Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


SO SÁNH GIÁO PHÁP và SỰ KHÁC BIỆT
GIỮA ĐẠI THỪA và TIỂU THỪA

  


L úc Phật còn tại thế thì Tăng Đoàn là một khối duy nhất. Trước khi Phật nhập diệt, trong một lần, giữa Đại Chúng, Đức Thích Ca cầm cành Sen đưa lên. Đại chúng đều ngơ ngác không hiểu ý Phật muốn nói gì thì Ngài Ca Diếp mỉm cười. Qua nụ Cười đó, Đức Thích Ca biết rằng Ngài Ca Diếp đã nắm yếu chỉ của Giáo Pháp, nên tuyên bố giao lại Y Bát cho Ngài để thay Phật cầm nắm Tăng Đoàn cũng như giữ gìn và phổ biến Giáo pháp của Phật, để Phật Pháp được lưu truyền mãi mãi.

Tổ Ca Diếp sau đó truyền lại cho Tổ A Nan. Tổ A Nan truyền cho Tổ Thương Na Hòa Tu. Khi Tổ Thương Na Hòa Tu Truyền lại cho Tổ Thứ Tư thì các Trưởng Lão phản đối, tách ra. Từ đó Tăng Đoàn chia ra thành ra Hai Thừa là ĐẠI THỪA và TIỂU THỪA.

Việc TRUYỀN Y BÁT đòi hỏi người được Truyền phải là người đã THẤY TÁNH, đã Chứng Đắc. Do đó, thời Tăng Đoàn còn là một khối thì mỗi đời chỉ có MỘT TỔ cầm nắm Phật Pháp và quyết định mọi việc. Chỉ có Tổ hoặc người đã Chứng Đắc, được Tổ cho phép mới được giảng Pháp. Nhưng kể từ khi tách ra thành hệ thống riêng biệt, thì TIỂU THỪA không lệ thuộc quyền điều hành của ĐẠI THỪA nữa, họ tự do quyết định việc tu hành, giảng Pháp theo ý mình.

Cả Hai Thừa vẫn song song hướng dẫn Đạo Phật cho bá tánh đến nay. Bá tánh thì không hiểu gì về việc Truyền Y Bát, cứ thấy ai mặc sắc phục của Phật, ở trong Chùa thì thấy đó là những người có nhiệm vụ Giảng Đạo, cứ theo đó mà học hỏi, đâu cần biết người hướng dẫn sẽ dắt về đâu ?

Để che dấu việc tách ra, lập nhóm để giảng riêng thì Tiểu Thừa cho là những vị Tỳ Kheo bên Đại Thừa đòi thay đổi Giới của Phật, đòi cải tổ, trong khi TIỂU THỪA mới là nhóm giữ nguyên những gì Phật đã truyền. Thậm chí có nơi còn viết là có một số Tỳ Kheo của Đại Chúng Bộ vi phạm một số Giới, nên những Tỳ Kheo giữ đúng Giới Luật đã lập tòa án để trục xuất những Tỳ Kheo đó ra khỏi Tăng Đoàn, gọi họ là những “Ác Tỳ Kheo” !. Trong khi đó, Phía ĐẠI THỪA mới có Tổ chính thức thay Phật cầm nắm Tăng Đoàn. Vì vậy, chỉ có Tổ mới có quyền cử tội hay trục xuất thành viên vi phạm. Không có chiều ngược lại. Vì thế, việc cho rằng lập Tòa Án để trục xuất Tỳ Kheo bên ĐẠI THỪA chỉ là chuyện bịa đặt mà thôi. Bằng chứng là ĐẠI THỪA kế tục nhau đến 33 đời Tổ mới dừng.

Phía ĐẠI THỪA thì không đề cập đến thời gian chia rẻ Tăng Đoàn. Nhưng Bên TIỂU THỪA chỉ nhìn nhận có 2 TỔ CA DIẾP và A NAN thì ta biết họ bắt đầu tách ra khi Tổ Thứ Ba Truyền Y Bát cho Tổ Thứ Tư. Các Trưởng Lão tách ra và khỏi Tăng Đoàn để lập thành TIỂU THỪA, nên từ đó họ không nhìn nhận Tổ Thứ 3 và những Tổ về sau nữa.

Sở dĩ có tên gọi TIỂU THỪA vì sự tu hành, Chứng Đắc của những vị bên này chỉ Độ được cho bản thân mà thôi, không cứu độ cho nhiều người. Việc tu hành cũng chưa đến mục đích cuối cùng của Đạo Phật. Vì thế ngày xưa gọi là TIỂU THỪA tức là CỔ XE NHỎ.

Dù cùng nguồn gốc Đạo Phật, nhưng việc tu hành cũng như Quả Vị giữa ĐẠI THỪA và TIỂU THỪA khác nhau.

Cách hành trì và QUẢ VỊ của TIỂU THỪA.

Trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA gọi TIỂU THỪA là Hàng Thinh Văn và cho rằng Hàng Thinh Văn có Tứ Quả là : Dự Lưu Tu Đà Hoàn. Nhất Lai Tư Đà Hàm. Bất Lai A Na Hàm và Vô Sanh A La Hán. A La Hán là Quả Vị cao nhất. Người đắc Quả này nhờ CHỨNG ĐƯỢC CÁI KHÔNG.

Cũng theo Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA. Những người đã Chứng Đắc A La Hán thì : “Các lậu đã hết, không còn phiền não, việc lợi mình đã xong. Dứt được sự ràng rịt trong các cõi. Tâm được tự tại”. Tức là họ đã làm xong phần mình. Nhờ Quán, Soi, THẤY CÁC PHÁP LÀ KHÔNG, nên không còn ham muốn, dứt được sự ràng rịt trong các cõi, Tâm được tự tại. Do đó, họ thấy rằng không cần thiết phải làm gì nữa. Lập luận CÁC PHÁP LÀ KHÔNG được tả chi tiết trong BÁT NHÃ TÂM KINH như sau :

“ Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng thế. Cũng đều là KHÔNG. Tất cả đã là KHÔNG thì làm gì có Sanh, Diệt, cấu, tịnh, tăng, giảm ? Không có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Không có Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, Nhãn giới, ý thức giới. Cũng không có Vô Minh mà cũng không có hết Vô Minh. Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cũng chẳng có Trí Huệ và Chứng đắc. Do đó chẳng còn sợ hãi vì không có bị khủng bố, xa rời luôn mộng tưởng điên đảo là chứng Niết Bàn “!

Đã là KHÔNG thì đâu còn gì nữa ! SẮC là KHÔNG, KHÔNG cũng là KHÔNG, thì làm gì có Sanh, Diệt, có Sắc, Thinh, Hương, Vị Xúc Pháp, kể cả Vô Minh và hết Vô Minh ? Như thế thì chẳng cần Khổ, Tập, Diệt Đạo cũng chẳng cần Trí Huệ, Chứng Đắc, kể cả điên đảo mộng tưởng là Chứng Niết Bàn !

Do Soi, Quán, THẤY CÁC PHÁP LÀ KHÔNG, nên người bên TIỂU THỪA dừng ở đó, xa lánh thế nhân, núp sau cổng Chùa hoặc lên non cao, động vắng, không dính líu tới cuộc đời. Nhờ không tiếp xúc với Các Pháp nên họ thấy mình được thanh tịnh, an ổn, rồi cho là đã được Niết Bàn, đã Giải Thoát rồi, không cần tìm hiểu hay học hành gì thêm. Người thấy CÁC PHÁP LÀ KHÔNG thì được coi như đã đắc Quả A LA HÁN, đã hoàn tất công việc tu hành.

Bên TIỂU THỪA cũng chấp nhận các Pháp GIỚI ĐỊNH HUỆ, TỨ DIỆU ĐẾ, BÁT CHÁNH ĐẠO, LÝ DUYÊN KHỞI, Tam Pháp Ấn là KHỔ, KHÔNG, VÔ NGÃ. Nhưng đổ lỗi cho Cái Thân là thủ phạm của mọi tội, Nghiệp, vì thế, họ hành hạ Cái Thân bằng rất nhiều rất Giới, Hạnh, trong đó có Hạnh ĐẦU ĐÀ là khó nhất : Không được ở trong làng xóm mà phải ở trong rừng, bên gốc cây. Phải đi xin để ăn. Phải lượm vải người ta bỏ đi để may y phục, nhưng không được có hơn 3 cái. Ngủ cũng không được nằm. Phải ngủ ngồi, và 15 ngày mới được tắm một lần !

Nhiều người không hiểu mục đích của Hạnh Đầu Đà đã được giải thích rõ : Là để “Trừ lòng tham trước đối với ba vấn đề thiết yếu của cuộc sống là Cơm nước, Áo quần và Chỗ ở” mà thôi. Trong khi đó, con đường Tu Phật là để Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử. Ba món : Cơm nước, Áo quần và Chỗ ở đâu phải là nguyên nhân của Sinh Tử ?

Vậy mà để để Trừ được Cái Chấp Ba món đó, người hành Hạnh Đầu Đà lại phải hành hạ cái Thân quá khổ sở ! Trong khi đó, cái THÂN là chỗ nương của cái CHÂN TÁNH. Hành hạ cái Thân, bắt nó dãi dầu mưa nắng, nằm bờ, ngủ bụi, rủi nó chết đi thì lấy gì để tu hành ? Có lẽ do vậy mà về sau TIỂU THỪA cũng bỏ Hạnh ĐẦU ĐÀ, không còn ai hành Hạnh này nữa. Không phải là vì ngại khó, mà là do kết quả không xứng với công sức đã bỏ ra. Quan trọng hơn hết là hành hạ cái Thân đến như thế mà không đem lại kết quả Giải Thoát !

Đạo cũng như đời. Phải qua trải nghiệm thì mới đúc kết được kinh nghiệm để sau đó cải tiến cho tốt hơn. Đức Thích Ca buổi đầu khi tìm tòi cũng phải trải qua giai đoạn hành Khổ Hạnh. Nhưng sau đó không thấy mang lại kết quả Giải Thoát nên Ngài đã đổi phương pháp là THIỀN QUÁN mới tìm ra được CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT để sau đó truyền lại cho đến nay. Tu Phật là để Giải Thoát. Muốn Giải Thoát thì phải biết điều gì đã ràng buộc và cách thức để tháo gỡ. Không phải càng hành cái Thân thì càng nhanh chóng đạt mục đích. Quan trọng là biết rõ mục đích rồi áp dụng phương tiện cho phù hợp.

Cách tu hành và Quả vị bên ĐẠI THỪA.

Tu Phật là để Thành Phật hay nói cách khác là để được Giải Thoát. Do đó, Quả Vị cao nhất bên ĐẠI THỪA là GIẢI THOÁT hay còn gọi là THÀNH PHẬT.

ĐẠI THỪA cho rằng dù cái Thân có gây bao nhiêu Tội, Nghiệp đi nữa, nhưng thủ phạm không phải là NÓ, mà do Phần Vô Tướng ở bên trong điều khiển. Cái này Đức Thích Ca gọi là TÂM. Vì thế, ĐẠI THỪA chú trọng đến việc Quán Sát, Tư Duy, để tìm Cái TÂM để chuyển hóa hay Điều phục nó, Do đó, Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết : “ Dù có người vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nhưng nếu không Tư Duy thì trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề”.

Người theo ĐẠI THỪA thì cũng giữ Giới, Hạnh, nhưng không quá hành hạ cái Thân, vì thấy rằng Đức Thích Ca Đắc Đạo không phải do Khổ Hạnh, mà do 49 ngày đêm Thiền Quán dưới cội cây Bồ Đề.

Trình tự Quán Sát của người tu theo ĐẠI THỪA như sau :

Mục đích của việc Tu Phật là để THOÁT KHỔ. Sở dĩ con người phải KHỔ là vì CÓ CÁI THÂN. Lại thêm có Hai thứ tác động vào làm cho cái Thân phải KhỔ. Đó là : TÂM và PHÁP. Vì vậy, muốn Thoát Khổ thì phải Quán sát cả Ba : THÂN – TÂM và PHÁP.

Quán sát Cái Thân thì lại thấy CÁI TÂM:

Dù CÁI THÂN tạo đủ thứ Nghiệp, tốt có, xấu có. Nhưng thủ phạm không phải là nó, mà là một cái gì đó vô hình, vô ảnh đang ở trong cái Thân và điều khiển cái Thân. Đức Thích Ca gọi đó là Cái THẦN THỨC, CÁI BIẾT, CÁI TÂM, CHÂN NGÃ, CHÂN TÁNH hay BỔN THỂ TÂM. Người tu theo ĐẠI THỪA bắt buộc phải TÌM, phải THẤY CÁI TÂM để CHUYỂN HÓA nó. Muốn đốn cây thì phải hạ ngay gốc, không phải là bẻ lá hay chặt từng nhánh ! Do đó, người tu theo ĐẠI THỪA thì phải TÌM CÁI TÂM hay TÁNH. Vì muốn chiếm thành thì phải bắt được chủ thành, không thể bắt từng tên quân giữ thành ! Đạo Phật cho rằng người tu không thể nào Giải Thoát rốt ráo nếu trong Tâm mình vẫn còn Chúng Sinh đau khổ. Do đó mà có lời thề của Địa Tạng Vương Bồ tát : “Bao giờ còn một Chúng Sinh chưa được Độ, con thề không ngồi vào ngôi Vô Thượng Chánh Giác”.

THẤY CÁI TÂM rồi thì Quán sát nó, sẽ thấy dưới trướng nó là rất nhiều quân binh. Từng sát na chúng nó liên tục sinh khởi trùng trùng điệp điệp gọi là “Hằng Hà sa số” tức là nhiều như số cát Sông Hằng. Đó là Đức Thích Ca diễn tả trong Tâm của mỗi chúng ta luôn có những tư tưởng luôn khởi, diệt. Nhưng không phải tất cả tư tưởng đều xấu, đều ác, mà có những tư tưởng trong sạch, thánh thiện, vì thế, Cõi TÂM được gọi là nơi mà “PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ”. Những tư tưởng xấu, ác mới gọi là Chúng Sinh. Vì thế, muốn Thành Phật hay Giải Thoát thì người tu phải làm công việc ĐỘ SINH. “ĐỘ” cho hết tất cả Chúng Sinh thì mới hoàn tất công việc tu hành.

Việc Độ Sinh được Kinh KIM CANG viết như sau : “Ta đã Diệt Độ vô lượng vô số Chúng Sinh. Nhưng thật ra không có Chúng Sinh nào bị Diệt Độ cả”, tức là chỉ chuyển hóa, không có tiêu diệt để độ. Người tu không dứt tư tưởng, tức là không có Diệt Tận Định, mà chỉ cải hóa những chúng sinh chưa thanh tịnh, cho nó được thanh tịnh mà thôi.

QUÁN SÁT CÁC PHÁP :

Người tu phải Quán Các Pháp để thấy : Dù cuối cùng là Các Pháp sẽ về KHÔNG, nhưng hiện tại thì CÁC PHÁP VẪN ĐANG HIỆN DIỆN, gọi là ĐANG CÓ.

Thật vậy. Dù rằng CÁC PHÁP không trường tồn, thời gian dài hay ngắn nào đó rồi sẽ đi vào hoại diệt, tức là sẽ trở về KHÔNG. Nhưng HIỆN TẠI, CÁC PHÁP ĐANG CÓ. Bằng chứng là mỗi người chúng ta đều CÓ CÁI THÂN. Trong đó có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, và Ý, gọi là LỤC CĂN. Bên ngoài CÓ tất cả những Pháp diễn ra chung quanh : Sống, chết, Già, Trẻ, giàu, nghèo, sướng, khổ, được, mất, hơn thua, vui, buồn, thương, ghét…! Trước mắt biết bao nhiêu cảnh diễn ra : Nào xanh, đỏ, tím vàng, Xấu, tốt, ngắn, dài, to, nhỏ, thọ, yểu… Sao nói là KHÔNG CÓ GÌ ? Bản thân ta vẫn thấy đau khi bị gai đâm. Nóng khi bị lửa đốt. Thấy thích khi có người khen. Bực mình khi bị chê. Ganh tỵ khi thấy người khác giàu có hơn mình. Thích người nịnh bợ, ghét kẻ gian ác…Vậy thì CÁC PHÁP KHÔNG CHỖ NÀO ? Thử nhịn một ngày không ăn coi bao tử có kêu réo không ? Bị cướp nhà, giựt đất, lừa đảo xem có ngồi yên được không ? Do đó, không thể không nhìn nhận thực tế là CÁC PHÁP ĐANG CÓ. Không chỉ Có mà còn có Pháp Thuận, Pháp Nghịch, nhưng vì thời gian nào nó sẽ hư hoại, nên gọi là TẠM CÓ.

Việc tu hành là học cách để sửa đổi, điều chỉnh cuộc sống, để vẫn tiếp tục sống trong CẢNH TẠM CÓ giữa trần gian, mà không còn bị Các Pháp tấn công, vùi dập làm cho đau khổ, mà được an vui, hạnh phúc.

VỀ LUÂN HỒI :

ĐẠI THỪA quan niệm rằng con người không chỉ sống kiếp hiện tại rồi thôi. Mà phải tái sinh, gọi là Luân Hồi. Lý do phải Luân Hồi là vì VÔ MINH. Do VÔ MINH mà tạo Ác Nghiệp. Do Tạo Nghiệp mà phải Luân Hồi để Trả Nghiệp. Vì vậy, nếu ngày nào còn VÔ MINH thì vòng quay Luân Hồi sẽ còn tiếp tục : Sinh rồi lại Tử, Tử rồi lại Sinh không dừng. Cho đến khi nào Trừ hết VÔ MINH thì mới kết thúc vòng

Mọi người không biết rằng cái Thân hiện tại sướng, khổ, giàu, nghèo, thọ, yểu, đẹp hay xấu tùy theo việc làm của chính ta trong kiếp trước. Không phải do Thượng Đế hay ai đó đặt để cho. Chính vì vậy, mọi người phải biết rằng chính mình là tác nhân trong việc định đoạt số phận của mình ở tương lai, không phải do Thượng Đế hay thần thánh nào sắp đặt để không nương tựa, cầu xin mà mỗi người tự gây Nhân Thiện để hưởng Quả Lành.

Do NHÂN QUẢ mà phải có LUÂN HỒI để Các Pháp vay trả sòng phẳng với nhau. Trong thời gian Trả Nghiệp cũ thì lại Tạo những Nghiệp mới làm NHÂN cho kiếp sau. Do vậy, cuộc đời của mỗi con người là hết Sinh rồi TỬ. Tử rồi lại SINH. Mỗi kiếp sống sướng hay Khổ, Thọ hay Yểu là do những gì đã gây tạo ở kiếp trước.. Vì thế, người Tu PHẬT phải :

1/- Quán sát để hiểu rõ về CÁC PHÁP, về NHÂN QUẢ, về SINH TỬ LUÂN HỒI. 2/- Quán sát Các Pháp để không còn chấp lấy Cái THÂN giả tạm, cho đó là MÌNH.

3/- Quán sát NHÂN QUẢ để không tạo Ác Nghiệp, mà tạo Thiện Nghiệp để Cái Thân hiện kiếp không bị khổ và không làm Khổ những người chung quanh. Khi chuyển kiếp sẽ không phải bị đọa vào các đường dữ.

Nói về Cái THÂN.

Ngày xưa, Chư Tổ gọi mỗi CÁI THÂN của chúng ta là chút BỌT NỔI trên Sông. Cái BỔN THỂ TÂM của con người là DÒNG SÔNG. BỌT NƯỚC thì có tan, hợp, nhưng DÒNG SÔNG thì trường tồn. Tuy nhiên, bọt nước thì hình thể, tan hợp như nhau, mà con người thì có đẹp, xấu, thọ, yểu khác nhau. Do đó, ta có thể dùng một thí dụ khác, có sự khác biệt cho dễ hiểu hơn. Đó là THÂN của mỗi chúng ta ví như cái BÓNG ĐÈN của một NGUỒN ĐIỆN. Bóng Đèn thì hình thể dài, ngắn, độ chiếu sáng, tuổi thọ khác nhau, nhưng NGUỒN ĐIỆN thì thường còn. Bóng này đứt thì thay Bóng khác vô, lại tiếp tục chiếu sáng.

TRÍ HUỆ LÀ GÌ ? LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ TRÍ HUỆ ? Có TRÍ HUỆ để làm gì ?

Có lẽ mọi người đều thuộc câu Kinh : “Tam Thế Chư Phật đều y theo Trí Huệ để đắc Vô Thượng Bồ Đề”. Tức là muốn tu Phật cho thành công thì không thể thiếu TRÍ HUỆ.

Nhưng Trí Huệ là gì ?

TRÍ HUỆ là sự sáng suốt để chiếu phá VÔ MINH. Đạo Phật cho rằng chính vì VÔ MINH nên con người đã làm nhiều điều sai lầm, tạo Nghiệp xấu để rồi phải Phiền não, Sinh Tử Luân Hồi triền miên không dứt.

Muốn có TRÍ HUỆ thì phải nương hướng dẫn của Đạo Phật để Quán, Soi, Tư Duy, gọi là THIỀN ĐỊNH hay THIỀN QUÁN. Nhờ những thì giờ tạm ngưng mọi việc đời, tập trung tư tưởng để tư duy, Quán Sát để biết thế nào là ràng buộc, khổ đau. Cách nào để Giải Thoát, hạnh phúc, an vui, rồi thực hành.

Trí Phàm thì chỉ thấy những gì Có Tướng, đưa đến việc Tham Sân Si với cuộc đời, với vật chất giả tạm, rồi ở trong đó tranh giành nhau, tạo Ác Nghiệp để phải Luân Hồi Trả Nghiệp không dứt. Có Trí Huệ để thấy rằng cuộc đời là Vô Thường. Cái Thân chỉ là cái Thân Nghiệp, vay mượn của Tứ Đại giả tạm để Trả Nghiệp, khi hết Nghiệp thì nó lại TRẢ về cho Tứ Đại những gì nó đã vay mượn.

Thấy cái Giả, cái Sinh Diệt thì không tiếp tục bám vào nó, làm nô lệ cho nó nữa mà đi tìm cái TA THẬT, cái bất sinh, bất diệt. Đó là cái CHÂN TÁNH hay BỔN THỂ TÂM.

Quán sát, tìm Chủ Nhân của mọi hành động sẽ thấy được cái VỌNG TÂM. Chính nó đã MÊ LẦM, tưởng cái THÂN giả tạm là MÌNH, rồi chiều theo sở thích của Các Giác quan rồi sai LỤC CĂN làm mọi việc để phục vụ cho Cái TA GIẢ. Nhờ Tư Duy, Quán Sát Cái Thân, Quán Sát Các pháp để thấy rằng tất cả chỉ là giả tạm. Khởi rồi sẽ Diệt. Mọi cảm xúc đều dựa trên Cái Thân, mà Cái Thân không phải là cái TA THẬT, chỉ là Cái Thân Nghiệp, xuất hiện giữa cuộc đời để TRẢ những gì đã vay. Hết hạn kỳ rồi sẽ đi vào hư hoại, nên không bám cái Thân và chìu theo những xúc cảm, những đánh giá của nó nữa mà đi tìm cái CHÂN NGÃ, tức cái MÌNH THẬT. Nhờ mở được CÁI BIẾT để nhận biết được đâu là Đúng, sai, Chân, Giả, hành giả sẽ dần bỏ được THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT Các Pháp. Nhờ đó mà được Giải Thoát, được hạnh phúc, an vui trong suốt cuộc đời còn lại, gọi là hữu Dư Y Niết Bàn. Đó là lợi ích do TRÍ HUỆ đem lại. Vì thế Kinh viết là “Ba đời Chư Phật đều nương Trí Tuệ mà đắc Vô Thượng Bồ Đề”.

NHÂN QUẢ CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC KHÔNG ?

Không giống như một số Tôn Giáo cho rằng kiếp sống của mỗi con người giàu, nghèo, xấu, đẹp, thọ, yểu, sang, hèn… là do Thượng Đế sắp đặt. Đạo Phật thì cho rằng không có Thượng Đế nào mà lại bất công để cho người này được hưởng mà lại đọa đày người khác. Chỉ có mỗi người tự làm nên tự phải chịu, tức là đã gây NHÂN nào thì phải gặt QUẢ đó. Có vậy họ mới không thể oán trách ai.

Muốn Thoát Khổ thì Đạo Phật không dạy con người cầu xin Thần, Phật hay Thượng Đế, mà chỉ cho con người thấy những lý do đã ràng buộc họ trong đau khổ và cách thức để Giải Thoát. Mỗi người có thể thay đổi số phận cho mình bằng cách thay đổi cách sống : Muốn giàu thì không những không TRộm, cắp (ĐẠO), mà còn phải để dành của cải tức là BỐ THÍ. Muốn THỌ thì đừng cướp đoạt mạng sống của kẻ khác (SÁT). Muốn được mọi người tin tưởng thì đừng có VỌNG NGỮ. Muốn được mọi người tôn trọng thì đừng RƯỢU CHÈ SAY SƯA. Muốn được tính chất dịu dàng, hiền lương thì đừng SÂN. Muốn sáng suốt thì đừng SI MÊ. Không muốn bị ai chiếm đoạt của mình thì kiếp này đứng Tham Lam chiếm đoạt của người. Đó là mục đích của việc GIỮ GIỚI.

PHẠM GIỚI và SÁM HỐI :

Trong lúc con người chưa hiểu Lý NHÂN QUẢ thì Đạo Phật có một số GIỚI dạy con người phải Giữ. Tức là lập hẳn một vòng đai để người đi trong đó được an toàn. Việc Giữ GIỚI là vì lợi ích của bản thân người giữ. Không phải để làm vui lòng Phật. Do đó, khi lỡ Phạm Giới cũng chỉ bản thân người phạm chịu trách nhiệm, nên không phải Sám Hối với Phật để xin Phật tha thứ ! Trái lại, khi ta Phạm Giới là ta tự hại, chính mình phải chịu hậu quả, Phật không có bị tổn hại gì trong việc Phạm Giới của ta. Vì vậy, không phải Sám Hối với Phật mà phải tự sám hối và không tái phạm nữa nếu không muốn chính mình phải trả giá.

LÝ DO CÓ NHIỀU SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁCH HIỂU VÀ HÀNH THEO ĐẠO PHẬT

Từ khi Y Bát không còn truyền thì mạnh ai nấy khai thác Giáo Pháp của Đạo Phật theo sự hiểu biết của họ, không cần phải là người đã Thấy Tánh mới được giảng Đạo nữa. Kinh sách cũng vậy. Bất cứ ai, cứ vào tu vài năm là có quyền Giảng, Luận rồi in ra phổ biến thành “thiên Kinh vạn quyển” làm cho người muốn tu theo Đạo Phật không biết đâu là đúng, đâu là sai nữa, chỉ chờ phước duyên mà thôi !

Tuy nhiên, nếu ai có tham khảo Lịch Sử Đạo Phật thì sẽ thấy rằng chỉ có TỔ ĐẠI THỪA là được Phật chính thức ủy quyền phổ biến Giáo Pháp của Phật qua việc Truyền Y Bát. Sau đó, các Tổ lần lượt người trước truyền lại cho người sau. Do đó, chỉ có những Chính Kinh do Các Tổ viết hay giảng là có giá trị để người sau nương theo mà tu học, vì chắc chắn không ra ngoài Chánh Pháp.

Qua các Kinh ĐẠI THỪA do Chư Tổ giảng dạy, chúng ta có thể tóm gọn Đạo Phật như sau : Vì thấy kiếp sống của con người quá ngắn ngủi, không đầy trăm năm, mà thời gian sống phải chịu biết bao nhiêu nỗi Khổ vùi dập. Ngoài SINH, LÃO, BỆNH TỬ là con đường bắt buộc phải đi, thì mỗi người còn phải gặp biết bao cảnh trái ý, phiền lòng : Cầu mong không được. Người thương phải xa. Kẻ oán ghét cứ phải gặp. Do Đó Đức Thích Ca tìm ra được CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT cho những ai Hành theo sẽ được Thoát Khổ.

Chính bản thân Đức Thích Ca trong giai đọan đầu mò mẫm cũng đã hành Khổ Hạnh đến thân thể suy kiệt, sắp chết, nhưng vẫn không tìm ra được cách thức. Cuối cùng ngài nhớ lại phương pháp TƯ DUY TU tức THIỀN ĐỊNH, nên đã trải tòa cỏ ngồi THIỀN QUÁN (vipassana) dưới cội cây Bồ Đề trong 49 ngày đêm. Nhờ đó mà Đắc Đạo.

Đạo mà Đức Thích Ca Đắc được là tìm ra thủ phạm của Sinh Lão, Bệnh, Tử, và những nỗi Khổ, của Cái Thân cũng như cách thức để hóa giải. Thủ phạm đó chính là CÁI TÂM MÊ LẦM. Vì thế, tu Phật thì phải tìm cho được nó rồi Chuyển Hóa nó. Chính Kinh gọi là ĐIỀU PHỤC hay CHUYỂN HÓA CÁI TÂM, cho Nó từ MÊ chuyển thành NGỘ. Từ VỌNG TÂM trở lại với CHÂN TÂM, nên Tu Phật gọi là TU TÂM. Vì vậy, người tu Phật phải ĐIỀU TÂM, không ĐIỀU THÂN. Hành Khổ Hạnh và giữ hàng mấy trăm Giới là Điều Thân, không phải Điều Tâm. Muốn Điều TÂM thì phải tìm Trí Huệ, vì “Tam Thế Chư Phật đều nhờ Trí Huệ mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, không phải do Khổ Hạnh. Chúng ta không nên quên điều đó.

GIẢI THOÁT CỦA TIỂU THỪA :

Người theo TIỂU THỪA khi quán sát thấy CÁC PHÁP cuối cùng SẼ TRỞ VỀ KHÔNG, thì cho rằng CÁC PHÁP LÀ KHÔNG. Pháp Chứng Đắc cao nhất của THANH VĂN là A LA HÁN. Đã là KHÔNG thì không có TÂM, KHÔNG CÓ PHẬT, không có CHÚNG SANH, KHÔNG CÓ TU CHỨNG. Họ phải Giữ Giới, đầy đủ hình tướng. Ở trong Chùa hay non cao động vắng, ít tiếp xúc với người đời. Không tham gia việc đời. Giải Thoát của nọ là né pháp, tránh tiếp xúc với thế nhân để được thanh tịnh, an ổn rồi cho là mình đã đạt Niết Bàn, không muốn học tập tu tiến gì nữa. Do đó Pháp tu hành, Chứng Đắc của họ thiếu thực tế, không lợi ích cho bản thân và người khác, vì thế nên gọi là TIỂU THỪA, tức là CỔ XE NHỎ, không chuyên chở được nhiều.

Có một giai thoại trong GÓP NHẶT CÁT ĐÁ cho ta thấy sự khác biệt giữa người thấy CÁI KHÔNG CỦA CÁC PHÁP so với THỰC TẾ :

Yamaoka Teshu lúc còn nhỏ đi học Thiền, viếng hết thầy này đến thầy khác. Có lần đến viếng Thiền Sư Dokuon. Để chứng tỏ sở đắc của mình, Yamaoka nói : “Tâm, Phật, loài hữu tình, rốt ráo chẳng có. Bổn tánh chân thật của mọi hiện tượng là CÁI KHÔNG. Không có CÁI CÓ. Không có huyền ảo, không có thánh, không có phàm, không có cho và không có gì để thọ nhận”.

Thiền Sư Dokoun đang nồi yên lặng hút thuốc, không nói gì. Thình lình đập cho Yamaoka một điếu tre, làm chàng phát khùng. Đau quá, anh ta nổi cáu : Sao thầy lại đánh tôi ? Thiền Sư Dokuon trả lời “ Nếu không có gì CÓ, thế thì cái giận của anh từ đâu tới ?

GIẢI THOÁT CỦA ĐẠI THỪA :

ĐẠI THỪA thì thấy rằng thủ phạm của mọi Khổ Đau, Sinh Tử không phải là do Cái Thân, cũng không phải do Các Pháp, mà là do CÁI TÂM, nên không chú ý đến phần hình thức, chủ yếu là tìm cho được CÁI TÂM để chuyển hóa nó. Khi Cái Tâm đã được Điều Phục rồi thì cũng giống như Con Trâu đã được thuần hóa rồi, nó sẽ không còn đi phá lúa mạ nữa. Người chăn sẽ “thỏng tay vào chợ”.

Muốn tu hành theo ĐẠI THỪA thì có hai cách : Hoặc Xuất Gia vô Chùa với đầy đủ hình tướng, đầu tròn, áo vuông. Hoặc có một cách tu khác gọi là tu VÔ TƯỚNG. Người tu không cần sắc phục, không cần ở trong Chùa, chỉ cần tìm TÂM, THẤY TÂM, CHUYỂN HÓA CÁI TÂM hay ĐỘ SINH. Nhưng dù tu trong Chùa hay ngoài Chùa đều phải TU TÂM. Phải Thấy Chúng Sinh và làm công việc ĐỘ SINH. Bao giờ “Độ” hết Chúng Sinh thì Cái Tâm mới được an lạc, thanh tịnh gọi là Thành Phật. Người tu ĐẠI THỪA do không gò bó trong hình tướng nên có thể vào khắp nơi, tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội. Họ lại không chỉ lo tu cho bản thân, người hành xong còn có sứ mạng “Mồi ngọn Vô Tận Đăng” để tất cả mọi người cùng được Giải Thoát. Có những kinh nói về Cư Sĩ cũng Chứng Đắc như Ngài Duy Ma Cật trong Kinh DUY MA CẬT và Mạt Lợi Phu Nhân trong VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN. Lục Tổ Huệ Năng cũng được Truyền Y Bát khi chưa được Thế Phát, Quy Y . Vì thế gọi là ĐẠI THỪA, tức là CỔ XE LỚN, có thể chuyên chở được nhiều người, không phân biệt giới tính, giai cấp, già trẻ, ở bất cứ đâu, làm bất cứ ngành nghề gì, không chỉ riêng Tu Sĩ mới được thành tựu con đường Giải Thoát. Có như thế thì Đạo Phật mới đồng độ cho tất cả Chúng Sanh.

ĐỘ SINH LÀ GÌ ? CHÚNG SINH Ở ĐÂU ?

Trong Tâm mỗi chúng ta luôn có hai luồng tư tưởng THIỆN, ÁC, đan xen, nên Phật gọi là PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ. THÁNH là những tư tưởng thanh cao, thánh thiện, PHÀM là những tư tưởng đen tối, xấu xa mà Đạo Phật gọi là CHÚNG SINH. Lục Tổ Huệ Năng giải thích về CHÚNG SINH như sau :

“ Chư Thiện Tri Thức. CHÚNG SANH trong Tâm mình tức là : Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này đều gọi chung là Chúng Sanh. Mỗi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mình mới gọi là thiệt độ”. Có nghĩa là người tu phải cứu độ cho hết những Chúng Sinh. Hóa giải được một Chúng Sinh, cho nó bỏ những cái xấu, gọi là “Cứu Độ được một Chúng Sinh” hay là “Đưa được một Chúng Sinh thành Phật”. Muốn Thành Phật thì phải “Độ Tận Chúng Sinh”. Khi cứu độ hết tất cả Chúng Sinh thì được Giải Thoát, gọi là Thành Phật.

Thành Phật chỉ có nghĩa là thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ, không phải là thành một vị Thần Linh. Do đó, Đức Thích Ca Thành Phật rồi cũng không thể cứu độ cho ai hết. Ngài chỉ Cứu Độ bằng cách để lại Giáo Pháp cho người muốn Thoát Khổ thì tự hành theo để đạt kết quả gọi là TỰ ĐỘ. Những kẻ cho rằng Phật là thần Linh rồi xui bá tánh cầu xin, nương tựa gọi là hàng Nhị Thừa, Thần Quyền không phải là người theo Đạo Phật chân chính.

Để hỗ trợ cho việc tu hành thì cần GIỚI ĐỊNH HUỆ, VĂN TU TU và cuộc sống không ra ngoài BÁT CHÁNH ĐẠO. Từ THÂN, KHẨU, Ý đều thanh tịnh, cộng thêm giữ GIỚI rồi nghe pháp hay đọc Kinh thì Tư Duy để tìm ý nghĩa rồi thực hành theo đó. Cứ kiên trì từng ngày, học từng pháp, dần dần tích lũy, như người giặt một cái áo dơ, phải vò từng chút, sạch từng phần thì lâu hay mau cái áo cũng sẽ sạch.

Mục đích tu Phật là để được Thoát Khổ. Do vậy, bất cứ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nơi ở, nghề nghiệp, trong Chùa hay ngoài Chùa. Chỉ cần Sợ Khổ rồi muốn Thoát Khổ thì đều có thể nương phương tiện của Đạo Phật để hành trì. Đạo Phật cho rằng con người sở dĩ phải Khổ là do Lục Căn.

Kinh LĂNG NGHIÊM viết :

- “Giải thoát hay triền phược đồng do SÁU CĂN. Được chứng Thánh hay đọa phàm cũng bởi SÁU CĂN chớ không có con đường nào khác”..

Việc tu hành cũng phải có trình tự. Kinh LĂNG NGHIÊM viết :

- “Sáu Gút tuy đồng một cái khăn, song khi đã tuần tự cột thì khi mở cũng phải theo thứ lớp mà mở”.

-“SÁU CĂN của ông khi giải trừ cũng phải như vậy. Mở gút đầu tiên là phá trừ Ngã Chấp. Chứng đặng NHÂN KHÔNG. Tiến đến từng thứ hai là phá trừ PHÁP CHẤP, sau mới chứng đặng PHÁP KHÔNG. NGÃ, PHÁP đều không sanh thế mới gọi là BỒ TÁT đặng VÔ SANH NHẪN”.

Bồ Tát theo Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA mô tả : “ Không thối chuyển nơi Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chứng đặng Pháp Đà La Ni nhạo thuyết biện tài, Chuyển nói Pháp Luân bất thối chuyển, từng cúng dường vô lượng trăm ngàn Chư Phật, từng nơi các Đức Phật trồng các cội công đức.

Dùng Đức Từ để tu thân, khéo chứng Trí Huệ của Phật, thông đạt đại trí đến nơi bờ kia, danh đồn khắp vô lượng thế giới, có thể độ vô số trăm nghìn chúng sanh”.

“ĐỘ” được một Chúng Sanh, cho nó cải tà, quy chánh gọi là “Cúng Dường một Vị Phật”. Do đó, một đời tu hành Bồ Tát “Cúng dường vô số ức Đức Phật”, không phải hiểu như hàng Nhị Thừa là tạc hàng trăm tượng Phật để Cúng !

Không chỉ tu riêng cho bản thân. Người tu theo ĐẠI THỪA sau khi hoàn tất cho mình thì Kinh LĂNG NGHIÊM dạy :

“ANAN. Ta có dạy các Bồ Tát và A La Hán : Sau khi ta diệt độ rồi các ông phải thị hiện thân mình trong đời Mạt Pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy Sa Môn, Cư Sĩ, Vua, Quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện làm đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người buôn bán để lẫn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hóa chúng sinh trở về chánh đạo” .

Nhờ không câu nệ, không bó gọn mình trong hình tướng, trong bộ áo, nên mọi người, mọi giới đều có cơ hội để tu hành đạt kết quả như nhau như lời Thọ Ký “Tất cả Chúng Sanh là Phật sẽ thành”, không phân biệt Tu Sĩ hay Cư Sĩ hay một người tự học tự Tu. Vì thế nên gọi là ĐẠI THỪA, tức là CỔ XE LỚN, có thể chuyên chở được nhiều người.

So hai Giáo Pháp của TIỂU THỪA và ĐẠI THỪA thì ta thấy : TIỂU THỪA mới thấy một phần của Các Pháp, là cuối cùng là Các Pháp đều trở về KHÔNG, mà quên rằng CÁC PHÁP HIỆN ĐANG TẠM CÓ. Vì thế họ không thể giải quyết Các Pháp một cách rốt ráo, mà phải né tránh, xa lánh, để các pháp không được tiếp cận với họ để họ được an ổn ! Ngược lại, người tu theo ĐẠI THỪA thì biết tất cả mọi đau khổ không do các Pháp hay do Cái Thân, mà do CÁI TÂM MÊ LẦM. Vì thế họ tìm Cái TÂM để điều chỉnh, giáo hóa. Khi Cái Tâm đã sáng suốt, biết phân biệt đúng, sai, Chánh, tà thì nó không còn bị Các Pháp lôi kéo hay ảnh hưởng được. Do đó, họ vẫn tiếp xúc, vẫn ở trong Các Pháp, giữa cuộc đời đầy Phiền Não, mà Các pháp không còn làm Khổ họ được nữa, gọi là được Giải Thoát.

Theo Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, thì cả Ba Thừa : TIỂU THỪA, ĐẠI THỪA, PHẬT THỪA đều được Thoát Khổ, như những đứa con của Ông Trưởng Giả, dù thích Xe Dê, Xe Trâu hay Xe Nai mà chạy ra khỏi Nhà lửa thì đều thoát chết và được ban cho những chiếc xe đồng như nhau. Nhưng cái THOÁT của TIỂU THỪA chỉ là nhờ Thấy Các Pháp là KHÔNG mà không còn đắm nhiễm, nên không còn gây Nghiệp. Nhờ vậy mà được Giải Thoát. Họ không thấy Cái TÂM, không thấy có Chúng Sinh, nên chỉ lo an ổn phần mình. Né tránh, không va chạm với các Pháp, nhờ vậy mà được an ổn nên cho là đạt được Niết Bàn. Niết Bàn của họ là sự thanh tịnh của cái KHÔNG, trong khi Tu Phật là để Thành Phật, tức là CÓ CHÚNG SINH, CÓ BỒ TÁT ĐỂ CỨU ĐỘ CHÚNG SINH, CÓ PHẬT, tức là sự THÀNH TỰU. Vậy mà họ quy tất cả về KHÔNG. Lục Tổ gọi là VÔ KÝ KHÔNG. Vì vậy, họ không làm lợi ích gì cho chúng sinh, kể cả bản thân, nên Kinh gọi họ là “Chồi Khô, mộng lép”.

Người CHẤP KHÔNG không thấy là mình tự mâu thuẫn. Nếu đã KHÔNG thì sao lại CÓ TA ? có Pháp ? Sao lại có KHỔ để phải tu hành, Thoát Khổ ? sao lại phải Ly Gia, Cắt Ái, Vô Chùa để làm gì ? Nói rằng CÁC PHÁP LÀ KHÔNG sao còn phải Giữ đến mấy trăm GIỚI, phải lập Hạnh ? Hàng ngày phải dùng đến những Pháp CÓ, là cơm, áo, vật dụng ? Vì vậy, so sánh Giáo pháp giữa TIỂU THỪA và ĐẠI THỪA thì ĐẠI THỪA hợp lý hơn, vì chấp nhận CÁC PHÁP LÀ CÓ, NHƯNG CHỈ TẠM CÓ và đưa ra giải pháp để sống trong CẢNH CÓ mà không còn bị nó làm KHỔ được nữa.

ĐẠI THỪA cho rằng tất cả Tội, phước đều bắt nguồn từ CÁI TÂM. Tiến hành khảo sát, chúng ta thấy : Từng phút, từng giây, tư tưởng chúng ta luôn hoạt động. Vừa nhìn thấy ai đó, nếu là người từng biết thì lập tức trong đầu ta tuôn ra một số dữ liệu về người đó : Tốt, xấu, đã từng cư xử với chúng ta như thế nào để cho ra thái độ tương xứng. Pháp nào đến cũng thế, dựa theo hợp với chúng ta hay không mà thích, mà ghét rồi đưa ra phản ứng…Cứ như thế ngày này sang tháng kia cho đến hết kiếp. ĐẠI THỪA cho rằng những tư tưởng ác, xấu, chỉ làm cho ta thêm đau khổ, dính mắc, tìm cách để đối phó. Vì vậy cần phải “Độ” nó, cho nó bỏ đi cái Ác. Cho đến chừng nào chỉ còn những tư tưởng thánh thiện, trong sáng, thì cái Tâm cũng được thanh tịnh, an lạc, gọi là Phật Quốc được thành hình, hay Niết Bàn tại Tâm. Tu Phật chỉ là làm công tác tu sửa cái THÂN, Cái TÂM mà thôi. Thành tựu cũng là thành tựu ở đó. Không phải làm chuyện gì lớn lao khác, và chỉ bản thân người làm được nhờ, không có ảnh hưởng gì đến người khác nên không có gì phải tôn kính, quỳ lạy người đắc đạo, vì ai cũng có thể Tự Tu, Tự Chứng. Vì thế, Tổ Đạt Ma dạy : “Đừng mang Phật ra mà lạy Phật” . Người không hiểu mới có hành động đó.

Theo Đức Thích Ca, có Năm Điều Khó Được, trong đó có : “Nhân Thân khó được. Phật Pháp khó nghe. Khó sinh được nơi có Chánh Pháp lưu hành”. Kiếp này ta đã có được thân người, lại được sinh ra nơi có Chánh Pháp lưu hành thì nên tu hành như thế nào để Giải Thoát ngay hiện kiếp, bởi kiếp sau biết ta còn có may mắn được thân người, có duyên may được sinh ra nơi có Phật Pháp lưu hành hay không ?

Đức Thích Ca đã thọ ký : “Tất cả Chúng Sanh là Phật sẽ thành” và dặn người tu phải “lẫn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp để giáo hóa Chúng Sanh, đưa nó vào Chánh Đạo”. Như thế, người cho rằng muốn tu hành thì phải dẹp hết việc đời, tách ra ở riêng biệt, không dính líu đến thế gian, ngày tháng chỉ tụng Kinh, Niệm Phật chờ về Niết Bàn là làm trái với lời Phật dạy. Chưa hết. Khi đã Thành Phật, tức là Giải Thoát rồi thì còn phải Hành để được những TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT, mà những Tướng này đều là kết quả của Giữ Giới, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, giúp đỡ những người chung quanh. Nói lời chân thật. Giảng hòa những cuộc tranh chấp v.v.. tất cả đều là những cư xử giữa con người với nhau trong cuộc sống bình thường giữa đời. Công năng tu hành là Trừ Phiền Não, sau đó là tiếp tục cuộc sống giữa đời mà không còn bị Các Pháp làm KHỔ nữa. Niết Bàn là tình trạng thanh tịnh, an lạc của cái TÂM sau khi trừ hết phiền não, không phải là một cảnh giới ở cõi xa xôi nào. Người tu thành công sẽ đạt được ngay tại cuộc sống, gọi là đạt Hữu Dư Y Niết Bàn, không phải chờ chết mới được về.

Đạo Phật đâu có dạy bỏ đời ? Trái lại, cho rằng mỗi người khi có mặt trên cuộc đời là đã chịu Ân của biết bao nhiêu thành phần trong xã hội : Cha mẹ phải nuôi dưỡng, giữ gìn mới có được tấm thân vẹn toàn, lại bỏ ra biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, răn dạy để con cái trưởng thành. Xã hội thì giữ gìn an ninh, bảo vệ cho mọi người được bình yên. Những người thầy lo đào tạo chữ nghĩa, nghề nghiệp để lớp trẻ có thể vào đời, nuôi sống bản thân. Người làm nông cung cấp lúa, gạo, rau, trái, những ngành nghề khác cũng góp tay cho ta có nhà cửa, phương tiện, và đủ thứ hàng hóa phục vụ cho cuộc sống. Vì vậy, mọi người phải có trách nhiệm mang sức, tài đóng góp, xây dựng, để cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn. Nhờ mỗi kiếp sống, mỗi người đi qua đã chung tay góp sức mà xã hội tiến hóa như ngày nay. Khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển, vật chất cũng dồi dào, đa dạng là nhờ công sức của biết bao nhiêu người, ta đâu thể chỉ hưởng dụng mà không đóng góp.

Tu Phật không phải để chê đời, bỏ đời, ở bên lề cuộc đời. Trái lại, trước khi tu hành, do không ý thức về bản thân, về cuộc sống, nên mỗi chúng ta có thể là những con người ích kỷ, tham lam, độc ác, chỉ biết dùng sức mạnh hay lợi thế giành giật với người khác để vun vén cho bản thân, cho gia đình, bất chấp hậu quả. Do vậy mà tạo ra hỗn loạn, phiền não cho bản thân và cho xã hội, tạo Nghiệp mà không hay. Đến lúc chết khi bỏ cái Thân thì những gì tranh giành, chiếm đoạt được đều phải bỏ lại, nhưng Nghiệp quả không mất. Do đó mà phải tái sinh và bị đọa để Trả Nghiệp. Tu Phật tức là học để hiểu về lý do ta có mặt ở thế gian. Để biết tại sao có người đẹp, xấu, giàu, nghèo, thọ, yểu, sang, hèn…khác nhau. Để biết về Nhân Quả mà điều chỉnh cách sống cho thích nghi với cuộc đời và để được Thoát Khổ. Được nổi lên giữa Biển Khổ. Sống giữa biển Khổ mà không còn bị nó vùi dập, được Giải Thoát. Như thế mới đúng với hình ảnh mà Đạo Phật dùng làm biểu tượng là HOA SEN, dù sinh ra, lớn lên, tàn rụi trong Bùn mà Bùn không làm cho ô nhiễm được. Đó mới là tinh thần mà Đạo Phật muốn truyền đạt : “Ở trong Phiền não mà thoát phiền não. Ở giữa thế gian mà thoát thế gian”.

Thế nhưng, bao thời qua, rất nhiều vị truyền đạo đã cố ý thần thánh hóa Phật như một “đấng toàn năng có quyền cứu khổ, ban vui”, rồi đi đến đâu cũng hô hào bá tánh cất Chùa hoành tráng để cho giới Tu Sĩ ở. Bắt người đời phải Cung Duỡng mọi thứ cho họ được nhàn thân mà tu hành rồi ở giữa làm trung gian chuyển lời bá tánh cầu xin đến Phật ! Đâu phải Phật Tử nào cũng chịu khó tra cứu để thấy trên google các Cao Tăng đã khẳng định : “. Đức Thích Ca cũng là một người bình thường, được cha mẹ sinh ra như mọi người, cũng có vợ, có con, cũng phải tu hành như tất cả mọi người “ . Bởi danh xưng Phật chỉ là nghĩa của một vị đã hoàn tất công việc Giải Thoát cho bản thân. Ngoài việc nhờ công năng tu hành mà tự Giải Thoát thì không thể cứu độ cho người khác. Vì nếu cứu độ được cho người khác thì Đạo Phật trở thành Đạo ĐỘ THA, không còn TỰ ĐỘ nữa.

Đức Phật Thích Ca Thọ Ký :”Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đâu có nói chỉ Tu Sĩ ở trong Chùa mới thành Phật, những người không vô Chùa tu thì không thành Phật được ? Thành Phật chỉ là thành tựu việc Thoát Khổ cho bản thân, mà trong cuộc sống, bất cứ ai, bất cứ ngành nghề, già, trẻ, bé, lớn, ai mà không phải khổ ? Sở dĩ KHỔ là do cái TÂM MÊ. Vì thế, chỉ cần nương Giáo Pháp của Đạo Phật mà hành trì Giải MÊ cho Cái TÂM, thì sẽ có kết quả Thoát Khổ. Cần gì phải đầy đủ hình tướng, phải bỏ hết công ăn, việc làm, phải chờ mọi người Cung Dưỡng thì mới tu sửa Cái Tâm được ? Cho nên những người đã hiểu sai Đạo Phật mà còn đi truyền bá thì đó là những người không chỉ phá hoại Chánh Pháp của Đạo Phật, vì biến Phật thành Thần Linh, biến Phật tử thành những “Gả cùng tử” chỉ biết nhang khói phụng thờ Chư Phật để cầu xin, nương tựa, mà còn làm suy yếu tiềm năng xây dựng đất nước do lôi kéo một số người trẻ, có sức khỏe, có tài năng, nghề nghiệp mà xã hội cần, có thể đóng góp cho đất nước thì lại bỏ hết để vô Chùa tu hành rồi buông trôi ngày tháng chỉ chờ về Niết Bàn !

Có vị đã nói về tác hại của việc “Chồng Mê cho bá tánh”, mang sự hiểu biết sai lầm về Giáo Pháp để truyền cho người khác còn tai hại hơn là giết 100 hay 1.000 mạng người. Bởi nếu giết một số người nào đó thì tác hại chỉ bao nhiêu đó là dứt. Nhưng giảng dạy sai thì đời này truyền sang đời khác, hậu quả gấp bao nhiêu lần !

Người đã làm xong cho mình thì có trách nhiệm “mồi ngọn Vô Tận Đăng” để ánh sáng Giải Thoát đến được với nhiều người, tiếp nối Chư Vị đi trước để tát cạn vực nước mắt của chúng sinh ở trần gian. Nhưng nếu chưa thật sự hiểu đúng Phật Pháp, chưa Thấy Tánh, mà lại vì Danh hay Lợi của đường tu, mang cái hiểu chưa đúng của mình ra để truyền bá, thì nên đọc Tích CON CHỒN HOANG của Mã Tổ, nói về người tu hành, chỉ vì hạ sai một chuyển ngữ thôi, mà phải đọa 500 kiếp làm chồn hoang, và lời cảnh báo về cái Quả của người tu hành trong VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN và QUY SƠN CẢNH SÁCH để ngưng Vọng Ngữ, Vọng Hành vậy.

Tháng Bảy Năm 2014




VVM.30.8.2024.