Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



Xuân Lan Thu Cúc Mặn Mà Cả Hai
tranh vẽ Kiều của nữ họa sĩ Ngọc Mai (SàiGòn)

TỪ LÁY VÀ NHÂN VẬT

  
       II. TỪ LÁY VÀ NGÔN NGỮ NHÂN VẬT.

L à một phương tiện nghệ thuật thành công đặc sắc trong Truyện Kiều, ngôn ngữ nhân vật đã tham gia hữu hiệu vào việc thể hiện sự phát triển của các sự kiện và các tình tiết của câu chuyện. Đồng thời ngôn ngữ ấy cũng là nhân tố quan trọng nhằm tạo nên những tính cách nhân vật đa dạng và điển hình. So với văn học thời Trung đại nói chung cũng như các truyện Nôm, ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều có một đặc điểm nổi bật là sự cá tính hóa cao độ nên mỗi nhân vật đều có một lối nói riêng, một vốn từ riêng không hề lẫn lộn. Cũng như trong ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ thiên nhiên, từ láy đã góp một phần không nhỏ để thể hiện nội dung tư duy cảm xúc của các nhân vật thông qua ngôn ngữ của họ.

Trong Truyện Kiều, theo thống kê của chúng tôi, ngôn ngữ nhân vật có trong mấy trăm dòng thơ với từ láy được sử dụng, các từ láy xuất hiện tuy không nhiều so với tỉ lệ chung nhưng rất đa dạng với gần 1/3 từ láy dùng trong tác phẩm.

Trong Truyện Kiều, nhân vật chính nói nhiều nhất, tới 77 lượt lời với 516 dòng thơ và độc thoại 18 lần với 130 dòng thơ tức là ngôn ngữ của Kiều tới 616 câu thơ nên có rất nhiều từ láy. Thứ nhì là Kim Trọng tham gia 7 cuộc thoại với 18 lần nói và 90 câu, chàng cũng độc thoại 6 lần với 24 câu, nghĩa là ngôn ngữ của chàng gồm 114 dòng thơ nên cũng nhiều từ láy. Do khuôn khổ của bài viết, ta chỉ có thể xét những từ láy của hai nhân vật này trong cuộc tình đầu tiên.

1. Trước hết xin xét mấy trường hợp dùng từ láy trong ngôn ngữ của Thúy Kiều.

a. Sau khi được nghe Vương Quan kể lại về cuộc đời tội nghiệp của Đạm Tiên, Kiều đã không thể nén được cảm xúc của mình mà thốt lên những lời than ai oán:

0081. Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoắt nghe, Kiều đã đầm đầm châu sa:

0083. – “Đau đớn thay phận đàn bà!

“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

0085. “Phũ phàng chi bấy hóa công.

“Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha.

Nguyễn Du đã đặt từ láy đau đớn, phũ phàng ở đầu câu để cố ý nhấn mạnh nỗi thương cảm nơi Kiều. Với vị trí mở đầu cho lời thoại, từ láy đau đớn có ý nghĩa như chủ đề của đoạn thơ.

0087. “Sống làm vợ khắp người ta,

“Hại thay thác xuống làm ma không chồng!

0089. “Nào người phượng chạ loan chung,

“Nào người tiếc lục tham hồng là ai?

Về mặt từ ngữ, đáng chú ý là từ láy chung chạ được tách đôi trong thành ngữ phượng chạ loan chung. Trong câu này có hai từ phượng loanchung chạ, gợi lên sự lang chạ, chung đụng xác thịt giữa nam và nữ, như oán trách sự bạc bẽo vô tình của những người tình cũ, lúc Đạm Tiên sống thì ve vãn nịnh bợ, nhưng rồi họ lãng quên ngay sau khi nàng chết. Khi dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho rằng:

“Từ chung chạ mới là chủ ý của câu thơ còn phượng loan chỉ là một kiểu nói mà thôi. Khi đọc câu thơ ấ y không một người Việt Nam nào liên tưởng đến loài chim huyền thoại, cứ mỗi ban mai lại tái sinh từ đống tro hỏa thiêu của thân xác mình. Chúng tôi gạt bỏ con chim phượng để chọn lối diễn đạt ít đông phương tính hơn nhiều: Giờ đây họ ở đâu rồi, những ai ngày xưa đã cùng nàng chung cuộc truy hoan? ”.

Và vì vậy hai câu thơ này được dịch thành:

Où sont maintenant ceux qui partageaient ses voluptés

Et ceux qui couraient après ses atours?

+ Ta hãy đọc tiếp lời Thúy Kiều:

0091. “Đã không kẻ đoái người hoài,

“Sẵn đây ta thắp một vài nén hương.

0093. “Gọi là gặp gỡ giữa đường,

“Họa là người dưới suối vàng biết cho?”

Cả đoạn lời thoại có 12 câu mà tới 7 từ láy trong đó có hai từ láy được tách ra sử dụng trong phượng chạ loan chung và kẻ đoái người hoài. Lời thơ vang lên như một lời xót xa ai oán, chất chứa nỗi phẫn nộ trước sự tàn nhẫn của Hóa công và sự lãnh đạm của người đời. Cảm xúc thơ ở đây dồn dập, mạnh mẽ, cảm xúc của một con người vốn có nhiều suy ngẫm về thân phận người phụ nữ đã dồn nén lâu ngày. Nguyễn Du đã diễn tả cảm xúc đó bằng cách sử dụng chủ yếu câu cảm thán và câu hỏi tu từ.

Ba thành ngữ phượng chạ loan chung, tiếc lục tham hồng kẻ đoái người hoài xuất hiện liền trong ba dòng thơ như điệp nhau, tạo nên một âm hưởng thơ mạnh, đanh và đoạn thơ xoáy vào người đọc như một câu hỏi lớn cũng như tạo cho đoạn thơ một ngữ điệu riêng. Đó là ngữ điệu cảm thán mà từ láy đã góp phần tạo nên.

b. Ngôn ngữ nhân vật còn in đậm sự suy nghĩ, nhận thức đánh giá của mỗi cá nhân qua những từ láy được Nguyễn Du sử dụng, như khi không muốn để Kim Trọng đi quá xa lúc chàng đã ở trạng thái “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, Thúy Kiều đã phải lấy lời đoan chính để giúp chàng bình tĩnh lại trong một đoạn dài đến 22 dòng thơ với hàng loạt từ láy:

0513. “Mây mưa đánh đổ đá vàng,

“Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

0515. “Trong khi chắp cánh liền cành

“Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

0517. “Mái Tây để lạnh hương nguyền,

“Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

0519. “Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,

“Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?...”

c. Khi đã quyết định phải bán mình, lòng Kiều cũng biết bao đau đớn. Công trình mà Kim Trọng theo đuổi để đến được với tình yêu, nay nàng tự trách vì mình khăng khít, gắn bó chặt chẽ quá lại thành ra dở dang:

0697. Phận rầu dầu vậy cũng dầu,

Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời.

0699. Công trình kể biết mấy mươi,

Vì ta khăng khít cho người dở dang.

0701. Thề hoa chưa ráo chén vàng,

Lỗi thề, thôi đã phụ phàng với hoa!…

Những từ láy đã diễn tả đúng với nội tâm của Kiều. Xin chỉ nói về một từ đeo đẳng trong câu thơ trên. Đeo là mắc hay buộc vào thân thể hay vào một vật gì như Giác Duyên đeo bầu quảy níp hay với nghĩa trừu tượng là mang, vướng trong Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Lại có đeo đai là quyến luyến, vấn vương tả thái độ của Sở Khanh trong Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai. Rồi đeo đuổi là đeo lấy mà đuổi theo trong lời Kim Trọng nói để thuyết phục Thúy Kiều Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru? Kim Trọng mất công đeo đuổi nay Kiều nghĩ lại, lại dùng từ đeo đẳng. Đeo đẳng là đeo giữ lấy, mang lấy mãi, không rời ra (Từ điển Truyện Kiều), cũng là theo đuổi mãi không dứt bỏ ra được (Từ điển tiếng Việt). Chả lẽ Nguyễn Du viết từ đeo đẳng ở đây không nghĩ gì đến từ đeo đuổi ở trước hay sao?

d. Rồi đến đoạn Kiều trao duyên cho Thúy Vân với những từ láy cũng nói lên được những suy nghĩ và tâm sự của nàng:

0721. “Hở môi ra cũng thẹn thùng,

“Để lòng thì phụ tấm lòng với ai…

0743. “Trông ra ngọn cỏ lá cây,

“Thấy hiu hiu gió thì hay chị về…

0749. “Bây giờ trâm gãy bình tan,

“Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

0751. “Trăm nghìn gửi lạy tình quân.

“Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

0753. “Phận sao phận bạc như vôi!

“Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng…”

e. Từ láy trong ngôn ngữ Thúy Kiều thì rất nhiều, xin xét thêm một vài đoạn. Những nhận xét của Kiều với mẹ bằng 3 từ láy về hành động của Mã Giám Sinh cho thấy rõ nàng đã bắt đầu nghi ngờ tên lưu manh này:

0883. “Khi về bỏ vắng trong nhà,

“Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng.

0885. “Khi ăn khi nói lỡ làng,

“Khi thầy khi tớ, xem thường xem khinh…”

f. Đây là những lời tâm sự và cũng là những lo toan, tính toán với Thúc Sinh khi Kiều muốn bảo vệ hạnh phúc của mình với 6 từ láy dùng rất đúng với tình cảnh của nàng:

1335. “Bình Khang nấn ná bấy lâu,

“Yêu hoa, yêu được một màu điểm trang.

1337. “Rồi ra nhạt phấn phai hương,

“Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?

1341. “Bấy lâu khăng khít dải đồng,

“Thêm người, người cũng chia lòng riêng tây.

1345. “Trăm điều ngang ngửa vì tôi,

“Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?

1347. “Như chàng có vững tay co,

“Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.

1357. “Lại càng dơ dáng dại hình,

“Đành thân phận thiếp, ngại danh giá chàng...”

2. Từ láy trong ngôn ngữ của Kim Trọng.

a. Kim Trọng gặp được Kiều nhờ chiếc thoa thì vội tiến tới ngay bằng những lời văn vẻ nhưng rất rõ ràng:

0325. “Xương mai tính đã rũ mòn,

“Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay.

0327. “Tháng tròn như gửi cung mây,

“Trần trần một phận ấp cây đã liều.

0329. “Tiện đây xin một hai điều,

“Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?”

Lần là lượt, lớp, tầng, phen - từ láy lần lần được dùng 4 lần trong Truyện Kiều là lần lượt, hết cái này đến cái khác, hết ngày này sang ngày khác. Còn lần lừa lại là có ý chờ đợi chán nản lâu ngày và hết ngày này sang ngày khác, Kim Trọng đã nói lên được cái ý của mình đến nay mới được gặp. Thực ra còn một từ láy nữa là lần lữa nói lên tâm trạng của Kiều ở lầu Ngưng Bích đã nói đến ở trước trong: 1077. Những là lần lữa nắng mưa…

b. Có khi Kim Trọng dùng 3, 4 từ láy đi liền kết hợp với nhau, liên hội bổ sung các sắc thái ý nghĩa cho nhau và làm tăng sức mạnh của lời nói. Khi Kiều ngần ngừ muốn Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha, lúc đầu Kim Trọng chỉ dùng từ láy mối manh rồi sau đó là 3 từ láy liên tiếp hẹp hòi, đeo đuổi, thiệt thòi trong hai dòng thơ, như để dồn Thúy Kiều vào thế phải bước đầu chấp nhận:

0341. “Chút chi gắn bó một hai,

“Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh.

0343. “Khuôn thiêng dầu phụ tấc thành,

“Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời.

0345. “Lượng xuân dầu quyết hẹp hòi,

“Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!”

c. Mấy hôm sau, nhân ngày sinh nhật ngoại gia, vừa thấy Kiều, Kim Trọng lại dùng hai từ láy để trách Kiều:

0381. “Trách lòng hờ hững với lòng,

“Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu…”

Nghe Kiều đàn, Kim Trọng nhận xét cũng có hai từ láy:

0491. “Lựa chi những bậc tiêu tao?

“Dột lòng mình, cũng nao nao lòng người”.

d. Trong một số trường hợp, nhân vật Truyện Kiều lại bộc lộ những suy nghĩ tình cảm của mình qua những từ láy như khi phải chia tay Kiều về Liêu Dương hộ tang chú, Kim Trọng đã tâm sự và dặn dò với 5 từ láy trong 8 dòng thơ:

0539. – “Sự đâu chưa kịp đôi hồi,

“Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ.

0541. “Trăng thề còn đó trơ trơ,

“Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.

0543. “Ngoài nghìn dặm chốc ba đông,

“Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy.

0545. “Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

“Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”.

3. Từ láy trong lời thoại của mấy nhân vật khác.

a. Nhân vật trong Truyện Kiều nói ít, nhưng không phải chỉ là lối đối thoại thông thường trong giao tiếp, mà qua lời nói, ta có thể nhận diện được tính cách của nhân vật. Khi Kiều vừa đến Lâm Tri còn đang ngơ ngẩn chưa biết gì, thì đã thấy Tú Bà khấn ngay:

0941. “Cửa hàng buôn bán cho may,

“Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu.

0943. “Muôn nghìn người thấy cũng yêu,

“Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai.

0945. “Tin nhạn vẩn, lá thư bài,

“Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”.

Lời khấn chỉ có 6 dòng thơ nhưng có tới 1 tiểu đối 3-3 ở câu lục và 3 câu bát đều là tiểu đối 4-4, trong đó có những từ láy ở vị trí đối trong Đêm đêm Hàn thực, ngày ngày Nguyên tiêu, và Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai.

0947. Lạ tai nghe chửa biết đâu,

Xem tình ra, cũng những màu dở dang.

Mụ Tú chắc chẳng có học hành gì, nhưng vì nghề buôn phấn bán hương vốn đã tồn tại lâu đời nên mọi thứ đã đi vào quy củ và vì đã lõi đời trong nghề nên mụ đã thuộc lòng, có lẽ chẳng cần phải suy nghĩ gì.

0963. – “Này này sự đã quả nhiên,

“Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi!

0965. “Bảo rằng đi dạo lấy người,

“Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.

0967. “Tuồng vô nghĩa ở bất nhân,

“Buồn mình, trước đã tần mần thử chơi…”

Đến khi phải dạy nghề cho Thúy Kiều, mụ cũng rất bài bản mà cũng dùng nhiều từ láy, đúng với hứng thú của mụ trong cái nghề này mà còn hay nữa là khác, bởi mụ đã sử dụng chúng nhiều lần rồi:

1209. – “Này con thuộc lấy làm lòng,

“Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.

1211. “Chơi cho liễu chán hoa chê,

“Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.

1213. “Khi khoé hạnh, khi nét ngài,

“Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa...”

b. Hoạn Bà chỉ nói có 7 dòng thơ nhưng đã lộ rõ con người của mụ:

1727. “Bất tình nổi trận mây mưa,

“Diếc rằng: “Những giống bơ thờ quen thân!

1729. “Con này chẳng phải thiện nhân,

“Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng.

1731. “Ra tuồng mèo mả gà đồng,

“Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.

1733. “Đã đem mình bán cửa tao,

“Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này!...”

Trong 7 dòng thơ này, mụ đã dùng 3 từ láy bơ thờ, lúng túng, khủng khỉnh rất dân gian, rất độc đáo và chỉ dùng những từ này có một lần. Mà cũng rất hợp với giọng lưỡi của một phu nhân Thiên quan trủng tể, có lẽ trước đây cũng ghê gớm và nanh nọc lắm. Mụ cho Kiều là kẻ thẫn thờ ngơ ngẩn, bất ổn, không sở cứ, loại mèo mả gà đồng ở vào tình trạng lúng túng không biết nói năng hành xử ra sao lại còn khủng khỉnh ra bộ làm cao, tỏ ra không ưa, không vừa ý. Chỉ bằng mấy dòng thơ qua một lần thoại của nhân vật này, Nguyễn Du đã cho ta nhận diện được phu nhân của một bậc lương đống triều đình.

c. Ngay cả Vương Bà nói rất ít nhưng chỉ với 2 câu hỏi Kiều vì sao thao thức cả đêm cũng có tới 2 từ láy:

0225. – “Cớ sao trằn trọc canh khuya,

“Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?

d. Còn hoa tì chỉ nói có một lần cũng có nhiều từ láy:

1995. Hoa rằng: - “Bà đến đã lâu,

“Dón chân đứng núp độ đâu nửa giờ.

1997. “Rành rành kẽ tóc chân tơ,

“Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.

Hoa tì cho rằng sự việc hai người tình tự đã hết sức rõ ràng, không ai không thấy nên đã dùng từ láy rành rành để mô tả lại việc Hoạn Thư đến và biết hết rồi nói tiếp:

1999. “Bao nhiêu đoạn khổ tình thương,

“Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.

2001. “Ngăn tôi đứng lại một bên,

“Chán tai, rồi mới bước lên trên lầu”.

Nào chuyện Thúc Sinh vật mình lăn lộn vì đau đớn nào Thúy Kiều than thở, thổ lộ nỗi buồn rầu đau khổ của mình đều được Hoạn Thư nghe hết cho thấy cái ghen của Hoạn Thư là cực kỳ thâm hiểm, chỉ qua lời kể của Xuân Hoa. Người hoa tì này chỉ nói có 8 câu nhưng cũng dùng tới 4 từ láy rất chính xác, 2 từ về Hoạn Thư cho thấy cái nham hiểm của mụ, còn 2 từ về Thúc Sinh và Kiều lại càng cụ thể và sinh động: Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.

e. Ngay từ đầu truyện, Kiều đã được giới thiệu là sắc sảo mặn mà, nay trả lời Giác Duyên, nhà sư Tam Hợp lại dùng từ láy sắc sảo để đánh giá về nàng:

2659. “Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,

“Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.

2661. “Lại mang lấy một chữ tình,

“Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

2663. “Vậy nên những chốn thong dong,

“Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng

Nhưng nhà sư còn cho rằng nàng mang lấy chữ tình và một mực giữ chặt lấy không chịu rời ra, không muốn cho ai đụng đến. Rồi khi đã đi tu, dù thảnh thơi không có gì phải vội vàng mà “ở” thì trong tình trạng như có gì đe doạ hay làm rối loạn, và “ngồi” cũng không được vững trước mọi tác động từ bên ngoài. Ta thấy rõ ràng đây là lời của nhà sư với cách đặt từ láy giữa những từ được chọn lọc dùng trong 2 câu bát có tiểu đối 4-4: “Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng” và “Duyên xưa tròn trặn, phúc sau dồi dào” trong những câu sau:

2687. “Thửa công đức ấy ai bằng.

“Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.

2689. “Khi nên trời cũng chiều người,

“Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau…

2723. “Còn nhiều hưởng thụ về lâu,

“Duyên xưa tròn trặn, phúc sau dồi dào…”

Những tội lỗi kiếp trước đã được rửa sạch hoàn toàn (lâng lâng) và nợ ở kiếp trước cũng đã qua trong trạng thái nhẹ nhõm và dễ chịu. Duyên xưa thì tròn vẹn và đầy đặn mà phúc sau thì phong phú, nhiều đến mức cần bao nhiêu cũng đủ. Ngôn ngữ của nhà sư ở đây được đặc trưng bằng hàng loạt từ láy để tổng kết cuộc đời Kiều: sắc sảo, khư khư, thong dong, yên ổn, vững vàng, lâng lâng, nhẹ nhàng, tròn trặn, dồi dào. Mà mỗi từ láy được dùng rất chính xác lại được đặt trong một văn cảnh phù hợp và đúng với cách đánh giá của nhà sư. Lần này nhà sư nói 16 câu thì trên đây là 12 câu nhận định về Thúy Kiều và tiếp theo là 4 câu dặn Giác Duyên đến sông Tiền Đường để cứu Kiều.

(còn tiếp)




VVM.06.03.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .