Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


VÌ SAO NGƯỜI DÂN ẤN ĐỘ LẠI MẤT
NIỀM TIN VÀO ĐẠO PHẬT VÀ TÍN ĐỒ CŨNG
KHÔNG ĐÔNG BẰNG NHỮNG TÔN GIÁO KHÁC ?

  


C ó lẽ là người Phật Tử thì ai cũng mơ ước một lần được đặt chân đến Ấn Độ, là nơi Đức Thích Ca đã ra đời, đã khai sáng ra Đạo Phật để từ đó Đạo Phật lan truyền ra khắp thế gian, có được số tín đồ khá đông như hiện nay. Tuy nhiên điều đáng buồn là nếu có ai tìm hiểu tình hình Đạo Phật ở Ấn Độ thì sẽ không khỏi ngạc nhiên : Ở ngay tại đất nước khai sinh ra Đạo Phật mà hiện nay chỉ có 1% dân số Ấn Độ là theo Đạo Phật ! Trong khi đó, 82% theo đạo Hindu, 12% theo Đạo Hồi, 2,3% theo Đạo Thiên Chúa ! Rồi thêm một ngạc nhiên nữa là : Chính những Tín Đồ Đạo Phật từ những nước ngoại bang lại mang Đạo Phật trở về Ấn Độ. Trong đó gồm có Đức Đạt Lai Lạt Ma mang theo 120.000 Phật Tử lưu vong sang. Đại Thừa từ Trung Hoa sang. Zen của Nhật sang. Tịnh Độ Tông từ Đài Loan sang. Một nhà Sư Việt Nam cũng về nơi Phật đã mở Bồ Đề Đạo Tràng để xây Chùa, sau đó có hơn 150 Chùa khác cất quanh đó với đủ thứ Tông, Phái khác nhau, không biết trong đó Tông, Phái nào mới thật sự truyền tải được tinh thần của Đạo Phật do Đức Thích Ca sáng lập.

Điều gì đã làm cho người dân Ấn Độ mất niềm tin nơi Đạo Phật là Đạo do người của nước mình sáng lập ra ? Do Giáo Pháp của Đạo Phật không thuyết phục bằng Giáo Pháp của những Tôn Giáo khác ? Do những nhà truyền giáo làm mất niềm tin ? Hay vì lý do nào ? Bởi xem kỹ Giáo pháp của Đạo Phật thì chúng ta thấy rằng đó là một Giáo Pháp tiến bộ, đưa ra được những quy luật về Các Pháp thật chính xác, cũng như chỉ ra được những cách thức hữu hiệu để giải quyết cho cuộc sống con người hết Khổ, được hạnh phúc, an vui. Giúp con người khỏi lệ thuộc vào Thần Linh là những điều được xem như không phù hợp với sự tiến bộ của loài người ?

Từ một Đạo Phật do Đức Thích Ca lập ra càng về sau, với những cái tâm ham làm Giáo Chủ nên càng chia ra nhiều Tông, Phái. Dù rằng tất cả họ đều tôn Phật Thích Ca là Giáo Chủ và xử dụng một số Giáo Pháp của Đạo Phật. Nhưng mỗi nhóm đều có Lãnh Đạo riêng. Không có Lãnh Đạo chung cho toàn thể. Đó cũng là điều đáng buồn cho Đức Thích Ca, người đã bỏ ra hết phần còn lại của cuộc đời để khai mở Đạo Phật.

Trước năm 1975, Việt Nam cũng đã có Khối ẤN QUANG do T.T. Thích Trí Quang và T.T Thích Nhất Hạnh cầm đầu, và Khối VIỆT NAM QUỐC TỰ do T. T. Thích Tâm Châu lãnh đạo. Nhưng hình như do xu hướng chính trị khác nhau nên cũng không thể hòa hợp với nhau.

Đạo Phật ở Việt Nam ngoài ĐẠI THỪA (hay còn gọi là Nam Tông), TIỂU THỪA (hay còn gọi là Bắc Tông) còn có Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy, (Theravada), Giáo Phái Khất Sĩ, Phật Giáo Hòa Hảo. Mỗi nhóm có Chùa riêng, hệ thống riêng, tín đồ riêng. Không ai có quyền kiểm soát ai. Mạnh ai nấy phát triển, không liên quan đến nhau. Có lần thấy Thượng Tọa Thích Nhật Từ kêu gọi trở về Đạo Gốc. Nhưng Đạo Gốc mà ông đưa ra lại là TIỂU THỪA, là Thừa mới tách ra sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm, không phải là Đạo Phật từ ban đầu khi Đức Thích Ca khai mở do các Tổ truyền nhau tiếp tục lãnh đạo cho đến đời Tổ Huệ Năng mới kết thúc.

Theo thống kê thì Tín đồ Phật Giáo ở Viêt Nam cũng chỉ chiếm có 9,3% dân số, tương đương với 14 triệu người. So với Thế giới thì Tín đồ Phật Giáo chiếm 6,6%, tương đưng với 360 triệu người. Trong khi đó, Thiên Chúa Giáo chiếm tới 31%, tương đương với 2 Tỷ người. Chúng ta có lấy làm tiếc khi một Giáo Pháp tốt đẹp như thế mà lại không thuyết phục được nhiều người tin theo hay không ? Có lẽ chúng ta thử nhìn lại sự phát triển của Đạo Phật để xem có thấy nghi vấn nào được xem là nguyên nhân chính không ?

Có Hai Thừa được xem là nồng cốt của Đạo Phật, thì TIỂU THỪA phát triển mạnh nhất ở các nước như Xri Lanca, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. ĐẠI THỪA thì phát triển ở các nước Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên.

Theo Pháp Bảo Đàn Kinh thì khi Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ, lần đầu tiên đến yết kiến vua Lương Võ Đế của Trung Quốc thì Vua đã hỏi : “Trẫm trọn đời cất Chùa, độ Tăng, đãi chay, làm phước, có công đức gì không ? “ thì ta biết trước khi Tổ Đạt Ma mang Đại Thừa sang Trung Quốc thì Tiểu Thừa đã có mặt ở đó từ rất lâu rồi. Qua câu hỏi của Vua Lương Võ Đế, thì ta thấy : Vua hẳn được khuyến khích Vua xây cho thật nhiều Chùa, “Độ” cho nhiều Tăng, đãi chay, cho như thế là làm Công Đức. Vì vậy, chắc chắn vua có ý khoe, nên mới hỏi Tổ. Rõ ràng Vua không phân biệt thế nào là Công Đức, thế nào là Phước Đức. Điều khiến cho vua bất bình là Tổ đã trả lời là “Không có công đức” ! làm vua thất vọng, vì có lẽ từ trước đến giờ Vua được xưng tán là người lập nhiều Công Đức.

Đó cũng là sự khác biệt giữa người tu theo TIỂU THỪA và tu theo bên ĐẠI THỪA. Theo Đại Thừa, “Tu Phật là để Thành Phật”, Quả vị cuối cùng của Đại Thừa là Thành Phật. Và Thành Phật chỉ là được Giải Thoát khỏi những nổi Khổ. Do đó, với Đại Thừa thì việc tu Phật không quan trọng hình tướng, vì “Phật tại Tâm” “Tức Tâm tức Phật: cho nên “Tu Phật là Tu Tâm”. Bất cứ ai, không phân biệt giới tính, thành phần, giai cấp, nơi ở, giàu nghèo, nghề nghiệp, nếu Thấy Khổ, muốn Giải Khổ thì đều có thể nương theo hướng dẫn của Đạo Phật để được Giải Thoát, và “lập công đức” là để nói về những việc làm liên quan đến việc Tu Sửa Cái Tâm, sẽ có kết quả là Giải Thoát, so với Phước Đức là những việc Thiện, nằm tích lũy phước báo sẽ nhận lại trong kiếp nào đó.

Bên TIỂU THỪA thì cho rằng đi tu là để phụng sự cho Phật, và theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì Quả Vị cao nhất của Tiểu Thừa là A La Hán. A La Hán là người Chứng được, Thấy được các pháp là KHÔNG.

Nhưng về sau, những người bên TIỂU THỪA thấy mọi người định nghĩa của TIỂU THỪA là Cổ Xe nhỏ, nên thấy như bị coi thường, trong khi ĐẠI THỪA là Cổ Xe lớn. Vì thế, đổi thành Nam Tông, gọi Đại Thừa là Bắc Tông. Thật ra gọi TIỂU THỪA là Cổ xe nhỏ cũng không có gì sai, vì bên Tiểu Thừa cho là muốn tu hành thì phải Xuất Gia, độc thân thì mới có thể thành công, và chỉ độ được bản thân. Trong khi đó, Đại Thừa thì không phân biệt Xuất Gia hay Tại Gia, nam hay nữ, già hay trẻ, có trình độ, có gia đình hay không, ở bất cứ nơi đâu ? Chỉ cần y theo Hạnh của Phật đã hành mà làm thì đều thành tựu như Phật. Người tu có thể “tự độ, đồng độ tha”, nên mới gọi là Cổ xe lớn, vì có thể chuyên chở, cứu độ được nhiều người.

Đại Thừa thì cho rằng Phật Thọ ký “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Vì thế tất cả đều sẽ Thành Phật. Thành Phật chỉ có nghĩa là Giải Thoát, hết Khổ. Cái Giải Thoát phải ngay tại trần gian, như Hoa Sen, vẫn ở trong bùn mà bùn không làm ô nhiễm được. Ngược lại, tu theo bên TIỂU THỪA là phải Thoát tục, ly trần, bỏ đời, Xuất Gia thì mới tu hành thành công được. Chính vì vậy mà đi đến đâu là họ xây dựng nhiều Chùa, để tôn vinh Phật, đồng thời để các Tu Sĩ có nơi mà tu tập.

Họ tích cực xưng tán Phật và sự cứu độ của Phật, rồi hô hào bá tánh dùng những vật liệu quý nhất của trần gian là vàng, ngọc, bạc, đồng để đúc, tạc, chạm thành những Tượng Phật, càng to càng quý, rồi hàng ngày thắp hương vái lạy để cầu xin. Sống thì cầu đổi xấu, lấy tốt, chuyển rủi thành may. Chết thì cầu về Tây Phương Cực Lạc. Họ gom hết tiền bạc của bá tánh ngưỡng mộ Phật để dựng lên những ngôi Chùa, trang hoàng thật lộng lẫy để những tượng Phật ngự và để Chư Tăng ở để khói hương phụng sự Phật ! Những nước mà TIỂU THỪA đến thì chỉ thấy Chùa Tượng mọc lên như nấm. Chùa ngày càng to, Tượng ngày càng lớn, tu sĩ ngày một đông, mà không hề thấy có Vị Giác Ngộ nào xuất hiện ! Năm 2001, có một Bộ phim CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT do Đài BBC dàn dựng, nói về cuộc tìm kiếm những dấu vết nơi được cho là Đức Thích Ca đã sinh ra, đã sống, thì chứng cứ đều cho thấy tất cả là có thật. Và với cái nhìn khách quan của họ về Giáo pháp của Đạo Phật, họ đã phải ngỡ ngàng thốt lên : ”Trớ trêu thay, sau cái chết của Đức Phật, người đã giảng về sự vô ích của những nghi lễ thờ cúng và sự sùng bái cá nhân lại trở thành đối tượng được thờ cúng và được súng bái nhiều nhất trong lịch sử” !

Ai đã tạo ra những điều này nếu không phải là những “Con trùng trong thân Sư tử, ăn thịt Sư tử” ? Chính những Nhà Truyền Giáo của Đạo Phật, mặc Y, mang bát rồi đi rao giảng Đạo Phật. Nhưng thay vì theo đúng lời Phật dặn dò là muốn thuyết Pháp phải là người Thấy Tánh, Chứng Đắc, thì họ chỉ học vài nghi thức, một số Pháp của Đạo Phật là đã vội tung ra khắp nơi để quảng bá. Qua họ, Phật trở thành “Thần Linh, thần thông quảng đại, cứu nhân độ thế”. “Bồ Tát luôn bay lướt mười phương để cứu độ Chúng Sinh”. Vì vậy, bá tánh luôn tin tưởng, sống thì Cầu An, Chết thì Cầu Siêu để Phật rước về Tây Phương Cực Lạc” ! Với những lời quảng bá như thế làm cho tín đồ tin tưởng, nên sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức để xây dựng Chùa chiền, đúc tạc Tượng Phật, cung duỡng Tăng Chúng để cho họ toàn tâm toàn ý làm Phật Sự, và tin rằng Cúng Dường Tam bảo thì phước báo sẽ trả lại gấp trăm, gấp ngàn lần !

Và rồi người dân Ấn Độ đã nhận được những gì với những lời quảng cáo về sự Cứu khổ cứu nạn của Phật và Bồ Tát ?

Tháng 8 Năm 2016, tại Népal, quê hương của Đức Thích Ca đã hứng chịu những trận động đất kinh hoàng cướp đi gần 9.000 sinh mạng con người và sụp đổ hàng ngàn Chùa Tháp đã xây dựng ! Ngay cạnh Népal có một ngôi làng tên Hokse cũng có tên gọi là “Ngôi làng bán thận” vì tất cả thanh niên trong làng mỗi người đều bán đi một quả thận để lấy tiền trang trải cuộc sống hoặc cất nhà, để rồi phần lớn những ngôi nhà đó bị chôn vùi trong trận động đất ! Cũng tại Ấn Độ, tại Thị Trấn Mathura thuộc Bang Uttari Pradesh có lúc mấy mươi ngàn nông dân đã làm đơn xin tự tử tập thể vì mất mùa mà suốt 17 năm đấu tranh mà không nhận được tiền đền bù của Chính Phủ vì sản xuất bị ngập úng do chính phủ xây cầu, thì cũng trong Tháng 8, ngôi Chùa giàu nhất Ấn Độ có tên là Tiramula , Bang Andhara, Pradesh thông báo sẽ gởi 4,5 tấn vàng vào Ngân Hàng, mà theo lãi xuất lúc đó thì mỗi năm Chùa sẽ nhận được 2.000 lượng vàng tương đương 80 ký lô vàng ! Chưa hết, Chùa còn giữ lại 1.000 tấn vàng nữa ! Thời điểm đó là nước Ấn độ phải gồng mình chống chọi với thiên tai, người dân thiệt hại nặng nề mà cũng không thấy Chùa trích ra chút vàng nào để hỗ trợ, chỉ ôm đi gởi Ngân Hàng kiếm lời, và không biết họ tu hành mà sẽ xài gì cho hết 2.000 lượng vàng tiền lời mỗi năm ?

Cũng trong năm 2016, Trung Quốc đã cho phá dở Học Viện Phật Giáo Larung Gar ở Tây Tạng, nơi có 10.000 Tăng thường trú và khoảng 40.000 nữa tạm trú. Bắt họ phải hoàn tục.

Tây Tạng không giàu, không có tài nguyên trù phú và chỉ có khoảng 300.000 dân mà phải nuôi 40.000 Tu Sĩ chỉ để họ tu Phật !

Miến Điện là đất nước còn nghèo, chỉ có 51 triệu dân, nhưng có những ngôi Chùa lộng lẫy nhất thế giới. Điển hình nhất đó là chùa Shewedagon với mái dát 90 tấn vàng và hàng ngàn viên kim cương, hồng ngọc. Trên chót tháp còn đính một viên kim cương không lồ đến 75 carats. Người dân Miến Điện dù rất nghèo, nhưng kiếm được tiền là gom góp để xây Chùa, tạc tuợng, đúc chuông. Ở Bagan, vùng đất chỉ có khoảng 40km vuông mà có đến 4.000 ngôi Chùa !

Việt Nam ta người dân còn nghèo, Bệnh Viện không đủ giường cho bệnh nhân nằm, hai, ba người phải chen chúc trên 1 giường. Trường học cũng không đủ cho học sinh. Ở vùng cao, nhiều người không có nhà, con cái không có đủ áo ấm, phải đi chân trần trên những con đường đầy đá sỏi ! Trong khi đó thì có đến hơn 18.000 Ngôi Chùa và hơn 50.000 Tăng Ni chính thức. Chùa càng về sau càng rộng bao la, đèn điện thắp sáng đêm ngày ! Tượng thì ngày càng đúc to hơn, trong số đã có Tượng lớn nhất Đông Nam Á ! Có Chùa chiếm đến hàng mấy mẫu đất, trong đó chỉ để một số Tượng Phật và một số Sư trú ngụ để thờ phụng và để bá tánh tới lễ bái. Chùa đã bao la, trang hoàng lộng lẫy còn hơn cung điện vua chúa. Chư Tăng dập dìu xe cộ mà, mà lúc nào cũng ra rả kêu gọi Cúng dường, làm sao bá tánh không nhìn thấy để đánh giá ?

Mục đích của Đạo Phật đặt ra là để “Cứu khổ cho bá tánh” . Nhưng theo Chánh Pháp thì Phật chỉ cứu độ bằng Giáo Pháp. Người muốn được cứu thì phải tự mình hành trì để tự tháo gỡ. Phật không phải là Thần Linh, nên không có quyền năng để tháo gỡ hay cứu độ giùm cho người khác. Phật cũng phải tu hành như tất cả mọi người. Chính những Tà Sư là những người không hiểu đúng về Đạo Phật nên đã quảng bá về sự cứu độ của Phật để bá tánh tin tưởng rồi cúng dường cho họ để họ phụng sự cho Phật !

- Xét về Giáo Pháp thì chúng ta thấy : Giáo pháp của các Tôn Giáo khác là Thờ phụng, Cúng tế, cầu xin, tuyệt đối vâng lời Giáo Chủ và làm theo những gì được chỉ dạy.

- Riêng Đạo Phật chủ trương TỰ ĐỘ, không nương tựa Giáo Chủ hay thánh thần nào ngoài bản thân. Mỗi người phải tự chuyển hóa cái TÂM của mình, tự Cải Ác, hành Thiện theo Luật Nhân Quả, để hiện kiếp và những kiếp về sau tốt đẹp hơn, và cho rằng không có Thần Linh nào cầm nắm vận mạng hay quyết định số phận của con người. Chỉ do con người tự quyết định. Nếu Làm Thiện sẽ được hưởng phúc, Làm Ác, sẽ bị đọa mà thôi.

Do vậy, chúng ta thấy Đạo Phật chân chính phù hợp với người có suy nghĩ, tìm hiểu lý lẽ mà Đạo Phật gọi là Quán Sát, Tư Duy, thay vì cứ đặt niềm tin vào Giáo chủ mà mọi người chỉ nghe qua các Giảng sư, không thể xác minh điều đó có chính xác hay không.

Dù những Tôn Giáo khác không đòi hỏi tín đồ phải quán sát, tư duy, chỉ cần đặt Niềm Tin rồi tuân theo những lời dạy của Giáo Chủ, hay Đạo Phật dạy : “Ngay cả lời nói của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ thì cũng không nên thọ trì”, nhưng cuối cùng tất cả Tôn Giáo đều cho rằng, nếu người hành Thiện, thì sau khi chết được ban thưởng về Thiên Đàng. Nếu sống mà làm Ác thì sẽ bị đọa Địa Ngục. Như vậy, rõ ràng có sự mâu thuẫn. Nếu phải tôn thờ, cầu xin để được cứu độ thì cần gì phải sống Thiện ? Ngược lại, đã sống Thiện thì cần gì Thần, Phật cứu độ ?

Từ một Con Đường Giải Thoát do Dức Thích Ca mở ra mà nếu những ai đi trên đó và hành đúng theo những gì được hướng dẫn thì sẽ được Giải Thoát như Đức Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ Quá khứ đã thành, thì cho đến hiện nay, ĐẠO PHẬT đã trở thành một Tôn Giáo Thờ Giáo Chủ là Đức Thích Ca. Những nhà truyền giáo thì chỉ lo phát triển bề ngoài. Vị nào cũng chỉ lo xây chùa cho to, thu nhiều đệ tử, mở thêm chi nhánh rồi hướng dẫn cho bá tánh THỜ PHẬT để Cầu Xin Phật cứu độ, cúng kiến, cầu xin, nương tựa vào Phật, Bồ Tát y như những Tôn Giáo Thần Quyền khác. Nhiều Chùa còn dạy Cúng sao, giải hạn, đội Sớ, cúng Vong, giải Nghiệp. Chùa văn minh lắm thì cũng là Cầu An, Cầu Siêu, Cầu Chư Phật, Bồ Tát phù hộ độ trì !

SO SÁNH NHỮNG NHÀ TRUYỀN GIÁO :

Mỗi tôn giáo đều có những Nhà Truyền Giáo, chịu trách nhiệm hướng dẫn tâm linh cho tín đồ. Phía Thiên Chúa Giáo thì có cả một hệ thống bài bản. Cả thế giới chỉ do Đức Giáo Hoàng ở La Mã lãnh đạo. Dưới là các Hồng Y, Đức Cha, Linh Mục và các Dòng tu. Họ được đào tạo rất nhiều năm, cả về cái học của Đời lẩn Thần Học của Đạo. Ở mỗi nước họ cất Nhà Thờ theo từng vùng. Mỗi Nhà thờ có một Linh Mục và một phụ tá chịu trách nhiệm hướng dẫn về mặt tâm linh. Công việc đào tạo thì họ tuyển chọn rất kỹ. Các Linh Mục cũng sống đời giản dị. Không se sua, đua đòi. Không lên xe xuống ngựa. Cả đời sống chỉ lo về mặt tinh thần cho giáo dân. Việt Nam ta có hơn 5 triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo nhưng chỉ có 6.000 nhà thờ và 6.000 Linh mục cai quản.

PHÍA ĐẠO PHẬT thì không có một vị cầm quyền lãnh đạo chung cho thế giới, mà nước nào cũng có hệ thống riêng. Dù có Giáo Hội Phật Giáo, nhưng Tông nào, Phái nào, mạnh ai nấy cất Chùa, thu nạp tín đồ riêng. Người muốn tu hành theo Đạo Phật thì không đòi hỏi trình độ, giai cấp, còn độc thân hay đã từng có vợ con. Thời gian đào tạo cũng không kéo dài, chỉ cần Xuất Gia, học một số Khóa Phật Học rồi với thời gian đi từ Tỳ Kheo lên Đại Đức. Ai vận động được thì cất Chùa. Tu lâu năm lần hồi lên Thượng Tọa. Cao nhất là Hòa Thượng.

Tín đồ Đạo Phật theo thống kê là 14 triệu, nhưng có đến gần 55.000 Tăng Ni chính thức và hơn 18.000 ngôi Chùa. Thu nạp thêm Tăng, Ni Xuất Gia ngày càng nhiều. Nhưng số Tăng Ni đông đúc như thế mà số người có thể giảng Pháp có lẽ không tới vài mươi vị. Không biết số còn lại làm gì ?

Tu sĩ Phật Giáo thì nói rằng bỏ đời để đi tu. Nhưng hầu hết, khi làm được Trụ Trì rồi thì vị nào cũng trang hoàng nơi ở như cung điện, với những nội thất quý giá. Phương tiện thì dùng toàn những thứ đắt tiền. Bước ra đường là lên xe xuống ngựa, biện minh là để phục vụ cho bá tánh. Dù mọi thứ từ chiếc y, đôi dép cho tới tiền bạc sinh hoạt đều do thí chủ cung cấp, gọi là Cung Dường, nhưng thấy nhiều người than phiền là khi bá tánh mời đến để Cầu Siêu thì ra giá, đòi hỏi xe cộ di chuyển như các sao hạng A, hạng B. Không có Chùa nào đi tụng miễn phí hay gia chủ tùy tâm mà cúng dường !

Hầu hết các Chùa đều THỜ PHẬT và hướng dẫn cho bá tánh Cầu An, Cầu Siêu. Có việc là hoa quả, nhang đèn đến Chùa để Cầu Xin, làm cho Đạo Phật trở thành tôn giáo Thần Quyền giống y như các tôn giáo khác, mà lại tệ hơn bởi những hình thức khói hương, xì xụp khấn vái, đốt vàng mả, đội sớ, cúng sao, giải hạn giống như những hình thức thờ phụng mê tín từ thời xa xưa !

Có lẽ do vậy mà những tín đồ tôn giáo so sánh : Nếu cần Cầu xin, nương tựa Giáo Chủ để được cứu độ, thì những Tôn Giáo khác nói là Giáo Chủ của họ là Con của Thượng Đế, là đấng tạo ra vũ trụ, muôn loài, từ trên trời giáng sinh để chuộc tội cho loài người hẳn là phải cao hơn một Giáo Chủ như Đức Thích Ca, chỉ là một con người- dù là con của một vị Vua đi nữa – cũng chỉ là loài thọ tạo do Thượng Đế tạo ra. Như thế thì làm sao có thể so sánh với con của Thượng Đế ? Theo tôi, đó có thể là lý do để nhiều người tin những Tôn Giáo khác như Ấn Độ Giáo, Thiên Chúa Giáo hơn, vì họ đều có những Giáo Chủ gốc gác là Con của Thượng Đế hay từ trời giáng sinh xuống trần. Hình thức nghi lễ cũng không mang màu sắc mê tín, dị đoan. Như thế, không ngạc nhiên vì sao những tôn giáo đó có tín đồ đông hơn.

Mặt khác, do thời Mạt Pháp, những Tu Sĩ Đạo Phật nhiều người không còn giữ đúng Giới, Hạnh, một Y, Một Bát, đơn giản, khiêm tốn như thời xưa, mà vận động bá tánh cất những Chùa thật to, kêu gọi Phật Tử cúng dường rồi trang hoàng cho Chùa chiền, tu viện thêm lộng lẫy để thu hút tín đồ và hưởng cuộc sống an nhàn, vì mọi thứ đã trút hết lên vai các Thí Chủ ! Rồi vì tự cho là đã bỏ đời, nên dửng dưng với mọi biến động của xã hội, như trường hợp Chùa Tiramala của Ấn Độ. Mặc người dân bị thiên tai sụp đổ cả nhà cửa, chính phủ lao đao tìm cách khắc phục thì các Sư thản nhiên mang vàng đi gởi Ngân Hàng để lấy tiền lời ! Còn lại cả ngàn lượng cũng ôm đó, không thấy bỏ ra đồng nào để hỗ trợ chính phủ, coi như không phải việc của mình, dù đang sống nhờ vào mọi người, nhờ vào xã hội, thì giải thích thế nào với tín đồ về “Cứu khổn, phò, nguy” của chư Phật , Chư Bồ Tát, Từ, Bi, Hỉ, Xả của Đạo Phật ? Các Tà sư đã chứng minh cho mọi người thấy : Họ chỉ là những người lợi dụng Phật, núp sau lưng Phật để vun vén cho Chùa, cho bản thân.

Đạo Phật được mở ra là để Giải Khổ cho con người. Ngoài việc tu sửa bản thân để hết Khổ, Đạo Phật còn dạy đền Tứ Ân, còn dùng phương tiện dạy mọi người thực hành để có 32 Tướng Tốt của Phật, mục đích là để người tu đối xử tốt với ông bà, cha mẹ, thầy, bạn và mọi người chung quanh, và sau khi thanh lọc Thân, Tâm thì mang sức, tài đóng góp để xây dựng cuộc đời để Trả Ân Đất Nước. Đâu có dạy bỏ mặc cha mẹ tuổi già không nơi nương tựa, mặc cho đất nước thịnh, suy để vun vén cho Chùa ? Đâu có dạy bỏ đời, bỏ mặc chúng sinh đau khổ, thiếu thốn để chỉ lo phục vụ cho Phật ? Phật đã nhập diệt từ mấy ngàn năm rồi, phụng sự cách nào ?

“Cha mẹ” mà Đạo Phật dạy bỏ là Vô Minh, và Tham Ái. Vì hai thứ đó sai khiến con người như cha mẹ sai con. “Nhà Cửa” mà Đạo Phật kêu phải bỏ, phải Xuất ra, là “Nhà lửa Tam Giới”, tức là Tham, Sân, Si. “Chúng Sinh” mà mọi người phải “Cứu Độ”, không phải là bá tánh bên ngoài, mà là những tính xấu, ích kỷ, Tham lam, kiêu mạn, nhỏ nhen, ganh tỵ, đố kỵ nơi tâm của mỗi người. Mọi người ôm giữ từ nhiểu kiếp rồi. Xả bỏ đi. Thả nó đi, gọi là “Phóng Sinh”. Vậy mà nhiều người đã hiểu sai nên gây tội ác mà không hay. Họ đặt thợ săn đánh bẫy săn bắt chim trong rừng về, rồi bỏ tiền mua để thả rồi cho là Phóng sinh !

Chính những Tà Sư là những người chưa hiểu Phật pháp, cứ y theo văn tự mà đi giảng Đạo Phật. Họ không chỉ mang sự hiểu biết chưa chính xác của Đạo ra rao giảng, làm hại Đạo Phật, mà với lối sống xa hoa, gom tiền bá tánh cúng dường, hưởng thụ trên sức lao động của người khác rồi cho là “thoát tục” ! Mặt khác, quảng cáo là Chư Phật quyền phép vô biên, cứ cầu là sẽ ban cho, lúc tới chuyện không thấy Phật cứu, cũng làm cho nhiều người mất niềm tin nơi Đạo Phật ! . Do đó, từ lúc Hồi Giáo phá hoại Chùa chiền, giải tán các Tu Viện thì cả mấy thế kỷ qua mà người dân Ấn Độ cũng không thiết tha phục hồi. Các chùa mới mở về sau này đều do những Tu sĩ từ nước ngoài do ngưỡng mộ Phật mà đến đó xây dựng.

Do đó, người muốn đến Ấn Độ để tìm những dấu tích của Phật ngày xưa thì được. Vì tuy bị Hồi Giáo tiêu diệt, phá hủy, nhưng vẫn còn lại dấu xưa, nơi Phật đã ra đời, Ngồi Thiền, đắc đạo, thuyết pháp. Nhưng muốn tìm nơi để tu học thì e rằng khó, vì Đạo Phật bị tiêu diệt nhiều thế kỷ. Sau này các Tu sĩ ở nước ngoài mới mang Đạo Phật trở về. Không biết ai trong số đó còn giữ lại Đạo Phật chính thống của Phật dạy ngày xưa, hay với thời gian đã bị lai căn trở thành Thần Quyền như ở nước ta hiện nay.

Dù chúng ta không thể tìm Đạo Phật ở những nơi ngày xưa Phật đã khai đạo, vì “Những gì có tướng đều là hư vọng”, phải chịu sự hủy diệt của thời gian. Nhưng theo tôi, nếu muốn tìm Đạo Phật chân chính thì người sau như chúng ta vẫn có thể trông cậy vào những Bộ Chính Kinh của Chư Tổ. Trong mỗi Quyển Kinh là những lời tâm huyết của Chư Vị Giác Ngộ để lại cho thời sau. Giải thích rõ ràng về cách hiểu, cách hành, cách tu học. Chẳng hạn như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, ngoài chỉ dẫn rõ ràng cách tu hành, còn nêu rõ những cạm bẫy của ma vương mà hành giả có thể gặp phải để đề phòng. Người thời sau muốn tìm hiểu, tu học, có thể dựa vào không sợ lạc lối vậy.  ♡ -/.

Tháng 2 Năm 2025




VVM.01.03.2025.