Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



(1922-2010)

HOÀNG CẦM - HỒN THƠ ÁNH SÁNG


            Hà Nội ngày 6- 5- 2010. Cái nóng như đổ lửa uống Hồ Gươm. Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi cùng Lá Diêu bông vi vút trời xa, da diết gọi Tình yêu con người Việt Nam suốt thế kỷ XX lửa cháy.
             Nỗi tiếc thương xao xác hồn tôi.
                     Hà Nội đêm không ngủ.
             Biết rằng sẽ có một ngày xa biền biệt, không còn được nghe tiếng nhà thơ Hoàng Cầm gọi:
                       “Diêu Bông hời!
                         Ới! Diêu Bông!..”

        Vậy nên những năm 1990- 2000, tôi đã dành những buổi chiều đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm tại nhà riêng phố Lý Quốc Sư- cạnh Nhà Thờ Lớn- Hà Nội, nghe ông đọc thơ, kể chuyện tình Kinh Bắc, và khám phá thơ ông.
      Chuyên luận Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng của tôi đã in trong tập bút ký Hương đất Hà Thành (Mai Thục- NXB Văn hoá Thông tin- Hà Nội- 2004).
    Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm. Tôi khóc ông bằng những dòng chữ dâng đầy nước mắt của những người mẹ, người chị, người em gái… Kinh Bắc- Việt Nam, mà Hoàng Cầm nâng niu, yêu thương tha thiết trong thơ ông.
       Tôi niệm “Nam mô A Di Đà” cầu nguyện linh hồn nhà thơ Hoàng Cầm bay lên cùng Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.

       Mai Thục  
        Hồ Gươm- Hà Nội đêm không ngủ.
 


THỜI GIAN NGHỆ THUẬT :

H oàng Cầm không có quan niệm sống dấn thân và thực dụng như Xuân Diệu khi biểu hiện thời gian trong thơ “Nhanh lên chứ, vội vàng lên chứ”

Thời gian trong thơ Hoàng Cầm gắn với quan niệm truyền thống của mỹ học phương Đông. Với Hoàng Cầm, sự chuyển vần từng giây phút của vũ trụ được chiếm lĩnh bởi chủ thể sáng tạo, hoá thành đối tượng nghệ thuật. Thời gian cụ thể đã thành thời gian nghệ thuật, tham gia vào việc truyền đạt nội dung, chuyên chở cảm xúc, được tác giả đồng hoá, chiếm hữu nơi hồn mình. Đó là dòng thời gian chủ quan trong lòng thi nhân, nó được đo bằng cảm xúc, bằng tâm trạng buồn vui của nhà thơ.

Nguyễn Du viết: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, “Ba thu dồn lại một ngày dài ghê”.

Thơì gian trong thơ Hoàng Cầm cũng vậy. Chiều dài của thời gian luôn được đo bằng cường độ cảm tính, khi gắn với một nỗi đau, lúc gắn với một chuyện tình hay là một ảo ảnh của quá khứ, một khoảnh khắc bừng sáng tâm linh.

Những Chiều Mê:

Thơ Hoàng Cầm nếu đêm là thời gian bừng toả ào ạt của sáng tạo, thì chiều là là khoảng thời gian đã mất, được tìm lại, cùng với những ảo ảnh tràn đầy cảm giác về nỗi đớn đau hay niềm hạnh phúc.

“Chiều xưa giẻ quạt voi lồng”
“Một chiều rạo rực nhớ quê hương”
“Chiều mai ráng đỏ”
“Chiều mê bến lịm bàng hoàng chớp đông”
“Chiều em đi không quá một vòng tay”
“Đã sang mùa… biền biệt những chiều mưa”
“Chiều nay không bóng tím”
“Chiều nghiêng mây Thị Mầu”

“Những chiều buồn phơ phất lại” dâng bản nhạc chiều buông nhẹ trong thơ Hoàng Cầm, dội về những thời khắc đã xa xôi, dắt người đọc đi ngược về quá khứ. Nhịp điệu thơ chơi vơi, hình ảnh thơ huyền ảo những chiều mê xa mờ. Ánh sáng u huyền khi mờ, khi tỏ, khi nhạt nhoà màu mây khói, như xây lại bóng một toà thời gian đã mất. Hồn thơ bật ra từ tiềm thức, ẩn ức, ký ức. Cái hư ảo, cái vô thức tràn lên ý thức.

Thơ Hoàng Cầm không hiện thế giới mới của hôm nay. Ông sáng tạo một thế giới Kinh Bắc xa xôi của thời nảo, thời nào, xây một lâu đài văn hoá nghệ thuật cổ kính cho đời sau chiêm ngưỡng.

Nhưng với khả năng gợi cảm của ngôn từ, của nhạc điệu hồn người trong phong cách thơ siêu thực tràn đầy cảm giác, người đọc ngày nay vẫn bị cuốn hút vào nỗi suy tư đầy ma lực, cho những nỗi đau được bay lên.

“Chiều mơ bến lịm bàng hoàng chớp đông”

Những câu thơ gợi cảm giác như thế , thức tỉnh sự suy tư nhiều hơn là trao cho nó một cái nghĩa cụ thể. Đọc thơ Hoàng Cầm, chúng ta không thể tìm ra một chuyện thật, một con người cụ thể nào. Nhà thơ mải mê đi tìm thời gian đã mất, không gian đã mất, đi tìm dòng người trôi chảy hư vô, hay đi tìm về cha ông, gốc rễ, cội nguồn của mình.

Tuổi Mười Hai Bừng Nở:

Và Hoàng Cầm đi tìm lại chính mình trong cái thủa sơ sinh định mệnh:

“Đêm mưa dầm
Mẹ đau trở dạ
Sinh con ra
Tiếng tù và xé canh ba
Báo hiệu một cơn giông nín lặng
Con đấy ư?
Mười ngày không khóc
Mười đêm
Tiếng trống chèo vuốt ngực Châu Long”

(Luân hồi)

Bài thơ ngược với quan niệm của người phương Đông. Đứa trẻ nào cũng cất tiếng khóc chào đời. Tiếng khóc chào đời, buồng phổi nở ra, nối con người với vũ trụ qua hơi thở, chịu sự tác động qua lại trực tiếp của không gian thời gian. Thời khắc đó, theo lá số tử vi, quyết định số phận một con người.

Hoàng Cầm cảm nhận sự sinh ra của mình theo thuyết luân hồi. Ông là kiếp khác của bánh xe luân hồi qua nhiều kiếp:

“Luân lưu thụ thai qua chín đời đằng đẵng”

Ông trở lại kiếp này với:

“Những lá Diêu Bông, những đôi xe hồng”

Đâý là những kiếp nghiệp xa xưa, oan tình từ đời nào truyền sang.

Nghiệp luân hồi đó đã hoá thành thơ Hoàng Cầm.

Với nhà thơ, cái khoảng thời gian đầy gió bão mà ông sinh ra như một định mệnh, như một tiền kiếp và còn như một tiên tri, báo hiệu số mệnh bão tố của nhà thơ, để người yêu thơ ngày nay phải thốt lên:

“Thương đời giông bão, thương cuối chim cuối trời”

Giông bão đó là giông bão của cả thiên nhiên, mặt đất, bầu trời, cả những biến thiên của lịch sử, trút xuống đôi mắt sáng của nhà thơ, ập xuống thân phận nhà thơ.

Cả cuộc đời, Hoàng Cầm luôn bị ám ảnh bởi “Tiếng tù và xé canh ba” phút giây chào đời, và cái tuổi mười hai dừng lại, cao lên như một cột mốc ghi đỉnh cao của tài năng và vận mệnh thi sĩ:

“Tuổi anh là sao vút cao thăm thẳm
Mười hai xưa… mười hai bây giờ”

(Vào đường mê)

Tuổi mười hai ấy gắn với hình ảnh cậu bé:

“Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Đứng nhìn theo chị gọi đôi cây”

Cậu bé thơ ngây, hồn nhiên, trái tim nhạy cảm, tâm hồn tràn cảm xúc yêu thương, yêu cái đẹp, cái thiện, tính cách, tài năng loé sáng, phát triển một cách tự nhiên, hợp lý, là năng lực sáng chói nhất của Hoàng Cầm được bộc lộ từ tuổi mười hai.

Cái tôi cá nhân, năng lực tiềm ẩn của Hoàng Cầm sớm nở hoa kết trái, sớm đĩnh đạc thành hình, không bị che lấp bởi những bóng ma đạo đức giả.

Cậu bé muời hai tuổi ấy, một chiều trên đồng quê Kinh Bắc, ngẩn ngơ đi tìm Lá Diêu Bông và chàng đã đi tìm suốt cả cuộc đời , chiếc Lá Diêu Bông như một giấc mơ về hạnh phúc, tình yêu, cái đẹp, cái thiện, trong tiếng gọi: “Diêu Bông hời… ới Diêu Bông”…

Đó là cuộc đi tìm chân lý, đi tìm tình yêu hạnh phúc của thi sĩ Hoàng Cầm.

Thi nhân đã đi gần trọn thế kỷ, hồn vẫn tươi nguyên tuổi mười hai, kết thành nhạc thơ một cặp hình tượng “Em và Chị” nâng những nàng thơ của Hoàng Cầm thành siêu phàm:

“Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu Bà Sấm, bến Cô Mưa
Đi…
Ngày tháng lụi
Tìm không thấy
Dải yếm lòng chai mải phất cờ”

(Quả vườn ổi)

Trong đời sống thực, Hoàng Cầm thường bị ám ảnh bởi cái hoàn cảnh đã sinh ra ông, và thi sĩ luôn sống lại cùng những ẩn ức thời thơ bé.

Hoàng Cầm nói: “Người ta ai cũng cất tiếng khóc chào đời, nhưng tại sao tôi không khóc được? Ngay từ lúc bốn, năm tuổi, tôi đã cảm nhận thế nào là cô đơn. Một mình tôi lang thang trên con đường làng ngơ ngác nhìn lên những đám mây xa xôi, tưởng tượng và mơ ước. Có những ước mơ trong sáng, và có cả những tưởng tượng hãi hùng.

Tôi cho rằng đời người từ năm đến mười lăm tuổi là thời gian hình thành nhân cách trong một hoàn cảnh, môi trường tâm lý, trong một điều kiện vật chất, tinh thần cụ thể… Bây giờ tôi vẫn thường sống lại với những kỷ niệm khi tôi còn là cậu bé mười hai tuổi”.

Quả thật, ký ức tuổi thơ luôn luôn toả sáng trong thơ Hoàng Cầm. Nó gắn bó với sinh hoạt văn hoá dân dã và tâm hồn Kinh Bắc, gắn “Em với Chị”:

“Chị gọi đôi cây
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em”

“Thuở ấy Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể”

“Lẽo đẽo em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng”

“Em đi mãi những đường làng ngơ ngắt
Nhặt lá đa đan mũ Chiêu Quân”

“Chiều lá dứa tít mù chong chóng
Gió mát này mẹ quạt
Từ xê xế nẻo tàn trăng”

Kiếp Thi Sĩ Phiêu Diêu:

Những kỷ niệm về tuổi mười hai, đã mở ra cả một thế gíơi tinh thần của nhà thơ, trong quá khứ và trong hiện tại. Mở ra một kiếp thi sĩ trầm luân. Thế giới ấy mờ ảo, sáng lấp lánh, chìm sâu, chấp chới, thao thức mời gọi, khiến cho cả một đời, một kiếp trầm luân, Hoàng Cầm cứ phấp phỏng đi tìm về tuổi thơ, đi tìm thời gian đã mất. Không gian đã mất. Tình yêu đã mất.

Chính nỗi ám ảnh bồn chồn đó, đã dẫn tới trạng thái tinh thần của Hoàng Cầm trong đời sống hằng ngày, ông luôn chới với, chơi vơi, phiêu diêu cùng ảo ảnh, mất cảm giác về thời gian thực, không gian thực.

Có thể nói Hoàng Cầm không sống với hiện tại, để con người có hạnh phúc như lời Phật dạy. Nỗi ám ảnh về quá khứ, về hạnh phúc tình yêu đã mất, làm cho Hoàng Cầm luôn khổ đau, khát khao, và thơ ông càng trở nên buồn huyền ảo:

“Anh đi sắp đến vô cùng
Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi”



“Trăm năm nhào quyện hư vô
Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn”

Hồn thơ lạc lõng giữa vô tiền, khoáng hậu, thời gian chỉ là ước lệ. Thời gian là tương đối:

“Nghe nghìn muôn dặm năm sau”
“Hồng hoang hương ấm mấy chân trời”
“Đã hết năm tu hú gọi rừng già”
“Đã sang mùa tu hú ngủ rừng xa”
“Trập trùng đá động biếc thời gian”
“Một bước nghìn năm rêu phủ”

Thời gian ước lệ mơ hồ trùng điệp trong thơ Hoàng Cầm đã mở ra một trường diện rộng lớn về thời gian, không gian, trong những giao cảm nội tâm gấp khúc, dập doành như sóng biển ru, tạo một cõi thơ huyền ảo của Hoàng Cầm.

Thời gian tâm trạng trong thơ ông là những mê lộ, dẫn người đọc vào mê cung. Chính Hoàng Cầm cũng ngẩn ngơ, mơ ảo bước vào thế giới mê lộ đó. Ông nhận ra tuổi của mình qua những ham mê, những say đắm, những nỗi đau:

“Bảy mươi đứng phía ngoẹn cười
Tám mươi đứng khóc nẻo đời chưa khô”

“Bảy mươi rồi vẫn cơ hàn
Tám mươi khát cả lưỡi dao
Chín mươi dẫu đến mười mươi
Khát thương em quá khóc thương một mình”

Thời gian tâm trạng trong thơ Hoàng Cầm là những nỗi đau chồng chất. Không lời. Những nỗi đau được dồn lại thành tuổi tác, đời người. Kiếp sống trầm luân.

Nỗi đau thân kiếp dồn lại tháng ngày đôi khi tuyệt vọng thăng hoa, siêu thoát, thành nhạc, thành thơ, trở thành “nỗi đau đớn du dương” như cứa xé vào cảm giác đớn đau:

“Như hòn núi vọng vô phương hạnh phúc
Bao năm đan kết thành viên ngọc huyền quang”

Những Đêm Mơ:

Những đêm Kinh Bắc hiện hữu trong thơ Hoàng Cầm như một nền nhạc trầm với âm vọng lớn. Một nửa số bài thơ trong tập Bên kia sông Đuống đều hiện lên những Đêm Kinh Bắc.

Nhưng đêm trong thơ Hoàng Cầm không phải không phải thời gian cụ thể. Không phải là một đêm hữu hạn trôi đi theo ánh mặt trời lặn. Nó khác hẳn với quan niệm thời gian trong thơ Xuân Diệu.

Xuân Diệu cảm nhận dòng thời gian cụ thể. Xuân Diệu nhìn thấy thời gian trôi vùn vụt, hết ngày đến đêm, hết tháng này sang mùa khác, hết năm này sang năm khác và hết một kiếp sống làm người, trong chớp mắt. Bởi thế, Xuân Diệu luôn bị hối thúc bởi thời gian:

“Mau lên chứ, vội vàng lên chứ”
“Thong thả chiều vàng thong thả lại
Rồi đi… đêm xám tới dần dần…
Cứ thế mà bay cho đến hết
Những ngày, những tháng, những mùa xuân”.

(Giờ tàn)

Đêm trong thơ Hoàng Cầm vừa là thời gian cụ thể, vừa là thời khắc bừng nở của sáng tạo. Là sự bừng sáng tâm linh.

Và tôi gọi Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.

Bởi thế thời gian trong thơ Hoàng Cầm ôm trọn mọi kiếp người, mọi thời biến của lịch sử mà con người là trung tâm.

Đêm trong thơ Hoàng Cầm là những đêm dòng tâm linh bật sáng thành những câu thơ viết tự động, những hàng chữ đè lên nhau, tràn ánh sáng của những ẩn ức, những khoảng vô thức, những khoảng trống, những nhịp điệu chơi vơi.

Trong cái khoảnh khứac tâm linh oà vỡ ấy, có một hệ thống tín hiệu gợi về một “thế giới thực” của Kinh Bắc với biết bao đau khổ, cô đơn, lo âu, dày vò, khao khát, ước mơ…

Những đêm Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm làm sống dậy một lịch sử Kinh Bắc, những kiếp phù du, những hiện thực đời sống Kinh Bắc, và sức sống bên trong quyết liệt, mạnh mẽ, bùng nổ của con người Kinh Bắc, truyền không năm tháng (với những hẹn hò, thuỷ chung, tình nghĩa, những lễ hội, cả những khối tình khắc khoải, cô đơn, trống vắng lẫn yêu thương và những giấc mộng câm…)

Những đêm trong thơ Hoàng Cầm, thời gian được nhắc đến trong quan niệm triết học, trong mối quan hệ với không gian và vũ trụ, với con người và xã hội.

Tên những bài thơ “Đêm”: Đêm Thuỷ, Đêm Hoả, Đêm Kim, Đêm Mộc, Đêm Thổ là những đêm hoang vắng trên một vùng đất, vùng trời hoang sơ, nhiều biến thiên dữ dội. Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ- năm tố chất (nước, lửa, gỗ, kim khí, đất) tạo nên thế gian và cuộc sống theo luật tương khắc, tương sinh.

Những đêm Thuỷ, Hoả, Mộc, Thổ, Kim hiện ra trong thơ Hoàng Cầm không bình thường và rối loạn, hoang vu:

“Đêm xuống
Làm lầu hoang
Trò chuyện gì ai đâu
Mồ tháng giêng mưa sũng”

(Đêm Thuỷ)

Đêm Kim cũng là đêm tượng trưng, siêu thực gợi những ngày tháng không lành. Đêm xuống miên man, chỉ nghe tiếng “Trẻ sơ sinh đuổi giọng mèo hoang”, chỉ thấy tiếng mày khâu xè xè của “Ông phó già mười đêm chẳng ngủ” may áo xô gai cho những đám tang.

Những cảnh tượng, âm thanh đó báo hiệu một hiện thực dữ dằn. Chiến tranh. Ly loạn.

Đêm Hoả ứng với một không gian gây cảm giác hãi hùng. Đau thương chia lìa. Chiến tranh diễn ra trên mảnh đất Kinh Bắc, đời nọ nối đời kia với những Đêm Hoả:

“Trăng lên chém đầu ngọn gió
Cành si bưng chậu máu chát chao”

Không gian Đêm siêu thực trong thơ Hoàng Cầm như một khối nặng nề u uẩn, lặng chìm bí ẩn, gợi những linh tính, những sự thật dữ dằn, đầy bóng tối cô liêu.

Bởi xót thương những kiếp người bị đoạ đày, chết chóc, đói khổ trong chiến tranh, nên “trăng, gió, mây, trời” trong thơ Hoàng Cầm không còn là cảnh huyền diệu, dâng cung đàn yêu muôn thuở của thi nhân. Tuy vậy, Hoàng Cầm vẫn tôn trọng dịch lý. Năm tố chất Kim, Mộc, Thuỷ, Thổ, Hoả giữ quy luật tương sinh, tương khắc. Nếu Đêm Kim và Đêm Hoả là chiến tranh, Thì Đêm Thuỷ, Đêm Mộc trong thơ Hoàng Cầm là những đêm của Tình yêu, sinh tồn và phát triển:

“Ao mưa dằng dịt lá trường sinh” (Đêm Thuỷ)
“Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm” (Đêm Mộc)

Nhà thơ ca ngợi những đêm tình yêu, đêm sáng tạo, đêm mơ… là sức sống mãnh liệt của con người.

Những đêm ấy, tâm linh bừng sáng. Thực tại được nhận thức ở tầm sâu nhất, cao nhất, biên độ vô cùng rộng lớn. Thời khắc đó, ý thức dường như tắt hẳn, nghệ sĩ trở về với yên tĩnh tuyệt vời. Không thời gian. Không không gian. Thế giới siêu hiện tượng, siêu thời gian, nổi lên trên thế giới hữu hình. Đó là trạng thái thuần nhất trong nội giới để thi sĩ cảm nhận được cốt lõi của sự vật và sự tột cùng của tri thức và siêu tầng cảm giác.

Đêm cũng có khi là một thời gian cụ thể, nhưng cái sự thật mà Hoàng Cầm cảm nhận được lại là khái quát. Đêm giao thừa, không gian tối đen, mưa rét căm căm, tiếng côn trùng rền rĩ, nhà thơ nhớ tới quê hương qua màn mưa đen, trong cảm giác lạnh:

“Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa
Tâm sự đêm giao thừa”

Hình ảnh vợ con hiện lên:

Vợ đói con cũng đói
Khóc lả lặng từng hồi”

Một đêm khác, khi nghe tin giặc chiếm vùng Kinh Bắc, nhà thơ cảm nhận được một sự thật khủng khiếp của quê hương trong những đêm chiến tranh:

“Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh”

(Bên kia sông Đuống)

Và tình yêu con người, yêu mảnh đất Kinh Bắc với những bãi mía nương dâu, với ánh sáng văn hoá đồng quê Kinh Bắc, với người mẹ hiền tần tảo…. ào ạt dâng trào nơi ngọn bút, và Hoàng Cầm mải miết viết theo dòng chảy tâm linh, bừng sáng một hồn quê Kinh Bắc.

Một Đêm. Hoàng Cầm mộng du về nhà mình tìm mẹ:

“Đêm buông xuống dòng sông Đuống
Con là ai? Con ở đâu về?...
Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng”

Đêm mơ. Tĩnh lặng thẳm sâu. Lòng dạ bồn chồn xao xác.Hoàng Cầm đã viết trong trạng thái mê ảo, thực và mộng, mộng và thực, cái thực nổi lên trên cái mộng. Nỗi đau cô lại ngưng thành ngôn ngữ, sắc lạnh xé màn đêm:

“Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi lê dài sắc máu”

Còn mộng ước thì bay lên theo nhịp điệu chơi vơi bừng Ánh sáng:

“Bao giờ về Bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi chảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”

(Bên kia sông Đuống)

Trong những đêm ảo mộng, Hoàng Cầm rưng rưng hạnh phúc nhớ về Kinh Bắc với những đêm hội hè, với những đêm trăng huê tình, hình ảnh người yêu lẫn vào ánh trăng:

“Đêm hội Lim về đê quai rảo bước
Đuổi tà lụa nhạt
Ánh trăng đầm ấm thấm đường sương
Lại xót tay em, đêm trường ru võng”

(Theo đuổi)

Với Hoàng Cầm và người Kinh Bắc, không gian của những đêm hội hè là thời khắc con người được tự do trao gửi tình yêu. Sự giao duyên hồn nhiên, dân dã ấy, vốn đã là hồn người Kinh Bắc với lời ca quan họ ngọt ngào lướt trên cánh đồng xanh bát ngát. Nhưng những luật tục, lề thói xã hội, đạo đức giả, đã ngăn cản tâm hồn yêu thương ấy, con người phải ghìm nén tình cảm yêu thương cao quí trong khổ đau thầm lặng. Người Kinh Bắc đã mượn những màn đêm hội hè một ngày hội của trái tim yêu, phá vỡ luật tục đạo đức giả dối, trở về với chính mình trong ánh mắt bừng sáng gửi trao nhau:

“Bốn mắt thắp đèn từ đêm trước
Tìm nhau mà nín câm”

(Hội Phù Khê)

Những đêm như thế, là những đêm toả ánh sáng rực rỡ trong thơ Hoàng Cầm:

Trăng khuya các bờ sông
Thương soi đôi mái đầu”

(Thi hát đúm)

Những đêm bừng sáng. Hoàng Cầm nửa mơ, nửa tỉnh, lạc lõng vào con đường hướng nội trầm tư. Lúc mà ý thức còn chập chờn trong giấc ngủ, vô thức sáng bừng lên, tri giác về các sự vật, hiện tượng, của quá khứ và hiện tại ùa tràn, sáng rực, huyền ảo đằng sau giấc ngủ chập chờn.

Người nghệ sĩ có ba trạng thái ngủ: “ mơ màng- mộng- thực” xen kẽ, nối nhau bằng một sợi dây công thông miên tục, tạo nên một tâm thế năng sản, một trạng thái tinh thần thăng hoa, toả sáng và nghệ thuật hiện ra, bằng hoạ, nhạc, văn chương, bằng nhịp thơ huyền ảo:

“Đêm qua hỏi có trăng rằm
Đêm nay ai biết nơi nằm trăng thu
Em mê ru chị mộng du
Đêm qua tàn lại thêm ngờ đêm mai”

(Gọi đôi)

Những đêm “mê ru”, “mộng du” như thế xuất hiện rất nhiều trong thơ Hoàng Cầm, xây nên một cõi ảo trong thơ ông, là chất men say ru hồn người đọc Việt Nam nhiều thế hệ:

“Đêm phương Bắc khi sao Hôm nhẹ khóc
Hương tím em về đậu giữa trang thơ”
“Trên ngực tràn hương tím thức đêm say”
“Nhiều nửa đêm chợt bồng bềnh giọng hát”
“Gió nguyên hình. Đêm mơ gì ngất lịm”

“Nửa đêm mùng bảy lặn trăng non
Anh hẹn em về cõi sáng hơn”

“Bao giờ em xế về anh
Nắm tay được mấy hạt đêm Kim Kiều”
“Ai xa quê hương đêm nay thức giấc
Tưởng như mẹ về
Tưởng như chị về”
“Dường như trăng chếch bên giường
Tiếng gà tiễn biệt đêm trường lặng im”
“Long lanh tiễn nguyệt đêm trường”

“Men dẫu thẫn thờ đêm
Đêm dài rạo rực- là têm đêm xanh”
“Lại rơi vào quạnh quẽ đêm qua
Đâu như mắt quê mê gì vậy
Lan hương biết gọi
Những người tình xa nhau”

Hoàng Cầm mơ. Những cơn mơ đêm bồng bênh như sóng biển bạc đầu thương nhớ. Những đêm mơ ấy, là cõi ảo, mơ hồ, chống chếnh, nghiêng ngả một nỗi cô đơn, lẻ bóng, một khát vọng yêu thương, một nỗi niềm quạnh hưu đau khổ.

Hoàng Cầm mơ. Những đêm mơ không thời gian. Không không gian. Không ý thức vật chất. Hoàng Cầm mơ. Hồn thơ hương bay toả sáng Tình yêu con người.

Những đêm mơ trong thơ Hoàng Cầm bừng sáng một cõi Ánh sáng thăng thiên, là đặc trưng của thời gian nghệ thuật thơ Hoàng Cầm- không ai có được. Dòng thời gian tâm linh- sự sống của cõi tâm linh bừng thức trong đêm. Nó kết nối với không gian vô cùng- thời gian vô tận- hoà sáng cùng vũ trụ, nhưng lại có mối liện hệ mật thiết với đời sống con người Kinh Bắc.

Đêm tối, trăng, sao, cảnh vật trong thơ Hoàng Cầm thật mà ảo, ảo mà thật. Cái ảo bao trùm mờ sương gió miên man xa vắng, mênh mông, đầy tính tượng trưng, siêu thực trong thơ ông, là một hệ thống tín hiệu, mở ra những “tín hiệu khác”, một “hiện thực khác” trong cõi suy tưởng thăng hoa của nhà thơ.

Đó là hiện thực cuộc sống, thân phận con người Kinh Bắc, khi thực, khi ảo, chúng gợi nhiều đến cảm giác của người đọc: đau đớn, yêu thương, căm thù, ngột ngạt, mơ, say đắm, hoặc thanh thoát, dịu dàng cùng khát vọng sống, khát vọng yêu…

Những khát vọng cao cả, thấm đẫm tình yêu con người, bay bổng trong thơ Hoàng Cầm thành bản hoà tấu tràn ánh sáng, xoa dịu nỗi đau, dâng tình yêu thương, nâng hồn người đọc.

Thơ Hoàng Cầm vượt những nỗi đau đớn, cô đơn, dòng đời nghiệt ngã, để sống và yêu. Trong buồn thương, tuyệt vọng, Hoàng Cầm luôn vươn tới Ánh sáng:

“Chở thuyền hái lặn những đêm giăng
Vội chắp lại đêm xuân thứ nhất”

Đó là khả năng giải thoát theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Là sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam- Bản lĩnh Việt Nam- Văn hoá Việt Nam.

Và tôi gọi :

. HOÀNG CẦM - HỒN THƠ ÁNH SÁNG .


Hồ Gươm- Hoa nắng tràn sóng biếc. Mùa Hoa Bằng lăng tím đỏ- 2010




VVM.17.5.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .