T hời gian gần đây, nổi bật trên các phương tiện truyền thông : một Tu Sĩ tự do : Sư Minh Tuệ, mặc y phấn tảo, đi chân đất, ôm ruột nồi cơm điện, đi bộ, ngủ ngồi, và chỉ ngủ ở nghĩa địa hay nhà hoang. Khất Thực để ăn, ngày một bữa. Hai tuần mới tắm một lần. Đang ăn mà có việc gì phải đứng lên thì cả ngày đó không được ăn trở lại do các youtubers đưa lên làm xôn xao dư luận cả nước. Sư cho biết mình tu theo Hạnh Đầu Đà, là một Hạnh có từ khi Phật chưa lập Đạo. Ngay từ thời Phật tại thế cũng không còn có ai hành Hạnh này, ngoại trừ Ngài Ca Diếp. Đức Thích Ca có khuyên Ngài bỏ đi, nhưng vì Ngài đã quen nên cứ tiếp tục cũng không ảnh hưởng gì đến việc tu tập, vì nó chỉ gò bó người hành Hạnh này mà thôi.
Sư Minh Tuệ đã đi bộ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc ngược về đã 6 năm qua, nhưng không ai chú ý. Kể từ ngày rộ lên phong trào câu views, câu likes của các youtoubers thì Sư đi đâu họ dí theo để quay rồi tải lên mạng làm không chỉ người dân quan tâm mà kéo theo một số người cũng bắt chước, cạo đầu, mặc y phấn tảo, cũng ôm ruột nồi cơm điện nối gót theo. Đầu tiên chỉ có vài người, rồi 20 người và có lần con số lên đến 70 người, cộng với quần chúng hiếu kỳ. Sư đi tới đâu là họ đứng dàn hàng hai bên đường để chào đón, để cúng dường, làm rối loạn trật tự, nên nhiều địa phương mà Sư tới phải cho người theo để giữ trật tự.
Sự xuất hiện của một người tu không nhận tiền bạc, không tích trử bất cứ gì, chỉ xin ăn 1 bữa cơm đủ dùng trong ngày, đi chân đất, mặc Y may bằng vải vụn đi lượm, nhiều màu ráp nối làm nhiều người so sánh với nhiều Trụ Trì béo tốt, đã có Chùa mênh mông, rất đông đệ tử mà lúc nào lên giảng pháp cũng gợi ý cúng dường, làm cho Phật Tử thấy như mình bị lợi dụng. Chính vì vậy, từ khi Sư Minh Tuệ xuất hiện Phật Tử không thiết đến Chùa cúng bái, làm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng nao núng. Họ ra công văn để mọi người biết là người xưng Thích Minh Tuệ không phải là Tu Sĩ của Giáo Hội, cũng. không xuât thân từ tự viện nào.Một số Sư cũng lên tiếng chê bai, chỉ trích. Nhưng xem ra dư luận bất chấp. Họ rầm rộ ca ngợi, ủng hộ. Sư đi đến đâu thì dân chúng xếp hàng dài hai bên đường để chào đón ! Nhiều phái đoàn Sư quốc tế cũng qua Việt Nam để đảnh lễ. Có người đánh tiếng mời Sư qua thăm Ấn Độ, hứa lo hết từ vé máy bay thủ tục cho cả hành trình.
Chính quyền cũng đã làm đủ cách : Giải tán đám đông, tách những người bắt chước xuống tóc, may y Phấn tảo, ôm ruột nồi cơm điện đi theo. Chờ trời tối buộc họ lên xe rồi chở họ đi nơi khác. Biện pháp cuối cùng là làm thủ tục cho Sư và một số người bộ hành đi Ấn Độ theo nguyện vọng của Sư là muốn viếng đất Phật. Chính quyền cho người làm giấy tờ và xin phép các nước Đoàn phải đi ngang qua. Đồng thời trong Đoàn có Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, nguyên Thượng Tá, Giảng viên khoa Tâm Lý Học, Đại Học An Ninh đã về hưu. Người kia là Lê Khả Giáp, một người đã từng đi bộ qua 13 quốc gia, trong đó có chuyến đi bộ đến Ấn Độ, theo hộ tống. Nhiều người hoang mang, không biết những vị đó do nhà nước cử, hay tự nguyện mà tháp tùng, và không biết là họ theo hộ tống hay áp tải để Sư Minh Tuệ đi ra nước ngoài cho khuất mắt, vì thời gian qua, từ lúc Sư Minh Tuệ xuất hiện thì các Chùa chiền thất thu quá nhiều. Chùa nào Chùa nấy vắng tanh !
Lúc đầu thì nghe nói Sư Minh Tuệ mong muốn được ẩn tu trên núi Himalaya, trong khi đó, một đoạn clip khác có người nêu câu hỏi Sư có đi ẩn tu không ? thì Sư Minh Tuệ trả lời là Sư còn 3nguyện vọng .
1/- Khất thực tại 156 hộ dân ở Thôn 6.
2/- Hành hương qua ba Tỉnh Miền Tây Nam Bộ mà Sư chưa từng đến.
3/- Trở về quê hương là Kỳ An, Hà Tĩnh. Nhưng nếu rủi có chết dọc đường thì đó là số mạng.
Đoàn đã đi bộ theo đường biên giới. Đến đâu cũng được người địa phương tiếp đón nồng nhiệt. Đến Lào thì Sư Lào mặc Y vàng đứng dọc theo hai bên đường để tiếp đón Sư Minh Tuệ càng làm cho mọi người đánh giá Giáo Hội Phật Giáo của ta vì đã kỳ thị Sư. Một số người Lào xếp hàng quỳ gối hai bên đường khi Sư đi qua. Họ mang hoa, thức ăn, nước để cúng dường cho đoàn. Theo lời Ts Báu thì trước khi đến đâu họ đều có tìm hiểu về phong tục địa phương để dễ dàng hòa nhập, không làm mất lòng người ái mộ. Thường thì họ tìm lối đi trong rừng, xa lánh nơi đông dân cư để tránh đám đông tụ tập gây chú ý.
Hai người tháp tùng Sư Minh Tuệ đều lập kênh Youtube và Tiktoc để truyền tải mọi hoạt động của chuyến đi. Vì thế Đoàn đi tới đâu thì người dân vùng đó cũng đã biết trước, nên những người ngưỡng mộ đều chuẩn bị sẵn và đứng chờ ở hai bên đường, để cúng dường và để tiễn Sư. Theo phát biểu của anh Báu thì Đoàn không nhận hỗ trợ tiền bạc từ gia đình, cá nhân hay của ai, mà kinh phí do tiền thu từ kênh youtube. Có người tính sơ sơ, với số lượng người ái mộ Sư Minh Tuệ đăng ký theo dõi, thì mỗi kênh này mỗi tuần lễ kiếm không dưới 400 triệu VNđ.
Lộ trình đường bộ từ Việt Nam sang Ấn Độ khoảng hơn 4.000km. Đoàn dự trù sẽ đi khoảng hơn 7 tháng, mỗi ngày đi khoảng 20km. Lịch trình của Đoàn là sau khi qua nước Lào thì sẽ vào Myanmar rồi qua Ấn Độ, tiếp theo là Népal và Bhutan. Tin mới nhất được Ts Báu công bố, thì nguyện vọng của Sư Minh Tuệ là sẽ ẩn tu ở dãy Himalaya. Anh Báu và anh Giáp sẽ đưa đến Ấn Độ rồi làm thủ tục cho Sư đi qua Népal và Bhutan rồi sẽ quay về. Trường hợp sau này Sư muốn quay về thì báo tin anh sẽ đi đón. Hiện nay Đoàn đã tới Thái Lan. Cũng có Sư Thái Lan xép hàng hai bên đường để đón, còn có tin cho hay Hoàng gia Thái Lan đã cử hai Cảnh Sát Hoàng Gia sẽ theo bảo vệ Đoàn trong suốt hành trình trong Nước.
Hiện nay trên thế giới, dù rất đông Tu sĩ, nhưng không còn ai tu theo Hạnh Đầu Đà, nên sự xuất hiện của Sư là một hiện tượng gây chú ý về hình thức tu tập. Không chỉ dư luận trong nước, kể cả một vị Sư có tài đoán trước mọi việc ở Ấn Độ cũng cho Sư Minh Tuệ là Phật Thích Ca hay Thánh Nhân tái thế.
Vậy thì Hạnh Đầu Đà có cần thiết cho người tu Phật hay không ? Không hành Hạnh Đầu Đà thì có thể tu hành thành công hay không ? lý do vì sao ?
Giáo Pháp của Đạo Phật đã trải qua gần 3.000 năm với biết bao nhiêu lớp Pháp Sư giảng dạy. Biết bao nhiêu tài liệu, sách vở đã được phổ biến. Phái nào, Tông nào cũng cho rằng mình mới là Chánh Pháp, là Đốn Giáo, là Hoằng Dương Chánh Pháp làm người thời này muốn tìm hiểu đâm ra hoang mang, không biết nên tin ai. Vì vậy, cách hay nhất là chúng ta quay trở lại với lịch sử hình thành Đạo Phật, xem lại hành trình tu tập của Đức Thích Ca là đúng đắn nhất.
Ai cũng biết lý do Phát Tâm của Đức Thích Ca : Là muốn tìm cách để Thoát những nỗi Khổ chồng chất trên cái Thân. Hành trình tu tập của Ngài có hai giai đoạn :
1/- Giai đoạn đầu là tu theo ngoại đạo đến 6 năm. Trong đó có một thời gian dài, hành Khổ Hạnh đến suýt chết.
2/- Khi Ngài sực nhớ đến phương pháp Thiền Định nên không nhịn đói nữa, mà nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, rồi trải tòa cỏ ngồi Thiền Định dưới cội cây Bồ Đề trong suốt 49 ngày đêm. Cuối đêm thứ 49 thì Ngài “Đắc đạo”.
Qua đó, tất cả mọi người đều biết là Đức Thích Ca không Đắc Đạo nhờ KHỔ HẠNH, mà nhờ vào THIỀN ĐỊNH.
Sau khi Đắc Đạo thì Đức Phật đã đi thuyết Pháp, tức là đi rao giảng về Con Đường Thoát Khổ mà Ngài đã tìm ra, đồng thời thành lập Tăng Đoàn đầu tiên. Nhưng chỉ sau khoảng 100 năm, thì Tăng Đoàn đã chia ra thành hai khối, gọi là ĐẠI THỪA và TIỂU THỪA.
ĐẠI THỪA do Tổ Thứ Tư lãnh đạo, tiếp tục giữ gìn và truyền bá Chánh Pháp, lần lượt truyền nhau được 33 đời Tổ, mà Lục Tổ Huệ Năng là người Trung Quốc là Tổ cuối cùng.
TIỂU THỪA do các Trưởng Lão bất mãn tách ra lập thành. Cả Hai Thừa cùng rao giảng Đạo Phật đến nay.
Sở dĩ phải nhắc đến Hai Thừa, vì mỗi Thừa có cách hiểu về Phật và cách tu hành khác nhau.
Người bên TIỂU THỪA thì cho bên mình mới là PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY, tức là vẫn giữ y những gì Đức Thích Ca đã dạy, không có cải cách, thêm bớt, và cho rằng ĐẠI THỪA đã chế biến, thêm nhiều Phật, Bồ Tát. Họ hoàn toàn không biết gì về việc Truyền Y Bát. Vì thế, T.T. Nhật Từ có lẽ thiếu tham khảo nên cho rằng Đại Thừa lén lút thành lập vì thiếu sự chứng minh của mấy trăm vị A La Hán, trong khi Tổ Ca Diếp là Tổ đầu tiên cũng là Tổ của ĐẠI THỪA. TIỂU THỪA do các Trưởng Lão cầm đầu, mới thành lập về sau, từ đời Tổ Thứ Tư mới bắt đầu.
Sự Chứng đắc của hai bên cũng khác. Bên TIỂU THỪA thì Quả Vị cao nhất là A La Hán. Bên Đại Thừa thì cho là Đức Thích Ca đã Thọ Ký : “Tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”, tức là bất cứ ai, nếu tu hành đúng theo Chánh Pháp cũng đều sẽ Thành Phật như các Vị Phật Quá Khứ đã thành. Và “Thành Phật chỉ là thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ mà thôi, không phải là thành một vị Thần Linh có quyền năng cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” như những người không hiểu ý nghĩa Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới mà Phật độ theo Kinh viết, chỉ là Phật của nội Tâm hành giả cứu độ cho những Chúng Sinh Tham, Sân,Si của chính hành giả, không phải là độ cho thể giới bên ngoài. Vì thế họ cho rằng ai dám mơ ước Thành Phật là Tăng Thượng Mạn !.
Theo Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA thì Phật Tử tức là “Con của Phật”. Con của Phật thì phải thành Phật như cha. Không cớ gì dừng ở Quả Vị A La Hán. Vì thế Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA nói rằng đây là Kinh giảng cho các hàng Thinh Văn, để các vị bước vào địa vị Bồ Tát, hành dụng Độ Sinh để tiến đến Quả Vị Phật.
Kinh viết : Xá Lợi Phất. Nếu đệ tử ta tự cho mình là A La Hán cùng Duyên Giác, mà không nghe, không biết việc của các Đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ tát, người này chẳng phải đệ tử Phật, chẳng phải A La Hán, chẳng phải Duyên Giác.
Lại nữa Xá Lợi Phất ! Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đó tự cho mình đã đặng A La Hán, là thân rốt sau rốt ráo Niết Bàn, bèn chẳng lại quyết chí cầu Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nên biết bọn đó là kẻ Tăng thượng mạn. Vì sao ? Nếu có Tỳ Kheo thiệt chứng quả A La Hán mà không tin pháp này, quyết không có lẽ ấy, trừ sau khi Phật diệt độ, hiện tiền không Phật. Vì sao ? Sau khi Phật diệt độ, những Kinh như thế, người hay thọ trì, đọc tụng hiểu nghĩa rất khó có đặng. Nếu gặp Đức Phật khác, ở trong pháp này bèn đặng hiểu rõ”.
Ý nghĩa đoạn Kinh này là : Người cho mình đã Đắc A La Hán, Duyên Giác, là thân rốt sau, rốt ráo Niết Bàn mà không quyết chí cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì đó là những người Tăng Thượng Mạn, vì đích đến cuối cùng của Đạo Phật là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Quả vị A La Hán, Duyên Giác Kinh thật sự là không thật có, mà chỉ là “hóa thành” cho người lười mỏi nghỉ ngơi, vì sợ họ thấy tu lâu quá mà không đắc được Quả vị nào đâm ra nản lòng. Do đó, người dừng ở quả vị A La Hán và Duyên Giác, cho rằng mình đã Chứng Đắc, là những người không có Trí Huệ, gọi là “Phật đã diệt độ trong họ”. Bao giờ “Gặp Dức Phật khác” tức là Trí Huệ trở lại, thì họ sẽ hiểu rõ là tu Phật không phải để đắc Quả Vị, mà là để Giải Thoát rốt ráo mà thôi.
Giáo Pháp Đại Thừa thì do Chư Tổ là những vị đã Chứng Đắc giảng dạy, nên có thễ diễn giải con đường tu hành từ PHÁT TÂM cho đến những cách thức hành trì, kết quả cuối cùng. Mục đích để giải thích, hướng dẫn cách thức tu hành, cần thiết cho người muốn tu, chỉ rõ lý do vì sao cần tu hành và nên tu ở đâu ? Tu như thế nào ?
Sở dĩ Đạo Phật được mở ra là để chỉ cho con người cách thức để Thoát Khổ, do “Cuộc đời là bể Khổ”. “Có Thân là có Khổ”.
Đạo Phật có Hai Thừa, nên có hai đường lối để hướng dẫn tu hành. TIÊM GIÁO là do Tiểu Thừa hướng dẫn. Bên này không biết đến Cái TÂM, nên cho là cứ từ từ mà tiến tu. Cứ hành những Thiện Pháp, dần dà sẽ sáng tỏ thêm. ĐỐN GIÁO do ĐẠI THỪA hướng dẫn, nhờ Quán, Soi mà biết tất cả lành, dữ, Thiện, Ác, tội, Nghiệp, Luân Hồi hay Giải Thoát cũng do CÁI TÂM. Do dó, muốn tu hành để Thoát Khổ thì phải đi tìm cái TÂM mà giáo hóa, chuyển đổi.
Muốn tu hành cho thành công thì phải có Trí Huệ. TRÍ HUỆ là sự hiểu biết, là ngọn đuốc soi đường để người tu biết cần phải làm gì ? Làm như thế nào ? Chính vì vậy, người muốn tu Phật về sau muốn tu cho thành tựu, thì phải nhờ vào Thiền Định. Đức Thích Ca là người đi trước, đã mất 6 năm tu KHỔ HẠNH mà không đạt kết quả, thì không cớ gì chúng ta lại lập lại cái sai lầm đó cho mất thời gian, vì Vô Thường đâu có đợi ai ?.
Có Quán Sát, Tư Duy mới sinh Trí Huệ. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết : “Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng tư duy thời trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn”.
Trong thời gian Tư Duy thì cần dừng hết mọi hoạt động của cái Thân, ngồi tĩnh lặng để Tư Duy gọi là THIỀN QUÁN. Kết quả là những cái Thấy, hiểu, liên quan đến công việc Tu hành để Giải Thoát.
Nhiều Kinh cũng nói về lợi ích của THIỀN ĐỊNH. BÁT NHÃ TÂM KINH viết : “Tam thế Chư Phật y Bát nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Có nghĩa là Ba Đời Chư Phật đều y theo Trí Huệ qua bờ bên kia mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Kinh VIÊN GIÁC có Kệ :
“BIỆN ÂM ! Ông nên biết
Các Trí Huệ thanh tịnh
Của tất cả Bồ Tát
Đều do Thiền Định sanh
Thiền Định là CHỈ, QUÁN
Và CHỈ, QUÁN song tu”
……
Mười phương các Như Lai
Và Hành giả ba đời
Đều y pháp môn này
Mà thành Đạo Bồ Đề”.
Muốn có Trí Huệ thì phải Tư Duy. Điều quan trọng là chúng ta cần biết là phải Tư Duy những gì?
Tất nhiên không phải Ngồi Thiền rồi suy nghĩ về mây trôi, là rụng, hoa nở, hoa tàn, mà phải tìm hiểu về Đạo Pháp, về con đường cần phải hành trì để đạt kết quả. Rõ ràng là chúng ta chỉ nghe loáng thoáng về Phật, về Đạo Phật. Chưa kịp tìm hiểu cho rõ : Phật là gì ? Thế nào là Đạo Phật ? Đạo Phật dạy những gì ? Muốn đạt được kết quả thì phải làm gì ? Làm như thế nào ? Chúng ta chưa hiểu gì về Đạo Phật mà đã Phát tâm tu hành thì sẽ tu gì ? Hành trì như thế nào ? kết quả về đâu ?
Chúng ta đều nghe nói mục đích cuối cùng của Đạo Phật là Vô Thượng Bồ Đề. Vậy nghĩa của Vô Thượng Bồ Đề là gì ? Đắc cái đó thì được gì ? Giả sử ta muốn đắc thì làm thế nào ? Tìm ai để hướng dẫn ? Kinh thì sẽ đọc Kinh nào trong “Thiên Kinh vạn quyển” ?
Có rất nhiều vấn đề mà người tu Phật cần tìm hiểu cho kỹ trước khi dấn thân vào tu Phật, vì nó đòi hỏi phải dành nhiều thì giờ, công sức, phải hiểu cho đến nơi, đến chốn như lời Lục Tổ Huệ Năng : “Tất cả Sự, Lý phải hiểu đến tận chỗ chơn”.
Người đời muốn làm việc gì còn phải tham khảo để chọn cách tốt nhất, để kiếm thu nhập cao nhất. Việc học cũng vậy. Trường đời mọi người đều chọn môn học, chọn trường tốt để có kết quả tốt nhất, ra trường tìm việc dễ nhất, lương cao nhất. Lẽ nào vào tu học ta lại phó mặc cho may rủi, cho duyên phận ? trừ trường hợp ta vì muốn nhàn thân lại được nhiều người trọng vọng nên chẳng cần quan tâm đến việc tìm hiểu, vì chỉ cần một chỗ để dựa dẫm !
Thời Đức Thích Ca thì do Ngài là người tiên phong nên phải dò dẫm, đi từ Sự để tìm ra cái Lý. Mỗi lần sai lầm là một bài học, rồi sửa sai. Thời nay có biết bao nhiêu Kinh sách của Chư Vị Giác Ngộ để lại, ta có quyền tham khảo để rút ngắn thời gian bằng cách tự đặt câu hỏi rồi tìm câu trả lời trong Kinh, hoặc nhờ vị Thiện Tri Thức mà ta tin tưởng để hướng dẫn.
Ta đã biết Đức Thích Ca và Chư Phật Ba đời đều nhờ Thiền Định mà có Trí Huệ. Vậy ta có từng thắc mắc : Tại sao cùng một thế Ngồi khoanh tay, khoanh chân, mắt khép hờ nhìn xuống đầu mũi mà bao nhiêu thời nay không thấy có ai đắc đạo, nhiều lắm là chỉ xưng Thiền Sư thôi ? Điều gì đã làm ra sự khác biệt khi cùng NGỒI THIỀN mà không đắc đạo như Đức Thích Ca ? Chưa tìm ra mấu chốt của Thiền, thì ta Ngồi Thiền như thế nào ?
Có người dạy đếm hơi thở. Đếm số thì được những con số. Ngồi càng lâu thì đếm càng nhiều, đâu có mở ra sự hiểu biết nào ? Có Người dạy nhìn cái bụng để thấy nó phồng, xẹp khi thở vô thở ra (Thiền Sư Nhất Hạnh) thì khi hết giờ xả ra có hiểu được thêm điều gì ? Có người dạy dứt hết niệm tưởng, thì khác gì ngủ ngồi thì Trí Huệ ở đâu ra ?
Nói rằng tu theo Đạo Phật để được Giải Thoát thì điều gì đã ràng buộc ? Tháo gỡ cách nào ? nhiều người tu không khỏi hoang mang, không biết phải bắt đầu từ đâu ? Nhưng nếu ta đọc Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Bảo Đàn Kinh hay Kinh Viên Giác, Kinh Duy Ma Cật hay Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất thì sẽ thấy mọi thứ được trình bày rõ ràng, không có gì là khó hiểu hết.
PHÁ TƯỚNG LUẬN trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, Tổ ĐẠT MA nêu ra câu hỏi : “Nếu có người dốc lòng cầu đạo thì nên tu theo pháp nào mới là cực kỳ tinh yếu? “.
Đáp : “Chỉ một pháp Quán TÂM thu nhiếp các Pháp mới là cực kỳ tinh yếu”.
Từ đó, ta phối hợp với câu “Tu Phật là Tu Tâm” để đặt tiếp câu hỏi : Vậy thì Tâm là gì ? Ở đâu ? Cứ kiên trì đặt những câu hỏi, rồi tự tìm lời giải đáp, thì đó cũng là hình thức giải Công Án mà nhà Thiền xem là quan trọng. Giải một chữ cũng tự cho là Chứng Đắc !
Đã biết “Tu Phật là Tu Tâm”, thì phải biết Tâm là gì ? Ở đâu ? Cái Tâm có gì mà phải tu ? lần hồi sẽ thấy hình tướng không còn quan trọng vì không dính dáng gì đến việc tu sửa. Có bề ngoài hay không cũng không cần thiết. Trái lại, chính những bộ Y, những hình thức sẽ là trở ngại không nhỏ cho hành giả trên con đường tu tập.
Điển hình là trường hợp Tu Sĩ Minh Tuệ. Không ai có thể chối cãi rằng Sư là người hết sức tinh tấn, quyết tâm dứt bỏ cuộc đời, sẵn sàng hy sinh cả thân mạng, chấp nhận gian khổ để tu hành. Nhưng vì vướng vào hình tướng nên đã gây khó khăn cho Sư không ít trong việc tu hành. Đi đâu, làm gì, cũng bị nhiều người đi theo, làm mất trật tự, chính quyền không giải quyết nổi. Cấm đoán thì cho là đàn áp tôn giáo !
Tuy nhiên sự xuất hiện của Sư cũng có một số lợi lạc : Trước hết là gợi lại cho mọi người hình ảnh bậc Chân tu thời xa xưa. Giữ đúng phẩm hạnh của người tu : 3 Y, một bát. Không cất chứa tài vật. Khất thực để sống. Ngủ ngồi, không ở trong nhà hay Chùa.
Dù không nói pháp, nhưng hình ảnh của Sư tương phản với những vị tuy mang sắc áo Tu Sĩ nhưng Lợi, Danh chưa bỏ, Tâm còn đầy hơn thua. Thấy người khác được hâm mộ thì đố kỵ. Nhiều Sư không biết đức hạnh được bao nhiêu mà dùng khuôn mặt của mình để đúc thành tượng Phật đặt trong Chùa mà có người đã chụp ảnh rồi đưa lên mạng cho mọi người so sánh mặt thật của Sư và của tượng Phật. Đó là Sư Thích Chân Quang, Sư Tuệ Hải. Hình như còn một hai vị nào đó nữa !
Qua sự ngưỡng mộ của bá tánh, gặp Sư là cúi rạp xuống lạy cho ta thấy tai hại của lớp người hướng dẫn thời trước. Họ tự cho người tu là cao quý, bắt Phật Tử phải quỳ lạy ! Dù rằng những vị chân tu là những người có phẩm hạnh, đức độ, cao quý, đáng kính trọng. Nhưng không có gì để nhận sự quỳ lạy của người khác, vì họ tu thì họ nhờ. Kể cả Phật cũng không có quyền năng để ban ơn, giáng phúc cho ai. Tất cả mọi người đều có thể tu hành để được như Phật. Tổ Đạt Ma dạy : “Đừng mang Phật ra mà lạy Phật”. Kinh Duy Ma Cật cũng dạy : “Không kính người tu lâu. Không khinh người mới học”, vì ai tu nấy đắc. Họ có tu thì chỉ bản thân họ nhờ. Không ban ơn gì được cho người khác. Không những thế, chính những sự khúm núm, cúi lạy quá đáng đôi khi còn hại những người tu hành, vì họ sẽ chấp vào những thứ đó để thấy mình cao cả, vĩ đại !
Mục đích tu hành theo Đạo Phật là để được Thoát Khổ. Tùy theo sự thấy biết của hành giả mà dùng phương tiện để đạt kết quả. Nhưng nếu dùng KHỔ HẠNH thì Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN dạy : “Này các Ngài ! Nếu thọ Khổ Hạnh liền đắc đạo đó, thời tất cả súc sinh lẽ ra đều đắc đạo. Do đây nên trước tiên phải điều phục Tâm mình mà chẳng điều phục Thân. Vì thế, trong Kinh ta nói : Chặt đốn rừng chớ chặt đốn cây, vì do nơi rừng sanh kinh sợ, chẳng phải do cây. Muốn điều phục Thân nên phải trước điều phục Tâm. Tâm dụ như rừng, Thân dụ như cây.” (Phẩm Kiều Trần Như).
Kết quả tu hành chậm hay mau là do hành giả sáng suốt hay không. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết : “Giống như người đào giếng nhưng lên gò cao mà đào. Đào hoài vẫn thấy đất còn khô thì biết là nước hãy còn xa. Lần hồi đến đất ướt rồi đến đất bùn người đó biết rằng nước ắt gần”. Mục đích đào đất là để lấy nước, thì nếu là người có hiểu biết thì họ sẽ tìm chỗ trũng mà đào. Không chỉ vậy mà họ còn tìm máy khoan để lấy nước cho nhanh. Người thiếu hiểu biết mới lên gò cao, rồi dùng cuốc tay mà cuốc từng nhát, để rồi phải đào xuyên qua gò mới tới đất phẳng, sau đó mới tìm thấy được nước ! Rỏ ràng do thiếu sáng suốt nên thay vì tìm chỗ thấp, tìm cách đào cho nhanh thì làm ngược lại để rồi nhọc công vô ích ? Kết quả thì cũng như một thí sinh đi thi. Giám khảo chỉ chấm bài nào viết đúng. Đâu có chấm điểm khổ công khi anh dùng đèn đom đóm, đèn dầu để học bài ? Đã biết TU PHẬT LÀ TU TÂM thì sao không TÌM TÂM mà phải đi vòng quanh, hành cái THÂN bắt nó chịu KHỔ một cách vô ích ? Phât đâu có chấm công sức ta bỏ ra thế nào ? Hành hạ cái Thân, bắt nó dãi nắng dầm sương, rồi khi nó mất đi lấy gì hỗ trợ để mà tu hành ? Đã có một tu sĩ đi theo Sư Minh Tuệ mới 3 ngày thì bị sốc nhiệt rồi qua đời, khi chưa biết tu hành sẽ đi đến đâu, liệu có đáng đánh đổi không ? Phật dạy Thân người khó được. Vì vậy mọi người nên giữ gìn nó làm phao để ôm nó mà bơi qua sông Sinh Tử. Một phen mất cái Thân đi rồi biết kiếp sau có tiếp tục có được Thân người và gặp được Chánh Pháp để tu hành hay không ?
Hành hương về Đất Phật là mong mỏi của đa số người tu hành. Ai cũng mong muốn một lần được đặt chân đến nơi Phật đã sinh ra, đã mở mang Đạo Pháp. Nhưng đó cũng chỉ là tìm lại dấu tích xưa mà thôi. Ngay cả Đạo Phật cũng đã không còn thịnh hành tại Ấn Độ. Dấu vết cũng đã bị thời gian phá hủy. Chính những nhà tu hành về sau mới tìm về, dựng lại những ngôi Chùa, trong đó có một ngôi Chùa của người Việt. Nhưng dù không có điều kiện để đến Ấn Độ, chúng ta có thể gặp Phật ở trong Kinh sách, trong những lời Phật để lại. Vì tất cả nguyện vọng, tư tưởng Ngài đã truyền tải trong Kinh. Thể xác là vật chất thì đã hư hoại theo thời gian theo quy luật, nhưng những lời Phật dạy là Chân Lý sẽ tồn tại mãi bất chấp không gian, thời gian. Chúng ta vẫn gặp Phật, sống với Phật trong từng sát na khi chúng ta thực hành lời Phật dạy trong cuộc sống hàng ngày. Điều này theo tôi còn quan trọng hơn là đến Ấn Độ nhìn qua, tưởng niệm rồi về.
Việc đi bộ đến Ấn Độ phải đi ngang qua Myanmar trong lúc ở đó đang có chiến tranh cũng là một hành động mạo hiểm không cần thiết. Nếu mục đích chỉ là viếng Đất Phật và đừng cố chấp thì có thể dùng phương tiện khác vừa nhanh, vừa an toàn. Phật đâu có bắt ta chịu khổ để cầu Đạo ? Nói rằng “Bỏ đời”, hay “xả thân cầu Đạo”, thật ra chỉ là XẢ NHỮNG CÁI CHẤP THÂN, Xả cái VỌNG TÂM mà thôi. Trong Kinh có viết “khoét trên thân ngàn lổ để thắp lên những ngọn đèn” Chỉ là để tả những sự hiểu biết hay Trí Huệ sinh ra từ cái Thân. “Chặt tay”, “khoét thịt” để cúng dường Phật cũng thế. Phật nhận cái tay, hay cục thịt máu me của ta làm gì ? Đó là ý nghĩa của XẢ những cái Tham lam, vơ vét để bồi đắp cho Thân giả tạm không biết đủ mà thôi.
NGỒI THIỀN cũng thế. Mục đích NGỒI THIỀN là để thời gian đó hành giả ngưng lại, không tới lui, không chay theo, không cằm nắm các Pháp để tập trung mà QUÁN SOI, để sinh sự hiểu biết gọi là TRÍ HUỆ. Khi đã biết cách tu rồi thì như người đã qua sông, vác Thuyền theo để làm gì ? Vì lúc đó làm gì cũng làm trong thanh tịnh, gọi là Thiền Vô Tướng. Võ sư đâu có múa may quay cuồng, đánh dấm loạn xạ, mà VÔ CHIÊU mới là chiêu thức cao nhất. THIỀN VÔ TƯỚNG mới là NHƯ LAI THIỀN.
Chính vì vậy Kinh dạy phải Y NGHĨA, đừng Y NGỮ.
Việc Sư Minh Tuệ muốn vô núi Himalaya để ẩn tu là ảnh hưởng của Tiểu Thừa hay Thông Thiên Học, vì bên này có đề cập đến những Chân Sư vẫn đang ấn tu trong Núi Tuyết, có thật hay hư cấu thì không thì không ai biết. Theo tôi, điều đó lợi bất cập hại. Ngôn ngữ Sư không biết. Ở đó lạnh, nóng thế nào cũng chưa rõ. Có người ở hay không cũng hoàn toàn không biết thì lấy gì để sống ? Hơn nữa, nghĩa đúng của ẨN TU là tu mà không để ai biết là mình đang tu. Vậy thì cần gì đi đâu ? Chỉ cần loại bỏ hình tướng, sắc phục. Ăn mặc, làm việc như một người bình thường, hòa đồng với mọi người và đừng khoe với mọi người là mình đang tu, gọi là TU VÔ TƯỚNG thì ai biết ? Những con tắc kè hay những con sâu muốn ẩn thân chỉ việc đổi sắc da của nó theo màu sắc chung quanh thì không ai nhận ra. Người tu cũng thế. Ta sửa nơi CÁI TÂM của ta, thì ngay cả người thân trong gia đình, nếu ta không tiết lộ có khi họ còn không biết. Người ngoài làm sao biết ? cần gì phải lên núi lên non để ẩn tu ? .
Nhiều người đã quan trọng hóa việc tu hành, nhất định phải vô Chùa, phải đầy đủ hình tướng mới là tu. Không ngờ việc tu hành chỉ là sửa những tính xấu, học những điều Thiện và tiếp tục làm tròn bổn phận của một con người.
Tích xưa có kể. Có một anh chàng phải phụng dưỡng mẹ già nhưng rất muốn đi tu theo Phật. Anh ta đến gặp Phật để xin Xuất Gia. Phật bảo là Phật không nhận, hãy trở về tìm một vị Phật khác để học với Phật đó.
Anh ta hỏi : Làm cách nào để nhận ra vị Phật đó ?
Phật bảo : Khi nào anh gặp một người mang dép ngược thì đó là vị Phật. Hãy tu học với vị đó.
Phật không nhận nên anh ta đành quay về.
Về đến nhà thì trời đã tối. Bà mẹ đang ở nhà sốt ruột chờ anh. Nghe tiếng con kêu cửa, bà mừng quá, vội vã xỏ dép để chạy ra mở cửa. Do quýnh quáng nên xỏ lộn dép của chân phải qua chân trái. Anh chàng nhìn thấy biết ý Phật muốn anh ở nhà phụng dưỡng mẹ già nên bỏ ý định xuất gia.
Ông bà ta cũng nói : “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”.
Lục Tổ cũng dạy :
Phật Pháp tại thế gian.
Bất ly thế gian giác.
Ly thế mịch Bồ Đề.
Cáp như cầm thố giác”.
Bởi việc tu hành được Phật dùng rất nhiều phương tiện để dẫn dụ, nhưng cuối cùng chỉ là để người chịu tu sửa sẽ được hết Khổ, được hạnh phúc trong kiếp sống giữa trần gian, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn, hay còn gọi là LẤY ĐƯỢC VIÊN NHƯ Ý BẢO CHÂU mà thôi. Chẳng phải là để thành ông Thánh hay ông Phật nào hết.
Kinh VIÊN GIÁC có Kệ :
NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT
CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI
CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC
CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHÂT.
Tổ Đạt Ma cũng dạy :
Bao giờ học Tâm thôi.
Viên thành tướng chân thật
Chợt rõ bỏ ý tu”.
Vì sau những hành trì gian khổ, nào là giữ Giới, hành theo Bát Chánh Đạo, Quán sát, tư duy, Thiền Định, Điều phục cái Tâm, Thấy Tánh…tưởng như sẽ trở thành một vị Phật, hay ít ra cũng là một Thánh Tăng cao quý. Trái lại, khi hoàn thành rồi thì người tu phải ĐỀN TỨ TRỌNG ÂN, tức là phụng dưỡng cha mẹ, làm tròn trách nhiệm một người con trong gia đình. Ngoài xã hội là một công dân tốt, đóng góp sức, tài xây dựng cuộc đời để đền ân Đất Nước, Ân Phật, Ân Thầy, Ân Chúng Sinh. Với Đạo Pháp thì mồi ngọn Vô Tận Đăng.
Không đi thì không đến. Không tu thì không thành. Nhưng Tu Phật là để được Giải Thoát. Quả Vị mà phật bày ra chỉ là phương tiện để người tu có động cơ mà hành trì, mà Xả những cái xấu, cái Ác đã ôm giữ từ vô lượng đời. Hành trình tu hành chỉ là Sửa Cái Tâm của mình, CÁI ÁC, HÀNH THIỆN, để trở thành một con người với Nhân Thừa, đạo nghĩa bình thường, nên gọi là “Tu vô tu, Chứng vô chứng”, hay “đắc cái vô sở đắc” , bởi còn “sở đắc” là còn Ngã Chấp, tức là còn ở “bờ bên này” vậy.