Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



        

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM




Từ Vũ và Việt Văn Mới Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .

KỲ THỨ XXV


VỀ CÁC NHÀ VĂN HẬU CHIẾN : 1950 – 1956
[ QUỐC GIA VN VÀ MIỀN NAM (VNCH) ]

      Giai đoạn kháng chiến, từ 1945 đến 1950 Việt Nam độc lập được gần một năm. Tiếp, Pháp chiếm lại Hà Nội, (ngày 19 tháng 12 năm 1946) cho dù đảng phái Quốc hay Cộng đều bỏ phù hiệu riêng, đoàn kết trong danh xưng kháng chiến chống thực dân tái xâm lăng. Suốt chín năm (1945–1954), thì kháng chiến ở bốn năm về sau, đã hao hụt thực chất; Mác xít ra mặt lãnh đạo – và cho đến 20–7–1954, phân chia đất nước, danh xưng toàn dân kháng chiến mất hẳn ý nghĩa. Song trên bình diện văn nghệ, ý thức toàn dân kháng chiến tạo được nền văn học có chiều sâu và rộng.
      Giai đoạn văn nghệ phân hóa, văn nghệ Mác xít – theo hẳn lối sáng tác được chỉ huy, nhất là sau 1954 miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn Quốc Gia và miền Nam (VNCH) văn nghệ chỉ là vườn hoang, mọc đủ loại thảo mộc. Trong tập này, với người khe khắt cho quá nhiều – người dễ dãi cho chưa đủ. Với tôi, vẫn chỉ là bắt voi bỏ giọ, và tất nhiên chủ quan; thiếu sót tất nhiên không thể tránh. Nhìn vào những người viết sách nhận định văn học trước như Vũ Ngọc Phan kết luận cuối trang sách phê bình văn học, có đoạn:
     “... Trước hết, bộ sách này là bộ phê bình văn học như tôi đã nói nhiều lần, vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn. Sau nữa, trong khi tôi viết những trang phê bình về thơ, có nhiều thi sĩ chưa có quyển thơ nào xuất bản, về kịch hay tiểu thuyết, có nhiều nhà văn chưa có sách biên khảo, chưa có kịch hay tiểu thuyết ra đời. Như vậy, biết căn cứ vào đâu cho chắc chắn? Rồi lại những nhà văn chính trị tuy đã có văn thơ in trên báo chương hay xuất bản thành sách, cũng không có trong bộ sách này, vì một lẽ mà ai cũng hiểu khi nhớ đến chế độ hiện hành về sách báo. Còn những nhà văn chuyên viết những sách Pháp văn thì tôi cho là không phải nói đến trong văn học Việt Nam. (...) Tôi xin nhắc lại đây một lần nữa rằng bộ Nhà Văn Hiện Đại này chỉ là một bộ phê bình văn học, không phải là bộ văn học sử. Trong văn học sử, người viết cần phải xét rất kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến văn phẩm, rồi lại phải định rõ cả sự liên lạc của nhà văn nọ với nhà văn kia đồng thời hay khác thời đại. Nếu không đủ được những điều cốt yếu ấy, để định rõ phong trào văn học, thì dù có văn học sử đi nữa, người ta cũng chỉ coi là một mớ sử liệu...” (1)
     Thời gian này tác phẩm viết bằng Pháp ngữ như Phạm Duy Khiêm với Légendes des terrres sereines và Nam et Sylvie; hoặc Nguyễn Tiến Lãng Le Chemin de la Révolte; Phạm Văn Ký: Frère de Sang, Celui qui régnera; Cung Giụ Nguyên Le Fils de la baleine – sử học Lê Thành Khôi với Le Vietnam, Histoire et Civilisation v.v..., không nói đến, cũng như lý do mà ông Vũ Ngọc Phan đề cập tới ở trên. Đến nhà chính trị văn sĩ Hồ Hữu Tường với Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc bỡn Nga, ... thì cũng vậy. Cả đến loại sách trinh thám kỳ tình, kiếm hiệp, phong thần, phỏng dịch chắp vá được gọi là tác phẩm văn học – chúng tôi xin phép không nói tới. Rõ hơn là Phạm Cao Củng có mặt từ tiền chiến với Kỳ Phát; hoặc truyện Người Nhạn Trắng cũng thế v.v... Tác giả Hoàng Như Mai, thời gian 1950–1954 trong kháng chiến; chúng tôi đưa vào cuốn này; vì vở kịch Tiếng Trống Hà Hồi đặc sắc được in trình diễn ở Hà Nội. Có thể nói điển hình bộ môn kịch là Tiếng trống Hà Nội. Bước sang bộ môn biên khảo, đưa Duy Sinh vào một tiết, như một điển hình cho lớp người viết biên khảo; cũng vẫn chủ quan, so với Diên Hương, Thu - Giang - Nguyễn - Duy - Cần; Khi đối chiếu lại thì, Duy Sinh không thể giá trị bằng hai nhà biên khảo vừa nêu danh.
     Trở lại bình diện văn nghệ hậu chiến, tập 3 gồm trên dưới một trăm nhà văn; chọn ba mươi điển hình nói tới cặn kẽ; so với người khác viết tóm lược. Cũng vẫn chủ quan thô thiển và tự nhận thiếu sót. Bởi còn nghĩ xa hơn rằng: "không thể viết đầy đủ các nhà văn mình muốn đưa vào một quyển, thay vì mỗi nhà văn điển hình phải viết hẳn một cuốn nói về họ".
     Nên coi những trang viết này chỉ là chữ viết (écriture) trong bộ sách này, và không là văn học (littérature); như quan niệm của Michel Buto (2). Lẽ trang viết có ý nghĩa tổng quát hơn. Còn nữa, bộ sách này chỉ là kết quả viết về tác phẩm các tác giả mà tôi đã đọc, đưa ra nhận xét của riêng tôi; giúp cho nghề tôi nuôi nghiệp (littérateur). Từ 1950 đến 1956, biến chuyển thời cuộc tác động đích thực vào đời sống văn học mà nhà văn sống trong đó. Ở miền Bắc của Quốc Gia Việt Nam (1950 – 1954) nhóm Thế Kỷ tạo thành một Triều Đẩu, qua những mảnh đời phóng sự hồi cư nóng bỏng, hàng ngày phải đối phó với đời sống, tạm gọi độc lập trong lồng son Liên Hiệp Pháp. Còn thêm nhà văn điển hình như Hoàng Công Khanh với Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu, (truyện), Bến Nước Ngũ Bồ (kịch dã sử), Nguyễn Minh Lang, ngọn bút tài hoa của văn chương lãng mạn mới, qua Gái Hà Nội, Nước Mắt Trong Đêm Mưa, Cánh Hoa Trước Gió (2 tập)... Hai nhà văn này, chúng tôi đề cập ở Chương 3 (tiết 2 và 4) – nhưng tập 3 này xuất bản ở Sài Gòn vào 1959 (Loại sách Đại Nam văn hiến trong nhà xuất bản Huyền Trân, Nhật Tiến chủ trương) bị kiểm duyệt bỏ trọn tiết. Bản in lại lần thứ hai in lại đầy đủ; nhưng trong lần này vẫn phải để trống phần phân tích; vì lý do tầm thường – không kiếm được bản tái bản vào 1973. Hai nhà văn điển hình khác nói đến trong Chương 3 là Thanh Hữu, Văn An. Về nhà thơ điển hình: Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh... Viết tóm lược nhà thơ: Hoàng Phụng Tỵ, Song Nhất Nữ, Băng Sơn, Vân Long, Trần Nhân Cư... Bình diện văn nghệ miền Trung (Quốc gia Việt Nam) vào giai đoạn này, nhà thơ điển hình được nói đến : Huyền Chi (nữ), Hoài Minh, Thanh Thuyền. Viết tóm lược các nhà thơ: Hồ Đình Phương, Huyền Viêm, Thế Viên...
     Bình diện văn nghệ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), nhà văn điển hình: Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo (nữ), Triều Lương Chế, Phạm - Thái - Nguyễn - Ngọc -Tân Phạm Thái kèm tên thật Nguyễn Ngọc Tân, phân biệt với một Phạm Thái khác), Chấn Phong Hư Chu. Viết tóm lược: Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu-Mai-Vũ-Bá- Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Nguyễn Hoài Văn, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân... Một số nhà văn khác nổi tiếng sau giai đoạn 1956 như Võ Phiến chưa có tác phẩm xuất bản. Phải kể thêm trong số đó: Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, (nữ), Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng (nữ), Võ Hồng, Thế Uyên, Tuấn Huy, Thế Nguyên, v.v... của Đệ nhị Cộng hòa (sau 1963 trở đi). Riêng về phóng sự tiểu thuyết: Hoàng Hải Thủy với Vũ Nữ Sài Gòn (3), Duyên Anh qua bút hiệu Thương Sinh, Toàn Phong với Đời Phi Công, chúng tôi chưa có cơ hội nói đến, và nhờ Vũ Ngọc Phan giúp giải vây sự khốn đốn; ... vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn... Thêm nữa, khoảng thời gian viết đến lúc in ra (dầu cho là in ronéo-typé cách vài năm). Do đó, chưa kịp nói đến Võ Phiến (Chữ Tình), (4) Thế Uyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Toàn Phong , Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Nguyên, Văn Quang (Thùy Dương Trang), Huy Trâm, Phạm Nguyên Vũ, Túy Hồng (nữ), Lê Vĩnh Hòa, Nhật Tiến, (văn) v.v... – Về thơ: Thái Thủy, Tô Thùy Yên, Tôn Thất Quán, Hoàng Khanh, Cung Trầm Tưởng, Cao Mỵ Nhân, Viên Linh, Trần Dạ Từ (khi ấy ký Hoài Nam), Hoài Khanh, Hà Yên Chi v.v... và v.v... (5).
     Giá trị văn chương tiền chiến Tự Lực văn đoàn, có cả Lê Văn Trương, (tập một: Nhà văn tiền chiến), tiếp đến giá trị văn chương lửa kháng chiến; sau là hậu chiến. Đọc Bướm Trắng, Nửa Chừng Xuân. Mấy Vần Thơ, Gửi Hương Cho Gió, Vang Bóng Một Thời, Thằng Kình, Ngoại Ô, Giông Tố... không nhìn thấy đầy đủ hình tượng sống cuộc sống hôm nay được thấy trong: Gió Bấc, Truyện Năm Người Thanh Niên, Trên Vỉa Hè Hà Nội, Cánh Hoa Trước Gió, Trại Tân Bồi, Nhìn Xuống, Điệu Đàn Muôn Thuở, Đêm Giã Từ Hà Nội, Sợ Lửa, Rừng Địa Ngục.... Văn nghệ là sản phẩm phản ánh thời đại, nên Kim Vân Kiều có hay đến mức thượng thừa – cũng chưa thể đại diện cho một khoảng thời gian không tiếp nối. Tác phẩm Nguyễn Du mới chỉ nói lên đầy đủ về xã hội phong kiến giao thời mà tác giả Kim Vân Kiều sống – đủ một số điều tương đồng hiện cảnh. Không thể nói đến Kim Vân Kiều là đủ điều tất yếu hình tượng sống lịch sử. Tác phẩm của Karl Marx, S.Freud cũng bị vượt qua, hiện nay vẫn cần khối óc siêu việt Oppeheimer, Einstein, Gandhi, JP Sartre v.v...
     Phải hiểu được rằng: lịch sử một nước như lịch sử văn học, luôn theo đà diễn tiến, tiếp nối không ngừng. Nói khác đi, sử học, văn học sử một nước không thể cắt quãng, cũng không tùy thuộc vào lập luận một phe nhóm nào để định giá trị vĩnh viễn. Rất cảm phục lập luận của Vũ Ngọc Phan dẫn trên kia; được gọi văn học sử, phải xét kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến tác phẩm, định rõ liên hệ (chữ dùng: TP) giữa nhà văn này với nhà văn nọ, định rõ phong trào văn học. Càng rõ hơn, được gọi văn học sử, ít ra phải làm được một bộ sách Lịch Sử Văn Chương Ngôn Ngữ Pháp (tạm dịch Histoire des littératures de la langue française) (6) do nhóm chủ trương gồm 209 giáo sư văn học thực hiện bộ sách vĩ đại ấy.
     Cảm ơn số bạn giúp tài liệu, ý kiến, khích lệ, động viên, khi tôi khởi sự viết bộ sách này. Như họa sĩ Đinh Cường cởi áo, ngồi xệp trên sàn gác căn nhà trọ cùng tôi chia giúp những trang sách in ronéotypé xếp thành tập vào 1959, ở hẻm nhà thờ Lý Thái Tổ (Chợ Lớn). Uyên Thao mượn cho chiếc máy chữ, có lịch sử sản xuất cùng thời kỳ Tây hạ thành Hà Nội. Nguyễn Quang Tuyến nuôi ăn ở hàng năm, tôi ra thư viện đọc sách. Cùng với nhiều thư tình đầy tâm huyết người - tình - bậc - chị đến từ Hong Kong (nàng gọi Cảng Thơm) khích lệ người - em - bạn - tình miệt mài với chữ và nghĩa. Lại không thể quên bạn vong niên Phan Văn Thức cấp tiền ăn sáng, giấy stencil và thẩm phán Đào Minh Lượng, khi là sinh viên Trường Luật mua bánh mì dùng bữa trưa để tôi ngồi lì ở Thư Viện Quốc Gia làm mọt sách. Cũng không thể quên chịu ơn André Gide, qua cuốn sách viết phê bình về Fédor Dostoievskï (7) và cả Textes philosophiques của V.Biélinsky (8) nữa.

     THẾ PHONG

PHẦN THỨ BA

VỀ CÁC NHÀ VĂN HẬU CHIẾN : 1950 – 1956
[ QUỐC GIA VN VÀ MIỀN NAM (VNCH) ] )



CHƯƠNG NĂM


Tiết 1 . – KHÁI QUÁT VỀ BÌNH DIỆN THI CA MIỀN NAM
Tiết 2 . – HỒ HÁN SƠN
Tiết 3 . – PHAN LẠC TUYÊN
Tiết 4 . – ĐỖ TẤN
Tiết 5 . – HOÀNG TRÚC LY (1931 – 1984)
Tiết 6 . – NGUYỄN VĂN CỔN
Tiết 7 . – BÙI KHẢI NGUYÊN
Tiết 8 . – PHAN MINH HỒNG (1932 – 197?)
Tiết 9 . – TIỂU MỤC:
          1. HÀ LIÊN TỬ – 2. KIÊN -GIANG – HÀ -HUY-HÀ 3. THẾ VIÊN (1935 – 1993) –
          4. CHẾ VŨ (1931 – 1961) 5. DIÊN NGHỊ – 6. HUYỀN VIÊM.


Tiết 1


KHÁI QUÁT VỀ BÌNH DIỆN THI CA MIỀN NAM

Ở tiết này, nói đến bảy nhà thơ độc lập điển hình. Mỗi nhà thơ đại diện một khuynh hướng riêng biệt. Chẳng hạn Hồ Hán Sơn là nhà thơ cách mệnh; Phan Lạc Tuyên, nhà thơ tự do của xu hướng riêng: nội dung ca tụng quê hương, sinh hoạt quân đội. Phan Minh Hồng, nhà thơ nói về thơ biển cả duy nhất vào lúc này. Đến Nguyễn Văn Cổn đại diện lớp nhà thơ hải ngoại, bắt đầu bằng tập thơ đầu tay Nước Tôi (1944), Đỗ Tấn, nhà thơ chiến sĩ tâm lý chiến bảo vệ chế độ. Nếu Đỗ Tấn biết điều hòa, sử dụng lập trường với tác phẩm văn chương có rung cảm thực sự, tất sẽ đi đúng vào địa vị người làm văn không theo công thức. Hoàng Trúc Ly, nhà thơ tâm tình khắc khoải như Thanh Thuyền, sống vào thời kỳ thoái trào cách mệnh, nhìn thấy cảnh đất nước bị nô lệ Pháp nên chán chường, dẫu thiếu lý do sáng suốt. Song những nhà thơ ấy nói đúng được rung cảm thành khẩn của họ, những thi sĩ hòa tiếng lòng với tư tưởng hoang mang. Hoàng Nguyên (Bùi Bình Hiếu) nhà thơ ẩn ức sau khi tranh đấu, nhìn được thân phận bị lợi dụng, thơ có đường lối riêng biệt tranh đấu. Sau ông đổi bút danh thơ Bùi Khải Nguyên qua tập thơ Thiết Tha (S.1964).
Ngoài nhà thơ điển hình, còn nhiều nhà thơ tiến bộ khác, hiện tại được nhắc qua nhưng tôi không có hoàn cảnh viết chi tiết. Việc này nhường lại cho những ai khảo và viết về thơ Việt Nam sau này. Đó là Hà Liên Tử, tâm hồn thơ xúc cảm, chưa lắng đọng, ít rung cảm chân thành, có thể vốn sống nông; nghệ thuật chưa bày tỏ được. Diên Nghị, nhà thơ chịu ảnh hưởng quá trung thành Trần Hữu Thung. Chẳng hạn trong tập Xác Lá Rừng Thu, bài Hoa Cà La Mướp của ông chính là bản sao bài thơ Thăm Đồng mà Trần Hữu Thung được giải thưởng thơ Bắc Kinh. Giá trị Diên Nghị chỉ ở mặt thơ tâm tình, thơ tranh đấu ít vốn đầy giả tạo.
Thế Viên, Huyền Viêm đi sâu vào nội tâm, họ có thể trở thành nhà thơ đầy triển vọng hơn, nếu theo con đường đang đi. Sẵn khả năng thơ có bề mặt, chỉ thiếu chiều sâu; tôi muốn nói đến nhà thơ Huyền Viêm tác giả tập thơ Trước Mùa Chinh Chiến (S.1956).
Một số nhà thơ nữa không nói đến, như Tuấn Giang, tác giả Hương Lòng; Tô Thùy Yên, nhà thơ tự do đang lên chưa có thi phẩm in ra, Văn Thế Bảo, Thái Thủy, Tô Hà Vân, (Nguyễn Đình Toàn), Lan Đình ..., mỗi nhà thơ một đường riêng – trừ nhà thơ cỗi Tuấn Giang, sáo rỗng, giả tạo. Tuy nhiên có đôi bài giá trị như: Xuân Nghèo, Tuấn Giang cũng đạt rung cảm chân thành; nhưng chỉ qua vài câu. Thơ Tô Thùy Yên trải qua các chặng thơ mới, tự do, thấm nhuần thơ tư tưởng mới; cả hình thức lẫn nội dung. Nhưng thơ thì duy lý, khô khan quá. Thái Thủy, Tô Hà Vân (Ngày Em Về Thăm Quê Tôi), hai nhà thơ cùng thời với Song Hồ, Dương Vy Long chưa tạo được thế đứng riêng biệt. Lan Đình, nhà thơ lớp sau này có đôi bài thơ hay, giọng hơi thơ Nguyễn Bính; Hoài Khanh với tập: Dâng Rừng là thí nghiệm, chưa chứng tỏ có đường lối riêng. Cao Mỵ Nhân, nhà thơ vẫn đang trên đường thơ học trò, khai thác hình ảnh hoài vọng tuổi xanh tha thiết, chân thành. Tương lai thi ca đặt vào các nhà thơ trên thật rực rỡ, xán lạn ấy là nói về các nhà thơ đợt mới nhất hôm nay.


Tiết 2

HỒ HÁN SƠN (1929 – 1955)

Tiểu sử:

Hồ Hán Sơn tên thật Hồ Mậu Đề. Sinh năm 1929 ở Nghệ An. Qua các trường ở Huế rồi tham gia kháng chiến, chiến đấu ở Liên khu IV. Cựu sinh viên trường Lục quân chiến thuật Liễu Châu, sau về Thành viết báo, xã thuyết, làm thơ, biên khảo chính trị quân sự. 1952 ông vào Sài Gòn cộng tác với tuần báo Đời Mới, tham gia chính trị trong một đảng phái ở miền Nam (Cao Đài). Năm 1955, vì lý do chính trị bị thủ tiêu ở Bến Kéo (Tây Ninh).

Khuynh hướng và tác phẩm:

Nghệ Thuật Chỉ Đạo Chiến Tranh (Hà Nội, 1953), Thế Giới Thứ Ba Bùng Nổ, Nước Việt Nam Về Đâu? (Mai Lĩnh xuất bản, Hà Nội 1954)… Làm thơ ký bút hiệu Hồng Nam; tuy ít, song thơ chứa khát vọng sống ca tụng dân tộc đem cả cuộc đời dâng hiến như: Tình Nghèo, Hẹn Hò, Nén Hương Tàn. Và hồi ký như: Tết Giữa Rừng Xanh đăng trên báo Đời Mới, Việt Chính... hoặc bài viết về quân sự như : Những Nguyên Tắc Cầm Quân của Trần Hưng Đạo v.v...
Hồ Hán Sơn làm thơ ít, như chúng tôi vừa nói đến, song thơ của ông chan chứa tình thương yêu, tình ái. Dẫn chứng bốn câu thơ chúc tết người viết vào năm Ất Mùi, thơ bình dị; chứa suy tư, cách sống, giá trị thực tiễn:

“Ở Bắc đã lay cây rụng lá
Về Nam ngơ ngẩn áng mây sầu
Đất trời đang hẹn cơ vong quốc
Thư kiếm xuân sang chúc bạn bầu”


Miền Nam thập niên năm mươi đang lâm vào thế Thập Nhị Sứ Quân, Hồ Hán Sơn là một trong những người luôn luôn cầm trong tay binh lực hy vọng chuyển dịch thời thế. Ông không thể chỉ là nhà thơ thuần nhất, như Nietzsche quan niệm, phải lập thuyết mới có thể giải quyết thân phận con người, mà thơ thì không làm nổi. Hay Karl Marx ban đầu làm thơ trong tuổi sinh viên, thi sĩ ba trăm câu thơ gửi người nhân tình, sau trở thành vợ. Nietzsche cũng không tin rằng thơ có thể xoay chuyển tình thế xã hội. Viết thư cho bố, báo tin ông đang bước vào con đường nghiên cứu triết học. Nhớ đến Hồ Hán Sơn hạ bút viết: Thư kiếm xuân sang chúc bạn bầu, có lý do chính xác. Sách khảo cứu chiến thuật, chiến lược, nghệ thuật cầm quân trong Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh ở đây không bàn đến, kinh nghiệm bản thân khi học ở Tàu, cũng như dựa vào tài liệu Hoàng Đạo Thúy tạo thành cuốn sách này.

Kết luận.

– Hồ Hán Sơn qua đời ba mươi tuổi, người vợ chưa cưới chỉ mới vấn danh. Đòi hỏi có vợ, từ nơi Thượng đế, như La Répétition (Nhắc lại) của Kierkegaard hẳn khác, bởi ông chẳng còn sống để đòi, và cuộc đời kết thúc bất ngờ: Thơ thì hay và kiếm thì hại. Tài năng mai một, kiếm cung tự giết, chỉ còn thơ bất tử để lại, thơ Hồ Hán Sơn bao hàm ẩn ý, bảo vệ sinh tồn đóa hoa dân tộc, ngoài ý nghĩa trên, thơ không còn nghĩa lý. Xã hội quốc gia trường tồn, Hồ Hán Sơn là người được nhắc nhở ở cuộc đời, cũng như thơ cách mệnh.

Trích thơ:

1. TÌNH NGHÈO

Nhớ thuở
Anh cày thuê
Em chăn trâu
Bóng mát dưới cầu
Quen nhau ...
Một cỗ trầu cau
Nên đôi chồng vợ
Túp lều tre nứa
Dựng cuối vườn làng
Hai mùa lúa chín ngô vàng
Chày tre cối đất nhịp nhàng đã vui

Thế rồi
Mõ giục từng hồi
Giặc tràn mấy xứ
Lúa khoai màu mở
Ai không tiếc ruộng tiếc đồng
Đường quê thiên hạ tiễn chồng

Em đưa anh ra lính
Giặc vào anh đánh
Giặc tan, anh về
Làm sao đuổi hết giặc đi
Để cho cối đất chày tre nhịp nhàng.
Bao giờ
Giặc chết trên ngàn
Giặc tan ngoài bể
Nhớ lời em nhé
Và cánh đồng quê
Dù không may!
Anh cứ về
Ai chê người đuổi giặc
Ai ghét kẻ thương binh
Còn làng, còn nước, còn anh
Còn đồng ruộng cũ, còn tình lứa đôi.

Em vui
Nước nhà độc lập
Đường quê tấp nập
Trai tráng về làng
Hai mùa lúa chín ngô vàng hơn xưa. (63)


1953
(trích báo Đời Mới)


2. THĂM QUÊ

Mải vui theo bước phong trần
Bao năm mới được một lần thăm quê
Lòng vui như gái đến thì
Chân vui nuốt chửng đường về khi nao.
Làng tôi
Sông rộng núi cao
Lũy tre rì rào
Nắng vàng trải lụa
Ruộng đồng ngập lúa
Trai canh nhộn nhịp đường làng
Mùa mười lúa chín đã vàng
Áo quần vải mới rập ràng ngõ quê
Gặp nhau trên đường về
Bác Cu cười ha hả
Mưa mười được cả
Ruộng cạn ao sâu
Mấy khi mà chú về lâu
“Qua ăn xôi mới của đầu mùa nha”
Lò lửa sáng rực nhà
Bác thợ rèn ngâm nga theo nhịp búa
Sức người cùng sức lúa
Tới dũa với anh cầy
Nguồn vui tràn ngập xóm làng.
Câu hò câu ví nhịp nhàng cuối thôn
Nhưng
Ai biết được nguồn cơn
Qua mấy buổi chiều buồn
Mây trôi về lảng vảng
Khắp xóm làng lo lắng
“Năm xưa cũng có cầu vồng”
Dập dờn gió bão gió đông
Ba hôm
Nước ngập đường đê
Nước tràn ruộng lúa
Nước vào nhà cửa
Lợn gà xao xác cánh đồng
Lặng nhìn trời nước mênh mông
Cụ già than thở
Trời cho thấy, sao nỡ chẳng cho ăn
Lụt ra dể cảnh hoang tàn
Cho em bé khóc cho lòng xác sơ
Lúa khoai chôn chặt dưới mồ phù sa
Mải vui theo bước phong trần
Bao năm mới được một lần về quê
Nghẹn ngào lúc bước chân đi
Bác Cu còn dặn nhớ về mùa chiêm
Lụt rồi đồng sẽ tốt thêm.


1952
Trích báo Đời Mới

HỒ HÁN SƠN


Tiết 3

PHAN LẠC TUYÊN

Tiểu sử:

Sinh năm 1928 ở Hữu Bằng, Sơn Tây. Bị động viên vào lớp Sĩ quan trừ bị khóa I – 1951. Viết cho các báo Phụng sự, Quân đội, Văn nghệ Tự do, Nguyệt san Đại học Quân sự…
Đã xuất bản: Mùa Hoa Mới (1956 thơ).

Phân tích tác phẩm: Mùa Hoa Mới, tập thơ có lời giới thiệu Kiêm Đạt, và nhiều tác phẩm khác như: Phê bình Văn Nghệ Cộng sản (viết chung với Võ Phương Tùng (Võ Long Tê), Lê Lam Sơn (Tô Kiều Ngân) Tìm Hiểu Thơ Tự Do (Lạc Việt, 1956, tập I) với Mạc Ly Châu, Kiêm Đạt và Hồ Nam. Thơ ông hòa nhịp với đời sống trải, phản ứng, rung cảm, hơi thở cuộc sống thôn quê, nhiều nơi hành quân qua. Là nhà thơ quân đội, cuộc sống quân ngũ luôn dàn trải trong thơ, đôi khi thêm vài nét chấm phá hình ảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc (Người Em Rừng Núi). Hoặc hình ảnh bà mẹ già đợi con trai chưa về trong xóm nhỏ làng quê Phan Lạc Tuyên đưa vào thơ từ linh hoạt, cảm xúc, bồi hồi. Bài thơ Tình Quê Hương (64) chiến sĩ tiếp thu Ba Tơ:

“... Các anh về chín kịp lúa đang lên
Rẫy ngô khoai trở lại búp xanh rờn
Thêm mái rạ làng nghe vui xây dựng
Các anh về Ba Tơ đang bừng sống”


(Áo tím màu sim)

Thơ mộng, êm đẹp lại hứa hẹn, chan chứa tình quê hương, gia đình cả người vắng mặt; tiếp nhận người mới, lại nhớ đến Tố Hữu: Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu (65) Trong hơi thơ tương tự ấy, ở Phan Lạc Tuyên có:

“Em hẹn em sẽ kể
Tình quê hương đơn sơ
Mẹ già như chiều nắng
Nhớ con trai chưa về
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tầm thưa
Ngõ buồn mầu hoang loạn
Quê nghèo thêm sác sơ...”


Biểu hiện được tình quê hương thắm thiết hòa hợp với tình yêu quê hương miền đất đỏ, núi đồi ban chiều quê xa miền Trung. Hình ảnh mẹ già, anh chiến sĩ tiếp thu nghe lời cô gái tóc xanh kể chuyện quê hương. Thi tập đầu tay Phan Lạc Tuyên có số ít bài thơ hay, giàu nhịp điệu, tiết tấu lạ. Cũng có bài thiếu nhạc điệu, kém rung cảm, lời thơ tầm thường. Về biên khảo Khái Luận Văn nghệ Quân đội. Tìm Hiểu Thơ Tự Do; viết sách lối đặt hàng, nội dung nghèo nàn công thức chưa hoá được hiểu biết, chắp vá rẻ tiền. Kết luận: Trong số những nhà thơ tự do tiêu biểu cho loại thơ tồi, Phan Lạc Tuyên có địa vị và hướng mới có khám phá. Cái tôi trong thơ đặc biệt phản ánh rõ nét, về biên khảo chưa có chỗ đứng. Sự đọc nhiều chỉ đưa đến bội thực, chưa chế biến được sự thu thập từ sách vở. Làm thơ hay chưa hẳn là nhà văn biên khảo tài năng, hôm nay ông chưa là Benjamin Goriély, vừa làm thơ, vừa là soạn giả giá trị Sciences des lettres soviétique (tạm dịch: Thành tựu văn chương Xô Viết). Nhắc đến Huy Cận, Xuân Diệu chỉ có thơ, thì hiện tại tương tự với Phan Lạc Tuyên.

Trích thơ:

1. NGƯỜI EM RỪNG NÚI

Cao nguyên xanh ngắt đợi chờ
Ai về nẻo cũ hẹn hò núi sông
Đồng Nai suối nước biển Đông
Nhớ ai lời hát đêm trăng núi rừng
Núi rừng ơi! Sao mà quên được
Đường lên Chu–Dié Ya vời cao
Những buổi chiều vàng vọt bên đèo
Đường chiến binh dài mãi nắng vàng theo
“Boun’M’Rong” thương nhớ mãi khói chiều
Mẹ già nhỏ lụy sương rơi
Nhớ thương tóc trắng mây trời
Ai về lãng cũ Gia Ray
Rừng xa mấy độ đường dài
Nhớ em gặt lúa
Má đỏ mộng đời
Sớm khuya nương sắm đồi khoai
Đêm đêm trăng lạnh rét đôi vai tròn
Biên Hòa bưởi thắm lòng son
Ta về nhớ mãi người em núi rừng
Từ buổi quê em Việt Bắc
Xa rồi cách trở ngàn mây
Em đã về đây
Phá rừng gieo mạ
Cuộc đời làm nương
Áo xanh vẫn đẹp huy hoàng
Tóc mây vẫn mượt dịu hiền như xưa
Dậu sông Bờ, rừng Sơn La
Còn vương ánh mắt điệu xòe đêm thu
Môi em đã ngợp trăng thề
Mùa sim tím mãi nẻo về nhớ thương...


(TRÍCH TRONG BÁO XUÂN LẠC VIỆT, 1957)


2. TÌNH QUÊ HƯƠNG

Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Ánh chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ

Quê em nghèo cát trắng
Tóc em lúa vừa xanh
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh

Em mời anh dừng lại
Đêm trăng ướt lá dừa
Bên nồi khoai mới luộc
Ngát thơm vườn dâu thưa

Em hẹn em sẽ kể
Tình quê hương đơn sơ
Mẹ già như chiều nắng
Nhớ con trai chưa về

Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tầm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạn
Quê nghèo thêm xác xơ
Anh: chiến binh tiền chiến
Về giải phóng quê em
Bao nhịp cầu đất nước
Nối về quê miền Trung

Anh sẽ là anh đàn em nhỏ
Là con của mẹ giữa quê hương
Quê nghèo mãi sẽ tươi mầm sống
Đàn trẻ thơ gieo giữa lúa vàng
(...)
Người em nhỏ mắt thơ bằng tin tưởng
Vui nhìn đoàn trai trẻ tới miền Trung.


(TRÍCH TRONG TẬP THƠ MÙA HOA MỚI)

PHAN LẠC TUYÊN



Tiết 4

ĐỖ TẤN (1927 – 1988)

Tiểu sử:

Tên thật Đỗ Tấn Xuân. Sinh năm 1927. Viết cho các tập san miền Trung: Gió Lên, Đời Mới (Sài Gòn) v.v... Sau 1954, viết cho Văn Nghệ Tiền Phong, Mùa Lúa Mới... Đã xuất bản Mùa Hoa Sim Tím. (1956). Qua đời ở Sài Gòn vào 1988.

Phân tích tác phẩm:

Thi phẩm được phân tích trong tập này Mùa Hoa Sim Tím (1956). Ngoài làm thơ, ông còn viết truyện ngắn đăng rải rác trên tuần san, nguyệt san. Về thơ, có khả năng hơn truyện ngắn. Tập thơ gồm hơn hai chục, tính chất tuyên truyền cho lập trường Quốc gia. Thơ đặt hàng xuyên suốt tập thơ chỉ có một bài duy nhất Mùa Hoa Sim Nở làm tiêu đề cho tập thơ là khá hơn cả. Chủ trương báo Mùa Lúa Mới sẵn công thức đề cao cá nhân lãnh tụ ông Ngô Đình Diệm để chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Đỗ Tấn viết tâm sự một chiến binh tập kết hồi chánh, tâm trạng khắc khoải, lý trí tình cảm tương tranh. Đối với tình yêu thì:

“... Có nên hy vọng anh về
Miền Nam xây dựng
Đảng đã dạy anh, gian lao chịu đựng
Thì thương nhớ nhau mà chi
Đảng muốn anh quên
Thì thương nhớ nhau cho lắm có ích gì...?


Đỗ Tấn có tài năng là nhà thơ máy khi đọc thơ trích đọan trên. Chống lý thuyết đối lập bằng phản đề, Đỗ Tấn hôm nay là người thơ giãy giụa trong cách mạng thoái trào, không như 1945; tình đầu kháng chiến dân tộc bị mơ hồ hóa. Nên ông áp dụng lối thơ cổ võ như xưa kia; dù hôm nay không làm người đọc thơ rung cảm, và ông vẫn là nhà thơ nghệ thuật cao hơn cả, so với các thi sĩ máy chịu ảnh hưởng nhiều văn nghệ phục vụ lối chính trị. Chống đối đi đôi với suy tôn; làm thơ công thức đặt hàng vẫn cần có chiến thuật tiến, thoái. Thí dụ bài thơ Anh Chết Rồi, ca tụng tướng Cao Đài Trình Minh Thế:

“... Thằng giặc nào anh nói
Thằng giặc nào giết anh
Thương tôi, anh hãy chỉ
Thằng nào anh chỉ tên”...


Giá trị thơ không phủ nhận không; nhưng có thì của thi sĩ kháng chiến Hoàng Lộc Viếng Bạn. Đỗ Tấn mượn hơi thơ, ý thơ, khổ thơ năm chữ; đẽo gọt lại làm thơ đặt hàng. Hãy đọc đoạn thơ Hoàng Lộc:

“... Đứa nào bắn anh đó
Súng nào nhằm trúng anh
Khôn thiêng xin chỉ mặt
Gọi tên nó ra anh

Tên nó là đế quốc
Tên nó là thực dân
Nó là thằng thổ phỉ
Hay là đứa Việt gian


Kết luận:

Đỗ Tấn là nhà thơ máy có tâm hồn thơ đáng kể nhất trong loại hình thi sĩ máy lấy văn nghệ làm phương tiện phục vụ chính trị. Đỗ Tấn vá víu chắp nối thơ, tâm trạng anh thợ đá muốn nổi tiếng dùng cửa hiệu thợ ngọc nổi tiếng làm bảng hiệu lập công. Viết đến đây, ông lại cho xuất bản tập truyện ngắn: Chiều Cuối Năm (Bình Minh, 1957), nhưng Đỗ Tấn vẫn là nhà thơ máy hơn là nhà văn máy.

Trích thơ:

MÙA HOA SIM NỞ

Em đợi anh về
Để viết bài thơ nồng cháy
Yêu thương
Nhưng nắng vàng dạo ấy
Đốt kẻ lên đường
Có mong gì trở lại?

Anh bảo
Hương đồng bốn mùa xây nắng
Gió mùa nào kể chi em
Tím sim nào tím đôi tim

Nhưng nay phố phường
Lầu đỏ chìm cả ánh sáng
Dập dìu những cặp yêu thương
Em về cho anh khắc khoải
Đêm nghe sao xuống trong vườn
Sao lạnh, lòng em tê tái
Vườn hoang, cỏ dại
Anh đi ra Bắc có về
Hiệp thương nào ai nghe nói?
Rứa mà anh bảo
Hương đồng bốn mùa say nắng
Gió mưa nào kể chi em
Ra đi là ngày sim nở
Tím sim nào tím đôi tim
Ai hay nắng mới
Đậu vui khoảnh khắc bên thềm
Nhà nhà cười vui ngây ngất
Nhớ anh em chỉ mình em
Nhân dân cả mùa thoát xác
Cho ấm nơi người
Đông về lạnh lắm
Tim anh nào thấy tăm hơi
Chừ biết tin anh hay tin cuộc đời
Lấy nhau vừa đúng mười hôm chẵn
Và chỉ mười hôm thế thôi
Độ rày sim nở
Tím sim là tím làn môi
Là tím cuộc đời trong giá
Là tím tình ta lỡ rồi
Ai người gây nên màu tím
Mưa thêm trên núi trên đồi
Gió thềm chờ lòng lạnh lắm
Buồn vương hiu hắt mái gồi
Cho đông tàn se cỏ lạnh
Anh có về không hở anh?
Chim không đậu nữa trên cành
Bình hoa đổ nát
Bên người tiếng lá reo nhanh
Ấy thế mà anh lại bảo
Hương lúa bốn mùa
Nay toàn hoa gạo
Thơm gì tình của đôi ta
Biển xanh biển lòng sóng gió
Vui gì mà hát tình ca
Anh ơi có còn mong ngóng
Chiêm bao lấy một ngày về
Xứ Bắc miền quê gái thắm
Má rờn quả chín trên cây
Chiếc khăn mỏ quạ
Môi đóa mộng hồng
Thôi có còn gì mà nhớ mà trông
Có nên hy vọng anh về
Miền Nam xây dựng
Đảng đã dạy anh gian lao chịu đựng
Thì thương nhớ nhau mà chi
Đảng muốn anh quên
Thì nhớ thương nhau, cho lắm có ích gì?
Lấy nhau vừa đúng mười hôm
Và chỉ mười hôm thế thôi
Độ này sim nở
Không nhớ thương ai mà khóc trên đồi
Phố phường rộn rịp vui biết mấy
Thế đồng tiếng hát chơi vơi
Anh đi anh chẳng trở về
Có khóc rầm rề thì cũng một thân


(TRÍCH TRONG MÙA HOA SIM NỞ)

ĐỖ TẤN


Tiết 5

HOÀNG TRÚC LY (1933 – 1984))

Tiểu sử:

Tên thật Đinh Đắc Nghĩa. Sinh năm 1933 ở Đà Nẵng. Làm thơ, viết cho các báo Nguồn Sáng Mới, Cải tạo loại mới do Hoàng Thu Đông chủ trương, tạp chí Sinh Lực, v.v... Qua nhiều bài thơ đăng báo; Hoàng Trúc Ly có địa vị thơ hay, bộc lộ rõ rệt khuynh hướng tình cảm của mình.

Khuynh hướng :

Hoàng Trúc Ly như Thanh Thuyền, Viên Lăng, Kiên Giang, Thế Viên chưa in tác phẩm nào khi còn sinh tiền . (66) Nhưng họ đều là nhà thơ phải làm người đọc lưu ý, khi bàn đến thi sĩ đương thời; bởi tài năng của họ phát triển sâu, tạo được bản sắc riêng biệt trong những năm gần đây. Với Hoàng Trúc Ly, qua Rừng Mưa, Chắp Nối, Đồng Vọng, Gởi Người Anh, Gặp Người Em, thơ đi sâu vào đường đượm triết lý nhân sinh Đông phương. Thơ của ông giống Huy Cận ở chỗ: cả hai cùng khóc đời nhiều hơn khóc mình. Huy Cận khóc đời nhiễu nhương; Hoàng Trúc Ly than thở ẩn ức hoang mang thời thế qua Chắp Nối:

CHẮP NỐI

Tôi yêu vạn cánh buồm răng rắc
Yên bờ biển Thái Bình Dương xanh ngắt
Mười phương gió tanh tanh
Như thịt người hòa trong máu tinh anh
Tim biển cả có bao giờ nguôi thổn thức

Tôi nghe bao la
Ngàn năm mây trắng quyện Hồng Hà
Quê hương thẹn thùng môi trinh nữ
Rượu Đường Thi ngà say men Trang tử
Đêm Á Châu huyền diệu bóng trăng sao
Cánh sen bừng nở
Một sớm hoa đào
Đời lại gần như nắng đẹp sắp vươn cao

Bình minh vang nội địa
Có hợp tấu muôn màu
Đương thời bao ngả lạc
Ai biết ai về đâu?
Ân tình đi rải rắc
Ai xây một nhịp cầu
Hai mùa duyên chắp nối
Cho cá nước gần nhau
Là nghĩa đời lên lay động nhất
Mùa xây thông cảm nhạc dâng cơ
Chín mươi dòng chữ băng thanh sắc
Bừng sáng lưng trời ngọn lửa thơ.


Hoàng Trúc Ly thám hiểm nội tâm qua tiếng yêu đương rất thành khẩn, tha thiết qua Gởi Người Em đẹp cả lời và ý :

Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
Những người em nhỏ bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi?

Tôi muốn hôn bằng môi của em
Mùa xưa thao thiết nắng hoe thềm
Lòng trong đã trắng tình nguyên thủy
Nghe bước chân về êm quá êm.

Em lắng tai đâu... chiều lững lờ
Thơ tôi vừa hát khúc ban sơ
Lòng chưa tội lỗi mà vô cớ
Bỗng muốn gục quỳ bên tuổi thơ
Em là em – tôi có là tôi
Dù nghĩa thời gian ngăn cách rồi
Tôi đứng bên này lưu luyến quá
Những người em nhỏ của tôi ơi!


Hoàng Trúc Ly và Thanh Thuyền giống nhau ở điểm: sử dụng làm thơ lối bảy chữ rất điệu nghệ như Gởi Người Em hoặc Thanh Thuyền ở Cách Biệt những bài thơ có kỹ thuật dắn dỏi, nội dung xúc cảm. Nhớ đến Quang Dũng, được gọi nhà thơ tự do thời kháng chiến, nhưng lại đặc sắc ở bài thơ bảy chữ Quán Bên Đường, Tây Tiến, đến khi ngả sang thơ tự do như Hoa Thanh Bình thì kém sút như bài Đi của Hoàng Trúc Ly :

... “Rồi tôi đi
Thoáng hiện về đêm về le lói
... Ở đời mấy kẻ biết nghe thơ lý sự”


Kết luận :

Thơ ông hướng nhiều về nội tâm khắc khoải, tâm trạng hoang mang, tâm sự người trai lớn lên giữa thời đoạn lịch sử rối ren, thơ đi sâu vào tâm lý ấy, khai thác hình tượng sống, thành khẩn. So sánh giữa hình tượng sống và con người; thì hình tượng sống được đề cập nhiều hơn. Đọc Đôi Bờ Quang Dũng, bài thơ ngợi ca tình yêu, song vẫn có sự sống e ấp nấp kín phía sau:

“Gió rét mưa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ bên kia?
Thoáng hiện bóng em về đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mưa.


Khác hẳn Mầu Tím Hoa Sim Hữu Loan, Bên Kia Sông Đuống Hoàng Cầm, thì Đôi Bờ và Gởi Người Em có điểm gặp nhau; lời tế nhị và ý thơ đẹp. Nói thế không là so sánh, tán tụng Đôi Bờ, hoặc làm giảm giá trị tình yêu truyện thơ Bên Kia Sông Đuống, Màu Tím Hoa Sim. Ý muốn chỉ nhấn mạnh, thơ hay có nhiều lối diễn đạt, hai thí dụ trên đều là trường hợp của nhà thơ có tâm hồn, kỹ thuật cao. Thơ Hoàng Trúc Ly đượm màu sắc triết lý Đông phương, lối diễn đạt Tây Phương. Ông dung hòa được cả hai thái cực thơ mới và thơ tự do. Nội dung hoài vọng dĩ vãng, khai thác chiều sâu hình tượng nội tâm nhiều hơn cảm quan cá nhân hòa đồng thời thế. Nói đến nhà thơ lớp mới kỹ thuật cao, phải kể đến Hoàng Trúc Ly.

Trích thơ:

GẶP NGƯỜI ANH

Có người anh không quen
Đến tôi nhà im cửa ngỏ
Trời mưa phiêu bạt hoa đèn
Tâm sự nửa chiều cởi mở

Anh kể bài thơ
Ngổn ngang năm tháng
Thu xưa biền biệt áo tím kinh kỳ
Nắng không đè nổi vai người bước đi
Đồng núi mênh mang
Dép mòn lá rụng
Xóm làng từ buổi thắm loang
Tàn phá đỏ loe đầu súng
Biết còn gì nữa... người anh,
Những mái nhà cay đắng chiến tranh
Ruộng vườn ai lạnh lẽo cho đành
Từng vành khăn trắng như mây trắng
Xuân đến tha hồ thương tóc xanh
Đại dương lửa khói mờ nhân ảnh
Sực tỉnh nao nao khúc độc hành

Lạ lùng anh đến thăm tôi
Dừng chân mưa bay nhạt lối
Bóng chiều nghiêng xuống cuộc đời
Anh mỉm cười nghe đêm tối
Ngày ửng hoa sau lửa mắt khơi vơi


Trích trong báo Cải tạo loại mới

HOÀNG TRÚC LY



Tiết 6

NGUYỄN VĂN CỔN (1911 – 1992)

Tiểu sử:

Nguyễn Văn Cổn sinh năm 1911, làm thơ từ tiền chiến. Quê hương miền Nam tác giả tập thơ Nước Tôi (1946) Du học ở Pháp. Sống ở Paris, còn là tác giả Thi Văn Việt Nam (Minh Tân Paris), Hồn Sông Núi (thơ, Paris 1950)

Khuynh hướng:

Diễn đạt theo lối thơ mới, chịu ảnh hưởng Baudelaire, Lamartine, Musset.... ca tụng hình ảnh đẹp quê hương, dựa trên thế đứng lập trường dân tộc chống xâm lăng 1946, khi Pháp xâm lăng Việt Nam. Tập thơ đầu không đặc sắc, hình ảnh thiên nhiên nghèo nàn, tâm tư trống rỗng lời sáo, chưa có bản sắc riêng. Tập thứ hai chưa đi vào thực tiễn cách mệnh, nhưng thơ là tiếng nói của người yêu quê hương. Ở hải ngoại nhà thơ vẫn có ý thức với tổ quốc lâm nguy. Đến Thi Văn Việt Nam, phân tích khá kỹ lưỡng, súc tích tài liệu, nhưng không vượt ngoài khuôn khổ sách giáo khoa, và tác giả cũng có mục đích như vậy khi viết sách. Bàn về bản sắc thơ của ông, chúng tôi dựa vào tập thơ Hồn sông núi. Gồm ba mươi bài, hoài cảm quê hương, đề tài này gần như là chính. Ông có ý định đem thơ nói bất công xã hội, như Đứa Bé Mồ Côi, chưa nói lên ẩn ức sâu sắc tiềm ẩn mà chỉ là thương hại, ve vãn. Thơ ông là thơ nói về quê hương, và lòng yêu dân tộc, chân thành, tha thiết của người xa tổ quốc, mà có nhà văn cho chúng tôi đem quê hương gửi dưới gót giày. Vậy Nhớ Quê Hương và Nàng Ở Lại đầy hình tượng thơ ấm áp của không khí lò sưởi giữa nội thành bao vây giá lạnh, còn Nàng ở lại tả một sinh viên Việt Nam trên đất Pháp, yêu người con gái Pháp, nhưng đành từ giã để trở về đầu quân kháng chiến chống Pháp xâm lăng. Nàng Ở Lại là bài thơ rất chân thành, cảm động sâu sắc, cách dùng chữ, tuy tiết tấu âm điệu chưa toàn bích lắm. Về nhà thơ hải ngoại, thật quá ít ỏi. Nhà thơ Nguyễn Văn Cổn, nhà văn Linh Bảo đếm trên đầu ngón tay đã hết. Linh Bảo sâu sắc trong văn, thì Nguyễn Văn Cổn trong thơ và ông chính là nhà thơ tâm huyết và đầy lòng yêu dân tộc.

1. NHỚ QUÊ HƯƠNG

Hồn ta lẻ dưới bầu trời mờ thấp
Chiếc lá vàng run rẩy trong sương
Bên kia trời ấp áp vốn quê hương
Dưới nắng dịu nở muôn tình thương nhớ

Nay đất khách ta sống đời bỡ ngỡ
Giữa rừng người rộn rã vẫn cô đơn
Chiều thê lương quán trọ lạnh và buồn
Vắng hơi ấm để sưởi hồn thổn thức

Đâu bình minh và hoàng hôn cỏ gấc
Đâu nụ cười tươi thắm của người yêu
Đâu hài nhi lên tiếng nhẹ nhàng kêu
Đâu nét mặt kính yêu người từ mẫu

Đâu là bạn mấy năm trời tranh đấu
Để ngày mai tươi sáng đẹp như hoa
Nhạc chiều đương trỗi dậy giữa rừng xa
Cùng gió lốc tựa ngọn cờ oanh liệt.

Nay xa quá hỡi tình thương đất Việt?
Trong lòng ta như chết cả niềm vui
Trong cười say ca hát lệ thầm rơi
Hình dĩ vãng vẫn chưa mờ trong dạ

Bên vườn mang những khóm trầu trơ lá
Xanh và non như ruộng mạ được mùa
Dừa và cau cạnh nước mạnh như xưa,
Xoài đến lứa biết thân mình xem rẻ

Mấy chậu cảnh bên góc vườn vắng vẻ
Khải hoàn môn vạn thọ đợi từ lâu
Bông trà mi cười cúc nở âu sầu
Bên bông giấy đỏ như lòng câu đối

Những vườn mía lưa thưa và cháy rụi
Bên bờ kinh ai đứng gọi đò qua
Ta thấy ta ngày đó vẫn chưa xa
Giữa đời sống hiền từ đầy thi tứ.

Bước đường xa ai về xin nhắn nhủ
Rượu giang hồ vắng bạn khó mua say
Bên trời Tây ta vẫn sống lạnh lùng thay
Đợi ngày hẹn trở về non nước cũ


(1948)

2. NÀNG Ở LẠI

TẠI PARIS TÔI NGHE ĐƯỢC CÂU CHUYỆN NÀY MỘT THANH NIÊN VIỆT NAM ANH NGUYỄN TRONG CHÍN NĂM DU HỌC TẠI PHÁP THƯƠNG YÊU MỘT THIẾU NỮ ÂU PHƯƠNG . ANH TỐT NGHIỆP TRƯỜNG CẦU CỐNG. NĂM 1949 VÌ THỜI CUỘC ANH TỪ GIÃ TỪ NGƯỜI YÊU TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG. NÀNG VÌ QUÁ THƯƠNG NHỚ HOÁ RA ĐIÊN RỒ PHẢI ĐIỀU DƯỠNG TẠI NHÀ THƯƠNG SAINTE ANNE. 1952 ANH NGUYỄN VÌ TỔ QUỐC CHẾT Ở SÀI GÒN, CÂU CHUYỆN NÀY LÀM TÔI CẢM ĐỘNG. BÀI THƠ SAU ĐÂY LÀ KÍNH Ý CỦA TÔI VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ.



Buổi chia ly không thể còn nấn ná
Con đường yêu nay đã cắt làm hai
Một ngày là thế kỷ lúc lẻ loi
Sầu khổ nên khi lòng đầy nỗi nhớ

Đây phút sống thù trong thiên hận sử
Của loài người đau khổ của tình yêu
Nhạc và thơ ghi bao giọng cao siêu
Đo đau đớn của lòng người tựu kết

Nàng ở lại: tôi đi hai lòng chết
Tôi hiểu rằng nàng thấu rõ hồn tôi
Tình đôi ta mạch máu với thân người
Cắt là giết nguồn vui và sinh lực

Nàng đã hiểu làm người ai thoát được
Nợ máu xương ràng buộc với giống nòi
Với non sông gây dựng tự muôn đời
Nguồn sống mới ngã ba dòng lịch sự

Nàng ở lại: tôi đi lòng vẫn nhớ
Mái tóc mùa lúa chín mịn như tơ
Cặp mắt xanh xán lạn tựa nguồn thơ
Và tinh nết hiền như người theo Phật

Nàng chắc rõ dưới trời Nam xưa khuất
Bao nhiêu người ngong ngóng đợi chờ tôi
Đem hiên hoa trả nợ kiếp làm người
Không vị kỷ và sống gần dân tộc
Khi ra đi để hoa buồn liễu khóc

Gần gụi nhau trong giấc mộng mà thôi
Đời xinh tươi còn phải đợi ngày mai
Khi vui sáng đánh tan niềm sầu tủi

Nếu chẳng may thân tôi về cát bụi
Đây là lời vĩnh quyết hẹn ba sinh
Đây là lời thề thốt chạm giờ linh
Trong đất nước bể trời còn sống mãi.

Paris 1952


TRÍCH HỒN SÔNG NÚI.

NGUYỄN VĂN CỔN



Tiết 7

BÙI KHẢI NGUYÊN (1927–1980)

Tiểu sử.

Tên thật Bùi Bình Hiếu. Sinh 25.1.1927 ở Hà Nội. Ký Hoàng Nguyên dưới bài thơ viết thuở ban đầu (68). Thơ ông đăng trên các tuần báo Đời Mới, nhật báo Dân Chủ, Phụ nữ Diễn đàn từ năm 1955 đến 1956 (69).
Bùi Khải Nguyên đánh dấu thơ ở giai đoạn hỗn loạn, bắt đầu khởi điểm, qua bài Ẩn Ức đăng trên báo Dân Chủ. Hoặc thơ có khuynh hướng xã hội thực tiễn, đem thơ vào đời sống như Paul Éluard cho là: sự tồn vong của con người với lịch sử: Đó là bài: Người Ngủ Ngoài Đồng, Chúa Nhật Này Đẹp Nắng, mở lối khuynh hướng thơ xã hội: Đừng Bỏ Em Tôi, Mót Lúa, Nhà Anh Hư Nát Sửa Rồi, Trở Về, Em Bé Việt Nam; thơ công thức khô khan, ít xúc cảm, nông cạn. Kế đến bài thơ viết thời ở hậu phương như Phước Thuận, Đống Đa thì kỹ thuật, nội dung chưa tạo một dáng dấp thơ; coi như giai đoạn tập nghề. Từ 1956 trở lại đây, Bùi Khải Nguyên tiến bộ không ngờ bắt đầu bằng bài thơ Ẩn Ức, đem đời sống thực đương thời vào thơ, đánh dấu sự sống một thời của sinh hoạt. Hơi thơ đậm đà, giọng hùng mạnh như bản tuyên ngôn phóng thích chính trị, nội dung lại rất thơ:

“Khi bạo lực cường quyền
Đánh trống thổi kèn
Khua chiêng gióng mõ
Đề cao phản bội
Cổ võ bịp lừa
Đưa danh dự công khai đánh đĩ

Xã hội chúng ta
Học sinh làm nghề điểm chỉ
Thầy tu khoác áo công an
Công an tiếm quyền nghệ sĩ
Nghệ sĩ làm bồi làm đĩ
Triết gia chính khách đi buôn
Lái buôn đảm đương chính trị

Thế kỷ chúng ta
Đủ hệ thống miệng gang mồm thép
Súng dí lưng dân, độc quyền nói phét
Nói vu nói xấu nói dối nói càn
Nhiều danh từ được đem ra hãm hiếp
Ấm no nghĩa là đói rét
Thương yêu tức là thù ghét
Công bằng ám chỉ bất công


TRÍCH BÁO DÂN CHỦ, 1956

Bùi Khải Nguyên đã khá thành công về thơ loại này . Đọc thơ nhớ đến lối thơ kháng cáo của anh em văn nghệ kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân như một Ai Về Bên Kia Sông Đuống (Hoàng Cầm) Viếng Bạn (Hoàng Lộc)...Nhưng bài trên, ngoài giá trị nhân văn, ông chưa đạt tuyệt đích kỹ thuật, mặc dầu hơi thơ mạnh. Đến Chúa Nhật Này Đẹp Nắng khai thác nội tâm cách triệt để, mặc dầu giá trị điển hình không bằng bài trên, nhưng thơ trước tiên phải cảm được. Ông chịu ảnh hưởng lối nhìn đời đưa vào thơ như thơ tiền chiến Mỹ, đem tiếng lóng vào thơ, (langage parlé) như Karl Sandburg, mạnh như Robert Frost. Là nhà thơ điển hình đem tiếng lóng vào thơ, bởi lẽ ông không tầm thường khi làm thơ chính trị công thức, đem lập trường vào thơ khẩu hiệu ghép chữ, gieo vần đúng công thức đặt hàng. Người đọc thơ chẳng nên ngạc nhiên đa số thi sĩ máy một thời xu nịnh ấy, ở đây chúng tôi cố ý bỏ qua không sót. Một số bài Halléluia, Hồi Sinh, Hoa Sen, Lá Cờ, Cựu Kim Sơn” (trong tập Thiết Tha) đưa thơ tự do đi quá trớn, chưa đạt lối canh tân thơ tự do.

“Kinh thành thơm mùi pop corn
Building
Building
Lên đồi
Xuống dốc
Cầu
Hầm
Đại lộ
Phố
Xe màu
Áo màu
Váy màu
Đèn màu
Chi chí
Chằng chịt
Cựu Kim Sơn


Xem tấm ảnh, chắc chắn sẽ thích thú hơn đoạn thơ; nhiều cảm giác hơn thơ đọc đoạn thơ vừa trích đoạn trên.
Dưới đây trích đoạn bài thơ hay của Bùi Khải Nguyên. (71)

Trích thơ:

CHÚA NHẬT NÀY ĐẸP NẮNG

Em quỳ trên gạch bông
Chống tay lên tấm bố
Bóng em in nền gạch láng bong
Em ngước đôi mắt trong
Trời xanh thắm
Chúa nhật này đẹp nắng
Thế mà em quên bẵng Hồng ơi
Em tới bên cửa lầu mà coi
Xe màu lượn cứ như thác cuốn
Xe đi qua, đi lại, đi lên, đi xuống
Tắc xi, xe du lịch, xe máy, vét pa
Áo dài, áo ngắn, áo sọc áo hoa
Người ta lượn qua lượn lại dạo lên, dạo xuống
Người ta đi ăn, đi uống, đi lễ đi chơi
Lạy Chúa tôi,
Chúa nhật là ngày nghỉ ngơi
Sao em lại quỳ đây lau chùi, chà, cọ
Sao em không như họ
Hồng ơi! nói rõ anh nghe
Em không có xe
Em không có áo
Em không có bạn trai
Em không thích nhởn nhơ đi lượn, phất phơ đi dạo
Đi ăn đi uống đi lễ, đi chơi
Như trăm ngàn trai gái khác song đôi
Trên đại lộ ngát nước hoa, phấn sáp
Trong công viên rợp bóng cây xanh mát
Trong cao lâu, rạp chớp bóng, nhà thờ
Lạy Chúa,
Lạy Chúa,
Chỉ vì em nghèo xác, nghèo xơ
Cho nên em chịu bán cho chúa nhà, mồ hôi nước mắt
Cho nên em làm đầy tớ độ nhật
Cho nên từ hừng đông
Em quỳ trên gạch bông
Chống tay lên tấm bố
Em lau chùi khắp chỗ
Bao giờ nên gạch láng bong
Bao giờ có xe có áo
Có bạn trai mới đi lượn đi dạo
Đi ăn, đi uống, đi lễ, đi chơi
Lạy Chúa tôi,
Chúa nhật là ngày nghỉ ngơi
Chúa nhật này đẹp nắng
Chúa nhật nào cũng đẹp nắng
Thế mà em quên bẵng Hồng ơi


TRÍCH TRONG BÁO DÂN CHỦ

BÙI KHẢI NGUYÊN



Tiết 8

PHAN MINH HỒNG (1932 – 197?)

Tiểu sử.

Tên thật Phan Văn Đường. Sinh năm 1932 ở Hà Tĩnh, học qua Chủng viện Xã Đoàn Nghệ An. Năm 1952 làm thơ và nổi sau ngày phân chia đất nước 1954. Đã xuất bản: Mùa Giao Cảm (Cửa Ngõ Nước Việt, 1956) Vượt Sóng (Lam Hồng, 1957). Thơ Phan Minh Hồng chưa có bản sắc nội tâm độc đáo như thơ Thanh Thuyền, Hoàng Trúc Ly, nhưng thơ có riêng đường độc đáo khác; thám hiểm biển cả. Mùa Giao Cảm, tập thơ đầu tay là tâm tư thời thơ ấu, niên thiếu. Thơ Phan Minh Hồng nổi trội là Vượt Sóng. Thơ biển cả ở đây không công thức cố định cái neo, chiến hạm, biển, sóng, mà nói thầm lặng lòng sâu vô biên của biển cả. Hình ảnh dịu dàng cho người đọc tưởng nhớ đại dương, và trong thơ ông là người đầu tiên khai thác biển cả hòa hợp con người. Vượt Sóng, chưa đủ làm thỏa mãn hoàn toàn, song hình ảnh, bản sắc thơ biển cả của ông đã có giá trị ở tầm mức nhất định.

Trích đoạn :

QUÊ EM

(...) Tới Manila thủ đô
Vẫn những ruộng đồng
Lúa trĩu bông vàng no ấm
Vẫn những dòng sông
Tháng ngày truyền muôn sức sống
Những bãi mía xanh cây tím
Ủ ngọt tình thương
Những dãy tre làng lả ngọn
Khói lam chiều vờn quanh mái tranh
Vẫn những đàn em quê nho nhỏ
Cỡi trâu nghe chim hót trong cành
Vẫn những tháp thánh đường cao vút
Anh thầm nghe lời nguyện ước cầu kinh
Những hồi chuông ban trưa văng vẳng
Là ngọn cỏ lan mãi tới trời xanh
Anh đã gặp nguy nga tráng lệ
Nhà cao đường rộng kinh thành
Người như nêm và rừng xanh đỏ
Hân hoan trong cuộc sống đang lên
Nghĩa là anh đã gặp quê anh
Trong những nét quê em yêu dấu

Em ơi! đời anh đời chiến đấu
Ghé quê em tìm hiểu nghĩa yêu thương
Rồi ngày mai qua sóng gió quê hương
Anh lại quay về Việt Nam đất mẹ
Sẽ nhớ người em Phi nhỏ bé
Yêu bao nhiêu khi môi hé Việt Nam
Việt Nam anh đây tình thắm hân hoan
Anh gửi em qua lời thơ tha thiết
Anh nhớ lời em: chiều hôm chia biệt
Chẳng buồn nhiều mà sao đã nao nao
Sẽ gặp nhau xin hẹn một hôm nào

1957


Trích trong báo Luyện Thép

PHAN MINH HỒNG



Tiết 9

TIỂU MỤC:

1. HÀ LIÊN TỬ.

Tên thật Nguyễn Ngọc Biên. Sinh năm 1927 ở Tân An, Long An. Tác giả nhiều thơ đăng báo trên Đời Mới, Thế Giới, Quân Đội, Văn Nghệ Tiền Phong v.v...
Tâm trạng cá nhân rung cảm với xã hội đang sống, hướng về tình yêu. Thơ chung chung, chưa có bản sắc.

HẸN

Nhớ ngày đi
Không kịp giã xóm làng
Hồn sông núi nặng
Mái đầu xanh tóc!
Nhà ai lửa bốc
Vườn ai tan hoang
Ruộng đồng nắng giải sương chan
Lúa xanh không cấy, dạ càng xác xơ
Trăng suông chừng nhạt ánh
Quê nghèo khung cửi lạnh thoi tơ
Bao nhiêu là tâm tư
Rưng rưng sầu thế hệ
Một cười ngạo nghễ
Nam nhi hề ra gánh lấy giang sơn
Nhớ ngày ra đi không kịp giã xóm làng

Dặm ngàn bặt nẻo
Tin về vắng như chim câu
Khói lửa nhuộm màu
Lung linh sóng mắt
Sa trường tanh máu giặc
Hồn nào ngược nẻo bóng quê hương
Thế rồi
Giữa một chiều sương
Ngang qua xóm nhỏ
Ba lô xười nghiến áo mốc bụi đường
Tình ai khép nép
Mắt nhìn lưu luyến chút tơ vương
Rồi thôi
Bóng khuất

Mây gió bâng khuâng hay lòng se thắt
Đường sương chiều loang nhẹ vương chân trai

Này nhé
Hỡi tấm lòng mong đợi
Ra đi là quyết hẹn mai về
Quê nghèo không vắng nữa
Những bàn tay xiết chặt
Đồng tâm xây dựng
Ấm mái nhà tranh
Ruộng vườn lên sắc xanh

Hò ơ
Có cô con gái mắt lành
Say say nắng mới nghiêng vành nón che
Gió mưa lay nhẹ cành tre
Xôn xao khúc hát đồng quê vụt ngàn
Ai về qua mấy thôn trang
Con đò xưa vẫn còn sang đôi bờ
Nhưng thôi đừng hẹn mong chờ...


TRÍCH BÁO QUÂN ĐỘI

HÀ LIÊN TỬ


2. KIÊN GIANG – HÀ HUY HÀ.

Tên thật Trương Khương Ninh. Sinh năm 1929 ở Rạch Giá. Còn ký riêng Hà Huy Hà, sống bằng nghề báo, viết kịch, thường viết cho: Tiếng Chuông, Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Duy Tân...sau ký tên Kiên Giang – Hà Huy Hà. Tác giả nhiều vở tuồng còn bút hiệu Cửu Long Giang. Thơ đăng rất nhiều trên báo, bắt đầu nổi tiếng từ bài: Đợi Anh Về đăng trên Đời Mới (1953). Giọng và hơi thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà là thơ lục bát tình quê thi sĩ Nguyễn Bính tiền chiến. Nhiều bài thơ viết theo thể lục bát, thơ mới rất ít và càng ít thơ tự do. Như Thanh Thuyền, Hoàng Trúc Ly, ông chỉ trội ở thơ mới, diễn đạt nội tâm. Đợi Anh Về ca tụng lòng thủy chung người đàn bà đợi chờ chinh phu đi cứu nước. Thơ ông có bản sắc riêng.

Trích thơ

TÌNH QUÊ, TÌNH NƯỚC

Ai yêu nước Việt hơn người Việt
Nhau run chôn sâu giữa đất lành
Bông trái muôn màu không ngớt chín
Sông đầy nước bạc, núi xanh xanh

Luống cày màu mỡ thơm mùi đất
Vun bón rẫy vườn bông trái thơm
No ấm cũng nhờ bông với trái
Áo đời vẫn ấm hột cơm ngon

Kìa nước trường giang chảy uốn quanh
Giữa giòng sông mát bóng dừa xanh
Có cô lái trẻ nâu tà áo
Chèo trước đò ngang trước bến đình

Nào ai lăn lóc xa quê cũ
Mê chốn phồn hoa trắng bụi đường
Giây phút chạnh lòng sao khỏi nhớ
Nhớ nhà, nhớ đất, nhớ quê hương

Nhớ quê có những đêm trăng sáng
Sáng cả vườn xanh, sáng mộng vàng
Con trẻ quây quần theo gót mẹ
Lên chùa cúng Phật để dâng hương

Nhớ tiếng võng đưa trăm điệu nhạc
Hòa theo tiếng hát giọng ầu ơ
Từ môi người mẹ thân yêu quá
Gợi lại bao tình thuở ấu thơ

Tiếng chày nắng nặng trên không gian
Cùng tiếng gà trưa gáy trễ tràng
Tiếng tập đánh vần cùng nhịp thước
Buồn như nước chảy giữa trường giang

Ai quên cho được mái tranh nâu
Luống đất bờ ao với nhịp cầu
Mồ mả ông bà nằm giữa đất
Lòng người lòng đất cảm thương nhau

Quê hương là máu là xương thịt
Nước mắt mồ hôi của giống nòi
Tranh đấu từ bao nhiêu thế kỷ
Bảo tồn gấm vóc đến muôn đời

Còn sống ngày nào trên đất nước
Tình nước thúc giục súng với gươm
Lòng dân võ trang bằng tình cảm
Tay dân võ trang bằng súng đạn

Dân đứng lên siết chặt quân hàng
Giặc vào đây giặc sẽ rã tan

1954


TRÍCH NGUỒN SỐNG MỚI

KIÊN GIANG


3. THẾ VIÊN (1935 – 1993)

Tên thật Hồ Thế Viên, sinh ở Huế. Học qua trường Khải Định, khi còn theo học ban chuyên khoa đã gửi thơ đăng báo Đời Mới, Văn Nghệ Mới, Thẩm Mỹ, Văn Nghệ Tiền Phong... Tờ báo cộng tác về sau này, lúc đó ông đã trở thành giáo sư trung học ở Phan Thiết. Bài thơ đặc sắc như: Ta Mua Thêm Rượu Thêm Trầu Cưới Em trữ tình, có hình tượng mới của thanh niên nam nữ; hoặc Bài Ca Việt Sử ca tụng sự tồn vong dân tộc. Thơ Thế Viên ca tụng thiên nhiên, lứa thanh xuân. Tóm lại, lớp nhà thơ mới như Thế Viên, tuy chưa xuất bản thi phẩm, (72) song nhiều bài thơ đăng báo bộc lộ có bản sắc độc đáo. Ông qua đời ở Sài Gòn vào 1993.

Trích thơ:

CUỐI CÙNG

Giữa cuộc sống trần gian đầy hoa bướm
Tôi mê say trong câu hát tiếng cười
Đẹp môi hồng những lứa tuổi hai mươi
Tim son trẻ nẻo đời đơm bông trái
Trong những phút thần tiên trao ân ái
Trong những giờ e ngại buổi yêu đương
Thời gian qua trong cảnh mộng thiên đường
Tôi réo gọi những muôn hình muôn sắc
Của trăng sao, của trời đêm dầy đặc
Của ban mai của nét mặt hoa niên
Của mùa thu trong giếng mắt u huyền
Của em gái mười lăm năm tóc xõa
Ngày cuối cùng nợ đời tôi phải trả
Chết hình hài nhưng sống ở tâm linh
Tôi sẽ mang theo trọn vẹn ân tình
Của cảnh đẹp trần gian về xứ lạ
Tôi sẽ mua những tiếng cười rộn rã
Của người yêu như dâng cả môi hồng
Và nét u hoài giữa đáy mắt trong
Của thiếu nữ khi dâng cả môi hường
Và nét u hoài giữa đáy mắt trong
Của thiếu nữ khi chờ mong tình ái
Tôi sẽ đi về và mong ngày trở lại
Cuộc đời tròn hoang dại thuở ban sơ
Ôi! Người em bé bỏng tóc buông hờ
Cuối cùng chết, tôi say mê tuổi trẻ


TRÍCH TRONG BÁO VĂN NGHỆ TIÊN PHONG

THẾ VIÊN


4. CHẾ VŨ (1931 – 1961)

Tên thật Hồ Xuân Tịnh. Sinh năm 1931 ở Huế, chính quán thành phố Vinh. Thời kỳ kháng chiến đã hoạt động văn nghệ, về Thành mới in thơ. Đã xuất bản Hoa Tâm Tư (1956) gồm hơn hai chục bài, hầu mượn nguồn cảm hứng, vay mượn người đi trước. Kỹ thuật chưa có gì sâu sắc, hay dùng từ ngữ sáo. Nguồn rung cảm cá nhân vị kỷ, nhưng chưa nói lên thành khẩn được ý muốn ấy. Chịu ảnh hưởng, gần như là quá trung thành, khờ khạo trong thơ tình Xuân Diệu. Chẳng hạn ở bài Tha Thiết. Sau, ông có giọng, hơi của người thơ có tâm hồn, nhưng thơ chưa mấy thuần thục, tư tưởng xáo loạn, tiếng thơ chưa bứt lên được. Trong tập thơ trên có đôi bài hay, chẳng hạn Em Tôi chân thành, xúc cảm. Phê bình tập thơ đầu tay của Chế Vũ, ông Uyên Thao nhận xét có phần xác đáng:
“...Thơ anh cũng tỏ ra hứa hẹn một tương lai đẹp đẽ, song điều kiện để tiến tới là: vấn đề chỉnh bị con người theo quan niệm riêng ấy, chúng tôi hy vọng và chúc anh sẽ tự thắng trong những bước đường tới. Và, tuy chưa hề nghĩ sẽ viếng cho anh một vòng hoa, chúng tôi vẫn sẵn sàng gửi lời chào mừng anh ở ngày tới. Riêng trong Hoa Tâm Tư ngoài hết mọi điểm đã trình bày, tôi muốn nhắn cùng Chế Vũ: Hãy nên quay về với những nguồn cảm hứng của mình hơn là vay mượn...” (72)
Phan Minh Hồng dồn đọng váng tâm tư trong tập thơ đầu Mùa Giao Cảm, cùng ý nghĩa với Chế Vũ, Hoa Tâm Tư chỉ là cảm giác xáo loạn trong tâm hồn, rung cảm mà chưa diễn tả được. Chẳng bao lâu, qua những bài đăng trên báo Tầm Nguyên như Đêm Không Ngủ, một tiến bộ đạt được ở nội dung không ngờ. Tiếp Là Tình Em Ở Đâu, Giá Anh Không Là Thi Sĩ, Cho Mai Sau, thơ ca tụng tình yêu lứa thanh xuân rất chân thành, độc đáo, rung cảm chính là của ông như triết học cho là engagement en soi, biết nhận phận mình. Thái độ thật can đảm khi biết rằng ông đi vào nghiệp thơ những bước mạnh bạo. Chúng tôi nhớ đến P.Istratð nhà văn nổi tiếng tiền chiến Lỗ Mã Ni từng ăn sà lách trừ bữa, đi trạc tàu, bỏ gia đình, thân quyến giàu có đến Paris chỉ để viết văn. Sau thành công, cuối cùng trong Vers l’autre flamme (tạm dịch: Tới Ngọn Lửa Khác) ; ông vẫn chưa dấn thân nhận phận, nên đã thốt: Thật là đau đớn cho tôi thành một văn sĩ, mà ban đầu tôi háo hức lắm. Trích một bài thơ của Chế Vũ, minh chứng thơ thành công, xứng đáng là nhà thơ hôm nay. Thơ mang hình tượng mới cá nhân chan hòa nhịp sống mới nhiệm màu. (73)

TÌM EM Ở ĐÂU?

Anh biết tìm em ở đâu?
Chẳng lẽ tìm em trên hết địa cầu
Ngày đi không chờ đợi
Thao thức tàn canh đêm dài trăng trối
Lòng thẳm như hố sâu
Tuổi xế ba mươi
Vẫn chưa một lần phạm tội.

Sao còn bắt anh chờ đợi.
Sao còn bắt em mắt buồn ngõ tối?
Vẫn biết cuộc đời không bùn lầy lội
Không là đêm ba mươi
Trăng còn bên kia thế giới
Nhưng ai có thích đợi chờ
Cuộc đời đi hoang qua muôn ngàn tuổi
Ta sẽ tìm nhau ở đâu?
Đời còn chưa hấp hối
Vẫn yêu nhau bạc đầu
Vẫn đi tìm dẫu suốt đêm sâu

Tai hôm nay nghe cuộc đời mưa gió
Nghe mươi phương nắng nở
Tim anh se buốt đợi chờ
Vẫn không hề phẫn nộ
Vẫn qua đêm dài nín thở
Đi tìm đôi mắt em
Đi tìm một ánh sao đêm
Cho cuộc đời vui như hội chợ

Giờ định tìm em ở đâu?
Đừng bắt tìm em trên suốt địa cầu
Chân anh từng biết mỏi
Anh sẽ có trọn đời không phạm tội
Cho lộc trời rớt xuống trần gian
Anh thích làm người, lòng chan chứa yêu thương.


CHẾ VŨ.


5. DIÊN NGHỊ.

Tên thật Dương Diên Nghị. Sinh năm 1933 ở Huế. Bạn đồng học, đồng nghiệp thơ với Thế Viên, Thanh Thuyền, Tạ Ký, Kiêm Đạt... Đã xuất bản: Xác Lá Rừng Thu (NXB Lạc Việt, 1957). Ban đầu đăng trên các báo Đời Mới, Thẩm Mỹ, sau Văn Nghệ Tiền Phong v.v... Như Thế Viên, Diên Nghị có xu hướng khai thác hình tượng lứa thanh xuân trong thơ. Và thơ tranh đấu thì tầm thường. Thi phẩm đã xuất bản chỉ tìm được một bài Rừng Thu khá hay, còn ra nhạt nhẽo, giả tạo, ít rung cảm. Trong bài Hoa Cà Lá Mướp sao chép thơ Trần Hữu Thung qua bài Thăm Đồng. Vì thế, thơ chưa tạo được bản sắc riêng; ít nhất có hai cách chịu ảnh hưởng, như Quách Thoại chịu ảnh hưởng bài thơ Trở Về của Xuân Diệu lấy đà sáng tạo thành bài thơ hay Cờ Dân Chủ. Tô Hà Vân (Nguyễn Đình Toàn) chịu ảnh hưởng Những Người Đi Qua Làng thơ Hữu Loan để viết thành Ngày Em Về Thăm Quê. Bài thơ khá hay; nhưng giống trường hợp sao chép thơ Trần Hữu Thung mà Diên Nghị mắc phải trong bài Hoa Cà Lá Mướp.

Trích thơ:

HÌNH ẢNH BUỔI ĐẦU

Em giữ bên anh một ảnh hình
Một hồn thi sĩ lựa đầu xanh
Một đàn bướm trắng đùa trong gió
Một sớm hoa xoan nở đỏ cành

Bởi một ngày mai anh sẽ xa
Mộng xây lên mộng cũng phai nhòa
Duyên xưa cũng tắt hoàng hôn tím
Tình cũng bao tàn số kiếp hoa

Đôi nẻo đường về ngại nắng mưa
Song thu khép kín tự bao giờ
Nến gầy, canh lụn, đau lòng sách
Chữ cũng như người dáng ngẩn ngơ.

Em giở từng trang đọc từng tên
Từng đêm hè quanh lại từng đêm
Bài thơ tâm sự càng heo hắt
Người ấy năm nào em lỡ quên?

Hoa phượng rưng rưng rụng trước lầu
Mà nghìn năm nữa vạn năm sau
Thời gian chùi sạch mầu son trẻ
Em cũng không quên được buổi đầu.


TRÍCH TRONG BÁO VĂN NGHỆ TIỀN PHONG

DIÊN NGHỊ


6. HUYỀN VIÊM.

Sinh năm 1930 ở miền Trung. Xuất bản Thơ Mùa Chinh Chiến (1956) và nhiều thơ đăng rải rác trên các báo Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Văn Nghệ Tiền Phong. Lớp nhà thơ đồng lứa Phong Sơn, Tường Phong, Duy Năng,... cùng hoạt động văn nghệ trong một thời đoạn. Huyền Viêm nhà thơ tâm tình, hầu hết thơ trong tập đạt kỹ thuật, già dặn; nhưng ít hình tượng mới, nhạc điệu, âm thanh, từ ngữ dồi dào nhưng ít tỏ bầy cảm nghĩ sống suy cảm mới. Giọng và hơi thơ Huyền Viêm như còn sót lại từ tiền chiến, nếu so sánh thơ với hai mươi lăm năm trước ít có gì mới.

Trích thơ:

VẤN VƯƠNG

Rồi một chiều nao chẳng hẹn về
Có chàng trai trẻ vội ra đi
Nắng vàng dệt mộng trên hoa lá
Như mộng nàng tiên buổi dậy thì

Tơ liễu Hồ Gươm vẫn rủ buồn
Những dòng tơ lệ khóc trăng suông
Chao ôi! Thăm thẳm là đôi nẻo
Có kẻ vời trông đến mỏi mòn

Ngày tháng chôn sâu dưới bóng chiều
Bao mùa hoa bướm bấy cô liêu
Trăng xưa thắm đọng dòng tâm sự
Nẻo hướng dương mờ bóng dáng yêu

Đây một bờ sông kia bến sông
Nước xanh khôn nối lại đôi lòng
Người xa ví biết buồn ly cách
Soi thấu tâm tình giếng mắt trong

Nhớ một hoàng hôn, hai hoàng hôn
Sương sa giá buốt cả tâm hồn
Chiều nay trở gió về phương Bắc
Nghe nhạc u hoài vọng cuối thôn

1957


TRÍCH BÁO VĂN NGHỆ TIÊN PHONG

HUYỀN VIÊM




CÒN TIẾP ...



VVM.15.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .