Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


VIẾT & ĐỌC TRUYỆN NGẮN


L âu nay trên báo chí xuất hiện vô số bài văn xuôi kể lại một câu chuyện ngắn, tự gọi là ” truyện ngắn”. Những cái đó có phải là truyện ngắn  không? Tôi nghĩ phần lớn là không. Bởi  đơn giản truyện ngắn không  là một đoạn văn xuôi, cũng không phải là một câu truyện ngắn,  thể loại ấy có những đặc trưng rất khác biệt. Song ở đây cũng chẳng phải là lúc để tham luận dông dài thế nào là truyện ngắn chính thống. Tôi chỉ xin nói một vài kinh nghiệm bản thân về viết và đọc truyện ngắn.

Chúng ta  đã từng nghe đâu đó câu :” Trong văn học không ai dạy ai được cả" Hết người nầy tới người khác bắt chước nhau nói rặt một điều như thế để được tiếng là khiêm tốn, thật ra chỉ là cách nói mị người, ám chỉ, bất cứ ai biết chữ là viết được truyện ngắn. Có phải đúng thế không? Chưa chắc đã đúng, và nói kiểu đó cũng chẳng có lợi  gì cho người mới cầm bút, đôi khi nó còn gây phản tác dụng. Mấy “anh lính mới” nghe thế tưởng chuyện văn chương là dễ. Có chàng lao vào, một thời gian thấy khó quá vội chạy đi, hoang mang, nghĩ văn chương mà cụ thể là truyện ngắn là cái gì bí ẩn, ghê gớm, có muốn dạy, chẳng thể dạy, và có muốn học cũng chẳng học được. Họ tưởng ấy là thứ đặc quyền của một số người được “ơn trên” ban cho cái gọi là năng khiếu văn học, còn “bá tánh” trong thiên hạ thì không. Tôi nghĩ một cách thô thiển văn học vẫn có thể "dạy" và "học" được, nhà trường vẫn dạy và học đó!  Dĩ nhiên môn văn ở nhà trường khác hẳn với việc sáng tác. Tôi hiểu “ dạy” và “học” theo cách người đi trước "chỉ" và "dẫn"  người sau  để bớt  khó nhọc và mất thời gian .

Thánh kinh từng nói:" Tìm thì thấy" Song mấy ai đủ kiên trì và can đảm đi trọn con  rất dài, đầy chông gai, bất trắc luôn luôn chờ đón ở bất cứ đoạn nào. Trên con đường tìm đến văn học bao nhiêu người đã vấp ngã, có người gượng đứng lên đi tiếp, thành công. Có người quị luôn. Số người đến bờ bên kia hy vọng rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Thử tưởng tượng, một cô một cậu nào đó tốt nghiệp phổ thông, rất yêu văn chương, nghĩ mình có năng khiếu, tự nguyện từ bỏ các cuộc du hí với chúng bạn, ngồi nhà đóng cửa lại miệt mài viết cái truyện, gởi đến tờ báo cùng với cả hy vọng, song chẳng thấy đứa con tinh thần chào đời. Cái truyện giống như viết trên những lá chì ném xuống nước, chìm lĩm, chẳng tăm hơi. Thử hỏi, chừng đôi lần như thế, người kiên nhẫn cách mấy  cũng phải nãn, bỏ cuộc. Vậy thì tại sao người đi trước, có chút kinh nghiệm lại không thể chỉ dẫn? Có gì là tự đề cao mình khi nói “có chút kinh nghiệm" ?  Phải quan niệm cái “Chút kinh nghiệm” ấy chẳng qua chỉ là những thất bại, những bước lỡ lầm, sụp hầm hố trên con đường tìm đến văn chương, ai không thất bại? Nay ta quay lại nắm tay người đi sau dẫn qua an tòan, tốt quá chứ?

Hiện tại có hai xu hướng dựng truyện. Truyện có cốt truyện và truyện không có cốt truyện. Cách nào cũng tốt và cũng có thể viết hay cả.

Xưa, bên Âu châu, nhất là  Anh, sau buổi ăn tối, cả nhà kéo nhau  ra phòng ngòai, gọi là phòng hút thuốc ( Smocking room) bàn  việc trong nhà, trong ngày. Gặp bữa không có việc, nhân dịp ấy một người đọc sách hay kể chuyện cho cả nhà nghe, thời chưa có những phương tiện nghe nhìn hiện đại  đó là một lối giải trí lành mạnh cho cả gia đình. Như thế truyện phải thuộc loại kể được.  Muốn kể được phải dễ nhớ và cần có cốt truyện. Vì thế các nhà văn bắt buộc phải viết “truyện có chuyện”, tứ truyện phải li kì, éo le, gay cấn,hấp dẫn ngay từ dòng đầu đến cuối. Vì thế lọai tiểu thuyết in báo nhiều kì ( feuilletons ) ra đời cùng với nhật báo. Đặc trưng của loại nầy là đọan kết hôm nay phải lôi cuốn, ví dụ như:” Hung thủ rút dao ra đưa lên…” hoặc “ Nam đưa  Nữ vô phòng, khép cửa lại…” và chữ “ còn nữa” và ba chấm lững hứa hẹn, mục đích cũng chỉ để câu khách, bán báo!

Ngày nay,nói chung, khuynh hướng thứ nhất ( Truyện có cốt) đang và sẽ  còn thịnh hành ở miền bắc. Xu thế thứ hai  đang ở chiếm thế thượng phong ở miền Nam.

Sêkov, ông vua truyện ngắn người Nga, lúc đầu cũng viết truyện có cốt chuyện song về sau ông, khi đã viết nhiều, thành thạo, viễt mãi  thấy chán cách dựng truyện cũ kĩ ấy. Ông nói:" Có cốt truyện thì cần phải có người hùng, hành động dũng cảm cao thượng, vị tha, hy sinh. Song mấy đức tính ấy tốt đẹp ấy  ngày càng hiếm, lấy đâu ra để viết mãi?. Con người thời đại “hơi bị” tầm thường! Cuộc đời nầy mấy ai là người hùng? Mấy khi xãy ra chuyện li kì ? Một người đàn ông, thường thường bậc trung, chủ gia đình, sáng vác ô đi tối vác về. Đâu phải ngày nào cũng lên bắc cực đánh nhau với gấu trắng? Mà thường thì ở nhà, ăn xúp bắp cải, rửa chén, quét nhà, và….gây lộn với vợ!

Cuộc đời nầy gồm những con người bình thường. Nhưng những cuộc đời bình dị ấy không có nghĩa cuộc sống le lói, buồn thảm, không có những điều thú vị, để khai thác viết thành chuyện …

Viết theo phong cách nầy không phải dễ, vì không có cốt, nó giống như  người không xương,  oặt ọeo, viết không khéo sẽ thành tùy bút hay một cái gì đó tương tự. Vì thế nó rất cần một cái gì để tựa, với tôi, điểm tựa để dẫn dắt câu chuyện là cái "ý". Viết theo cái "ý", cố tìm ra được một cái "ý" đặc sắc thì mới" ăn", ý làng nhàng, có viết trăm truyện, chẳng đi đến đâu.

Cái "ý" kiếm ở đâu?  Mỗi người có một cách. Tôi cũng có "mánh" để tìm ra ý, không biết “mánh” nầy tốt không? Song chẳng giấu nghề, cứ bật mí. Đối với tôi, cái “ý” nó hiện ra từ cái "hình"  bắt gặp trong cuộc sống, cũng có khi nó hiện ra trong khi nói chuyện. Trên bàn tiệc, bàn nước, trong sách báo, phim ảnh… song tình cờ là chính. Tôi thường tìm hình theo kiểu "mèo bắt chuột " Con mèo không bao giờ đi lang thang tìm chuột, biết chuột ở đâu mà tìm ? Chỉ còn cách nằm rình rập ở những nơi chuột thường xuất hiện như gầm bếp, đụn lúa, thấy chuột ló ra thì tóm, hoàn toàn ngẫu nhiên, may rủi, nhưng chẳng thiếu đâu.  Cách viết nầy theo một trình tự bất biến sau :  Hình sinh ý, ý sinh truyện.Thánh kinh mở đầu bằng câu: Bắt đầu là lời… Tôi nói bắt đầu là hình

Ví dụ, một lần đến thăm cửa hàng bán đồ lưu niệm,  trong cái lọ  thủy tinh  chứa chiếc tàu nhỏ ghép từ những mảnh gỗ thông tí hon. Nhìn hình ảnh ấy, chỉ trong thời gian một cái chớp mắt,  tôi" bắt" ngay được cái ý:  Chiếc tàu tượng trưng cho sự tự do dọc ngang biển rộng sông dài. Cái chai lại là hình tượng gò bó tù hãm. Thế là hai hình tượng hoàn toàn đối lập, mâu thuẩn, lại dính liền với nhau, hiện ra cái tứ cấu thành truyện ngắn" Chiếc tàu trong chai" đầy tính nhân. Xin tóm tắc: Trong một quán rượu trên bến cảng có trưng bày mẫu vật chiếc tàu trong chai, một con tàu ba cột buồm, loại tàu buôn bằng gỗ thế kỉ trước. Mẫu trưng bày rất đẹp nầy để trên nóc tủ cao, nhiều năm qua chưa ai sờ đến. Vào một đêm rất khuya.Trong quán chỉ còn một thủy thủ già hết thời, ấy là lão Tâm, lão đã có cả một đời hào hùng dọc ngang trời biển .Nay lão không còn đủ sức phiêu lưu nữa, lên bờ giúp việc tồi tàn cho quán rượu nghèo dành riêng cho thủy thủ. Đêm đã  khuya  lão chưa được đi ngủ, còn lau chùi sàn nhà do bọn thủy thủ say mửa ra  rất bẩn thỉu. Có một  thủy thủ tên là Chín Thu, hắn cao to và rất khỏe. Hắn là đàn anh của bọn mới vào nghề, hắn rất ganh tị với ông lão vì nghe bọn đàn em ca tụng thành tích oai hùng của ông lão. Một mình ông chế ngự được con cá kiếm  khổng lồ biển Bắc . Hắn muốn làm nhục ông lão. Khi thấy ông lau  đến gần. Hắn tung chân đá văng sô nước, hét to, buộc ông lão cởi chiếc áo thủy thủ đang mặc trong người ra lau sàn nhà. Ông lão lặng lẽ, nhẫn nhục cởi chiếc áo thủy thủ cũ ra lau. Thằng Chín Thu,  còn bày nhiều trò hành hạ lão. Thế rồi chiều hôm sau, trời biển xám như chì, và cơn bão đang chực chờ ngoài khơi, biết hiểm nguy song cả bọn hết tiền phải từ giả vợ con lao vào cơn bão dữ. Thuyền ra tới khơi thì một cơn bão hung tợn kéo tới, chỉ qua vài con sóng lừng, sóng  chụp thuyền chìm, mạnh ai nấy lo mạng sống, tìm ván, can nhựa ôm nổi trên mặt biển hung tợn. Trên bến cảng, gia đình chúng nghĩ cả bọn chuyến nầy chôn thây trong bụng cá . Vợ con kéo nhau ra biển thương khóc, đắp một hàng mười mấy cái mộ cát, mả gió, đốt vàng mã, tro tàn lả tả bay, cảnh tượng thật là đau buồn .Ông lão Tâm vội chạy ra kè đá tháo dây lấy chiếc thuyền nhỏ mở máy, đạp sóng ra khơi. Nhờ kinh nghiệm bao năm đi biển, ông lái con thuyền nhỏ lướt sóng, đến nơi kịp cứu được hầu hết số thủy thủ. Người cuối cùng bị sóng cuốn đi xa quá là Chín Thu. Ông lão nghe tiếng kêu cứu vang trong gió ông vội lái chiếc thuyền con đến, thuyền  chạy được một đoạn, xa xa đã thoáng thấy cánh tay vẫy nước kêu cứu thì con thuyền  hết dầu. Ông không nở bỏ hắn chết, ông lão liều lĩnh lao mình xuống dòng nước sôi sục, tới nơi ông bảo hắn bám vào chiếc lưng người già nhăn nheo như làn da voi, Ông lội về gần đền thuyền. Giờ đây bám vào lưng ông lão hắn mới thấm thía, tối qua hắn còn bày trò vật tay để hành hạ ông lão. Cánh tay khẳng kheo như củi mục của người già đã bị cánh tay vạm vỡ của hắn đè bẹp. Bây giờ  chính cánh tay già nua ốm yếu ấy đang từ từ khoác nước đưa hắn đến chỗ sống. Gần tới con thuyền hắn buông ông già ra, nói:" Tui đủ sức bơi rồi, thôi lão cố bơi về đi " Lão Tâm tuổi già sức yếu, lạnh, và cũng vì khối thịt khổng lồ trên lưng làm cho hết cả sức lực, lão cố rướn tới, được mấy sải chìm lĩm, cả bọn trông thấy nhưng chẳng đứa nào cứu. Ngay trưa ấy cả bọn được tàu hải quân  cứu. Thằng Chín Thu lên bờ trần truồng chạy như người điên trên bãi cát, hét:" Bà con ơi ! Ông trời không có mắt, sao cá xà cá mập không nuốt thàng Chín Thu bất nhân bất nghĩa nầy đi  lại để cho biển chôn vị Đại Thế Chí Bồ Tát  !!!" Đêm ấy hắn lại vào quán uống rượu, thật say và thật khuya. Hắn lén bê" chiếc tàu trong chai" đem ra bãi biển. Dưới ánh trăng sáng vằng vặt hắn cẩn thận lấy đá đập vỡ chai, kêu thầm:" Lão BỒ Tát ơi ! Con tàu được tự do rồi đo !" Hắn đem chiếc tàu xuống biển đặt lên mặt nước, chiếc tàu hơi chòng chành rồi lấy lại thăng bằng. MỘt ngọn gió khuya thổi từ đất liền ra biển, con tàu bắt đầu ra khơi. Chín Thu gào lên :" Thuyền ơi ! Vươt ngàn trùng dương đi thật xa  tới bên kia thế giới  cặp vào bến bờ an lạc, đừng bao giờ quay về cái bến đời  ô trọc nầy !!!"

Tôi tóm tắt truyện nầy chỉ  để nói, Bắt đầu từ một cái hình  lạ thường, hình  sinh cái ý,  ý làm nên câu chuyện. Con tàu và cái chai là dựa theo thủ thuật hình ảnh “đối lập”. Trong truyện tôi còn sử dụng cả kĩ thuật ”Phục bút”. Nhân vật Chín Thu lúc đầu là phản diện, sau hóa chính diện. Phục bút là cách dùng ngòi bút đánh lừa độc giả. Kĩ thuật phục bút là sở trường của nhà viết truyện trinh thám. Ban đầu là một vụ án, người viết đưa ra một số nhân vật khả nghi, để lừa độc giả. Sau cùng mới tiết lộ thủ phạm. Thủ phạm càng bất ngờ càng thú vị.

Thêm một ví dụ về  hình sinh ý. Cách đây mấy năm ở Nha Trang còn phát truyền hình Liên Xô, phát suốt ngày đêm. Một lần tình cờ tôi thấy hình ảnh một tên vừa mãn hạn tù. Hắn được dẫn đến văn phòng trại giam làm thủ tục phóng thích. Họ trả hắn tài sản đã gởi lại  trước khi vào tù. Trong chiếc phong bì giấy ố vàng màu thời gian ấy có  vật quí nhất là chiếc đồng hồ quả quít, rất cũ lớp vàng mạ trên nắp phai cả, đó là tặng phẩm của người cha kính yêu của hắn. Hắn mở nắp ra xem. Chiếc đồng hồ mười năm qua không được lên dây đã đứng từ  ngày chủ nó vào tù. Nó dừng lại vào lúc chín giờ sáng cách đây đúng mười năm. Mọi chiếc đồng hồ trên thế gian nầy đều chạy, chỉ riêng chiếc đồng hồ thằng tù là dừng mười năm, giống hệt cuộc đời của hắn cũng đã bị ngừng đúng mười năm. Từ cái hình  ấy sinh ra cái ý, tôi viết truyện "chiếc đồng hồ". Sau nầy gởi báo Thanh niên lấy tên " Nụ cười gợi lại mùa xuân" đăng trong số báo xuân năm 95, Truyện rất ngắn, hai nghìn từ, viết trong một buổi, đánh bại hàng trăm truyện ngắn khác của những cây bút tên tuổi.  

Xin tóm tắc để minh họa :" Lúc ra tù, hắn đến đâu đều bị xua đuổi, kể cả vợ con. Ai cũng ghét cũng sợ cũng khinh, đến chó thấy hắn, tới gần hít ống quần nhận ra cái "mùi thằng tù, mùi bất lương" xông vào sủa. Trong lúc ấy bọn xấu nghe tin hắn được tự do liền đến móc nối, với bao nhiêu đề nghị như cướp ngân hàng, bắt cóc con tin, giết người thuê,  nhiều cuộc làm ăn bất chính song rất hấp dẫn người trong cảnh hắn. Lần nầy hắn cương quyết không làm người xấu nữa. Thế nhưng cũng từ đây thế giới những con người lương thiện đã khai trừ hắn, hắn không làm sao hội nhập được. Hắn đi xin việc khắp nơi song chẳng nơi nào chấp nhận cho hắn công việc dù đó là công việc nặng nhọc tồi tàn lương ít. Cuối cùng hắn tìm được việc làm, một công việc rất đặc biệt, rất nguy hiểm, rất dễ nãn mà lương thì thấp nên chẳng ai nhận làm. Ay là việc cạo lớp vôi cũ bên ngoài những tòa nhà cao tầng. Suốt ngày hắn treo mình lơ lửng trên cao, hàng trăm mét sống trên tấm ván nhỏ ăn, uống, nghỉ ngơi và làm việc, được cái chẳng giao tiếp với ai, giờ đây hắn mắc cái bệnh rất lạ là bệnh "sợ người". Một hôm đang làm việc thì từ trong cửa sổ tầng lầu thứ mười có chiếc máy bay giấy bay ra, chiếc tàu bay  lượn đảo nhiều vòng cuối cùng bay đến chỗ hắn, hắn thuận tay bắt lấy. Có hai đứa bé chồm người ra cửa sổ nhìn, bọn chúng tưởng chiếc tàu bay đã lượn xuống tới đường phố dưới kia. Không ngờ có người đàn ông đang treo mình lơ lửng bên ngoài căn hộ cầm chiếc tàu bay giấy. Bọn trẻ con rất dễ thương, nói :" Bác ném cho nó bay nữa đi !" Hắn ném. Chiếc máy bay mở ra nhiều vòng tròn rất đẹp lượn lờ mấy vòng xuống thấp dần, hồi sau mất hút trong dòng xe cộ. Bọn trẻ con reo hò thích thú. Mẹ chúng đi tới của sổ chồm người  nhìn ra. Một khuôn mặt phụ nữ khả ái dịu dàng, thấy hắn, cô ta nở  nụ cười đầy thiện cảm. Hắn cười lại, lòng như nở hoa, và hắn bỗng thấy rất ân hận, tự trách mình đã nghĩ sai về con người, con người đâu phải ai cũng tệ bạc ? Hắn thấy từ đây đời hắn mới được thực sự hồi sinh. Hắn cho tay vào túi lấy chiếc đồng hồ ra lên dây đưa lên tai lúc lắc. Đồng hồ kêu tích tắc…tích tắc…tích tắc…như tiếng quả tim tái sinh…

Đừng sợ hết, những hình ảnh đập mạnh vào tâm hồn ta nhiều lắm, miểng tâm hồn ta là chiếc chuông đồng hay sợi dây đàn thì nó sẽ ngân lên, rung lên. Cuộc sống giàu có lắm, nó thiên hình vạn trạng,  cung cấp cho ta biết bao nhiêu  cái tứ. Vấn đề là ta có tinh tế nhận ra và có kịp thời tóm lấy nó và dựng lên câu truyện tráng lệ,  cống hiến lại cho đời hay không ?...

Còn nhiều thủ thuật rất  đáng để cho chúng ta học tập trong khi viết truyện ngắn. Tôi rất thích cái thủ thuật tạm gọi là “  Dĩ tiểu vi đại”, lấy cái nhỏ để ám chỉ cái lớn. Trong phim Titanic (Phim nầy tôi chỉ thích các tiểu tiết, chứ sự vĩ đại tốn hàng mấy trăm triệu, tôi không phục) để mô tả sự kiện chiếc tàu khổng lồ đâm phải núi băng, Cái hay ở chỗ với một sự kiện va chạm khủng khiếp đó  được đạo diễn cao tay nghề, mô tả bằng một hình ảnh rất nhỏ, rất nhẹ: chỉ là sự rung động mong manh, chiếc cốc cà phê trên bàn ngủ chỉ hơi sóng sánh. Lấy cái nhỏ để nói cái lớn là thế. Nếu là nhà văn ta thế nào cũng sử dụng thành ngư ”Long trời lỡ đất” hay “kinh thiên động địa”…Hay nhà đạo diễn non tay nghề của ta thế nào cũng cho mô hình chạm phải băng sơn, một tiếng nổ lớn, bao nhiêu đồ đạc đổ vỡ, hỗn độn cùng với tiếng kêu thét rùng rợn… Trong truyện ngắn” Trưởng nam của đá” của tôi, để mô tả  sự kiện một hòn đá khổng lồ, to như cái nhà, tròn như quả trứng, gọi là Hòn Trứng, đang đứng lưng chừng Núi Sạn, cao hàng trăm mét so với mặt đất, hõng chân lăn như một quả bóng xuống sông Cái Nha Trang, tôi không dùng thành ngữ ”Long trời lỡ đất” bình thường mà mô tả sự việc một cách gián tiếp :” Người vợ chuyển bụng, vừa sổ đứa con,  bà mụ hối anh chồng ra dây phơi quần áo rút mấy cái tả. Chồng sờ thấy mấy chiếc tả trẻ con xé bằng thứ vải mỏng như cánh chuồn, phơi nắng suốt ngày vẫn còn ướt nhẹp. Anh ta kinh ngạc, tưởng mưa, nhìn lên mái ngói thấy đỏ au và hai chú bồ câu đang gù nhau trong nắng…” Đọan đó tả về sự chào đời của “vị trưởng nam của đá”. Hóa ra Hòn Trứng lăn xuống sông làm nước bắn lên rất cao rơi xuống thành cơn mưa ở làng Vĩnh Ngọc bên kia sông. Lấy cái kết quả nhỏ để nói cái lớn, không cần dùng dao to búa lớn, đại ngôn, cường điệu mà vẫn đạt hiệu quả. Trong một bài kí viết về ngày tổng khởi nghĩa ở Nha Trang, tôi chỉ mô tả một thanh niên nông dân tháo dây cột gàu múc nước giếng đi trới ông lý trưởng…cũng là áp dụng thủ thuật ấy.

Cần phải viết một cách cụ thể.Trong văn học những câu  nói chung chung. Những tràng lý luận dông dài, những lý sự về việc đời, dù là khuôn vàng thước ngọc đi nữa cũng chẳng ăn thua gì, không gây được ấn tượng. Phải tìm cho ra cái  cụ thể, càng cụ thể càng tốt. Cụ thể là cái có thể sờ mó được, nắm được, thấy được. Lấy cái "sắc sắc" để nói cái" không không". Lấy vật thể nói cái điều trừu tượng. Một truyện ngắn Trung Quốc hiện đại nói về anh chàng tham ô, không cần phải nói ấy là một nhân vật thoái hóa suy đồi ăn hối lộ, xấu xa…nói thế không gây ấn tượng bằng chỉ cần một chi tiết? Cái bậc thang  gỗ vào nhà anh mấy năm sau khi anh giữ chức trưởng ban tổ chức đã mòn đi do bàn chân của những người đến lo lót… Trong bộ sách chiến tranh trứ danh đông phương, mà theo tôi còn hay hơn " Chiến tranh và hòa bình". là bộ Tam Quốc diễn nghĩa  người viết không cần tả Quan Vân Trường, vị tướng hào hùng nghĩa khí ra sao. Chỉ cần một chi tiết gồm mấy con số là đủ. " Quá ngũ quan trảm lục tướng"( qua năm cửa ải chém sáu tướng) Hay để nói cái cảm nghĩ xót xa bẽ bàng của người hùng trong cảnh cá chậu chim lồng, người viết chú ý tới cái mông của Quan Vân Trường, mông ấy trước đây suốt ngày cùng với con chiến mã lăn lóc chiến trường da dày như da trâu. Nay được Tào Tháo nuôi dưỡng, an nhàn vô vị, sờ thấy làn da mỏng và mềm đi. Người hùng ngậm ngùi  không được tung hoành chiến trận… ấn tượng biết bao! Cụ thể là tình tiết sờ sờ ra đó. Để tả cái dũng mãnh của Quan Công, có một chi tiết rất hay, rất thơ. Quan Công đơn thương độc mã,  phi ngựa xông vào thành địch, chỉ một cái huơ đao, chém bay đầu hai viên đại tướng Nhan Lương, Văn Xú, quay ngựa trở về tướng phủ Tào Tháo, chén rượu tiển vẫn còn ấm !  Không cần dài dòng, chỉ cần  hình ảnh bậc cửa mòn, làn da mỏng, chén rượu ấm…bằng cả mấy trang giấy tả tình, tả cảnh. Tôi  tuy không sánh với người xưa song rất khoái viết về các chi tiết cụ thể. Trong truyện "Mộng bá vương", Thay vì viết:"…mấy kép hát khi hạ vai tuồng ra trước cửa rạp ngồi ăn bắp nướng…" Viết như thế là chưa ăn thua! Chưa chi tiết, chưa sống, phải nói "… Mấy thằng kép trẻ kép tơ, kép độc, kép lẳng, khi hạ vai tuồng vào hậu trường vội vàng thay y giáp, mặc quần xà lõn ra trước cửa rạp ngồi chồm chỗm cạp bắp nướng…Bắp Cồn Hến, một cái cồn cát nhỏ Vỹ Dạ ngó qua, nổi tiếng có giống  bắp ngọt.  Muốn nướng cho ngon phải lựa  bắp  mới héo râu, nướng trên lửa than, rưới nước mắm mỡ, dằm ớt xiêm…"  toàn là cái nhỏ, cái thấy được, sờ mó được. Nói về thủ thuật lấy hình ảnh cụ thể nói cái trừu tượng thì truyện ngắn "Con chuột vải , truyện nầy còn sử dụng cả thủ thuật “đặt cái đen cạnh cái trắng” là rất đắt.

Xin kể để minh họa thủ  thuật đặt cái trắng bên cái đen và dựa vào một chi tiết cụ thể:

Hai nhân vật chính đều làm trong ngành y. MỘt (đen) nhà nghèo, không học, làm nghề Sơn Đông mãi võ, bán thuốc quảng cáo, ra chợ Đầm bán mấy viên kẹo xổ lãi xanh đỏ, thuộc ghẻ, thuốc bổ thận, tráng dương, dưỡng thai. Với đạo cụ chỉ là một con chuột thắt bằng chiếc khăn tay, nhảy nhót để dụ mấy đứa trẻ con bụng õng và mấy người nhà quê. Hắn kiếm tiền cũng kha khá…Nhân vật (trắng) kia là một bác sĩ danh giá đổ bằng tiến sĩ y khoa đại học y Paris về nước, xuất thân trong gia đình thượng lưu trí thức, quyền thế, bên vợ rất giàu. Ông bác sĩ một lần chở vợ đi chợ thấy chàng mãi võ chỉ với con chuột vải cũng sống được, sống lương thiện, sống đàng hòang. Ông nghĩ, cuộc đời nầy thật hào phóng. Cần gì phải chuẩn bị kĩ lưỡng phải học hành khổ nhọc hai mươi năm như ta mới vào đời,  sống được… Nhiều năm sau ông đổi lên Banmêthuột làm giám đốc bệnh viện. Đêm Nô-en năm ấy trời rất rét. Người ta chở tới bệnh viện một xác người lạnh cóng. Ông bác sĩ cố sức cứu hắn, nhưng không kịp, hắn chết, ông cho vào nhà xác để kịp về nhà rước lễ nửa đêm. Ăn Giáng sinh xong, mấy ngày sau ông bắc sĩ giám đốc tình cờ đi ngang qua nhà xác thấy người lao công bệnh viện ngồi gác. Ông hỏi:

- Canh cái gì  nơi đây?

- Thưa cái xác chết  đêm Nô-en !

-Tại sao lại phải canh, sợ  nó chạy đi mất sao?

- Dạo nầy bệnh viện mình chuột nhiều lắm, chuột cả  bầy, hôm kia chúng móc mắt cái xác của người đàn bà Thượng chết do sinh khó. Thế nhưng lạ quá, tôi lén nhìn vào khe cửa thấy chuột từng bầy từ mọi xó xỉnh kéo ra vây quanh  cái xác nầy,  không có con nào dám xâm phạm . Hình như hắn ta là “vua chuột”?

Giám  đốc cười:

- Làm gì  có “vua chuột”.Gia đình chưa tới nhận xác sao?

-Thưa chưa. Bệnh viện ta có  giải phẩu bệnh lí không?

-Không cần, nguyên nhân cái chết của hắn đã quá  rõ. Hắn chết đói và  chết rét. Đêm ấy tìm mãi chẳng có  ven( động mạch), tôi phải mổ  ống chân hắn tìm mạch máu, lôi ra cái mạch máu màu  tím, châm kim vào không hút ra được giọt máu nào. Như thế nửa phần cơ thể dưới của hắn đã chết rồi, song phần trên chưa chết, hắn còn lẩm bẩm mê sảng:”Ông Hai bên kia một chai. Bà Ba bên nầy hai gói…!” và hắn chết. Trước khi chết hắn mửa ra một đống bọt. Đó chính là kiểu chết đói. Không cần mổ ra tôi cũng biết trong cái dạ dày lép kẹp ấy nhiều ngày chẳng có gì…Tội nghiệp!

Lao công:

- Thưa, bây giờ  làm gì?

Giám  đốc :

- Lục xem trong người hắn có giấy tờ tiền bạc gì  không?

Lao công:

- Thưa tôi  đã xem trong mớ áo quần như giẻ rách của hắn rồi. Chẳng có giấy tờ tiền bạc gì. Nếu có tiền thì hắn đã không chết đói. Trong người hắn không có gì cả. À quên!- Dạ mà có… có một vật lạ lắm.

Giám  đốc:

- Cái gì?

- Một con chuột thắt bằng cái khăn tay…

Giám  đốc giật mình, lẩm bẩm:" Trời ơi ! Chuột vải, chuột vải sao? Lão “ con chuột vải” chết rồi sao?  Thế thì cuộc đời này không phải dễ chịu hào phóng với tất cả mọi người như ta nghĩ.. Thôi không đợi thân nhân nữa. Hắn tứ cố vô thân. Lấy vải của bệnh viện khâm liệm, với cái hòm kha khá lo cho hắn.

Nói xong ông Giám Đốc toan bỏ  đi. Chợt nhớ điều gì  quay lại nói:

- Nhớ  bỏ con chuột vải vào  áo quan chôn theo hắn./. 

***

Viết văn dựa nhiều vào tiểu tiết, theo kiểu  người Anh là hay hơn cả. Có  người hài hước nói :” hơi đâu ngồi   chẻ sợi tóc ra làm tư.” Người chê lắm, người khen cũng nhiều. Để nói về một trận đánh lớn, ông tướng dẫn đại hùng binh mấy vạn lính tráng xe pháo ra trận. Các chi tiết và những con số to lớn ấy, người ta chỉ viết thoáng qua một dòng là đủ. Song họ dừng lại, bỏ công viết nhiều trang về bữa ăn sáng của ông tướng mà chỉ chú tâm vào cái rất nhỏ là chén  nước xốt :"…làm bằng gì? theo phong cách ẩm thực Pháp hay Anh ? Bao nhiêu đường ? Bao nhiêu muối ? Hạt tiêu đen hay trắng, bột ớt hay đinh hương …" Hình như độc giả chán cái lớn, thích đi vào cái nhỏ, cái tiểu tiết thú vị hơn. Tôi từng đọc đâu đó trận Điện Biên Phủ, bao nhiêu sự kiện to lớn tôi quên cả, lại chỉ nhớ cái việc mấy anh bộ đội nối dây thép gaihàng rào lại làm dây tê-lê-phôn. Và việc một anh, dép cao su dẫm trong bùn sút quai, lay hoay mãi không làm sao rút quai dép, mượn không ai có, sau phải tự làm lấy cái dụng cụ đơn giản nầy bằng lưỡi lê và một nhánh tre…Theo kiểu đó tôi cũng đã từng nói về chén nước mắm Huế. Nếu chỉ viết :"… Bánh nậm chấm với nước nắm ớt "chẳng cụ thể sống động tí nào và cũng chẳng gây được ấn tượng cho người đọc bằng "…Bánh Nậm mới vớt ra khỏi cái xửng tre, trong ngần như bạch lạp mềm đẽo và nóng hổi, vừa chín tới, bột lọc trong, thấy cả con tôm đất đỏ màu gạch bên trong, lột lá chuối, xếp ra đĩa, chấm nước mắm nhỉ, dằm ớt sừng, ớt không đỏ, không xanh, mới hườm hườm, không cắt bằng dao kéo hay muỗng, phải xắn bằng đũa tre, mới ra hết chất cay, chất thơm. Người Huế thử nước mắm ngon dở bằng cánh bỏ vào hạt cơm, nó nổi là ngon, hạt ớt trắng nổi đầy kín mặt chén đất, men xanh vẽ sơ sài mấy lá trúc…" Như thế mới đúng là nước mắm ăn bánh nậm, bánh bèo Huế.

Truyện ngắn bắt buộc phải có một cái điểm nhấn gọi là cái "nhân". Về sau người đọc sẽ quên, quên tất cả, may ra họ còn nhớ được cái "nhân" của câu truyện. Ví dụ đọc truyện ngắn "đấu bò tót" của HEMINGWAY, dù là truyện rất hay của một nhà văn đại tài, nhưng đọc một thời gian sau cũng sẽ quên cả, tôi chỉ còn nhớ cái "nhân" truyện là anh chàng  phục dịch trong khách sạn nghèo của những tay đấu bò tót gìa hết thời. Hắn ta chịu làm việc nơi đây chỉ vì mê cái hào quang của những tay đấu bò. Ban đêm, sau khi đã xong mọi công việc, hắn ở dưới bếp lấy cặp dao phay  bén  nhọn cột vào chân ghế tạo thành chú bò mộng giả,  nhờ người cầm  ghế lao tới húc thật nhanh, thật mạnh vào hắn, để hắn tập đấu với con bò giả nầy !  Hắn đã chết vì một cú đâm như thế. Đó là “thủ thuật lộng giả thành chân". Hay hình ảnh con mụ tham ăn trong truyện " Bữa ăn trưa" của SOMERSET MAUGHAM. Hai truyện ngắn của tôi có gây chút dư luận là truyện”Tiếng chim”,  và truyện “Đêm mưa” đều sử dụng kĩ thuật” lộng giả thành chân” này. Tiếng chim là tiếng chim giả, ghi âm trong máy cát xét. Đêm mưa cũng là mưa giả, phun nước lên mái nhà, dùng máy ghi âm giả làm tiếng sấm, đèn làm ánh chớp, quạt máy làm gió…Hoặc một truyện ngắn gì đó của Vũ Hạnh, tôi quên tất cả, chỉ còn nhớ cái "nhân" của nó là vào thời kì Phật Giáo miền nam chống  Diệm Nhu, dân chúng đêm lại đi chùa nghe  kinh rất nhiều. Có một mụ già nhà rất nghèo, mỗi lần đến chùa mang đôi dép mòn, đứt quai, thứ bán phế liệu. Đến nơi, mụ ta để dép đúng nơi qui định, vào chùa kính cẩn thắp hương lễ Phật, vẻ mộ đạo hơn người, đôi khi mụ ta còn giảng giải lời thầy cho người khác nghe. Lúc ra về mụ chọn đôi dép tốt nhất, đắc tiền nhất mang về, mỗi đêm mụ làm vài vụ, chưa lần nào thất bại, kiếm đủ tiền nuôi con. Sau nầy cách mạng thành công, ai cũng hồ hỡi, phong trào chống Diệm Nhu tắt hẳn, dân chúng không đi chùa nữa. Mụ ta không còn dịp ra tay, rất buồn…Cái nhân là một chi tiết đắt  làm người ta nhớ mãi, có thể  nhớ suốt đời.

Cũng cần cho cái truyện của bạn đội một chiếc mũ đẹp, trang trí cho cái đầu truyện thật đẹp, thật gợi mở, kêu gọi sự tò mò, để người đọc đã cầm lên, đọc qua vài dòng, khó mà bỏ xuống. Cái  đầu câu chuyện là buổi sơ giao, cần tạo ấn tượng đẹp, nhưng chớ lộ ra điều gì, chỉ hứa hẹn  thôi, kĩ thuật nầy các cô gái các bà vẫn thường dùng, buổi đầu làm cho người ta mê mà chẳng hé ra chút gì, chẳng cho gì.

Đối với tôi, đuôi truyện, cái kết,  là quan trọng nhất. Tôi theo cách của loài rắn lục, con rắn lục cái khi có chửa đuôi nó hồng dần lên, chóp đuôi tụ máu đỏ rực. Ay là nó dồn hết tinh lực vào khúc đuôi, bạn cũng cần đem hết tâm huyết, trau chuốt cho đoạn kết. Thể loại phim viễn tây, thường gọi là phim cow boy ngày trước không bắn súng, giết  chóc lung tung như phim bây giờ. Suốt cả cuốn phim dài chỉ một phát súng, nhưng là phát súng kết thúc rất đẹp cho cái kết, một nỗi buồn rực rỡ. Tất cả phim chỉ để phục vụ cho phát súng quyết định sau cùng này. Đến đây đã tới lúc bạn sắp sửa chia tay với người đọc. Cần có một cuộc chia li thật cảm động để bạn đọc nhớ  tên bạn. Tình yêu lạ lắm, chỉ cần một lần yêu, yêu mãi. Bạn đã có một chỗ đứng trong tâm hồn bạn đọc.Về sau thấy tên bạn đâu người ta vồ lấy.

Theo tôi truyện ngắn rất cần tả cảnh. Không nên tả cảnh theo công thức, ước lệ và lấy lệ, lối mòn. Tả cảnh phải công phu và hiểu biết nhiều lĩnh vực, kể cả khoa học tự nhiên. Cái khó của tả cảnh là nói những gì chưa ai tả. Đừng kết thúc bằng cái câu muôn thuở:” Hai người ngồi bên nhau dưới ánh trăng hạ huyền…!”

Còn” Vốn sống”?  Đừng nghe người khác nói đến cái gọi là" vốn sống" mà sợ mình còn trẻ không có, vốn sống không phải là độc quyền của người già. Sống trăm tuổi mà sống hời hợt cũng chẳng có gì  để viết. Vốn sống chẳng là gì ghê gớm cả. Nó chỉ là cái mình cảm, nghe, thấy, gặp…đầu óc ta tự động ghi vào bộ nhớ, và bộ óc con người còn siêu hơn cả máy vi tính, chẳng phải "kích chuột", khi cần, dữ liệu sẽ tự động bật ra. Nếu cần tả cảnh bình minh thì trong đời ta đã chứng kiến hàng ngàn lần cảnh mặt trời lên, sẽ có cảnh bình minh  ở rừng, ở biển, tùy lúc mà hiện ra, mình là họa sĩ vẽ lại bằng chữ trên giấy…Tả cảnh làm sao cho người đọc xong than:” Ôi dễ dàng và đơn giản thế mà sao trước đây chưa ai viết mà mình nghĩ mãi cũng không ra!”

Cần ghi chép không? Cần, song thú thật,  tôi vẫn tự hỏi:” Ghi cái gì? Cuộc sống sinh động và nhiều quá làm sao ghi chép? ”. Tôi vốn lười, không  bao giờ ghi chép, viết nhật kí, trí nhớ tôi cũng thuộc lọai tồi! Thế nhưng ký ức như cuộn tơ rối, tìm được mối, phăng dần rồi cuối cùng cũng gỡ xong.  Vấn đề là không phải sống lâu, ghi chép nhiều, mà phải sống có ý thức, sống thực, dấn thân, sống hết lòng, không được sống hời hợt. Muốn làm " giàu" vốn sống phải biết làm giàu từ bé, không phải, cứ "đi thực tế " một vài ngày là "ngồn ngộn" vốn sống như vài người vẫn nói. Muốn viết văn phải làm giàu vốn sống, mọi lúc, mọi nơi, suốt cả đời.

***

Tôi cứ mạnh dạn viết tất cả những gì  từ lao động trực tiếp trong nhiều năm ra đây. Người nệ cổ, nệ kinh điển sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tác giả không bàn tới, dù là một câu cái gọi là đề cương, cấu trúc, bố cục. Tôi quan niệm, nhân vật do ta sinh ra, nhưng chúng lại sống cuộc đời của chúng, không phụ thuộc mình, không cần sắp xếp. Số phận nhân vật ra sao là do cá tính của nhân vật, cái đó là do bạn, vì bạn là người sinh thành ra nhân vật, cho nó cá tính, không phải ông trời nào cả. Cứ có một cái hình  đẹp, một cái ý hay thì không cần đề cương, cấu trúc, đọc vẫn thấy chặt chẽ sống động. Nhân vật  cựa quậy nhảy nhót, muốn vượt ra khỏi quyển sách, không phải là những con nộm thiếu sức sống. Còn cuộc đời trong truyện của bạn cũng sẽ sinh động giống như xô cửa sổ ra ngắm đường phố. Đề cương là cái lồng ta làm ra để nhốt mình, là sợi thừng ta bện ra để trói buột tay chân ta. Bạn đọc cũng chẳng nghe  nói điều gì xa  gần về các thước đo giá trị văn học cổ điển : giá trị tư tưởng, giá trị hiện thực, giá trị thẩm mỹ, tính logique… Tôi nói hơi cực đoan:” nghệ sĩ được quyền phi logique”Những thứ “xiềng xích” ấy đã có thời kì dài hành hạ bao nhiêu người rồi! Sau khi bạn đã để hết cả tâm lực làm việc, tác phẩm hoàn thành,  tự nó sẽ phát sáng, thứ ánh sáng lạnh, không lóa mắt, không hời hợt bên ngoài, ấy là ánh sáng sâu trong lòng chất ngọc. Dù quan sát dưới ống kính nào, nó vẫn lấp lánh, có tìm cách phủ nhận cũng không được.

Nếu bạn đã mơ hồ  cảm thấy có "một cái gì" chớ vội vàng, cứ để nó “chín” dần trong bạn. Cuộc hoài thai có thể nhanh hay chậm. Có thể nó hành hạ, như người mẹ ốm nghén, nhất là nghén con so. “Cái gì” đó đã chín tới, đến kì nở nhụy khai hoa, bạn dành hết tinh huyết, gạt hết mọi thứ ra khỏi đầu, tĩnh lặng ngồi trước máy vi tính hay tập giấy, chật vật đau đớn một lúc rồi sẽ sinh thành, bạn sẽ thấy khoan khoái vô cùng, sung sướng tột độ, giống như mình thoát khỏi sức hút trọng trường, cảm thấy có thể quạt tay bay lên. Bạn bay như chim và nở ra như hoa. Ngọn bút, sẽ bứt ra khỏi sự tầm thường cất cánh bay lên. Trái xanh sẽ chín. Đóa hàm tiếu sẽ mãn khai. Tác phẩm đầu tay của các bạn trẻ là hoa quả đầu mùa ngon ngọt, cống hiến trả ơn đời. -./.




VVM.12.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .