Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



(1922-2010)

HOÀNG CẦM - HỒN THƠ ÁNH SÁNG


Lời Tác Giả :

            Hà Nội ngày 6- 5- 2010. Cái nóng như đổ lửa uống Hồ Gươm. Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi cùng Lá Diêu bông vi vút trời xa, da diết gọi Tình yêu con người Việt Nam suốt thế kỷ XX lửa cháy.
             Nỗi tiếc thương xao xác hồn tôi.
                     Hà Nội đêm không ngủ.
             Biết rằng sẽ có một ngày xa biền biệt, không còn được nghe tiếng nhà thơ Hoàng Cầm gọi:
                       “Diêu Bông hời!
                         Ới! Diêu Bông!..”

        Vậy nên những năm 1990- 2000, tôi đã dành những buổi chiều đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm tại nhà riêng phố Lý Quốc Sư- cạnh Nhà Thờ Lớn- Hà Nội, nghe ông đọc thơ, kể chuyện tình Kinh Bắc, và khám phá thơ ông.
      Chuyên luận Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng của tôi đã in trong tập bút ký Hương đất Hà Thành (Mai Thục- NXB Văn hoá Thông tin- Hà Nội- 2004).
    Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Cầm. Tôi khóc ông bằng những dòng chữ dâng đầy nước mắt của những người mẹ, người chị, người em gái… Kinh Bắc- Việt Nam, mà Hoàng Cầm nâng niu, yêu thương tha thiết trong thơ ông.
       Tôi niệm “Nam mô A Di Đà” cầu nguyện linh hồn nhà thơ Hoàng Cầm bay lên cùng Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng.

       Mai Thục  
        Hồ Gươm- Hà Nội đêm không ngủ.
 


I. VĨNH BIỆT NHÀ THƠ HOÀNG CẦM

H oàng Cầm làm thơ từ những năm còn rất trẻ. Trong toàn bộ tác phẩm của ông từ những kịch thơ: Hận Nam Quan, Mắt Thiên Thu, Trương Chi, Kiều Loan, đến những tập thơ Bên kia sông Đuống, Cót thóc và Con đường, Men đá vàng, Về Kinh Bắc và gần đây nhất là Mưa Thuận Thành, ta luôn bắt gặp hình ảnh nhiều màu, nhiều vẻ của nguời phụ nữ miền trung du Kinh Bắc, duyên dáng và ý nhị, đằm thắm và sâu sắc, không sâu sắc kiểu “cơi đựng trầu” như ca dao đã nói vơ đũa cả nắm về “tính chất đàn bà” của phụ nữ. Bởi thế thơ Hoàng Cầm rung động trái tim phụ nữ Việt Nam nhiều thế hệ. Ông là nhà thơ của Tình yêu và Phụ nữ

        Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt- sinh năm 1922 tại Thuận Thành- Hà Bắc (thời Lê- Trịnh gọi là trấn Kinh Bắc). Nơi có kinh thành Luy Lâu thời cổ đại, có chùa Phật Tích đánh dấu cội nguồn Phật giáo, từ thế kỷ XX sau Công Nguyên trở thành quốc đạo. Trấn Kinh Bắc xưa là nơi phát tích của một triều đại đẹp nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước- Triều đại nhà Lý.     

Đó là nơi in đậm hình ảnh những người đàn bà diễm tình và tráng lệ nhất trong lịch sử: Dương Vân Nga, Vương phi Lý Chiêu Hoàng, Ỷ Lan, Đặng Thị Huệ, Ngọc Hân Công chúa…

   Đó là nơi toả sáng nền văn hoá đồng lúa Kinh Bắc với dân ca quan họ ngọt ngào mềm mại như ánh ban mai vờn  sóng lúa vàng tươi:

   “Khi cất lời ca những lứa hợp tình chuốt rơm bện ổ”

     Với :

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”     

Với men gốm Bát Tràng ánh màu “Không Năm tháng”:  

     “Men Lý ra thơm ngát trăng quê suốt ngõ
            Màu thiên lý rung rinh”

   Người cha của Hoàng Cầm là một nhà Nho tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Mẹ ông, một cô gái Bắc Ninh xinh đẹp:

  “Hát hay nổi tiếng khắp vùng

     Mẹ sinh ra Hoàng Cầm rất muộn màng. Ba mươi hai tuổi, bà ôm con trai đỏ hỏn vào lòng ru bằng những câu quan họ bồi hồi chờ mong:

“Gió giục cái đêm đông trường
 Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó chờ ai…” 

   Tiếng hát ru hay tâm linh người mẹ khắc khoải đợi chồng đã thấm vào thi sĩ khi mới lọt lòng.

     Và cả một vùng quê hương văn hiến trữ tình từ mấy nghìn năm ấy đã ướp nên hồn thơ Hoàng Cầm chứa chan tình mẹ, tình yêu đôi lứa, tình thương con người. Hồn thơ Hoàng Cầm sáng rực rỡ hồn Đất và Người Kinh Bắc, mà nhà thơ tha thiết gọi ta về:

                    “Em ơi buồn làm chi
                       Anh đưa em về sông Đuống
                       Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
                       Sông Đuống trôi đi
                         Một dòng lấp lánh”
 

        Thơ Hoàng Cầm toả sáng những nét tinh tế, ý nhị, mặn mà, tươi xanh vời vợi từ trong đôi mắt cô gái Kinh Bắc mà nhà thơ gọi là “Người gái quê mắt giếng”, hoặc “Em gái mê cung” nên cứ lặng lẽ thấm vào lòng người một niềm nhớ tiếc đau đáu, khôn nguôi, tuôn tràn giọt lệ.

    Nhớ tiếc những vẻ đẹp tuyệt vời xa xưa của quê hương, nguồn cội, mà nhà thơ không lúc nào buông lơi ngòi bút đầy yêu thương và khát vọng âm thầm.

  Hồn thơ Hoàng Cầm là Ánh sáng của những nét tuấn tú, tinh anh của các “liền anh, liền chị” quan họ, của những bức tranh Đông Hồ: Đàn lợn Âm- Dương, Hứng dừa, Đánh ghen, Đám cưới chuột… của những men rạn, men nâu, men lý, đôi bình Long Phượng, màu men rất say và rất xưa triều vua Lý.

Hồn thơ Hoàng Cầm sáng lung linh hình ảnh người mẹ nghèo tần tảo nuôi chồng, nuôi con “Dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng”. Và những cô thợ cấy, những chị dân quân, những cô hàng xén răng đen “cười như mùa thu toả nắng”.

    Hồn thơ Hoàng Cầm thơm hương vị dân tộc và thắm màu đồng quê Việt, ngân nga nhạc điệu tâm hồn Việt từ khởi thuỷ đến vô cùng, bay khắp không gian, toả khắp thời gian vô lượng kiếp ánh sáng.

      Hồn thơ Hoàng Cầm sáng những bức tranh khắc hoạ vùng đất, địa lý, sông ngòi, ao hồ, núi non, cánh đồng, đường làng, chùa miếu, đình đền, vùng đất, vùng trời Kinh Bắc.

Địa danh Mưa Thuận Thành được nhắc đi nhắc lại, cầm nhịp Ánh sáng chuyển vần của Tình người và Vũ trụ trong tập Mưa Thuận Thành, để hôm nay, mưa biến thành vô lượng Ánh sáng nâng hồn nhà thơ Hoàng Cầm bay lên cùng Hoàng Cầm- Hồn thơ Ánh sáng:

“Thuận Thành mưa”
“Nhớ mưa Thuận Thành”
“Cứ mưa Thuận Thành”
“Thuận Thành đang mưa
Mưa Thuận Thành…”

       Hồn thơ Hoàng Cầm vang không gian, thời gian vô định cái tên “Kinh Bắc”, gieo Ánh sáng thiên thần trong tập thơ Bên kia sông Đuống. Nhà thơ luôn nghiêng mình cầu xin vẻ đẹp thánh thiện chân thành của quê hương nâng bước chân mình:

“Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc”
(Đêm Thổ)

         “Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc”
(Đêm Kim)

           “Về Kinh Bắc phải  đâu con nhắm mắt”
(Đêm Thuỷ)

            “Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa”
(Đêm Hoả”

            “Về Kinh Bắc phải  đâu con hé miệng”
(Đêm Mộc)

Ghi chú:
Những chữ in nghiêng trong ngoặc kép là thơ Hoàng Cầm.
 Hồ Gươm Mưa- 13h Ngày 7- 5- 2010 - Hoa Bằng Lăng tím đỏ.
... CÒN NỮA




VVM.26.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .