Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


BAO GIỜ THÌ CHÁNH PHÁP SẼ RA ĐỜI ?

  


C ó lẽ câu hỏi này đã đeo đẳng người Phật Tử suốt mấy ngàn năm qua. Mọi người thi nhau cất nhiều Chùa, đúc nhiều Tượng để hướng về Chánh Pháp. Biết bao nhiêu người lớp người đã Xuất Gia, đã tập bao nhiêu Hạnh, Xả biết bao nhiêu vật chất, lìa ham muốn trần tục, một lòng hướng về Phật Pháp. Thế giới càng hỗn loạn, chiến tranh, bệnh tật, đói nghèo dai dẳng, cuộc sống bất an… thì Chùa chiền ngày càng mọc lên nhiều thêm.

Theo huyền ký thì vào khoảng năm 3.000 Chánh Pháp sẽ ra đời, thì ngày càng gần tới thời điểm đó rồi. Hoa Ưu Đàm đã nở ở nhiều nơi mà Chánh Pháp còn đang ở đâu? Phật Di Lặc chừng nào mới xuất hiện để “cứu thế độ đời”? Ngài sẽ xuất hiện tại Sa Mạc Gobi như lời của Ngài Krisnamurti? Hay ở một chốn linh thiêng nào đó? Hội Long Hoa để mừng Ngài sẽ diễn ra nơi đâu? Ai sẽ được diễm phúc chứng kiến giờ phút Phật Di Lặc ra đời? Lời Kinh chép lại có đáng tin cậy hay không? Phật Pháp có nhiệm mầu như những gì thuyết giảng hay không? Chúng ta sẽ hướng vào đâu để tìm Chánh Pháp?

Theo tôi, lời Phật không thể là hư vọng, và 33 vị Tổ đã truyền nhau để xác tín. Tuy nhiên tin ai, tin như thế nào, là việc riêng của mỗi người, chúng ta không thể vay mượn niềm tin cũng như sự hiểu biết của người khác, mà mỗi người cần đặt câu hỏi cho chính mình rằng mình có Tin Đạo Phật đúng như những gì Đức Thích Ca hướng dẫn hay không? Nếu chưa biết thì có lẽ chúng ta nên bắt đầu lại từ đầu để có niềm tin cho riêng mình. Phật dạy: “Mỗi người nên tự thắp đuốc lên mà đi” thì lẽ nào ta cứ nương đuốc của người khác mãi?

Nói đến Đạo Phật là mọi người thường nghĩ đến Chùa chiền, vì nơi đó từ bao đời được cho là giữ gìn và phổ biến Đạo Phật. Nhưng công tâm mà nhận xét, chính Chùa chiền là nơi đã truyền bá cho Phật Tử nhiều đời niềm tin vào sự hộ trì của Chư Phật, cho nên bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau ăn sâu vào tâm tưởng. Do đó, với hầu hết Phật Tử, Đạo Phật là một tôn giáo để phụng thờ Đức Thích Ca, A Di Đà, họ cầu mong được Độ, và chờ mong sự xuất hiện của Đức Di Lặc, mà theo giải thích của các Chùa thì đó là một trong Tam Thế Phật. Có lẽ do chúng ta quá thờ ơ với Đạo, và niềm tin đã che mờ tất cả, nên không quan tâm tới những gì được giảng dạy. Vì thế, dù rằng Đức Thích Ca đã nhập diệt cách đây gần 3.000 năm mà vẫn được giải thích đó là PHẬT HIỆN ĐỜI mà cũng không thắc mắc!

Thế rồi biết bao nhiêu thế hệ đã nối tiếp nhau để cầu xin Phật. Chùa lớn, chùa nhỏ ngày càng mọc thêm, nhang khói ngày đêm không dứt mà cuộc đời cũng vẫn còn đầy dẫy nỗi khổ làm cho người tin theo đâm ra hoang mang. Nhiều người đã nêu lên nghi vấn là tại sao Phật quyền phép vô biên, “Độ cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”, vậy mà chính những nước càng sùng bái Đạo Phật càng nghèo, hoặc nền văn minh, khoa học không phát triển? Thậm chí Ấn Độ là nơi mà Đức Phật đã sinh ra, đã lập Đạo, thì nhiều nơi người dân rất nghèo khổ, sống dưới mức trung bình. Có làng mà tất cả những thanh niên không có ai còn đủ hai quả thận vì phải bán đi một quả, lấy một số tiền ít ỏi để cất nhà, để rồi tất cả đều sụp đổ theo trận động đất năm vừa qua. Thiên tai này cũng cướp đi gần 9.000 sinh mạng con người và nhiều Tòa Tháp cổ. Trong khi đó, những nước Tây Âu không đặt niềm tin vào Tôn Giáo, không cầu xin Phật phù hộ thì ngày càng phát triển, dân chúng ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội cũng ổn định hơn, trở thành miền đất hứa của biết bao nhiêu con người ở nhiều quốc gia khác. Họ bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, để dùng xà lan, tàu thuyền để vượt biên. Số người chết vì mong đổi đời đã đánh động trái tim nhân loại! Nếu Phật linh thiêng sao không chứng minh bằng cách hộ trì cho đất nước, cho dân tộc của Ngài và những nước mến mộ Ngài? Phật quên lời hứa? Lời Phật không chân thật hay lời Ngài đã bị diễn giải sai?

Tôi cho rằng đã đến lúc người Phật Tử cần sáng suốt để xét lại tất cả, vì nếu thật sự lời Đức Thích Ca không đúng thì không nên tiếp tục tin trong mê mờ. Ngược lại, nếu lời Ngài bị giải thích sai thì chúng ta càng cần làm cho sáng tỏ để trả lại cho Đạo Phật những gì đúng nghĩa của Đạo, chưa bị lai tạp bởi những tín ngưỡng địa phương khi du nhập. Chưa bị những người “Y Kinh giải nghĩa” làm cho “Tam thế Phật oan” làm sai lạc mục đích của Đạo Phật chân chính. Đó là điều mỗi người cần làm, trước hết là để phá mê cho chính mình, sau đó cũng một cách mà ta đền ân Đức Thích Ca, vì nếu chúng ta nhắm mắt tin theo lớp người đi trước mà thiếu sự sáng suốt thì rõ ràng không ích lợi gì cho Đạo mà cũng không lợi lạc cho bản thân mình. Đó không phải là điều mà Đức Thích Ca mong mỏi khi bỏ cả ngai vàng, sự nghiệp để khai mở Đạo Phật.

Thật vậy, mấy ngàn năm là một chuỗi thời gian quá dài, trong đó có biết bao nhiêu thế hệ đã tu hành, biết bao nhiêu người đã nối tiếp nhau kỳ vọng vào lời Phật hứa hẹn. Lòng thành đã được chứng minh. Nhiều người không tiếc tiền của bỏ vô xây Chùa, đúc tượng, độ Tăng. Lực lượng xuất gia ngày càng đông, sớm chiều chuông mõ, chùa nào cũng nghi ngút khói hương với bao nhiêu lời cầu xin, mong rằng Phật hiển linh sẽ nhìn thấy mà ban cho bản thân, cho gia đình, dân tộc, cho đất nước ngày càng phồn thịnh. Nhưng rồi chờ mong ngày càng mỏi mòn, buộc người có hiểu biết phải xem lại niềm tin của mình, đối chiếu với thực tế để nhận ra một sự thật mà lẽ ra mọi người phải thấy từ rất lâu, rằng không phải bất cứ ai khoác vào người sắc phục tu hành thì đã là Tu Sĩ chân chính, cũng như không phải bất cứ ai Xuất Gia tu hành cũng đều Đắc Đạo, và trong bao nhiêu lớp người truyền Đạo với Chùa chiền ngày càng rầm rộ cất lên đó được bao nhiêu người hiểu đúng, truyền đúng lời Phật? Nếu cứ tiếp tục như thế thì niềm tin của ta sẽ về đâu?

Thực tế đã chứng minh: Càng xa Chư Tổ được Truyền Y Bát bao nhiêu thì Đạo Phật càng bị pha trộn vào đó những cách hiểu, cách hành xa rời Chánh Đạo bấy nhiêu. Thật vậy, nếu Kinh dễ dàng để hiểu thì ĐẠI BÁT NIẾT BÀN đã không phải dặn dò: “Y pháp bất y nhân. Y nghĩa bất y ngữ. Y Trí bất y thức. Y Kinh liễu nghĩa bất y kinh vị liễu nghĩa”.

Không phải người Xuất Gia tu hành nào cũng do mộ đạo. Dù cho mộ đạo, nhưng không được người đã đắc đạo truyền dạy, lại không chịu đọc Kinh để xem lời nhắc nhở của Chư Tổ, mà cứ lớp người đi trước truyền lại cho người sau, lần hồi chỉ còn là nghi thức để cúng bái, cầu An, cầu Siêu, tụng niệm… thì Đạo Phật không còn là Đạo Phật nữa! Điều đó trong Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN có đề cập đến. Kinh viết rằng Đạo Phật như đề hồ, một chất quý nhất trong sữa, nhưng do những kẻ hám lợi cứ pha thêm nước lã vào đó, nên càng ngày cả vị sữa cũng không còn nữa! Từ đó, chúng ta sẽ hiểu vì sao mà trong Đạo Phật cần có việc Truyền Y BÁT. Nếu ta tin Đạo Phật mà kể cả những điều này còn chưa biết đến thì thử hỏi bao nhiêu lâu nay ta đã hiểu và hành theo Đạo Phật như thế nào? Những điều ta tin, hiểu, hành, có nằm trong dòng Chánh Pháp hay không? Tin trong mê mờ thì liệu có phải là mê tín hay không? Lẽ nào tới thời này với sự hiểu biết của con người quá cao, đã lên tận Sao Hỏa mà lại chấp nhận tin trong mơ hồ, không phân biệt chân, giả, vì đâu phải niềm tin như vậy là vô hại?

Đa phần người Phật Tử ít ai chịu tự mình tìm hiểu, khoán việc đọc Kinh, giảng Kinh cho những Tu Sĩ. Chính vì thế mà ngày càng bị dắt đi xa mà không hay. Cụ thể nhất trường hợp các Tông Thiền gọi là NGŨ PHÁI THIỀN, gồm PHÁP NHÃN TÔNG, QUY NGƯỠNG TÔNG, VÂN MÔN TÔNG, TÀO ĐỘNG và LÂM TẾ, được khai mở bằng những đệ tử nhiều đời sau của Lục Tổ Huệ Năng. Dù xuất phát từ Tổ Huệ Năng là người cầm nắm Chánh Pháp, nhưng đến đời họ thì cái Chánh Pháp đó đã không còn nữa. Họ lại sáng chế ra nhiều kiểu tu hành mới lạ, khác hẳn những gì Đức Thích Ca và Chư Tổ giảng dạy, rồi tự cho là mình cao siêu!

Thật vậy, Đức Thích Ca bày ra Đạo Phật có mục tiêu rõ ràng là Độ Khổ, là Giải Thoát. Trong đó, Ngài đưa ra nhiều phương tiện để hỗ trợ cho việc tu hành. Một trong những phương tiện là LỤC ĐỘ, gồm: BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, NHẪN NHỤC, TINH TẤN, THIỀN ĐỊNH và TRÍ HUỆ thì họ trích riêng ra độ THIỀN ĐỊNH để mở ra dạy gọi là TU THIỀN, cho đó là “tu Đốn”, vin vào Đức Thích Ca đắc đạo do Thiền. Nhưng Đức Thích Ca Thiền thì đắc đạo, mà họ dạy Thiền thì sản sinh ra những kẻ ngông cuồng, ngạo mạn, báng Phật, nhạo Pháp!

Những Tông Thiền đó làm mưa làm gió rầm rộ một thời, nhưng khi Ngài Nguyệt Khê đi sưu tầm đã đưa ra kết luận: “Pháp Nhãn Tông truyền sang Cao Ly. Vân Môn Tông đã thất truyền từ lâu, chỉ còn ba Tông là Quy Ngưỡng, Lâm Tế và Tào Động. Nhưng con cháu của các Tông chỉ lấy cội nguồn gia phổ để truyền thừa với nhau, ghi trong Pháp Quyển là Thiền Sư đời thứ mấy, mà hỏi về gia phong, tông chỉ thì ngơ ngác không thể trả lời”! (Cội Nguồn Truyền Thừa). Từ Tu Phật họ biến thành Tu Thiền để rồi cuối cùng cũng không biết về đâu! Thử hỏi cứ đưa ngón tay lên, cầm phất trần đưa xuống đưa lên, nhại lại câu hỏi, hét to hay im lặng... để trả lời cho người Tham vấn thì họ sẽ hiểu Đạo như thế nào? Đức Phật giảng suốt 49 năm. Chư Tổ là những người nối truyền thì người nào cũng giảng giải rõ ràng, Kinh chép lại cả mười mấy bộ mà người đọc còn chẳng hiểu. Dùng cây phất trần đưa lên đưa xuống, hay đưa ngón tay lên thì nói lên được điều gì? Bởi vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi thấy tự họ đi vào diệt vong. Người sau muốn nghiên cứu cũng tự hiểu theo mình mà thôi, vì đâu có sách vở, tài liệu, bài giảng lưu lại để mà kiểm chứng?

Ở Nhật có Thiền Sư SUZUKI rất nổi tiếng, viết quyển THIỀN LUẬN dày đến mấy ngàn trang, ca tụng hết lời phương pháp hướng dẫn của THIỀN TÔNG. Ngài viết: “Ngón trỏ của Thiên Long chỉ cho thấy vẻ huyền bí của toàn vũ trụ, và trong tiếng hét của Lâm Tế, chúng ta nghe bản hòa âm thiên nhạc của toàn khối tinh cầu”, vậy mà sau khi luận Thiền đến mấy ngàn trang Ngài lại bảo: “Thiền là gì? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời, không thể trả lời cho vừa ý người hỏi, vì Thiền từ khước tất cả, cả ý định mô tả hoặc định nghĩa Thiền. Vậy để thông hiểu Thiền, phương pháp hay nhất hẳn là phải học Thiền và hành Thiền ít nhất vài năm tại Thiền Đường. Thế nên, dầu đem hết tâm trí nghiền ngẫm thiên cảo luận này e bạn đọc vẫn không khỏi hoang mang về đại nghĩa của Thiền pháp”! Mọi người tưởng rằng đọc cả mấy ngàn trang Luận Thiền của Ngài hẳn nắm bắt được ý nghĩa của Thiền, nhưng cuối cùng, Ngài đưa ra kết luận: “Mục đích của bài này không nhắm chứng minh suông Thiền là cái gì không thể hiểu được, và như thế không ích gì bàn nói đến. Chú tâm của tôi, trái lại, là thử tận lực làm sáng tỏ ra, dầu kết quả phải thiếu sót và lệch lạc”! Tận lực làm sáng tỏ mà kết quả tự nhận là “thiếu sót và lệch lạc”. Vậy thì Ngài đã đắc cái pháp Thiền như thế nào để trở thành Thiền Sư? Câu trả lời xin dành cho người tìm hiểu tự kết luận lấy.

Trong nhóm tu học Đạo Phật thời vừa sau 75, lớp chúng tôi có một Kỹ Sư, tốt nghiệp từ Pháp và Mỹ, là Kỹ Sư Trưởng của Nha Hàng Không, trước 75 từng sang Nhật học với Ngài Suzuki đến 17 năm. (Ông tên là N.K.Bửu). Theo lời ông kể, thì ngay lần đầu đến gặp Ngài Suzuki, vừa đến chân núi thì đã có đệ tử của Ngài đứng đợi sẵn để đón, vì Ngài biết trước ông sẽ đến. Vì là người có nhiệm vụ trông coi việc sửa máy bay, nên sửa xong là phải bay thử, vì vậy, ông dùng những chuyến bay thử đó để sẵn dịp sang Nhật học luôn. Không biết ông học được những gì, nhưng ông kể là mỗi lần Ngồi Thiền, chỉ cần xếp chân lại là bẵng đi mất, không còn biết gì nữa, lúc tỉnh dậy thì đã 2 tiếng đồng hồ trôi qua. Mấy người bạn kể lại, lần đầu gặp thầy tôi, ông nói huyên thuyên đến độ thầy tôi phải vỗ xuống bàn nói với ông: “Phật pháp tại thế gian. Tại đây nè”! Lúc vào tu học thì nhờ căn bản Ngồi Thiền nhiều năm, ông mở Thần Thông rất nhanh, biết trước được nhiều việc. Nhưng sau đó thầy tôi đóng lại cho ông và nói rằng Thần Thông không có lợi gì cho việc tu hành. Chính vợ chồng ông là ân nhân đã giúp đỡ để có chỗ cho chúng tôi hàng tuần đến nghe giảng pháp, vì thời đó tụ họp rất khó, không được quá 5 người. Nhưng Chủ Nhật nào chúng tôi cũng quy tụ cả 4, 5 mươi người tại nhà ông trong con hẻm ở gần Lăng Cha Cả trong suốt cả hai năm mà không bị chính quyền làm khó dễ quả là một kỳ tích. Ông cũng qua đời rất sớm khi vừa về hưu, chỉ hơn 60 tuổi.

Nhắc đến một vị Thiền Sư nổi tiếng và người đệ tử theo học đến 17 năm mà không hiểu gì về Đạo Phật để chúng ta thấy Đức Thích Ca và Chư Tổ đã dạy không sai: Thiền chỉ là một phương tiện, một giai đoạn của công việc tu hành, không phải là cứu cánh. Đức Thích Ca chỉ Ngồi Thiền có 49 ngày rồi đắc đạo, không có ngồi suốt đời. Chư Tổ về sau cũng nói Thiền hay Thuyền cũng chỉ là phương tiện để qua sông. Qua sông rồi phải bỏ Thuyền. Do đó, những người xem Thiền như cứu cánh, tưởng rằng Ngồi càng lâu càng cao, hay mở được Thần Thông, thấy trước một số việc thì tưởng rằng mình đã đắc đạo, chứng tỏ họ không hiểu gì về Thiền của Đạo Phật.

Nhiều người tưởng rằng Thành Phật là thành một vị Thần Linh, có quyền “Cứu độ cho Tam Thiên Đại thiên Thế Giới”. Với cái hiểu đó họ cho rằng Phật Tổ Như Lai quyền uy tối thượng, nên đọc trong Kinh, thấy có tên của vị Phật, Bồ Tát nào thì cho người đúc, tạc, chạm chân dung, rồi khói hương cúng kiến để cầu xin phù hộ, quên rằng những tượng đó do chính con người tạo ra thì linh ứng chỗ nào? Ai đã thấy được chân dung thật sự của các Ngài để tạc ra rồi thành khẩn cầu xin thì các Ngài sẽ động lòng mà cứu giúp? Thử dùng một thí dụ thực tế. Giả sử ta biết có một vị vua nào đó rất giàu, ta cho người tạc chân dung của Ngài rồi mỗi ngày thắp hương để cầu xin thì liệu vị vua đó có hay biết? Giả sử có biết thì liệu có đáp ứng những điều ta cầu xin hay không? Đó là nói về một người có thật, cùng thời với ta, huống chi Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát... chỉ là những danh xưng, những việc làm được Đức Thích Ca “hình tượng hóa” để con người nương theo đó mà làm, không phải là những vị Thần Linh có thật, thì làm sao phù hộ được cho ta?

Quán Thế Âm là một thí dụ. Đó là Phật Thích Ca dùng để nói về sự tự lắng nghe những động tĩnh trong Tâm của ta để kịp thời hóa giải. Ngài gọi đó là cứu độ. Việc “Cứu Độ” đó diễn ra nơi Tâm của mỗi người. Mỗi người phải có những Bồ Tát đó trong tự tâm. Nếu trong những tên tội phạm có một Quán Thế Âm Bồ Tát để kịp thời ngăn cho họ đừng gây tội ác thì họ đã được cứu độ rồi. Vì cái thiện trong họ không có, nên cũng không có những tư tưởng thiện để trấn áp cái ác, tiêu diệt nó ngay từ khi nó manh nha khởi lên. Sự thức tỉnh kịp lúc là sự cứu độ trong mỗi chúng ta. Nếu thật sự có Ngài Quán Thế Âm trên cao để độ đời thì hẳn trần gian không còn tội ác, hay cứ lúc cần là Ngài xuất hiện như trong phim Tây Du Ký thì trần gian đâu còn đau khổ nữa! Vậy mà đến nay mọi người vẫn chưa hiểu ra!

Ai cũng biết Đạo Phật được gọi là Đạo Độ Khổ hay Đạo Nhân Quả. Nhưng không phải Phật sẽ Độ cho mọi người, mà mỗi người phải làm một số công việc để Tự Độ, vì Phật chỉ là cái Tánh Giải Thoát nơi mỗi người, không phải là Thần linh nào đó ở bên ngoài. Nhưng đến nay thì số người Tự Độ không đông bằng số người cầu xin Phật rồi chờ được cứu độ. Lỗi đó do những người chưa học hết Giáo Pháp đã vội rao giảng Đạo. Vì vậy, muốn quay về với Chánh Đạo buộc người tu phải xem lại Kinh sách xem Chư Tổ đã dạy những gì.

Tổ Đạt Ma dạy:

- “Tức tâm tức Phật”,

- “Muốn tìm Phật thà tìm tâm”

Ngũ Tổ thì dạy:

- “Nếu chẳng biết Bổn Tâm thì học pháp vô ích. Bằng biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh của mình, tức gọi là Trượng phu, là Phật, thầy cõi trời và cõi người vậy”.

TÂM, TÁNH, liên quan gì đến Chúng Sinh, đến Thành Phật?

Muốn Thành Phật thì phải “Độ tận Chúng Sinh”, bao giờ không Chúng Sinh nào còn đau khổ, được thanh tịnh, an ổn thì người độ mới Thành Phật được. Do đó người tu Phật phải biết Chúng Sinh là ai? Ở đâu?

Trước lúc nhập diệt, Lục Tổ Huệ Năng nhấn mạnh:

- “Chúng ngươi hãy chú tâm mà nghe cho rõ. Những người mê muội đời sau nếu biết cái Tâm chúng sanh tức là thấy đặng Phật Tánh. Bằng chẳng biết cái Tâm chúng sanh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp. Nay ta dạy các ngươi phải biết chúng sanh ở tâm mình thì thấy Phật Tánh ở tâm mình. Muốn cầu thấy Phật thì phải biết cái Tâm chúng sanh. Chỉ vì tâm chúng sanh làm mê muội Phật Tánh, chớ chẳng phải Tánh Phật làm mê muội tâm chúng sanh. Nếu Tánh mình giác ngộ thì chúng sanh là Phật. Bằng Tánh mình mê muội thì Phật là chúng sanh. Tánh mình bình đẳng thì chúng sanh là Phật. Tánh mình tà hiểm thì Phật là chúng sanh. Nếu tâm chúng ngươi hiểm ác tức là Phật ở trong chúng sanh. Một niệm bình đẳng, ngay thật, tức là chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật ở tâm mình mới thiệt là chơn Phật. Nếu tự mình không có tâm Phật thì tìm chơn Phật ở chỗ nào? Cái Tự Tâm của chúng ngươi là Phật chớ khá hồ nghi”.

- “Muốn thấy Phật phải ngó vào trong Tánh mình mà tìm, đừng ngó ra ngoài thân mà kiếm. Tánh mình mê tức là chúng sanh. Tánh mình Giác tức là Phật”.

Theo giải thích của các Tổ thì PHẬT và CHÚNG SINH chỉ là hai tình trạng MÊ và NGỘ ở nơi Tâm của mỗi người mà thôi. Hết Mê thì Ngộ, mà Ngộ chỉ là biết cuộc sống là giả tạm, cái thân không thật, không bền, rồi dùng Trí Huệ mà giáo hóa cái Tâm của mình để đừng vì cái Thân mà tạo ác nghiệp làm cho cuộc sống ngắn ngủi của mình phải khổ và làm khổ mọi người chung quanh mà thôi, không có gì ghê gớm, lớn lao như những người không hiểu đã quảng cáo rầm rộ, tưởng như Giác Ngộ là điều gì đó phi thường, không ai đạt tới được.

Người tu Phật mà không biết Chúng Sinh là gì thì không thể nào tu cho thành công. Công năng tu hành là phải quay vô, phải “nội quang phản chiếu”, phải Tự Độ. Tìm Chúng Sinh ở đâu thì Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Chư Thiện Tri Thức. Chúng Sanh trong Tâm mình là lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là Chúng Sanh”.

Chúng Sinh cũng là nguyên nhân của Phiền Não. Nó đã xuất phát từ cái Tâm thì phải tìm cho ra nó, rồi giáo hóa nó, vì nó không thể tự nhiên biến đi, hoặc trốn lên non cao, động vắng hay chui vào Chùa để né tránh, không phải tiếp xúc với các pháp là khỏi gặp nó. Trái lại phải đối trị nó, Đạo Phật gọi là “Điều Phục” hay “Chuyển Hóa” nó.

Nói đến Đạo Phật là nói đến Phật và Chúng Sinh, vì Phật phải “Độ” hết Chúng Sinh thì mới thành Phật được. Nhưng khi khai triển hai từ này thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng có hai hướng. Người Nhị Thừa thì cho rằng tất cả mọi người là Chúng Sinh của Phật. Phật có nhiệm vụ cứu độ cho ta để “Thành Phật”, nên cứ thành tâm mà cầu xin. Sống thì Cầu An, chết thì Cầu Siêu. Cầu Phật đưa về Niết Bàn, Tây Phương Cực Lạc. Khi tu hành thì thấy bá tánh là chúng sinh. Giảng Pháp hay Cầu An, Cầu Siêu thì thấy rằng “độ” cho họ. Nhưng nhìn thực tế cho thấy: Đức Thích Ca thành Phật đã mấy ngàn năm rồi mà chúng ta vẫn còn trầm luân trong bể khổ nơi đây. Do đó, đưa đến hai kết luận: Một là Đức Thích Ca chưa thành Phật. Hai là cho rằng mọi người là chúng sinh của Phật hoàn toàn sai. Vậy thì chúng ta có dám nói rằng Đức Thích Ca chưa Thành Phật hay không? Nếu không phải như vậy thì rõ ràng chúng ta đã hiểu sai về Chúng Sinh.

Qua đó ta sẽ thấy Đạo Phật không phải là một mớ lý thuyết mơ hồ, cao siêu với những vị Phật, Bồ Tát quyền phép, bay lướt mười phương chờ nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh để ra tay cứu giúp, mà những danh xưng đó tượng trưng cho những công việc gọi là những cái Hạnh mà người tu cần thực hiện cho bản thân để tự cứu.

Việc mong chờ Đức Di Lặc giáng trần cũng thế. Đạo Phật dạy rằng mỗi người cần Tự Độ, cần quay vào tìm Phật - tức là sự Giải Thoát - nơi chính cái Tâm của mình. Thích Ca, Di Lặc cũng là danh xưng của một số Hạnh và sự thành tựu. Các Bồ Tát là tượng trưng cho những công việc mà người tu phải làm, không phải để ta cầu xin. Tả Tây Phương Cực lạc với Bảy Báu đầy khắp, để những người mong được về đó sẽ bỏ đi những ác tâm, tà tâm. Bỏ một Nghiệp là Bố Thí một món báu. Xả 7 Nghiệp nơi Thân, Khẩu là Bố Thí Bảy Báu. “Ao nước chứa tám công đức” là nói về kết quả hành theo Bát Chánh Đạo. Đó là những kết quả mà người tu thực hiện trong quá trình tu hành, Phật cho là tích lũy ở quốc độ đó, không phải là cảnh giới có thật để chúng ta ngày ngày thắp hương, tụng niệm để cầu mong được về, bỏ quên cuộc sống kéo dài cả 100 năm nơi cõi tạm.

Tượng Ngài Di Lặc cũng là hình ảnh tượng trưng: Người mập mạp, vui cười thoải mái, tượng trưng cho không còn phiền não. Sáu đứa trẻ leo trèo khắp người là Lục Căn đã được điều phục. Khi chưa tu hành thì chúng là Lục Tặc, tức là sáu tên giặc, lúc nào cũng mang ngoại pháp vào tấn công mỗi chúng ta, làm cho phiền não. Khi tu hành, điều phục, chuyển hóa xong thì chúng không những trở thành vô hại như sáu đứa trẻ con mà còn trở thành là Lục Hộ Pháp, vì hỗ trợ đắc lực cho người tu. Có Tai mới nghe được lời giảng dạy. Có Mắt mới đọc được lời của Chư Vị Giác Ngộ đi trước. Có đầu óc mới suy nghĩ, cân nhắc để tìm hiểu nghĩa lý đúng… Cái Thân xưa là oán tặc, vì luôn đòi hỏi, ham muốn thôi thúc để người không đủ tự chủ thì sẽ tạo nghiệp, đưa vào phiền não, vào Sinh Tử Luân Hồi. Khi tu hành thì nó trở thành ân nhân, vì nhờ có nó mới có thể nghe pháp, học, hiểu, hành đưa đến kết quả Giải Thoát và làm được nhiều điều tốt đẹp trong kiếp sống.

Do chưa hiểu rằng Giải Thoát chính là Phật. Mọi người đều có thể tu hành Thành Phật. Chưa biết rằng Chư Phật quá khứ dù đã làm xong cho bản thân cũng không thể “Độ” được cho người khác, nên nhiều người vẫn cứ hương, khói cầu mong Phật Độ. Số khác thì cho là nhất định phải Ly Gia, Cắt Ái theo đúng nghĩa văn tự thì mới tu được, không biết rằng Gia mà mọi người cần LY là “Nhà Lửa Tam Giới”, tức là Tham, Sân và Si bao đời thiêu đốt chúng ta chớ không phải là ngôi nhà trần gian. Ái không chỉ nói riêng về tình vợ chồng, mà nói về sự Ái Luyến đối với bản thân và những gì quanh nó. Do đó, nếu ta rời nhà thế tục mà còn giữ lại Tham, Sân, Si. Không Ái Luyến cha mẹ, vợ, chồng, con, cái, nhưng lại ái luyến những thứ khác như Danh, Lợi của đường tu thì chưa phải là người thật sự tu hành theo đúng nghĩa của Đạo Phật.

Thật vậy, muốn tu hành thì chỉ cần giữ Giới, đi trong Bát Chánh Đạo và hành các Hạnh được hướng dẫn, đâu nhất thiết phải bỏ hết việc đời, cạo tóc, đắp y, ở trong Chùa, xa lánh cuộc thế thì mới tu được? Đức Thích Ca đâu có cần ta phụng sự bằng cách bỏ hết việc thế gian, vì “Phật Pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác”. Hơn nữa, Phật dạy người tu phải đền TỨ ÂN thì mỗi người phải tự thực hiện bằng những hành động cụ thể trong đời sống. Đền ân phụ mẫu là phải phụng dưỡng họ trong tuổi già, sức yếu. Đền ân đất nước bằng khả năng của mình, học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ thuật, khoa học để đưa đất nước tiến lên.

Nhiều người nghĩ rằng bỏ đời vô Chùa phụng sự cho Phật rồi sẽ cầu xin Phật để Ngài gia hộ cho cha mẹ, cho đất nước. Với sự tu hành thanh tịnh của mình thì lời cầu xin sẽ hiệu quả hơn! Họ quên rằng Phật đâu có phải là Thần Linh để ta cầu xin Ngài gia hộ thay cho việc báo đền? Cho nên những người bỏ đời, nghĩ là làm theo đúng như những gì Đức Thích Ca và các Đại Đệ Tử ngày xưa đã làm thì tới thời này đã trở thành phí phạm, vì mọi thứ đã được Chư Tổ khai triển rõ ràng, in đầy đủ trong Kinh Sách, đâu có còn gì bí mật mà phải tập trung để chuyên tâm tư duy, quán tưởng?

Muốn tu hành thì không cần thay cảnh, đổi tướng. Người làm bất cứ ngành nghề nào vẫn cứ tiếp tục trong đó chỉ cần tu sửa cái tâm, cứ theo 32 Tướng Tốt của Phật mà hành, cần gì phải vô chùa mới làm được những điều đó? Hình tướng chỉ nhằm mô tả những điều người tu cần thực hiện: “Đầu tròn” tượng trưng cho cái tâm ngay chính. “Áo Vuông” tượng trưng cho cái thân phải ngay thẳng, không quanh co, gian dối. “Y hoại sắc” tượng trưng cho Thân, Tâm được trùm phủ một màu thanh tịnh, không bị nhiễm trần. “Cạo tóc” tượng trưng cho việc cạo sạch phiền não. Nếu ta thực hành đúng ý nghĩa đó thì hình tướng, chiếc áo đâu còn cần thiết nữa. Ngược lại, nếu hình tướng đầy đủ mà không thực hiện các điều đó thì việc mang nó trên người đâu có ý nghĩa gì.

Chính vì từ thời xa xưa, nhiều người chưa hiểu hết Đạo Phật mà lại phổ biến Đạo, và có ảnh hưởng lớn, cho nên từ bao nhiêu thế hệ qua nhiều người tin theo đã làm suy yếu tiềm năng của con người trong việc phục vụ đất nước. Thử hỏi bao nhiêu người đang tuổi thanh xuân, có những ngành nghề có thể giúp ích cho xã hội lại bỏ hết để đi tu, không biết Tu chỉ có nghĩa là Sửa. Ở đâu? Làm gì cũng đều tu được. Rồi thay vì tiếp tục hành các nghề theo chuyên môn của mình như Bác Sĩ, Kỹ Sư, Kiến Trúc Sư, Giáo Viên… hay ít nhất cũng sản xuất được vật dụng tiện ích cho cuộc sống, hoặc trồng được cây lúa, ngọn rau cũng góp phần cho xã hội, thì lại kéo nhau vô Chùa chỉ để ngày ngày tụng Kinh, niệm Phật chờ về Niết Bàn! Như thế đất nước mất bao nhiêu là sức người để dựng xây? Trong khi đó thì Kinh viết rất rõ: “Kẻ nào nương sắc thấy ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó hành tà đạo. Không thể thấy Như Lai”.

Một ngày sống trên đời là một ngày ta còn nợ biết bao nhiêu người. Từ cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng cho thành người. Đất nước, Xã hội bảo vệ, che chở, cho đến người nông dân làm ra hạt lúa, ngọn rau. Nếu ta chỉ hưởng dụng mà không làm gì để đền đáp lại là có lỗi rất lớn. Điều đáng sợ là Nhân Quả không mất. Hơn nữa, nếu ta không thực hiện lời dặn dò của Đức Thích Ca là đền Tứ Ân sao xứng đáng là đệ tử của Ngài?

Phật có phải là Thần Linh, có phù hộ cho mọi người hay không thì chúng ta có thể kiểm chứng qua một vài thực tế sau:

- Giáo Pháp cả Đại thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy không hề nói rằng Phật là Thần Linh. Việc tu hành, đắc đạo của Phật chỉ là tìm ra được Con Đường Giải Thoát, không phải để trở thành thần linh.

- Nếu Đức Thích Ca là Thần Linh thì đã không chết, không bị Trà tỳ.

- Nếu mang nhiều tài sản quý giá để cúng Phật, cúng Chùa mà được “Độ” thì nước nào bằng Miến Điện với những ngôi chùa mái đúc bằng vàng ròng, nặng hàng mấy tấn! Tượng Phật bằng vàng, cẩn cả ngàn viên Hồng Ngọc, giá trị rất lớn. Vậy mà nước họ cho đến ngày nay, muốn đi lên núi để viếng Chùa, người nhiều tuổi phải thuê những thanh niên địa phương khiêng bằng kiệu làm bằng hai cây tre dài, trên là cái ghế bằng vải thô sơ, và phải đi bộ hàng mấy cây số đường dốc núi! Xe chở du khách lên núi để tham quan thì là loại xe giống xe quân đội của thập kỷ 70 với những băng ngồi bằng sắt, không có cả nệm để đỡ bị dằn xóc!

- Nếu Phật là Thần Linh và có thể “Độ” được thì nước Ấn Độ của Ngài phải được Độ đầu tiên, vì Ngài dặn dò người tu phải đền Ân Đất Nước. Phật thì Đại Từ, Đại Bi, không thể thấy chết mà không cứu. Vậy mà người dân Ấn Độ vẫn lạc hậu, đói nghèo, thiên tai vẫn đe dọa, tội ác vẫn không giảm, chứng tỏ Ngài đâu có làm gì được cho họ!

Tôi tin rằng những hình ảnh đó là câu trả lời cụ thể cho những ai còn ảo tưởng rằng Phật sẽ cứu độ để quay về với Chánh Pháp, tự tu để Tự Độ theo tinh thần Đạo Phật chân chính.

Cả hai phái Chánh, Tà cũng đều nương Kinh điển của Phật, nhưng khác nhau ở chỗ: Một bên quay vô tìm Phật nơi tâm. Một bên quay ra tìm bên ngoài.

- Phía Chánh Pháp thì tu hành Tự Độ mình để Thành Phật, phía kia thì thờ Phật và cổ xúy việc thờ Phật, cầu xin được Độ.

- Sở dĩ thờ Phật mà là Tà Đạo vì Phật không phải là nhân vật có thật hay Thần Linh, mà Phật là nghĩa của Giải Thoát. Đức Thích Ca đã tự giải thoát cho bản thân nên Ngài xưng là Như Lai. Như Lai chỉ là “đến, đi không động”, tức là không bị các pháp làm cho điên đảo. Không phải là một Phật Tổ Như Lai quyền uy trùm khắp.

Mọi người đều có thể tu hành để thành Phật, thành Như Lai. Chính vì vậy mà có Tam Thế Phật, tức là quá khứ đã có người Thành Phật. Hiện tại cũng có và tương lai cũng sẽ có, không phải là các Phật A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc, vì Giải Thoát không chỉ độc quyền dành cho Đức Thích Ca hay chư Phật quá khứ. Người cho rằng chỉ có các Ngài là Phật, không ai có thể tu hành thành Phật thì vô tình phủ nhận lời Thọ Ký: “Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành” có lẽ cần xem lại cái hiểu về Đạo của mình, để không bị mâu thuẫn với Đạo Phật hoặc trở thành người “xiển dương giáo pháp không phải của Đức Thích Ca”.

- Những việc làm tốt đẹp tượng trưng cho Hương để cúng Phật mình, cũng gọi là lập Công Đức để hình thành Phật nơi mình, thì mọi người lại theo một nhà sư nào đó. Theo kể lại là có lần ông ta nhìn làn khỏi đưa lên, tưởng tượng rằng nó sẽ mang lời cầu xin đến bề trên rồi loan truyền ra. Thế là đời này sang đời kia, bắt chước dùng bột gỗ tẩm hóa chất để có nhiều khói bay lên, thấy là mình đang thành tâm cúng Phật. Phật sẽ trông thấy mà chứng giám. Dù các nhà Khoa Học đã chứng minh sự độc hại của khói hương, nhưng việc đó với các Chùa đã là thói quen khó thể bỏ! Thậm chí có nhiều nơi còn đốt cả vàng mã là sáng tạo của hai anh em chuyên sản xuất để kinh doanh bên Trung Quốc thời xưa. Chính họ đã bịa ra việc đốt hình nhân thế mạng! Tới ngày nay, con buôn còn sáng tạo thêm nhà, cửa, xe cộ, TV, tủ lạnh, giày, dép, áo quần để đốt. Cho là Dương sao Âm vậy.

Nếu chỉ cần đốt thứ nào đó thì cõi Âm sẽ nhận được, sao tiếc gì mà không đốt cho người thân một đảo hay cả một nước để cho người nhà làm chúa đảo, làm vua cho oai?

Thời này rồi mà con người vẫn chưa chịu bỏ những hủ tục, mê tín. Cứ nghe Phật, Thần linh nào có thể phù hộ được là theo cầu xin! Với cha mẹ hay người thân, lúc sống có khi còn hất hủi, không quan tâm. Chờ chết rồi mâm cao cỗ đầy để cúng kiến! Người chết có ăn được đâu? Việc đốt vàng mã là một hũ tục cần dẹp bỏ, vì không những đó là mê tín, lạc hậu, mà hậu quả của nó rất tai hại, vì nhiều năm qua đã gây ra bao nhiêu trận hỏa hoạn làm hại bao nhiêu người vô tội!

Xây Chùa đúng nghĩa là biến cái Đất Tâm, từ gò, nỗng, ao, vũng, tức là đầy dẫy những tư tưởng đố kỵ, hận thù, ghen ghét, ác độc với những mưu mô, gian xảo, tìm cách hại người để trục lợi trở thành Thanh Tịnh Địa, chuyển nó thành Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỉ, Tâm Xả. Muốn có Tượng Phật thì chỉ cần Trừ Tham, Sân Si thì Phật của mình hiển lộ. Muốn đục, chạm, đúc Tượng Phật thì dùng 32 Hạnh gọi là Tướng Tốt của Phật để chạm, khắc cho Phật Tâm của mình có được những Tướng đó... Kinh đã viết rõ: “Phật là Vô Tướng, do vô lượng công đức mà thành”. Công Đức chính là những Hạnh vừa kể mà người tu cần thực hiện. Do đó, những người san bằng đất, cất Chùa bằng gạch, ngói, xi măng, dựng tượng Phật bằng các chất liệu hữu tướng thì không phải theo Chánh Đạo.

Hoa Ưu Đàm như lời nhắc nhở mọi người về thời của Chánh Pháp đã tới. Muốn Chánh Pháp hiển lộ thì đừng tiếp tục chạy theo tà pháp. Muốn Đức Di Lặc giáng trần thì chỉ cần quay vô “Chính lấy Tâm mình”, thanh lọc Tâm của mình bằng Giới, Bát Chánh Đạo, Lục Độ, Vạn Hạnh, cho tới hoàn tất. Kinh có nói về Phật Di Lặc ra đời, và nói rằng sau thời Thích Ca là Di Lặc, có nghĩa là người năng tịnh cái tâm của mình. Khi cái Tâm đã thanh tịnh, thì sẽ được an lạc - lúc đó gọi là Phật Di Lặc ra đời, không phải nguyên văn theo Ngữ, là có một Đức Phật Di Lặc từ trên trời giáng thế. Cho nên, người quay ra ngoài, dùng hình tướng để thờ Phật. Nghĩ rằng Phật là Thần Linh để cúng kiến để cầu xin đổi xấu lấy tốt, cứu khổn, phò nguy, chuyển nghèo thành giàu, đưa người chết siêu thăng… mong Đức Phật Di Lặc từ cõi trời sẽ giáng trần để cứu độ trần gian là hiểu sai lời Phật, và là chờ mong vô vọng, vì điều đó không hề có trong Đạo Phật chân chính. Bởi tất cả những gì Đạo Phật hướng dẫn, từ Phật, Bồ Tát, Chúng Sinh, cho đến Niết Bàn, Tây Phương Cực Lạc đều nói về sự chuyển hóa và kết quả trong nội tâm của người tu Phật, để có kết quả là Thoát Khổ, không phải là cảnh giới trên trời hay bên ngoài. Đó là chỗ hiểu khác nhau giữa Nhất Thừa - là Chánh Pháp do Chư Tổ truyền đạt - và hàng Nhị Thừa, vì hiểu chưa đúng Nghĩa của Kinh, chỉ y theo Ngữ, nên dựa vào hình tướng để tìm và cầu xin Phật bên ngoài vậy. -./.




VVM.11.04.2025.