Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



- GÒ ĐỐNG ĐA -
THĂNG LONG HÀNH KHÚC CA

  


N hạc sĩ tiền bối Văn Cao đã viết nhiều ca khúc về lịch sử Tiên Rồng nhằm để kích thích tinh thần yêu nước của thanh thiếu niên Việt Nam, xếp bút nghiên lên đường chống Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc thân yêu. Các ca khúc "Thăng Long hành khúc ca' và "Gò Đống Đa" luôn được mọi người nhớ tới mỗi độ Xuân về.

- Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng,
- Trong khói sương chiều ám trên dòng sông.
- Nhị Hà còn kia, Nhị Hà còn đó
- Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông.

Tới thăm thành Thăng Long, chúng ta nhớ lại trang sử hào hùng của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đánh tan tác giặc Thanh đến nỗi quân của Tôn Sĩ Nghị phải chạy 'bán sống bán chết' qua cầu bắc ngang sông Hồng (tức Nhĩ Hà, vì dòng sông khi tới Hà Nội uốn quanh có hình như vành tai), đến nỗi cầu thô sơ bị quá tải, sụp đổ làm chết rất nhiều quân giặc…

- Tháp đây, Gươm thần đâu dưới nước biếc,
- Có chăng bao người bao lưu luyến tiếc…

Vào thành Thăng Long, chiêm ngưỡng Tháp Rùa cổ kính, liên tưởng đến Gươm thần mà Rùa vàng đã đòi lại sau khi Lê Lợi thắng giặc Minh, hồ Lục Thủy liền được đồi tên là hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm).

- Này phường này phố cũ, này đường về ô xưa
- Bóng xưa ngàn năm Hồ phai khi tàn mơ
- Thăng Long thành xưa, Thăng Long ngày nao cờ khoe sắc phấp phới
- Loa vang xa, chiêng thu không, tiếng bát ngát trong trống Thành
- Bao năm qua khắp chốn cũ cũng đã mất hết tinh anh.
- Thăng Long thành, Ôi Thăng Long Ôi Thăng Long Ôi Thăng Long ngày nay
- Dân chí sống yên vui, chờ gió mới bay về
- Bao ánh sáng phương tây, từ khắp chốn bay về
- Ôi Thăng Long Ôi Thăng Long Ôi Thăng Long ngày mai
- Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng
- Gần xa hò hét: Thăng Long, Thăng Long, Thăng Long thành!

Ngày mồng 5 Tết (7-2-1946), tại đền Trung Liệt trên Gò Đống Đa ở Thái Hà ấp, lần đầu tiên người dân Thủ đô được tổ chức công khai lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc, hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trước đó, dưới chế độ phong kiến và thực dân, người dân Việt Nam phải "mượn" một lễ hội của Hoa kiều "giỗ trận" đối với những đồng bào người Thanh của họ, để tưởng nhớ đến chiến công hiển hách cùa quân Tây Sơn đại phá quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Nhạc sĩ Văn Cao viết thật xúc động về Gò Đống Đa:

- Từng đoàn dân chúng trên Đế đô tưng bừng đi
- Tìm về thăm chốn non nước thiêng trang hùng ghi
- Cố bước bước bước bước trên đường thơm gió mát
- Ta đi đi đi đi thăm Gò xưa chất thây.

Ngày nay, Thủ đô Hà Nội tổ chức Lễ hội Đống Đa (thuộc quận Đống Đa) hàng năm diễn ra vào ngày mồng 5 Tết Nguyên Đán (5/1 âm lịch). Đây là Lễ hội chiến thắng, mừng công chiến tích trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. Cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước "Rồng lửa Thăng Long" là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Lễ hội còn có nhiều trò vui, đua tài, đua trí trên sân bãi tại Gò Đống Đa lịch sử.

- Đống Đa còn chốn đây (Lời 2: Tiến quân hành khúc ca)
- Nhắc xương đầy máu xây (Lời 2: Thét vang rừng núi xa)
- Ngàn tiếng thét tiếng rít lên, còn vướng vất giáo mác tên
- Mấy ai qua mà lòng khôn ngây.
- Cùng thăm nơi xưa ai là người không bái sùng
- Giòng máu ái quốc lưu truyền trong bao đấng hùng
- Ngày ngàn quân Thanh chết, dưới toán quân Việt Nam
- Thề quyết phấn đấu đồng tâm, hy sinh làm sao cho hơn thời xưa
- Rồi cất sức sống ngày mai, máu đào đồng bào hết hòa cùng màu quốc kỳ.

Về bài Quốc ca Việt Nam, nhạc sĩ Văn Cao cho biết:

- Tên bài hát và lời ca của nó là sự tiếp tục từ "Thăng Long hành khúc ca":

Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng…

Hay trong bài "Gò Đống Đa":

Tiến quân hành khúc ca, Thét vang lừng núi xa…

Lời trên đã rút ngắn thành tên bài "Tiến quân ca", và tiếng thét ấy đã ở đoạn cao trào của bài hát:

Tiến lên! Cùng tiến lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền!"

(Vào kỳ họp Quốc hội tháng 9-1955, Quốc hội đã mời nhạc sĩ Văn Cao đến để đổi lời mới: "Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền")

Ngót 150 năm, nhà Nguyễn cố làm cho người người quên nhà Tây Sơn. Nhưng tiếng "Anh hùng áo vải","Anh hùng dân tộc" mãi mãi còn vang, khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, trên đất nước Việt Nam, từ Nam chí Bắc.

Còn nhà Nguyễn đã làm được gì? - Có người bảo rằng đã thống nhất Bắc Nam.

Đó là quên rằng chính nhà Tây Sơn đã thống nhất Bắc Nam, rồi Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm trên tay Đông Định Vương và Cảnh Thịnh. Sau bao phen 'dâu chìm bể nổi' nhà Nguyễn còn để lại tiếng "Rước voi, cõng rắn".

Trăm năm bia đá thời mòn
Nghìn năn bia miệng mãi còn trơ trơ.

(Tham khảo: - Văn Cao, NXB Thanh niên-2007 - Tạp chí Xưa & Nay, số Xuân 2011).



VVM.03.6.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .