kỳ 3
T
rong giới sử học miền Nam trước năm 1975 dường như không có sự thảo luận nào về vị trí của Triệu Đà trong lịch sử truyền thống.
Trong cuốn Việt Nam Sử Lược nổi tiếng của sử gia Trần Trọng Kim soạn trước năm 1945, Triệu Đà được kể vào chính sử trước thời
kỳ Bắc thuộc, nhưng sử gia Phạm Văn Sơn trong bộ Việt Sử Toàn Thư (Saigon, 1960) cũng cùng lập trường tẩy chay Triệu Đà như các
sử gia ngoài Bắc. Trong lúc đó, tên Triệu Đà được đặt cho một con đường ở khu vực Ngã Sáu Chợ Lớn từ năm 1955 và tồn tại đến năm 1975
[1]
.
Chúng ta cần nhớ lại quan điểm của vua Quang Trung về chuyện này.
Sử gia Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam Sử Lược: “[…] đến năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung sai sứ sang Tàu xin cầu hôn
và xin trả lại cho Việt Nam đất Lưỡng Quảng. Việc ấy tuy không phải là bản ý nhưng muốn mượn chuyện để thử ý vua nhà Thanh”
[2] .
Tuy yêu
cầu này chưa chính thức nói ra với phía nhà Thanh vì vua Quang Trung băng hà, nhưng đó là một sự kiện lịch sử được ghi chép vào sách chớ
không phải truyền thuyết dân gian.
Đất Lưỡng Quảng tức là hai tỉnh Quảng Đông và Quảng
Tây nằm trong lãnh thổ nước Nam Việt của Triệu Đà xưa. Nếu Triệu Đà không được kể là đế vương chính thống trong lịch sử Việt Nam,
thì đất nước Nam Việt đó cũng không phải của Việt Nam, vua Quang Trung căn cứ vào đâu để đòi đất?
Ngày nay, chuyện đòi đất đó có thể đã trở thành viễn tưởng, nhưng không phải cái mộng vu vơ với ký ức xa xưa
về một đất nước mênh mông “phía bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Từ Xuyên),
phía đông giáp Nam Hải” [3] đó tắt hẳn trong lòng người Việt.
Cuốn sách The Birth of Vietnam đã có mặt từ hơn 30 năm nay, trong đó phần viết
về “kỷ” Triệu Đà ở giai đoạn đầu của lịch sử Việt Nam, như một phần của lịch sử dân tộc Việt, có phần nào gián tiếp gợi lại đại mộng oai
hùng của vị hoàng đế bách thắng Quang Trung, người từng buộc Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị phải mở đường thoát thân qua ngõ… ống đồng!
Dường như chưa một sử gia Việt Nam nào ngừng lại ở chỗ này để ngẫm nghĩ [4]
.
Điều bận tâm lớn nhất của các nhà sử học nghiên cứu lịch sử
Việt Nam từ trước đến nay là vấn đề nguồn gốc Dân tộc Việt Nam.
Trong Việt Nam
Sử Lược, sử gia Trần Trọng Kim viết: “Theo ý kiến những nhà kê cứu của nước Pháp, thì người Việt Nam và người Thái đều ở miền núi
Tây Tạng xuống. Người Việt Nam theo sông Hồng Hà lần xuống phía đông nam, lập ra nước Việt Nam ta bây giờ. […] Lại có nhiều người Tàu
và người Việt Nam nói rằng nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống [người] Tam Miêu ở, sau giống Hán Tộc (tức là người Tàu bây giờ) ở
phía tây bắc đến đánh đuổi người Tam Miêu đi, chiếm giữ lấy vùng sông Hoàng Hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía nam, người
Tam Miêu phải lẩn núp vào rừng hay là xuống ở miền Việt Nam ta bây giờ” [5]
.
Trước khi cuốn sách Việt Nam Sử Lược ra đời,
từ thập niên 20 thế kỷ XX trong giới nghiên cứu sử học Việt Nam đã có thêm một thuyết mới, cũng của một người Pháp, là Leonard Aurousseau,
cho rằng dân tộc Việt Nam là hậu duệ của dân nước Việt của Câu Tiển thời Chiến Quốc bên Tàu. Khi nước Việt này bị nước Sở diệt, dân Việt đó
chạy đến chiếm lĩnh vùng đất mà sau này trở thành miền Bắc Việt Nam, và sau đó họ trở thành dân tộc Việt Nam.
Cho đến thời điểm ra đời của cuốn sách Việt Nam Thời Khai Sinh của Giáo sư Nguyễn Phương, các thuyết liên quan
đến “người Thái” và “Tam Miêu” chẳng còn hấp dẫn, mà nhiều nhà nghiên cứu cũng đã tỏ ra không mặn mà lắm với thuyết di dân của Leonard
Aurousseau do thiếu tính chính xác lịch sử. Các phát hiện khảo cổ học mở ra cho các sử gia hướng nghiên cứu mới.
Giáo sư Nguyễn Phương dành nửa cuốn sách nghiên cứu các kết quả khảo cổ học mà cho đến lúc đó đã hiện khá rõ các mốc lớn trong quá trình tiến hóa liên tục của chủ nhân các nền văn hóa khảo cổ trên đất nước. Nhưng có lẽ do bị “kẹt” trong “tiền đề” của các nhà nghiên cứu nước ngoài không tin các nền văn hóa đó là của người Việt cổ,
nên ông vẫn không rời bỏ định hướng đưa dân bên ngoài vào làm dân Việt. Ông cho rằng: “Dân Việt Nam là người Trung quốc di cư sang từ thời
Bắc Thuộc” [6] . Và “Sự hình thành của dân Việt Nam đã bắt
đầu từ thời nhà Hán sang cai trị cổ Việt và kéo dài suốt mười thế kỷ mới hoàn tất với sự Ngô Quyền rồi Đinh Bộ Lĩnh tách rời ra khỏi Trung
quốc để lập một nước mới” [7] .
Nói như Giáo sư Nguyễn Phương, nếu dân tộc Việt Nam chỉ mới hình thành từ khi nhà Hán sang cai
trị cổ Việt, thì trước đó đất cổ Việt đã có ai đâu? Dân Hán chưa di cư đến thì họ sang cai trị ai? Còn nếu trước nhà Hán đã có dân Tàu
di cư tới ở đông đúc đợi người Hán sang cai trị, như Giáo sư Nguyễn Phương nói, thì đất đó là của nhà Hán, sao người Hán lại sang chinh
phục đô hộ đồng bào mình và lại gọi đó là đất cổ Việt, dân Cổ Việt? Mà có phải họ chờ đến mười thế kỷ sau, có đông người rồi mới xuất hiện
Ngô Quyền và Đinh Bộ Lĩnh đứng lên “tách rời ra khỏi Trung quốc để lập một nước mới” đâu? Ngay từ thế kỷ đầu Công Nguyên, hai Bà Trưng
đã “tách ra” để xưng vương rồi đó. Nếu hai Bà Trưng cũng là dân Tàu di cư sao hai bà lại nói người Tàu xâm lược mình và chống lại họ cho
tới chết? Sau hai Bà Trưng, những cuộc nổi dậy lớn nhỏ chống lại Trung quốc xâm lực không ngớt xẩy ra luôn trong mười thế kỷ. Không có
một cuộc nổi dậy nào được sử sách chép là người Tàu đòi ly khai cả! Ngay cổ thư Tàu cũng không sách nào nói thế.
Cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Phương xuất bản năm 1965; từ năm 1967 trở đi mới xuất hiện các
phát kiến mới của nhà nhân chủng học (anthropologist: nhà nhân loại học) người Mỹ Wilhelm G. Solheim II (1924 - 2014) về những cuộc
di dân của các chủng người Nam Đảo - Nam Á. Và mới đây là tác phẩm Eden in the East (Địa đàng ở phương Đông) của bác sĩ người
Anh Stephen Oppenheimer, cho các nhà nghiên cứu cảm hứng trong hướng giải quyết mới về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Tuy các nhà nghiên
cứu còn nhiều việc phải làm trước khi đi đến kết luận cuối cùng, nhưng từ nay thuyết Aurousseau không còn gây “lăn tăn” gì nữa.
Thuyết của Giáo sư Nguyễn Phương không đến nỗi khó nghe như có người nói dân tộc Việt Nam
chỉ mới bắt đầu “hình thành từ năm 1930 theo hướng dân tộc xã hội chủ nghĩa” [8]
, nhưng cũng không thuyết phục, như đã thấy.
Tuy không đặt trọng
tâm giải quyết vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam, cuốn sách The Birth of Vietnam khẳng định tính bản địa và liên tục của người Việt
Nam qua các giai đoạn văn hóa khảo cổ học phát hiện trên đất nước Việt Nam. Trước khi người Tàu đến, dân tộc Việt Nam đã có tổ chức quốc
gia và có một nền văn hóa riêng biệt.
Với thuyết “người Hán tràn ngập”, Giáo sư Nguyễn
Phương bi quan cho rằng: “Theo đà tiến triển của việc cai trị nhà Hán và các đời sau, dân Lạc Việt dần dần đã mất tính cách của một dân
riêng, một phần do sự đồng hóa rất khó nhọc, và rất chậm rãi với văn hóa Trung quốc (sự đồng hóa này không bao giờ thành) phần khác do
sự gia tăng ngày càng đông hơn của người Tàu đến lập nghiệp ở Giao Chỉ Cửu Chân, khiến cho thổ dân cuối cùng trở thành thiểu số; phần khác
nữa thổ dân lại có tính đố kỵ với văn minh phương bắc nên cố tránh những chỗ có người Tàu lập cư để rút vào xa hơn - có lẽ không xa lắm -
trong chỗ rừng hoang cây rậm, để sống mãi cuộc đời tự do phóng khoáng của người man di”
[9] , Tiến sĩ K.W. Taylor, trái lại, nhận thấy: “Các nghiên cứu mới đây về nhân chủng học vật lý cho thấy một sự liên tục đặc biệt trong tiến hóa về mặt chúng tộc của người miền bắc Việt Nam từ thời kỳ tiền sử xa xưa nhất cho đến hiện tại. Một sự liên kết chủng tộc rõ rệt từ kỷ nguyên này đến kỷ nguyên khác đã gạt bỏ bất cứ [giả thuyết về] một cuộc di dân ồ ạt đột xuất nào đủ lớn để coi đó là nguồn gốc của một dân tộc” [10] .
Còn về di dân người Hán, tiến sĩ K.W. Taylor cho biết: “Di dân người Hán vào Việt Nam không quá đông đảo với số lượng tràn ngập. Điều này được thấy rõ trong một nghiên cứu về các thống kê dân số, chỉ ra rằng không hề có một sự thay đổi bất thường nào về dân số ở miền Bắc Việt Nam trong thời nhà Hán. Dường như có đủ di dân [người Hán] để lập nên một tầng lớp thuộc giai cấp cai trị Hán - Việt cấu kết nhau, nhưng không đủ nhiều để có thể thống trị xã hội người bản địa về mặt hành chánh và văn hóa” [11] . Và tuy người dân bản địa “lệ thuộc thế giới của đế quyền phương bắc, nhưng họ là sản phẩm của một nền văn hóa phương nam” [12] .
Mặt khác, trong khi Giáo sư Nguyễn Phương cho rằng: “Dân Việt Nam do dân Trung Hoa di cư sang chớ không phải do người Lạc Việt mà ra nên mới có phong tục giống như người Trung Hoa” [13] , thì Tiết Tổng (Hsüeh Tsung), một người phục vụ dưới quyền Sĩ Nhiếp ngay vào thời đó đã nói ngược lại. Ông ta cho rằng “việc khai hóa [tức là đồng hóa] người
phương nam gần như là vô vọng. Tính ô hợp của các nhóm dân tộc khác nhau đủ để làm nản lòng hầu hết các nhà cai trị. Phong tục không đồng nhất,
và ngôn ngữ thì không hiểu nhau, phải cần đến nhiều lượt người thông dịch mới giao tiếp với nhau được”
[14] . Thế là thuyết dân Việt gốc Tàu của Giáo sư Nguyễn Phương đã bị chính người
Tàu tại chỗ thời bấy giờ bác bỏ rồi đó.
Và Tiến sĩ K.W. Taylor cũng nhận thấy một sự thật:
“Xã hội Việt Nam thường trái ngược với các giá trị của xã hội Trung quốc” [15]
. Và “Chắc chắn là di dân Trung quốc chịu ảnh hưởng từ văn hóa Việt Nam cũng nhiều như họ có thể bắt
văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn minh Trung quốc” [16]
.
Tiến sĩ K.W. Taylor nhận xét: “Việt Nam tiếp nhận
văn minh Trung quốc mà không làm mất bản tính của mình. […] Sau một hay nhiều thế hệ cư trú ở Việt Nam, các di dân Trung quốc, bất
kể ngoài mặt họ tỏ ra trung thành với các lý tưởng thiên triều Trung quốc, họ không thể nào không chịu ảnh hưởng từ các giá trị và
kiểu thức của xã hội Việt Nam” [17] .
Về nguồn gốc tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Phương viết: “Hầu như có thể nói được rằng tiếng
Việt Nam ngày nay sau mười thế kỷ độc lập vẫn còn là chính tiếng Tàu nhưng đọc lên hơi khác với các cách đọc của những tiếng địa phương
ở Trung quốc” [18] .
Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, khi cuốn sách Việt Nam Thời Khai Sinh ra đời, tính Nam Á
(Austroasiatic) của tiếng Việt đã được bàn đến, và ngay từ đầu thập niên đó, nhà ngôn ngữ học kiêm nhân chủng học người Pháp A.G.
Haudricourt đã đề xướng tiếng Việt nằm trong nhóm các ngôn ngữ Nam Á. Lúc đó các nhà ngôn ngữ học vẫn còn băn khoăn giữa những tranh
cãi của các ông… Tây: trong nhóm ngôn ngữ Nam Á người này nói tiếng Việt có yếu tố tiếng Thái, người khác nói tiếng Việt là tiếng Môn-Khmer;
và dù có người có ý cho nó thuộc ngữ hệ Tạng Miến (Tibeto-Burman) đi nữa, dường như không mấy ai nói tiếng Việt là tiếng Tàu như Giáo sư
Nguyễn Phương. Vào những năm 1970 nguồn gốc Nam Á của tiếng Việt đã được xác nhận. Năm 1974 giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ Gérard Diffloth
đưa ra bảng phân loại cho ngữ hệ này, nhưng sau đó tự chính ông bác bỏ. Và đến hơn mười năm trước đây, năm 2005 ông đưa ra cách phân loại mới,
theo đó tiếng Việt thuộc chi Việt - Katu (Các nhà ngữ học Việt Nam thường xếp tiếng Việt vào chi Việt - Mường hoặc Việt - Chứt), nhóm Môn-Khmer,
ngữ hệ Nam Á, và là ngôn ngữ có nhiều thanh điệu và nhiều người nói nhất trong hệ ngôn ngữ này.
Nửa thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc đã dùng phương pháp ông gọi là “ngôn ngữ tỷ hiệu” để “Lột
Trần Việt Ngữ” [19] , chứng minh tiếng Việt là
ngôn ngữ (của chủng người) Mã Lai (tức Nam Á). Mới đây, Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng đã dành 33 năm đời mình để khảo sát và xác lập “lý lịch”
(etymology) mang tính Nam Á của 27,400 từ đơn tiếng Việt trong bộ Từ điển Nguồn Gốc Tiếng Việt của ông (2014). Vậy là “căn cước” tiếng
Việt đã được xác định.
Còn tiếng Tàu thì thuộc một hệ ngôn ngữ hoàn toàn khác đã
biết rõ: ngữ hệ Hán - Tạng. Làm thế nào mà tiếng Việt lại là tiếng Tàu đọc hơi khác được chớ! Có lẽ Giáo sư Nguyễn Phương muốn nói đến
phương ngữ của một số địa phương miền nam Trung quốc (mà chính người Trung quốc cũng gọi là Việt ngữ), mà ông quên rằng dân ở vùng đó
vốn là người Bách Việt và họ cũng nói tiếng Nam Á. Còn tiếng Tàu thì khác!
Tiến
sĩ K.W. Taylor ghi nhận: “Dù chịu sự kiểm tra và đánh thuế từ các quan lại Tàu, người Việt Nam vẫn giữ nguyên bản chất của mình.
Họ không bao giờ để mất ngôn ngữ mẹ đẻ với những cảm xúc và tư tưởng riêng biệt của dân tộc hàm chứa trong ngôn ngữ ấy. Họ không bao
giờ mất niềm tin vào quá khứ và di sản của dân tộc trong quá khứ” [20]
.
Trong khi Giáo sư Nguyễn Phương nhận thấy người Lạc Việt
bản địa không có cửa biến thành… Tàu vì “sự đồng hóa rất khó nhọc, và rất chậm rãi với văn hóa Trung quốc (sự đồng hóa này không bao
giờ thành)” [21] , thì Tiến sĩ Taylor nhận thấy người
Tàu dễ dàng bị văn hóa Việt “tiêu hóa” mất tăm: “Ngôn ngữ của người Việt Nam vẫn tồn tại, và có thể nói mà không sợ sai lầm rằng sau
thế hệ đầu hay thế hệ thứ hai (các hậu duệ) người Hán đã nói tiếng Việt. Xã hội Việt Nam như một toàn thể vẫn tách biệt với nền văn minh
Trung quốc, và xã hội Hán Việt tồn tại như một cánh (wing) của thế giới văn hóa độc lập này. Di dân người Hán bị Việt Nam hóa dễ hơn
là người Việt bị Hán hóa” [22] .
Đọc các nhận xét đó trong cuốn sách The Birth of Vietnam, người đọc có cảm giác tác giả
gần gũi với mình và dành cho dân tộc Việt Nam nhiều tình cảm yêu mến rất cảm động.
Người viết không có kiến thức chuyên môn để bình luận về tác phẩm Việt Nam Thời Khai Sinh của Giáo
sư Nguyễn Phương và các vấn đề về “Khảo tiền sử”; các nhận xét trên đây chỉ là mấy điều suy nghĩ của một dịch giả nhân dịch cuốn sách
The Birth of Vietnam của Tiến sĩ Keith Weller Taylor [23]
mà quảng cách thời gian ra đời của nó so với Việt Nam Thời Khai Sinh, với nhiều kết quả mới trong
nghiên cứu, đã gợi cho tác giả của sách những nhận định tích cực về thời thượng cổ trong lịch sử Việt Nam, so với những hiểu biết
từ nửa thế kỷ trước.
Dĩ nhiên quan niệm của tác giả về lịch sử Việt Nam trong sách
có thể không hoàn toàn trùng hợp với sử quan của từng người chúng ta. Ngoài mức độ nhận thức, tư liệu lịch sử có được ở từng thời kỳ
nghiên cứu cũng là những lý do khách quan của các sai biệt có thể có.
Đôi chỗ tác
giả dịch các đoạn văn thơ từ nguyên tác chữ Hán và tư liệu từ các sách An Nam Chí Lược và Việt Điện U Linh Tập sang
tiếng Anh, khá lỏng lẻo và… tùy hứng. Với hiểu biết về chữ Hán không đong đầy một chiếc lá me, người viết đã phải cố gắng làm công việc
cực kỳ khó khăn là đối chiếu nguyên tác, và chú thích bổ sung vào bản dịch một số bài thơ chữ Hán. Cũng với khó khăn như vậy, để dịch
các đoạn văn An Nam Chí Lược và Việt Điện U Linh Tập từ tiếng Anh trở lại tiếng Việt cho chính xác mà không tham
khảo được nguyên bản chữ Hán, người viết phải tìm bản dịch của Giáo sư Lê Hữu Mục để chép lại cho được đầy đủ và trung thực. Xin hương
hồn Giáo sư Lê Hữu Mục thông cảm. -/.
[1] Sau năm 1975, đã được đổi tên Đường Ngô Quyền. Nhưng nghe nói ở khu phố 2, phường Hiệp Phú, quận 9 đang có một con đường mang tên Triệu Đà!
[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, sách đã dẫn, trang 383.
[3] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, sách đã dẫn, trang 23.
[4] Chúng ta nên biết rằng các triều đại nhà Nguyên (người Mông Cổ) và nhà Thanh (người Mãn Châu) xâm lược và chiếm đóng Trung quốc được nhà nước Trung quốc hiện nay coi là các triều đại chính thống trong lịch sử của họ.
[5] Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 17.
[6] Nguyễn Phương, Việt Nam thời Khai Sinh, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1965, trang 226.
[7] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, trang 244.
[8] “Hoàng Xuân Nhị trước đây nhận định dân tộc Việt Nam hình thành từ năm 1930 theo hướng dân tộc xã hội chủ nghĩa , nay cũng cho rằng, trước dân tộc xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có một quá trình hình thành dân tộc sớm hơn.” Viện Sử Học, Sử học Việt Nam trên đường phát triển, Nxb Khoa Học Xã Hội, HN, 1981, trang 60.
[9] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, trang 191.
[10] Recent studies in physical anthropology reveal a remarkable continuity of racial evolution in northern Vietnam from earliest prehistoric times to the present. A marked racial connectedness from one era to another rules out any large-scale, sudden migration of sufficient magnitude to account for the origin of a people. The Birth of Vietnam page 17.
[11] Han immigration into Vietnam was not overwhelming. This is clear from a study of census statistics, which indicate that there were no abnormal demographic changes in northern Vietnam during Han. There were apparently enough immigrants to form a coherent Hán-Việt ruling class society throughout most of northern Vietnam, but not enough to administratively or culturally dominate the indigenous society. The Birth of Vietnam, page 54.
[12] They belonged to a northern empire, but they were of a southern culture. The Birth of Vietnam, page 130.
[13] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, trang 194.
[14] (It was nearly hopeless to try to civilize the people in the south. The heterogeneity of the different ethnic groups was enough to daunt most administrators: “Customers are not uniform and languages are mutually unintelligible so that several interpreters are needed to communicate.” (The Birth of Vietnam, page 75)
[15] (Vietnamese society frequently contradicted the values of Chinese society. The Birth of Vietnam, page 130)
[16] (Chinese immigrants were certainly influenced by Vietnamese culture as much as they were able to influence it, The Birth of Vietnam, page 130).
[17] Việt Nam received Chinese civilization without losing its own personality. […] After a generation or more of residence in Việt Nam, Chinese immigrants no matter how outwardly loyal they may have remained to the imperial ideals of China. Could not helped being influenced by the values and patterns of Vietnamese society. The Birth of Vietnam, 130.
[18] Sách đã dẫn, trang 230
[19] “Lột Trần Việt Ngữ” là tên một tác phẩm nghiên cứu ngôn ngữ Việt của nhà văn Bình Nguyên Lộc, Nxb Nguồn Xưa, Saigon, 1972.
[20] Although registered and taxed by Chinese officials, the Vietnamese remained true to themselves. They never lost their language, with the distinctive emotions and thoughts it evokes. They never broke faith with their past and its heritage. The Birth of Vietnam, page 181.
[21] Và Lưu Hy thời Sĩ Nhiếp đã nói là vô phương.
[22] (The Vietnamese language survived, and it is reasonable to assume that after the first or second generation Han immigrants spoke Vietnamese. Vietnamese society as a whole remained separate from Chinese civilization, and Han-Viet society existed as a wing of this autonomous cultural world. Han immigrants were more effectively “Vietnamized” than the Vietnamese were sinicized” The Birth of Vietnam, page 53)
[23] Bản dịch do công ty Văn hóa Truyền Thông Nhã Nam sắp in.
[1] Sau năm 1975, đã được đổi tên Đường Ngô Quyền. Nhưng nghe nói ở khu phố 2, phường Hiệp Phú, quận 9 đang có một con đường mang tên Triệu Đà!
[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, sách đã dẫn, trang 383.
[3] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, sách đã dẫn, trang 23.
[4] Chúng ta nên biết rằng các triều đại nhà Nguyên (người Mông Cổ) và nhà Thanh (người Mãn Châu) xâm lược và chiếm đóng Trung quốc được nhà nước Trung quốc hiện nay coi là các triều đại chính thống trong lịch sử của họ.
[5] Trần Trọng Kim, sách đã dẫn, trang 17.
[6] Nguyễn Phương, Việt Nam thời Khai Sinh, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1965, trang 226.
[7] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, trang 244.
[8] “Hoàng Xuân Nhị trước đây nhận định dân tộc Việt Nam hình thành từ năm 1930 theo hướng dân tộc xã hội chủ nghĩa , nay cũng cho rằng, trước dân tộc xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có một quá trình hình thành dân tộc sớm hơn.” Viện Sử Học, Sử học Việt Nam trên đường phát triển, Nxb Khoa Học Xã Hội, HN, 1981, trang 60.
[9] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, trang 191.
[10] Recent studies in physical anthropology reveal a remarkable continuity of racial evolution in northern Vietnam from earliest prehistoric times to the present. A marked racial connectedness from one era to another rules out any large-scale, sudden migration of sufficient magnitude to account for the origin of a people. The Birth of Vietnam page 17.
[11] Han immigration into Vietnam was not overwhelming. This is clear from a study of census statistics, which indicate that there were no abnormal demographic changes in northern Vietnam during Han. There were apparently enough immigrants to form a coherent Hán-Việt ruling class society throughout most of northern Vietnam, but not enough to administratively or culturally dominate the indigenous society. The Birth of Vietnam, page 54.
[12] They belonged to a northern empire, but they were of a southern culture. The Birth of Vietnam, page 130.
[13] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, trang 194.
[14] (It was nearly hopeless to try to civilize the people in the south. The heterogeneity of the different ethnic groups was enough to daunt most administrators: “Customers are not uniform and languages are mutually unintelligible so that several interpreters are needed to communicate.” (The Birth of Vietnam, page 75)
[15] (Vietnamese society frequently contradicted the values of Chinese society. The Birth of Vietnam, page 130)
[16] (Chinese immigrants were certainly influenced by Vietnamese culture as much as they were able to influence it, The Birth of Vietnam, page 130).
[17] Việt Nam received Chinese civilization without losing its own personality. […] After a generation or more of residence in Việt Nam, Chinese immigrants no matter how outwardly loyal they may have remained to the imperial ideals of China. Could not helped being influenced by the values and patterns of Vietnamese society. The Birth of Vietnam, 130.
[18] Sách đã dẫn, trang 230
[19] “Lột Trần Việt Ngữ” là tên một tác phẩm nghiên cứu ngôn ngữ Việt của nhà văn Bình Nguyên Lộc, Nxb Nguồn Xưa, Saigon, 1972.
[20] Although registered and taxed by Chinese officials, the Vietnamese remained true to themselves. They never lost their language, with the distinctive emotions and thoughts it evokes. They never broke faith with their past and its heritage. The Birth of Vietnam, page 181.
[21] Và Lưu Hy thời Sĩ Nhiếp đã nói là vô phương.
[22] (The Vietnamese language survived, and it is reasonable to assume that after the first or second generation Han immigrants spoke Vietnamese. Vietnamese society as a whole remained separate from Chinese civilization, and Han-Viet society existed as a wing of this autonomous cultural world. Han immigrants were more effectively “Vietnamized” than the Vietnamese were sinicized” The Birth of Vietnam, page 53)
[23] Bản dịch do công ty Văn hóa Truyền Thông Nhã Nam sắp in.