Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



(1922-2010)

HOÀNG CẦM - HỒN THƠ ÁNH SÁNG


            Hà Nội ngày 6- 5- 2010. Cái nóng như đổ lửa uống Hồ Gươm. Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi cùng Lá Diêu bông vi vút trời xa, da diết gọi Tình yêu con người Việt Nam suốt thế kỷ XX lửa cháy.
             Nỗi tiếc thương xao xác hồn tôi.
                     Hà Nội đêm không ngủ.
             Biết rằng sẽ có một ngày xa biền biệt, không còn được nghe tiếng nhà thơ Hoàng Cầm gọi:
                       “Diêu Bông hời!
                         Ới! Diêu Bông!..”

        Vậy nên những năm 1990- 2000, tôi đã dành những buổi chiều đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm tại nhà riêng phố Lý Quốc Sư- cạnh Nhà Thờ Lớn- Hà Nội, nghe ông đọc thơ, kể chuyện tình Kinh Bắc, và khám phá thơ ông.
      Chuyên luận Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng của tôi đã in trong tập bút ký Hương đất Hà Thành (Mai Thục- NXB Văn hoá Thông tin- Hà Nội- 2004).
    Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm. Tôi khóc ông bằng những dòng chữ dâng đầy nước mắt của những người mẹ, người chị, người em gái… Kinh Bắc- Việt Nam, mà Hoàng Cầm nâng niu, yêu thương tha thiết trong thơ ông.
       Tôi niệm “Nam mô A Di Đà” cầu nguyện linh hồn nhà thơ Hoàng Cầm bay lên cùng Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.

       Mai Thục  
        Hồ Gươm- Hà Nội đêm không ngủ.
 


MỘT KHÔNG GIAN HƯ VÔ :

T  heo thuyết tương đối của Albert Einstein “Thời gian và không gian sẽ biến mất cùng vật chất”. Không gian hư vô được hiểu là một không gian không vật chất. Một khoảng không vô định. Người chết không còn chiếm lĩnh được không gian, thời gian. Thân thể vật chất tan biến, chỉ còn một chấm sáng mà ta gọi là linh hồn tan vào không trung trống rỗng, không gian hư vô.      

   Đọc thơ Hoàng Cầm chúng ta cảm nhận được rõ ràng một không gian hư vô:        

    “Em ở đâu, tôi ở đâu
               Hai năm cỏ bén rễ sâu trên mồ
               Đi thăm bụi đất chiều mưa
               Giun kêu thăm thẳm cứ ngờ tiếng em
               Về đâu tiếng nói em hiền
                Thảo thơm biền biệt điệu kèn hư vô”
                                       
       (Ngày giỗ- Thơ Hoàng Cầm)     

  Không gian hư vô còn là sự huyền bí trên cao của cõi sống:   

              “Mới hay cõi vô hình cao tột bậc
                   Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao”
                                              
   (Hàn Mặc Tử)      

Hàn Mặc Tử vươn tới chiều cao của vũ trụ, cảm nhận được không gian hư vô từ trong cõi sống:    

      “Ánh trăng mỏng quá không che nổi
              Những vẻ xanh xao của mặt hồ
              Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
              Những lời năm nỉ của hư vô”       
 

  Huy Cận chìm sâu vào cảm thức mênh mông với không gian trên cao. Thơ ông có sự tương hợp cá nhân với vũ trụ:             

          Chở hồn lên tận chơi vơi
                     Trăm chèo của nhạc muôn lời của thơ
                     Quên thân như đã quên giờ
                     Tê mê cõi biếc, bến bờ  là đâu”      
  

  Và Huy Cận cũng cảm thấy một không gian của cõi chết: “Thân hay nhảy giam trong mồ nhỏ tý” . Với ông, cái chết đơn giản chỉ là chuyển sang một không gian khác nhỏ hơn. Không gian trong mồ. Hay là Huy Cận không muốn khám phá không gian hư vô?    

       Ông cảm nhận sự lẻ loi, sự cô đơn tuyệt đối ở cõi chết:         

       “Dăm bảy lòng thương xót đến mồ
                Để cho hồn khi sắp xuống hư vô”    
 

    Huy Cận không tàng hình vào cõi hư vô ấy. Ông chỉ hình dung ra một nấm mồ chật chội.          Hoàng Cầm đã sáng tạo trong thơ mình một không gian hư vô với sự chuyển động, sự sống của những linh hồn. Hoàng Cầm chiếm lĩnh được cả một không gian hư vô.   

     Thơ Hoàng Cầm đầy ắp sự sống của những linh hồn thân thương ruột thịt nơi suối vàng (của vợ, của em, của mẹ, của con gái):            

      “Con đi xa về phía ấy
                    Bao năm già trước tuổi
                    Một đồi thông
                    Dòng chữ cuối, Yên Kỳ”
                                            
(Khấn hương hồn con gái)     

    Sự sống của những linh hồn trong thơ Hoàng Cầm xuất phát từ cơ sở triết học Phật giáo. Thuyết luân hồi của đạo Phật quan niệm, người chết không phải là hết tất cả, còn lại tinh anh, mà ta quen gọi là linh hồn. Linh hồn là bất tử. Con người sau khi chết lại đầu thai vào cõi khác. Cứ như thế, vòng luân hồi quay tít không bao giờ ngưng nghỉ.    

   Nhà thơ Hoàng Cầm cảm nhận được sự sống của linh hồn trong cái nhìn xuyên cõi hư vô, bằng con mắt thứ ba, con mắt của linh cảm, của tâm linh. Ông nhìn thấy sự sống của những linh hồn, qua tấm màn hư ảo của một không gian hư vô:       

       “Tà áo hương mê
               Xua con đi nhanh
              Đi nhanh đầu ghềnh
                Đi nhanh cánh bướm”      

  Đôi khi Hoàng Cầm trò chuyện cùng linh hồn trong sự giao cảm, sẻ chia nỗi đời, như đang ở trần gian vậy:            

    “Con về ngày giỗ, bày cỗ trăng rằm
                 Đứa chồng thì xoá hết nơi vợ nằm
                  Đứa con thì quên nơi mẹ giặt chiếu”    
  

  Sự sống của linh hồn trong cõi hư vô vẫn tràn đầy sắc thái của đời sống xã hội, đời sống trần gian. Linh hồn đó vẫn là một thân phận bất an:            

        “Ở Yên Kỳ sao con vẫn thiếu
                       Một nơi nằm yên”     

    Sự gặp gỡ của Hoàng Cầm với linh hồn người vợ, rất gần gũi, tưởng như liền kề, mà biệt tăm, xa mờ hư vô:              

      “Nửa đêm qua thoi thóp cựa mình
                    Cõi đời loáng thoáng em về đấy
                    Tóc quấn vờn quanh kiếp  ảo sinh”    

    Hoàng Cầm mô tả không gian của nàng trong màu sắc mờ ảo, vô hình. Không không gian. Không thời gian:      

    “Lá úa rơi ngơ ngác”
       “Tiếng muỗi tường bên xé tiếng mưa”
        “Em đâu ai xé hồn muôn mảnh”
         “Nặng ngang đá tảng đè giun dế”
         “Đêm hương khói, ngày không nói”…    

    Trong cõi hư vô đó, nàng hiện lên như một ảo ảnh loé sáng:            

      “Em đi vỡ vụn bao nhiêu nắng
                Về cõi nào đây, chắp kiếp người”     

    Thơ Hoàng Cầm tuôn trào Ánh sáng cả về cõi hư vô.        

  Và tôi gọi Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.        

    Thật ra Hoàng Cầm chỉ mượn thuyết luân hồi để tự giải thoát khỏi nỗi đau mất người thân. Nỗi đau về cái chết. Nhưng càng mượn, ông lại càng buồn. Nhịp điệu câu thơ buồn thăm thẳm, xao xác vỡ ra từng mảnh, từng mảnh một. Ngôn ngữ nhoà nhạt, những câu hỏi vu vơ tan vào hư không. Nhịp thơ ấy không thuộc về cõi sống.         

    “Xa rồi… hôm qua… em đã xa”
           “Thế nghĩa là em thực hoá  mơ”
           “Tưởng như em chẳng sống bao giờ”
           “Là em nằm đấy chết dài thêm”      

  Những câu thơ hoang vắng. Không gian sống đã lùi xa. Chỉ còn một không gian hư vô.       

  Riêng nỗi đau của nhà thơ là có thật:           

    “Em đi rồi để lại hư vô
                 Chiếc lá tre khô bềnh mặt  sóng
                 Là tim anh gợi bén quanh mồ”   
 

     Trong một trạng thái tâm linh đặc biệt, nhà thơ đã chiếm lĩnh được không gian hư vô.    

     Bài thơ Chùa Hương là một thế giới của hư vô, là cuộc hành trình tình yêu của Hoàng Cầm trong cõi hư vô.     

    Với nhan đề Chùa Hương nhưng Hoàng Cầm không mô tả chùa Hương với cảnh chùa thanh tịnh, núi non, sông nước hữu tình, hay cảnh người đua chen lễ hội tưng bừng lộng lẫy núi thẳm, rừng xanh.     

      Thơ Hoàng Cầm hiện lên một Chùa Hương của không gian hư vô:       

  “Em trẩy chùa Hương phía giải oan”
        “Mắt nghiêm màu Phật chật đò ngang”
         “Đã hẳn đi tìm mây ngũ sắc”
         “Chập chùng đá động biếc thời gian”
         “Gót chân hết lạnh đường tiên cảnh”
         “Anh trảy chùa Hương phía xót thương”
          “Bỗng gặp em nằm đắp khói sương”
          “Hỏi em xứ Phật nào yên tĩnh”     
 

   Chùa Hương của Hoàng Cầm không có âm thanh, sắc màu của sự sống. Chỉ có tiếng chuông chùa xa xăm mờ khói, đưa hồn nhà thơ vào cuộc hành trình bảng lảng khói hương, mờ mờ nhân ảnh.     

Đây là cuộc hành trình của tình yêu trong cõi hư vô, với bóng hình nàng nhoà nhạt, nhạt nhoà, với những câu hỏi mơ hồ, tan cùng khói sương. Hồn nhà thơ lặng chìm trong cõi hư vô, nghe thoảng tiếng nàng ảo mờ, xa xót:             

       “Em ngủ về đâu chùa Cửa Võng
                   Bến Trong, bến Đục bến nào xa?
                   Với ai em nói đêm mê ấy
                   Sao tiếng em đau, động khói nhoà”      

  Nhà thơ thả linh hồn mình lẫn vào hư vô (cái hữu hình gặp cái vô hình) gặp người vợ yêu quí của mình trong cõi hư vô của Chùa Hương:         

          “Anh trẩy chùa Hương phía xót thương
                    Bến Trong, bến Đục nửa chia đường
                    Thiên Trù chợt lắng chuông buông tím
                     Bỗng gặp em nằm đắp khói sương”       

   Có những phút giây nhà thơ như nghe được tiếng nói của nàng.        

    Hay tiếng nàng từ hư vô, bỗng vang dậy:                

    “Em hỏi anh sao cứ đến tìm
                   Thuyền nào đưa lối chật khoang tim?
                  Nhưng anh nín lặng dìu em bước
                   Lên biếc bầu xuân tiếng mõ chìm”        

  Hình nàng thoắt ẩn, thoắt hiện trong ảo ảnh:          

        “Ngơ ngác chùa trong em vắng anh”         

   Hai người tìm nhau, lạc nhau trong màn sương hư vô. Chỉ còn lại dư âm của cõi lòng đau đớn:                 

     “Anh giải oan cho em chẳng hết oan
                     Suối khuya cắt xé tiếng kêu than”       

     Trong mê ảo chập chờn, có giây phút nhà thơ như được chạm vào tay nàng, giữa hư vô, cảm xúc mãnh liệt dâng trào Ánh sáng:          

           “Nửa đêm mùng bảy lặn trăng non
                       Anh hẹn em về cõi sáng hơn
                       Cầm tay em lạnh đưa đi mãi
                        Mê mải rừng mai thấp thoáng hương”    
 

     Khoảng khắc này thật mà mơ, mơ mà thật. Khoa học tâm linh gọi đây là hiện tượng “thần giao cách cảm” hay “nhập hồn” hoặc kết nối năng luợng Âm- Dương, là sự giao cảm giữa những linh hồn, hay sự giao hoà giữa những tần số sinh học tương hợp…      

   Khoảnh khắc mơ, nhà thơ đang được sống trong say đắm tình yêu giữa không gian hư vô cùng nàng:             

     “Ôm em đỉnh núi sao buông thấp
                Hai ngực hoà tan một tiếng chuông”    

   Cả bài thơ Chùa Hương mờ ảo khói hương, nhịp điệu u hoài bảng lảng tan loãng về nơi vô ảnh, vô hình. Bài thơ thảnh thốt cuộc gặp gỡ người tình trần gian với hồn nàng nơi chín suối, thánh thiện, nồng nàn toả Ánh trăng sao.    

  Thơ Hoàng Cầm toả Ánh sao nơi cõi chết âm thầm, giá lạnh.    

       Và tôi gọi Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.       

  Hoàng Cầm đã khắc hoạ cuộc gặp gỡ tình yêu kỳ ảo đầy xúc động. Tình yêu nâng cái ảo thành cái thực. Ảo mà thực. Xa mà gần. Có mà không. Sắc sắc không không. Cái thực là nỗi nhớ bừng cháy con tim nhà thơ, nó hiện về trong cảm giác, trong cái nhìn xuyên thấu hư vô, chiếm lấy cả hư vô, hoà sáng hồn mình cùng hư vô, để đến được với nàng nơi chín suối.     

    Con mắt thứ ba của nhà thơ mở ra thấu muôn trùng, xuyên màn hư vô. Năng lực trực giác của nhà thơ bừng sáng, lắng nghe tiếng vọng những linh hồn trong cõi hư vô. Nhà thơ nghe tiếng tình yêu thao thức đợi chờ nơi ảo ảnh, mà tách hồn mình tan vào hư vô tình tự.  

      Bài thơ Chùa Hương toả sáng một sự giải thoát qua phút giây thăng hoa siêu việt của tâm linh.    

    Nhưng Chùa Hương của Hoàng Cầm hằn sâu một nỗi đau vật vã, của một con người đang sống thực, đang quằn quại đau- nỗi đau tử biệt- sinh ly. Nỗi đau không lời. Nhẹ tênh một câu hỏi tan vào thinh không:           

     “Tỉnh ra đắng chát tràn môi cháy
                 Em đâu rồi?- Vãn hội chùa Hương”       

  Người ta trẩy hội chùa hương vui như hội. Hoàng Cầm  trẩy hội Chùa Hương trong cảm thức tâm linh. Hội Chùa Hương của Hoàng Cầm là phút thăng hoa gặp gỡ nàng nơi Âm phủ. Cuộc hành trình tình yêu trong cõi hư vô chấm dứt, coi như vãn hội, tan giấc mơ hoa. Ngắt dòng chảy tâm linh, nhà thơ bừng tỉnh, trở về cuộc sống thực tại với cô đơn, trống vắng, câu thơ như cháy bùng, tan rơi. Hồn thơ vỡ tan.      

  Xưa nay, trong văn thơ Việt Nam, có nhiều người làm thơ về Chùa Hương. Các bài thơ Chùa hương đều hết sức nổi tiếng. Nhưng mỗi bài Chùa Hương có cách cảm cách nghĩ, cách cấu trúc ngôn ngữ, nhạc điệu độc đáo của nó.    

    Bài Động Hương Tích của Hồ Xuân Hương có nhịp điệu sống động vui dí dỏm của cõi trần gian, gợi đến những cảm xúc tình yêu đôi lứa. Bài thơ hay ở các âm lấp láy, gợi cảm, âm vang nhiều chiều, đa nghĩa, thanh mà tục, ẩn giấu nụ cười Folklo về sự phồn thực:         

      “Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
             Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
             Người quen cõi Phật chen chân xọc
              Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
               Giọt nước hữu tình rơi thánh thót
               Con thuyền vô trạo cúi lom khom
               Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại
               Rõ khéo trời già đến dở dom!”      

   Nguyễn Nhược Pháp mô tả không gian thực của Chùa Hương với cảnh thuyền, bến, núi non, suối, mây, trời, chùa chiền, tiếng mõ, tiếng chim, tiếng nhịp tim rạo rực tình yêu  tuổi mười lăm. Bài thơ hay ở nhịp điệu nhẹ nhàng, êm đềm, màu sắc đẹp, tươi sáng, không gian rộng mở, bừng toả cả phút bình minh, hoàng hôn, đêm trong rừng… và những đoạn độc thoại nội tâm giàu chất nhạc, chất thơ, hương thơm, màu sắc, pha chút bi kịch nhỏ lãng mạn trong tâm hồn cô bé tuổi trăng rằm, ngây thơ, thánh thiện:    

         “Đêm hôm ấy em mừng
             Mùi trầm hương bay lừng
             Em nằm nghe tiếng mõ
              Rồi chim kêu trong rừng

              …               Em nghe bỗng rụng rời
              Nhìn ai luống nghẹn lời
              Giờ vui đời có vậy
              Thoảng ngày vui qua rồi”
                                      
   (Chùa Hương)

      Bài Cô hái mơ của Nguyễn Bính cũng là một không gian ảo. Một giấc mơ. Nhưng khác Hoàng Cầm, Nguyễn Bính mơ hạnh phúc. Mơ yêu. Mơ về một người đẹp nơi trần gian.       

    “Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
           Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
           Khi trời lạnh lẽo và trong trẻo
           Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

           …             Cô hái mơ ơi!
            Chẳng trả lời nhau lấy  một lời
            Cứ lặng đi rồi khuất bóng
            Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi”.
                                           
(Cô hái mơ)   

   Bài thơ hay ở vẻ mơ màng thanh thoát của ngôn từ lướt đi rất nhẹ. Ở đây dường như không có rừng mơ và không có cả cô hái mơ. Nhưng cảm xúc, ước mơ của nhà thơ về hình ảnh nàng là có thật. Niềm khao khát đợi chờ, mong nhớ, yêu thương là có thật. Nguyễn Bính đã mơ trọn vẹn một giấc mơ rất đẹp về một bóng hồng yêu thương.          

Trở lại bài thơ Chùa Hương của Hoàng Cầm. Người đọc thấy xót thương nhà thơ và xót thương cho cả chính phận mình. Ai cũng vậy thôi, có nhiều khoảnh khắc ta phải sống trong nỗi đau ly biệt đến cháy lòng, đứt ruột. Hoàng Cầm đã nói hộ chúng ta nỗi đau này!     

    Bài thơ Chùa Hương của Hoàng Cầm hay ở âm điệu bảng lảng mơ hồ, hư ảo, như có như không, mà nỗi buồn đau thì chao chát cõi lòng, xuyên thấu tâm linh. Đọc Chùa Hương của Hoàng Cầm lòng ta đau xé chín chiều. Nỗi đau khi chao nghiêng, khi xoay dọc như lật chéo không gian, bổ nhào vào cõi chùa Hương ảo, về cõi hư vô, nơi người yêu, người thân ta đang ẩn nấp.     

    Do sự gợi mở của cấu trúc ngôn ngữ, ta có cảm giác Hoàng Cầm như người tàng hình, đi xuyên từ không gian hữu hình của cõi sống đến không gian hư vô của cõi chết, rồi lại trở về không gian sống cô lẻ của mình, lòng mang nặng mối sầu ly biệt.        

  Hoàng Cầm mơ. Và Hoàng Cầm lại tỉnh rất nhanh. Giấc mơ chưa đi hết Chùa Hương, lại tỉnh rồi. Tỉnh thì đau. Tỉnh thì thương. Tỉnh thì nhớ. Tỉnh thì thất vọng. Tỉnh thì khóc. Tỉnh thì buồn bã quá. Lại mơ. Hoàng Cầm cứ sống trong cõi mơ, cõi tỉnh bồng bênh ấy trong cả kiếp sống của mình, gần trọn thế kỷ XX lửa cháy, và gửi lại thế gian Một Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.      

  Nhà thơ thấu thị, nhìn xuống đáy sâu mờ mịt của địa tầng đất đá, nghe và thấu được sự sống của những linh hồn chết và bật lên tiếng khóc của tâm linh.   

     Tiếng khóc da diết thông hai cõi Âm- Dương ấy là Chùa Hương. Tiếng khóc tràn sang người đọc qua tiếng gọi thảng thốt: “Em đâu rồi?- Vãn hội chùa hương”

     Đọc Chùa Hương ta mới hiểu thế nào là một “Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”.      

   Chiếm lĩnh được không gian hư vô, làm cho hư vô  sống dậy huyền diệu, đó là sức sống diệu kỳ trong thế giới tâm linh của Hoàng Cầm, để tạo thành một cõi thơ riêng tràn Ánh sáng tâm linh. Đúng như Hoàng Cầm từng nói “Thơ tôi là thăm thẳm tâm linh”.  

... CÒN NỮA



VVM.11.04.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .