Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



ĐÔI LỜI CHO
MỘT TẬP THƠ MỘT NGƯỜI THƠ


T ôi đọc thơ Trần Vấn Lệ, ở Mỹ, từ năm 1990. Trong mười năm của Thế Kỷ trước, Thế Kỷ XX, hầu như mở báo Việt Ngữ nào xuất bản ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức…cũng thấy có thơ Trần Vấn Lệ. Thơ Trần Vấn Lệ không chỉ được thấy đăng trên các báo văn chương như Thế Kỷ 21, Văn, Văn Học, Thời Tập, Làng Văn, Văn Nghệ Tiền Phong, Quê Mẹ, Tân Văn, Hồn Việt…mà ngay cả báo ngày, báo tuần, báo không bán, cũng có thơ Trần Vấn Lệ. Các báo Thời Luận, Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông, Việt Nam, Rạng Đông, Sài Gòn Times, Sài Gòn Nhỏ…đều có đăng thơ Trần Vấn Lệ .Tôi cũng có một số tập thơ Trần Vấn Lệ xuất bản từ năm 1991 đến 2012. Trong vòng hai mươi năm, Trần Vấn Lệ đã có hơn ba mươi tập sách in, trung bình mỗi tập in một trăm bài. Thơ Trần Vấn Lệ mới thoạt nhìn thì tưởng văn xuôi, nhưng đọc từ câu mở bài trở đi thì thơ Trần Vấn Lệ là thơ, có vần, có thi điệu, có nhạc tính. Chỉ là thơ cổ điển, rất ít thơ tự do. Thơ cổ điển là thơ làm theo luật thơ, Trần Vấn Lệ chỉ đôi khi phóng bút để cho bài thơ đó thoát vào không gian thơ. Thơ cổ điển qua tay Trần Vấn Lệ biến hóa thành Thơ Mới mà không nằm trong phong trào thơ mới có một thời ồn ào, nặng về hình thức ngoại lai, nhẹ phần nội dung dân tộc. Có nhiều câu thơ của Trần Vấn Lệ nằm trong dạng văn xuôi để nói lên trọn ý nghĩa của lời muốn nói, nếu cắt ra thành thơ lục bát hay thất ngôn thì câu thơ sẽ gượng.

Tôi có lần hỏi Trần Vấn Lệ sao…không làm thơ giống như mọi người, Trần Vấn Lệ trả lời: ”Tôi làm thơ…giống như Nguyễn Du đã làm!”. Tôi ngạc nhiên lắm vì tôi biết Nguyễn Du làm thơ Lục Bát, câu sáu, câu tám đâu ra đó, thấy nơi cuốn Đoạn Trường Tân Thanh đấy thôi! Trần Vấn Lệ…bướng bĩnh: “Người ta sửa lại cho Nguyễn Du, chớ Nguyễn Du không làm vậy. Thử đọc câu này của Nguyễn Du: ”Người một nơi, hỏi một nơi, mênh mông nào biết biển trời nơi nao!”, câu đó rất thơ, là một câu trọn nghĩa, hà cớ gì cắt ra làm hai câu cho chênh vênh rồi gọi là Thơ Lục Bát?”. Tôi ngẫm nghĩ lời Trần Vấn Lệ nói, tôi thấy đúng! Quả thế, ông Nguyễn Du “viết” rất rõ ràng: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”, hay “Người lên ngựa, kẻ chia bào, rừng phong Thu nhuốm một màu quan san…”. Tôi “chịu” khi Trần Vấn Lệ nói rằng: “Người làm thơ sử dụng cây bút, người đọc thơ sử dụng cây kéo”. Khi nghe câu này, tôi có “cắc cớ” hỏi vặn Trần Vấn Lệ: “Nhưng thi sĩ nào cũng…làm thơ giống nhau, chia câu, chia khổ phân minh, lục bát ra lục bát, thất ngôn ra thất ngôn…và họ in như thế cho người ta đọc, bộ họ tự phủ nhận hay sao?”. Trần Vấn Lệ nói: “Đúng! Họ làm như thế là họ tự phủ nhận. Họ cầm cây kéo để vừa giết chính thơ của họ vừa tự sát! Hãy chỉ cho tôi câu này của Phan Bội Châu nó là một câu thơ hay hai câu thơ Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai! …Tôi lắc đầu! Nhưng tôi phải nhận đó chỉ là một câu không thể là hai câu vì nó chỉ một mệnh đề. Nói chuyện với Trần Vấn Lệ lắm lúc thật bực mình. Trần Vấn Lệ làm đảo lộn “lung tung” những hiểu biết của tôi về thơ, về văn, thôi, thà “nhậu” khoái hơn!

Và chúng tôi gần gũi nhau mười mấy năm nay ở bàn cà phê hay bàn rượu, nói chuyện trên trời dưới biển …Tôi lớn tuổi hơn Trần Vấn Lệ, tôi được làm anh! Thế là sướng! Tôi quen với Trần Vấn Lệ nhờ gặp thường trong các cuộc “hội ngộ” do nhạc sĩ Nguyễn Phúc Liên Kỳ tạo ra cho ngày Thứ Bảy vài tiếng đồng hồ với anh em. Anh em đây hầu hết mang “quốc tịch người Huế”, nào họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, họa sĩ Dương Ngọc Sum, cư sĩ Thân Trọng Mẫn, thi sĩ Hoài Nhân, bác sĩ Hà Công Lương, nghệ sĩ Nguyễn Công Nghi, nghệ nhân Ngô Tuệ, thi sĩ Vương Từ, họa sĩ Thu Huệ, họa sĩ Liên Tâm, văn sĩ Trần Ngọc, nhà thầu Võ Quý Hy, nhà thầu Nguyễn Văn Lễ…, những người ngoài chữ “hầu hết” kia thì mang quốc tịch khác như họa sĩ Rừng, họa sĩ Khánh Trường, ký giả Phí Ích Bành, nhà phê bình Đặng Phú Phong, họa sĩ Dương Văn Hùng, thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ, kiến trúc sư Nguyễn Tường Quý, thân sĩ Bùi Hồng Sĩ, họa sĩ Hồ Thành Đức & Bé Ký, v.v..Trần Vấn Lệ “người Đà Lạt gốc Phan Thiết”, phụ tá đường xa của Nguyễn Phúc Liên Kỳ vui chơi với anh em, liên quan đến Huế có chừng chút đó. Không ai có tinh thần kỳ thị gì cả vì đều là con chung của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân, lau nhau trong chủ trương “hòa hợp”. Chẳng có chuyện gì phải “hòa giải”. Vui lắm! Trần Vấn Lệ cũng vui nhưng thơ Trần Vấn Lệ thì…buồn.

Thơ Trần Vấn Lệ thì buồn…bởi Trần Vấn Lệ có nhiều nỗi buồn quá! Ở đây, tôi không nói rõ từng nỗi buồn của Trần Vấn Lệ, nói sẽ tranh cãi ồn ào. Những nỗi buồn đó không riêng của Trần Vấn Lệ mà là của chung dân tộc mình nhưng chúng ta không “đồng ý” với Trần Vấn Lệ. Chẳng hạn, một cái chẳng hạn thôi, ba chữ Cựu Quân Nhân, Trần Vấn Lệ nói chúng ta còn-là-lính, không ai có giấy giải ngũ, ngay đối phương của chúng ta cũng nể trọng chúng ta, gọi chúng ta là Tù Binh sau ngày 30 tháng 4 năm 1975…Anh em cùng vui chơi chốc lát trong ngày Thứ Bảy hàng tuần đều lấy bia làm chuẩn, riêng nhạc sĩ Nguyễn Phúc Liên Kỳ thì cô ca cô la và không hút thuốc. Chúng tôi không sa đà và càng không sa đà trong mấy năm gần đây lúc kinh tế Mỹ tuột dốc thảm hại. Anh em thưa thớt dần…chỉ vì sợ cảnh sát buồn tình chận xe ngửi miệng thì chết! Một phần nữa, anh em có người ra đi không hẹn ngày tái ngộ như nhạc sĩ Nhật Ngân, như thi sĩ Nguyễn Tôn Nhan, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Ngay cả Trần Vấn Lệ cũng “giảm” việc in thơ, các năm 2009, 2010, 2011 chỉ in mỗi năm một tập; năm 2012 … tới giờ phút này, dòng chữ này, thì cũng chỉ một tập, Ngày Xuân Không Nắng.

Trần Vấn Lệ có rất ít khả năng tự in thơ nên chắc chắn phải có người giúp đỡ. Khởi đầu là Khánh Hà, năm 1991, 1992, 1993, sau đó là Người Này, Người Nọ in. Hỏi Người Tàu là ai, Người Ban Mê Thuột, Người Huế…là ai, Trần Vấn Lệ nói là Người Ta, Người Dưng. Có Người Ba Lan, Người Mỹ, Người Tàu, Người Tây, Người Đức, Người Anh, Người Nga…cũng “giúp” in thơ Trần Vấn Lệ nữa, đúng là Liên Hiệp Quốc! Người Đức, không một lần in thơ Trần Vấn Lệ, Người Đức lần sau, năm 2012 là…hai người tên Đức, có thật và đã mất, là Bác Sĩ Hoàng Văn Đức, bạn vong niên của Trần Vấn Lệ, mất năm 2012, Thiếu Tá Nguyễn Văn Đức, Thầy Chiến Thuật của Trần Vấn Lệ, mất trong trại tù năm 1976. Trần Vấn Lệ nhớ công ơn tình nghĩa của họ mà nêu tên. Còn người Anh…(năm nào, rất lâu rồi) là người Ăng Lê Vô Danh! Tôi đoán, mò mò, những Người của Trần Vấn Lệ chỉ là Một Người. Lần này, Người Anh là người “cụ thể”, là tôi, là người mà Trần Vấn Lệ coi như Người Anh. Đúng ra năm nay, 2012, Trần Vấn Lệ đã có quyết định là chỉ in một tập, và đã in xong, nhưng tôi thấy thơ Trần Vấn Lệ chưa in còn nhiều quá…bèn ngỏ lời: “Em cho anh một trăm bài để anh in cho em một tập làm kỷ niệm”. Trần Vấn Lệ gật đầu và giao tôi phần nào gan ruột của mình cho Người Anh không dính liền gan ruột này…Là tôi, là Người Anh của Trần Vấn Lệ, ghi dấu một thời lưu lạc tha hương…

Ở phần mở đầu bài này, tôi có điểm sơ sơ thơ Trần Vấn Lệ. Sơ sơ mà thắm thiết ở chỗ tại sao mình để ý đến một người làm thơ trong khi đời không chỉ một vài người làm thơ! Trong nhóm chơi chung hàng tuần, ngày Thứ Bảy, ai ai cũng là nghệ sĩ, ngoại trừ tôi xuất thân trường Nông Lâm Súc, tâm hồn tôi một thời khá dài dành cho cây cỏ rừng rú, nghiêng về khoa học, nhẹ về mộng mơ. Tôi sống đời thực tế, sống bằng mồ hôi tuôn ra trên ruộng đồng, trong vườn tược. Đọc sách, mê thơ, xem tranh, ngắm tượng vì lòng thích thú chớ không học đòi, có làm được đôi câu thơ thi thoảng, có phát biểu đôi điều trịnh trọng trước một cuộc họp nào, chẳng qua là thể hiện tình yêu nghệ thuật và lòng công đạo của con người trong đời sống thường hằng. Tôi rất quý anh em nghệ sĩ, điển hình tôi sống hết mình với nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, tiếc Ngô Mạnh Thu vắn số mà nhiều dự định của anh em chúng tôi không thành; với họa sĩ Nguyễn Văn Trung, tổ chức được hai lần triển lãm…Gần đây, tôi vui vẻ xếp đặt cuộc ra mắt sách của ký giả Trần Củng Sơn từ San José xuống. Tôi rất biết ơn nhà tôi, tức Mẹ của bầy con tôi, luôn luôncho tôi nhìn thấy bóng mát của nghệ thuật, từ đó tôi được ngắm nghía từng tài hoa phát tiết. Tôi để ý đến trường hợp Trần Vấn Lệ khá lâu rồi, tôi ngạc nhiên thấy Trần Vấn Lệ lạ lùng, không thích phô trương. Trần Vấn Lệ viết báo, đăng thơ nhiều nơi, không hề có nhuận bút. Trần Vấn Lệ cho biết: “Mấy ông bà chủ báo tôi góp bài không có ai giàu”. Trần Vấn Lệ sống thoải mái bằng câu Tri Túc Tiện Túc, chắt chiu từng tháng để phục vụ nàng Thơ, vẫn sẵn sàng cho mọi tình huống, không đi chơi xa, không về thăm quê nhà, thủ cái credit card phòng khi cơ nhỡ.

Đời ai cũng có nhiều giai đoạn. Trần Vấn Lệ vào ngành giáo dục từ năm mười tám tuổi, đi lính năm hai mươi bốn tuổi, đi tù cải tạo năm ba mươi ba tuổi, đến quê người năm bốn mươi chin tuổi. Bây giờ đã bãy mươi hơn…Với Trần Vấn Lệ chưa có một ngày nào vui. Do đó thơ Trần Vấn Lệ đầy ăp nỗi buồn. Trần Vấn Lệ cho biết dù không có một ngày vui vẫn sống thoải mái và chờ đợi cái chết một cách thản nhiên. Trần Vấn Lệ dạy từ Tiểu Học lên Trung Học, từ sĩ quan Trung Đội Trưởng lên Đại Đội Trưởng. Trần Vấn Lệ có gia đình, có hai con gái, có hai cháu ngoại. Trần Vấn Lệ rất nhớ quê nhà, nhớ những gì ông bà cha mẹ gây dưng nên và đã mất hết. Cái mà Trần Vấn Lệ còn là mái ấm gia đình, tình thân bè bạn và tình yêu sách vở. Trần Vấn Lệ, đôi khi được nhìn thấy không phải là một người bình thường, một hạt cát mà Trần Vấn Lệ cũng coi như sa mạc, một ngọn sóng mà Trần Vấn Lệ cũng coi như đại dương, một chút hương gió thoảng mà Trần Vấn Lệ cũng coi là hồn thiên cổ…Thơ Trần Vấn Lệ dễ thương vì những lẽ đó, buồn và thắm thiết cũng vì những lẽ đó!

Mỗi chữ trong thơ Trần Vấn Lệ là một hơi thở, là một giọt máu, là một đóa hoa… Tưởng Trần Vấn Lệ thực tế qua lối sống khiêm cung nhưng thật ra thì Trần Vấn Lệ là một con người lãng mạn…

Tôi có nói gì về thơ Trần Vấn Lệ cũng chỉ là khen. Tôi không muốn làm chuyện tầm thường đó. Tôi muốn nói ở đây, tôi với Trần Vấn Lệ là người dưng. Năm 2000 có Người Dưng in thơ Trần Vấn Lệ, năm 2012 lại có thêm Người Dưng nữa in thơ Trần Vấn Lệ. Hạnh phúc của tôi, nhìn từ Trần Vấn Lệ, qua một trăm bài mới nhất của Trần Vấn Lệ, là vừa Người Dưng vừa Người Anh.

Người Dưng khác họ đem lòng nhớ thương
Người Anh khác họ chắc hơn…Người Tình!.

Garden Grove, California 8 - 2012




VVM.13.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .