Bàn về Nụ Cười này, Ngài Vô Môn, trong VÔ MÔN QUAN đã viết bằng ngôn ngữ " đặc trưng" của Nhà Thiền, là hết sức cao ngạo. Coi Đức Thích Ca, và Ngài Ca Diếp như đồng hàng! Nhưng Ngài cũng chỉ nói lòng vòng, chẳng bàn giải được gì, chỉ nêu thêm những thắc mắc quanh nụ cười đó, để ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Xin trích nguyên văn lời bàn như sau:
"Lão Cồ Đàm mặt vàng không coi ai ra chi, ép tốt thành xấu, treo đầu heo bán thịt chó, coi bộ cũng tài đó ! Giả như bấy giờ cả đám đều cười cả thì nhãn tạng chính pháp làm sao truyền? Lại giả như Ca Diếp không cười thì nhãn tạng chính pháp làm sao truyền được? Nếu nói nhãn tạng chính pháp có truyền thụ, thì lão mặt vàng đã lừa gạt bà con lối xóm; còn nếu bảo không truyền thọ, sao chỉ truyền cho Ca Diếp? (Vô Môn Quan).
Trước khi đi vào đề tài chính, xin bàn qua một chút về ngôn ngữ của Nhà Thiền.
Đọc một số các Thiền Sư trong Vô Môn Quan, ta thấy các Ngài hiểu lầm Đạo Phật rất nhiều. Hình như đa phần các Ngài không nắm vững mục đích và phương tiện của Đức Thích Ca khi truyền bá Đạo Phật. Vì thế, không giống như mục đích của người tu Phật là đi tìm Con Đường Giải Thoát. Người Tu Thiền chỉ chú trọng phần "chứng ngộ", nên họ quên ăn, bỏ ngủ để "Tham Công Án", vì điều đó được xem là phương tiện tối ưu, sẽ đưa tới chứng đắc!. Mỗi người được giao cho 1 Công án để Tham Giải được, là được ấn chứng! Thậm chí như Ngài Vô Môn, sau 6 năm giải không ra, thề quyết không ngủ, cuối cùng chỉ đọc 4 câu Kệ gồm 20 chữ VÔ để giải Công Án VÔ, chẳng hiểu nghĩa lý ra sao, mà cũng được cho là chứng đắc!
Phần khác, hình như các vị Tu Thiền ít quan tâm đến Kinh điển, là những gì Đức Thích Ca trong 49 năm thuyết pháp lần lượt giảng dạy cho người tu Phật. Bởi không phải chỉ cần l lần giảng mà người nghe đã hiểu, nên Ngài phải dùng nhiều phương tiện, lần lượt đưa từ thấp lên cao, từ Phát Tâm cho đến rốt ráo. Tất cả đều nằm trong các Bộ Kinh. Nhưng họ không quan tâm đến, chỉ nghe được câu của Ngũ Tổ bảo Ngài Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh: "Nếu chẳng biết Bổn Tâm thì học pháp vô ích. Bằng biết Bổn Tâm và Thấy được Bổn Tánh mình, tức gọi là truợng phu, là Phật, thầy cõi trời và cõi người vậy". Thế là chẳng cần hiểu hết ý của câu này. Chẳng cần biết cõi trời, cõi người đó là ở đâu? Cũng không hiểu Tánh là gì? Thấy Tánh là thế nào? Giải được Công Án chữ VÔ hay chữ nào đó, lại tưởng lầm là Thấy Tánh rồi cho rằng mình đã là Phật, "là thầy cõi trời, cõi người"! Do đó, đa phần các vị Thiền Sư coi mình hơn cả Phật, Tổ. Ngài Pháp Diễn còn ra Công Án: "Thích Ca, Di Lặc còn là tôi đòi của kẻ ấy"! Bao nhiêu đó đủ biết mức độ cao ngạo của các Ngài tới đâu, trong khi đó thì hành trì của họ là THIỀN ĐỊNH, chỉ là một trong Lục Độ của người tu Phật, còn phải tu tập nhiều thứ khác nữa.
Từ Tu Phật, cho tới thời của các Thiền Sư thì trở thành TU THIỀN! Họ lập ra được 5 phái, dương oai diệu võ một thời. Nói năng thì kiêu mạn. Giảng dạy thì chỉ là đánh, hét, quăng gậy, đưa phất tử hay tích trượng lên xuống… không nói một lời. Không chút nào giống bên Phật gia. Vì thế nhiều người cùng thời cũng đã chỉ trích, cho là họ đã đi quá xa so với Đạo Phật.
Những tưởng các phái Tu Thiền sẽ phát triển rầm rộ, sẽ làm bá chủ thiên hạ. Nhưng về sau, cách đây gần 50 năm, Thiền Sư Nguyệt Khê đã trích lời của thiền Sư Pháp Diễn viết về họ như sau: "Pháp Nhãn Tông truyền sang Cao Ly. Vân Môn Tông đã thất truyền từ lâu. Chỉ còn 3 phái: Quy Ngưỡng, Lâm Tế và Tào Động. Nhưng con cháu các Tông chỉ ghi trên pháp quyển là Thiền Sư đời thứ mấy mà thôi. Hỏi về gia phong tông chỉ thì ngơ ngác không thể trả lời" (Cội Nguồn Truyền Thừa).
Phải chăng đó là hệ quả tất yếu của việc truyền thừa bằng cách " đưa ngón tay lên" mỗi khi có ai hỏi pháp. Hoặc đánh, hét, nói nhạị, tức là lập lại câu hỏi, chẳng giải thích lời nào khi đệ tử hay có người tham hỏi? Trong khi Đức Thích Ca bắt đầu từ lúc khai sáng Đạo Phật thì giảng pháp không ngừng. Cho tới trước khi nhập diệt còn cho đệ tử thông báo để ai còn điều gì thắc mắc cứ đến, Ngài giải đáp cho. Vậy mà người nghe còn không lãnh hội hết! Lục Tổ cũng giảng dạy cho đến cuối đời. Trước khi ra đi còn họp đệ tử lại để dạy cách thuyết giảng và phổ biến Chánh Pháp cho hậu thế.
Cũng chính vì không được đào tạo căn bản theo Đạo Phật, mà chỉ cho Tham duy nhất một Công Án! Không hề được nhắc phải giữ GIỚI, lập hạnh. Chẳng dạy phải Từ, Bi, Hỉ, Xả hay trừ Tam Độc. Cũng chẳng cần Bát Chánh Đạo… nên mới có Thiền Sư chém rắn, giết mèo, không coi Giới cấm của Đạo Phật ra gì! Và cũng do không có Giới, không tư duy, quán sát nên làm sao đắc được cái VÔ NGÃ? Bởi thế nên các vị đó đâu có được Thân, Khẩu, Ý ba nghiệp thanh tịnh như các Tổ, mới có những lời phát ngôn mắng Tổ, chửi Phật. Gọi thầy bằng lão già. Cho Phật là "que cứt khô", là "ba cân mè"! Hậu quả của những kiêu mạn, ngông nghênh đó là đưa pháp môn của mình đến diệt vong. Âu cũng là một bài học cho những ai ham tu tắt mà muốn tới cao!
Chúng ta quay về với Ngài Ca Diếp.
Khi Đức Thích Ca trước chúng hội cầm cành hoa đưa lên, đại chúng ngơ ngác không hiểu Ngài muốn nói gì thì Ngài Ca Diếp mỉm cười. Đức Thích Ca bèn tuyên bố trao Y BÁT cho Ngài. Sự kiện này làm cho nhiều người ngạc nhiên và về sau các phái Tu Thiền dùng để làm Công Án, cho nụ cười đó là " Đốn Giáo", là "Giáo ngoại biệt truyền"!
Rõ ràng họ chỉ nhìn sự việc tại chỗ để kết luận mà không nhìn lại quá khứ để biết rằng Đức Ca Diếp là một trong những đệ tử đã theo học với Đức Thích Ca từ khi Ngài bắt đầu giảng dạy. Với từng ấy năm theo hầu Phật đương nhiên là Ngài đã thắm nhuần giáo lý, nắm vững đường lối tu hành, thực hành đầy đủ những gì được hướng dẫn. Trong Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa, khi họp đại chúng để giàng dạy, ta thấy viết: "Một thuở nọ Đức Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá, chúng đại Tỳ Kheo một muôn hai nghìn người câu hội. Các vị đó đều là bậc A La Hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, việc lợi mình đã xong, dứt sự ràng rịt trong các cõi, tâm được tự tại. Tên của các vị đó là A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên vv… Đó là những vị Đại A La Hán hàng tri thức của chúng".
Thời điểm đó mà Ngài Ca Diếp đã: "Các lậu đã hết, không còn phiền não, việc lợi mình đã xong, dứt sự ràng rịt trong các cõi, tâm được tự tại…" Như vậy, phải đâu vừa mới gặp Phật vài hôm hoặc vài tháng rồi cười mà Ngài được truyền Y Bát? Ngay trước khi Phật giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì Ngài đã là một trong những vị A La Hán. Đến Phẩm Thọ Ký thì người đầu tiên được Phật thọ ký là Ngài. Kinh viết: "Ông Ma Ha Ca Diếp, đệ tử của ta, ở đời vị lai sẽ phụng thờ ba trăm muôn ức các đức Thế Tôn, cúng dường, tôn trọng ngợi khen, rộng nói vô lượng đại pháp của các đức Phật, ở nơi thân rốt sau đặng thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô Thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn".
Rồi từ lúc được Thọ Ký cho đến lúc được truyền Y Bát còn phải qua bao nhiêu thời gian tu hành nữa ? Bao nhiêu đó đủ thấy các Nhà Thiền do không tham khảo lịch sử của Đạo Phật nên đã kết luận sai, khi cho cái cười đó là "Giáo ngoại biệt truyền" tức là chỉ truyền riêng cho Ngài Ca Diếp!
Để hiểu vì sao có Nụ Cười đó, ta sẽ đối chiếu với mục đích và con đường tu hành của Đạo Phật ta để thấy như sau:
Trước thời Đức Thích Ca đi tu thì ở Ấn Độ đã có đa thần giáo. Họ thờ đủ thứ thần. Vị nào cũng được tô vẽ bằng quyền phép, thần lực vô song. Chính Đức Thích Ca buổi đầu cũng bị nhầm lẫn đi theo học với họ. Cho đến khi Ngài thấy các giáo phái đó, những cách hành trì đó không cho Ngài lời giải đáp về SINH, LÃO, BỊNH, TỬ của kiếp người một cách thỏa đáng, nên đã chọn phương pháp Tĩnh Tự, hay còn gọi là Tư Duy Tu, sau này gọi là Thiền Định để hành trì thì mới tìm ra.
Mục đích tu hành của Đức Thích Ca là làm sao cho kiếp người không còn KHỔ vì SINH, LÃO, BỊNH, TỬ, mà theo Ngài, cảnh này diễn ra triền miên không dứt, từ kiếp này, sang kiếp khác, như bánh xe, cứ quay hết vòng là trở lại vòng đầu, mà Ngài gọi là LUÂN HỒI. Điều Ngài tìm được trong quá trình THIỀN ĐỊNH là Cái VỌNG TÂM. Chính nó là thủ phạm đã gây ra mọi chuyện. Vì thế, Ngài đưa ra phương pháp Điều Phục hay là chuyển hóa cái TÂM, để con người, từ sinh ra, lớn lên, cả đời sống với Phiền Não mà được Thoát Phiền Não, giống như loài HOA SEN, sinh ra, lớn lên trong bùn mà vẫn nở hoa thanh khiết, không vương mùi bùn. Chính vì ý nghĩa đó mà HOA SEN, Vàng hay Trắng được dùng làm biểu tượng cho Đạo Phật, và hình tượng Phật được mô tả ngồi trên đài Sen, nói lên đó là vị đã Giải Thoát khỏi phiền não.
Nhưng phải nói thế nào để con người có thể chấp nhận được, vì họ quá quen với sự Tham Lam, tìm cầu vật chất. Tinh thần thì nương tựa vào tha lực với những vị Thần Thánh toàn quyền thưởng phạt, sinh sát? Do vậy mà Đức Thích Ca phải bày ra phương tiện. Để gở những sự tin tưởng tuyệt đối vào Thần Linh thì có Phật, Bồ Tát linh thiêng sẵn sàng cứu độ. Để làm cho con người bớt đắm vào những báu vật của trần gian là vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu... rồi tìm cách giết hại nhau để tranh đoạt để rồi tạo nghiệp, thì có Tây Phương Cực Lạc với Bảy Báu, dây vàng giăng khắp, nhìn đâu cũng thấy thỏa mắt, vừa tai. Để dụ con người hạn chế bớt lục dục, thất tình thì có những Quả Thánh. Để con người bớt tham lam, ích kỷ lại đối tốt với cha mẹ, sư trưởng, bằng hữu và những người chung quanh… thì có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Phật, để ai muốn được như thế thì thực hành theo. Nhưng chung cuộc vẫn là dùng phương tiện, đưa ra những thứ tốt đẹp hơn cái mà mọi người đang ham thích, để họ thấy cái kia mới quý giá hơn, mà bớt đắm đuối vào cái giả tạm, phù du đang ôm giữ, tìm cầu.
Phải chăng cuộc đời sở dĩ rối loạn vì nước này xâm lăng, nước khác. Kẻ nọ muốn tiêu diệt người kia vì muốn có thêm nhiều tài nguyên, vật chất để hưởng thụ? Gia đình lục đục, anh em nồi da nấu thịt cũng chỉ vì dành nhau chút lợi danh cho cái Thân được hưởng? Trong khi đó, mọi thứ dành được đều sẽ kết thúc theo cái cái Thân, vì cuộc sống đâu có kéo dài quá trăm năm? Đôi khi mãi đấu tranh, chưa kịp hưởng gì thì thần chết đã lù lù tới! Lẽ ra cảnh trần sẽ được an lành hơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu nếu con người biết yêu thương nhau và chung tay lo xây đựng cho nó. Do đó, Đạo Phật xuất hiện nhằm đưa ra những cái nhìn thực tế về kiếp sống để người nào tin theo, thì quán sát, tư duy, sau đó xả bớt những ham mê, tìm cầu để đạt được: Là một cuộc sống an, chết lành, kiếp sau nếu có thì càng tốt đẹp hơn do kiếp này không tạo ác nghiệp.
Một hành tinh xanh được mọi người cư ngụ trên đó không phân biệt chủng tộc, màu da cùng nhau vun đắp. Những quốc gia thái bình, thịnh trị, không còn cảnh chiến tranh, tàn sát, tranh dành với nhau. Những xã hội yên bình với mọi công dân trên dưới đồng lòng, tùy phận mình mà đóng góp cho giàu đẹp thêm. Người giàu giúp người nghèo. Người khỏe đỡ đần cho người yếu. Cộng đồng quan tâm tới những người neo đơn, không nơi nương tựa. Những mái nhà ấm áp, đầy yêu thương, luôn vang lên tiếng cười trẻ thơ. Trong đó nhiều thế hệ chung sống, quây quần, cùng chia sẻ buồn vui của kiếp sống. Nếu thế giới, xã hội, gia đình bình an như thế, và mọi người cứ sống an vui cho đến hết kiếp của mình chẳng phải là Niết Bàn hay Thiên đàng đó sao? Đó chẳng phải là những gì mà Đức Thích Ca mong mỏi, mà cũng là ước mơ của mọi tôn giáo và những nhà chính trị và xã hội sao? Điều đó không khó thực hiện, chỉ cần mỗi người tự chỉnh sửa cái tâm của mình, bởi đến nay mọi người đều đồng ý: "Tâm bình, thế giới bình".
Đạo Phật đưa ra bao nhiêu lý thuyết cao siêu với những cảnh giới, quả vị, để người muốn đạt được thì phải GIỮ GIỚI, phải XẢ bớt những vướng mắc vào các pháp. Cuối cùng cái đạt được là một sự an lạc trong Tâm giữa dòng đời đầy biến động. Chắng phải là để thành Thánh, thành Phật, ngồi trên tòa sen cứu nhân độ thế. Vì thế, khi Đức Thích Ca đưa cành SEN lên, Ngài Ca Diếp hiểu ngay ý Ngài. Trong khi đại chúng còn đang mơ màng những cõi Phật, với những Bồ Tát linh thiêng, thánh chúng… đâu đâu xa vời, thì Ngài Ca Diếp mỉm cười để tỏ ý là Ngài đã hiểu hết ý nghĩa của Đạo Phật qua cành Sen kia. Chính vì vậy mà Đức Thích Ca mới truyền Y BÁT, giao lại chánh pháp cho Ngài Ca Diếp tiếp tục đảm đương, vì Phật biết thời kỳ hóa độ của Ngài sắp kết thúc.
Thời gian đầu, khi Đạo Phật chưa phổ biến rộng thì Y Bát chỉ là tín hiệu để người muốn tu học nhìn vào đó mà nhận ra người đang thay thế cho vị Tổ trước. Nhưng càng về sau, khi Đạo Phật được nhiều người tin, nghe thì Y BÁT lại được những người tham quyền, tham lợi nhắm vào. Họ sẵn sàng giết người giữ nó để chiếm đoạt. Lục Tổ mấy lần suýt chết vì giữ Y BÁT. Lần đầu, nhờ Huệ Minh dở không lên, nên biết đó không phải là vật để tranh chấp, mới quay lại xin nghe pháp! Lần thứ nhì họ xúm lại đốt cả chùa nơi Ngài trú ngụ. Nhờ may mắn trốn vào kẹt núi mà Ngài mới thoát! Lần cuối, họ phái thầy Tăng Chí Triệt đến ám sát. Tổ phải ngửa cổ cho chém 3 dao mà không đứt mới chịu quăng dao sám hối! Chính vì vậy mà Ngũ Tổ dặn Lục Tổ phải dấu Y Bát đi, không được truyền nữa. Y Bát mất dấu, người tu Phật cũng mất tín hướng từ đó.
Y Bát thì mất dấu, nhưng những cái tâm tham địa vị tu hành, muốn thống lãnh đồ chúng cũng không vì thế mà mất. Họ tìm mọi cách để được làm Tổ, làm thầy. Họ bỏ ăn, mất ngủ để tham Công Án, hy vọng được chứng đắc! Họ vò đầu bứt tai xem tại sao Cười? Cười như thế nào để được truyền Y Bát? Không chút gì để tâm đến việc tu sửa. Cứ tưởng đạt được Y bát là nghiễm nhiên được làm Tổ! Giả sử là ta, nếu có dành được Y Bát, thì khi phải giảng pháp liệu có gì để nói? Chắc cũng phải bắt chước Hòa Thượng Câu Chi: " đưa ngón tay lên" khi có ai hỏi pháp, hoặc hét, đánh, nhại lại câu hỏi để dấu dốt thôi!
Tại sao cứ đòi làm thầy mọi người, trong khi làm thầy bản thân chưa xong? Không biết là Thành Phật chỉ là đạt được cái tâm thanh tịnh, an lạc, mà Tâm thanh tịnh chính là Tịnh Độ, là Phật Quốc. Người tu cứ kiên nhẫn hành trì. Đến lúc nào đó, khi điều phục xong cái Vọng Tâm thì Nụ Cười cũng sẽ đến. Nhưng đây không phải là nụ cười của Ngài Ca Diếp, mà hơn thế nữa, là nụ cười của Đức Di Lặc, vì sáu tên giặc: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, giờ đây đã trở thành 6 đứa trẻ nô đùa chung quanh người tu, không còn hung hãn, phá phách như trước. Nụ Cười nói lên cái nội tâm an lạc vĩnh viễn đó mới chính là cái mà người tu cần tìm, là sự đánh đổi xứng đáng cho những tháng ngày hành trì gian khổ vậy. ♡ -/.