làm hai thể loại: văn xuôi và văn vần. Vậy thơ nằm ở thể loại văn nào? Chắc chắn là thể loại văn vần vì thơ cũng là bài văn làm theo cảm hứng, từng câu có vần, có điệu như: Đường thi, Kinh thi, Việt thi…

Ngày xưa, trải qua hàng ngàn năm, trong quá trình lao động và đấu tranh sinh tồn, cha ông ta đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu. Để truyền lại cho con cháu đời sau, người ta đã nghĩ ra những câu ngắn gọn, có vần, có điệu, dễ thuộc, dễ nhớ như ca dao, tục ngữ… Ví dụ:

- Câu nói gọn ghẽ về luân lý: “Tốt danh hơn lành áo”

- Về tâm lý người đời: “Của người bồ tát, của mình lạt buộc”

- Về phong tục: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”

- Về thường thức: “Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa”

“Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” vv…

Hoặc có giai điệu hát lên rất hay như các bài dân ca ở các vùng miền: Dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Nam bộ… cho nên thơ và bài hát nói gọn là: THI CA.

Ngày nay, người làm thơ, yêu thơ đã nhiều lại đủ các thành phần, tuổi tác… Có người làm thơ vì đam mê, để thư giãn, có người làm thơ “nghiệp dư”, lại có những người “chuyên nghiệp”, sống với “nghề thơ” là “Thợ thơ” hay “Nhà thơ”… Nhưng dù làm “nghiệp dư” hay “chuyên nghiệp” đã “Nhập môn” thì cũng đều phải hiểu biết về thơ. Nghề nào cũng có kỹ thuật hành nghề của mình. “Nghề thơ” cũng có kỹ thuật riêng của nó và cũng không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của một quá trình học tập nghiêm túc và rèn luyện “tay nghề” công phu.

Người làm thơ mà không có hứng, cứ gượng ép “rặn” ra thơ thì khó có sức truyền cảm và rung động lòng người, nên làm thơ thì phải có: THI HỨNG.

Khi có hứng làm thơ thì bài thơ mới hay, đọc lên nghe có hồn thơ gọi là: THI HỒN.

Dân gian có câu: “Có bột mới gột nên hồ”. Muốn có “nguyên liệu” để chuyển hóa thành thơ thì phải đi tìm “tài liệu”, đi “thực tế” như: về thôn quê, thăm quan du lịch các danh lam thắng cảnh vv… để có: THI LIỆU.

Những người suy tư, giàu trí tưởng tượng hay mơ mộng, đam mê, đắm chìm về sự việc gì đó rồi thể hiện thành thơ, gọi là: THI MỘNG.

Có người hay mượn rượu để tạo hứng làm thơ. Các bạn thơ vừa uống rượu (vừa ngắm trăng, ngắm hoa nở…) vừa làm thơ. Hai món này thường đi đôi với nhau nên mới gọi là: THI TỬU.

“Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa thơ mới hay, không phải bất cứ điều gì cũng đều nói ra bằng thơ, như thế mới là thơ có giá trị” (Lê Hữu Trác); ý tứ trong một bài thơ là rất hệ trọng, nói cách khác: Thơ mà thiếu THI TỨ không đáng gọi là thơ.

Khi làm thơ người ta thường chú ý các chữ cùng vần trong một đoạn hay bài thơ (tức vần thơ) gọi là THI VẬN.

Người làm thơ phải có năng lực ngôn ngữ, biểu đạt được ý nghĩ và tình cảm của mình. Biểu hiện ở cả nội dung và hình thức nên ngôn ngữ phải sâu sắc và “đắt”. Bài thơ, lời thơ là bởi những từ, ngữ ghép lại vì thế người làm thơ phải khéo dùng: THI NGỮ.

Cách đặt để và dùng chữ trong một bài thơ hay cái “phép” làm thơ thì cần hiểu: THI PHÁP (THI THỨC, THI CÁCH).

Làm thơ theo thể loại thơ nào thì phải theo quy định của loại thơ đó, tức là tuân theo: THI LUẬT.

Đối với thơ “TỰ DO” thì không cần quy luật nhưng cũng phải có ý thơ và hồn thơ. Ngày nay có những bài thơ “tự do” khiến người ta có nhiều tranh cãi. Người đọc khó có thể phân biệt nó ở thể loại văn gì? Vì nó không có vần, điệu nên nó không phải văn vần, nó giống văn xuôi hay một bức “điện tín” hơn. Nếu nó không đặt ở trang thơ thì đã mấy ai dám bảo đó là “bài thơ” vì thế mới có chuyện tranh luận: người nói là thơ, người cho không phải. Ở cuộc sống cũng có chuyện tương tự như sự lai tạo giữa con ngựa và con lừa sinh ra một con lai, không phải ngựa và cũng chẳng phải lừa mà người ta gọi là con La. Vậy trong văn học có bài “Thơ” không phải văn vần và cũng chẳng phải văn xuôi thì nó là “con lai”. Có người nói đùa tạm gọi nó là: THI VĂN LAI. Chẳng phải họ THI, đệm VĂN, tên LAI mà là con lai của văn và thơ.

Từ thực tế này, nên chăng? Ta lại phải suy nghĩ sâu hơn về vấn đề định nghĩa thế nào là thơ? (để dễ phân biệt giữa loại “thơ truyền thống” và loại “thơ điện tín”: THI VĂN LAI).

Người yêu thơ, làm thơ tất nhiên thích giao lưu thơ, ngâm vịnh, cái hứng thú đó là: THI THÚ.

Thú làm thơ là thú vui tao nhã và thưởng thức thơ cũng thú như thưởng thức các món ăn vậy. Khi ngâm hay đọc một bài thơ, người ta cảm nhận được cái thú vị, nét hay ho ẩn chứa trong sự vật thì mới thấy: THI VỊ.

Tiếng gọi chung cho các loại văn thơ có cách điệu riêng biệt là: THI PHÚ.

Muốn nói cả thơ và văn xuôi thì gọi là: THI VĂN. Ví dụ: Nền thi văn hiện đại.

Người từng làm thơ và có nhiều thơ hay được truyền tụng, gọi là: THI NHÂN, THI GIA, THI KHÁCH, THI SỸ (nhà thơ).

Người đàn ông hay thơ, giỏi thơ thì gọi là: THI ÔNG.

Người làm thơ hay nổi tiếng gọi là: THI HÀO. Ví dụ: Thi hào Nguyễn Du, thi hào Nguyễn Khắc Hiếu.

Làm thơ giỏi, thật cừ thì gọi là: THI BÁ. Ví dụ: Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương là hai thi bá cận đại nước Nam.

Người làm thơ xuất sắc, siêu quần, xuất chúng như thánh nhân thì gọi là: THI THÁNH - Ví dụ: Cao bá Quát là bậc văn tài kiệt xuất, một thi thánh cận đại - nên có thơ rằng:

Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường

tạm dịch: Văn tài như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì lấn lướt thời tiền Hán. Thơ hay như Tùng ThiệnVương và Tuy Lý Vương thì đánh bại thời thịnh Đường.

Những bậc kỳ tài trong làng thơ thì gọi là: THI TIÊN. Ví dụ: người đời xưa đã tặng cho nhà thơ Lý Thái Bạch thời Đường.

Người làm thơ thích giao lưu với nhau, cùng ngâm vịnh, thưởng thức mới khoái nên cần có bạn thơ tức: THI HỮU.

Nhiều người thích thơ sẽ hợp thành: THI GIỚI.

Những người làm thơ theo một khuynh hướng nào đó, rất đặc biệt, khi đọc thơ của họ thì biết họ ở trường phái nào, đó là: THI PHÁI. Ví dụ: thi phái lãng mạn, thi phái tương trưng.

Nơi tụ tập, hội họp để làm thơ ngâm vịnh; hay trên tờ báo nào đó để riêng một mục hoặc trang thơ thì gọi là: THI ĐÀN.

Tất cả những người làm thơ trong một thời kỳ nào đó thì gọi là: THI ĐÀN VIỆT NAM. Ví dụ: thi đàn Việt Nam thời tiền chiến.

Nhóm người thích thơ thường xuyên xum họp xướng họa, rồi đặt ra một cái tên riêng của nhóm thì gọi là : THI XÃ.

Trang thơ đăng nhiều bài thơ của một tờ báo, xum tụ mảnh vườn thơ gọi là: THI VIÊN.

Nơi quy tụ thật nhiều sách thơ, thơ nhiều như ta ở giữa rừng thơ thì gọi là: THI LÂM.

Người ta đề thơ trên một bức họa thì cả thơ lẫn bức họa đó gọi là: THI HỌA.

Câu Sấm mà đặt theo điệu thơ thì gọi là: THI SẤM.

Cảnh trời nên thơ, có thể gợi hứng cho thi sỹ làm thơ hay, gọi là: THI THIÊN.

Những giai thoại trong làng thơ thì gọi là: THI THOẠI. Ví dụ: Chương dân thi thoại.

Hai bộ sách của đạo Nho, thời xưa cho là cần thiết phải đọc là Kinh Thi và Kinh Thư được gọi là: THI THƯ hay THI LỄ (Kinh Thi và Kinh Lễ). Ví dụ: Người có học và có nề nếp gọi là con nhà thi lễ.

Tập thơ viết tay chưa in, hay thơ làm để gửi đi đăng sách, báo gọi là: THI CẢO.

Những bài thơ hoặc một bài thơ dài với một cốt chuyện, tác phẩm của một hay nhiều người được in thành tập gọi là: THI PHẨM.

Thơ in hay chép đóng thành tập, thành quyển thì gọi là: THI TẬP. Ví dụ: Nam âm thi tập.

Đời người cũng lắm thứ nợ, nào “nợ tiền”, “nợ tình”… và còn nợ cả thơ nữa. Đáng lẽ ta phải làm bài thơ để họa bài của thi hữu mời họa hoặc có ý tưởng vịnh một cảnh vật gì đó nhưng chưa làm được nên “nợ thơ” chưa trả gọi là: THI TRÁI.

Người xưa thường hay đi giao lưu, “người thơ” mang bên mình “bầu rượu túi thơ”. Người làm thơ dễ dàng “xuất khẩu thành thơ” và người ta gọi túi thơ là: THI NANG.

Tìm hiểu sâu về thơ, người làm thơ càng cảm thấy hứng thú. Ta biết thêm tiêu chí, thang bậc về thơ để biết mình là ai, đang ở mức nào: Thi nhân, Thi hào, Thi tiên, Thi thánh vv… tự đánh giá mình, tránh ngô nhận mình là…

“Người thơ” cũng không dấu được tâm địa của mình. Người đọc thơ sẽ biết người làm thơ đó là con người như thế nào. Tóm lại: xem thơ biết người.

Nghiên cứu sâu chút nữa ta thấy khi đọc “thi nhân” (danh từ) có nghĩa là nhà thơ, nhưng “thi nhân” (động từ) lại có nghĩa là làm việc nhân, việc thiện, làm điều lành “thi nhân bố đức”…

Bởi vậy làm thơ cũng đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo của “nghề” với lương tâm của người cầm bút “người thơ” trung thực cố vươn lên một cuộc sống thật sự tươi đẹp, thực sự có ý nghĩa, có trách nhiệm để xứng đáng là cuộc sống con người. Đó là con người nhân văn, có trí thức, có khả năng sáng tạo và được tự do phát triển; có những cảm xúc về giá trị, về đẹp xấu, thiện ác, yêu ghét… Muốn có con người nhân văn phải nhờ giáo dục. Không có giáo dục thì không có học vấn, sẽ không có văn hóa, không có văn minh… nói cách khác là không có tiến bộ xã hội và loài người cũng không tồn tại với tư cách là loài người. Một quốc gia tiến bộ và thành đạt là một quốc gia tiến bộ và thành đạt trong giáo dục.

“Tôi ghét những kẻ xây dựng tên mình bằng sự băng hoại thanh danh của kẻ khác” (Gay).

“Văn chương là của chung thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được chớ không nên chê mắng” (Lê Qúy Đôn). -

(Tham khảo: Từ điển Tiếng Việt)




VVM.29.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com