Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


THÓI TÍNH NGƯỜI VIỆT




P hải nói luôn rằng, tôi là người Việt, rất Việt. Tôi yêu đất nước Việt, yêu con người Việt, yêu những gì được mệnh danh là Văn hóa Việt. Và chính vì yêu, rất yêu nên tôi luôn mong muốn người Việt mình có những phát triển tốt hơn về nhiều mặt, có những hành xử hay đem lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, và để làm được như vậy, ta phải minh định những gì hay dở, sai đúng trong quá trình sống xử. Trên con đường chinh phục đỉnh cao nhân loại, con người vẫn luôn luôn tự điều chỉnh, lược bỏ bớt những hành vi không tốt, nhằm giảm thiểu những nguy hại cho chính mình và cho cả cộng đồng. Với mục đích ấy, tôi xin điểm qua một số thói tính nho nhỏ chưa tốt lắm của người Việt, mong được góp một tiếng nói, giúp mỗi người trong chúng ta có thêm sự nhìn nhận và điều chỉnh, để cuộc sống người Việt ta ngày càng được văn minh hơn, tốt đẹp hơn, xứng đáng là con Rồng cháu Tiên của ông cha hàng nghìn năm thuở trước, xứng đáng là một dân tộc Việt Nam có vị trí tầm vóc trên bản đồ thế giới, và thực sự là một dân tộc cường thịnh về mọi mặt.

Trong phạm vi cá nhân, không tránh khỏi những góc nhìn chủ quan và phiến diện, nên rất mong nhận được những ý kiến xác đáng và thiện chí.

1. TÍNH TUỲ TIỆN

Đây là một thói tính rất phổ biến.

Tùy tiện ăn, tùy tiện nói, tùy tiện xả rác, tùy tiện khạc nhổ, tùy tiện bài tiết, tùy tiện giao thông, tùy tiện sử dụng chiếm dụng của công… Những tùy tiện này đều nhằm mục đích, được việc cho mình trong chốc lát, mà không cần quan tâm ảnh hưởng đến cảm quan và lợi ích của những người chung quanh, rộng hơn nữa là văn hóa công cộng. Ai cũng nghĩ, người ta làm được mình làm được, dễ bắt chước cái xấu hơn cái tốt. Trong khi không quá khó để thay đổi những hành vi thông thường ấy. Chỉ cần biết tôn trọng người khác một chút, tự trọng mình một chút, thì vấn đề sẽ có chiều hướng khác ngay. Nhưng có vẻ người ta thường tiếc thêm một chút thời gian cho một việc làm hay, và càng khó hiểu hơn nữa, cảm giác xấu hổ nếu mình hành xử hay hơn người khác. Tâm lý sợ bị đám đông khích bác dè bỉu mạnh hơn tâm lý mình cứ việc làm tốt người khác sẽ phải làm theo. Đa phần công chúng không tự có ý thức mình phải là người đi trước cho một động thái tích cực, mà luôn có ý nghĩ “ai sao mình vậy”, ít nhất cũng cảm thấy an toàn vì mình không bị tách biệt, không bị sự soi mói lập dị, không bị coi là kẻ ưa làm nổi, nói chung là không đủ tự tin để làm những việc khác người cho dù biết việc làm đó là đúng.

Sự tùy tiện trong nhiều hình thái lĩnh vực gần như xảy ra hàng ngày. Gần như trở thành những hành vi đương nhiên không cần phải suy xét. Tùy tiện đã trở thành thói quen, thành một phần của tính cách. Chính vì vậy mà hầu như không có sự phân biệt được mất hay dở ở nhiều góc độ cá nhân và xã hội. Sự tùy tiện dẫn đến luộm thuộm, bê bối, cẩu thả, thiếu văn hóa, vì thế mà tự đánh mất phần lớn giá trị của bản thân và cộng đồng.

2. COI TRỌNG LỢI ÍCH NHỎ NHẤT THỜI

Lợi ích nhỏ hay nói rõ hơn là lợi ích cá nhân. Lợi ích nhất thời hay lợi ích trước mắt. Hầu hết người ta không có tầm nhìn xa, mà chỉ thấy trước mắt có chút lợi nhỏ thì làm luôn cái đã, có hậu quả hệ lụy gì tính sau. Chính vì tư tưởng này mà không những mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mà rộng hơn là toàn xã hội luôn đẻ ra những bất hợp lý, hậu quả nhiều khi là nghiêm trọng và dai dẳng, sự khắc phục nếu có sẽ là rất lâu dài và tốn kém, một số thì không thể. Ví dụ nhỏ như cho vay lãi cao chẳng hạn, vì sao những vụ bể nợ lại có những con số khủng khiếp đến thế? Vì sao sự thiệt hại có tính dây chuyền lại xảy ra nhiều đến thế? Cũng chỉ vì nhìn thấy cái lợi tức thời mà không hề lo lường những nguy hại về sau. Tâm lý ăn xổi này không những tự gây khó cho mình, mà còn đánh mất những cơ hội phát triển bền vững. Đành rằng, trong một bối cảnh, trong một chừng mực không phải điều gì cũng có thể nhìn xa và chọn lựa. Nhưng nếu có sự cân nhắc hợp lý, điều chỉnh cần thiết, thì vẫn có thể thu được những mối lợi tương ứng mà vẫn tránh được sai sót lớn về sau. Nhưng sự cân nhắc và tầm nhìn luôn bị hạn chế bởi sự nóng vội thu lợi, với ý nghĩ, không nhanh tay thì người khác sẽ hớt ngay, hãy cứ bỏ túi được ít nào cho chắc ít đó đi đã, suy nghĩ này không những gây trở ngại, phá hỏng kha khá những công trình, mà còn gây thêm nhiều mâu thuẫn, hiềm thù vì sự đua tranh nhiều khi rất là vụn vặt nhỏ nhặt, nhưng lại dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Có lẽ chưa ai, hay ít ra cũng không nhiều người nghĩ rằng “Lợi ích cộng đồng cũng tương tác phù trợ cho lợi ích cá nhân nhiều lắm”. Một khi vòng quay chung quanh ta có trơn tru thuận lợi thì đương nhiên những mục đích cá nhân cũng được tuần hành theo. Còn nếu, vòng quay đang thuận lợi mà một ai đó hay chính bản thân mình vì một lý do gì đó gây trở ngại, như một viên sỏi rớt ngang vào thì rõ ràng không thể không ảnh hưởng. Hãy thử tưởng tượng xem, một chiếc xe đang ngon trớn bỗng nhiên bị giật cục hoặc nhảy chồm lên rồi khựng lại, chỉ vì một vật cản dù rất nhỏ trên đường, và không thể không thấy rằng cuộc hành trình ấy đã bị gián đoạn trong một thời khắc. Và nếu khi chiếc xe lăn bánh tiếp, thì cũng không thể phăm phăm ngon trớn như lúc đầu vì phải lo lắng đề phòng. Vậy, thử vận dụng vào các hình thái rộng hơn, sẽ không khó để nhìn những ách tắc hàng ngày. Và những tiêu cực tham nhũng cũng xuất phát từ đấy, vì ai cũng nghĩ đến được việc ngay cái đã, mỗi bên đều đạt được một chút lợi lộc là tốt rồi. Sự bắt tay móc ngoặc của một số cá nhân, nhưng lại phá hại rất nhiều những lợi ích lớn lâu dài của cả một khu vực hay nhiều hơn thế. Vậy đó, khi phán xét chỉ trích những hành vi trục lợi cá nhân, ai cũng thấy những tác hại rõ rệt. Ai cũng tỏ ra bức xúc, cũng nghĩ rằng lẽ ra phải… phải… nhưng dường như họ không hề soi lại chính mình, rằng cũng đã không ít lần… cho dù hình thức không giống nhau. Liệu có thể nào không? Khi con người ta biết từ chối những món lợi cá nhân khi quan tâm đến lợi ích cộng đồng? Hay ít nhất cũng cần phải nhìn xa hơn bản thân mình một chút.

3. LUÔN ĐÒI HỎI NGƯỜI KHÁC NHƯNG KHÔNG NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH

Đa số người ta rất dễ buông lời chê bai người khác, chưa biết đúng sai gì cứ chê luôn cái đã, và hầu như khi nhìn vào một người mà họ chưa hiểu gì về người đó, thì điểm mà họ nhìn thấy đầu tiên luôn là điểm để chê trách, dè bỉu. Bất kỳ ai, cho dù đã lập được rất nhiều công tích, đã đóng góp cống hiến rất nhiều công sức cho cộng đồng, chưa chắc đã được nhiều người biết đến, nhưng chỉ cần người đó, chưa hẳn là làm sai, mà làm không được như mong muốn của nhiều người khác thì lập tức bị chỉ trích, khích bác, thậm chí chửi rủa bằng nhiều thứ từ ngữ thô thiển nhất. Mà đoan chắc rằng trong số những người lớn tiếng kẻ rạch soi mói biếm nhẽ người khác ấy thì bản thân chưa chắc đã làm được chút gì gọi là ích lợi cho mình cũng như cuộc sống. Họ chỉ biết đòi hỏi công sức của người khác cho sự thụ hưởng của bản thân, nhưng không hề nghĩ bản thân mình phải có đóng góp gì, và chắc gì đã làm được một phần mười một phần trăm so với người mà họ đang công kích. Khi họ chê bai người khác họ luôn tỏ ra họ là người tài giỏi, hơn hẳn người kia thậm chí bao nhiêu bậc. Nhiều khi họ không hiểu cả rằng điều họ đang la ó ấy là thiếu cơ sở, thiếu căn cứ, thiếu hiểu biết nhất định, thiếu cả một cái nhìn công tâm. Một số người thì hùa theo đám đông, cứ thấy người chê nhiều hơn thì cũng chê theo cho có vẻ ta đây cũng hiểu biết như ai. Một số khác có khi cũng tự biết mình bất tài, nhưng lại cố ém nhẹm sự bất tài của mình bằng cách thóa mạ, kê kích, thậm chí là bịa đặt vu cáo những điều thất thiệt cho nhiều người, để phần nào đó thoả mãn được lòng tự tôn. Trong các loại tính cách có một loại gọi là vị kỷ. Chỉ biết có mình, mọi thứ phải được vừa ý mình, nhưng không có khái niệm mình phải làm gì để đáp lại, hay muốn mọi người vì mình thì cũng phải biết làm gì đó vì mọi người. Không được như ý thì kêu van trách oán, chì chiết tức tối, cứ như là cả thế giới này có bổn phận làm vừa ý họ. Sự mong muốn thoả mãn cá nhân lớn hơn việc xem trọng người khác này là một rào cản rất lớn cho những công cuộc xây dựng và phát triển chung.

4. THÍCH HƠN NGƯỜI

Nói lạ, ai lại chẳng muốn mình giỏi giang hơn người khác, đẹp đẽ hơn người khác, giàu có hơn người khác, trí tuệ hơn người khác, vinh danh hơn người khác, hạnh phúc hơn người khác… Tóm lại hơn gì cũng được, hơn gì cũng vui, không lẽ lại chịu thua kém người lại là hay sao?

Đồng ý rằng cuộc sống, cái sự hơn thua nhiều khi là một cách biểu hiện tầm vóc mỗi người, sự vươn tới vươn xa cũng được đo bằng hơn bao nhiêu. Các cuộc tranh tài cũng lấy cái đích hơn mà lựa chọn. Đó là những cái hơn tích cực, cái hơn khiến con người ta có sức bật đáng kể thành công đáng kể. Nhưng điều đáng điều chỉnh là những cái hơn vụn vặt. Trong giao thông hơn nửa cái bánh xe, trong cãi vã hơn một câu kích bác, trong ăn uống hơn một mẩu thực phẩm, trong trang phục hơn một chút sắc màu… Không ít người thường có tâm lý thích giao du với những người thua kém mình ít nhất là một vài điểm nào đó, chỉ để thỏa mãn được một cảm giác là mình hơn người. Cái sự thích hơn người, tỏ ra hơn người luôn được tìm cách thể hiện. Cho dù đa số sự biểu hiện ấy trở nên lố lăng kệch cỡm dị hợm đến buồn cười. Nhưng người ta vẫn thích hơn người, và cách dễ nhất là bôi xấu người khác để tự thấy mình hay hơn. Đây không chỉ là một thói tính không hay mà nó còn hàm ý thêm sự tự ti, yểu nhược, vị kỷ, nhỏ mọn, khi không dám thừa nhận những điều mà người khác hay hơn giỏi hơn mình để mà học hỏi để mà phấn đấu. Tóm lại, cái sự hơn mà không nhất thiết phải hơn này nó đã đẻ ra nhiều mâu thuẫn, không hiếm khi trở thành tai họa, nhẹ trở thành nặng. Biến con người lẽ ra đàng hoàng lịch lãm thành tiểu kỷ lố lăng. Biến một câu chuyện lẽ ra là sự vui đùa thành hận thù tranh chấp. Biến một cuộc thương lượng ôn hòa lẽ ra là rất hiệu quả thành một cuộc ẩu đả phá hỏng bét cả đôi bên. Hãy ngẫm mà xem, người ta đang phải chịu biết bao sự tổn hại không đáng có bởi những cái hơn vụn vặt nhỏ mọn ấy. Không những thế, cái sự thích hơn vụn vặt hơn trong chốc lát ấy đã đẻ ra cái sự bốc thơm, khen đểu, lấy lòng, ngợi ca quá mức một cách lố bịch dị hợm. Không ít người vì thích hơn một phút ấy mà rồi vào cái bẫy hư vinh rồi ra thân thảm hại, tàn bại cả tư cách đến sự nghiệp.

5. XEM NHẸ LÒNG TỰ TÔN DÂN TỘC

Có một cặp từ “nhẹ ký” hơn để biểu thị rất rõ ý nghĩa này: Sính ngoại. Các thứ vật dụng của nước ngoài tốt hơn, những nhãn mác nước ngoài độ tin cậy cao hơn, người nước ngoài đẹp hơn, hay hơn, thông minh hơn, cảnh quan nước ngoài hấp dẫn hơn, tay nghề trên các lĩnh vực ở nước ngoài vượt trội hơn, những lập luận quan điểm ở nước ngoài đúng hơn, tiếng nước ngoài sang hơn, văn hóa nước ngoài đẳng cấp hơn, nói tóm lại, tất tật cái gì ở nước ngoài cũng hơn nước mình cả. Không phủ nhận có một số lĩnh vực, một số quan điểm, một số trình độ, một số cảnh trí ở nước ngoài hơn ta thật, nhưng không phải cái gì ở nước ngoài cũng hơn, và cái gì ở nước ta cũng kém. Dân tộc nào đất nước nào cũng có những mặt mạnh mặt yếu mặt hay mặt dở. Công luận thông tin có phong phú đến đâu cũng không thể chuyển tải hết mọi mặt đời sống từ tất cả các nơi trên thế giới, mà chỉ có một số ít điển hình được nêu lên được chú ý được lan truyền mà thôi. Tâm lý tự xem nhẹ dân tộc mình đã dẫn đến nhiều sự lệch lạc đáng ngại, gây tổn hại không ít về mặt quốc thể, kinh tế, chính trị và cả văn hóa. Và những người ấy không hề biết rằng chính họ đã tự hạ thấp giá trị mình, gia đình mình, đất nước mình. Chính thành phần này rất dễ trở thành công cụ cho những mưu đồ bất hảo. Bởi mình đã không biết trọng mình thì chẳng có ai trọng mình cả. Không chỉ giới hạn trong sự xem nhẹ lòng tự tôn dân tộc mà hơn thế nữa dễ trở thành kẻ tiếp tay cho nhiều mục đích trục lợi của ngoại bang, gây tổn hại nguy ngại cho chính họ hàng thân thuộc bạn bè lối xóm, hay nói chung là dân tộc mình. Rất tiếc là thành phần này khá phổ biến. Họ chỉ cần đạt được một ít lợi ích vật chất cho cá nhân là sẵn sàng. Con số nạn nhân của thành phần này là không giới hạn. Nhưng nói đi lại cũng phải nói lại, họ có thực hiện được hành vi ấy hay không là tùy thuộc vào lòng tin của công chúng. Mà lòng tin của đa phần công chúng lại hay đặt để không đúng chỗ, nhất là các vấn đề có yếu tố nước ngoài. Người đi lừa đương nhiên là có tội, nhưng người vì sính ngoại mà sẵn sàng chìa cổ cho người ta lừa cũng can tội đồng lõa chứ nhỉ? Tâm lý không xem trọng những thành tựu của người nước mình mà chỉ thích suy tôn thần tượng nước ngoài, không chỉ làm nhục quốc thể mà còn góp phần trì trệ đà phát triển của đất nước. Một quốc gia hưng thịnh không thể chỉ nhắm vào một nhóm một lĩnh vực một thành phần, mà rất cần có sự chung tay tiếp sức của cả một dân tộc. Không một nhà lãnh đạo nào tài ba đến độ nâng bổng được cả một bệ phóng dân tộc. Mà sự tương tác đồng thuận đóng vai trò then chốt. Ví như một gia đình, sẽ không có hạnh phúc êm ấm phát triển nhiều mặt nếu con cái anh chị em mỗi người mỗi hướng vọng ngoại khác nhau, đem tâm sức mình tham gia lợi ích bên ngoài, một gia đình thiếu gắn kết thì sớm muộn gì cũng tan rã dù cách này hay cách khác, huống chi là cả một dân tộc một đất nước. Người ta vẫn nói nhiều đến cụm từ “học hỏi hay học đòi?”. Vậy câu trả lời của mỗi người?

6. NÓI HAY HƠN LÀM

Khi đứng ngoài một sự việc, hầu như ai cũng có thể nhìn với cái nhìn phán xét, nói những lời chỉ dạy, đề ra những cách thức, phương pháp xem chừng là tối ưu lắm. Nhưng nếu bảo họ bắt tay vào làm thử, thì gần như đa số sẽ tìm một lý do nguyên cớ nào đó để thoái thác. Và cái thành quả mà họ muốn có ấy phải được thực hiện từ công sức của người khác chứ không phải họ. Và rồi một khi hiệu quả không đạt như họ muốn thì họ sẽ tha hồ dè bỉu, chê trách. Còn nếu đáp ứng được yêu cầu thì họ lên mặt vênh vang là nhờ công của họ mà thành. Như thế thì lúc nào họ cũng hay, cũng giỏi và cũng đúng cả. Họ luôn là người khôn ngoan, để rồi lại bất kỳ ở đâu, bất kỳ việc gì, họ lại sẵn sàng quai mồm ra mà chỉ dạy. Tuy rằng trong cuộc sống bao la này, không một ai là có thể đủ kiến thức để ứng dụng trong tất cả các công việc, lĩnh vực mình cần, và nếu ai đó cho mình một kiến thức hay, hợp lý, được việc, tất nhiên là mình hết sức cảm ơn. Nhưng rất nhiều nhiều người, không đủ kiến thức, thậm chí rất mơ hồ về sự vụ nào đó, nhưng cũng vô cùng nhiệt tình trong việc chỉ bảo, có khi là rất đoan quyết rất hùng hồn, mặc kệ cái gọi là hậu quả nếu nó xảy ra. Vì cái hậu quả ấy đâu thuộc về bản thân họ, nếu bảo họ phải chịu trách nhiệm thật sự về những gì họ nói thì đoan chắc rằng họ sẽ lỉnh ngay đi chỗ khác. Rồi nếu cái hậu quả ấy có xảy ra thì họ lại ra vẻ ngây thơ vô can “tôi biết đâu đấy”. Cái sự nói hay hơn làm này cũng là một cách giấu dốt. Bởi nói thuần lý thuyết xem ra hay ho lắm lắm, nhưng chỉ khi bắt tay vào làm thì mới nghiệm chứng được thành quả của sự vụ là thế nào. Khi có kết quả của đáp án thì đúng sai gì nó bày cả ra đấy, chả giấu đi đâu được, chả đổ cho ai được. Cũng bởi một điều nữa là, nói thì mất ít công năng lắm, chỉ cử động cái quai hàm một tí thôi, nhưng làm thì… ôi giời ơi, là cả một vấn đề nghiêm trọng đấy nhé. Nào là… nào là… nào là… Mà có làm thì dễ có sai, sai rồi thì nói hay làm sao được nữa. Có làm mới lòi ra cái dốt, mà dốt rồi thì dạy ai được nữa. Nên vẫn cứ tốt nhất là nói chứ đừng làm. Và cũng chính vì sự giấu dốt ấy mà tạo nên biết bao chuyện dở khóc dở cười. Dẫu có còn bao dở khóc dở cười nữa thì cặp từ “tinh tướng” chắc vẫn còn phải dùng đến lâu lâu nữa.

7. ĐẦU VOI ĐUÔI CHUỘT

Đây là một thói thường luôn thấy trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Hầu như bất kỳ một món hàng nào mới ra đời đều đạt kha khá về mặt chất lượng lẫn khối lượng. Để chiếm lĩnh thị trường, để gây uy tín, để thu hút khách hàng. Nhưng chỉ ít lâu sau thì món hàng ấy sẽ bé dần đi, chất lượng cũng giảm nhưng giá cả thì lại tăng. Hoặc có những thể thức chương trình khi bắt đầu thì xem ra vẻ hoành tráng bề thế lắm, nhưng khi diễn tiến sẽ mòn dần về sau. Càng về cuối càng giảm sút về mọi mặt, không ít sự phá sản vì nguyên do này. Không chỉ ảnh hưởng kinh tế mà nặng hơn là thể diện, nhân cách, uy tín. Cái sự lùi dần này không thể làm cho con người ta lớn lên được mạnh lên được, mà nó chỉ làm cho con người ngày càng thấp kém đi. Một người thấp kém hai người thấp kém, cả gia đình thấp kém cả xã hội thấp kém. Cái sự đầu voi đuôi chuột này, xét ra cũng có vài nguyên nhân. Nếu về phía chủ quan thì khả năng tầm nhìn chưa tốt, nắm bắt những tín hiệu căn cơ chưa tốt, mới tính một mà chưa tính hai, mới thấy ngắn mà chưa nghĩ dài, hoặc các yếu tố về thời cơ, tiềm lực, chưa đủ đã vội triển khai. Vấn đề nữa là chiến lược thả thu. Ban đầu để gây sự chú ý, câu khách, sau khi đã đạt một phần tương đối rồi bắt đầu lấy lại. Cách tiền hậu bất nhất này hầu như không hiệu quả trong làm ăn, bởi không ai vui vẻ tiếp nhận một thứ hàng hóa khi biết mình như bị cho vào tròng như vậy. Còn một nguyên do nữa thuộc về khách quan. Khi tính toán trù bị tại một thời điểm có những yếu tố và bối cảnh tương đối thuận hợp, nhưng khi diễn biến thì nảy sinh một số tác động không nằm trong sự kiểm soát chủ động. Ví dụ bị động do nguyên liệu đầu vào chẳng hạn. Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì thì chuyện đầu voi đuôi chuột hoàn toàn không phải là chuyện đáng khen ngợi. Mà tính chất tráo trở của nó là điều gây phương hại nhiều mặt.

8. THƯỜNG TÌM CÁCH ĐỔ LỖI

Khi làm hỏng một việc gì, điều đầu tiên là tìm cách đổ lỗi, chối tránh trách nhiệm. Rằng chỉ vì thế nọ thế kia, chứ bản thân họ không có lỗi gì cả, và nếu không thế nọ không thế kia thì chắc chắn họ đã làm tốt. Tuy rằng luôn có sai số trong quá trình thực hiện, luôn có những tác động, diễn biến nảy sinh làm thay đổi những dự tính ban đầu. Nhưng chỉ là một phần nhỏ không đủ làm thay đổi phần lớn kết quả nếu khi bắt đầu người ta biết nhìn nhận thấu đáo mọi góc độ, tính toán xem xét cẩn thận những khả năng sai số có thể xảy ra. “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên”. Cho dù đó là một câu nói không sai, nhưng cứ vin vào ý nghĩ ấy mà vội vã hấp tấp trong hành động, không nhận thức rõ thực lực và trách nhiệm của bản thân với công việc, thì sự sai lầm đương nhiên phải xảy ra. Nhiều khi, hậu quả đã rõ ràng thiệt hại, nhưng tinh thần khắc phục và trung thực nhận lỗi không có, lại quanh co đổ vấy khiến cho sự thiệt hại càng lớn hơn. Sự đổ lỗi này, xét theo một góc độ khác, có thể là hơi nặng nề ngôn ngữ một chút, đó là sự hèn nhát, thiếu dũng cảm, thiếu can đảm đương đầu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô lương tâm, nhấn mạnh thêm một chút là sự phá hoại. Đây cũng chính là điều gây hậu quả dây chuyền. Hãy thử ngẫm mà xem, có biết bao hệ lụy hệ quả kéo theo từ những hậu quả dây chuyền ấy. Đúng là trong cuộc sống, không ai là không ít nhất một vài lần mắc sai lầm. Vấn đề là nhận thức và tinh thần chịu trách nhiệm. Sai lầm nhỏ thì còn có cơ hội điều chỉnh, sai lầm lớn thì đương nhiên phải gánh chịu hậu quả. Có thể bỏ qua cái sai ban đầu vì không cố ý, nhưng chuyện trốn tránh trách nhiệm đổ lỗi cho người khác để phạm sai thêm thì khó mà bào chữa. Và rõ ràng không dễ thuyết phục lòng tin của mọi người cho những việc tiếp theo, phần nào đó có thể xem như tự đóng cửa ngày mai của mình.

9. THIẾU TRUNG THỰC

Đây là một thói tính hết sức phổ biến. Đừng ai vội nhăn mặt cho là bị xúc phạm, mà hãy ngẫm xem đã. Cho dù không là tất cả, nhưng chiếm phần lớn trong tổng thể. Nhất là trong những lĩnh vực không thuộc trách nhiệm của cá nhân. Hầu hết những công việc được giao, thì điều đầu tỉên nghĩ đến là làm sao cho mau xong, và tư lợi ít nhiều cái đã. Khi hiệu quả và hậu quả thuộc về số đông thì lại càng mạnh tay trong việc gian lận để thủ lợi. Không chỉ một vài mà gần như toàn bộ các hình thái xã hội đều vướng phải yếu tố này. Lớn thì có cách của lớn, nhỏ thì có cách của nhỏ, cho dù bằng cách nào thì miễn có cái bỏ túi là được. Thật đáng buồn đáng xấu hổ khi phải nói sự thiếu trung thực đã trở thành một thứ dân tính, một thứ dân tính tệ hại. Cái thứ dân tính này đã bộc lộ rõ hậu quả khi làm ăn với nước ngoài. Không ít những hợp đồng phải bồi thường nặng, mà đâu phải chỉ bồi thường là xong, mất niềm tin, mất uy tín, mất quốc thể. Để rồi sau đó phải gánh chịu sự xét nét, hạch hỏi, xem thường. Kể cả những người dân Việt sinh sống ở nước ngoài cũng gây ra nhiều điều tiếng, mất uy tín, mất giá trị, mất nhiều cơ hội làm ăn, mất sự tương quan hỗ trợ, mất thể cách dân tộc… Nhiều cái mất như thế nhưng sao vẫn tồn tại? Tồn tại như một nghiễm nhiên, dẫu có giỏi lấp liếm bao biện mấy đi nữa thì cũng không thể bôi xoá triệt để đi được. Có khác chăng về mặt cách thức chứ không thể thay đổi tính chất. Nhất là những hành vi trục lợi của chung. Hễ có một động thái gì dính dáng đến tiền nong mà có kẽ hở để thủ đoạn lợi dụng thì y như rằng. Vì vậy mà người ta luôn nhìn nhau bằng cái nhìn nghi kỵ trước tiên chứ không phải bằng cái nhìn thân thiện tin cậy. Và trong quá trình cuộc sống, không biết có bao nhiêu là tranh chấp kiện tụng và cả những hành xử mạnh tay gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng phần lớn cũng từ sự thiếu trung thực này. Tệ hại hơn là tính giả dối cứ như một sự nghiễm nhiên phải có. Người ta giả dối ngay cả những lúc những chuyện không nhất thiết phải giả dối. Ví như có hỏi “Chuyện đó có gì ảnh hưởng đâu mà phải nói dối?”. “Có sao đâu, nói cho vui ấy mà”. Đa phần, khi nói dối đều nhằm một mục đích, và mục đích ấy đương nhiên là phục vụ lợi ích cá nhân mặt này hay mặt khác. Người ta nói dối cứ trơn tru như chuyện bình thường không có gì phải áy náy. Để rồi hầu như tất cả những sự dối trá đều không mang lại điều tốt đẹp, thậm chí tự mình chuốc lấy hiểm nguy cho mình. Hẳn có ai đó đang phản biện “Vậy có những sự thật cần được bảo vệ bằng sự dối trá thì phải làm sao?”. Vâng, đó là những ngoại lệ có thể được phép vì sự bắt đắc dĩ mà phải dối. Còn việc chấp nhận và yêu thích sự dối trá thì tin rằng không một ai trả lời là có. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, người ta ghét sự dối trá nhưng vẫn sống chung với sự dối trá. Nhiều cảnh huống người ta còn muốn tin vào sự dối trá hơn là tin vào sự thật. Nhưng cho dù sự thật có đau lòng đến mấy, thì cũng không thể che lấp nó mãi bằng sự dối trá được. Và những ai thích dối người cho dù với bất kỳ sự bao biện nào, thì cuối cùng họ cũng không thể nhận được một giá trị sống thật, mà chỉ có thể lãnh những hậu quả từ sự dối trá ấy mà thôi.

10. TẬP TÍNH ĐÁM ĐÔNG

Đây là một tập tính lâu đời và có sức ảnh hưởng cao nhất. Có vài từ khác để chỉ rõ vấn đề này: a dua, phong trào, hùa… Dường như trong mọi góc độ hành xử cuộc sống, cái gọi là vây cánh bè phái luôn tồn tại. Vốn con người luôn cảm giác mình nhỏ nhoi yếu đuối nên thường có tâm lý dựa dẫm, lại khi cần thiết phải đối đầu với những khó khăn thách thức thuộc hàng bề thế hơn mình, thì tâm lý này càng bộc lộ, và thế rồi “ta tầm ta nó tầm nó”. Mặt khác, trong một đám đông cho một sự chọn lựa hay quyết định, luôn có ưu thế về mặt số lượng, điều này không đồng nghĩa chất lượng hay tính chính thống của vụ việc, mà chỉ cần hướng nào nhiều người đổ vào thì chạy theo cho chắc ăn. Có sai thì cũng cả đám sai chứ không phải mình mình. Vả lại, không theo đám đông mà nghiêng về số ít thì khó mà có sự bảo đảm an toàn mặt này hay mặt khác. Ở đâu có một đám đông tụ tập là lập tức đám đông ấy lại càng đông dần lên. Rồi khi có một đề quyết phải trái nghiêng về một bên nhưng chưa hề có sự thẩm định một cách chắc chắn, thì vô hình trung bên đang tạm chịu sự sai trái sẽ đương nhiên phải hứng chịu đòn hội đồng. Cho dù sự thể ấy chẳng gây thiệt hại gì đến số đông thì vẫn cứ mặc nhiên cái số đông ấy tha hồ tung tác dẫn đến sự mất kiểm soát, sai lệch hoàn toàn tính chất vốn có. Và một ý niệm thường trực, cứ đông người ủng hộ thì đó là việc đúng, cho dù đã không ít bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Tập tính đám đông này, xét cho cùng, là điều bất ổn. Khi bị một đám đông cuốn hút, người ta luôn bị động bởi luận tính cấp thời của sự vụ. Người ta không đủ bĩnh tĩnh kiên nhẫn và sáng suốt để suy ngẫm để nhận thức bản chất thật của vấn đề. Chính tập tính đám đông thiếu kiên nhẫn, thiếu suy xét cân nhắc đã tạo thuận lợi cho những yếu tố kích động lôi kéo dẫn dụ vào những mục đích bất thiện cho một mưu đồ cho một lợi ích cá nhân hay tổ chức nào đó, và phần thiệt hại đương nhiên thuộc về thành phần tham gia, cho dù khi hiểu ra có khi đã là quá muộn. Một đám đông đương nhiên là hội tụ bởi rất nhiều cá nhân, mà đã cá nhân thì đương nhiên không thể hoàn toàn đồng hướng, lẽ tự nhiên dễ xảy ra tranh chấp, dễ mất cân bằng mất kiểm soát, dễ dẫn đến sự chen lấn xô đẩy dẫm đạp loạn đả, và rõ ràng gây ra sự thương tổn về nhiều mặt. Tuy nhiên, vẫn không thể nào giảm hạn được chất xúc tác của tập tính đám đông, khi mỗi người không đủ tự tin, không đủ bản lĩnh, không đủ nhận thức, không đủ sự chín chắn điềm đạm để phán đoán được tính chất mà đám đông đang tụ tập kia là gì, bên cạnh đó là sự tò mò, là sự mỏng manh yếu ớt tâm lý của một cá nhân, vô hình trung tự mình trở thành lệ thuộc. Không chỉ mang tính dẫn dắt nhất thời, mà về lâu dài, khiến con người ta có tâm lý ỷ lại, chờ đợi, ám ảnh, sợ sệt, cầu lụy, vô thức hóa robot, yếu kém hệ thống tư duy, mất khả năng tự lực sáng tạo, tự đưa mình vào những phức tạp đôi khi là bế tắc vì không đủ điều kiện cần thiết để giải quyết vấn đề của chính mình. Thực tế cho thấy đã rất nhiều sai lầm xuất phát từ tâm lý đám đông.

11. KHÔN VẶT

Khôn vặt hay còn gọi là khôn lỏi. Đây là cái khôn giỏi tính toán chuyện ăn người hơn người trong khoảnh khắc hay trong một thời gian ngắn, nhưng lại mang tính bất minh, gian giảo. Chỉ cần thấy đạt được một chút lợi nhuận béo bở nào đấy là cảm thấy vui sướng thỏa mãn và cười cợt người là ngu dại. Có biết đâu cái tính khôn vặt này là sự biểu hiện bản chất con người một cách rõ rệt nhất. Đó là những con người tiểu kỷ, chỉ biết cái lợi cho mình, không quan tâm đến những người chung quanh, không cần biết mình phải đối xử với mọi người thế nào, chỉ cần biết điều gì có lợi cho mình thì làm, không thì lánh mặt hay thoái thác. Lại thêm sự toan tính tham lam, thường tìm những cách thủ lợi bằng bất kỳ tiểu xảo nào có thể, luôn có tâm lý mưu đoạt của người. Đồng hành với cái tính này là sự vụn vặt nhỏ mọn cố chấp đố kỵ và bảo thủ và đương nhiên cả cái gọi là “xấu bụng”. Người khôn vặt cứ tưởng mình là khôn ngoan giỏi giang, đâu biết rằng: tham một bát bỏ một mâm. Là vì chỉ nhăm nhăm vào cái lợi nhỏ trước mắt mà không hề nghĩ chuyện phải gây dựng lâu dài, nên không thể bền vững các mối tương quan trong công việc làm ăn để mất nhiều cơ hội lớn phát triển về sau.

12. THÍCH TIN CÁI XẤU HƠN CÁI TỐT

Đây là một xu hướng thấy rất rõ từ suốt bao lâu nay. Cứ có thông tin gì về những việc làm xấu gây tổn hại cho một hoặc nhiều người, hoặc những vụ việc bê bối dở tệ gọi là xì-căng-đan là đổ xô nhau vào xem. Thậm chí những sản phẩm dung chứa nội dung bất thiện ấy lại luôn được nhanh chóng lưu truyền đến mọi ngõ ngách bằng nhiều phương tiện. Những lời nói xấu ác ý về một ai đó lập tức chiếm ngay được lòng tin, chưa cần biết điều đó có thật không, và người nói xấu đó có mưu đồ mục đích gì, chỉ cần biết người kia đang bị gọi là người xấu thì thêm mắm thêm muối vào cho xấu luôn một thể. Có ai đó thường làm bao việc tốt, thì sự công nhận nhiều khi là rất hời hợt, phần lớn còn nghi hoặc không biết có tốt thật vậy không, nhưng cứ hễ sa chân sểnh miệng một việc gì đó không hay là bao nhiêu công sức tấm lòng của họ rơi tuột hết, trong mắt mọi người họ đã trở thành một kẻ xấu. Cũng vậy với những người chẳng may vướng vào vòng lao lý cho dù thích đáng hay không thích đáng, thì cái bản án đó sẽ đeo nặng suốt đời trong cộng đồng. Rằng đã xấu một lần thì mãi là người xấu, đã sai một lần thì mãi là người sai, có bao cố gắng khắc phục lỗi lầm thì chỉ thuyết phục được một số ít thân tình, còn thì xã hội vẫn cứ đóng đinh vào định kiến. Nếu có hỏi thì hẳn trăm người sẽ trả lời như một “Xấu thì ai mà ưa”. Không ưa, nhưng thích nhìn cái xấu của người khác để có cảm giác mình tốt, không ưa nhưng thích soi mói chuyện xấu của người khác để tỏ ra mình hay, không ưa nhưng thích đàm tiếu về cái xấu của người khác để thấy mình đẹp. Vậy đó, do tâm lý này mà xã hội có những nhốn nháo xô bồ các thang bậc giá trị. Nhập nhằng lẫn lộn vàng thau bởi những cách nhìn không tỉnh táo, thiên kiến, đố kỵ. Trong khi, đã là một con người bình thường giữa một cuộc sống bình thường, ai cũng có một vài điểm chưa tốt, ai cũng có một đôi khi sai sót, ai cũng có một vài lúc nông nổi, và ai thì cũng có những mặt tốt những việc tốt rất đáng được ngợi khen. Vì vậy mà: Hỡi con người, hãy công tâm một chút, hãy rộng lòng một chút, và hãy bớt chú tâm vào những cái xấu của người khác, may ra, cuộc sống này sẽ được sống đúng với giá trị thật của nó hơn.

13. ĐẠI NGÔN VÀ DƯ LUẬN

Người dân Việt rất thích nói đại ngôn, là cách nói phóng đại, nâng cấp độ cao hơn rất nhiều so với giá trị thật của sự vụ. Thích ai, thích cái gì thì vô cùng hào phóng ngôn từ khen tặng, ghét ai ghét cái gì thì cũng hết sức nặng nề ngôn ngữ phản cảm. Trong việc truyền tải thông tin về một vấn đề có vẻ kịch tính bi đát ly kỳ thì người truyền tin luôn ra vẻ quan trọng nguy cấp, cứ làm như trái đất sắp sụp đến nơi rồi, cứ qua mỗi kênh truyền thì mức độ trầm trọng lại tăng lên một ít, ai cũng tỏ ra mình mới là người hiểu thấu thông tin ấy, mới là người biết cực rõ mức độ cấp thiết của thông tin ấy, và chắn chắn lời mình nói ra là không thể sai vào đâu được. Và cứ thế cứ thế “tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn ba ngày đường”. Ngày nay ba ngày đường nếu được tính bằng tốc độ internet thì không thể hình dung được phạm vi của thông tin với tới sẽ đến đâu, đương nhiên là vô giới hạn. Cái sự ưa đại ngôn ấy không biết đã đẻ ra bao nhiêu cái “tam sao thất bản”, thất tiệt luôn bản gốc, và trở thành “Dư Luận”. Xét mặt ngữ nghĩa, dư luận là nói thừa, và rõ ràng là có rất nhiều thừa, nhưng ác nỗi cái sự thừa ấy vẫn hấp dụ được khối khối người quan tâm, không chỉ quan tâm mà còn hăng hái bàn giải. Họ không hề nghĩ những lời bàn tán quá đà của họ sẽ gây những hậu quả gì cho nhân vật mà họ đang nói đến, họ chỉ biết phát ngôn cho thỏa sức, gói ghém những ác ý, sự ghen tị đố kỵ cho dù cố ý hay hồn nhiên. Thường là khi dự đoán một kết quả, hoặc cố ý để tạo sự tập trung lôi kéo cho một tác phẩm một chương trình hay một trận đấu về lĩnh vực nào đó, người ta thường đưa ra những cụm từ rất kêu rất hoành tráng rất đề cao sự nổi trội và cứ như là sẽ xảy ra đúng y như thế. Đáng tiếc là kha khá đã không đạt được sự mong cầu ấy, không những chỉ là sự thất vọng cho nhiều người mà còn làm cho người trong cuộc dễ trở nên lố bịch. Hoặc có những bài bình bài dẫn cho một tác phẩm khi ra mắt công chúng, thường có sự hào phóng ngôn ngữ qua tài vung vẩy của người viết, mà khi soi chiếu lại với bản chất vốn có của tác phẩm lại là một khoảng chênh rất rõ. Cho dù vốn liếng từ vựng tiếng Việt hết sức giàu có, nhưng để vận dụng một cách có hiệu quả thì rất nên tránh sự lạm dụng làm cường điệu hóa tính chất dễ gây ngộ nhận.

14. E DÈ NHÚT NHÁT

Cái sự e dè nhút nhát này thường biểu hiện rõ rệt trong những cuộc hội họp trao đổi. Khi nêu ra một vấn đề cần ý kiến tham gia bàn thảo thì thường gặp cảnh đùn đẩy “anh nói đi, chị nói đi….” hoặc những cái nhún vai le lưỡi. Mặc dù kha khá người biết nên nói gì và cần nói gì, nhưng tâm lý e ngại, sợ sai, sợ bị chê cười, sợ bị cho là làm nổi, sợ há miệng mắc quai, lỡ ý kiến mình nêu ra mà hợp lý thì e trách nhiệm sẽ đổ lên vai, thêm việc thêm lo thêm mất thời gian thêm mệt. Bên cạnh đó là tính tự ti, luôn tự hạ thấp mình, tự ti này khác hoàn toàn với khiêm tốn “mình đâu có là cái gì đâu mà nói. Không khéo lại…”. Nếu đánh đổi tâm lý này bằng một tâm lý bình đẳng “khi ta được mời đến tham dự cuộc họp này, lẽ tất nhiên ta đồng tư cách với mọi người, họ có thể hơn ta mặt này mặt khác, nhưng trong phạm vi một đề tài một bối cảnh, thì ta cũng như họ, ngoại trừ ta không nghĩ ra được điều gì hay ho thì thôi, còn đã nghĩ được thì nói được”. Chỉ cần trước khi nói phải hiểu rõ phải nắm chắc then chốt của vấn đề, phải đưa ra được một ý kiến xác đáng và mạch lạc, đừng như một số người lại năng động quá mức cần thiết, là cái gì cũng nói nhưng nói vòng vo linh tinh không trúng trọng tâm, nói mà rồi chính họ chắc cũng không biết họ đang nói gì, chiếm thời gian chiếm diễn đàn và làm người nghe chán ngán.

Cái sự e dè nhút nhát này còn biểu lộ trước những khách nước ngoài. Chuyện giao tiếp bằng ngoại ngữ trong đa số dân Việt hiện nay là không quá khó khăn, không cần quá nhiều từ vựng chuyên môn, chỉ cần một số từ ngữ giao tiếp thông thường là đã có thể chào hỏi. Nhưng ngay cả những người có vốn liếng ngoại ngữ vào loại khá vẫn có thói quen hạn chế giao tiếp. Trong khi hầu hết người nước ngoài họ luôn tỏ thái độ cầu thị, cho dù đó là khách du lịch hay bán cư trú, họ rất cần sự trao đổi với dân bản địa, một phần là gây thiện cảm, một phần là thực tế văn hóa đời sống. Ánh mắt họ thường biểu lộ một nhu cầu tiếp cận, nhưng họ luôn gặp rào cản, không chỉ khó khăn ngôn ngữ mà còn là thái độ né tránh ngần ngại. Điều này không chỉ phương hại đến sự giao thoa các nền văn hóa, mà còn gây sự hiểu nhầm cho đối phương là mình không muốn tiếp nhận sự có mặt của họ, hoặc mình kỳ thị chê bai họ về một cái gì đó. Nguời Việt ta đã gây được một cảm quan là thân thiện, vậy hãy nên mạnh dạn tiếp xúc hơn nữa, để tính thân thiện ấy có thực chất và tôn lên nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt hơn.

Ở một góc độ khác, sự e dè còn biểu hiện trước những hình thái mặc nhiên của xã hội. Dân đến trước cửa quan, cho dù với tư thế mục đích gì cũng tự nhiên mà e dè khép nép. Người nghèo đứng trước người giàu cho dù với mối quan hệ hay giao dịch gì vẫn vô hình chung mà e dè ngần ngại. Tóm lại, cứ trước một hình thế có tính áp lực, cảm giác hơn mình một vài phương diện nào đó, thì người ta luôn có tâm lý e dè nhút nhát. Mặc dù rất nhiều khi không cần thiết, thêm nữa là cái cách tự yểu nhược mình sẽ tự nhiên mà đẩy lợi thế về phía đối phương. Vì vậy mới sinh ra cái luật bất thành văn: cứ quan là hống hách, cứ dân là sợ sệt. Cứ giàu là lớn tiếng, cứ nghèo là bé miệng. Dễ xảy đến cái gọi là “xử ép” nếu đôi bên có phần va chạm. Những nỗi oan sai không chỉ xảy ra ở những chốn tụng đình, mà rất hiển nhiên trong các sinh hoạt đời sống, phần nhiều trong đó bắt nguồn từ sự e dè nhút nhát không nên có.

15. CHUỘNG HÌNH THỨC

Có một câu nghe rất dị “Việt Nam ham to”. Quá thô quá dị quá xấu hổ, nhưng mà… đúng. Đi mua bất cứ mặt hàng gì cũng thích lựa cái to, dù khá nhiều loại to không tốt bằng nhỏ. Và nếu một món hàng chất lượng như nhau, giá cả như nhau, cũng thích vào cửa hiệu to, để có cảm giác sang trọng đẳng cấp. Vì tâm lý này mà nhiều món hàng bề ngoài trông rất to, nhưng phần sử dụng được thì rất bé.

Trong nhà ăn uống tiện tặn sao cũng được, nhưng khi ra ngoài phải hoành tráng quần áo xe cộ. Tiền trong túi không nhiều nhưng đi vay để mua hàng hiệu hàng đẹp trông cho ra dáng bảnh bao hào nhoáng. Con cháu có túng thiếu gì thì cứ để đó đã, xây cái nhà cho lác mắt thiên hạ, kẻo thiên hạ khinh mình nghèo. Không những xây nhà mà còn đua nhau xây những ngôi mộ độc đáo cầu kỳ để dãi nắng dầm mưa chơi. Thấy người ăn mặc có vẻ sang trọng giàu có thì xem như đó là người tốt, để rồi hầu bao bị móc sạch lúc nào không biết. Hoặc những người có dáng vẻ lịch lãm hào hoa bóng sắc, thì đa phần không có tính thủy chung và chín chắn. Dù cố tình hay không thì họ luôn là cái đích ngắm của nhiều người, khi đã ham mê sự bóng sắc với bao viễn tưởng tự vẽ ra để huyễn hoặc mình, thì tự thân những người ham mê ấy đã đưa cơ hội thiêu thân đến cho người kia, để rồi chuốc vào mình bao thương tích khổ sở. Nghìn nghìn triệu triệu người bị ăn quả lừa bởi cái mẽ bên ngoài như thế nhưng vẫn luôn luôn và mãi mãi còn nhiều triệu người sẽ tiếp tục rơi vào cái bẫy ấy. Lẽ đương nhiên tạo hóa cho con người khả năng mỹ cảm để biết yêu những cái đẹp trong cuộc sống. Nhưng yêu là một chuyện, còn nhận thức bản chất cái đẹp ấy như thế nào lại là chuyện khác. Không có một kẻ lừa đảo nào mà không ngụy tạo một vẻ bên ngoài ngon lành ra dáng cả. Và họ cũng hết sức ranh ma khi nhìn vào ánh mắt của con mồi, họ lập tức hiểu rằng cá đã cắn câu, việc còn lại là cách thức và thời điểm.

Một điểm nữa cũng cần nói qua, là đa số những người dốc công sức thời gian tâm huyết cho một công việc mang tính thiện ích có khi là kéo dài nhiều tháng nhiều năm, thì chắc chắn một điều cái vẻ bề ngoài của họ hết sức đơn giản. Cách ăn mặc bình dân, phong thái nhũn nhặn điềm đạm, không có một điểm nổi trội nào để làm sức hút. Nên với những người không biết họ là ai, thì dễ dàng tỏ vẻ xem thường, cư xử thiếu lễ phép tôn trọng. Ví dụ một nhà khoa học sau nhiều năm nghiên cứu sáng chế ra một công cụ tiện ích nào đó, mà chưa có dịp xuất hiện trước công chúng, thì dám chắc người ta sẽ lầm ông ấy là cái anh chàng comple ca vát sang trọng làm trợ lý kia, còn ông ấy cho dù có đứng ngay gần đấy mà ăn mặc giản tiện thì cũng chẳng ai nhìn đến. Vì ông ấy trong như một ông bảo vệ hay một long tong sai vặt nào đấy thôi mà.

Tâm lý chuộng hình thức này luôn dẫn con người ta sai lầm về nhận định bản chất, gián tiếp tạo cơ hội cho những lật lường gian xảo. Đành rằng, yêu cái đẹp không phải là có lỗi, ai cũng mong cái đẹp hình thức đi đôi cùng cái đẹp nội dung thì đúng là điều tuyệt mỹ. Nhưng không có nhiều tuyệt mỹ như thế trong cuộc sống này, vì vậy nên chăng hãy tập cho mình một cách nhìn trầm tĩnh mà sáng suốt, ít ra cũng để tránh cho chính mình không tự biến thành nạn nhân, và tôn trọng được đúng điều đáng tôn trọng.

16. MÊ TÍN

Trước hết xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng. Hầu hết người dân Việt đều theo truyền thống mà hướng theo một tôn giáo để hình thành một đời sống tâm linh. Xét mặt tích cực, tôn giáo là sự hỗ trợ tinh thần tâm cảm cho con người, cũng có thể xem như một nơi để bám víu trong những lúc con người cảm thấy yếu đuối lo sợ trước bất kỳ một hiểm hoạ nào đó từ đời sống. Tất cả các hình thái thuộc niềm tin tôn giáo chủ yếu để thỏa đáp tâm lý tình cảm con người là chính. Giải quyết cái gọi là: cho yên tâm. Không cần có những minh chứng cụ thể rằng hành vi ấy, cách thức ấy có là sự thật, có mang đến một thực chất hiện hữu, người ta chỉ biết làm như vậy người ta cảm thấy bình an, yên chí. Nếu không làm được hay không được làm, người ta có cảm giác bứt rứt bất an, và mơ hồ ám ảnh một nguy cơ chập chờn đâu đó. Vì vậy mà các tôn giáo luôn tồn tại và phát triển thịnh suy theo từng thời đại. Và thường thì tôn giáo luôn làm tốt vai trò uốn nắn răn dạy hướng thiện cho đời sống con người trở nên đạo đức và lành mạnh.

Nhưng cũng như mọi loại hình sinh hoạt trong đời sống, trải qua một quá trình sẽ có những biến tướng. Luôn luôn có một thành phần người cơ hội, nắm bắt nhu cầu của con người và tìm cách phục vụ nhu cầu ấy một cách lợi dụng. Niềm tin lại là một nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống. Từ đây mà đẻ ra chuyện bói toán hoặc những quan niệm làm thế này thì tốt, làm thế kia thì không ổn. Tuy cũng có một số cơ sở mang tính kinh nghiệm đúc kết, nhưng không phải để áp dụng vào tất tật những trường hợp có đa số nét tương đồng. Còn lại hầu hết là cách nói phỏng đoán chung chung mơ hồ dọ ý. Không ít người hồn phi phách tán khi nghe những lời phán kinh khủng hiểm nguy nào đó. Rồi phấp phỏng phập phồng suốt bao lâu, rất nhiều khi cản trở công việc gây những thất thoát lớn nhỏ, phần nhiều do tâm lý bất an, sợ điều xui rủi xảy ra. Và cho dù đã đi qua khoảng thời gian của sự ước đoán, cũng vẫn ám ảnh một nỗi sợ dai dẳng. Thật khó hiểu, mất tiền cho thiên hạ để mua lấy cái lo cái sợ vào người. Nhưng cho dù có nhiều minh chứng bất hảo trong chuyện tìm kiếm niềm tin không đúng chỗ, thì người người vẫn cứ tin vào những lời vu vơ vớ vẩn. Cái chính là do con người ta luôn cảm giác yếu đuối mỏng manh trước những hiểm hoạ từ nhiều phía, lại thêm ước vọng cầu lợi, vì vậy mà người ta cứ sẵn sàng bám víu vào những mơ hồ “biết đâu…”.

Nhưng vẫn có những người bản lĩnh, tin vào những hiện thực, tin vào chính khả năng mình, tin vào sự vận hành cuộc sống không phải là những điều mê mị được dẫn dắt từ những vu vơ. Những may rủi được mất là điều hiển nhiên song hành cùng cuộc sống. Không phải là sự chọn lựa có chủ động mà được. Nếu những quan niệm có tính duy tâm, phần lớn đều chỉ có thể đáp ứng một chút gì cho tâm lý. Nhưng nếu duy tâm một cách thái quá, không có sự suy xét cân nhắc thì đó chính là con dao hai lưỡi để rồi tiền mất tật mang. Cũng như mọi vấn đề thuộc lĩnh vực khác, niềm tin cũng phải có một tầm hiểu biết nhất định, ít nhất cũng để tránh cho mình không rơi vào một trạng thái tệ hại, không những thất thiệt cho mình còn làm cho cười cho thiên hạ. Vì vậy rất cần thiết phải hiểu mình nên tin vào cái gì, tin đến đâu, và niềm tin ấy đem lại cho mình những lợi hại gì. Rất cần thiết một điều phải hiểu: không thể giao phó vận mệnh mình cho những con số mơ hồ đâu đó đặt ra là tốt xấu, không thể giao phó thành quả của mình cho những ý niệm rủi may mà đâu đó đặt ra hòng cơ hội, không thể giao phó sự bình yên của mình cho những quân bài xúc xắc mà đâu đó đặt ra đầy ma mị. Lòng tin nếu được đặt đúng nơi đúng chỗ sẽ đem lại cho con người một tinh thần sống vững chãi và lành mạnh. Nhưng nếu đặt để lòng tin một cách tùy tiện thiếu suy xét, sẽ chỉ tự rước vào mình những nguy ngại khó khăn thậm chí còn là sự vong bại. Cần phải nhớ rằng: không có một cái gì xảy đến với ta mà không có căn nguyên. Lành dữ rủi may mất được đều tiềm ẩn trong suốt chặng trình cuộc sống, đến một thời điểm thích hợp thì nó diễn ra. Không chỉ tiềm ẩn trong chính bản thể mỗi người, mà tiềm ẩn trong các hình thái môi trường xã hội chung quanh. Không thể ngăn chận nếu điều đó buộc phải xảy ra, có chăng là nếu có thể tiếp nhận mọi sự vụ trong một tâm thế bằng an chấp nhận và khắc phục bằng mọi cách có thể. Để làm được như thế, rất cần thiết phải củng cố căn bản niềm tin và sự hiểu biết trong chính nội tại của mình. Mọi thứ chỉ có thể vững chắc nếu không phải đi vay mượn trông đợi hay nhờ vả.

17. TÒ MÒ VÀ SOI MÓI

Phải nói đây là một thói tính gần như đặc thù của phái nữ, nhưng nam giới cũng không ít người mắc phải. Cái sự tò mò này luôn nhắm vào những góc khuất của con người. Người ta thường muốn biết những chuyện rất riêng tư của người khác, biết tường tận biết cặn kẽ biết càng nhiều càng thích, chuyện càng xấu càng vui. Khi thoáng nghe một thông tin gì có vẻ nhạy cảm của một ai đó, lập tức săn đón hỏi tới hỏi tới, vẻ mặt thì chăm bẳm ráo riết truy gạn người nói. Và khi đã biết được ít nhiều thì thêm thắt lan truyền. Cho dù không một ai thích chuyện có người nhòm nhỏ soi mói vào chuyện riêng của mình, nhưng lại rất tận tình “quan tâm” đến góc riêng của mọi người. Nhất là những người có chút tiếng tăm lại càng hấp dẫn. Nếu bảo rằng người đó người nọ người kia làm được việc gì đó tốt lắm, thì thái độ tỏ vẻ thờ ơ ngay, chuyển đề tài sang hướng khác, nhưng mà nghe hình như có vẻ không ổn thì thôi rồi, đào tới tận gốc trốc tới tận hang. Khi biết được ít nhiều, chưa chắc đúng hay sai, đi toe loe cái đã, thêm mắm dặm muối cho xôm trò. Hễ cứ một nhóm ngồi lại với nhau trong thời gian rỗi rảnh mà tán gẫu, thì y như rằng, sớm muộn gì cũng có những cái tên bị đem ra làm nạn nhân. Đa phần chỉ đơn thuần ý nghĩ cho vui chuyện chốc lát, mà không hề lường đến một hậu quả nhiều khi rất là tồi tệ rất là thảm khốc với những nạn nhân của họ. Và chính họ, cũng chưa chắc đã thoát khỏi sự truy cứu sự trả giá, mà cho dù không đến mức phải truy cứu trách nhiệm trong một phạm vi nào đó, thì họ cũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tư cách nhân phẩm uy tín. Bởi không ai có thể yên tâm làm bạn với những người năng nổ trong việc tham gia tận tình đời tư người khác. Ai cũng có một suy nghĩ: hôm nay bêu rếu moi móc người này người kia, thì rồi một mai cũng đến lượt mình. Bây giờ đặt điều giễu cợt mai mỉa người vắng mặt, thì khi vắng mặt mình chắc cũng thế. Tốt hơn hết đừng có thân cận với họ làm chi cho thêm nhiều chuyện, qua loa cho xong thôi. Và những người thích dòm ngó soi mói chuyện riêng của người khác, thì bản thân cũng có tránh được cái sự thể tương tự ấy đâu. Cứ ngồi lê mãi chỗ này đến chỗ kia thì kiểu gì cũng đến lúc thành người bê tha bất nghĩa. Thời đại công nghệ phát triển hiện nay, thì cái chuyện “ngồi lê” được nâng cấp nhanh và xa gấp bao lần nữa. Vì những cái lợi tức thời của một nhóm người, thì sự gieo rắc cái hại không chỉ cho một thành phần một đối tượng là một điều không giới hạn. Tuy nhiên, có vấp phải cái hại đó hay không là ở chỗ có thích soi mói đàm tiếu chuyện riêng của người khác. Hẳn đang có những phản bác “bày ra đấy thì xem qua một chút cho vui chứ làm gì mà ghê vậy?”. Vâng, đúng là ban đầu chỉ xem qua một chút cho vui thôi, nhưng dần dần nếu cứ thích quan tâm đến những thông tin kiểu như thế thì con ma tò mò nó sẽ như được tích thêm công lực, nó sẽ trỗi dậy và điều khiển hành vi mình lúc nào không biết. Ai cũng có thể nói câu cửa miệng: tò mò đời tư của người là xấu, đưa chuyện bôi nhọ gây hại cho người là xấu, và tôi ghét nhất người ta tò mò tọc mạch chuyện của tôi. Thế nhưng thấy rò rỉ chuyện đời tư của ai đó là lại mắt lớn mắt bé mà hóng hớt. Nếu con người bỏ được thói tính này, thì xã hội sẽ bớt đi rất nhiều thứ trò hề nhố nhăng, như dọn được những cỏ rác ven đường đi vậy.

18. COI TRỌNG MIẾNG ĂN

Một cách không tránh né, bởi người Việt trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh, sự thiếu đói luôn hằn sâu trong tâm thức, đời truyền đời, kiếp nối kiếp. Vì thế mà cho đến bây giờ, không kể đến thành phần trung bình hoặc trung bình kém vẫn còn phải lo toan nhiều, mà cả thành phần kha khá cũng vẫn có tâm lý xem trọng miếng ăn. Điều này rất dễ nhận thấy ở những đám tiệc hay du lịch có điểm ăn uống buffe, nhất là những nơi ăn uống có tính miễn phí. Kiểu như ăn lấy được, ăn nhanh không thì hết, ăn đến hết cỡ bụng thì thôi, ăn đi chứ lần sau không có nữa đâu, vừa ăn vừa nhìn chừng những người chung quanh, thấy miếng gì ngon sợ người kia nhanh tay hơn, nếu có người thân đi cùng thì gắp lấy gắp để cho vào bát, miệng luôn giục ăn đi ăn đi. Cái sự coi trọng miếng ăn này với người trong cuộc không hề nhìn thấy hình ảnh khó coi thậm chí tầm thường hạ cấp của mình, nhưng ở ngoài nhìn vào thì thật đáng buồn. Những bộ comple hay những chiếc váy áo trông thật sang trọng, nhưng nó bỗng trở nên thảm hại khi chủ nhân của nó có những hành vi ăn uống hết sức thô tục và tham lạm. Có thể nhiều người không biết, miếng ăn là một phần biểu thị tính cách con người. Thanh cao lịch lãm hay thô tục phàm phu, chừng mực cẩn trọng hay buông tuồng bừa bãi, nhường nhịn bao dung hay chấp nê vụn vặt… Không chỉ là một góc nhìn nông sâu mà còn là những hệ lụy lâu dài. Khi vô hình chung tạo một ấn tượng khó coi trong con mắt xã hội, cho dù là một phạm vi xã hội thu nhỏ, thì sự xóa nhòa là một điều không dễ thực thi. Chỉ cần một lần, có thể xem như bị đóng đinh vào diện mạo. Bất kỳ đâu đó người ta nhắc đến, sẽ ánh lên một cái nhìn mỉa mai dè bỉu “tưởng ai chứ đó thì…”, hoặc bất kỳ gặp lại đâu đó, người ta tỏ những thái độ thiếu thiện cảm, tránh né và ái ngại. Đó là còn trong một giới hạn cộng đồng, xa hơn, có ai đã từng nghĩ đến không, còn là Quốc thể. Ngày nay việc du lịch ra nước ngoài đã rất phổ biến, và đã không ít những phản ảnh hành vi thuộc lĩnh vực này. Liệu người ngoại quốc nhìn dân Việt ta thế nào qua những hình ảnh không đẹp ấy. Được biết, một số nơi nhà hàng buffet từ chối đón khách Việt, nghe sao mà… Đừng xem thường chuyện miếng ăn, nó không nhỏ đâu, nó kéo theo cả một diện mạo văn hóa dân tộc đấy. Dường như người đời nay đã quên mất câu “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, và nhiều câu tương tự cho việc uốn nắn giáo dục cho con trẻ. Cứ trách người xưa là nhiêu khê giáo điều, là cổ hủ cẩn trọng quá mức, nhưng cái cách giáo dục con người từ cách thức ăn uống đi đứng đã đưa được vào đời những người con lịch thiệp chừng mực, rất có phong cách điềm đạm chững chạc. Đành rằng không nên quá cẩn trọng hay cố tình kiểu cách, nhưng rất cần thiết phải có một nét văn hóa tối thiểu của một người biết tự trọng trước đông người qua những hành vi cá nhân của mình. Đừng để một hành vi nhỏ mà làm ảnh hưởng đến cả một nhân cách.

19. BẮT QUÀNG

Phải nói rằng có rất nhiều dở khóc dở cười từ cái chuyện bắt quàng này. Cuộc sống luôn có những thành tựu đáng kể đem lại nhiều ảnh hưởng quan trọng cho con người. Những thành tựu đó được chắp nên từ bao công sức ý chí nỗ lực khả năng của những con người ưu tú. Họ xứng đáng được nhận sự tôn vinh ngưỡng mộ thán phục tôn trọng và cả tính thần tượng của công đồng. Có cơ duyên được gặp họ hoặc quen biết với họ thật là một điều vinh dự và may mắn. Nhưng vấn đề là ở chỗ qua chiếc cầu nào để được gặp, và câu chuyện phía sau sự gặp ấy.

Nếu trong cùng một ngành nghiệp có những dịp hội tụ do chuyên môn thì việc gặp gỡ những người thầy những bậc đàn anh đi trước, có cơ hội chuỵên trò trao đổi, chụp ảnh kỷ niệm, xin số điện thoại là chuyện đương nhiên. Về sau cũng có những lúc muốn được học hỏi thêm cũng tiện. Nhưng vẫn là hạn chế làm phiền nếu không có lý do chính đáng. Bởi đó là những người không có nhiều thời gian rảnh rỗi, càng không phải người bằng vai phải lứa để gọi điện tán gẫu hay ngẫu hứng rủ cà phê.

Một số thì hàng ngày nhìn thấy người nổi tiếng trên ti vi báo chí, bất chừng đâu đó gặp được, hoặc vô tình ngồi cạnh trên một chuyến đi, cứ xoắn lấy như thân quen từ tận thuở xa xưa nào. Có được tấm hình hay số điện thoại thì lấy làm vinh vang lắm, khoe hết người nọ đến người kia, không hiếm lúc tỏ ra mình là người đẳng cấp lắm mới quen được người ấy. Thậm chí còn tự bịa ra những chuyện có chung với người ấy như để khẳng định sự quen biết là có thật. Cái kiểu mượn danh này trông cứ như một đứa trẻ con đi sau bám gấu áo người lớn vậy. Nhiều khi ra trò khoe mẽ, ngồi với dăm bảy người hoặc chỗ đông, lấy điện thoại ra gọi, nói năng vẻ thân thiết đôi khi là trịch thượng, người bên kia máy, nhiều khi cố tỏ ra lịch sự mà ậm ờ, cũng có khi họ đã tắt máy nhưng bên này vẫn độc thoại với vẻ mặt oai phong lắm lắm. Một số khác thì lấy cái sự quen biết ấy ra mà hù doạ hay có dụng ý lừa đảo. Nếu bị phát hiện thì cùng lắm gỡ thẹn bằng cách nói người kia chẳng ra gì, tha hồ bôi bác những điều không thật về người ấy để vớt vát sĩ diện cho mình. Nếu không bị phát hiện, đạt được mục đích cho lợi ích riêng, gián tiếp gây thiệt hại ít nhất là về mặt danh dự cho người bị mượn danh.

Những kiểu người này nhiều lắm nhưng không khó để nhận diện. Chỉ cần để ý tính cách thái độ và phạm vi vị thế xã hội là có thể đoán được ra bản chất của cái sự “quen biết” ấy. Nhưng cho dù có nhận ra người ta cũng chẳng nỡ nói thẳng, hay bóc mẽ, mà chỉ cười thầm. Người mượn danh mượn oai ấy thường thì chẳng đủ tinh tế để cảm nhận xem cái cách mình đang diễn có đạt hiệu quả không. Mà tâm trí đang vùi trong ảo giác hư vinh càng tự biến mình thành một thứ con rối vụng về trên sàn diễn. Và lắm cái nhếch mép thay cho hai từ “tội nghiệp”, bởi bản thân họ không có gì để đứng nên phải ghé nhờ vào góc sân của người khác vậy.

20. KHOE CỦA

Đây là một câu chuyện hết sức nhiêu khê. Cái khổ của những người luôn lo sợ mình kém cỏi. Người ta cứ phải bận tâm sợ người nọ người kia khinh mình nghèo. Khác nhau là cách khoe, có người khoe vẻ như kín đáo, có người huênh hoác ba hoa, đàn ông khoe kiểu đàn ông, đàn bà khoe kiểu đàn bà. Cứ ngồi vào một tụm là y như rằng câu sang câu sếu xọ câu soi. Nào là khoe quần áo, khoe nhà cửa, khoe xe pháo, khoe vật dụng, khoe ăn uống, khoe chuyện làm ăn (chuyện làm ăn nào cũng lớn cả). Anh có cái kia thì tôi có cái nọ, cái nọ của tôi ăn đứt cái kia của anh. Chị có cái áo vài triệu tôi có cái váy miễn chê, so với cái váy của tôi thì cái áo của chị chỉ là giẻ rách. Ông có cái nhà sang tôi có cái biệt thự khủng. Bà có cái nhẫn kim cương 3, 4 cara tôi có đôi bông tai hạt xoàn đến 5, 7 cara. Cái xe ấy á… mùi gì… xe tôi mới đập hộp hơn cả tỉ. Cái ví da ấy á… không ăn thua… tôi mới thửa hàng hiệu mốt mới vừa ra lò đây. Con tôi á, nó không thèm xài cái loại mèng mèng ấy đâu, nó phải cái đấy cái đấy cơ. Hôm nọ đi nhà hàng gọi toàn món đỉnh thế mà có ăn được mấy đâu, bỏ lại cả nửa. Du lịch á, trong nước là chuyện vặt, châu Á cũng thường thôi, châu Âu châu Mỹ mới đáng đồng tiền chứ. Nhiều người cứ sợ không khoe thì thiên hạ không biết mình có tiền, khoe ra thấy thiên hạ mắt tròn mắt dẹt thì sướng lắm. Khi họ nói, cảm tưởng họ chỉ cần ra đến ngã tư là hốt về được cả đống tiền, vỏ hến vỏ sò còn phải nhọc công đi cào đi bắt, và đôi chân đồng tiền của họ dẫm lên tất tật mọi thứ ở cái gầm trời này. Nghe họ khoe thì những người nghèo muốn đập đầu tự tử cho xong, sống thế mới là sống chứ, nghèo như mình sống làm gì cho nhục.

Thực ra những người thích khoe của một cách thô thiển như vậy phần lớn không phải là người có cái giàu căn bản cái giàu chính đáng cái giàu được nhen nhóm từ những tháng ngày xa xưa, mà là những người giàu xổi, bằng cách nào đó, có được một nguồn lợi bất chừng, hay do thuận lợi trong công việc mà gặt hái một kết quả không mấy khó khăn, có khi còn đi vay nợ hàng đống, nhưng cứ phải vội vàng ra sức thể hiện cho không ai dám coi thường mình. Vốn đã ngấm ngầm cay cú với những người có lợi thế hơn mình về mặt nào đó, thì nhân cơ hội trưng ra cho bằng hết để chứng tỏ mình cũng nào có kém thua ai. Còn những người giàu thật sự, họ không dại gì mà khoe một cách nông nổi như vậy, vì họ thừa biết cách khoe ấy là tự rước họa vào mình. Họ có cách khoe trầm tĩnh mà trọng lượng. Họ cũng khoe chứ, khoe nhiều nữa, nhưng vẫn kiểm soát được mức độ để có cái nhìn trọng vọng thật sự chứ không tự biến mình thói nhố nhăng lố bịch kệch cỡm. Thế nên mới có những cụm từ mang hàm ý mỉa mai “bọn trọc phú ấy mà” “trưởng giả học làm sang” “chả biết được mấy hơi”. Hầu hết những người thích khoe của đều không có cảm nhận rằng mình đang làm trò cười với những người có cái nhìn sâu sắc minh định, mà họ chỉ biết có một thứ ảo giác đang bao phủ họ, trong tâm tưởng họ toàn tự nghĩ những lời trầm trồ tán thưởng từ đâu đó, và nếu có những ánh nhìn đầy ghen tị lại là chất xúc tác ghê gớm hơn cho ảo giác này. Thực chất, người khoe ghen tị với người khoe, thấy người kia khoe nhiều hơn thì ức không chịu được, phải tìm mọi cách để trội hơn dù chỉ một nhinh nhỉnh thôi mới hả dạ. Chính vì cái thói lố lăng này mà lắm lúc rát tai không chịu được. Thế nhưng ai khó chịu mặc ai, họ khó chịu chẳng qua họ không bằng mình đây thôi, nên cứ việc khoe cho thỏa sức, mặc kệ những kẻ xấu bụng đang giăng sẵn những cái bẫy tán tụng ngọt ngào, mặc kệ những bọn trộm cướp đang rập rình ngay bên cạnh. Không hiếm những người vừa nghe om sòm hoành tráng lắm đã bể nợ hàng tỉ, tom góp trốn mất tiêu khỏi xứ cả đời không dám quay về. Để rồi khối khối người lại ngẩn tò te “Thế mà tưởng…”. Cái thói khoe của này tiềm ẩn ngay khi còn bé, phần nào đó có tính di truyền. Thấy cha mẹ huênh hoang thì con cái cũng vung vít. Thấy cha mẹ cay cú thì con cái cũng hậm hực. Thấy người nọ người kia có cái gì đó ngon lành thì mình cũng phải có cái hơn thế. Thấy người nọ người kia nhóng nhánh khoe khoang thì mình cũng nhấp nhổm tìm cơ hội phô trương cho biết mặt. Trong quan niệm của nhiều người, giàu có là bản thân có giá trị, có phong độ, có bề thế. Không cần biết giàu bằng cách nào, giàu thực hay giàu ảo, cứ giàu là cái đích cho thiên hạ nhức nhối cái đã, cho mình cảm giác trên chốc cuộc đời. Để được phép nói càn nói bậy, để được quyền coi thường xem khinh người người. Thì vốn cha ông đã đúc kết rồi “Vai đeo túi bạc kè kè. Nói khuếch nói khoác người nghe ầm ầm”. Thế nên không được là người giàu thì khổ tâm lắm. Giàu mà không khoe ra được thì cũng khổ sở lắm. Thế nên cứ phải khoe… khoe… khoe đến lợm giọng. Xét cho cùng, khi người ta không có khả năng gì đáng để tự hào, đáng để thu hút sự ngưỡng mộ, thì người ta phải nương nhờ vào những sắc màu giả tạm, kể ra thì đáng tội nghiệp thật.

TỔNG KẾT

Những thói tật liệt kê trên có thể chưa thật sự đã hết, nhưng có lẽ nó cũng đã có thể điểm được phần lớn những bất cập trong đời sống xã hội. Và dù không muốn cũng phải nói: nó trở thành một thứ dân tính của người Việt. Có thể đâu đó trên thế giới người ta cũng vướng mắc phải những điều tương tự, nhưng hãy cứ biết mình đi đã, biết để chấn chỉnh, biết để giảm thiểu, biết để tự cải tạo mình. Bởi một người tốt hơn, hai người tốt hơn, trăm người tốt hơn, nhiều nhiều người tốt hơn thì cả xã hội sẽ tốt hơn. Tôi và bạn, ai cũng có thể mắc phải một vài, trong phạm vi cá nhân cho là chuyện nhỏ, không có gì quan trọng, không có gì đáng kể, nhưng hãy ngẫm xem, vì sao nước Việt Nam ta đã trải qua hơn bốn nghìn năm, mà vẫn lẹt đẹt ở mức nghèo, kém phát triển, trong khi ở một số nước khác, có khi chỉ mới vài trăm năm, mà người ta đã có những bước tiến nổi trội. Không cần nhìn xa lắm đâu, chỉ nhìn qua cái phên hàng xóm cũng thấy có quá nhiều thứ cho chúng ta học. Hãy công tâm mà nhìn nhận xem, có phải một số tên tuổi đặc biệt xuất sắc, mang lại chút vẻ vang cho dân tộc, thì hầu hết đã trải qua một thời gian dài học tập làm việc ở nước ngoài. Còn trong nước, cũng nổi lên được một con số không đến nỗi, nhưng lại hầu hết chỉ dừng lại ở mức độ xôn xao công luận một thời, trên thực tế họ không đủ không gian điều kiện cơ hội để tiếp tực phát huy tính ưu việt của bản thân mà giúp ích cho đất nước, dẫn đến chuyện chảy máu chất xám. Trong khi đây đó nhan nhản kiểu dốt thì ngồi cao, không hiểu biết chuyên môn lại om xòm chỉ trỏ. Chỉ số IQ của người Việt không thấp, nhưng phần lớn được sử dụng vào “những thủ đoạn tinh vi”, trở thành một thứ cản phá. Tính vụn vặt tủn mủn cá nhân thì chỉ xoay quanh cái vòng tròn hạn hẹp, không thể làm được việc gì lớn cả. Đất nước ta, ngoài một số cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, (và chính sự ưu đãi này đang ngày càng bị tàn phá cũng bởi cái sự tư lợi cá nhân) thì có gì để ngẩng mặt với thế giới về độ tầm vóc. Các công trình trên giấy thì dữ dội hoành tráng lắm, khi đưa ra thực tế không bao lâu đã rệu rã vì bị rút ruột. Nhìn vào cách sinh hoạt của một đám đông thì thấy rõ tính vô tổ chức, mất trật tự, buông tuồng nhốn nháo và vô cảm. Tất cả những điều đó gây nên sự cản trở phát triển, tự mình kềm hãm mình, tự mình biếm nhẽ mình. Sẽ có nhiều người đang phản bác, rằng dân ta cũng có những tính tốt, vâng thưa rằng đúng, có tốt chứ, tốt cũng nhiều, nhưng đã đủ chưa cho một dân tộc muốn vươn đến những thang bậc sánh ngang thế giới, thậm chí những ưu điểm ấy không đủ để làm đối trọng cho những khuyết điểm. Khi nghe những điều trái tai, hầu hết đều có tâm lý là nói ai kia chứ không phải mình, mình không thế, mình hay hơn thế tốt hơn thế nhiều. Nếu những điều bất cập thuộc dân tính này mà không được cải thiện điều chỉnh, và nếu chỉ biết “ăn mày” những đức tính (mà đức tính thì ít hơn thói tính) mà không biết điều chỉnh thói tính, thì e rằng có nhiều nghìn năm nữa dân Việt ta cũng không tiến hơn được là bao nhiêu. Hiện tại, không biết bao nhiêu là hệ lụy, những hệ lụy kéo dài, những hệ lụy dây chuyền bắt nguồn từ kiểu dân tính này. Hãy thử ngẫm xem:

- Tại sao chúng ta mất quá nhiều thời gian công sức trí lực tài lực kinh lực để đối phó với những cách làm ăn giả trá bất chính, những sự lừa đảo dối gạt nhiều khi là trên phạm vi rộng? Tại tất cả những thói tật kể trên.

- Tại sao dân ta mãi không thoát khỏi cái tập tính nhỏ lẻ manh mún và sự thiếu đồng bộ trong nhiều bộ máy vận hành? Tại tất cả những thói tính kể trên.

- Tại sao đất nước ta cũng có rất nhiều nguồn tài nguyên có giá trị nhưng mãi vẫn không nắm bắt được những cơ hội phát triển đúng tầm mang lại những hiệu quả cao cho nhiều mặt, mà phần lớn phải nhờ vào bàn tay của người nước ngoài? Tại tất cả những thói tính kể trên.

- Tại sao người Việt Nam đi ra nước ngoài sinh sống hay học tập thường không được xem trọng mà đa số còn thiếu đoàn kết, gây gổ tranh cạnh nhau nhiều khi rất là khốc liệt? (Không thể vin vào một số ít nổi trội thành đạt mà bảo rằng tất cả người Việt đều được như thế). Tại tất cả những thói tính kể trên.

- Tại sao chúng ta cũng cho con em hoặc nhân viên đi nước ngoài đào tạo rất nhiều, nhưng trở về phục vụ lại rất ít, mà không ít người đã bằng mọi cách để ở lại nước ngoài kể cả bất hợp pháp? Tại tất cả những thói tính kể trên.

- Tại sao nước ta phát triển nhiều về mặt du lịch nhưng lại thiếu sức hấp dẫn du khách, nhất là không nhiều du khách nói lời tái ngộ? Tại tất cả những thói tính trên.

- Tại sao Việt Nam ta có nhiều sản vật có giá trị nhưng lại chưa có được tiếng nói trọng lượng trên thị trường quốc tế? Tại tất cả những thói tính kể trên.

- Tại sao có những vấn đề mà suốt bao năm rồi vẫn cứ tồn tại tính phức tạp của nó, ví dụ như giao thông? Tại tất cả những thói tính kể trên.

Tóm lại, còn rất nhiều tại sao mà không khó để nhìn thấy, hãy nhìn nhận cho đúng vấn đề để may ra biết đó là chưa tốt mà tự cải đổi. Đời này chưa cải đổi được bao nhiêu, thì đời sau đời sau nữa tiếp tục. Chỉ có thực sự nhìn ra, thực sự nhận thức rõ thực sự thiện chí sửa thì may ra nhiều đời sau mới có một bộ mặt dân tộc Việt rạng rỡ hơn. Chắc chắn sẽ có những phản ứng: Đành rằng có những điều như thế thật, nhưng có cần phải huỵch toẹt chữ nghĩa đến vậy không? Xin thưa là cần, rất cần. Bởi suốt bao lâu nay, cứ chạm vào những vấn đề khó nói, người ta hết tìm cách tránh né thì lại cố nói theo kiểu ve vuốt khôn khéo cho dễ lọt tai. Nói vòng vo rào đón, nói xa xôi ẩn dụ, trên thực tế không phải ai cũng có thể hiểu ngay được ý định của các cách nói ấy, người ta càng không có đủ thời gian và sự trầm tĩnh để suy ngẫm cho đến đầu đến đũa. Và: mệt quá, bỏ quách sang một bên cho yên chuyện, để đầu óc lo việc khác. Vì vậy, nói thẳng nói sát nói rõ không phải là cách nói dễ chịu, nhưng lại bày ngay ra trọng tâm vấn đề là gì, cũng là cách rút ngắn thời gian cũng như con đường đến tâm thức mỗi người. Không dám mong “thuốc đắng rã tật”, vì những thói tật này ngoan cố lắm, không dễ gì rã đâu, mà chỉ dám mơ, mỗi người nghe một chút nghĩ một chút làm một chút… may ra sẽ có một ngày…

Tất cả những điều đã đề cập đến, không phải áp dụng cho tất cả mọi người dân Việt, nhưng bất kỳ ai, nếu thấy mình có vướng một chút gì trong số ấy, hãy dành một chút thời gian tự kiểm điểm, đừng vội nổi tự ái mà rằng: Tui vậy đó, nhiều người cũng vậy đó, chẳng sao, vẫn sống ngon lành, việc gì phải sửa, ai đó có ngon cứ giỏi sửa đi. Bài học ở nước Nhật mới đây đã cho ta thấy rất nhiều ưu điểm trong dân tính của họ, phải chăng nhờ những ưu điểm ấy mà nước Nhật vẫn đứng vững và luôn phát triển sau mỗi lần bị thương tổn lớn. Tuy rằng sự kém phát triển ở Việt Nam còn vì nhiều nguyên do, nhưng những nguyên do ấy sẽ được khắc phục nhanh chóng có hiệu quả hoặc ít ra không phải là nguyên do kéo dài nếu như không vướng thêm những thói tính đáng ngại kể trên.

Một lời cuối cho bài viết này, là tất cả thiện chí của một người con dân nước Việt, cho dù rất nhỏ bé rất hữu hạn trọng phạm vi một cá nhân, nhưng hết sức mong mỏi cho một đất nước cong cong mềm mại bên bờ biển, ngày càng có được những bước tiến đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, và con người Việt Nam không chỉ sáng lên trong con mắt thế giới mà còn đầy nồng ấm khi nhìn vào nhau. Có thể mong ước này hiện tại là quá xa xôi, nhưng biết đâu đấy, hy vọng hy vọng nhiều lắm vào một tương lai, nếu mỗi chúng ta đều biết cầm lên một ngọn đuốc soi cho chính mình. Mong. Mong lắm thay. -/.




VVM.03.12.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .