N
gày xưa, những người Xuất Gia tu hành thật là đơn giản. Phần lớn không cần biết lý do Phát Tâm. Chỉ cần rời bỏ gia đình để vô Chùa thì gọi là Xuất Gia. Ở trong Chùa, Thọ Giới với một Vị Thầy nào đó rồi được ban cho Y, Bát, làm lễ xuống tóc thì kể từ lúc đó trở thành Tu Sĩ. Họ chê cuộc đời là ô trược, nên Ly Gia, Cắt Ái. Bước chân vô Chùa là đã thấy mình “thoát vòng tục lụy”, vì thế, khi có vị nào đó thôi không tu, trở về đời thường thì được gọi là “Hoàn tục” !
Muốn biết thế nào là cái Phát Tâm chân chính thì nên nhìn vào người khai sáng Đạo Phật, vì đó là cái Phát Tâm đầu tiên. Ngày xưa, Đức Thích Ca do bức xúc với cảnh Sinh, Lão, Bệnh, Tử hoành hành trên cái Thân con người, nên đã rời bỏ cung vàng, điện ngọc, cả vợ con để đi tìm câu trả lời. Sau này hành động rời gia đình để đi tu gọi là Xuất Gia. Pháp Phật “ Chứng” được, là Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử và Ngài đã để hết phần đời còn lại để rao giảng. Đạo của Ngài gọi là Đạo Giải Thoát, ĐỘ KHỔ hay còn gọi là Đạo Phật. Ngài đã Truyền Y bát lại cho 33 đời Tổ tiếp nối.
Cách đây hàng ngàn năm thì Đạo Phật là một kiểu tu hành mới mẻ nên được nhiều người ngưỡng mộ. Được làm Thầy để giảng dạy thì uy tín lẫy lừng, do đó mà có sự tranh giành Y Bát một cách quyết liệt, và nhất là khi Y Bát không còn Truyền thì cứ ai vô Chùa tu một thời gian, học được ít nhiều cũng ra giảng Đạo ! Cũng vì đó mà lần hồi Đạo Phật không còn là Đạo Giải Thoát nữa, mà là Đạo để Thờ Chư Phật, Chư Bồ Tát để cầu xin được cứu độ ! Chùa Chiền trở thành nơi cho những người chê đời, trốn đời hoặc hy sinh cuộc đời để phụng sự cho Phật. ! Các Tu Sĩ trở thành trung gian chuyển lời cầu xin của bá tánh đến Phật ! Đạo Phật phát triển ở nhiều nước bằng cách ngày càng xây dựng thêm nhiều Chùa to. Dựng tượng ngày càng lớn và mở nhiều Học Viện Phật Học khắp nơi. Nhưng đa phần chỉ đào tạo Tu Sĩ Trung Cấp, Cao cấp, không thấy trường nào đào tạo vị Giác Ngộ ! Mục đích tu Phật đã bị hiểu sai, nên nhiều người đã Xuất Gia với rất nhiều lý do.Ta có thể liệt kê một số như sau :
Lớp Đại Đệ Tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca thì do Thái Tử xuất gia, nên các quan trong triều mỗi người cũng cho một đứa con trai để đi tu theo. Phần các Sư về sau này thì có người kể : Lúc còn nhỏ, nhà nghèo quá nuôi không nổi nên người mẹ mang con lên gởi trên Chùa để Chùa nuôi. Từ nhỏ đã sống trong Chùa nên lớn lên tu luôn ! Có Sư hồi nhỏ theo mẹ đến Chùa được ăn cơm chay thấy ngon quá, nên lớn lên xin đi tu !. Có người một thời quậy phá, vào tù, ra khám, đến lúc thấy tội lỗi quá thì Sám hối nên đi tu để chuộc lỗi ! Có người đi nghe Giáng Pháp, thấy tả Phật bỏ ngai vàng đi tu. Phật lại “Từ, Bi, Hỉ, Xả”, “cứu độ Chúng Sinh” nên mến mộ rồi Xuất Gia để phụng sự cho Phật ! Có Hòa Thượng giảng pháp khuyến tu, nói Phật nhờ “bỏ đất nước nhỏ bé mà được cả thế giới”, nên cũng muốn bắt chước Phật “bỏ gia đình nhỏ bé để được cái lớn hơn”. Chính vì cho rằng muốn tu Phật là phải bỏ đời, bỏ thế gian, thành Phật rồi thì có thể cứu độ bá tánh, nên có nhiều người trí thức, có những nghề nghiệp mà xã hội đang cần như Bác Sĩ, Luật Sư, Kỹ sư, Giáo Sư, cũng bỏ hết để Xuất Gia ! Trước 75 có người trốn lính. Có người trốn nợ. Có người bị tình phụ như Lan trong tiểu thuyết Lan và Điệp cũng vô Chùa tu ! Có người cuộc sống khó khăn, vất vả quá, thấy rằng chỉ cần vô Chùa tu là khỏi phải bon chen, cực khổ, mọi thứ đã có người lo cho, nên cũng Xuất Gia ! Có người đọc Kinh hay nghe giảng, thấy Đại Hiếu Mục Kiền Liên nhờ tu hành mà cứu được mẹ nên Xuất Gia để báo ân phụ mẫu..
Rõ ràng, trong hàng chục cái Phát Tâm được gom lại từ đầu đến giờ, ta thấy : hoặc là chê đời, hận đời, muốn nương tựa của Phật, hay cầu Danh..không có cái Phát Tâm nào giống như Đức Thích Ca, là Vì Muốn Thoát khổ, Thoát Sinh, Lão, Bệnh, Tử như mục đích của Đạo Phật đề ra. Phát Tâm là nhân duyên chính để tu hành, mà mục đích của Đạo Phật một đàng, ta Phát Tâm một nẻo làm sao gặp nhau ? Chính vì vậy, Kinh Lăng Nghiêm dạy : “Nếu ông dùng cái Vọng Tâm sanh diệt làm nhân tu hành mà mong cầu quả Phật Thường còn không sanh diệt thì không thể được”.
Trong khi đó, đối với Đạo Phật chân chính thì cái Phát Tâm để Xuất Gia đi tu rất là quan trọng, vì nó là cái đich nhắm, nói lên điều mình ngưỡng mộ hay muốn tìm, muốn được trong Đạo, và tất cả kết quả công năng tu tập đều hướng về đó. Vậy mà đôi khi cái Phát Tâm và những gì thực hành không liên quan đến nhau mà bản thân người tu không hay. Điển hình là Ngài A Nan, một trong những Đệ Tử xuất sắc của Phật, thuộc lời Phật làu làu “Như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt” . Thế mà không cưỡng lại được sự quyến rũ của Ma Đăng Già đến nỗi lâm nạn để Phật phải phái người đi rước về ! Về đến nơi, Ngài đã khóc lóc bạch Phật là “từ nào đến giờ con chỉ lo học rộng, nghe nhiều, vì ỷ lại là em Phật, chắc chắn sẽ được ban cho Đạo Quả. Không ngờ không tu thì cũng bị đọa” để xin Phật chỉ cho phương pháp tu hành.
Hóa ra việc tu hành đối với Ngài A Nan chỉ là học cho thật thuộc những bài Phật giảng để kể lại vanh vách mà thôi. Ngài cũng chưa phân biệt giữa Tu và Học. Vì vậy, để đưa Ngài A Nan về với công việc tu hành Phật đã hỏi : “Ông đối trong Chánh Pháp của ta do ngưỡng mộ cái gì mà Phát Tâm Xuất Gia” ? Ngài A Nan trả lời là do con thấy : “Phật có 32 Tướng tốt đẹp lạ thường nên sinh lòng hâm mộ mà phát tâm xuất gia”. Qua câu trả lời thì ta thấy, hẳn Ngài A Nan thấy Phật có những Tướng Tốt nên được nhiều người ca tụng, tôn sùng, nên cũng muốn mình sẽ được như thế mà Phát Tâm. Chẳng phải là vì sợ sinh tử hay cầu Giải Thoát !
Sau khi Phật nhập diệt thì ngoài Chư Tổ còn vô số người cũng tu Phật, lần hồi sinh ra nhiều Tông, Phái. Nào Thiền Tông, Hiển Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông…Mỗi Tông, Phái, lấy một phần của Đạo Phật, hoặc đọc Kinh rồi cứ “Y Ngữ” rồi giải thích theo cách hiểu của mình, sau đó đào tạo lớp kế thừa và viết thành sách, vì thế nên Kinh Phật gọi là “Thiên Kinh vạn quyển”. Đa phần các Giảng Sư đều ca tụng tôn vinh Phật, xem Phật là Thần Linh, có quyền cứu khổ, ban vui, rồi quảng bá rầm rộ làm cho Phật Tử tôn sùng, ngưỡng mộ để siêng năng đến Chùa để cầu xin được phù hộ, độ trì ! . Lúc còn sống thì Cầu An, Cầu mọi việc được như ý. Khi có người thân qua đời thì Cầu Siêu để Phật rước vong linh người chết về Tây Phương Cực Lạc, bất chấp lúc sống họ đã làm Thiện hay Ác ! Bá Tánh không biết đâu là giếng mối, đâu là Chánh, đâu là Tà, đâu là Đạo Phật chân chính nữa. Do đó, những người Phát Tâm sẽ dựa vào Niềm Tin của mình mà vào con đường tu hành. Việc họ sẽ Hành như thế nào ? Đạt được những gì ? đều do Thiện Tri Thức mà họ chọn dẫn dắt.
Thiện Tri Thức rất là quan trọng cho người tu. Vì vậy, chúng ta cũng nên hiểu Chư Tổ giải thích thế nào là Thiện Tri Thức.
Người hiểu Đạo Phật một cách dễ dãi thì cho rằng cứ Phát Tâm, rồi chọn một Vị Sư nào đó tu lâu năm, có uy tín để thọ giáo rồi sẽ được truyền Đạo cho. Thầy dạy thế nào thì cứ hành thế đó, không cần biết lý do. Giống như Sư Thân Loan, một đạo tâm siêu đẳng của Nhật, đệ tử của Sư Pháp Nhiên bên Thiền Tông phát biểu : “Tôi không cần biết sau này tôi xuống Địa Ngục hay nơi nào khác, nhưng sư phụ dạy tôi niệm Hồng danh Phật thì tôi cứ theo đó mà vận hành” (Thiền Luận Q. Thượng của Suzuki). Như vậy thì rõ ràng cái Trí Huệ của Đạo Phật đối với Sư này không cần thiết nữa rồi. Nhiều người cũng không hế biết là Tăng cũng có nhiều thứ hạng : Thánh Tăng, Chân Tăng, phàm Tăng, Phá Giới tạp Tăng, sau này còn thêm xàm Tăng, Ma Tăng ! Không phải vị nào cũng là bậc Chân tu, Đắc Đạo !.
Đọc Kinh HOA NGHIÊM chúng ta sẽ thấy nói về sự quan trọng của THIỆN TRI THỨC : “Này Thiện Nam Tử. Thiện Tri Thức từ từ mẫu, vì xuất sanh Phật chủng. Như Từ phụ, vì lợi ích rộng lớn. Như nhũ mẫu, vì thủ hộ chẳng cho làm ác. Như giáo sư, vì dạy sở học của Bồ Tát. Như đạo sư, vì hay chỉ đường ba la mật. Như lương y, vì hay chữa bệnh phiền não. Như tuyết sơn, vì tăng trưởng thuốc Nhất thiết trí. Như dũng tướng, vì dẹp trừ tất cả sự bố úy. Như người đưa đò, vì làm cho ra khỏi đường Sanh tử. Như lái thuyền, vì khiến đến bửu sở trí huệ”.
Thiện Tri Thức quan trọng đối với người tu như thế. Nên Kinh viết :
“Này Thiện Nam Tử ! Người cầu Thiện Tri Thức chẳng nên nhàm mỏi. Ngươi thỉnh hỏi Thiện Tri Thức chớ sợ khổ nhọc. Nguơi gần gũi TTT chớ có thối chuyển. Ngươi cúng dường TTT chớ có thôi nghỉ. Ngươi lãnh thọ lời dạy của TTT chớ có lầm lộn. Người học hạnh của TTT chớ có nghi hoặc. Người nghe TTT diễn nói môn xuất ly chẳng nên do dự. Thấy TTT tùy phiền não hành chớ có hiềm lạ. Ở chỗ TTT phải sanh lòng thâm tín, tôn kính chẳng nên biến đổi.
Tất cả kết quả mà người tu đạt được đều do sự dìu dắt, hướng dẫn của Thiện Tri Thức :
Này Thiện Nam Tử. Bồ Tát do Thiện Tri Thức nhiệm trì nên chẳng đọa ác đạo. Do TTT nhiếp thọ mà chẳng thối Đại Thừa. Do TTT hộ niệm mà chẳng phạm Bồ Tát Giới. Do TTT thủ hộ mà chẳng theo ác trí thức. Do TTT dưỡng dục mà chẳng khuyết Bồ Tát Pháp. Do TTT nhiếp thủ mà siêu việt hạnh phàm phu. Do TTT giáo hối mà siêu việt bậc Nhị Thừa. Do TTT dìu dắt mà ra khỏi thế gian. Do TTT trưởng dưỡng mà có thể chẳng nhiễm thế gian. Do kính thờ TTT mà tu tất cả Bồ Tát Hạnh. Do cúng dường TTT mà đủ tất cả các pháp Trợ Đạo. Do thân cận TTT mà chẳng bị Nghiệp Hoặc nhiếp phục. Do nương tựa TTT mà chẳng bị thế lực kiên cố ,chẳng sợ ma chúng. Do y chỉ TTT mà tăng trưởng các pháp Bồ Đề Phần”.
Tất nhiên Thiện Tri Thức đó phải là bậc Chân Minh Sư. Nói về Chân Minh Sư thì ĐẠI THỪA KIM CANG KINH LUẬN có Kệ :
NẾU CÓ NGƯỜI NAM HAY NỮ
GẶP ĐƯỢC CHƠN MINH SƯ
TU HÀNH ĐƯỢC CHÁNH PHÁP
TẤT CẢ ĐỀU THÀNH PHẬT
Nhiệm vụ của Thiện Tri Thức là đưa người tu học qua bờ Giải Thoát, được Thoát Khổ thì không phải ai cũng có thể làm được, mà chỉ người Thầy đã đạt mục đích Giải Thoát mới có thể đưa người tu học đến bến bờ Giải Thoát được.
Thiện Tri Thức cũng có Chân, giả, tức là Chân Sư hay Tà Sư, và dù là Chân Sư hay Tà sư, và sự truyền đạt thì cũng không khác với sự giáo dục, học hỏi của người đời. “Thầy nào, trò nấy”. Sự hiểu biết, trình độ của người được đào tạo không thể vượt qua giới hạn của người Thầy được. Kinh VIÊN GIÁC dạy :
“Này Thiện Nam. Có loại Chúng sanh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ thì chúng thành TIỂU THỪA. Còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ thì chúng thành ĐẠI THỪA. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chứng thành PHẬT THỪA”.
Như thế, bắt buộc hành giả trước khi bước vào tu Phật không chỉ hiểu rõ mục đích của Đạo Phật mà còn phải biết chọn đúng Thiện Tri Thức mới mong đạt mục đích mình mong muốn. Điều đó đòi hỏi người muốn tu Phật phải bỏ ra thời gian để tìm hiểu. Trước hết là phải xem Mục đích của Đạo Phật là gì ? Mình có cần điều đó không ? Để đạt được phải làm những gì ? Bởi việc tu Phật đòi hỏi phải hy sinh nhiều thứ. Phải Xuất Gia, phải sống đời độc thân, không được có gia đình. Phải giữ bao nhiêu Giới. Nếu phải hy sinh nhiều thứ như thế mà cái mình nhận được không tương xứng, chẳng phải là phí đi một kiếp “Nhân thân nan đắc” hay sao ?
Đạo Phật chân chính dạy người tu phải “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Tức phải có Trí Huệ. Nhưng điều này còn tùy thuộc người Thiện Tri Thức có kinh nghiệm để hướng dẫn hay không. Trong Kinh VIÊN GIÁC dạy : Người muốn có Trí Huệ thì phải dừng mọi hoạt động, kể cả suy nghĩ gọi là ĐỊNH, rồi Quán Sát, Tư Duy, gọi là THIỀN QUÁN thì mới sinh ra Trí Huệ.
Kinh VIÊN GIÁC có Kệ giải thích về THIỀN ĐỊNH như sau :
BIỆN ÂM ! ÔNG NÊN BIẾT
CÁC TRÍ HUỆ THANH TỊNH
CỦA TẤT CẢ BỒ TÁT
ĐỀU DO THIỀN ĐỊNH SANH
THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ, QUÁN
VÀ CHỈ QUÁN SONG TU.
……….
MƯỜI PHƯƠNG CÁC NHƯ LAI
VÀ HÀNH GIẢ BA ĐỜI
ĐỀU Y PHÁP MÔN NÀY
MÀ THÀNH ĐẠO BỒ ĐỀ.
Kinh khẳng định : “Mười Phương các Như Lai và hành giả ba đời đều y môn THIỀN ĐỊNH mà thành Đạo Bồ Đề” và Thiền Định được Kinh giải thích là : CHỈ QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU.
CHỈ là Dừng, QUÁN là Quán sát. Như vậy nếu chúng ta cứ để cái Tâm chạy theo những hình ảnh thấy được trong lúc Ngồi Thiền thì sao gọi là CHỈ ? Nếu dừng ý thức, dứt bặt tư tưởng, không không suy nghĩ, không Quán sát, tư duy thì gọi là Diệt Tận Định, đâu có phải là Quán Sát ? mà đã không có mục tiêu để Quán sát, Tư Duy làm sao sinh được sự hiểu biết gọi là Trí Huệ ?
Có rất nhiều vấn đề trong Đạo cần phải tách bạch để khi bước vào hành trì không còn thắc mắc nữa. Chúng ta Xuất Gia Tu Phật mà chưa hiểu PHẬT là gì ? Làm thế nào để Thành Phật ? thì chúng ta sẽ Tu như thế nào ? Nếu chúng ta muốn phụng sự cho Phật thì cũng phải biết Phật có cần chúng ta phụng sự hay không ? Phụng sự như thế nào ? Đâu phải làm gì cũng là Tu, cũng đạt kết quả ? không lẽ cứ tu đại, hành đại rồi cuối cùng cũng sẽ thành tựu. Nếu không thì Phật cũng sẽ chứng cho lòng thành của ta ?
Do vậy, muốn thành tựu con đường tu hành thì tốt nhất hành giả nên tham khảo cho kỹ xem Phật là gì ? Tu Phật là gì ? Để được gì ? Chúng ta có cần đạt được điều đó không ? Nếu muốn thì phải làm những gì ? Làm như thế nào ? Có phải thật sự Đạo Phật đòi hỏi người tu phải Xuất Gia, phải đầy đủ hình tướng, Cạo Tóc, Đắp Y. Không được có gia đình. Không được tham gia việc đời hay không ? Lục Tổ Huệ Năng được Truyền Y bát khi chưa kịp Thế Phát, Quy Y thì sao ? Có gia đình thì không có gì Khổ để khỏi phải Tu hay sao ? Làm ăn chân chính, không Phạm Giới, Luật thì ảnh hưởng gì đến việc tu hành mà phải bỏ hết tất cả ? Tự mình kiếm tiền nuôi thân để tu sửa thì ảnh hưởng gì đến việc tu hành mà không thể đạt kết quả ? Đạo Phật cần người độc thân, cần người tu phải bỏ hết công ăn, việc làm để làm gì ?
Tự mình nêu ra những thắc mắc rồi mở Kinh xem Chư Vị Giác Ngộ đi trước đã giải đáp như thế nào ? Đó là cách để “Phá Vô Minh” mà chư Cổ Đức gọi là “Nghi lớn, ngộ lớn. Không Nghi thì không ngộ”. Xuất Gia tu học là cả một quá trình đòi hỏi chẳng phải riêng NIỀM TIN, mà còn phải HIỂU ĐÚNG để HÀNH ĐÚNG. Nếu chúng ta không Hiểu, thì sẽ Hành những gì ? Nếu ta tin Phật như một vị Thần Linh, thì đó là Quyền Thừa, Nhị Thừa, không phải là Đạo Phật chân chính. Nếu ta tin rằng Đạo Phật đưa đến Giác Ngộ thì Giác Ngộ là gì ? Làm sao để hết Mê ? Không biết Ngộ là gì thì làm sao có việc “Hốt nhiên Đại Ngộ” ? Chưa biết thế nào là BỜ BÊN NÀY. Thế nào là BỜ BÊN KIA ? thì làm sao để QUA BÊN KIA BỜ ? Nói là Thuyền Bát Nhã là để qua Sông Mê. Nhưng Thuyền Bát Nhã là gì ? Ở đâu ? Có cách nào để lên Thuyền mà sang Bên Kia Bờ ? Chưa giải quyết cho mình những thắc mắc mà đã vội đi tu thì cũng giống như người thấy người khác tìm được ngọc, bán được nhiều tiền, rồi mình cũng chạy đi tìm mà không học cách phân biệt giữa ngọc và sỏi, đá thì mình tìm ngọc cách nào ? chẳng lẽ gặp cục đá nào cũng lượm mang về ? Do đó, nếu trước khi bước vào con đường tu học mà hành giả chịu khó để thì giờ tìm hiểu thì sẽ tránh mất thời gian vô ích, vì không lẽ bỏ cả kiếp sống để tu hành mà không biết sẽ phải làm gì ? sẽ đạt được gì ? rồi mặc cho người Thầy hướng dẫn tới đâu thì tới sao ? Như vậy đâu có giống như con người ở thế kỷ này ?
Nhiều người cho rằng cứ Xuất Gia đi tu, thì từ việc xây Chùa cho tới bát cơm, chén thuốc.. tất cả mọi việc lớn nhỏ để phục vụ cho cuộc sống để tu hành đều có thí chủ lo cho. Người tu sẽ được thảnh thơi, không phải làm gì động móng tay. Phật đã quy định như thế ! Đó là một sự hiểu lầm rất lớn. Chẳng qua là thời mới khai đạo, Giáo Pháp chưa có người nắm vững, sợ rằng những người tu học mà vướng bận vợ con rồi phải làm ăn để lo cho gia đình rồi xao lãng việc học, nên Phật buộc người tu phải bỏ hết tất cả, và nhờ những Cư Sĩ cung dưỡng cho họ ngày một bữa cơm để họ không bị vướng bận, lo tập trung học lời Phật giảng, tương lai truyền lại. Về sau thì Giáo Pháp đã được chép lại thành nhiều Bộ Kinh. Muốn tìm hiểu, nghiên cứu gì đều có sẵn thì tu sĩ việc gì phải bỏ hết việc đời chờ người cung dưỡng mới tu được ? Ai tu nấy nhờ. Mình đâu có tu giùm cho người khác mà bắt họ phải chu cấp mọi thứ để nuôi mình nhàn thân mà tu hành ? Điều đó quá bất hợp lý, chỉ những người không hiểu mục đích của việc tu hành cũng như Nhân Quả mới điềm nhiên kêu gọi bá tánh Cúng dường cho mình mà không sợ ngày nào đó sẽ phải trả ! Ngày trước Mã Tổ Bách Trượng cai quản cả một Thiền Viện mà còn “Nhất nhật bất tác. Nhất nhật bất thực”, ta đạo cao cỡ nào mà ngồi đó chờ bá tánh phục vụ ?
Mọi người cứ nghĩ là Xuất Gia, đi Tu, là bỏ nhà cửa, bỏ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, bỏ hết mọi việc làm ăn, sinh sống, để tập trung tất cả cho công việc tu hành. Nhưng xem lại kỹ : Việc Tu hành, nói là bỏ đời. Nhưng thật ra chỉ là Bỏ Tham, Sân, Si, Thương, Ghét, hơn, thua, cao, thấp, đố kỵ, ghen hờn..nơi Tâm của hành giả. Những thứ đó Phật gọi là Chúng Sinh. Người tu nào cũng phải “Cứu Độ cho những Chúng Sinh của chính mình” mà thôi. Không có cứu độ cho chúng sinh nào bên ngoài. Vì như thế là Độ Tha !
Con đường tu hành có nhiều việc phải làm. Nhưng nếu chỉ thể hiện bằng hình tướng bên ngoài, thì đó là Y NGỮ. NGHĨA chính của những việc này được chính Kinh giải thích như sau :
- XUẤT GIA : không phải chỉ là rời khỏi nhà thế tục, mà là RA KHỎI NHÀ LỬA TAM GIỚI, tức là Tham, Sân và Si.
- CẠO TÓC : Là CẠO SẠCH PHIỀN NÃO, không phải chỉ là cạo sạch tóc.
- ĐẮP Y : Phủ lên Thân, Tâm một màu Hoại Sắc, là màu Giải Thoát, thanh tịnh, không phải chỉ cần Đắp Y Cà Sa màu vàng là đủ.
- Nhiều người tu vì hiểu lầm nên đã bỏ mặc cha mẹ cô đơn trong lúc tuổi già không phụng dưỡng, cho là Phật dạy muốn tu hành thì phải rời xa cha mẹ. Nhưng ý nghĩa của CHA MẸ mà người tu phải xa rời là Vô Minh và Tham Ái. Vì hai thứ này sai sử con người từ bao đời, như cha mẹ sai con. Vì thế, người tu phải rời xa Cha Mẹ này. Còn với Phụ mẫu thì người tu cần phải phụng dưỡng, đền Ân. Không có cha mẹ thì làm sao có tấm thân này để mà tu hành ? Do đó, trong các tội thì Bất Hiếu là tội nặng nhất. Và trong TỨ ÂN của Đạo Phật mà người tu phải đền đáp thì Ân Phụ Mẫu là Ân đầu tiên.
- Có người đọc thấy Kinh viết về Ngũ Nghịch là Năm Đại Tội : Đó là “giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, Phùng Phật sát Phật”.. thì thấy hoãng sợ, mà không biết rằng đó là người đi trước muốn người sau phải dẹp hết Vô Minh, Tham Ái, rồi nếu thấy mình là Thánh Tăng, Chứng Quả A La Hán hay “Thành Phật” thì phải “SÁT” ngay những tư tưởng đó đi, vì đó là Cái Chấp Ngã tu hành ! Người tu hành, giữ Giới thì ngay cả một sinh vật nhỏ cũng không làm hại, cớ gì đi giết người, nhất là giết Cha, Mẹ và các bậc tu hành ? Do đó, không nên “Y Kinh giải nghĩa”, mà phải tìm NGHĨA để Y.
- QUYẾN THUỘC : là những Nghiệp do THÂN, KHẨU, Ý của mỗi người tạo ra. Đó mới là Quyến Thuộc của mỗi người, sẽ theo mỗi người từ kiếp này đến kiếp khác. Quyến Thuộc bên ngoài là cha, mẹ, vợ chồng, con cái thì mỗi người đều có Nghiệp riêng của mình, đâu có theo nhau khi chuyển kiếp được ?
- NGƯỜI TU CÓ THỂ CỨU ĐỘ CHO 7 ĐỜI QUYẾN THUỘC : Đó là Ba Nghiệp THAM, SÂN, SI của cái THÂN, và BỐN Nghiệp của cái KHẨU (Nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói để khen mình, chê người). Không phải là Bảy Đời quyến thuộc là giòng họ hai bên nội ngoại trong Bảy Kiếp ! Vì nếu cứu độ cho quyến thuộc bên ngoài thì Đạo Phật thành Độ Tha, không còn là Tự Độ nữa.
- TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC : Được cho là quốc độ của PHẬT A DI ĐÀ. Kinh tả Tây Phương Cực lạc trang hoàng bằng BẢY BÁU là vàng, ngọc, trân châu, mã não….nên nhiều người rất muốn được về cõi đó, thậm chí có Pháp Môn Tịnh Độ đã dùng phương pháp Niệm Hồng Danh Phật A Di Đà để cầu được vãng sanh.
- Theo mô tả là Tây Phương Cực Lạc cách thế giới này 18.000 dặm, được Lục Tổ giải thích : Đó là nói về 18 Điều Tà mà mọi người vẫn thường làm.
MƯỜI ĐIỀU ÁC, là Giết hại sinh mạng, Trộm cắp, Tà Dâm, Nói dối, Nói xúi dục hai đàng. Nói thêu dệt, tục tĩu. Tham Lam, Giận hờn, Si.
TÁM ĐIỀU TÀ là : Tà kiến, Tà tư Duy, Tà ngữ, Tà Nghiệp. Tà mạng. Tà phương tiện, Tà niệm, Tà Định.
Trước trừ MƯỜI ĐIỀU ÁC, tức là đi tới Mười Muôn dặm. Sau dứt TÁM ĐIỀU TÀ, ấy là qua khỏi Tám ngàn dặm.
Tổ kết luận : Nếu làm MƯỜI ĐIỀU THIỆN thì cần gì phải nguyện Vãng sanh ? Còn nếu chẳng dứt lòng cưu mang MƯỜI ĐIỀU ÁC thì Phật nào đến rước mình ? Nếu hiểu rõ phép Vô Sanh Đốn Pháp, là pháp nhẫn tâm, không sanh Vọng Niệm, không tạo Ác Nghiệp, dứt ngay MƯỜI ĐIỀU ÁC và TÁM ĐIỀU TÀ thì trong một sát na thấy Cõi Tây Phương. Bằng chẳng hiểu rõ pháp ấy mà cứ niệm Phật cầu vãng sanh thì đường xa vời vợi thế nào tới cõi ấy đặng ?
BẢY BÁU được trang hoàng ở Tây Phương Cực Lạc được hiểu như sau
BẢY BÁU, chỉ là tượng trưng cho kết quả của Xả BẢY NGHIỆP, gồm Ba Nghiệp của THÂN là THAM, SÂN, SI và Bốn NGHIỆP của KHẨU mà thôi. Đó là Bảy điều xấu xa mà mọi người ôm giữ từ kiếp nọ sang kiếp kia không chịu rời nên Phật ví như là người giữ BÁU VẬT. Do vậy XẢ đi gọi là CÚNG CHÂU BÁU CHO PHẬT !
TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC hay ĐÔNG PHƯƠNG TỊNH QUỐC được hình thành nơi CÁI TÂM của mỗi người. XẢ những cái Xấu, cái ác đã ôm giữ thì Phật gọi đó là những Châu báu trang hoàng cho Phật Quốc. HẾT KHỔ thì được an vui, hạnh phúc, tức là LẠC. Không còn Khổ, chỉ toàn Vui, nên gọi là CỰC LẠC.
Phật chỉ là nghĩa của Giải Thoát. Kinh tả : “Phật là Vô Tướng, do vô lượng công đức mà thành”, là sự Giải Thoát của người tu, không phải là Thần Linh hay vị tu hành đắc đạo, thì lấy gì để nhận châu báu do người khác Cúng ?
- Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA tả là Long Nữ Thành Phật là do hiến VIÊN CHÂU CÓ GIÁ TRỊ LIÊN THÀNH CHO PHẬT là nghĩa đó. Tức là nàng xả Ba Món THAM, SÂN, SI cho CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT, nên gọi là HIẾN CHO PHẬT. Xả xong thì sẽ được GIẢI THOÁT, thì gọi là PHẬT NHẬN VÀ NÀNG LẬP TỨC THÀNH PHẬT. Chẳng phải là Phật nào bên ngoài nhận Viên Châu có giá trị liên thành của Long Nữ, để ban Quả Phật cho nàng như những kẻ Nhị Thừa đã “Y Kinh giải nghĩa”, làm cho “Tam Thế Phật oan” !.
- Hình tượng Đức Di Lặc cười tươi với Sáu đứa bé leo trèo quanh mình tượng trưng cho người tu đã điều phục xong Lục Căn. Trước kia Lục Căn là Lục Tặc, chuyên mang ngoại Pháp về phá hại Thân, Tâm của mỗi người, làm cho phiền não. Sau thời gian tu hành, chuyển hóa, thì Lục tặc trở thành Sáu đứa bé vô tư leo trèo đùa giỡn quanh một người vui cười hồn nhiên. Đó là hình ảnh tượng trưng sự thành tựu của người tu, sẽ xuất hiện khi người tu chuyển hóa xong Cái Tâm Mê. Lúc đó Lục Tặc trở thành Lục Hộ Pháp. Người tu được an vui, hạnh phúc, không còn Khổ nữa. Lục Tặc trở thành sáu đứa bé vô hại. Không phải để tạc thành tượng để thờ và chờ mong ngày nào đó Ngài xuất hiện để cứu thế giới. Có nơi trên mạng giải thích là khi tuổi thọ con người đến 80.000 tuổi, tức là khoảng 5 tỷ 760 triệu năm nữa Ngài Do Lặc sẽ ra đời ! Đó là lối giải thích của hàng Nhị Thừa. Đạo Phật chân chính là Đạo Tự Độ. Thành Phật không phải là thành Thần Linh để cứu độ cho người khác. Giả sử nhiệm vụ cứu đời là của Đức Di Lặc thì việc gì phải đợi đến mấy tỷ năm ? Ai ấn định thời gian để Ngài Di Lặc ra đời ? Thời gian đó Ngài bận làm gì ?
- VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ mà người tu đạt được chỉ là được hoàn toàn Giải Thoát, không còn bị phiền não, đau khổ, bị các pháp khủng bố nữa. Được hạnh phúc, an lạc trong kiếp sống, gọi là HỮU Dư Y Niết Bàn, không phải là thành Ông Phật với hào quang chói lóa cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế giới bên ngoài vũ trụ !
- VÔ THƯỢNG có nghĩa là KHÔNG CAO. Giải Thoát là việc làm tự mỗi người làm cho bản thân. Giải Thoát chỉ là cởi bỏ những ràng buộc cho chính mình, thì có gì để so sánh với ai mà cao, thấp ? VÔ THƯỢNG đâu có phải là TỐI THƯỢNG ?
Nhiều người nghĩ rằng CÔNG NĂNG TU HÀNH là Tụng Kinh, Niệm Phật. Càng tụng nhiều biến Kinh, Niệm nhiều hồng danh Phật là công đức rất lớn ! Trong khi đó, đọc Kinh thì ta thấy trong Kinh đa phần là những giải đáp thắc mắc để khai thông Vô Minh cho vị Bồ Tát nào đó khi vị này nêu câu hỏi. Nếu dùng Kinh làm giáo trình để tu học, thì kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA dặn dò là : “Thọ, trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép, Y Pháp tu hành” . Tức là nếu ta Thọ, Trì một quyển Kinh thì phải : “Đọc, tụng, biên chép, giải nói”, cho rõ nghĩa rồi Y THEO NGHĨA đã tìm được mà thực hành, gọi là Y PHÁP TU HÀNH. Nếu ta chỉ Tụng khống theo chuông, mõ, mà không giải nói thì làm sao hiểu để Y Pháp tu hành ?
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ có Bài Kệ để nói với Pháp Đạt là người chuyên tụng Kinh và đã Tụng đến 3.000 bộ Kinh PHÁP HOA.
“Ngươi tên là Pháp Đạt
Siêng tụng hoài không dứt
Tụng khống theo âm thinh
Minh Tâm mới gọi Phật”
Có nghĩa là muốn thành Phật thì phải MINH TÂM, vì có Minh Tâm thì mới Kiến Tánh và sau khi Kiến Tánh rồi thì tu sửa theo sự điều khiển của cái Chân Tánh, gọi là “Kiến Tánh khởi tu” thì mới Thành Phật được.
Từ xa xưa, giới Tu Sĩ mặc nhiên xem chỉ có họ mới tu hành thành công được. Hàng bạch y chỉ có thể theo nghe họ giảng pháp và làm thị giả cho họ thôi. Trong khi đó, thì Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết về người tu hành cũng như Nơi chốn để tu hành như sau :
“Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, Hoặc Tăng phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.
VÌ sao ? Phải biết chỗ đó chính là Đạo Tràng. Các Đức Phật ở đây mà đặng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn” (Phẩm NHƯ LAI THẦN LỰC).
Theo ý Kinh, thì Nếu đúng như lời tu hành, thì dù ở trong vườn, trong rừng, núi hang đồng trống, nhà bạch y hay Tăng Phường, thì chỗ đó đều là Đạo tràng, đều thành tựu như nhau. Đâu có phân biệt nơi chốn tu hành ? Đâu có đòi hỏi phải độc thân, phải ở trong Chùa thì mới tu thành công ?
Việc tu hành đòi hỏi phải làm nhiều việc. Nào phải giữ GIỚI, phải VĂN-TƯ-TU, phải hành theo BÁT CHÁNH ĐẠO. Hành trì cho miên mật để rồi cái cuối cùng Chứng được là cái : “Tu vô tu. Chứng vô chứng”, “Đắc vô Đắc”, “Đắc cái vô sở đắc”. Như vậy có quá nghịch lý không ? Tuy nhiên, nếu hiểu đúng công việc tu hành thì thấy hoàn toàn hợp lý, vì Tu để XẢ cái TA GIẢ, Xả để KHÔNG CÒN TA, thì lấy ai để chứng đắc ? Vì vậy, Kinh dạy : “Trong Phật Pháp người có Chứng Đắc là kẻ Tăng Thượng Mạn”, bởi đó là người chấp thêm Cái NGÃ TU HÀNH, còn khó chữa hơn là Cái Ngã phàm Phu !
Ngoài ra, người tu Phật nên lưu ý. Không phải tất cả những việc mà người tu phải Hành trên con đường tu tập vì bất cứ lý do như thế nào thì đều mang lại kết quả tốt đẹp. Không ít người đã hành sai mà không hay. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết : Này Thiện Nam Tử. Có bốn việc lành mang lấy quả ác : Một là vì hơn người mà đọc tụng Kinh điển. Hai là vì lợi dưỡng mà thọ trì Cấm Giới. Ba là vì hệ phược người khác mà làm việc Bố Thí. Bốn là vì cõi Phi tưởng, Phi phi tuởng mà nhiếp niệm tư duy.
Sở dĩ Đạo Phật buộc người muốn Tu phải Hành, phải XẢ nhiều thứ. Hứa hẹn Quả Vị, Chứng Thánh, để rồi nói rằng “Tu vô tu. Chứng vô Chứng”, là do Đức Thích Ca thấy con người tạo quá nhiều Ác Nghiệp rồi phải chịu Quả xấu, nên Ngài dùng Quả Vị, Sự Chứng Đắc, Địa Ngục, Ngạ Quy, Súc Sinh, hoặc Phật Quốc ở Đông Phương, Tây Phương làm Phương tiện để khuyến tu. Tả Phật Quốc với những món châu báu đầy khắp để cho con người ham thích, mong được về đó. Nhờ đó họ chịu bỏ không làm Ác nữa mà làm những điều THIỆN để trao đổi. Kết quả là sẽ hết KHỔ. Được hạnh phúc, an vui. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN giải thích tất cả những Phương Tiện chỉ là : “Để dỗ cho con nít nín khóc” , tức là để cho con người hết Khổ mà thôi. Không có Quả vị gì để thành tựu hết.
Kinh viết : “Lại như Anh Nhi lúc kêu khóc, cha mẹ liền lấy lá dương vàng mà bảo rằng : Nín đi, đừng khóc, vàng đây ta cho con. Anh nhi thấy lá dương vàng tưởng là vàng thật bèn thôi không khóc nữa. Nhưng đây là lá dương, chẳng phải vàng thật. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, Anh Nhi cũng tưởng là trâu, ngựa, người thật, liền chẳng khóc nữa. Do vì chẳng phải thật trâu, ngựa v.v.. mà tuởng là trâu, ngựa v.v.. nên gọi là Anh Nhi”.
Đức Như Lai cũng vậy. Nếu có chúng sanh muốn tạo tội ác, Đức Như Lai vì họ mà nói trời Đao Lợi Thiên là cõi tốt đẹp an vui tự tại. Chúng sanh nghe cõi vui đẹp như vậy, sanh lòng ưa thích bèn thôi chẳng tạo tội ác mà siêng thật hành những nghiệp lành. Nhưng thật ra cõi Đao Lợi là Sanh Tử, chẳng phải thật an vui, tự tại.
Lại có Chúng sanh nhàm khổ Sanh Tử, Đức Như Lai vì họ nói Hạnh Quả Nhị Thừa. Nhưng thật ra Quả Nhị Thừa chẳng phải rốt ráo chân thật, vì hàng Nhị Thừa biết lỗi sanh tử, thấy vui Niết Bàn bèn có thể tự biết có dứt cùng chẳng dứt, có chân thật cùng chẳng chân thật, có tu cùng chẳng tu, có chứng đặng cùng chẳng chứng đặng. Như Anh Nhi đối với vật chẳng phải vàng mà tưởng là vàng thật”.
Nếu trước kia ta tưởng việc tu Phật là để trở thành vĩ đại, cao quý, ít ra cũng thành Thánh Nhân hay Thành Phật, và Thành Phật là thành một vị Thần Linh quyền uy bao trùm vũ trụ Tam Thiên, có thể “Cứu độ cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”…. Cuối cùng, THÀNH PHẬT chỉ là “thành tựu con đường Giải Thoát”. Bản thân người Thành Phật được hết Khổ, như mục đích của Đạo phật là để “ĐỘ KHỔ” mà thôi. “Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” mà Phật của mỗi người có thể “Cứu Độ” chỉ là Chúng Sinh Tham, Sân và Si ở trong cái Tâm của chính hành giả mà thôi. Từng sát na, mỗi loại xuất sanh ra vô số, đông như cả thế giới, nên Phật phương tiện tả như thế, không phải là của thế giới hay vũ trụ bên ngoài. Vì nếu là ở thế giới bên ngoài, mà để Thành Phật thì phải “Cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế giới”, thì khi Đức Thích Ca thành Phật đã “Độ” hết rồi, đâu đến lượt ta ?
Mỗi Hồng Danh Phật tượng trưng cho những việc mà vị Phật đó đã Hành để thành tựu. Nghĩa của các Hồng Danh Phật là :
- Thích Ca được giải thích là Năng Tịnh, có nghĩa là NĂNG NHÂN và TỊCH MẶC. NĂNG NHÂN là nhân đức, nhân từ, là năng lực, sức mạnh của lòng từ bi. Tịch Mặc là Trí Tuệ. (Nguồn Internet).
- A Di Đà được giải thích trong Kinh KIM CANG là “Hào quang soi suốt, không ngăn ngại”, tức là một Cõi Tâm hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, không còn góc khuất hay tư tưởng đen tối nào nữa.
Dù Đức Thích Ca đã xử dụng rất nhiều Phương Tiện để làm cho mọi người hoặc sợ, hoặc ham thích mà phát Tâm vào Đạo. Nhưng đọc KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA, Phẩm THÍ DỤ (tr. 116) ta thấy viết rõ về mục đích của Đạo Phật :
“Ta thấy các chúng sanh bị những sự SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT, lo buồn khổ não nó đốt cháy. Cũng vì năm món dục (Ngũ Dục), tài lợi, mà bị các điều thống khổ. Lại vì tham mê đeo duối tìm cầu nên hiện đời thọ các điều khổ, đời sau thọ khổ Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh. Nếu sanh lên trời và ở trong loài người thời nghèo cùng khốn khổ. Bị Khổ về người thương yêu thường xa lìa. Kẻ oán ghét lại gặp gỡ. Các món Khổ như thế mà chúng sanh chìm trong đó vui vẻ dạo chơi, chẳng hay, chẳng biết, chẳng kinh chẳng sợ, cũng chẳng sanh lòng nhàm, không cầu Giải Thoát; ở trong Nhà Lửa Tam Giới này Đông Tây rảo chạy, dầu bị Khổ nhiều vẫn chẳng lấy làm lo”….
Chính vì muốn cứu cho con người Thoát Khổ mà Phật bày ra những Phương Tiện để con người hoặc sợ, hoặc ham thích mà ngưng không làm Ác nữa, để cuộc sống hiện tại của bản thân và những người chung quanh được hạnh phúc, an vui. Không chỉ ở hiện kiếp, mà sau khi hết kiếp, nếu tái sanh cũng được vào những cảnh giới tốt đẹp, do không gây Nhân xấu.
Kết quả của việc tu hành là : “Các chúng sanh này nghe Pháp rồi, hiện đời được an ổn, đời sau sanh về chỗ lành. Do Đạo được hưởng vui và cũng lìa khỏi các chướng ngại, ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần được vào đạo”. (Phẩm DƯỢC THẢO DỤ).
Nhưng dù Đức Thích Ca hứa hẹn nhiều thứ mà khi Hành xong thì cả người Hành cũng không còn, lấy ai để “Chứng”, để “Đắc Quả” ? . Nhưng thứ mà người tu nhận được còn giá trị hơn rất nhiều. Không chỉ ở kiếp hiện tại, mà vĩnh kiếp về sau : Đó là sự GIẢI THOÁT, HẾT KHỔ. Đã Giải Thoát rồi thì không còn quay trở lại Phàm phu nữa. Kinh dạy : Như vàng đã lọc ra khỏi quặng rồi thì không còn trở lại làm quặng nữa.
Lẽ ra người trần, ở địa vị nào cũng có cái hạnh phúc của địa vị đó. Độc thân có cái hạnh phúc tự do, không ai ràng buộc. Có gia đình có cái hạnh phúc lứa đôi. Có người chia vui, xẻ buồn. Con cái là niềm vui của bậc cha mẹ khi nhìn chúng trưởng thành, thành công trong cuộc sống. Về già con cái hiếu thảo chăm sóc cho đến khi qua đời. Kiếp sống nếu cứ diễn ra như thế thì có gì phải đau khổ, vì con người cũng đã chấp nhận đã SINH ra thì lúc nào đó cũng phải GIÀ, CHẾT.
Nhưng cũng vì con người đã quá Tham Lam, độc ác, ai cũng muốn vơ vét những thứ giá trị về cho mình, cho gia đình mình hưởng dụng. Chính vì vậy mà tạo ra hỗn loạn, bất công trong xã hội. Người có thế lực chèn ép ngưới cô thế. Người mạnh bức hiếp người yếu. Người giàu bóc lột người nghèo. Nước mạnh giành dân, lấn đất của nước nghèo, tạo ra biết bao nhiêu cảnh đau lòng.
Nhưng dù có tranh giành được một số phương tiện của kiếp sống, như DANH, LỢI, TÌNH, TIỀN, vật chất, của cải… thì khi chết cũng đâu có mang theo được ?Trái lại, nếu vì cái THAM đó mà tạo Ác Nghiệp thì không những kiếp hiện tại đã không được bình an, thanh thản, mà phải đau khổ, buồn phiền. Kiếp sau lại phải trả giá bằng Quả xấu, đôi khi còn không được tiếp tục làm người mà phải đọa vào Ba Đường Dưới là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh thì sao ?
Rõ ràng, chúng ta đều biết : Tất cả những xáo trộn, đau khổ, phiền não ở trong cuộc đời. Từ quy mô nhỏ là gia đình cho tới xã hội, hay nước này đối với nước khác đều do những tính THAM LAM, ĐỘC ÁC của con người gây ra. Chỉ vì SỰ THAM LAM, HAM MUỐN KHÔNG BIẾT ĐỦ của mọi người mà sinh ra giận hờn, tranh chấp, thù ghét, tàn sát hay làm hại lẩn nhau, làm rối loạn cuộc đời. Quyển lực càng cao chừng nào sức phá hoại càng lớn chừng đó !
Nhờ Đạo Phật nhắc nhở mà chúng ta thấy : Nếu ÍT MUỐN, BIẾT ĐỦ. Biết rằng cuộc sống chỉ là tạm thời, nhiều lắm là trăm năm. Cái Thân này thời gian nào đó sẽ hư hoại, rồi bỏ đi những cái Ác, thay vào đó là hành THIỆN hạnh. Thay vì tìm cách tranh giành, cướp đoạt của người khác để rồi chất đống đó, khi chết cũng không mang theo được thì sao không giúp đỡ nhau, để từ gia đình, bạn bè, những người chung quanh và xã hội tốt đẹp hơn, không còn cảnh đau khổ diễn ra nữa ?
Trần gian nào khác Địa Đàng với mọi sản phẩm dồi dào. Khoa học kỹ thuật mỗi ngày mỗi cải tiến, cung cấp, phục vụ, đáp ứng mọi yêu cầu cho con người. Thời nào thức nấy. Cây trái sum suê. Cảnh vật thiên nhiên đủ màu sắc : Nào lá biếc, chồi non, hoa đẹp, suối, thác, sông hồ mỗi mùa một sắc. Mưa nắng điều hòa để cây cỏ tươi tốt. Chim thú sinh sôi. Tôm cá đầy sông, lúa thóc đầy đồng, mọi thứ thỏa mắt, vừa tai, còn muốn gì nữa ? Nếu Tâm ta thanh thản, an lạc, không chứa đựng hận thù, ganh ghét, đố kỵ, hơn thua..mà mọi người sẵn sàng chia xẻ, nâng đỡ nhau cho qua kiếp sống tạm, thì trần gian là Niết Bàn, còn phải tìm đâu nữa ? Nghĩa của Niết Bàn chỉ là RA KHỎI RỪNG MÊ, hay là RA KHỎI RỪNG PHIỀN NÃO, mỗi người bản thân đều có, chỉ vì bị che lấp, chỉ cần khai mở ra, đâu phải là một cảnh giới xa xôi của Phật nào, để cầu xin được về sau khi chết ?
Đạo Phật không đưa người tu đến một thế giới khác, mà vẫn tiếp tục sống ở cõi trần gian, nhưng không còn bị Các Pháp làm Khổ nữa, bằng cách nương Phương Tiện của Đạo Phật để phục hồi những tính cách tốt đẹp vốn sẵn có nơi mỗi con người, để được sống đúng với tính cách con người là : Nhân bản, nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa của NHÂN THỪA…để cuộc sống trở nên tốt đẹp, đáng sống hơn. Trong gia đình thì là những người con hiếu hạnh, biết yêu thương, chăm sóc để đền Ân Cha mẹ đã nuôi dưỡng, giáo dục mình. Ở địa vị người chồng, người vợ thì chung thủy với nhau, cùng nhau chia xẻ những vui buồn, lúc thành công cũng như khi thất bại, cùng nhau chia trách nhiệm nuôi dạy, dìu dắt con cái. Ngoài xã hội thì là người công dân tốt, không vi phạm luật pháp lại làm tròn trách nhiệm được giao. Với các bậc Thầy thì cung kính, học hỏi. Với mọi thành phần trong xã hội thì biết rằng tất cả mọi người đều là “Phật sẽ thành” để tôn trọng họ, vì đó cũng là những người góp phần cung cấp lương thực, đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống của mọi người. Vì vậy chúng ta cũng không được quên ân họ mà sống cho xứng đáng như một cách để đáp ân.
Thay vì đi cải hóa để mọi người, để người khác cũng như mọi hoàn cảnh đều sẽ theo ý mình, thì ngược lại, Đạo Phật dùng rất nhiều phương tiện nhằm dạy mỗi người quay vào cải hóa chính CÁI TÂM của mình. Nhờ đó mà gia đình, xã hội, thế giới đều được bình an để cùng nhau phát triển. Bằng phương pháp giáo hóa của mình, Đạo Phật đã tát cạn vực nước mắt của chúng sinh. Khi con người không còn tàn ác, chèn ép, bóc lột lẫn nhau, mà xem “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” để tôn trọng, giúp đỡ nhau thì cõi trần gian đã biến thành cõi Niết Bàn, mọi người tự tu sửa, tự cứu lấy mình thì cần gì Phật nào đến cứu ? Lúc còn sống thì đã huân tập chúng sinh của mình đi vào đường thiện, chỉ làm những điều tốt thì đương nhiên sau khi bỏ cái Thân, Thần Thức sẽ được về cõi thanh cao, đâu cần Phật nào đến rước ? Còn nếu lúc sống mà chỉ làm việc ác, chỉ tạo Nghiệp xấu, thì Phật nào đến rước mình được ? Cho nên, dù diễn tả đủ thứ, cuối cùng thì Đạo Phật chỉ còn là NHÂN QUẢ mà thôi.
Đạo Phật cũng được gọi là Đạo Nhân Quả. Đã ý thức Nhân Quả thì thay vì Cầu xin Phật, mà Phật cũng không có khả năng để cho, thì “Cầu mà không cầu”, tức là tự Gieo NHÂN THIỆN để gặt QUẢ LÀNH. Dọn ĐẤT TÂM cho thanh tinh, gọi là CẤT CHÙA. Rồi thay vì dùng vàng, bạc, đồng, gỗ.. để Tạc Tượng Phật, thì quay vào Tâm mình, dùng HẠNH của Phật mà tạc, chạm, mà khắc nơi đó. Thay vì dùng Hương của gỗ, của bột để đốt lên cúng Phật bằng gỗ, thì dùng HƯƠNG - tức là kết quả của những việc làm tốt đẹp - để dâng lên CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT, tức là PHẬT CỦA MÌNH. Thay vì dùng tiền bạc, vật phẩm Cúng dường cho Tượng PHẬT vô tri, thì ta làm công việc ĐỘ SINH, tức là “Cứu Độ những tư tưởng nhiễm cái Ác của mình”. “ĐỘ” cho một tư tưởng chịu Cải Ác, hành Thiện là là đã CÚNG DƯỜNG MỘT VỊ PHẬT. Đó cũng là PHÓNG SINH, vì ta giam giữ nó hằng bao nhiêu đời không chịu giải thoát cho nó. Đó cũng là BỐ THÍ TAM LUÂN KHÔNG, “Không có người cho, của cho, kẻ nhận”, vì Người cho là mình. Của cho cũng là của chính mình. Người nhận cũng là Con Đường Giải Thoát hay là PHẬT của chính mình. Cho nên cũng một việc làm, mà nếu làm theo NGỮ, thì chỉ là hình tướng giả dối bên ngoài. Chư Tổ gọi là “Gải ngứa ngoài giày” thì chẳng có tác dụng gì, hoặc càng làm càng lớn thêm Sinh Tử. Thấy mình tích phước, tích Công Đức cho đời sau hưởng. Ngược lại, nếu làm đúng theo NGHĨA, là THÍ, XẢ nơi TÂM của mình, thì càng làm thì càng được nhẹ nhàng, kết quả là được Giải Thoát, được an vui, hạnh phúc ngay kiếp sống tại trần gian, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Đó là chỗ “Đến”, chỗ Chứng của người tu Phật. Do vậy, Chư vị Giác Ngộ gọi là “Tu vô tu”, “Chứng vô chứng”, “Đắc vô Đắc” hay “Đắc cái Vô Sở Đắc” là như thế.
Tháng 9 Năm 2024
VVM.27.9.2024.
Tháng 9 Năm 2024