Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



NHÂN SINH THẤT THẬP CỔ LAI HY


C âu thơ trên đây là của ai và trích trong bài thơ nào mà được đời truyền tụng rộng rãi trong dân gian cho đến ngày nay. Thi hào Đỗ Phủ (712-770) đời Đường có bài thơ Khúc giang, gồm hai bài thơ mà câu trên đây nằm trong bài thơ thứ hai:

Triều hồi nhật nhật điểm xuân y
Mối nhật giang đầu tân túy qui
Tữu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
Xuyên qua giáp điệp thâm thâm hiện
Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang công lưu chuyển
Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.

Riêng câu thứ tư tạm hiểu, người đời sống đến 70, xưa nay hiếm, nên ông mới tỏ bày vội hưởng thụ trà tửu đến nỗi phải cầm cố cả áo để có tiền uống rượu. Vậy đến thời đại này, quan niệm về tuổi thọ con người như trên có đúng không? Ngày nay phần đông sống đến trên 70 tuổi là thường, như vậy là do ở gì, nếu không nói rằng là nhờ tiến bộ của y học. Xưa kia, các chứng bịnh nằm trong tứ chứng nan y, như phong, lao, cổ, lãi, thầy thuốc gặp phải đành bó tay, nhưng nay các bịnh nói trên đều được tây y chữa khỏi, nên tuổi thọ con người cũng kéo dài ra. Qua các cáo phó trên nhật báo, chúng ta cũng thấy các cụ ngày nay sống trên 80 không phải là hiếm. Nếu thi hào Đỗ Phủ ngày nay sống dậy chắc ông phải thay đổi quan niệm về tuổi thọ của con người. Và con người dù có sống lâu, xưa nay vẫn phải tuân theo quy luật của tạo hóa nghĩa là không thể trở thành “bất tử”. Chúng ta lại cũng thường nghe câu: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. Hiểu nôm na là người đời, xưa nay ai không chết, chỉ còn để lại lòng son trong sử xanh. Câu này là của ai, Văn Thiên Tường (1236-1282) tự Trọng Thụy, hiệu Văn Sơn, đậu tiến sĩ, làm quan đến Hữu thừa tướng kiêm Khu mật sử nhà Nam Tống. Khi quân Nguyên đánh xuống phía Nam; ông được vua Tống phái đi xin hòa, bị quân Nguyên giữ lại. Sau ông trốn về được Ôn Châu, lập vua Đoan Tông để chống quân Nguyên. Năm 1278, ông thua trận bị bắt, quân Nguyên đưa về Yên Kinh giam cầm 3 năm, dùng mọi cách dụ hàng nhưng ông kiên quyết cự tuyệt, cuối cùng tuyệt thực để quyên sinh. Lúc bị quân Nguyên bắt giải đến bên bờ sông Linh Đinh Dương thuộc tỉnh Quảng Đông trông vời trời biển, ngắm hoàn cảnh bi tráng, Văn Thiên Tường cảm khái sáng tác bài thơ thất ngôn bát cú: “Quá Linh Đinh Dương” (Qua sông Linh Đinh ở Quảng Đông), trong đó có 2 câu cuối.

Tàn khổ tao phùng khởi nhất kinh
Can qua liên lạc tứ chu tinh
Sơn hà phá toải phong phiên như
Thân thế phù trầm vũ đá binh
Hoàng khủng than đầu thuyết hoàng khủng
Linh Đinh dương lý than linh đinh
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lữu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

Được người đời truyền tụng mãi cho đến ngày nay. Nhưng “hãn thanh” là gì? Ngày xưa khi chưa phát minh ra giấy để ghi chép, người ta dùng các miếng thẻ tre có màu xanh để ghi, thẻ tre bên ngoài màu xanh, có lớp trơn như men nên viết không ăn mực, trước khi ghi người ta phải đem hơ lửa cho đổ mồ hôi, lau sạch, rồi mới ghi được (hãn là mồ hôi) vì thế mới gọi là hãn thanh. Có nhiều người cứ lầm hai câu thơ trên là của Nguyễn Công Trứ, một bậc lương thần dưới triều Nguyễn về đời Minh Mạng và Thiệu Trị, quán làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, Trung Việt, vì ông Trứ cũng có bài thơ “Vòng trời đất” có hai câu nghe na ná như hai câu cuối trong: Quá linh đinh dương của Văn Thiên Tường. Bài thơ như sau:

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thang cứ bộ,
Nợ tang bồng trong trắng vỗ tay reo,
Thành thơ thi tập rượu bầu

Nhưng con người với khoa học càng ngày càng tiến bộ, liệu có một ngày nào đó trở thành “bất tử” hay không? Theo truyền thuyết thần tiên sống đến hai ngàn năm và khoa học ngày nay đã cố công vượt không gian, để đi đến những hành tinh xa lạ ở mãi tít hàng triệu cây số cách trái đất, mong tìm kiếm ở đó thử có sự sống hay không? Và tin tưởng rằng có, thì chắc hẳn sinh vật ở đó phải có hình dáng và thể chất khác hơn loài người của quả đất. Hiện tượng dĩa bay đã chứng minh điều đó. Trong sách “giáo khoa” của một nước văn minh thuộc Châu Âu, có kể câu chuyện: Hai vợ chồng cùng đi trên một chiếc xe hơi ra du ngoạn đồng quê, bỗng dưng thấy một vật hình dáng tròn trông như chiếc dĩa, ló dạng lơ lửng trên không và đứng một chỗ, ngay khi đó chiếc xe hơi đang chạy bỗng dưng tắt máy, và không cách nào khởi động lại được, cho đến khi chiếc dĩa bay rời khỏi vùng nhanh như một tia chớp, chiếc xe mới lại nổ máy được. Và như loài người của trần gian một ngày kia đi đến những hành tin có sự sống văn minh hơn thì biết đâu con người của quả đất cũng có thể đồng hóa với thể chất của người ở hành tinh đó và trở thành… bất tử, nghĩa là có thể sống đến 2000 năm tuổi. Một hiện thực đã xảy ra là xưa kia câu chuyện “đi mây về gió” chỉ là chuyện thần tiên trong óc mọi người, thì ngày nay con người trần gian có thể bay được, khi ra khỏi bầu khí quyển dày 100 cây số bao bọc chung quanh quả đất như các phi hành gia đã chứng minh. Chừng đó nếu Thừa tướng Văn Thiên Tường có sống dậy chắc cũng phải thay đổi câu nói của mình: NHÂN SINH TỰ CỔ THÙY VÔ TỬ.-./.




VVM.20.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .