Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




Charles De Gaulle (1890-1970)

KHI HOA KỲ MUỐN BẢO HỘ NƯỚC PHÁP

  

                      Nước Mỹ không có bạn bè mà họ chỉ biết có lợi ích của họ”

                      Charles De Gaulle .


       


Đ ây là một trang tài liệu ít được biết đến trong lịch sử Thế Chiến thứ 2: ngay từ năm 1940-1942, Washington đã có kế hoạch áp đặt lên Pháp một chế độ bảo hộ trên mọi vùng lãnh thổ bị quân đội Mỹ chiếm đóng sau khi đã chiến thắng quân đội Đức quốc Xã của Hitler.

Theo một số nhà sử học người Mỹ, dự án này xuất phát từ lòng căm thù mà Franklin D. Roosevelt dành cho Charles de Gaulle, "tên độc tài tập sự" vì Franklin D. Roosevelt muốn cho nhân dân Pháp tránh phải gánh chịu một chế độ độc tài sau thời hậu Pétain.

Quan điểm của vài nhà sử học Hoa Kỳ này về vị Tổng thống của họ , người đã "mong muốn thiết lập nền dân chủ toàn cầu" rất cao đẹp, hấp dẫn nhưng lại hoàn toàn sai lầm, ngụy biện, giả dối qua những chứng cớ có thực của lịch sử.

Đằng sau cái bình phong Dân Chủ... của "Vị Cảnh Sát Trưởng của Thế Giới Tự Do" - Việt Nam gọi là Sen Đầm Thế Giới - là gì ? sau khi vô tình hoặc cố ý đã bị sen đầm thế giới uốn nắn nhồi sọ bằng nhiều hình thức từ cứng "hard power" cho tới mềm "soft power"...!. hoặc nhiều chiêu đòn khác mà người Hoa Kỳ không bao giờ thiếu "sáng kiến" để tạo ra.

Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Hoa Kỳ đã "cố tình" nghi hoặc nước Pháp để dành ưu tiên cho nước... Đức, với thành qủa như mọi người đã biết : bằng tính toán ngu xuẩn này chính Hoa Kỳ đã góp phần không nhỏ tạo ra cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Những sự việc này đã được ghi chép lại đầy đủ trong tập sách lý thú của Gérard Araud , một cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, Do Thái và Liên Hiệp Quốc, dưới tựa đề “Chúng ta đơn độc” (Gérard Araud, Nous étions seuls, Tallandier, 2023). Như chính ông đã bộc lộ qua một câu nói nổi tiếng của Tướng De Gaulle: “Khi bạn đã có những đồng minh như vậy thì bạn không cần phải có kẻ thù nữa !”».

Từ năm 1940, nước Pháp bại trận đã trở thành mục tiêu ưu tiên nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ và các thuộc địa của Pháp đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của giới lãnh đạo Hoa Kỳ để phát triển thương mại và thiết lập sự thống trị kinh tế của họ.

Lại cần phải biết rằng trong suốt thời kỳ này, Hoa Kỳ đã công nhận Thống chế Pétain của chế độ Vichy, một chế độ tay sai của Hitler, là một chế độ hợp pháp cho đến năm 1944. Hoa Kỳ đã cho đặt toà đại sứ bên cạnh chính phủ hợp tác với Đức quốc xã này. Đại sứ Hoa Kỳ khi đó là Đô đốc William Leahy do Tổng thống Franklin D. Roosevelt bổ nhiệm, đến thủ đô lâm thời Vichy của Pétain vào ngày 5 tháng 1 năm 1941.

Từ năm 1940 cho tới năm 1942 Hoa Kỳ vẫn liên tục buôn bán làm ăn với chính quyền Vichy qua đường dây tại các quốc gia Bắc Phi (Algérie...) thuộc Pháp nhưng nằm trong tay chế độ Pétain.

Dưới mắt Franklin D. Roosevelt, trong cuộc chiến đấu với Đức Quốc Xã, Tướng De Gaulle và lực lượng giải phóng Pháp chống Vichy chỉ là thành phần "bổ sung" cho quân đội Anh, chẳng có giá trị gì và sau khi giải phóng được lãnh thổ Pháp Franklin D. Roosevelt sẽ cho thực hiện ngay kế hoạch AMGOT.

I. A.M.G.O.T. :

Trước khi lực lượng đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandie (Pháp) Washington, với sự đồng tình của Anh, đã có một kế hoạch bảo hộ nước Pháp - cũng như tại những quốc gia bị bại trận trong tương lai như Ý, Đức và Nhật Bản ... – một  "chế độ bảo hộ" dưới tên được gọi là Chính Quyền Quân Sự Đồng Minh của Các Lãnh Thổ Bị Chiếm Đóng (Allied Military Government of Occupied Territories)(AMGOT) quản lý.

De Gaulle cũng từng nói :

"Người Anglo-Saxon (Mỹ -Anh) chưa bao giờ có ý đối xử với chúng ta (Pháp) như những đồng minh thực sự. Họ chưa bao giờ tham khảo ý kiến ​​của chúng ta, trong cương vị chính phủ với chính phủ, về bất kỳ điều khoản nào của họ. Vì chính sách hoặc sự tiện lợi, cả hai tìm cách sử dụng lực lượng Pháp cho những mục đích mà họ tự đặt ra, như thể lực lượng Pháp thuộc quyền họ . » ...

"Tôi tự thấy rằng mình chỉ phải chơi theo lối chơi của người Pháp mình, vì những người khác cũng chỉ chơi theo lối chơi của họ... Tôi cố tình áp dụng một thái độ cứng rắn và kiên quyết không thay đổi..." - trích Hồi Ký chiến tranh-Mémoires de guerre- của De Gaule.

Franklin D. Roosevelt càng lúc càng e ngại hơn khi De Gaulle đã đưa ra lời hiệu triệu, trên đài phát thanh London vào ngày 18 tháng 6 năm 1940 , toàn thể người Pháp vùng lên kháng cự quân đội chiếm đóng Hitler cùng lật đổ chế độ tay sai của Pétain tại Vichy nơi chính quyền Mỹ đang đặt Đại sứ quán:

« J’invite tous les Français qui veulent rester libres à m’écouter et à me suivre. […] Vive la France libre dans l’honneur et dans l’indépendance! »- “Tôi mời tất cả người dân Pháp muốn được tự do hãy lắng nghe tôi và làm theo tôi. […] Nước Pháp tự do muôn năm danh dự và độc lập! » .

Trong những tuyên bố chính thức và bán chính thức, Franklin D. Roosevelt buộc tội De Gaulle "phá hoại nỗ lực chiến tranh" chỉ vì vị tướng người Pháp này không chấp nhận quân đội Pháp có mặt trong hàng ngũ Đồng Minh phải bị đối xử như những người lính đánh thuê.

Roosevelt tìm mọi cách thuyết phục Churchill (Anh) gạt bỏ De Gaulle sang một bên cùng lúc Roosevelt loại trừ quân Pháp Tự do (Lực Lượng Giải Phóng Pháp) do De Gaulle kết hợp ra khỏi cuộc đổ bộ của đồng minh vào Bắc Phi (Maroc, Algérie ...) tháng 11 năm 1942 tiếp đến Roosevelt cử người đàm phán hết với Darlan, tới thúc đẩy Giraud rồi cử lãnh sự của mình tới Aden ở Djibouti để chuyển hướng người dân tách biệt khỏi vòng đoàn kết với De Gaulle và ngăn chặn các cuộc tập hợp của người yêu nước Pháp tại các đảo Martinique và Guyane (Pháp) ... .

II. CẦN PHẢI CÓ MỘT "VICHY MÀ KHÔNG CÓ VICHY"

De Gaulle từ chối đứng nhìn đất nước mình phải đầu hàng, tuân phục Đức Quốc xã.

Từ Luân Đôn De Gaulle đã tổ chức một lực lượng vũ trang trong và ngoài nước Pháp để sau này trở thành Lực lượng Pháp Tự do (FFL). Ông còn thành lập một chính phủ cho nước Pháp Tự do, Ủy Ban Quốc Gia Pháp, để sau này trở thành Ủy Ban Giải phóng Dân tộc Pháp (CFLN) vào ngày 03 tháng 6 năm 1943, sau khi ông đến Algers (Algérie).

De Gaulle là một biểu tượng cho phong trào kháng chiến chống Đức quốc xã của nhân dân Pháp trong suốt bốn năm trường, De Gaulle cũng mở đường cho cuộc khôi phục nền độc lập của Pháp với sự tiếp tay của Jean Moulin được De Gaulle cử từ Luân Đôn về Pháp năm 1942, đã kết hợp được tất cả các phong trào kháng chiến ngầm trong đó có tất cả các khuynh hướng của các đảng phái chính trị kể cả đảng Cộng Sản Pháp, các công đoàn thợ thuyền và đơn vị kháng chiến biệt lập trong Hội Đồng Kháng Chiến Quốc Gia (CNR).

Trong số các quốc gia đang bị Hitler xâm chiếm tại Âu châu Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt e ngại nhất là nước Pháp với De Gaulle, dù rằng Pháp đã bị suy yếu sau thất bại tháng 6 năm 1940, vì hai điểm chính:

1. De Gaulle đã tuyên bố khôi phục chủ quyền khi ông lên lãnh đạo nước Pháp.

2. Trong quá khứ, sau những năm 1918-1919 sau Đệ Nhất Thế Chiến để chống lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Đức, Pháp sử dụng sức mạnh tiềm tàng của mình để gây phiền nhiễu ngăn trở chính sách của Hoa Kỳ .

Hơn thế nữa Pháp vẫn không chịu để cho người Mỹ thay chân, mặc dầu kể từ năm 1899 người Mỹ đã nhiều lần đưa yêu sách, tại các thuộc địa dồi dào nguyên liệu thô và các căn cứ chiến lược mà Pháp đang có .

Những lý do trên đây khiến De Gaulle bắt buộc phải là một "kẻ thù" của Tổng Thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Roosevelt cần phải "hạ bệ" De Gaulle bằng mọi cách cũng giống như với các chế độ ở Mỹ Latinh ... Hoa Kỳ cần có một "bù nhìn" dễ sai khiến, dễ giật giây  linh hoạt hơn -(lời Roosevelt) là một nước Pháp với một De Gaulle.

Hành động đầu tiên: Hoa Kỳ thực hiện quyền phủ quyết của mình đối với De Gaulle ngay sau khi đổ bộ ở Bắc Phi (tháng 12 năm 1941) lúc này còn nằm trong tay chính quyền Pétain của Vichy .

Dưới quan điểm này Roosevelt loay hoay hết quay sang Tướng Maxime Weygand (Bộ trưởng quốc phòng, Đại biểu tại Châu Phi của chính phủ Vichy), tới Tướng Henri Giraud (trung thành với Pétain nhưng lại là tổng tư lệnh các lực lượng Pháp Tự do ở Bắc và Tây Phi) rồi đến Đô đốc François Darlan (Bộ trưởng Hải quân trong chính phủ của chế độ Vichy và vào tháng 2 năm 1941, là người đứng đầu chính phủ Vichy)... để tìm cách ký kết các thỏa hiệp bất kể  "thù hay địch" theo Đức hay chống Đức - Vichy hay không Vichy không cần thiết miễn sao Hoa Kỳ có thể thực hiện được kế hoạch bảo hộ nước Pháp:

Franklin D. Roosevelt chuẩn bị từ tháng 12 năm 1940, ngay trước khi Mỹ nhẩy vào tham chiến (tháng 12 năm 1941), đổ bộ lên Maroc và Algerie cùng với Robert Murphy, đại diện đặc biệt của Roosevelt tại Alger (Algérie) và cố vấn đầu tiên trong tương lai của thống đốc quân sự vùng chiếm đóng của Mỹ tại Đức - một "tai ách" của những người theo chủ nghĩa De Gaulle -

Trước hết Hoa Kỳ nhắm vào một biểu tượng thất bại của chính quyền Pétain tại Bắc Phi: Tướng Maxime Weygand, tổng đại biểu Vichy tại Châu Phi cho đến tháng 11 1941.

Hiển nhiên sau những đổi chác lợi lộc, một hiệp ước được Robert Murphy và Maxime Weygand ký vào ngày 26 tháng 2 năm 1941 và được Pétain phê chuẩn tại Vichy ngày 10 tháng 3 năm 1941. Thoả hiệp cho phép Hoa Kỳ thiết lập quyền lợi kinh tế ở Bắc Phi thuộc Pháp và xuất khẩu hàng hóa tới đó rồi được chuyển vận sang nước Pháp tại các vùng không bị chiếm đóng bất chấp lệnh phong tỏa của Churchill (Anh) đối với Vichy.

Nhưng tội nghiệp thay cho Franklin D. Roosevelt thỏa hiệp với Maxime Weygand bị thất bại.

Ngày 8 tháng 11 năm 1942, Hoa Kỳ lại chuyển sang "làm việc" lần thứ hai với Tướng Henri Giraud (vì những sai lầm chính trị nên Henri Giraud đã bị cách chức chủ tịch CFLN - Ủy ban Giải phóng Dân tộc Pháp- vào ngày 2 tháng 10 năm 1943 sau đó cũng bị cách chức tổng tư lệnh các lực lượng Pháp ở Bắc Phi và Tây Phi thuộc Pháp vào ngày 4 tháng 4 năm 1944). nhưng cũng vẫn không xong.

Tiếp đến ngày 22 tháng 11 năm 1942, Roosevelt chuyển sang làm "việc lớn" với Đô đốc François Darlan, bộ trưởng quốc phòng và là Cao ủy Pháp của Vichy tại Châu Phi người sẽ kế vị Pétain trong tương lai, để ký kết hiệp định Clark-Darlan là một hiệp định chính trị nhằm nêu rõ các điều khoản hợp tác giữa Hoa Kỳ và lực lượng của Darlan tại các thuộc địa Pháp. Những thỏa thuận này chuyển giao mọi quyền kiểm soát của Pháp ở Châu Phi sang cho Hoa Kỳ.

Charles de Gaulle tìm mọi cách phản đối việc ký kết các thỏa thuận mà ông coi là một vi phạm trầm trọng vào chủ quyền của nước Pháp và biến Pháp thành “một nước chư hầu phải chịu sự hàng phục”.

Người Mỹ tự ban cho họ những quyền khó tưởng tượng đối với việc mở rộng lãnh thổ của Pháp, sự di chuyển của quân Pháp, kiểm soát và chỉ huy các cảng, sân bay, công sự, kho vũ khí, viễn thông, tàu buôn; quyền tự do trưng dụng; miễn thuế; quyền ngoài lãnh thổ; “quản lý các khu quân sự do họ thành lập”; một số hoạt động nhất định sẽ phải giao cho “ủy ban hỗn hợp (duy trì trật tự, quản lý hàng ngày, kinh tế và kiểm duyệt).

Charles de Gaulle cử André Philip đến Washington để thông báo cho Roosevelt biết rằng nước Pháp Tự Do sẽ không bao giờ chấp nhận việc Hoa Kỳ quản lý các vùng lãnh thổ của Pháp. Roosevelt đã hoạch toẹt tiết lộ với Philip kế hoạch chiếm đóng quân sự của ông ta: "Khi chúng tôi tiến vào nước Pháp, chúng tôi sẽ sử dụng quyền hạn của kẻ chiếm đóng... Người Mỹ sẽ ở lại Pháp cho đến khi các cuộc bầu cử tự do được tổ chức tại đó [...] Tôi sẽ nói chuyện với dân Pháp trên đài phát thanh và họ sẽ phải làm những gì tôi muốn". André Philip cảnh giác Roosevelt rằng De Gaulle sẽ tuyệt đôi chông lại kế hoạch này.

Cũng theo kế hoạch AMGOT của Roosevelt thì nước Pháp sẽ bị chia cắt làm nhiều mảnh (chia để trị) và sẽ mất các vùng Alsace-Lorraine cũng như vùng Hauts-de-Seine. (Jean-Louis Crémieux-Brilhac, La France libre : de l’appel du 18 juin à la Libération, Gallimard, 1996)

Một tháng sau,vào ngày 24 tháng 12 năm 1942 Roosevelt lại kém may mắn vì Đô đốc François Darlan bị trúng hai viên đạn súng lục do một sinh viên trẻ người Pháp tên là Fernand Bonnier de La Chapelle, bắn chết ngay tại văn phòng Cao ủy Pháp ở Bắc Phi của ông ta. Roosevelt hụt hững sau cái chết của François Darlan.

Vào tháng 4 năm 1942, Pierre Laval trở lại nắm quyền tại Vichy đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Pháp Vichy và Mỹ.

Lúc đầu Roosevelt dự định sẽ "làm việc" với Pierre Laval và Pierre Laval cũng chuẩn bị cho tương lai của chính mình với Hoa Kỳ (ngày 22 tháng 6 năm 1942) vì hy vọng được sự tiếp tay của người con rể, René de Chambrun, một luật sư kinh doanh có 2 quốc tịch Mỹ-Pháp. Laval tin rằng Hoa Kỳ sẽ ban cho ông một vai trò nổi bật nào đó sau "hòa bình riêng biệt" giữa Đức-Anh-Mỹ để chống lại Liên Xô . nhưng cùng lúc đó Pierre Laval lại tuyên bố rằng ông vẫn "mong muốn Đức Quốc xã chiến thắng" . Lời tuyên bố của Pierre Laval không để lại một chút nghi ngờ gì về việc Laval vẫn sẽ tiếp tục tăng cường chính sách hợp tác của Vichy với Đức Hitler nữa .

Không có thể đặt hy vọng vào Laval được nên Roosevelt không còn có thể đi hàng đôi, hàng ba nên đành lòng phải chấm dứt mọi liên hệ ngoại giao với Vichy : Tháng 11 năm 1942, Đại sứ Leahy rời sứ quán Mỹ ở Vichy và ngày 15 tháng 4 năm 1942 Hoa Kỳ ngừng mọi viện trợ, buôn bán làm ăn với chế độ Vichy của Pétain.

Ngày 8 tháng 5 năm 1943, Roosevelt viết thư cho Winston Churchill: "Tôi có xu hướng nghĩ rằng khi chúng ta vào đất Pháp, hành động của chúng ta sẽ phải được coi là hành động của những người chiếm đóng quân sự do các tướng lĩnh Mỹ và Anh quản lý (...). Những chức vụ quan trọng nhất, chính quyền quốc gia, phải nằm trong tay tổng tư lệnh người Anh hoặc người Mỹ" (Charles L. Robertson, When Roosevelt planned to govern France, University of Massachusetts Press, 2011). Cuối cùng những cuộc "bầu cử" cũng sẽ được người Mỹ tổ chức nếu họ muốn, điều này khó có thể chắc chắn được, xét đến tính cách của Roosevelt, người ta đã đoán ra được rằng bầu cử sẽ được dàn xếp để giành chiến thắng cho những "bù nhìn Pháp tay sai" được Hoa Kỳ tuyển chọn.

Về việc này người Mỹ vẫn tiếp tục và sẽ luôn tiếp tục thực hiện tại các quốc gia mà họ gọi là "bạn" nằm trong vòng ảnh hưởng của họ.

Roosevelt không thông báo cho De Gaulle biết "NGÀY D", ngày 6 tháng 6 năm 1944 đổ bộ tại Normandie.

Tất nhiên, De Gaulle cũng đã nghi ngờ cuộc đổ bộ sẽ diễn ra nhưng ông hoàn toàn không được thông báo về thời gian và địa điểm.

A.M.G.O.T. (Chính quyền quân sự đồng minh tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng) đã được Hoa Kỳ cho áp dụng cụ thể ngay sau cuộc đổ bộ ngày 06 tháng 6 năm 1944 lên bờ biển Normandie (Pháp) vì tất cả đã chuẩn bị hành động ngay từ khi chiến tranh mới bắt đầu và được huấn luyện tại các trung tâm như Yale hay Charlottesville. Mọi thứ đã được lên kế hoạch, vì vậy người Mỹ, thị trưởng tương lai của Cherbourg, đã được chỉ định cũng như 1552 “quan chức” lên đường đến Normandie ôm theo những cọc tiền giấy Franc Giải phóng đã được in trước từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1944 tại Hoa Kỳ bởi Bureau of Engraving and Printing (Cục Khắc và In) cơ quan có trách nhiệm in đồng đô-la Mỹ .

Điểm khác biệt là những tờ tiền Pháp "giả" này không ghi chú cơ quan tổ chức phát hành. Chỉ có tiền in của nước Pháp mới in thật rõ cùng 3 chữ khẩu hiệu của nền cộng hòa Pháp: Liberté, Égalité, Fraternité - Tự do, Bình đẳng, Bác ái.



Ngay sau khi đổ bộ, đi tới đâu , nếu có thể được, những "quan chức" Mỹ này cũng phân phối miễn phí những tờ tiền giấy do Mỹ in và nói rằng tiền này để thay thế cho những tờ tiền được phát hành trong thời kỳ Đức quốc xã chiếm đóng tại Pháp.

Hai ngày sau cuộc đổ bộ , Chính Phủ Lâm Thời Cộng hòa Pháp của Tướng De Gaulle đã gửi văn thư chính thức cảnh báo nghiêm khắc tới chính phủ Mỹ và Anh, nói rằng “Pháp không công nhận bất kỳ giá trị pháp lý nào trong các "tờ tiền giả mạo" do Mỹ đưa vào lưu hành mà không có sự đồng ý của Pháp”.

Ngày 14 tháng 6 năm 1944 tại Bayeux, người dân nước Pháp bị chiếm đóng lần đầu tiên chứng kiến ​​những người Pháp giải phóng của họ lên tiếng: Tại thị trấn nhỏ nằm cách bờ biển 5 km trong vùng Normandie này, đã được quân Đồng minh chiếm đóng rất sớm sau cuộc đổ bộ. Tướng De Gaulle tuyên đọc bài phát biểu đầu tiên trước người dân Pháp . Trước sự chào đón nồng nhiệt mà ông nhận được đã củng cố vững chắc ý tưởng từ chối bằng mọi cách về sự giám sát và đồng tiền mà người Mỹ dự định thiết lập trên đất Pháp.

Hai năm sau,vào ngày 16 tháng 6 năm 1946, khi muốn trình bày dự án hiến pháp của mình, De Gaulle nhớ đến địa điểm mang tính biểu tượng này, mặc dù đã từ chức khỏi chính phủ vào tháng 1 năm 1946, ông vẫn đến Bayeux để giải thích tầm nhìn của ông về hiến pháp cần thiết cho nước Pháp: một hệ thống tổng thống mạnh mẽ, trong đó nguyên thủ quốc gia sẽ là nền tảng của quyền hành pháp, với một quốc hội lưỡng viện. Đây chính là những nguyên tắc đã định hình nên hiến pháp của nền Cộng Hòa Thứ Năm Pháp mà De Gaulle đã áp dụng vào thực tế khi ông trở lại nắm chính quyền vào năm 1958.

Từ ngày 13 tháng 6 năm 1944, Ủy viên Cộng hòa Pháp François Coulet, có mặt tại Normandie, đã phải đối phó với tình trạng lưu thông tiền tệ Mỹ bất hợp pháp này, hơn nữa, những đồng tiền giấy này lại không được chính những người dân Pháp vui vẻ đón nhận. Ông khuyến khích các ngân hàng địa phương phải cho đổi những tờ tiền Amgot này thành tiền mặt hợp pháp và chận đứng mọi sự lưu hành .

Sau một thời gian bất ổn, mặc dù Roosevelt không áp dụng được AMGOT nhưng vùng Normandie vẫn phải đối mặt với tình trạng lưu hành “tiền giả”. Vào ngày 27 tháng 6 năm 1944, Tướng De Gaulle ra lệnh tuyệt đối cấm chỉ việc lưu hành những tờ tiền này. Tuy nhiên, người dân Normandie vẫn sử dụng tiền AMGOT để nộp thuế phải đến cuối tháng 8 thì việc lưu hành những tờ tiền giả này mới chấm dứt. Điều mà sách giáo khoa lịch sử không cho chúng ta biết chính là câu chuyện cơ bản. Chiến dịch đổ bộ vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 tại Normandie có mật danh là “Overlord”. Overlord theo tiếng Pháp là “Suzerain” và có nghĩa là Pháp sẽ trở thành chư hầu của Mỹ.

III. GIẢI PHÓNG PARIS (24-26 tháng 8 năm 1944):

Từ tháng 12/1943, Tướng Leclerc, tư lệnh Sư đoàn Thiết giáp số 2, được bổ nhiệm làm thống đốc quân sự lâm thời Paris, nhận lời căn dặn của De Gaulle cần phải ưu tiên giải phóng thủ đô. Tuy nhiên Eisenhower, tổng tư lệnh lực lượng Đồng Minh và tướng Bradley thực hiện đúng theo kế hoạch đã định trước của chiến dịch Overlord với mục tiêu chủ yếu nhắm vào lưu vực Ruhr (Tây Đức), nơi tập trung các ngành công nghiệp nặng của Đức nên lực lượng đồng minh đã dự tính cần phải đánh vòng ngang Paris và tiến thật nhanh về phía miền Đông Pháp. Tướng Bradley đã viết trong hồi ký của mình về thủ đô nước Pháp: "Thành phố Paris không còn ý nghĩa chiến thuật nào nữa. Bất chấp vinh quang lịch sử, Paris chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ của chúng ta; chúng tôi phải tránh nó trên đường hành quân về phía sông Rhin."

Khi biết được tin quân đội đồng minh đang tiến gần Paris, một cuộc tổng nổi dạy đã được khởi động bởi Đại tá Rol-Tanguy người đứng đầu FFI (Forces françaises de l'Intérieur - Lực lượng Nội địa Pháp) vùng Ile-de-France (vùng ngoại ô Paris) ngày 18 tháng 8 năm 1944 Cuộc tổng nổi dạy được kết hợp với các cuộc đình công của thợ thuyền, cảnh sát ... trên các trục lộ giao thông công cộng và trong dịch vụ công đã cho phép kháng chiến quân chiếm đóng những nơi nắm giữ quyền lực chính ở thủ đô, bao gồm cả các trụ sở các bộ phận cầm đầu chính quyền nhưng đội quân chiếm đóng Đức quốc xã hơn 17.000 người đã phản ứng đàn áp mãnh liệt.

Ngày 19 tháng 8 năm 1944, quân đội Đồng minh đang tiến sát ngoài thủ đô Pháp trong lúc đó quân nổi dậy ở bên trong Paris vì thiếu đạn dược, sẽ không thể còn cầm cự được lâu dài nên lực lượng kháng chiến đã cử, Cocteau , tham mưu trưởng của Đại tá Rol-Tanguy, đi gặp Tướng Patton (Mỹ) để báo cáo với quân Mỹ rằng một nửa thành phố đã được giải phóng vào ngày 23, nhưng tình hình kháng chiến rất nguy kịch yêu cầu được Patton giúp đỡ. Trước tình thế này, sau khi có được sự đồng ý của De Gaulle, Tướng Leclerc đã buộc người Mỹ phải hành động bằng cách ra lệnh cho các đơn vị trinh sát thuộc sư đoàn thiết giáp số 2 của ông cứ tiến vào Paris. Tướng Mỹ Gerow, cấp trên của Leclerc, vô cùng tức giận, coi đây là hành vi bất tuân lệnh thượng cấp. Tướng Leclerc yêu cầu De Gaulle phải can thiệp. De Gaulle nhắc lại lời hứa của Eisenhower với ông tại Alger (Algérie) vào tháng 12 năm 1943 rằng nhiệm vụ giải phóng Paris sẽ được giao cho một đơn vị Pháp.

Ngày 20 tháng 8 De Gaulle thuyết phục được Tướng Eisenhower vì chính vị tướng Mỹ này cũng hiểu được rằng khó có thể ngăn chặn được sự tham chiến của những người lính giải phóng Pháp. Tướng Eisenhower, Tổng tư Lệnh Lực Lượng Đồng Minh, ra lệnh cho Sư đoàn Bộ binh Hoa Kỳ số 4 của tướng Raymond O. Barton (Mỹ) đến tăng viện với Sư đoàn Thiết giáp số 2 (DB) của Tướng Leclerc (Pháp). tổng cộng 2 Sư đoàn Pháp-Mỹ gồm 15.000 binh sĩ, 4.000 chiếc xe vận tải và 400 xe tăng, lao về Paris vào lúc 6 giờ sáng ngày 23 tháng 8.

Tối ngày 24, các phần tử đầu tiên của DB số 2 đã tới Tòa thị chính Paris. Vào ngày 25, sư đoàn Leclerc được sự hỗ trợ của DIUS thứ 4 và Lực lượng FFI tiến vào Paris qua Porte d’Orléans đã làm giảm hẳn khả năng phòng thủ của quân Đức. Cùng ngày, tại trụ sở cảnh sát, tướng Leclerc (Pháp) nhận được sự đầu hàng của Tướng Von Choltitz, thống đốc Paris (người đã từ chối thực hiện lệnh của Hitler nổ bom phá hủy các tượng đài ở Paris). Sau đó tướng Lecler đưa Tướng Đức về trụ sở của ông ở ga Montparnasse. Tại đây, Von Choltitz gặp Tướng De Gaulle vừa vào thủ đô Paris qua cửa Porte d'Orléans.

De Gaulle tới trụ sở của Bộ trưởng Bộ Chiến tranh – nơi ông đã từng đảm nhiệm trách vụ trong chính phủ cuối cùng của nền Đệ Tam Cộng hòa Pháp – tại bộ này, đường Saint-Dominique, qua đó chứng minh tính liên tục của Nhà nước. Khi chiến tranh chưa kết thúc, Tổng Thống của Chính Phủ Lâm Thời cũng có ý định nhắc nhở mọi người rằng ông là tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang. Sau đó, ông đến Sở Cảnh sát, nơi các đại diện lâm thời của Nhà nước đang đợi ông: Cảnh sát trưởng Flouret, Luizet và Đại biểu chung Parodi. Phải đến khi Luizet nài nỉ thì ông mới đồng ý đến Tòa thị chính, nơi các thành viên của CPL và CNR đang chờ đón ông. Tại đây ông đọc bài phát biểu với tư cách là người đứng đầu chính phủ không được ai trao quyền, ngoại trừ người dân có chủ quyền. "Paris phẫn nộ, Paris tan vỡ, Paris hy sinh nhưng Paris đã được giải phóng, Paris được giải phóng bởi chính mình, được giải phóng bởi người dân với sự giúp đỡ của quân đội Pháp."- "Paris outragé, Paris brisé, Paris martyrisé mais Paris libéré, Paris libéré par lui-même, libéré par son peuple avec le concours des armées de la France."

IV- CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA (26 tháng 8-13 tháng 10 năm 1944):

Khi Bidault yêu cầu ông tuyên bố nền Cộng hòa, ông đã từ chối vì sự tồn tại của nền Cộng hòa Pháp chưa bao giờ chấm dứt . Cuộc chiến diễn ra kể từ ngày 18 tháng 6 năm 1940 rõ ràng là một phần của sự liên tục của nền cộng hòa. Sắc lệnh ngày 9 tháng 8 năm 1944 không nhắc lại trong điều 1 rằng "Hình thức Chính phủ Pháp là và vẫn là Cộng hòa. Về mặt luật pháp, điều này vẫn chưa chấm dứt; Nước Pháp Tự Do, Nước Pháp Chiến Đấu, đến lượt Ủy Ban Pháp của Giải phóng Dân Tộc kết hợp nó. Vichy luôn luôn và mãi mãi vô hiệu lực". Đây thực sự là đỉnh cao của bản tuyên ngôn ngày 27 tháng 10 năm 1940, được phát động từ Brazzaville, khẳng định sự vô hiệu của các luật lệ của chính quyền Vichy.

Mời những người kháng chiến tham gia vào cuộc diễn hành ngày 26 tháng 8, theo mong muốn của De Gaulle nằm trong truyền thống của cuộc chiến thắng, cuộc chiến thắng kéo dài hàng thế kỷ, đã xoa dịu tinh thần mọi người. Không có gì là ngẫu nhiên. De Gaulle quan sát đội của Trung đoàn bộ binh Chad, một đơn vị DB số 2 Thiết giáp của Quân đội Pháp Tự do từ gợi nhớ rằng tiếng súng của Pháp đã khởi động cuộc kháng chiến chống Đức quốc xã từ mùa hè năm 1940 . Sau đó, De Gaulle, người đứng đầu chính phủ lâm thời đặt vòng hoa lên mộ Chiến sĩ vô danh và bắt đầu cuộc diễn hành "khải hoàn" này từ Đại lộ Champs-Élysées đến Nhà thờ Đức Bà, nơi mà ông muốn " trao gởi một cuộc hẹn hò với người dân Pháp" và giao gởi sự an toàn của chính bản thân ông cho họ. Cùng với Parodi và các thành viên của chính phủ lâm thời, Bidault và các chiến binh kháng chiến của CNR và CPL, Luizet và Flouret, các tướng Leclerc, Koenig, Juin và Chaban-Delmas, và Đô đốc Thierry d'Argenlieu, ông đã đi bộ hai cây số từ quãng trường Etoile đến Concorde trong tiếng reo hò chào đón của người dân. Đây là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi có được một sự nhất trí của toàn dân tộc. Người đàn ông của ngày 18 tháng 6 trước đó chỉ là một giọng nói, lúc này ông đã trở thành một khuôn mặt, đó là một vị hiệp sĩ có thực. Đây là sự tái lập thắng lợi tại thủ đô của nước Cộng Hòa.

Ngày 31 tháng 8, Chính Phủ Lâm Thời được thành lập. Khôi phục trật tự là ưu tiên hàng đầu. Cuộc diễn hành có sự tham dự của hai sư đoàn Mỹ vào ngày 29 là một cuộc biểu dương lực lượng nhằm đáp lại mối thiện cảm mà De Gaulle bày tỏ với Tướng Eisenhower. Một ngày trước đó, De Gaulle đã ký lệnh giải tán trụ sở FFI tại các vùng được giải phóng. Koenig được bổ nhiệm làm thống đốc quân sự Paris, Tướng Revers (người đứng đầu ORA -Tổ chức kháng chiến quân đội) phụ trách khu vực Paris và Đại tá Rol-Tanguy chịu trách nhiệm sáp nhập FFI vào Quân đội Giải phóng. Vào cuối tháng 10, lực lượng dân quân yêu nước trung thành với cộng sản bị giải tán và De Gaulle đã thiết lập quyền lực nhà nước.

Sau khi GPRF (Gouvernement provisoire de la République française - Chính phủ lâm thời của Cộng hòa Pháp) được quân Đồng minh công nhận vào ngày 23 tháng 10 năm 1944, không ai còn có thể nghi ngờ tính chất hợp pháp của Tướng De Gaulle, ở Pháp lẫn ở các nước ngoài.

Bên cạnh việc chính phủ thông qua chương trình phát triển kinh tế, Hội đồng Tư vấn Lâm thời đã tổ chức phiên họp long trọng vào ngày 9 tháng 11 tại Thượng viện – nơi cơ quan này tiếp tục làm việc cho đến khi bầu cử Quốc hội Lập hiến vào ngày 21 tháng 10 năm 1945. Nước Pháp cũng nối lại việc tham vấn ý kiến với người dân khi mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ và quân nhân thông qua các cuộc bầu cử địa phương tháng 4/1945, tiếp đó là bầu cử cấp tỉnh và lập pháp vào tháng 11 năm 1945.

Từ ngày 18 đến 30 tháng 8 (ngày diễn ra các trận chiến cuối cùng ở phía bắc Paris), trận chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người: 1.800 người thiệt mạng (156 binh sĩ thuộc Sư đoàn Thiết giáp số 2(DB2), khoảng một nghìn thành viên Lực lượng Nội địa Pháp FFI trong đó có 177 cảnh sát, khoảng 600 thường dân và 3.200 lính Đức) cùng 12.800 tù binh. Việc giải phóng Paris do chính người dân Paris thực hiện, với sự hỗ trợ của Sư đoàn Thiết giáp số 2 và quân Đồng minh, là một sự kiện lịch sử trọng đại dù đó chưa phải là dấu chấm hết của chiến tranh.

Mặc dù vào lúc này Hoa Kỳ coi De Gaulle , vừa là một nhà "độc tài cánh hữu " vừa là một con rối của Đảng Cộng Sản Pháp và Liên Xô, Washington vẫn phải từ bỏ việc áp đặt đồng đô-la ở các "lãnh thổ được giải phóng" và (cùng với London) Hoa Kỳ buộc phải công nhận Chính Phủ Lâm Thời của nước Cộng Hòa Pháp vào ngày 23 tháng 10 năm 1944: Hai năm rưỡi sau khi Liên Xô đã nhìn nhận "chính phủ của nước Pháp chân chính", một năm rưỡi sau khi CFLN - Ủy ban Giải phóng Dân tộc Pháp - (Comité français de Libération nationale) được công nhận , hai tháng sau khi Paris được giải phóng và ngay trước khi De Gaulle ký với Moscow, vào ngày 10 tháng 12, để cân bằng với bá quyền của Mỹ, một "hiệp ước liên minh và tương trợ" mà ông mô tả là một "liên minh vô cùng tốt đẹp".

Bị Roosevelt gạt ra khỏi Hội nghị Yalta vào tháng 2 năm 1945, Pháp gần như phải hoàn toàn phụ thuộc và nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhờ sức đối kháng từ bên TRONG và bên NGOÀI đã làm cho nước Pháp thoát khỏi chế độ bảo hộ của Hoa Kỳ. 

Tướng De Gaulle, người trở thành Tổng Thống Cộng Hòa Pháp năm 1958, đã từ chối không tham dự vào buổi lễ kỷ niệm 20 năm cuộc đổ bộ Normandy ngày 6 tháng 6 năm 1964.

Về sau này Alain Peyrefitte cũng đã trích dẫn những lời của Charles de Gaulle để giải thích lý do :

“Cuộc đổ bộ ngày 6 tháng 6 là chuyện của người Anglo-Saxon, còn Pháp thì bị loại trừ. Họ quyết tâm đóng trụ ở nước Pháp như thể họ đang ở trên lãnh thổ của chính kẻ thù họ! Giống như họ vừa làm ở Ý và sắp sửa làm ở Đức! Họ đã chuẩn bị lực lượng AMGOT  (Allied Military Government of Occupied Territories) để cai quản nước Pháp khi quân đội của họ tiến vào lãnh thổ Pháp. Họ đã in tiền giả, loại tiền này không có một giá trị pháp lý nào. Họ sẽ cư xử như vậy ở một đất nước bị chinh phục... Và anh muốn tôi đến tham dự kỷ niệm cuộc đổ bộ này, cuộc đổ bộ mở đầu cho một cuộc chiếm đóng đất nước Pháp lần thứ hai hay sao? » (Alain Peyrefitte, C'était de Gaulle , Fayard, 1994).

V - NƯỚC PHÁP CÓ NỢ HOA KỲ VỀ SỰ TỰ DO HAY KHÔNG ?

Thế Chiến thứ Hai thường được nhớ đến qua cuộc đổ bộ của quân đội Đồng minh vào Normandie, sự kiện này đã đưa nước Hoa Kỳ thành "người Mỹ đã giải phóng châu Âu thoát khỏi chế độ Đức Quốc Xã của Hitler".

Nhưng người ta cần phải nhìn lại vị trí của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian này để đặt câu hỏi : Tại Sao Hoa Kỳ Tham Gia Thế Chiến Thứ II ?.

Mặc dù vài cuộc xung đột tại Âu châu đã khởi đầu vào tháng 9 năm 1939, nhưng người Mỹ vẫn không đứng chung hàng ngũ với các nước chống Đức quốc Xã vì Washington bằng trung lập chủ nghĩa, biệt lập và chủ nghĩa làm giầu và tiếp tục làm ăn với nước Đức hơn là tham gia vào một "cuộc đấu tranh giành Độc Lập Tự Do tại Âu châu" để chống lại chế độ Nazi của Hitler. Do đó, không có chuyện Quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu tham gia vào cuộc chiến cùng với phe gọi là Đồng minh, chỉ vào tháng 3 năm 1941, Đạo luật Cho thuê-Cho mượn đã thúc đẩy Hoa Kỳ xuất khẩu thiết bị sang Vương quốc Anh và Liên Xô.

Nhưng cũng còn phải đợi đến cuộc tấn công bất ngờ của máy bay Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941 và những thương thuyền Mỹ bị hải quân của Hitler bắn chìm Hoa Kỳ mới tuyên chiến với Nhật Bản và phe Trục (Đức - Nhật – Ý) ngay ngày hôm sau (08.12.1944).

Hoa Kỳ lần đầu tiên gửi quân đến mặt trận Thái Bình Dương, nơi bị Nhật Bản tấn công. Do đó, trận đánh đầu tiên của Mỹ là những trận hải chiến chống lại Nhật Bản. Vào tháng 6 năm 1942, hạm đội Hoa Kỳ đã ngăn chặn được các tàu Nhật Bản tấn công quần đảo Midway bằng một trận không chiến. Vào tháng 8, Thủy quân lục chiến đổ bộ lên Guadalcanal. Các trận chiến lớn diễn ra vào năm 1945, tại Iwo Jima (tháng 2-tháng 3) và Okinawa (tháng 4-tháng 6). Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, bom nguyên tử được sử dụng để buộc Nhật Bản phải đầu hàng: vào ngày 6 tháng 8 tại Hiroshima và ngày 9 tháng 8 ở Nagasaki. Hoà Kỳ nhẩy vào cuôc chiến ở Âu châu và cùng với đồng minh đổ bộ lên Normandie vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 ... dẫn đến chiến thắng cuối cùng chống lại Đức ngày 8 tháng 5 năm 1945 tại Bá Linh (Berlin Đức).

VI- PHÁP & MỸ SAU ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN

Kế hoạch Marshall, bề ngoài là trợ giúp Pháp phục hồi nhưng thực chất đặt nước Pháp dưới sự giám sát kinh tế (quyền lực chính trị của Kế hoạch Marshall kiểm soát ngân sách của Pháp và cho phép hoặc không cho phép xuất khẩu một số mặt hàng nhất định, đặc biệt là từ các công ty kỹ nghệ tiên tiến) và tạo ra tình trạng nợ nần quá mức; ủng hộ "Hợp chủng quốc châu Âu" của Jean Monnet và một công trình xây dựng châu Âu được hình thành như một thành trì chống lại chủ nghĩa Cộng Sản và do đó Hoa Kỳ đòi hỏi những đồng minh phải ngoan ngoãn (do đó, Cộng đồng Phòng thủ châu Âu NATO là một tổ chức nhằm tạo ra một đội quân siêu quốc gia châu Âu đặt dưới sự chỉ huy giám sát của một Tổng Tư Lệnh NATO do chính ... Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm với vũ khí Made In USA mà các quốc gia thành viên Âu châu bắt buộc phải mua của Hoa Kỳ. ). Nhưng trên hết, và như Maud Quessard đã phân tích trong luận án tiến sĩ của bà về ngoại giao công chúng Hoa Kỳ kể từ Chiến tranh Lạnh (Stratégies d'influence et guerres de l'information Propagande et diplomatie publique des États-Unis depuis la guerre froide) , các chiến lược dài hạn sẽ được thực hiện nhằm mục đích "thâm nhập và gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa và những người hướng dẫn dư luận" với sự phát triển của các nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Pháp và đặc biệt trong các chương trình gọi là trao đổi. Hoạt động ngoại giao công chúng của những năm 1950 phát động dưới sự bảo trợ của USIA (Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ), một cơ quan được thành lập đặc biệt để thực hiện sứ mệnh này.

Tuy nhiên, biết tận dụng kế hoạch Marshall, Tây Âu, nơi kiệt quệ vì chiến tranh, đã lấy lại được mức sống như trước chiến tranh chỉ trong vòng năm năm. Người Pháp, giống như những người châu Âu khác, không chỉ có công việc làm mà còn sinh đẻ con cái . Đây là thời kỳ “bùng nổ trẻ sơ sinh” - baby boom . Một sự năng động khó có thể mơ ước được . Công nghệ phát triển không những bắt kịp mà còn vượt qua công nghệ ở Hoa Kỳ (kỹ nghệ sản xuất xe hơi...) , đặc biệt là sự phát triển của truyền hình, đang thay đổi lối sống. Giấc mơ Mỹ của nhiều người Pháp đã trở thành sự thật. Các bà nội trợ mua xắm máy giặt, máy rửa chén... Người Pháp ngày càng giàu , tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu giảm xuống còn 2,4% dân số lao động và các khu nhà ở riêng lẻ lắp ghép đầu tiên đang tăng lên: mọi người đều có « home sweet home » “ngôi nhà ngọt ngào” của riêng mình không chỉ bằng ván gỗ ép mà bằng gạch ngói đỏ , bê-tông chắc chắn.

Sự tăng trưởng này được Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ và không ngần ngại can thiệp: do đó, sử dụng kế hoạch thời Jean Monnet (1946) và quốc hữu hóa các ngành then chốt của nền kinh tế (ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, vận tải, kiến thiết, phát triển công kỹ nghệ, phát triển du lịch ... ). Vai trò của Nhà Nước đã được định lại ngay sau khi chấm dứt Thế chiến thứ Hai cũng với chương trình của CNR (Hội Đồng Kháng Chiến Quốc Gia) năm 1944. Nhà Nước thủ diễn vai trò thiết yếu đối với những hoạt động bình thường của nền kinh tế và xã hội nước Pháp. Ba mươi năm An Sinh Thịnh Vượng của nước Pháp.

Kỷ nguyên tươi đẹp này đã bị gián đoạn một cách đột ngột bởi cú sốc dầu hỏa đầu tiên trên toàn thế giới vào năm 1973.

Nói chung thì sau Thế Chiến Thứ Hai mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pháp không cải thiện được nhiều, vì De Gaulle, người phản đối Franklin Roosevelt trong suốt chiến tranh, đã hòa giải được với những người Cộng Sản Pháp vì đấy chính là điều kiện cần thiết cho hòa bình xã hội và tái thiết của nước Pháp, nhưng Hoa Kỳ thì không bao giờ muốn có sự hoà giải nội bộ này. Washington cũng vẫn tiếp tục chỉ trích chính sách của Pháp trong Chiến tranh Algérie và phản đối Pháp (và luôn cả Anh) trong cuộc khủng hoảng tại kênh đào Suez năm 1956.

Mười năm sau, yêu cầu của Pháp về một vị thế riêng biệt trong hội đồng NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đã bị Hoa Kỳ từ chối, và nước Pháp quyết định rời khỏi bộ chỉ huy hợp nhất (lúc này trụ sở đặt tại Pháp). Khi De Gaulle thông báo ngày 7 tháng 3 năm 1966 qua điện thoại với Lyndon Johnson rằng Pháp trục xuất các căn cứ của Mỹ và toàn bộ nhân sự của họ ra khỏi lãnh thổ Pháp. Cuộc triệt thoái của Hoa Kỳ với tổng cộng 27 nghìn binh sĩ, 37 nghìn nhân viên và 30 căn cứ không quân, lục quân và hải quân chấm dứt vào ngày 14 tháng 3 năm 1967.

Khi Israel xích lại gần Hoa Kỳ và các nước Ả Rập ngày càng nắm quyền lực, chính phủ của Tướng De Gaulle trở nên nhạy cảm hơn với vấn đề của người Palestine ở Trung Đông, hơn thế nữa, ông bắt đầu nên tiếng chỉ trích Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam nhất là Mỹ không được quần chúng Pháp ủng hộ .

Tại Nam Vang Cambodge ngày 01 tháng 9 năm 1966 De Gaulle khẳng định, dựa trên kinh nghiệm (Chiến tranh Đông Dương) và mối liên hệ lịch sử của Pháp ở châu Á, rằng Pháp nên coi việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và một giải pháp chính trị là điều cần thiết, là cách duy nhất để khôi phục hòa bình tại vùng này. Ông bảo vệ nguyên tắc trung lập hóa bán đảo Việt Nam và quyền tự quyết của các dân tộc (nguyên tắc của hội nghị Geneva, 1954).

Bài phát biểu này rất có thể đã tác động đến quyết định của Tổng thống Johnson về việc ngừng ném bom xuống miền Bắc Việt Nam vào năm 1968 nhưng hiển nhiên Hoa Kỳ khó có thể chấp nhận "bài học" của De Gaulle.

Sự ủng hộ rõ ràng của De Gaulle đối với nền độc lập của Quebec Canada ("Vive le Québec libre ! -Quebec tự do muôn năm!" vào tháng 7 năm 1967) cũng được Hoa Kỳ coi là một hành động khiêu khích. Hơn nữa Hoa Kỳ rất bực bội bởi mối quan hệ ít nhiều thân thiện của Pháp với các nước cộng sản, trong đó có Liên Xô (URRSS). Pháp lại còn theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tăng cường năng lực quân sự để không bị phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Thời gian này, quan hệ Pháp-Mỹ xuống tới mức thấp nhất.

Quan hệ Pháp-Mỹ dịu đi phần nào dưới thời Georges Pompidou (1969-1974), nhưng căng thẳng vẫn thỉnh thoảng xảy ra.

Pháp coi Liên Minh Cộng Đồng châu Âu làm quân bình cán cân sức mạnh với Mỹ và đặc biệt nỗ lực phát triển một loại tiền tệ (Euro) có thể cân bằng với đồng đô la trong thương mại thế giới. Pháp cũng đã dành nhiều nỗ lực để duy trì mối quan hệ với Tây Phi.

Chính phủ Hoa Kỳ vẫn giữ khoảng cách khá xa với Pháp và theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn nhiều với các quốc gia như Anh quốc.

Ảnh hưởng về văn hóa và kinh tế của Mỹ tiếp tục tăng lên trong những thập kỷ tiếp theo. Nhưng nếu xã hội dân sự mơ tưởng về lối sống kiểu Mỹ, nhà nước theo chủ nghĩa De Gaulle vẫn cố gắng phản kháng để duy trì một mức độ Độc Lập Chiến Lược nhất định. Theo chiến lược, ở đây chúng tôi muốn nói đến những gì đe dọa hoặc đảm bảo tính bền vững của một hệ thống xã hội, cho dù đó là một quốc gia hay một tổ chức kinh tế . Trích đoạn này từ bài phát biểu trước Hội đồng Bộ trưởng của Tổng thống tương lai George Pompidou năm 1963 là một minh họa cho sự việc này: “Năng lực tài chính và kỹ thuật của các công ty lớn của Mỹ lớn đến mức hầu như không có công ty Pháp, hay thậm chí là công ty châu Âu nào trong lĩnh vực hàng không, điện tử, công nghệ thông tin hay ô tô có thể chống lại được sức mạnh của họ, bằng cách thâu tóm hoặc mua lại, nếu chính phủ không can thiệp. » Do đó, Pháp áp dụng chủ nghĩa tân Colbert (bị các nhà tư tưởng tự do và phương tiện truyền thông của họ chỉ trích mạnh mẽ) trong đó các nhà vô địch quốc gia sẽ chơi ở giải đấu lớn.

Ba mươi năm vinh quang ở Pháp (Les Trente Glorieuses en France mượn từ tựa đề sách của Jean Fourastié ) từ năm 1945 tới năm 1973 đánh dấu sự chuyển đổi từ nền Cộng hòa thứ Tư sang nền Cộng hòa thứ Năm, với nhiệm kỳ tổng thống của Charles De Gaulle trong hơn mười năm (1959-1969), sau đó là nhiệm kỳ của George Pompidou từ năm 1969 đến năm 1974, chưa kể đến giai đoạn phi thực dân hóa, khẳng định sức mạnh NGUYÊN TỬ của Pháp giữa hai phe của Chiến tranh Lạnh (Nga-Mỹ). Đây cũng là thời kỳ xây dựng của cộng đồng Châu Âu.   -/.



VVM.11.05.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com