Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             



(1920-1989)

CHẾ LAN VIÊN
với “Điêu tàn” thời trẻ & “Di cảo Thơ” vào cuối đời

  


C HẾ LAN VIÊN tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20/10 / 1920 tại xã Cam An, huyện Cam Lộ , tỉnh Quảng Trị . Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn , đỗ bằng Thành chung thì thôi học đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem Quy Nhơn , Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.

Ông là một nhà thơ , nhà văn hiện đại nổi tiếng ở Việt Nam . Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Lan Viên từ tên của Yến Lan và ấn tượng vườn (viên) lan nhiều hoa nhà bạn. Sau Hàn Mặc Tử đặt thêm họ Chế thành Chế Lan Viên. Ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của “Trường Thơ Loạn”. Từ đây, cái tên CHẾ LAN VIÊN trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử , Yến Lan , Quách Tấn được người đương thời gọi là “ Bàn thành tứ hữu ” của Bình Định . Năm 1939 , ông ra học tại Hà Nội . Sau đó CHẾ LAN VIÊN vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 , ông cho ra đời tập văn Vàng Sao , tập thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh , Lưu Trọng Lư ,Đào Duy Anh . Thời kỳ này, CHẾ LAN VIÊN viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực.

Năm 1954 , CHẾ LAN VIÊN tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học . Sau 1975 , ông vào sống tại Tp. HCM . Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 tại Bệnh viện Thống Nhất , thọ 69 tuổi.

Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

Con gái ông, bà Phan Thị Vàng Anh , cũng là một nhà văn nổi tiếng.

Phong cách của Chế Lan Viên

Con đường thơ của CHẾ LAN VIÊN “trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ”, thậm chí có một thời gian dài im lặng (1945-1958).

Trước Cách mạng tháng Tám, thơ CHẾ LAN VIÊN là một thế giới đúng nghĩa “Trường thơ Loạn”: kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm... Những tháp Chàm điêu tàn là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của ông. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.

Sau năm 1975, thơ CHẾ LAN VIÊN dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái ‘tôi’ trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống.

Phong cách thơ CHẾ LAN VIÊN rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng triết lý. “Chất suy tưởng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa”. Khai thác triệt để các tương quan đối lập và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng. Nhưng vượt lên trên mọi sự yêu ghét chúng tôi hiểu ông vẫn là một bộ mặt tiêu biểu của thời đại. Nếu nói đến phê bình văn học một thời phải nói đến Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức… thì nói đến thơ một thời phải nói đến những Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh và một người đứng ở hàng đầu ở ngay bên Xuân Diệu, cũng giỏi viết tiểu luận như Xuân Diệu và tuy không công phu nhưng lại sắc sảo hơn Xuân Diệu nữa, người ấy là CHẾ LAN VIÊN!

Thơ Chế Lan Viên

Tập thơ Điêu tàn ra đời vào mùa thu 1937, trở thành một trong những hiện tượng nổi bật trong sự phát triển phong trào thơ mới (1932-1945). Về xuất xứ của tập thơ Điêu tàn tư liệu hãy còn rất mờ nhạt: Điêu tàn được viết khi CHẾ LAN VIÊN đang là học trò trường Quốc học Quy Nhơn, tham gia hai nhóm văn thi sĩ ở Quy Nhơn khi đó là Thái Dương Văn Đoàn và Trường Thơ Loạn. Một linh hồn lạ nhất trong các nhà thơ xưa nay: CHẾ LAN VIÊN trong Thái Dương ĐIÊU TÀN, thơ Chàm − thơ Ma. Một tập thơ đã sửng sốt, rung động lòng người, đã xao xuyến trong làng thơ hiện đại, đã được khen ngợi bởi: HÀN MẶC TỬ (Tràng an), KHÁI HƯNG (Ngày nay), THANH ĐỊCH (Tràng an), TRƯƠNG TỬU (Ích hữu)…

Đọc Điêu Tàn, người đọc bỡ ngỡ đến choáng ngợp. Điều “kinh hoàng” hơn: CHẾ LAN VIÊN còn dựng dậy, nhập vào những hồn ma, làm họ sống động như những con người thật, đi lại, vật vờ xung quanh đống đổ nát điêu tàn của cả triều đại, cất tiếng than khóc cho số phận nghiệt ngã của dân tộc mình. CHẾ LAN VIÊN đã “nhập hồn, hóa cốt” vào dân tộc Hời… rồi qua họ bước lên thi đàn Việt Nam như một biểu tượng rực rỡ trong giòng Thơ Mới ở nửa đầu của thế kỷ 20. Có thể đọc một bài tiêu biểu trong Điêu Tàn làm thí dụ:

TRÊN ĐƯỜNG VỀ

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ

Quay về xem non nước giống dân Hời…

Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian,

Những sông vắng lê mình trong bóng tối,

Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than…

Đây, trong ánh ngọc lưu ly huyền ảo,

Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà,

Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo,

Cùng nhịp nhàng, uyển chuyển uốn mình hoa.

Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp

Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi,

Và từ đáy lòng ta luôn tràn ngập,

Nỗi buồn thương, nhớ tiếc giống dân Hời !

(Điêu Tàn - 1937)

Tập thơ ra đời được 5 năm, ngay cả Hoài Thanh nhà biên khảo có uy tín trên văn đàn Việt Nam cũng viết: “Vong linh đau khổ của nòi giống Chàm đã nhập vào Chế Lan Viên, cho nên dầu không phải người họ Chế, CHẾ LAN VIÊN vẫn là một nhà thơ Chiêm Thành…” (Thi nhân VN).

Sau này nhiều người theo đó cũng phát triển, nhận định lạc hướng họa theo: “…tập thơ (Điêu Tàn) miêu tả nỗi cô đơn của một người không tìm thấy sự hòa hợp với cuộc đời…”

Nếu chúng ta đọc Điêu Tàn theo một cách khác: Mở rộng và suy tư cặn kẽ, sâu sắc hơn, nhận ra (nghĩa đen) đúng là tác giả hướng dẫn người đọc đi vào thế giới mộng ảo và cảm nhận quá khứ bi thương... Nhưng trấn tĩnh lại, ta chợt giật mình, nhận ra (nghĩa bóng), ở phía sau của Điêu Tàn: Bao thế kỷ, bao năm qua, dân tộc Việt, nòi giống Việt cũng đã bao phen chèo chống cố thoát ra khỏi cảnh bị nô lệ của phong kiến phương Bắc, nhưng vẫn bị chúng đuổi cùng giết tận dù phải bồng bế nhau xuôi giòng sông, chạy xuống sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới là Việt Nam ngày nay. Đã có kinh nghiệm của quá khứ, khi bước vào thử thách hiện thời tổ tiên ta nhận thức ra: Quyết không để “Người Phụ Mình” cho dù phải bắt buộc “Mình Thà Phụ Người” để tồn tại. Lịch sử đã ghi lại, chứng minh: Việt Nam đã từng bị vương quốc Chiêm Thành xâm chiếm… vua nhà Trần phải mang con gái cưng của mình hiến cho vua Chiêm, để đổi lại sự yên bình cho giòng tộc Việt ở phía Nam mà vẫn chưa yên. Trong thời đại thế giới hỗn mang trên nguyên tắc: Mạnh được, yếu thua.

Hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ lại bị ép từ 2 phía: Phía Bắc phương Bắc lăm le thôn tính, lợi dụng cuộc Huynh - Đệ tương tàn của 2 giòng họ Trịnh - Nguyễn, coi nhà Trịnh như một tên lính xung kích để chờ thời sẵn sàng hớt tay trên nếu Trịnh thôn tính xong Nguyễn. Phía Nam Chiêm Thành luôn luôn xâm lấn, đe dọa...

Không còn đường nào khác, thế là cuộc trường chinh: Dẹp, mở rộng phía Nam để yên một mặt, chú tâm chỉ chống một kẻ thù phía Bắc thay vì chống với cả hai. Đây là hoàn cảnh là lịch sử. Nếu lần này nữa lại hành xử như quá khứ: Bồng bế nhau rút chạy? Nhưng bây giờ: chạy đi đâu? Thế là phải thực hiện quy luật: Cùng tắc Biến (Biến tắc thông). Và, thảm cảnh giữa hai quốc gia, hai dân tộc Đại Việt – Chiêm Thành đã xẩy ra không thể nào cưỡng được…

Cao hơn, đúng hơn: CHẾ LAN VIÊN viết Điêu Tàn chỉ là cách “mượn xác hoàn hồn” lấy xưa nói nay. Tác giả đã đánh thức cả dân tộc bằng một thông điệp: Dân tộc Việt Nam hãy nhìn gương ấy: Tổ quốc, dân tộc hay là tiêu vong!

CHẾ LAN VIÊN viết Điêu Tàn là có chủ ý: Khơi dậy trong lòng dân tộc tinh thần chống ngoại xâm. Bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta phải phục hiện sự thực, cho dù quá muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không. Không thể để các thế hệ sau tiếp tục hiểu sai lệch ý tác giả và tập thơ Điêu Tàn, chỉ vì vài ý kiến trước đó hiểu chưa đúng do vô tình hoặc cố ý làm biến dạng nguyên tác...

Chế Lan Viên là người yêu tổ quốc, đất nước như bao người Việt Nam khác. Chỉ nói riêng phần thi ca, ông đã viết, làm nổi lên những giá trị, nối tiếp sau Điêu Tàn. Sau các tập thơ, bài thơ và chỉ ngay 4 câu thơ trong bài Tiếng Hát Con Tầu đã đủ đưa ông lên vị trí nhà thơ lớn của dân tộc:

“…Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương

Nơi ta ở - chỉ là đất ở

Nơi ta đi - đất bỗng hóa tâm hồn…”

Văn Nghệ Sĩ có thể có nhiều cách thể hiện ca ngợi tổ quốc mình bằng sáng tạo tác phẩm dài, ngắn. CHẾ LAN VIÊN chỉ cần 4 câu thơ đã nói thay cõi lòng của nhiều người. Tổ quốc - Dân tộc là Đất - Nước. Đọc lên mọi người cảm nhận ngay bởi mấy từ Đất bỗng hóa tâm hồn. Vì là tâm hồn nên Đất trở thành thiêng liêng, thân yêu. Đất chính là Mẹ hiền, là Tổ quốc Việt Nam!

Phải nghe tiếp những câu thơ hào hùng trong bài: Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng. Xâu chuỗi lại mới thấy rõ chủ ý của CHẾ LAN VIÊN từ Điêu Tàn, ngược từng cột mốc lịch sử của hôm qua rồi quay trở về hôm nay: Kêu gọi cả Dân tộc đứng lên Bảo Vệ Tổ Quốc khỏi họa xâm lăng đang ngày đêm tiềm ẩn:

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?

Chưa đâu !

Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất !

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,

Hưng Đạo diệt quân Nguyên

trên sóng Bạch Đằng...

Cành đào Nguyễn Huệ

Hẳn nhớ Thăng Long, hẳn nhớ đào ?

Mai vàng xứ Huế có khuây đâu ?

Đào phi theo ngựa về cung nhé !

Nở cạnh đài gương sắc chiến bào.

Những anh hùng dân tộc đứng đầu các cuộc chống xâm lăng phương Bắc được nhà thơ ghi lại trong từng câu thơ khiến người đọc đương thời cảm động, trỗi dậy khí thế hiện ngang nhờ oai linh của tổ tiên…

Đọc “Di cảo thơ” Chế Lan Viên

Tọa lạc tại quận Tân Phú, TpHCM – “Viên Tĩnh Viên”, Viên là vườn nhà riêng mà trong tâm thức CHẾ LAN VIÊN cứ như thể phảng phất hương hoa Phật pháp, viên âm, viên giác, viên thành…Tĩnh nơi anh CHẾ LAN VIÊN là tĩnh tâm theo dõi thế cuộc, suy ngẫm chuyện đời… Trong thời gian gần 8 năm (2/1981-10/1988) chị Vũ Thị Thường - vợ anh, cho biết: “Chính ở nơi chốn cuối cùng này, anh đã sáng tác nhiều bằng cả đời thơ anh trở về trước. Sau khi anh mất, ba tập Di cảo thơ CHẾ LAN VIÊN (gồm 534 bài) đã được in ra. Di cảo thơ tập 4 cũng đã gom được 150 bài, còn đang tập hợp tiếp…”

Tĩnh Viên mà động lòng người nghìn năm (Tố Hữu)

Di cảo thơ CHẾ LAN VIÊN không chỉ có các sáng tác vào những năm cuối đời. Tuy nhiên, nhiều bài thơ viết trong vòng gần 8 năm có vị trí đặc biệt đáng được lưu tâm. Ấy là do chúng được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt: nhà thơ tuổi cao, bệnh lại nặng. Chỉ một năm, trong cái “mùa bệnh” 1988 ấy, hơn một lần CHẾ LAN VIÊN giải bày:

Biết rồi đêm đến xóa

Tôi vẫn bôi sắc màu

(Trò chơi)

rồi:

Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt

Sao chỉ ấy kim kia tôi vẫn phải cầm

(Xâu kim).

Nhà thơ ý thức được không phải từng giờ mà từng phút, từng giây cái “buổi mai chót, hay buổi chiều chót hay đêm khuya chót đời anh sắp “tuột” khỏi tay anh tất cả”. Là người sống có trách nhiệm với đời, anh không cho phép bản thân ngừng nghỉ:

Thời hạn đi tìm của anh đã hết rồi mà bờ bến tít mù xa

Nhưng dừng lại anh đâu còn anh nữa

(Tìm thơ)

Có thể nói, với tất cả những sai sót, cả sự nhầm lẫn nữa, CHẾ LAN VIÊN – Nhà thơ không khi nào rơi vào tuyệt vọng đến mức xuôi tay chán chường. Đây đó ta có nghe rõ những lời trấn an, mình nhủ mình để đứng vững, để tồn tại. Đừng tuyệt vọng được viết ra chủ yếu từ mục đích này:

Từ đây xuống mồ

Còn chán thì giờ

Cho anh sống

Miễn anh đừng tuyệt vọng

Nhà thơ đề dưới bài thơ: “Mùa bệnh 1988”. Cũng trong cái “mùa bệnh” ấy, bên cạnh những câu thơ rất “tỉnh” ấy, có nhiều câu thơ rất “say”. Nhà thơ triết lý về bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” để chúng ta có dịp phát hiện thêm chiều kích khác của con người anh:

Mê đôi mắt si dại kia trăng rơi tõm xuống hồ

Không mảy may vẩn vơ cái bóng đen của sự chết. Chỉ có sự sống, hơn thế sức sống, một sức sống tràn trề. Nhà thơ của chúng ta tự mình vượt qua mình, có nhức nhối đấy, lại trắc trở nữa, nhưng quan trọng là sự đến. Anh đã đến được điểm cao của sự sống ngay nơi giáp ranh với cái chết, rồi thăng hoa thành những vần thơ tâm huyết để lại cho đời. Đó có lẽ là cái chất ngọc quý nhất của thơ CHẾ LAN VIÊN trong hai năm cuối đời mình (Phạm Quang Trung).

LỜI KẾT

Theo Chế Lan Viên, nhà thơ là người đi tìm cái thiện, cái chân nhưng phải biểu hiện ra bằng hình thức đẹp. Viết thơ cũng giống như người phụ nữ sinh con, cả xương cả thịt một lần, cả hình ảnh lẫn ý tưởng một lúc. Ông quan niệm: “Thơ nghĩ bằng hình ảnh”. Thế giới hình ảnh trong thơ CHẾ LAN VIÊN vô cùng đặc sắc. Nó vận động và biến đổi cùng với sự vận động và biến đổi của cái tôi trữ tình. Cái tôi cô đơn siêu hình thuở Điêu tàn gắn với thế giới hình ảnh ảm đạm lạnh lẽo mà ghê rợn, đầy rẫy những sọ dừa, xương máu cùng yêu ma. Cái tôi sử thi thời kháng chiến gắn với hàng loạt những hình ảnh tươi sáng, kỳ vĩ, mỹ lệ, hoành tráng. Giai đoạn cuối đời, trong Di cảo, thế giới hình ảnh có xu hướng thu nhỏ tầm vóc, phong phú đa dạng. Hình ảnh trong thơ CHẾ LAN VIÊN thường có hai loại: hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ tượng trưng siêu thực.

Thế giới hình ảnh trong Di cảo thơ Chế Lan Viên

CHẾ LAN VIÊN là nhà thơ hình thành được phong cách khá sớm. Con đường thơ hơn nửa thế kỷ của CHẾ LAN VIÊN là một con đường có nhiều bước ngoặt, biến đổi, tự phủ định với nhiều trăn trở, tìm kiếm ráo riết không lúc nào yên ổn. Chính ý thức về việc “làm sự phi thường", “tột cùng” từ trước cách mạng đã thúc đẩy nhà thơ không ngừng tìm kiếm và chiếm lĩnh được những đỉnh cao trên hành trình thơ đầy gian khổ. Luôn luôn trăn trở với nghề, có ý thức tự giác và thường trực về nghề thơ CHẾ LAN VIÊN suy nghĩ nhiều về thơ, người làm thơ, nghệ thuật làm thơ. Những suy nghĩ ấy bắt nguồn từ một ý thức trách nhiệm rất cao của người cầm bút, từ ý hướng cách tân, nỗ lực tìm tòi đổi mới thơ.

Di cảo thơ CHẾ LAN VIÊN – di chúc về cuộc đời và nghệ thuật của ông đã gây nên những dao động về cảm xúc thẩm mỹ trong người đọc. Chúng ta vẫn nhận ra một CHẾ LAN VIÊN thông minh, hóm hỉnh nhưng ý thức nghệ thuật của ông không còn song hành, đồng nhất với ý thức công dân mà đã vượt lên, hướng về những triết lý nhân sinh sâu thẳm và sự sinh tồn của nhân loại. Nhà thơ CHẾ LAN VIÊN đã đi vào hư vô, nhưng niềm tin mãnh liệt của ông về sự tồn tại và sức mạnh của thi ca vẫn sống mãi cùng chúng ta.-./.

(Tham khảo: Sách báo - Internet)




VVM.14.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .