Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



(1922-2010)

HOÀNG CẦM - HỒN THƠ ÁNH SÁNG


            Hà Nội ngày 6- 5- 2010. Cái nóng như đổ lửa uống Hồ Gươm. Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi cùng Lá Diêu bông vi vút trời xa, da diết gọi Tình yêu con người Việt Nam suốt thế kỷ XX lửa cháy.
             Nỗi tiếc thương xao xác hồn tôi.
                     Hà Nội đêm không ngủ.
             Biết rằng sẽ có một ngày xa biền biệt, không còn được nghe tiếng nhà thơ Hoàng Cầm gọi:
                       “Diêu Bông hời!
                         Ới! Diêu Bông!..”

        Vậy nên những năm 1990- 2000, tôi đã dành những buổi chiều đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm tại nhà riêng phố Lý Quốc Sư- cạnh Nhà Thờ Lớn- Hà Nội, nghe ông đọc thơ, kể chuyện tình Kinh Bắc, và khám phá thơ ông.
      Chuyên luận Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng của tôi đã in trong tập bút ký Hương đất Hà Thành (Mai Thục- NXB Văn hoá Thông tin- Hà Nội- 2004).
    Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm. Tôi khóc ông bằng những dòng chữ dâng đầy nước mắt của những người mẹ, người chị, người em gái… Kinh Bắc- Việt Nam, mà Hoàng Cầm nâng niu, yêu thương tha thiết trong thơ ông.
       Tôi niệm “Nam mô A Di Đà” cầu nguyện linh hồn nhà thơ Hoàng Cầm bay lên cùng Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.

       Mai Thục  
        Hồ Gươm- Hà Nội đêm không ngủ.
 


MỘT KHÔNG GIAN MƯA :

Đ ọc thơ Hoàng Cầm, ta thấy một vùng Kinh Bắc lúc nào cũng Mưa. Hạt mưa, tiếng mưa rơi, khi vô hình, khi hữu hình, gắn với cảnh sinh hoạt đời sống, lịch sử, văn hoá, tâm trạng, tâm linh…        

  Không gian Mưa là một lăng kính nghệ thuật làm sống dậy cuộc sống, con người Kinh Bắc trong sự biến thiên của lịch sử. Nhà thơ tưới lên một không gian nghệ thuật bằng Mưa. Tiếng mưa rơi xuyên năm tháng. Không bến bờ. Mưa và Mưa. Mưa từ tiền sử đến bây giờ. Mưa vẫn Mưa.     

    Mưa trong cung đình, phủ chúa. Mưa ngoài đồng. Mưa bến sông. Mưa trong chùa vắng lặng. Tiếng mưa lẫn tiếng mõ, tiếng chuông, từng giọt, từng giọt rót xuống lòng ta. Mưa rơi!      

   Mưa trong lòng người, từ hoàng hậu, cung phi, mỹ nữ, cung tần, đến cô cắt cỏ, cô hái dâu, cô lái đò, ni cô, Phật tử, người vợ, người mẹ, người yêu và nấm mộ cô em gái… Mưa cứ rơi và rơi.       

    Một phần ba số bài thơ ở tập Mưa Thuận Thành và Bên kia sông Đuống có tiếng Mưa rơi. Tiếng Mưa khi to, khi nhỏ, khi nhẹ nhàng, thánh thót, khi ào ào, xối xả, khi sầm sập, khi tuôn trào như nước mắt. Mưa rơi!      

      Bài Mưa Thuận Thành cầm nhịp Mưa rơi cho cả tập Mưa Thuận Thành.     

     Nhịp Mưa thấm nhẹ trong mắt người yêu:              

       “Mưa Thuận Thành  
                Long lanh mắt ướt”  
         

   Mưa chạm khẽ êm đềm trong hoa lá cỏ cây như vuốt ve, âu yếm, tự tình:          

      “Mưa chạm ngõ ngoài  
                 Chùm cau tóc xoã”  
        

     Mưa chạm nhẹ môi cười thiếu nữ, nâng nàng lên ngôi Hoàng hậu:        

           “Cung vua mưa lơi  
                Lên ngôi Hoàng Hậu”  
     

         Mưa rơi như tiếng tơ nhạc, mịn như nhung, mơn man như khói, dẫn dắt lứa đôi vào hạnh phúc:          

          “Mưa còn khép nép  
                  Nhẹ rung tơ đàn  
                   Lách qua cửa hẹp  
                   Mưa càng chứa chan”  
         

      Nhịp mưa nghiêng nghiêng, xuyên suốt thời gian, không gian, nối liền quá khứ và hiện tại bằng những giọt mưa Ánh sáng:            

    “Ngời bến Luy Lâu  
              Tóc mưa nghiêng đầu”  
     

        Tiếng Mưa khi vui như tiếng chim nhảy nhót trong không gian “Hạt mưa chèo bẻo”,   khi lại rơi từng giọt, từng giọt, xát muối lòng người. Mưa rơi trong màn đêm:             

      “Hạt mưa hoa Nhài  
                      Tàn đêm kỹ nữ”  
       

      Lại có nhịp mưa xối xả, dữ dội, tung sức mạnh tàn phá cả vạn vật vùng Kinh Bắc:           

         “Hạt mưa sành sứ  
                     Vỡ gạch Bát Tràng”  
        

   Dai dẳng nhất vẫn là nhịp mưa tầm tã nỗi nhớ thương, tiếc hận, mong chờ, đợi tình yêu khắc khoải, mỏi mòn trong hồn người phụ nữ Kinh Bắc:           

    “Mưa gái thương chồng  
                    Ướt đầm nắng quái  
                    Sang đò cạn sông”  
      

       Mưa như tiếng gọi tình yêu sự sống, hoà nhịp trong tiếng chuông chùa bảng lảng lúc hoàng hôn, làm thức dậy khát vọng yêu thương tưởng chừng đã chết, từ trong trái tim những ni cô:   

    “Mưa chuông chùa lặn  
                   Về bến trai tơ  
                    Chùa Dâu ni cô”  
       

     Những giọt mưa có hình, có bóng, ẩn hiện khắp đồng quê, ẩn thân mình thiếu nữ, gọi trở về với sự sống yên vui, dân dã, trong lành:          

     “Mưa ngồi cổng vắng  
                       Mưa nằm lẳng lặng  
                       Nhớ lụa mưa hè  
                       Sồi non yếm tơ”  
         

    Bài thơ Mưa Thuận Thành là một bản nhạc Mưa nổi lên giữa Một Không gian Mưa.      

       Bản nhạc Mưa vang lên nhiều cung bậc, lúc êm dịu, khi trầm lắng, khi ào ạt, dạt dào, lúc thăm thẳm xót thương, khi buồn nhớ cô lieu, khi sầm sầm rung trời đất. Bản nhạc Mưa hay tiếng lòng Mưa trong, đục ấy, gắn với sự sống, với từng thân phận con người Kinh Bắc từ hồng hoang đến bây giờ, trong một cấu trúc ngôn ngữ hàm súc, giàu nhạc điệu, ngân rung, réo rắt, đa tầng, đa nghĩa, có mối liên tưởng ngang, dọc:      

      “Hạt mưa> Hoa Nhài  
                 Tàn đêm> Kỹ nữ”  
       

       Hoa Nhài và Kỹ nữ. Một thân phận mỏng manh! Một đêm Mưa. Những đêm Mưa.       

    Hạt Mưa khi ôm chứa một điển tích, đựng cả một câu chuyện lịch sử, một không gian, thời gian cổ tích, huyền thoại, một chuyện tình vua chúa với nàng hái dâu Kinh Bắc:           

     “Giọt mưa chưa đậu  
                 Vai trần Ỷ Lan”  
     

        Tuy vậy, Mưa trong tập Mưa Thuận Thành chỉ là một không gian ảo, không gian tâm linh, chưa có màu sắc, đường nét của sự sống thực:   

      “Nhìn mắt anh, ao mưa nhoà nắng”  
           “Còn lại giếng Mưa Ngâu”  
           “Gõ nhịp giọt gianh bên thễm vắng”  
           “Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng”  
           “Rũ mưa lồng chăn lẻ chiếc”  
            “Bập bồng phun mưa”  
         

     Nhưng tập Bên kia sông Đuống là những giọt mưa thực sự rơi từ trời rơi xuống thân phận bao người đẫm nước mưa. Mưa hiện liền thẫm ướt từng mảnh đời, từng thân phận, từng cảnh sinh hoạt, làm lụng, trong sự đói no, khốn khó, giặc cướp, hay trong những tâm trạng tuyệt vọng, đau buồn, và cả phút yêu đương say đắm.     

   Đó là những giọt mưa được quan niệm trong tư duy khoa học, nó có tác động về mặt sinh thái, môi trường, hay trong tâm thức.        

     Những giọt mưa tạo ra sự khốn cùng, vất vả của mẹ, của người em gái:         

           “Mẹ ta lòng đói dạ sầu  
            Đường mưa trơn lạnh, mái đầu bạc phơ”…  
                      “Tiếng em cắt cỏ hôm xưa  
                  Hiu hiu gió rét mịt mù  mưa bay”  
      

     Mưa ngâm bầm nát người nằm dưới mộ:            

          “Mồ tháng giêng mưa ướt sũng”         

     Nhưng cũng đôi khi ta bắt gặp màn mưa huyền diệu khoảnh khắc khoan hoà, tạo một không gian mờ ảo, chắp cánh cho tình yêu bay lên. Mưa chan chứa Tình yêu tự tình:    

                      “Mưa nhung áp má bồi hồi  
             Nghe khô từng sợi mưa dài lặng im  
                    Nằm trong mắt bão tuyệt trần  
               Mưa nhung tung cánh trắng ngần em bay”  
        

   Và cuối cùng Mưa Thuận Thành, Mưa Kinh Bắc chính là giọt nước mắt của nhà thơ:          

     “Mưa đi về Anh, mưa thành nước mắt”  
                 “Giọt mưa phương Nam, lệ nhoà qua mi”  
                 “Về mắt Anh, thành chan chứa mưa rơi”  
        

     Mưa nước mắt nhà thơ, thấm từng dòng, từng chữ, từng âm điệu, câu thơ nhạt nhoà tuôn chảy về Kinh Bắc. Không năm tháng.      

      Đó là biển nước mắt “Muối mặn gừng cay”, tung trong sóng bể bạc đầu nỗi thương nhớ con người, thương nhớ thời gian, không gian đã mất. Thương nhớ cái đẹp của một thời đã mất. Đó là giọt nước mắt thương mẹ nhọc nhằn một kiếp trầm luân chưa kịp đáp đền. Giọt nước mắt khóc cho tình yêu đã mất, những khát vọng không thành. Giọt nước mắt của cái tâm yêu thương dâng về Đất Mẹ.      

    Trong các nhà Thơ Mới, Huy Cận hay làm thơ Mưa. Với ông, mưa là một môi giới của nội tâm và ngọai cảnh gặp nhau. Sự gặp nhau giữa vô thể và hữu thể (mưa không định hình, chuyển hoá trong vũ trụ, được nội tâm hoá). Mưa xoá phủ đi mọi vật, làm nhoà không gian, chỉ còn tâm trạng mờ mờ lãng đãng, tan theo nhịp mưa:            

       “Đêm mưa làm nhớ không gian  
                        Lòng run thêm nỗi lạnh làm bao la  
                        Tai nương nước giọt mái nhà  
                        Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn”  
 
                                                         (Buồn đêm mưa)        

   Với Hoàng Cầm, Mưa là một không gian vũ trụ đang chuyển vần, tương hợp với sự sống con người, hiện ra một không gian xã hội. Mưa trong thơ Hoàng Cầm hiện hữu cái nhìn trực giác của nhà thơ về thời gian, không gian và sự sống của con người, vạn vật hoà đồng, Thiên- Địa- Nhân hợp nhất.                       

        Một không gian hội hè         

   Thơ Hoàng Cầm âm vang không khí hội hè của làng quê Kinh Bắc, của văn hoá thôn làng Việt Nam. Một không gian hội tụ các hoạt động văn hoá, tinh thần, nghệ thuật đặc sắc của nhân dân, là một sinh hoạt cộng đồng có khả năng đáp ứng được nhiều mặt nhu cầu văn hoá của con người:        

       Mở hội hôm nay  
                               Đồi rộng cỏ thơm  
                               Sánh giọng so lời  
                               Mắt giếng sâu nhìn nhau đằng đẵng  
                               Quan họ lại bắt đầu  
          

      Nhịp thơ bay bổng tiếng hát hội hè làng quê của Hoàng Cầm khẳng định hội làng là lễ hội sinh động, lôi cuốn cả làng vào cuộc sống chung, náo nức, tự nguyện và say mê, trong một thời điểm mưa thuận, gió hoà, lòng người thanh thản.       

     Hội làng thường mở theo mùa trồng cấy, khi lúa đã cấy xong hoặc khi vụ chiêm đã xanh chân mạ, kết thúc vòng quay của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhất là lúc sang xuân, người ta mở hội đón vòng quay mới của vũ trụ.     

    Thơ Hoàng Cầm tưng bừng Ánh sáng hội làng dân dã, đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt, đời này sang đời khác. Lễ hội chở theo lối nghĩ, lối sống, nguyện vọng, niềm vui của mọi người trong cộng đồng làng xã, vừa lo dựng làng, giữ nước, vừa đau khổ suy tư trong lo âu và khát vọng sống yên bình, no đủ trong tình yêu, hạnh phúc.       

   Không gian hội hè trong thơ Hoàng Cầm là một không gian mở. Quá khứ và hiện tại đồng hiện, gợi đến những không gian khác nhau của lịch sử, văn hoá, tình yêu, tâm linh…     

      Bài thơ Hội đền tám vua triều Lý dựng lên cả một không gian quá khứ xa xưa từ những pho tượng rỗng, những thớ gỗ khắc hình rồng phượng, những nét chạm hoa văn tài hoa của ngươì thợ còn lưu trong đền Lý Bát đế:             

      “Hội đền tám vua triều Lý  
                 Còn đau thớ gỗ phượng rồng chen chúc  
                  Khoảng trời thương nhớ tạnh thời gian  
                  Tám tượng ngồi vê tà áo mỏng  
                  Để thạch sùng vào bụng rỗng  
                  Chép miệng vàng son ngút khói tan”  
        

    Hội hè chỉ là cái cớ để gợi trong cái nhìn của nhà thơ về lịch sử.        

      Vàng son vua chúa một thời, giờ đây cũng tan theo làn khói mỏng.      

      Nhưng dấu ấn tư tưởng của một thời đại còn lưu mãi với thời gian và phải chịu quyền phán xử của các thế hệ sau:           

   “Đôi lính Chiêm Thành canh cửa Việt  
                   Quê hương, quê hương xa không về  
                   Tù binh gửi máu vào tay chạm  
                    Đứng cửa còn trông thấy đất nung  
                    Khép gió chân trời ngồi lặng tênh”  
         

   Từ nét chạm trổ tài hoa của người lính Chiêm Thành trong chùa Lý Bát Đế, nhà thơ liên tưởng đến đất nước Chiêm Thành đã bị mờ trong lịch sử. Thời Lý chiến thắng quân Chiêm Thành, những tù binh Chiêm Thành được đưa về kinh đô Thăng Long, trong đó có những người thợ mỹ nghệ, đã góp phần sáng tạo một kiểu điêu khắc, kiến trúc trong các đền, chùa thời Lý một dáng dấp nghệ thuật Chiêm Thành. Và nỗi nhớ quê hương, nỗi buồn đau vì xa nước của người lính Chiêm Thành đã gửi vào từng nét chạm “Tù binh gửi máu vào nét chạm”.        

   Hoàng Cầm thương yêu mọi kiếp người, dù họ ở chân trời, góc bể nào, dù khác tiếng nói, màu da, chính kiến. Ông là thi sĩ của thế nhân. Ông sinh ra để cất lời ca yêu thương thế giới người trần.     

         Trong thơ Hoàng Cầm, ngôi đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng đậm không khí hội hè, nhưng vẫn gợi lên không gian khác. Không giam trầm luân, bọt bể của những thân phận ông hoàng bà chúa:           

   Hỡi ơi! Chiêu Thánh sao không nói  
              Người ta lo dựng nghiệp lâu dài  
              Ai lo việc cưới chồng công chúa mồ côi!  
               Ví như không có Trần Thủ Độ  
               Mắt dại vua bà biết chọn ai?  
               Quân cờ chí chát  đêm Kinh Bắc  
                Mấy ngón tay tính nước vào ra  
                Vân vê vẹt lõm cạnh ngà  
                Tròn lăn cung cấm trẻ con chơi”  
      

      Đấy là cảnh đời đen bạc của công chúa Lý Chiêu Hoàng- Vua Bà Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ đưa cháu mình là Trần Cảnh lên tám tuổi vào cung phục vụ vua Bà Lý Chiêu Hoàng cũng vừa lên tám. Trần Thủ Độ đã mưu mô gả Trần Cảnh cho Lý Chiêu Hoàng để đoạt ngôi vua từ tay nhà Lý về nhà Trần.     

     Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Nhà thơ đau đáu thương vua Bà nhỏ dại, bị biến thành “quân cờ” trong tay quyền lực.       

     Lễ hội dân gian bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian hay tôn giáo sơ khai. Càng lui về quá khứ xa, các loại tôn giáo sơ khai này càng có vai trò quan trọng như một nền tảng tư tưởng của lễ hội. Lịch sử tư tưởng của loài người cho biết chỉ khi tiến đến xã hội thị tộc, tôn giáo mới xuất hiện. Cùng với mức phát triển tư duy, lại phải ứng phó với môi trường, con người đã có những niềm tin ngây thơ, hư ảo và đã sáng tạo ra nhiều tôn giáo: tín ngưỡng vật, ma thuật, phù thuỷ, sùng bái giới tự nhiên, tín ngưỡng thờ tổ tiên…   

      Trong việc sùng bái tự nhiên thì biểu hiện rõ nhất là tục thờ đá, thờ mặt trời, thờ nước. Bởi vì ánh sáng, (ánh mặt trời) và nước là hai yếu tố không thể thiếu trong nghề trồng lúa. Đặc biệt, tín ngưỡng phồn thực cũng xuất hiện cùng với nội dung cầu mùa nông nghiệp: con người, gia súc, cây trồng phải luôn sinh sôi nảy nở, sinh hoa, kết trái, cân bằng Âm- Dương.     

        Nghiên cứu Folklo và cổ tích Việt Nam, chúng ta bất ngờ trước yêu tố phồn thực của người Việt. Không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới, kể cả Ấn Độ.   

       Việc tôn thờ thần nhân đã xuất hiện. Ý thức về nòi giống, và cộng đồng dẫn tới việc trước nhất là sùng bái tổ tiên. Sự sùng kính, tôn thờ những anh hùng văn hoá, anh   hùng chiến trận, cũng là một hoạt động tín ngưỡng trong lễ hội dân gian.       

    Song nhà thơ Hoàng Cầm nhìn vào lễ hội không phải với cái nhìn tôn giáo, tín ngưỡng, mà là cái nhìn xuyên thời gian, không gian, nâng không gian lễ hội cổ xưa vốn có ấy lên một tầm tư tưởng mới, một quan niệm triết học nhân sinh.      

    Ông nhìn vào các trò vui hội hè hay đúng hơn là nhìn vào gương mặt những người đi hội.      

    Mỗi người đi hội đều như nhận được những điều an ủi. Họ xúc động và giải thoát thực sự. Họ như quên đi cái thân phận mong manh, đau khổ, lo âu ngày thường.      

    Niềm hạnh phúc thoáng qua ấy, gắn kết con người hoà vào cộng đồng. Nam giới dự thi vật, tung cầu, kéo co, thi chạy, đua thuyền, đốt pháo, chơi cờ… Các cô, các chị thì thi dệt vải, nấu cơm, làm bánh, làm cỗ… Vui nhất là những trò  nam nữ cùng chơi: nhún đu “Đôi hàng chân ngọc duỗi song song” (Hồ Xuân Hương), khoác vai nhau cùng bắt chạch trong chum, hát đối đáp, giao duyên, hát ví, trống quân, quan họ…  

     Hai mươi gái trai  
                 Thả một con thuyền  
                 Song song mười đôi  
                 Mắt nhìn trong mắt  
                 Nón nghiêng tăm tắp  
                Ngày mai ai chắc được gần ai.  
   
                                            (Quan họ mở đầu)      

     Nhìn ánh mắt những đôi trai gái say đắm nhau trong đám hội, nhà thơ phát hiện ra niềm mơ yêu tận đáy sâu tâm hồn họ. Ứớc mơ tình yêu vẫy gọi nồng nàn, sâu kín và cảm xúc cũng đằm sâu trước khung cảnh hội hè.         

        Hội Gióng     được dựng lên trong thơ Hoàng Cầm với tiếng ngựa lồng, tiếng gươm thần phun lửa, tiếng hò hét tập trận của một trăm đôi nam thanh, nữ tú… Không gian đó là không gian chiến trận oai hung trong tinh thần thượng võ của dân tộc, nhưng trong mắt nhà thơ, đó là cuộc giao duyên đầy tính văn hoá, nghệ thuật, là khát vọng xoá đi những bi kịch tình yêu từ ngàn đời nay.      

        “Chú bé lên ba là tướng võ nhà giời  
               Ai ngờ đã bốn nghìn năm manh mối  
               Xuân đến lụa the  
               Cầm gậy tre đi xe duyên cô Tấm, ông Hoàng  
               Vớt Trương Chi về gấm đỏ lầu Tây”   
       

     Hội Phù Khê độc đáo hơn. Bản thân nó đã là ngày hội của tự do yêu đương. Đêm hội, người ta tắt đèn để trai gái tìm nhau:        

       “Nửa đêm tắt đèn  
              Trong ba hồi trống dầm dề  
               Nhẩn nha thôi ôi tiếng cuối vang âm  
               Tay không rời tay người đang nói thầm  
               Bốn mắt thắp đèn từ đêm trước  
               Tìm nhau mà nín câm”  
     

      Rồi những cuộc thi đánh đu như một sự trao gửi tình yêu giữa thanh thiên bạch nhật, giữa trời cao mây gió, nâng hồn bay cao trong không gian tự do:        

      “Luồn tay ôm say  
                 Giấc mơ lay đỉnh núi  
                 Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành”  
     

     Cuộc Thi hát đúm huyền ảo dưới ánh trăng mờ, trăng tỏ, trăng vàng, trăng mơ  là một sự giải phóng bản thể:         

      “Trăng khuya các bờ sông  
               Thương soi đôi mái đầu”  
      

      Đêm hội Lim cũng là sự giải thoát bằng nhạc, bằng thơ cho những lứa đôi ngày thường phải sống trong vòng cương toả của lễ nghi, đạo đức Khổng giáo:     

     “Tiếng hát quan họ  
                Và trai gái quê tôi trẻ  đẹp vô cùng  
                 Nhảy khỏi vòng nia  
                 Nhảy sang vòng nong  
                 Những vòng cong cong  
                 Từ hòn đá ném ao vòng tròn rộng mãi”  
   
                  (Tìm đến chân trời của mẹ)       

    Không gian hội hè của Hoàng Cầm là một không gian sáng lấp lánh ánh mặt trời, rộng bao la, nhiều tầng, nhiều âm vang sự sống, khát vọng tình yêu.            

   Những âm vang của con người hoà ca cùng vũ trụ. Âm vang tiếng hát, tiếng cười, tiếng trống chiêng rộn rã. Âm vang màu sắc cờ ngũ sắc, võng lọng, quần áo đỏ, vàng, xanh, trắng.           

    Những âm vang đó là sức sống bất diệt của văn hoá, hồn người, nghệ thuật, tôn giáo, thẩm mỹ của Kinh Bắc, của làng quê lúa nước Việt Nam.         

   Cả Đất- Trời- Đồng quê bừng sáng giữa hội hè. Những ngôi đình, đền chùa, miếu… thầm lặng ngày thường bỗng sáng tưng bừng bởi muôn màu cờ, sắc áo. Không gian im ắng của đồng quê bỗng rộn ràng biết bao âm thanh hấp dẫn: trống, chiêng, kèn sáo… và đoàn người kéo dài với đủ kiểu trang phục, đủ màu sắc hoà theo tiếng nhạc đồng quê… cùng các nhân vật đặc biệt của trò diễn (hoá trang, mặt nạ, chú Tễu…) dấy lên một khung cảnh lộng lẫy, hoành tráng. Không gian sôi động Ánh sáng nghệ thuật, tâm linh lôi cuốn người dân lành hiền, lam lũ vào hết trò vui này đến trò vui khác, trong một cộng cảm tinh thần cao cả, đẹp tươi, kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật và tự nhiên, trang trọng và bình dị, thiêng liêng và trần thế.         

  Đó cũng là bản hoà tấu ca ngợi sức sống của cộng đồng trong mối quan hệ ba chiều: cá nhân- cá nhân; cá nhân- cộng đồng; cộng đồng- cá nhân. Đó là cái “tôi vô danh” hoà nhập vào “cái ta chung”. Người đi chơi hội là một sự “hoá thân” và “nhập thân” với người khác, với thần linh, với vũ trụ và vạn vật.             

   Không gian hội hè trong thơ Hoàng Cầm còn là một không gian siêu thực. Nhà thơ không mô tả không gian tự nhiên của lễ hôị: gò, đống, bến sông, bãi cỏ, bìa rừng, ven đê… hay không gian nhân tạo: chùa, đền, miếu, đình làng, mà gợi đến một không gian tinh thần thiêng liêng qua truyền thuyết: (Trương Chi, cô Tấm) qua lịch sử (Lý Chiêu Hoàng, bè lông ngỗng) và cả sự bừng tỉnh tâm linh:            

     “Chợt bừng nghìn cây nến đỏ  
                    Sững sờ nghìn tội một bàn tay  
                    Tê dại khắp người”
 
                      (Hội Phù Khê)        

     Không gian tâm linh thảng thốt cảm giác thực đó, để lại ấn tượng thẩm mỹ cao quí đối với lễ hội dân gian. Nó là mạch nguồn làm cho lễ hội sống mãi với dân tộc đời này qua đời khác.       

   Không gian lễ hội trong thơ Hoàng Cầm tràn Ánh sáng sắc màu dân tộc, có sức gợi cảm mãnh liệt đến thế giới văn hoá, tinh thần của dân tộc. Có thể nói, trước Hoàng Cầm, chưa có một nhà thơ nào gợi đến lễ hội dân gian đa chiều, độc đáo và sâu sắc như ông. Bởi thế người ta gọi Hoàng Cầm là nhà thơ dân tộc.

... CÒN NỮA



VVM.06.3.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .