1. Tôi gọi tác phẩm mình mới có duyên gặp gỡ mấy tháng gần đây là: Thơ-tuồng Mà Tình Con Thương Nó không thuần túy là tuồng hát bội, cũng không phải là một truyện thơ.
Nó là thể loại đứng hai chưn trên hai thể loại vừa nói. Chữ Thơ-Tuồng là chữ tôi dùng đầu tiên để đặt tên cho những bản văn có hình thức là những truyện thơ như Thơ Lục Vân Tiên, Thơ Đoạn Trường Tân Thanh, Thơ Phạm Công Cúc Hoa, Thơ Chàng Nhái Kiểng Tiên, Thơ Lâm Sanh Xuân Nương... có sự hiện diện đồng thời trong đó của những đoạn nói lối (tán, viết), than thở (thán), hát Nam (vãn), hát Khách (loạn), nói về chí hướng, tên họ, công việc sắp làm (xướng), hát khi hành quân (bài)… là những cách phát biểu và diễn tả của hát bội, không theo khuôn khổ của thơ là kể chuyện mà theo cách thế của hát bội là đối đáp, có tính cách của kịch. Giải thích lý do tại sao có thơ-tuồng, tôi cho là do nhu cầu của người lưu dân Miền Trung đi về phương Nam sống trong bối cảnh mới,
buồn bã nhớ lại những tuồng hát bội mà mình đã thưởng thức trước đây và ao ước được xem, được thưởng thức bộ môn đó ở nơi đất mới mình
vừa định cư. Hát bội chẳng dễ gì có ở vùng tân tạo cực Nam trong thời gian đầu còn lưa thưa người, chưa đủ phương tiện giao thông..., thôi
thì có sẵn hình thức truyện thơ, nhà văn bèn đặt ra một hình thức văn nghệ mới là thêm thắt chút đỉnh hát bội vô đó cho
vui lòng người thưởng ngoạn. Chút ít cho đỡ ghiền còn hơn là chẳng có gì hết, nhớ chết được. Họ có thể thêm vô từ một truyện thơ có
sẵn hay đặt nguyên một truyện thơ mới với phần hát bội xen kẽ. Và Thơ-Tuồng ra đời. Gia tài của loại hình văn nghệ mới nầy
còn sót lại không nhiều, chỉ tròm trèm hai chục bộ là tối đa, ở dạng chữ Nôm cũng có mà ở dạng Quốc ngữ cũng có. Đó là một gia tài
văn hóa quý giá vì nó là gia sản thuần túy Việt Nam, vì nó là sản phẩm đặc biệt của lưu dân Nam Tiến thời khai sơn phá thạch
của vùng đất Gia Định, Lục Tỉnh Nam Việt. Người xưa không có danh từ thơ-tuồng. Họ cũng chẳng cần để tâm phân biệt thơ-tuồng với
truyện thơ. Đối với họ hai thứ chỉ là một và họ gọi bằng nhiều từ, khi thì là truyện/chuyện ? , khi thì là diễn ca 演歌 . Nguyên bản Nôm nầy là Nam Kinh Bắc Kinh Truyện 南京北京 ? . Xin thưa lý do tôi
chọn một tên mới cho tác phẩm xưa khi phiên âm. Người xưa, Đông cũng như Tây, thường đặt tên tác phẩm của mình theo tên của nhân vật
trong tác phẩm, Thơ Trần Đại Lang, thơ Phan Trần, Thơ Nàng Út, thơ Trò Đông, thơ Phạm Công Cúc Hoa, thơ Lâm Sanh Xuân Nương…,
ôi thôi không thể kể hết. Ngay cả tên tác phẩm được cha sinh của nó đặt theo ý nghĩ của mình là Đoạn Trường Tân Thanh cũng bị
người đời đặt cho tên mới là Kim Vân Kiều. Ngày nay người viết cũng như người đọc không còn thích cách đặt tên tác phẩm theo
kiểu ngày xưa nữa, họ chuộng cách đặt nhan đề mới hơn, chẳng hạn như Đoạn Tuyệt, Đời Mưa Gió chứ không chịu tên Dũng Loan Thân…
Chuyện đặt tên tác phẩm theo nhân vật lần lần tuyệt tích. Những Nga và Thuần, những Thằng Cu So, Thằng Kình, Chúa
Tàu Kim Quy… mất bóng theo thời gian. Nam Kinh, Bắc Kinh là tên hai nước nhưng thật ra là hai nhân vật chánh ở hai nước nầy,
ý nghĩa của truyện là trai gái nếu có duyên nợ với nhau thì sẽ khắng khít với nhau dù qua bao trắc trở, dù chưa thấy mặt nhau cũng đã thương
yêu nhau rồi. Với cách đặt tên mới, tôi làm mờ đi nhân vật và cho nổi bật cái ý
nghĩa chánh mà tác giả muốn gởi gắm. Tôi chọn câu thơ vừa ý mình trong truyện hợp với ý nghĩa của toàn truyện mà mình tiếp nhận được là:
Mặt tuy chưa thấy mà tình con thương là câu thơ 112 ở tờ 4b trong nguyên bản. Phải nói rằng truyện Mà Tình Con Thương… là một tiểu thuyết bình dân. Bình dân
ở đây do (1) cách viết văn, do (2) sự cấu trúc của câu chuyện, và do (3) sự hiện diện quá nhiều của thế lực siêu nhiên.
Văn. Nó không bóng bẩy và không hề bị chi phối của điển tích Trung Hoa trong sự diễn tả như Đoạn Trường Tân Thanh đã đành mà so sánh
với truyện lớp dưới kế tiếp như Nhị Độ Mai 二度梅 , Phan Trần 潘陳 , Quân Trung Đối 軍中對 thì nó vẫn kém hơn. Nó nằm ở trong nhóm
thứ ba là nhóm cuối cùng nhưng được phổ biến rộng rãi nhứt như Thơ Phạm Công Cúc Hoa, Thơ Lý Công, Thơ Tam Nương, Thơ Trần Đại Lang,
Thơ Nàng Út, Thơ Trò Đông, Thơ Thạch Sanh Lý Thông… Nói rằng bình dân vì nhiều lý do kỹ thuật như chuyển đoạn thì dùng thoát thôi,
thuở ấy, nầy đoạn, thốt đoạn; vần lắm khi ở chữ thứ tư, có lúc nằm ở chữ thứ nhì là cách hạ vần của vè, một thứ văn nói mà người
đọc dễ dùng âm điệu của giọng mình chỉnh sửa sự gieo vần thậm chí có khi cũng chẳng cần vần nữa mà người ta thường gọi bằng cách đánh giá
thấp là lạc điệu, lạc vận; các chữ đưa đẩy vậy thì, thôi đã, bằng nay, luống những, ngày rày, một khi,
vậy mà, thay là, không ý nghĩa gì cụ thể được dùng đi lại nhiều lần để câu thơ được xuôi câu, đúng vần; diễn tả tình
cảm của nhân vật thì chỉ có một điệu đơn giản, hễ tức giận thì thế nào cũng nổi giận lôi đình, buồn khổ
thì thế nào cũng lăn khóc tưng bừng, nước mắt nhỏ sa, ngùi ngùi, gặp chuyện gì sợ quá thì ngã lăn ra chết giấc… Sự so sánh
thì sáo rỗng, theo lối mòn đã hóa thạch và nghèo tưởng tượng: nữ nhơn đẹp thì như Hằng Nga giáng thế, như Tiên non Bồng,
tóc mây đá đất, mày tằm mắt phượng, nam nhơn thì mặt mày tốt tươi, tài giỏi thì binh thơ đồ trận thông hay,
sử kinh thi phú thông nghề, tánh tốt thì nhơn đức rất dầy, thiên hạ không đương (= không ai bằng). Nhiều trường hợp
mô tả nhân vật chánh tài giỏi bằng trời, binh thơ đồ trận làu thuộc nhưng gặp chuyện khó, đụng hoàn cảnh trái ngang thì cũng
như người bình thường thôi, chẳng làm được điều gì hay ho, lý do là sự mô tả theo công thức cho nên cái tài được mô tả xa cách với
cái tài thiệt sự trong truyện… Kết cấu truyện. Hầu hết bắt đầu bằng nói rằng đời thái bình thạnh trị, đâu đâu điều xướng âu ca,
muôn dân thong thả nhà nhà no say. (Sau đó thì giặc giã, cướp bóc, tham nhũng, tố gian, bắt cóc, buôn người, xô kẻ yếu đuối
xuống sông xuống biển… là chuyện thường). Kế tiếp là một nhà vua không có con phải đi cầu tự. Ngọc Hoàng cho chính con trai mình hay
một tiên tử nào đó xuống trần. Nhân vật nầy xuống trần mang sẵn cốt tiên và duyên tiên nên sẽ là người đẹp trai/đẹp gái,
tài giỏi xuất chúng và trong tương lai sẽ kết hôn với một nàng/chàng cũng đẹp cũng tài như mình để sống đời hạnh phúc với con cái tài giỏi
nối nghiệp đời đời. Dĩ nhiên phần chánh của truyện là sự hoạn nạn của tiên tử, có thể chỉ một người mà cũng có thể là của
cả hai, sự hoạn nạn nầy thử thách duyên tiên nhưng cuối cùng bao giờ cũng kết thúc tốt đẹp, không thể có gì khác hơn được.
Họ sẽ là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất đời, con cái họ sẽ lên làm vua như họ trước đó… Sự nhúng tay của thế lực siêu nhiêu. Người đọc càng gần thời hiện đại càng không thích
thấy tính chất bình dân của truyện thơ ở chỗ thế lực siêu nhiên nhúng tay vào đời nhân vật quá nhiều. Đoạn Trường Tân Thanh chỉ có một
vài nhóm từ xa xa như bắt phong trần, cho thanh cao,(nhân định thắng) thiên (định) chứ không có chuyện Trời sai
hai tiên đồng ngọc nữ Kiều và Kim Trọng xuống trần. Cũng không có chuyện lý ngư đưa nàng Kiều vào bờ ở sông Tiền Đường, không có
chuyện thiên lôi đả tử tụi Khuyển, Ưng, Bạc Bà, Bạc Hạnh, thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Hoạn Thơ… Càng không có thế lực siêu nhiên,
càng thuần túy đời thực tế, tác phẩm càng xa yếu tố kết thành tác phẩm bình dân. Thơ Lục Vân Tiên thì yếu tố siêu nhiên có mặt, dầu rất ít nhưng cũng có: cọp cởi trói
cho tiểu đồng, Trịnh Hâm bị cá nuốt thây, Nguyệt Nga được Ngư Ông cứu sống, Thể Loan và mẹ bị thiên lôi đánh… Những sự nầy một vài
điều có thể cắt nghĩa bằng sự trùng hợp bình thường ở đời, chưa phải là những yếu tố siêu nhiên nhúng tay. Trường hợp thấy rõ
nhứt là Truyện Thạch Sanh Lý Thông. Tiên xuống trần dạy cho Thạch Sanh binh thơ, sự hiện diện của Chằng tinh, sự huyền diệu của
cây đờn thần, của nồi cơm Thạch Sanh… Yếu tố siêu nhiên càng có mặt, tác phẩm càng nghiêng về hướng bình dân, bình dân trong
sự không thực tế, trong sự giải quyết dễ dàng những khó khăn trong cuộc đời trần thế của nhân vật… 2. Truyện kể: Vùng nọ có hai nước quan trọng là Nam Kinh và Bắc Kinh, một nước lớn, một nước nhỏ.
Ngày kia vua nước Nam Kinh cầu Trời khấn Phật cho mình có được con trai vì cho tới giờ nầy nhà vua cũng chưa có con trai.
Ngọc Hoàng Thượng Đế nhận được lời cầu xin do khói nhang chuyển đến bèn cho hai tiên, một nữ một nam xuống trần đầu thai vào
hoàng cung của hai nước. Trước khi họ ra đi Ngọc Hoàng dặn dò là hai người xuống trần sẽ kết duyên với nhau. Tiên nữ đầu thai
làm con của vua Nam Kinh, với tên là Quỳnh Nga. Lúc Quỳnh Nga tới tuổi lấy chồng thì Hoàng tử con vua Bắc Kinh cũng đến tuổi
lấy vợ. Vua Nam Kinh gởi thơ mời Hoàng tử các nước chư hầu đến để cho con gái mình kén chồng. Mười tám Hoàng Tử của mười tám
chư hầu đến kinh đô Nam Kinh nhưng con vua Bắc Kinh không đến được vì vua cha đang đau nặng. Công Chúa Nam Kinh không chọn
được ai và các Phò Mã hụt kia đều được ban tặng bạc vàng để trở về nước. Thái Tử Bắc Kinh nghe tin Công Chúa Nam Kinh chưa chọn ai
mới nghĩ rằng nàng Công Chúa có duyên nợ tiền định với mình và năn nỉ vua cha cử người đi cầu xin với vua Nam Kinh cho mình được
cưới nàng. Mai nhân là một bà vú mẫn tiệp nên đã thành công trong việc cầu hôn, được phép rước Công Chúa
về Bắc Kinh để hợp hôn với Thái Tử xứ nầy. Nhà vua Nam Kinh đồng ý và Công Chúa từ giã cha mẹ lên đường, chấp nhận sự khó khăn
trên đường đi vì quan niệm rằng làm thân phận gái phải đi theo chồng. Chuyện rắc rối là vua Nam Kinh cho một bà vú nuôi từng săn sóc Công Chúa trước đây đưa dâu,
trong đoàn còn có Ngọc Chân là cô con gái con bà vú, cũng cùng cỡ tuổi với Công Chúa. Có lẽ là phái đoàn đi cầu hôn đã về nước trước,
chỉ có phái đoàn đưa tiễn đưa Công Chúa hạ giá mà thôi. Nửa đường bà vú đưa dâu vì lòng tham lam đã độc ác cho móc mắt Công Chúa Quỳnh Nga,
lột quần áo và xô nàng xuống sông lớn… Bà tính kế thay con gái Ngọc Chân của mình vào chỗ Công Chúa Quỳnh Nga vì chắc chắn là Công Chúa
sẽ chết thôi, mắt bị móc, thân thể trần truồng, mình mẩy ngâm chìm trong sông nước lạnh lẽo, thân gái sao có thể sống sót… Thế mà nhờ Trời,
Công Chúa được cá lý ngư đưa vô gành một vùng đất hoang dã tên gọi là Mao Nguyên. Nàng sống ở đây, nhờ chim chóc và thú rừng giúp đỡ
trong suốt ba năm trời, sau mới được một Lão Tiều gặp cứu mang về nhà, vợ chồng lão cùng nuôi nấng và nhận nàng làm con. Một ngày kia Công Chúa Quỳnh Nga nhờ Lão Tiều đem viên ngọc cam quý của mẹ nàng
tặng khi trước đến đền Nam Kinh rao bán, cốt ý là cho Thái Tử và nhà vua ở đây biết nàng đang sống trong vùng đất nào đó của mình.
Từ sự biết đó hy vọng Thái Tử Bắc Kinh hoặc vua cha của nàng biết được hoàn cảnh của con. Trong khi đó Ngọc Chân, con của bà vú, vào hoàng cung với vai trò của Công Chúa Nam Kinh.
Thái Tử Bắc Kinh thấy có gì không ổn ngay từ đầu. Nàng Ngọc Chân vừa dốt vừa xấu, ăn mặc sang trọng đó nhưng áo ra đàng áo
người ra đàng người, kiến thức thì sử kinh chẳng biết, giống như là con hàng thứ dân… Hoàng Tử chán ngán, ba năm không hợp cẩn,
bỏ nàng ngồi ở cung lạnh một mình… Buồn tình Thái Tử đi săn, Lão Tiều gặp được bèn trao ngọc cam cho, nói rằng mình đi câu bắt
được ngọc báu nầy, xin dâng cho Thái Tử. Thái Tử cho thử, thấy ngọc có nhiều điều lạ nên quý lắm bèn đem dâng cho vua cha. Vua thấy biết chuyện
ngọc quý, khuyên con trả lại cho Lão Tiều để ông ta đem dâng lên vua Nam Kinh vì cha con mình cầm quyền nước nhỏ không tiện giữ của quá quý
hơn cái mệnh của mình. Lão Tiều chưa thể quyết định vì cần phải hỏi lại ý kiến Quỳnh Nga. Trong thời gian ở kinh đô Thái Tử và Lão Tiều đã
thân thiết nên tâm sự với nhau. Thái Tử cho ông biết mình đang buồn khổ vì vướng chuyện Công Chúa Nam Kinh mà nước mình rước
về mấy năm trước nhưng nàng vừa xấu xí vừa dốt nát nên mình chán quá, ý muốn đem trả lại chính quốc nhưng ngại tạo sự thù nghịch giữa hai
nước nên còn đương chần chờ chưa biết tính sao. Trong tình trạng nầy mình như người còn độc thân cũng nghĩ đến chuyện có người nâng khăn
sửa túi. Lão Tiều thì cho biết mình có cô con gái đẹp như tiên, sử kinh thuộc hết nằm lòng, nữ công
hơn người , đi đứng thì có hoa nở dưới gót chưn. Thái Tử nghe thấy thì động lòng bèn năn nỉ Lão Tiều đem con ông đến đây,
sẽ được trọng thưởng. Về lại Mao Nguyên, Lão Tiều trình bày tự sự lại cho Công Chúa
Quỳnh Nga, nàng cũng động lòng thương chồng lạnh lẽo, cô đơn do tai nạn bất hạnh của mình, nên nhờ Lão Tiều qua nói với Thái Tử chuyện về nàng
là hễ khi nàng khóc thì nước mắt biến thành hạt trai, khi nàng than thở thì trời rớt mưa, khi nàng vui cười thì trời lại nắng… Quỳnh Nga
lại dặn dò cẩn thận là không nên nói rằng nàng là Công Chúa Nam Kinh, sợ lậu việc nguy hiểm cho Lão Tiều. Thái Tử gặp Lão Tiều không thấy người con gái như lão đã nói nên có hơi thất vọng,
nhưng liền vui mừng khi lão dâng cả thuyền ngọc trai và nói rằng do con gái lão khóc mà có thì biết chắc rằng đó là Công Chúa Nam Kinh.
Vua Bắc Kinh nghe chuyện cho rằng Lão Tiều bày đặt chuyện viễn vông để gạt người nên ra lịnh bắt giết, nhờ Thái Tử can gián và bảo
lãnh nên ông chỉ bị cầm tù. Thời gian trôi qua cả năm. Ở nhà Quỳnh Nga và Mụ Tiều mỏi cổ chờ đợi người đi. Thái Tử thì nhớ thương
người con gái chưa hề gặp mặt nên cho vài ông quan đi Mao Nguyên tìm kiếm. Đoàn quan đi không lại về không, kiếm tìm không được.
Thái Tử nghe lời Lão Tiều cử một phái đoàn cấp cao hơn là năm Bộ trong triều, lại xuất phát đến Mao Nguyên. Nhờ thấy có chỗ
phát ánh hào quang, họ đến gần, nghe mùi hương thoảng thơm và gặp người con gái rách rưới. Đó là Công Chúa Quỳnh Nga.
Nàng và mẹ nuôi nghe chuyện Lão Tiều bị giam, nóng lòng và đồng ý đi về kinh đô Bắc Kinh. Ngọc Hoàng tội nghiệp Tiên nữ phải đi xa,
không mắt, không xe nên cho rồng vàng xuống chở hai mẹ con đi, đường đi thay vì sáu tháng rút lại chỉ có hai giờ thôi… Tại đền vàng, Công Chúa cảm thương sự hoạn nạn của cha nuôi nên khóc lóc, nước mắt nàng rơi
xuống đều biến thành hạt châu. Thái Tử đẹp dạ, càng xác quyết rằng người nầy chính thiệt là vợ mình, đem lòng yêu dấu hết sức, bắt Ngọc
Chân trả lại quần áo đã cướp đoạt khi xưa. Vua Bắc Kinh vẫn chưa tin người con gái kia có nhiều phép lạ nên cho thử nghiệm, nào là bắt
làm nắng làm mưa, nào là làm cho ngọc cam mọc thành cây, cho chim quyên cất tiếng hát ca réo rắt… Mọi chuyện đều được, vua tin nên chấp nhận
cho Thái Tử cưới nàng… Công Chúa được trả lại mắt bị khoét hơn 4 năm trước, nhờ ngọc cam rưới vào nên mắt được lành
như xưa. Nàng xin chồng tha chết cho hai mẹ con bà vú. Vua cha muốn trị tội hai người đàn bà bất nhơn nầy, Quỳnh Nga lại một lần nữa xin tha
cho họ... Vua sai họ đem thơ của mình về cho hoàng đế Nam Kinh, kể lại tự sự về Công Chúa
con ông. Nửa đường hai mẹ con bà vú bị thiên lôi đánh chết để trị tội đã ác độc với người tiên. Truyện kết thúc với sự vinh hiển của những người trong cuộc như Quỳnh Nga, ông bà Tiều phu. Vợ chồng Thái Tử sanh con trai, đứa bé được cho nối ngôi vua Nam Kinh sau nầy. Từ đây bốn bề thanh bình, nước nhà thạnh trị, không ai có gì phải lo lắng đời sống… 3. Với cốt truyện như vậy, với văn chương nhiều thì là mà, Thơ-tuồng Mà
Tình Con Thương… 麻情昆傷 là một truyện-thơ bình dân. Nó còn có khuyết điểm ở chỗ truyện có những sơ hở đối với lý luận thông thường. - Bà Vú đi cầu hôn, đã cầu hôn đựợc thì bỗng nhiên tác giả cho biến mất, không nói
gì đến bà ta nữa khiến cho bà Vú đưa dâu tự tung tự tác, khoét mắt Công Chúa cô dâu một cách ngon ơ. Cặp mắt nầy sau 4 năm bỏ
đâu đó vẫn không hư thúi, nhét lại vô hốc mắt khổ chủ, một chút nước của ngọc cam thì mắt trở lại bình thường! Khó hiểu! - Rồng vàng chở Công Chúa Quỳnh Nga và Mụ Tiều đi hai giờ, năm Bộ đi đường theo
cách thường tốn sáu tháng thế mà về đến triều đình Bắc Kinh có mặt một lúc cả hai nhóm. Bộ vào tâu với vua về chuyện Quỳnh Nga đã đến
triều… Rồng đưa vừa đến đền vàng. Bộ vào tâu dộng đơn trì vua hay. Chuyện cũng lạ! Cũng khó hiểu không kém bởi vì không nghe nói
phái đoàn của Bộ được cùng lên lưng rồng vàng! Truyện còn có khuyết điểm về kỹ thuật là cho ông vua cầu tự Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng cho Tiên nữ
và Tiên nam xuống trần để thực hiện chuyện Thiên duyên. Với cách viết ngày nay (hay gọi là cách viết cao hơn) thì nguyên đoạn nầy cần bỏ đi.
Chỉ cần xoáy mạnh sự thương nhớ khắng khít của hai người gái trai chưa hề biết mặt thì chủ đề Thiên duyên tiền định kể như đã được
làm rõ nét và người đọc thấy ngay điều tác giả muốn nói mà không cần nói rõ ràng… Chẳng hạn như chuyện thương nhớ nhau của cặp
Kim Trọng Thúy Kiều, Nguyễn Du đâu cần phải cho người đọc biết về cốt tử của họ. 4. Người xưa sáng tác chú ý đến những điều có thể ngày ngay chúng ta không chú ý. Và ngược lại.
Sự sơ hở về lý luận, về thời gian là chuyện hằng có, người đọc bây giờ có thấy, có nói ra nhưng không coi đây là khuyết điểm lớn của tác phẩm.
Điều quan trọng là cố tìm hiểu tại sao tác phẩm đó ngày trước lại tác phẩm ăn khách, lại là món ăn tinh thần của quảng đại quần chúng trong một
thời gian dài. Nên nhớ rằng hầu hết các truyện thơ bình dân ngự trị trong lòng dân chúng thời chữ Nôm của thế kỷ 19, sang thế kỷ 20
tác phẩm được chuyển thể thành Quốc Ngữ vẫn được ăn khách như thường. Đến hậu bán thế kỷ 19 ảnh hưởng mới mất dần đi do sự xuất hiện của
tiểu thuyết viết bằng văn xuôi. Mà Tình Con Thương chứng minh Thiên Duyên Tiền Định (Duyên Trời định
trước) là chân lý. Ở cõi trần nầy hai người nam nữ có thể không cần gặp gỡ hay thấy mặt nhau trước, không cần đã là vợ chồng cũng yêu thương
nhau tha thiết, cũng nhớ thương mong mỏi được gặp nhau, được kết hợp. Sự nối kết vô hình nầy gọi là thiên duyên. Thiên duyên đã được định
dầu kinh qua bao trắc trở, trải nghiệm những nạn tai, đem đến chết chóc của một trong hai người rồi cũng được kết hợp sau khi người kia
được cải tử hoàn sanh. Thiên duyên phải thực hành cho được lời nguyền tốt đẹp của nó. Người xưa ao ước được duyên mình bền chặt,
được sống với nhau tới già cho nên tác phẩm nào có chút thiên duyên thì được ưa chuộng: Thơ Lâm Xanh Xuân Nương, Thơ Lý Công, thơ Chàng Nhái,
Thơ Nàng Út ở trong trường hợp nầy. Kiên định và trung trinh là yếu tố bắt buộc của hai người kết hợp bằng Thiên duyên.
Kiên định thì dầu vợ nhà xấu xa tật nguyền, dốt nát, dầu Công Chúa đẹp đẽ, khôn ngoan trước mặt vua ra lịnh biểu cưới cũng nhứt định không.
Bị đày, bị tù cũng nhứt định từ chối, trung thành với người phối ngẫu có thể ngày nay ta cho là mù quáng. Tay ôm bức tượng người yêu
(Lục Vân Tiên), dắt mẹ chồng đi ăn xin để kiếm chồng, than khóc khi bị ép duyên… là những chi tiết thường thấy trong các truyện thơ trình
bày Thiên duyên. Kiên định và Trung trinh là hệ quả tất yếu của Thiên duyên. Nó vừa là sự thử thách về tình yêu vừa là yếu tố tạo nên con
người đáng quí trọng mà nhà văn muốn tạo dựng. Kẻ Xấu Sẽ Thua và Người Ngay Sẽ Thắng là kết. Sự kiện nầy đọc hết quyển
truyện ai cũng thấy điều đó. Cái kết cuộc vui vẻ của những phim tình cảm Đài Loan, Hàn Quốc ngày nay… Ba điều trên thấy hầu hết ở các truyện bình dân, mỗi điều có thể ít nhiều, diễn biến có
thể khác nhau chút ít nhưng tựu trung đều diễn tả ba điều chính yếu đó. Độc giả xưa thích đọc những tác phẩm nầy vì đó là ước mơ lớn
của họ mong đạt được trong đời sống thực tế mà họ thấy mình khó có hay không thể nào có được. Ước mơ nào cũng đáng yêu, sách vở càng diễn
tả giống với ước mơ trong trí độc giả càng được ưa chuộng, càng được hoan nghinh. (Mặt Tuy Chưa Thấy) Mà Lòng Con Thương
không lạ, không độc sáng nhưng nó nằm trong nhóm đem về cho độc giả những giây phút thoải mái do đó nó là tác phẩm ăn khách.
Ít nhứt là thời nước ta chưa tiếp xúc nhiều với cách tạo truyện của Tây phương. Ngày nay khuynh hướng thưởng thức của người đọc đã đổi thay ở lớp người trí thức thành
thị nhưng một phần dân quê đồng ruộng vẫn còn thích nó, thích mình có cái duyên thiên định, có người yêu kiên trinh và những kẻ xấu bị
trừng phạt loại trừ khỏi cuộc đời bằng cách nầy hay cách khác… 5. (Mặt Tuy Chưa Thấy) Mà Tình Con Thương… xuất hiện lần đầu tiên chừng bao nhiêu lâu nay?
Đó là câu hỏi hay ho người đọc tò mò về văn học khi đọc truyện nầy thường có. Câu trả lời không dễ dàng gì. Những điều đưa ra làm lý chứng mang nhiều tính cách phỏng đoán,
chưa chắc được sự chấp nhận bởi đa số học giới. Bản in Nôm:
Thường thì bản Nôm Phật Trấn 佛鎮 là những bản in do nhóm người Minh Hương là Duy Minh Thị, Minh Chương Thị ở xóm Dầu Chợ Lớn (nay là
vùng An Điềm, quận 6, Chợ Lớn) và Phước Trai Tiên Sinh ở đâu đó trong vùng Gia Định, chủ trương. Họ viết ra bản Nôm gởi về vùng Việt Đông,
Phật Trấn, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khắc ván, in thành sách rồi cho chở theo tàu buôn bán hàng hóa sang Lục Tỉnh bán, thời khoảng những
năm người Pháp sắp đánh Nam Việt, tới vài ba chục năm sau đó (1850-1880). Cái khổ là những bản in Phật Trấn năm khi mười họa mới đề năm
khắc in, còn bình thường thì không đề năm cho nên ta chỉ phỏng đoán với sự sai lệch ba bốn chục năm là thường. Đó là bản in khắc ván,
nhưng tác phẩm dùng làm căn bản để thợ coi theo đó mà khắc chắc đã xuất hiện trước đó chừng một thế kỷ, có thể là được chép tay hay được
truyền miệng. Bằng chứng là Nam Kinh Bắc Kinh đã được đính chính. Hầu hết những bản in của nhóm Phật Trấn đều ghi là Duy Minh
Thị đính chính ( 惟明氏訂正 = Duy Minh Thị sửa lại cho đúng). Đính chính nghĩa là phải có một bản văn để sửa, bản văn đó có thể là bản bằng
giấy trước mặt, có thể là bản trong trí nhớ của ai đó, hình thức nào cũng là có trước thời của nhóm Phật Trấn Duy Minh
Thị cho khắc in. Ông Duy Minh thị đính chính theo quan điểm nào, dựa trên những lý do gì,
sự đính chính chỉ chú trọng chút ít về mặt văn chương, vần điệu, chữ dùng hay là đính chính luôn cả cấu trúc đoạn mạch của tác phẩm? Mù mịt
không ai biết gì. Cách viết Nôm có bị đính chính không, những chữ xưa có bị thay đổi
hoặc thêm thắt không hay ta phải chấp nhận là nó được chép theo nguyên bản? Cũng mịt mù luôn. Mà nếu không có nguyên bản trên giấy thì coi
như những chữ Nôm nầy là chữ Nôm đời Nguyễn, hay nói rõ hơn là chữ Nôm của nhóm Phật Trấn Duy Minh Thị. Chẳng có cách gì hơn là giả thiết rằng ông Duy Minh Thị không đụng chạm gì đến những
chữ của người xưa, ông để nguyên cách viết và sự có mặt của chúng trong toàn văn, ông không cắt bớt, chẳng sửa đổi hay thêm thắt gì như các
ông Đặng Lễ Nghi, Lê Ngọc Mai, Nguyễn Đăng Hưởng… sau nầy và những người làm công việc bổn cũ soạn lại thường làm.
Từ giả thiết đó ta coi những chữ khó hiểu là từ xưa, đã có mặt ở đó trước khi có bản khắc in của Duy Minh Thị.
Các chữ nầy càng nhiều thì sự khả tín về sự xuất hiện ở thế kỷ 18 hay trước nữa, càng nhiều. Thật vậy, lọc ra những từ xưa, khó hiểu, ít dùng ở các tác phẩm khác, tôi thấy cũng
khá bộn bộn… chẳng hạn như chữ ể rồng (vua bị ể mình), ca tay (ở trong tay, đưa cho cầm), no say (ấm no, đầy đủ
cơm áo trong cuộc sống), con mái (cung nữ), trẩy mười hai tháng (hành trình 12 tháng), trẩy sang (đi sang qua),
chứa chan (nhiều, đầy ắp), ngoan ngùy (khôn ngoan, lanh lợi), khôn hơn nửa người ta (khôn như người ta, khôn bằng
người thường), cũng tày (cũng bằng, cũng như), dầu chẳng (nếu mà), bát ngát (buồn bã), chỉn khôn
(thiệt là khó, chắc chắn là khó), pháy pháy (giăng giăng như tơ), tọt (đút vô một cách ép uổng), khoan khoan
(đi chậm rãi, từ tốn), buông câu (thả câu, bỏ câu), nhơn sao mà có (do đâu mà được), ba chặp
(một lúc, một hồi cũng hơi lâu lâu), chẳng đương (chẳng chịu được, không so sánh với được, chẳng bằng), ba bảy
chạy ra (lật đật chạy ra), vận vào (mặc vào, bận quần áo vào người), chuyển động trong lòng (cảm động), chan
chan (nhiều lắm), thửa (thuộc về, của), thiếp thiếp (thiêm thiếp, không cục cựa, xụi lơ cán cuốc, không nhúc
nhích), thiệt thà (thành thật, chân chất), bán chác (mua bán, đổi chác), đòi nơi (nhiều nơi), nắng thanh
tao (nắng ráo, trời trong), dắng dỏi (tiếng kêu liên tục của loài côn trùng hay chim chóc), xước gió
(bị gió thổi tạt mạnh vô mình), tâu dộng thánh minh (tâu lên nhà vua), phát hành (xuất hành), chưng
(tiếng trợ từ), bởi chưng (tại vì, do, bởi vì), dầy dầy (xum xuê, nhiều), tư lương (lo lắng, thương cảm),
rén (lén một cách nhẹ nhàng), nhẫn nay (cho tới bây giờ), no nao (bao giờ), tán hoán
(phơi bày ra rõ ràng), hảm giá (hãm hại người trong hoàng tộc)… 6. (Mặt Tuy Chưa Thấy) Mà Lòng Con Thương là một tác phẩm xưa, chủ yếu để làm món ăn tinh
thần cho lưu dân đến Miền Lục Tỉnh khi vùng nầy mới thành lập không lâu. Món ăn đó có chút hát bội để người đọc nhớ lại bộ môn mình từng thưởng
thức, có chút an ủi rằng rồi ra mọi sự đều trắng đen rõ ràng, kẻ xấu sẽ đền tội, người ngay sẽ được thoát ra khỏi những khổ lụy do kẻ xấu tạo
nên. Thiên duyên tiền định luôn luôn có và điều khiển để kết hợp huyền diệu cho những kẻ yêu nhau. Những điều trên được viết ra để thỏa mãn
những ước vọng của lớp độc giả nông dân có quá nhiều yếu kém và chịu đựng quá nhiều bất công trong cuộc sống thực tế chăng? Độc giả thích
nhiều, đọc nhiều, thiên hạ chịu bỏ tiền ra in khắc… có thể là câu trả lời gián tiếp. Nhưng chắc chắn là những tác phẩm đại loại như Mà Lòng Con Thương… đã góp phần đào
tạo nên tầng lớp người đạo đức, hiền hòa, nhẫn nhịn, tin tưởng ở đấng Toàn Năng, những người mà ai ai cũng mến, cũng muốn kết thân của
Miền Nam Kỳ Lục Tỉnh 7, 8 chục năm trước, nay vì hoàn cảnh xã hội hầu như đã trở thành loài quí hiếm trên đà tuyệt chủng… Tìm hiểu văn chương xưa có cái dở là đi lùi về quá khứ, xa rời những biến động của
thực tế phũ phàng chung quanh khiến cho người đọc như là bị dính líu với sự ì tính, cách biệt với những vấn đề cấp thiết của xã hội
mà họ đương sống trong khi xã hội hiện tại với những sinh hoạt và ý tưởng hướng về tương lai, làm cho con người hoạt động, năng nổ,
khó bị đẩy lui trong cuộc đời. Tuy nhiên rút ra được những triết lý tốt do
người viết gởi gắm cũng là điều đáng cho chúng ta bỏ công. 7. Nhiều khi tôi cũng lấy làm lạ với chính mình khi gần nửa đời sau mải mê ngày đêm không biết
mệt trên những trang giấy chữ Nôm xưa cũ, thường rách te tua và phần nhiều bụi thời gian đã phủ dầy lớp lớp. Nói rằng vì thích khám phá,
vì tha thiết với văn hóa dân tộc hay tầm thường hơn như thích tạo dựng một chút tiếng tăm cho mình… đều không đúng hẳn. Tôi chỉ là
người lạt lòng tiếc ngẩn tiếc ngơ khi thấy một phần di sản của ông cha bị trùm phủ qua bao sóng lớp phế hưng, nếu mình có khả
năng phủi bụi giới thiệu cho quần chúng độc giả thì tiếc gì chút thời gian đời hèn mọn của mình mà không bỏ công. Và tôi tiêu quỹ số năm tháng dự trữ đời mình cho những công việc không giống ai khi
được thấy hay được biết ở đâu đó có một bản Nôm chưa từng được giới thiệu thỏa đáng. Tác phẩm Nôm đến với tôi bằng đường mua, đổi hay được trao tặng, dầu là bản chánh,
dầu là bản sao, dầu bươm rách hay còn nguyên vẹn tôi đều trân quý như nhau. Đọc tới đọc lui cả chục lần, mày mò suy nghĩ từng
câu khó, từng chữ lạ để mong đến được đúng ý người xưa, để hiểu tâm tình người đi trước thể hiện trong đó. Người khảo cổ,
nhà xã hội học, nhà nhân chủng học cẩn thận từng li, từng chút nhỏ trong việc phục chế một thành phố bị chôn vùi dưới đất bao
trăm năm, thiên hạ cố gắng phơi bày lại ra ánh sáng
lại một kiến trúc bị cây rừng bao phủ để hé lộ cho nhân gian biết rằng ngày xưa cũng có một nền văn minh sáng lạn ở nơi nào đó. Giới thiệu một
văn bản chữ Nôm cũng tương tợ như vậy: Chủ yếu để cho biết rằng ông bà ta vài ba trăm năm trước đây đã suy nghĩ như vậy, đã nói cách nói đó,
đã dùng chữ như thế kia. Là hậu duệ, bổn phận chúng ta nên biết những đặc trưng văn hóa, văn nghệ của ông cha mình hơn là biết tường tận
đời sống của nữ ca sĩ A, nam ca sĩ B ở mấy nước thừa tiền dư bạc. Ta biết để thông cảm với những khó khăn của người đi trước, để thán
phục rằng trong sự khó khăn đời sống vật chất trước đây, người xưa đã không ngừng sáng tác, hay nói khác đi, ông cha ta đã không quên
cung cấp cho người chung quanh những món ăn có ích lợi cho đời sống tâm tình. Thế nhưng chữ Nôm là thứ chữ không ai dám tự hào mình biết hết, bạc đầu mòn trán lỏng gối với
Nôm vẫn nhiều khi đọc sai những chữ mắc, chữ lạ hay thậm chí không biết phải đọc như thế nào một chữ mà mình mới gặp lần đầu khi
nó chẳng giống chút xíu nào với những chữ mình đã từng gặp. Tôi lao vào công việc nầy với lòng nhiệt thành, không vụ lợi dầu là tinh thần hay vật chất,
do đó nếu có sai sót, xin được bỏ qua cho, ai đó cao minh có trách móc, thì cũng xin nương tình vì biển học vốn mông mênh, một vài chữ đọc mà
lòng không chắc đúng có khi để vài ba năm suy gẫm vẫn không biết gì hơn vì không giải mã được tại sao người xưa viết một trường hợp độc nhứt
không giống ai như vậy, tại sao con mối kia ác như vậy, gậm nhấm mất hơn nửa chữ khiến kẻ hậu sanh không thể đoán ra chữ gì khi trước mặt chỉ
còn vài ba nét mờ mờ. Trong tinh thần tôn trọng tiền nhân và độc giả, tôi biết đến
đâu thưa đến đấy, tuyệt nhiên không võ đoán cho rằng người xưa viết sai nét,
dùng sai chữ mà không xét tới xét lui nhiều lần ở thiệt là nhiều phương diện.-./.
VVM.29.11.2024-NVA