a. Bằng cách sử dụng từ láy, Nguyễn Du đã làm cho sự vật mang màu sắc của cái cá biệt, đồng thời dựng được những bức tranh thiên nhiên sinh động, góp phần đắc lực vào việc thể hiện các trạng thái đời sống nội tâm nhân vật.
Từ láy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc tả cảnh, tả tình, nó cũng tham gia đắc lực vào việc khắc hoạ hình tượng nhân vật. Và khi ấ y , Nguyễn Du sử dụng từ láy bao giờ cũng chịu sự chi phối của nội dung hình tượng, nên mỗi từ đều được ông dùng đúng lúc, đúng cảnh, đúng người.
Khi xây dựng Kiều với tư cách là hình tượng cảm nghĩ, Nguyễn Du đã dùng nhiều từ láy miêu tả trạng thái tâm lý, đó cũng là do quan niệm nghệ thuật về con người của ông. Qua hệ thống từ láy, Nguyễn Du đã mô tả Thúy Kiều là hiện thân của kiếp người tài hoa bạc mệnh. Người kể chuyện trong Truyện Kiều mang một dáng dấp, một tầm vóc mới, thể hiện ở chỗ người kể chuyện tham gia vào câu chuyện, đánh giá, mách bảo cho bạn đọc về tâm lý, tính cách của từng nhân vật.
Truyện Kiều được viết ra với nỗi đau đớn của kẻ có tài bị cuộc đời xô đẩy, thậm chí bị đày đọa, nên tràn đầy xúc cảm, khi đau đớn xót thương, khi căm phẫn giận dữ. Người kể chuyện ở đây không khách quan đến lạnh lùng như một số tác giả truyện Nôm… Một khía cạnh quan trọng trong nội dung tư tưởng Truyện Kiều là nhận xét và đánh giá hiện thực, thể hiện ở khuynh hướng gia tăng vai trò cá nhân nhà thơ trong tác phẩm. Giáo sư Phan Ngọc đã nêu một nhận xét: “Đối với Nguyễn Du bản thân sự việc không có giá trị. Giá trị nghệ thuật là ở cách đánh giá sự việc”.
Kim Vân Kiều Truyện là một quyển tiểu thuyết chương hồi thiên về miêu tả các sự kiện, thường chỉ có các biến cố tập trung vào các mâu thuẫn, mô tả các chi tiết... Nguyễn Du đã viết lại thành Truyện Kiều với cái nhìn khác hẳn. Ông chỉ kể lại một cách vắn tắt các hành động đủ để người đọc lĩnh hội được tinh thần câu chuyện bởi Truyện Kiều là một quyển tiểu thuyết bằng thơ mà ở đó tác giả xây dựng hình tượng con người cảm nghĩ. Nguyễn Du kể lướt qua sự việc bằng một lối viết đặc biệt để không bỏ qua những gì cần thiết bằng cách dùng một thứ ngôn ngữ phù hợp. Đối với ông, hành động là một phương diện thể hiện tính chất, tâm lý nhân vật đồng thời cũng là một hình thức trực tiếp của đời sống tâm lý nhân vật.
b. Trong lớp từ láy có những từ miêu tả trạng thái hành động mà ta có thể kể với một vài nhân vật:
Với Thúy Kiều là: rụt rè, ngại ngùng, thoăn thoắt, xăm xăm, ngập ngừng, tần ngần... Với Kim Trọng là: xăm xăm, ngao ngán, ngơ ngẩn, thẫn thờ, rầu rĩ... Với Từ Hải là: nghênh ngang, ngơ ngác, trễ tràng, hờ hững, dạn dày, nhơn nhơn, trơ trơ...
Với Thúc Sinh là: miệt mài, lân la, xăm xăm... Với Hoạn Thư là: thong dong, thảnh thơi, ngẩn ngơ (chút tình), thủng thỉnh, tấp tểnh (mừng thầm)...
Với Tú Bà là: mơn man, nằn nì, gạn gùng, nồng nàn...
Lại có những từ láy có chức năng định danh hành động mà ta có thể kể với một vài nhân vật: Với Thúy Kiều là: căn vặn, kể lể, đày đọa, ngổn ngang, bời bời, âm thầm, đăm đăm, thong dong...
Với Kim Trọng là: vội vàng, tìm tòi, ngắm nghía, đeo đuổi, thiu thiu, xiêu xiêu, lả lơi, rụng rời… Rồi tìm tòi, nhắn nhe...
Với Từ Hải là: vẫy vùng, (nổi giận) đùng đùng...
Với Thúc Sinh là: dan díu, căn vặn, vật vã, sụt sùi, thở than, tầm tã, kể lể…
Với Hoạn Thư là: (nổi giận) đùng đùng, thơn thớt (nói cười), kêu ca, đày đọa, cười cười nói nói ngọt ngào...
Với Tú Bà là: lầm rầm (khấn vái), cầm cập, dặn dò...
c. Xin nhắc lại một nhân vật chỉ được Nguyễn Du đề cập đến rất ít chỉ trong một lần trong truyện nhưng cũng có tới 4 từ láy trong 6 dòng thơ miêu tả trạng thái hành động là Bạc Hạnh. Đó là: sắm sanh, dọn dẹp, linh đình, và (quỳ xuống) vội vàng:
2127. Được lời mụ mới ra đi,
Mách tin họ Bạc tức thì sắm sanh.
2129. Một nhà dọn dẹp linh đình,
Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp nhang.
2131. Bạc sinh quỳ xuống vội vàng,
Quá lời, nguyện hết Thành hoàng Thổ công.
Từ láy sắm sanh đi sau chữ tức thì và từ láy vội vàng cũng đủ cho thấy Bạc Hạnh mừng quýnh khi được tin của Bạc Bà, nó tố cáo cái cẩu thả, dối trá trong hành động của hắn. Rồi 4 động từ liên tiếp trong một câu thơ cũng cho thấy thêm điều đó: quét sân, kê bàn (Đặt trác), rửa bình hoa, thắp hương để làm lễ thành hôn.
2. Ta hãy thử xét với một vài từ láy, trước hết là cùng xem thử từ xăm xăm đã được Nguyễn Du sử dụng như thế nào. Xăm xăm được dùng 4 lần, một lần với Kim Trọng, một lần với Thúc Sinh và 2 lần với Thúy Kiều. Xăm xăm là từ gợi tả dáng đi nhanh và liền một mạch nhằm thẳng tới nơi đã định (Trong Từ điển Truyện Kiều: Hình dung cái tư thái nhắm một chỗ mà một mạch đi đến). Quả thật, khi Kim Trọng nghĩ đến Kiều là một mạch nhắm tới:
0265. Tình riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang.
Còn Thúc Sinh nhân lúc Hoạn Thư về vấn an mẹ cũng vội vàng không kém:
1941. Thừa cơ sinh mới lẻn ra,
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
Với Thúy Kiều lần đầu nàng băng lối vườn khuya sang gặp Kim Trọng trong câu thơ sau đã gây không ít những ý kiến trái ngược trước phụ từ xăm xăm:
0431. Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Người ta cho rằng đây là vấn đề về đạo đức và tình yêu. Nhà nghiên cứu tác giả “Truyện Kiều chú giải”, ông Lê Văn Hoè tuy không nói đến từ xăm xăm nhưng giải thích chữ băng là đi tới một cách mau lẹ và bình: Táo bạo đến thế thì thôi! Nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng: Gót chân nàng giờ đây vẫn còn có thể làm cho một số người ngơ ngác.
Ta có thể xét thêm ở đoạn trước bước chân Kiều cũng nhanh nhẹn không kém:
0377. Thì trân thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường.
Thoăn thoắt là từ gợi tả cử động của bước chân nhanh nhẹn, nhịp nhàng và liên tục cho thấy Kiều rất mong nhanh được gặp Kim Trọng. Về câu này, ông Lê Văn Hoè cũng tỏ ý mỉa mai khi viết: Hai chữ thoăn thoắt tả cái vẻ mừng rỡ, nhí nhảnh, nhanh nhảu và liều lĩnh.
Kiều còn một lần nữa có bước chân xăm xăm đến gõ cửa Chiêu Ẩn Am, mong tìm nơi nương thân khi trốn khỏi Quan Âm Các:
2037. Xăm xăm gõ mé cửa ngoài,
Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong.
Cả 4 lần từ láy xăm xăm đều đứng ở đầu câu, 3 lần ở đầu câu bát và một lần ở đầu câu lục cho thấy cả 4 lần bước chân của ba nhân vật của chúng ta đều có phần quyết liệt vội vàng.
3. Và đây là từ vội vàng. Từ, tự bản thân không có chuyện hay, dở mà cái hay hay dở của từ được xác định chủ yếu trên một nền cú pháp nhất định.
Ta hãy xét trường hợp sau khi Kim Trọng đề nghị được nghe đàn và được Kiều chấp nhận “Đã lòng dạy đến dạy thì phải vâng” là cảnh:
0467. Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.
Ở đây từ láy “vội vàng” và cấu trúc ngữ pháp câu thơ cho phép Nguyễn Du lược bỏ việc kể lại chuyện Kim Trọng đi lấy đàn như thế nào. Như vậy với một hiện tượng ngôn từ ít ỏi chỉ qua một từ láy mà câu thơ đưa lại được một lượng tin lớn. Với vị trí đảo của từ láy vội vàng này, tác giả vừa nhấn mạnh được động tác vừa khắc họa được đặc điểm tính cách nhân vật của mình.
Cũng từ láy vội vàng được dùng ở đầu câu bát như trên ta còn thấy Nguyễn Du dùng cho Thúc Sinh trong trận đòn ghen của Hoạn Thư khi Hoạn thét mắng Thúy Kiều:
1863. Sinh càng thảm thiết bồi hồi,
Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua.
Thúy Kiều tưởng đã tránh được nạn ở Chiêu Ẩn Am, nhưng lúc bị phát hiện, nàng phải thú thật việc đã lấy trộm chuông vàng khánh bạc ở Quan Âm Các. Nghe Giác Duyên nói có thể lánh sang nhà họ Bạc thì nàng đã:
2085. Những mừng được chốn an thân.
Vội vàng nào kịp tính gần tính xa…
Từ láy vội vàng được sử dụng 17 lần nhưng lần nào cũng được đặt đúng vị trí trong văn cảnh của từng câu, nay chúng tôi xin liệt kê thêm sau đây:
+ Ngoài 3 trường hợp trên vội vàng đứng ở đầu câu bát còn có 2 lần ở cuối câu bát:
2145. Kiệu hoa đặt trước thềm hoa,
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng.
0883. Khi về bỏ vắng trong nhà,
Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng.
+ Còn 3 lần nữa đều ở vị trí vần ứng của câu bát:
0867. Lầu mai vừa rúc còi sương,
Mã sinh giục giã vội vàng ra đi.
2771. Đánh liều lên tiếng ngoài tường,
Chàng Vương nghe tiếng vội vàng chạy ra.
2297. Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng,
Dưới cờ một lệnh vội vàng ruổi sao.
+ Với câu lục là 4 lần ở đầu câu như đã nêu ở mục trước còn 5 lần ở cuối câu như:
0563. Buộc yên quẩy gánh vội vàng,
Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai.
2131. Bạc sinh quỳ xuống vội vàng,
Quá lời, nguyện hết Thành hoàng Thổ công.
2501. Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng,
Hẹn kỳ thúc giáp, quyết đường giải binh.
2637. Thổ quan theo vớt vội vàng,
Thì đà đắm ngọc chìm hương mất rồi.
2951. Sắm sanh xe ngựa vội vàng,
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan.
Như vậy cả 17 từ láy vội vàng trên đều ở đúng vị trí của mình không thay thế được.