Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


NƠI BẮT ĐẦU của XUÂN DI LẶC

  


C ó lẽ nhiều người vẫn chưa quên con số hơn 6.000 người đã nhập viện trong mấy ngày Tết vừa qua vì đánh nhau. Ngày cao nhất là 900 người! Một hiện tượng khủng khiếp lần đầu tiên xảy ra trên một đất nước được mệnh danh là hiền hòa, yêu hòa bình, và nơi diễn ra nhiều nhất là miền Nam, ở các vùng Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, nơi mà người dân đa phần là nông dân chất phác, cho ta thấy tác hại của rượu đã nguy hiểm tới mức báo động! Người bình thường lúc nóng lên đã khó mà kiềm chế, nếu cộng thêm ảnh hưởng của rượu thì vô phương cứu chữa, vì lúc đó cái nắm quyền điều khiển toàn bộ, từ thần kinh đến thể xác của con người là rượu! Chính vì vậy mà Đạo Phật đã thấy xa, nên đưa rượu vào Ngũ Giới Cấm mà Phật Tử nào khi Quy Y cũng phải chấp nhận giữ gìn. Đó là: Sát, Đạo, Dâm, Vọng Ngữ, Tửu.

Với số người nhập viện như thế thì tiền bạc, thuốc men, sức khỏe bị tổn thất biết là bao nhiêu. Một số còn chấn thương sọ não không biết sau đó thì có hồi phục được hay không, cuộc sống gia đình họ sau đó sẽ như thế nào? Chắc chắn có rất nhiều người sau đó hối hận cũng đã muộn, vì ngồi chung bàn nhậu không thể nào là những người xa lạ hay mới quen, mà là anh em trong gia đình ruột thịt với nhau, hoặc đồng nghiệp, bè bạn thân tình, láng giềng thân thiết, hai bên suôi gia... Nhưng sau độ nhậu rồi thì tan nát hết. Tình thân, tình bạn, tình láng giềng không còn nữa, mà hệ lụy kéo dài rất lâu sau đó, vì người đi bệnh viện, kẻ lại vào tù, bỏ lại vợ dại, con thơ nheo nhóc... Rồi thì đâu phải chỉ riêng bản thân hay gia đình người nhậu mới bị hậu quả. Những người say rồi điều khiển các phương tiện giao thông đã gây biết bao nhiêu tai họa cho nhiều gia đình vô tội khác, mà vào những ngày Tết năm nào, tai nạn giao thông cũng tăng lên phần lớn cũng do đó!

Nước ta thì sữa cần cho trẻ con thì mắc, thuốc để trị bệnh cũng mắc, mà rượu lại rất rẻ. Lại không quy định nơi chốn, giờ giấc nên mọi người có thể uống bất cứ ở đâu, bất cứ giờ nào, rất thuận tiện cho mấy tay bợm dễ dàng gầy độ. Vui thì uống để mừng. Buồn thì uống cho quên sầu! Không vui, không buồn thì lai rai tiêu khiển. Ngày Tết rảnh rỗi lại càng xả láng. Tới nhà ai cũng sẵn rượu thịt. “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Gặp nhau mà thiếu rượu thì câu chuyện trở thành nhạt nhẽo... Liệu đó có phải là tình trạng đáng báo động không, nhưng chắc chắn không phải là điều bình thường và cũng không nên để cho tiếp tục. Nhưng ngăn chặn cách nào khi nó đã thành nếp? Chờ mọi người tự ý thức để bảo vệ lấy mình và gia đình thì chắc cần một thời gian với cả một kế sách vận động, tuyên truyền e không phải một sớm một chiều mà thành công, vì đã trở thành thói quen khó bỏ của dân ta mà hàng ngày đi ngang mấy quán nhậu ta thấy xe cộ xếp lớp lớp thì biết rằng nhậu đã trở thành nếp sinh hoạt của nhiều người rồi. Và cũng không biết từ bao giờ mà nhiều người tạo ra cái thói quen khi muốn bàn luận, thương thảo hay ký hợp đồng đều phải đến quán nhậu. Người không biết uống rượu mà muốn làm ăn cũng phải tập, thậm chí có cơ quan phải cử một nhân viên chuyên đi nhậu thay cho sếp, trách sao hợp đồng phải đội giá lên trời, cuối cùng là người dân lãnh đủ, ráng còng lưng mà trả nợ. Đời mình không hết thì đời con, đời cháu lại tiếp tục! Người dân Việt Nam thuộc thành phần có thu nhập không cao so với mặt bằng thế giới, còn đang nợ đầm đìa, vậy mà theo báo cáo của Hiệp Hội Bia Rượu Nước Giải khát, trong năm 2015 người Việt đã uống 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu, quy ra tiền thì hơn 66.000 tỷ đồng, so với ngành văn hóa thu được 2.000 tỷ! Nhưng thiệt hại không dừng ở thế hệ đương thời. Những đứa con được hoài thai trong men rượu của người cha sẽ là những đứa trẻ kém trí tuệ. Đó là điều các bậc nam nhi cần suy nghĩ nếu không muốn tương lai đất nước ta ngày càng suy yếu đi. Làm sao sản sinh được những nhân tài cho đất nước khi thế hệ cha anh chìm trong men rượu? Rồi thì Việt Nam đứng chót ở nhiều hạng mục, nhưng lại đứng đầu về tai nạn giao thông trong Khu Vực Đông Nam Á đa phần cũng do rượu! Có lẽ người có chút suy nghĩ không khỏi đau lòng. Nhưng vực dậy cách nào đây!

Cuộc sống đã rối ren như vậy nên ta mới thấy giá trị và sự cần thiết của các Tôn Giáo. Ở nơi nào có nhiều gia đình sinh hoạt theo các tôn giáo chân chính thì cũng ít xảy ra tệ nạn hơn, bởi con người được sự hướng dẫn để phân biệt thiện, ác và biết yêu thương, tôn trọng nhau hơn. Như thế, Tôn Giáo đã trở thành rào chắn kiên cố để bảo vệ cho con người, giúp con người giữ được chuẩn mực cho cuộc sống đạo đức. Ở một gia đình ngoan đạo thì ít có tệ nạn rượu chè, cờ bạc, vợ bé vợ mọn làm tan nát gia đình. Nhờ tin vào Chúa, vào Phật, tin vào sự thưởng phạt của kiếp sau mà con người trở nên thánh thiện hơn, cũng như nhờ ý thức Nhân Quả, người Phật Tử sẽ không xâm phạm của người khác, nhờ vậy mà gia đình và những người chung quanh họ cũng được bình an, xã hội cũng đỡ chi phí cho việc giữ gìn an ninh, trật tự.

Hằng năm, người Thiên Chúa Giáo đều mừng lễ Giáng Sinh, mọi người đều mong cầu Chúa Hài Đồng giáng trần sẽ mang lại hòa bình, hạnh phúc đến cho toàn thể nhân loại. Người Phật Tử cũng không khác. Ngoài lễ Phật Đản, lễ mừng ngày Đức Thích Ca thành đạo, họ còn kỳ vọng vào sự giáng thế của Đức Di Lặc, mà theo huyền ký là vào thời kỳ cuối của năm thứ 3.000. Thời kỳ đó gọi là Hội Long Hoa sẽ diễn ra, và Đức Di Lặc sẽ giáng trần để trị vì thế giới, nên không chỉ tín đồ của Đạo Phật, mà của một số Giáo Phái khác cũng có niềm tin tương tự. Tất cả đều hướng về, đều tin tưởng ngày đó sẽ xảy ra, vì đã là con người, dù sang hay hèn, giàu hay nghèo, ai lại không muốn được sống trong hòa bình, hạnh phúc, an vui? Trần gian đã quá nhiều đau khổ, biến động. Có một thánh nhân xuất hiện để ổn định trật tự cho cả thế giới ai lại chẳng mừng. Thế nhưng sự thật theo đúng Chính Kinh thì điều đó sẽ diễn ra như thế nào? Có lẽ chúng ta cần làm một việc là tìm xem sự khác biệt giữa hiểu lời Phật dạy theo NGỮ và NGHĨA mà trong TỨ Y đã dặn dò “Y NGHĨA BẤT Y NGỮ”.

Chúng ta biết rằng sở dĩ mọi người đều mong chờ, hy vọng, đặt hết niềm tin vào PHẬT, BỒ TÁT là vì họ thấy Kinh viết là PHẬT sẽ cứu độ cho “Tam Thiên Đại Thiên thế giới”. Họ hoàn toàn không biết rằng có một sự khác biệt giữa NGỮ và NGHĨA đối với những lời của Phật dạy mà nếu người tu Phật chưa phân rõ thì không thể nào tu hành thành công được.

Thật vậy. Điểm quan trọng nhất bắt đầu bằng sự hiểu biết về PHẬT, bởi vì khi hiểu không đúng từ này sẽ kéo theo đó hàng loạt sai lầm đưa đến kết quả hoàn toàn khác với Đạo Phật chân chính xuất phát từ Đức Thích Ca.

Cũng do hiểu sai về PHẬT nên sinh ra sự khác biệt về cách Tin Phật mà hình thành hai hạng người trong Kinh gọi là NHẤT THỪA và NHỊ THỪA. Phân tích ra ta thấy như sau:

Người NHỊ THỪA là người tin rằng Phật là Thần Linh, có quyền năng như Thượng Đế tối cao, cầm nắm sinh mạng của tất cả. Có toàn quyền ban ân, giáng phúc cho mọi người. Tất cả đều là Chúng Sinh của Ngài. Do đó, ai cần gì thì cứ lễ vật, hương khói Cầu Xin thì sẽ được chấp nhận. Lúc sống thì Cầu An, xin đổi xấu, lấy tốt, xin ban cho phúc lộc, tiêu tai, tăng ích. Lúc chết thì Cầu Siêu, Chư Sư sẽ tụng Kinh siêu độ để người chết được Thánh Chúng rước về Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. Thậm chí có người đang sống cũng bỏ hết công việc, nhất tâm hướng về Tây Phương Cực Lạc.

Người NHẤT THỪA thì tin theo đúng những gì được Chư Vị Giác Ngộ giải thích trong Kinh. Họ tin rằng Phật chỉ là tình trạng, là khả năng Giải Thoát mà mỗi người đều có và đều có thể làm được cho mình. Đức Thích Ca đã hoàn thành cho Ngài nên Ngài được gọi là Phật Thích Ca. Chư Vị Giác Ngộ và người tu bất cứ thời nào cũng có thể làm được cho mình. Chính vì vậy mà Đạo Phật gọi là có TAM THẾ PHẬT. Đó là PHẬT QUÁ KHỨ, PHẬT HIỆN TẠI và PHẬT VỊ LAI. Bồ Tát, Chúng Sinh đều là những trạng thái tư tưởng của mỗi người. Phật, Bồ Tát không phải là Thần Linh có quyền phù hộ cho ai mà mỗi người phải tự hành trì để đạt được nên gọi là TỰ ĐỘ.

Cách thức tu hành được giải thích chi tiết như sau: Trong Tâm của mỗi người có cả tốt lẫn xấu gọi là PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ. Tư tưởng tốt đẹp, thánh thiện, không còn khởi những cái xấu, những điều ác thì gọi là PHẬT, BỒ TÁT. Tư tưởng còn đắm nhiễm, đam mê những thứ tiền tài, danh vọng, vật chất, cứ muốn thỏa mãn mọi thứ cho vừa ý gọi là CHÚNG SINH. Phật, Bồ Tát trong mỗi người có nhiệm vụ phải cứu những Chúng Sinh của mình, đưa nó về nơi an ổn, hết lao xao, phiền não. Do vậy, việc mà mỗi người tu cần phải làm, là Điều Phục những Chúng Sinh, cho tất cả đều được Giải Thoát. Kết quả Giải Thoát gọi là Thành Phật.

Nhiều người vẫn không tin rằng trong Tâm mình tự có PHẬT, và PHẬT của mình sẽ cứu độ cho mình, vì họ cho rằng Phật là Thần Linh, do thấy Kinh viết là Phật cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Họ không biết rằng do cách đây đã gần 3.000 năm, ngôn ngữ chưa đủ phong phú để diễn tả, thì làm sao nói được chuyện diễn ra bên trong, làm sao diễn tả được tư tưởng của con người? Chính vì vậy mà Đức Thích Ca phải tả một cảnh giới khác mà ai có đọc Kinh Diệu Pháp Liên Hoa sẽ thấy Ngài diễn tả một nơi mà “mặt trời mặt trăng không soi tới được”. Vì thế, “Tam thiên đại thiên thế giới” chỉ để nói về những tư tưởng thuộc Ba chủng loại THAM, SÂN, SI cứ “trùng trùng duyên khởi” trong mỗi chúng ta khi đối pháp. PHẬT, BỒ TÁT của mỗi người có nhiệm vụ cứu độ cho Ba món THAM, SÂN, SI gọi là Tam Thiên Đại Thiên thế giới của chính mình, đưa nó về nơi an ổn, gọi là Phật Quốc - cũng chính ở nơi Tâm của mỗi người mà thôi - Chính vì vậy mà Đạo Phật gọi là Đạo TỰ ĐỘ. Nếu Phật ngoài mà độ được cho người khác thì Đạo Phật phải gọi là Đạo Độ Tha mới đúng.

Việc quay vô Tâm để Tự Độ mới có thể phù hợp với câu Kinh: “Ta đã diệt độ vô lượng vô số Chúng Sinh, nhưng thật ra không có Chúng Sinh nào được diệt độ cả”, vì Chúng Sinh không phải là con người hay sinh vật có thật, chỉ là tư tưởng của Phật hay của người tu mà thôi. Và vì đó chính là sản phẩm của mỗi người, nên Đức Thích Ca đã diệt độ hết Chúng Sinh của Ngài và Ngài đã Thành Phật. Chúng ta không phải là Chúng Sinh của Ngài, nên vẫn còn phải luân lưu phiền não nơi đây. Một bằng chứng cụ thể là Phật không có cứu độ cho thế giới hay cho hoàn cảnh nào bên ngoài rõ rệt nhất cho ta thấy là 2 trận động đất nặng nề trong năm vừa qua đã diễn ra ngay tại Népal là nơi Đức Thích Ca đã đản sinh, làm chết gần 9.000 người, làm sụp đổ bao nhiêu Tháp Cổ, nhà cửa khiến người dân ở đó điêu đứng. Ngay sát cạnh Népal, có ngôi làng Hokse nổi tiếng, mệnh danh là “ngôi làng bán thận”, vì hầu hết những người khỏe mạnh trong làng chỉ còn 1 quả thận. Họ phải bán đi một quả với giá rẻ mạt để lấy tiền xây nhà! Ấn Độ còn được gọi là “cường quốc người nghèo số 1 thế giới” với 1USD mỗi ngày, tương đương 10.000 VNĐ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong cao nhất thế giới. Nếu Phật đã linh thiêng thì Ngài phải phù hộ cho dân bản xứ của Ngài mới đúng. Nước Ngài mà ngài không quan tâm, lo đi phù hộ cho dân xứ nào? Một bằng chứng hùng hồn hơn hết là nếu Phật quyền phép như vậy sao lại để cho chết vì ngộ độc thực phẩm, cuối cùng là trà tỳ? Không cứu được mình mà cho rằng cứu cả tam thiên đại thiên thế giới có phải là vô lý lắm không?

Cho nên, có hiểu thể nào là Phật, thế nào là Chúng Sinh, thế nào là công việc “Độ Sinh”? Nước Phật ở đâu? Chúng ta mới hiểu được thế nào là Phật Quốc được thành lập, cũng như hiểu thế nào là Đức Di Lặc giáng trần. Bởi người tu Phật đâu có làm điều gì lớn lao. Không phải phụng thờ Phật nào. Chỉ cần quay về với cái CHÂN TÂM, là cái Tâm chưa ô nhiễm từ khởi thủy, bằng cách gạn lọc những chất nhơ bẩn đã bám vào đó từ nhiều kiếp trôi lăn. Công việc tu hành chỉ là chuyển hóa Lục Căn, không cho bắt tay với Lục Trần. Gạn lọc những chất nhơ được gọi là BA ĐỘC, tức là THAM, SÂN và SI từ vô lượng kiếp đã bám vào cái Tâm của mình. Chính cái Tham, Sân Si này làm căn bản, nên khi Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý tiếp xúc với Pháp nào bên ngoài thì lập tức Ba Độc theo đó mà dấy lên. Phiền não theo đó mà khởi động. Loại bỏ được BA ĐỘC ra khỏi cái TÂM rồi, thì cái Tâm trở thành thanh tịnh. Lục Căn cũng trở thành Lục Hộ Pháp. Cõi Tâm bây giờ tĩnh lặng, gọi là PHẬT QUỐC được thành lập. Lúc đó gọi là ĐỨC DI LẶC đã hạ sinh và chủ trì cho thế giới đó. Cho nên chúng ta khỏi cần nhìn ra bên ngoài để chờ, mà nên quay vào tự sửa lấy cái tâm của mình để chờ đón Ngài, vì Phật đâu có phải là Thần Linh mà từ trên trời giáng xuống để trừng trị kẻ ác, ban thưởng cho kẻ lành, hay dùng thần thông, phép mầu làm cho những kẻ ác phải sám hối ăn năn? Nếu làm được hẳn mấy ngàn năm nay các Ngài đã làm, đâu có để cho thế giới lầm than, đau khổ lâu đến như thế.

Thử kiểm tra thực tế, ta thấy: Phải chăng có ai đi thi mà không cần học hành, chỉ dựa vào cầu xin? Có ai không làm ăn mà tiền bạc tự chạy vô nhà? Người nghèo muốn vươn lên. Người muốn cai rượu, cai thuốc, cai nghiện... thành công hay không là do ý chí, đâu phải do cầu xin? Đó chính là Nhân Quả mà Đạo Phật đã nhắc nhở chúng ta. Gieo Nhân nào thì gặt Quả đó, không thể do cầu xin mà thay đổi. Đừng nghĩ rằng cúng nhiều thì sẽ được chứng. Kẻ nào khuyến khích điều đó chứng tỏ họ xem Phật, Bồ Tát là những vị Thần Linh, nhưng hạ giá các vị ngang với tà thần, vì nhận của đút lót để giảm án cho người khác. Như vậy còn đâu là luật chí công của chân lý? Cũng vì con người không biết có Luật Nhân Quả, không biết có Sinh Tử Luân hồi nên cuộc sống quá gian ác, bất chấp thủ đoạn hại người để được lợi về phần mình mà Đạo Phật đã ra đời để cảnh báo, cho con người sợ mà Cải Ác, Hành Thiện. Vì thế, những người cho rằng việc cúng kiến, cầu xin có thể đổi xấu, lấy tốt, thay đổi Nhân Quả chính là những người làm cho Phật Pháp biến thành Thế Gian Pháp, mà còn tệ hại hơn, vì làm cho con người tin vào sự chở che của thế lực linh thiêng để không ngưng làm Ác, hại người. Không biết họ có thấy như thế là đi ngược với Đạo Phật chân chính hay không?

Kinh dạy: “Nếu có 100 hay 1.000 vị A La Hán, thì từ vị đầu tiên cho đến vị cuối cùng đều nhân Giới mà được đạo” cho ta thấy tầm quan trọng của Giới. Người đã có Giới thì không những bản thân, gia đình sẽ tốt đẹp mà hoàn cảnh chung quanh cũng an ổn, vì không những không xâm phạm những gì không phải của mình mà ngay cả lời nói cũng phải chân thật, vì nói sai đi là phạm Giới. Tuy nhiên, dù cùng giữ GIỚI, cùng hành BÁT CHÁNH ĐẠO mà theo CHÁNH PHÁP và theo Tà Pháp là hai hướng hoàn toàn trái ngược nhau: Một bên hướng về Phật ngoài. Làm mọi điều tốt, Giữ Giới, hành thiện, ăn chay, niệm Phật để cầu PHẬT ĐỘ cho. Chờ mong Phật bên ngoài sẽ xuất hiện để cứu mình. Một bên hướng nội, biết rằng Phật là tình trạng thanh tịnh, an ổn trong nội tâm, nên chỉ cần làm công việc XẢ BỎ những cái Chấp lầm, những mê đắm vào các tướng hữu vi hư dối, hành trì các pháp mà Đạo Phật hướng dẫn để TỰ ĐỘ lấy bản thân. Không chờ mong sự cứu độ của Phật nào, mà biết rằng Phật quá khứ cũng hành GIỚI ĐỊNH HUỆ, Bát Chánh Đạo, Lục Độ, Vạn Hạnh, Tứ Nhiếp để Tự Độ. Ta cũng sẽ theo cách mà các Ngài, cũng làm những việc như thế để Tự Độ lấy. Không cầu xin, không nương tựa, vì không có ai ban cho ai. Cứ kiên trì mà làm, cho đến lúc cái Tâm được thanh tịnh thì Phật sẽ giáng sinh ở đó. Vì vậy, nơi bắt đầu của Xuân Di Lặc không phải ở trên hư không, hay ở cõi Phật xa xôi diệu vợi nào đó, mà chính là ở nơi cái Tâm của chính mỗi chúng ta. Mọi người không thể cứ tiếp tục sống buông thả, không lo làm ăn, học hành, phấn đấu, cải tà quy chánh mà Đức Di Lặc sẽ giáng trần rồi sắp xếp, ổn định mọi thứ lại cho ta. Trái lại, mọi người, mọi giới đều cần nhìn lại để thấy bao lâu nay mình đã sống xứng đáng chưa? Chỉ cần sống tốt, thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì dù ở cương vị nào, từ kẻ làm con cho đến bậc cha mẹ, hay chỉ là một công dân bình thường, thì gia đình sẽ êm ấm, suy rộng ra thì xã hội, đất nước cũng sẽ bớt nhiễu nhương. Những điều đó ai cũng làm được, đâu cần phải Phật, Thánh nào giáng trần ban cho? Hơn nữa, chẳng lẽ cả mấy ngàn năm qua chúng ta cầu xin mãi không được mà vẫn không nản chí? Vì vậy, theo tôi, nếu không muốn tiếp tục tin trong mê mờ, cứ để cho người khác dắt đi, không cần biết về đâu, thì hãy thực tế hơn, thử nhìn ra thế giới mà xem. Những quốc gia mà con người chịu khó học hỏi khoa học kỹ thuật từ các trường danh tiếng, họ đâu có nhang khói cầu xin ai, chỉ bằng đầu óc của họ, vận dụng những gì đã được học, mà nước họ, bản thân họ vẫn giàu vượt bậc. Rõ ràng họ không cần học Nhân Quả nhưng thực hành đúng Nhân Quả. Trong khi nước ta vàng mã đốt một năm cả 400 tỷ đồng, Chùa chiền ngày một hoành tráng hơn, tượng càng lúc càng to, mà lạc hậu vẫn hoàn lạc hậu! Do vậy, theo tôi, đã đến lúc người Phật Tử nên kiểm tra lại toàn bộ cuộc đời của Đức Thích Ca, con đường tu hành, đắc đạo của Ngài và lịch sử phát triển Đạo Phật để thấy chúng ta đã bị dắt đi quá xa. Phật đã được tôn lên thành Thần Linh, người Phật Tử không còn biết Nhân Quả, không hiểu thế nào là Tự Độ, chỉ biết đặt niềm tin vào sự hộ trì của Phật, nên không lo giữ Giới, Hạnh, không lo cải Ác, hành Thiện, chỉ cầu xin, chờ được cứu độ, vô tình biến Đạo Phật từ Chánh Pháp, trở thành Tà Pháp mà hoàn toàn không hay biết vậy.  -/.




VVM.06.03.2025.