Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM
QUA BÀI THƠ “CẢM XÚC” CỦA HỒ DZẾNH




H ồ  Dzếnh là một nhà thơ rất mực khiêm nhường suốt đời ẩn thân trong một cuộc sống cần lao bình dị, nhưng không hề bị những người đã từng đọc thơ ông quên lãng. Hôm nay nhân “giở bồ sách cũ”, tôi tìm lại tập thơ của ông do tôi tuyển chọn và NXB Đồng Nai đã cho ra mắt vào năm 1997. Một lần nữa, tôi đã thực sự xúc động khi đọc bài thơ mà tôi đã trân trọng đặt ở vị trí đầu tiên trong tuyển tập. Đó là bài “Cảm xúc”. 

Là  nhà thơ mang hai dòng máu Hoa – Việt (mẹ ông nguyên là một “cô lái đò” ở Thanh Hoá), sinh ra và lớn lên khi đất nước còn đang chìm trong cảnh nô lệ lầm than, hồn thơ của Hồ Dzếnh như thể một hạt “lệ ngọc” được kết tinh từ cuộc đời lam lũ của cha, của mẹ, của bản thân và của đồng bào ông. Sâu xa hơn nữa, nó được kết tinh từ lịch sử của hai dân tộc Việt, Trung, tuy không thiếu những trang oanh liệt, nhưng mênh mang nơi cõi thế, dường như vẫn là cái “bể khổ” mà hằng hà sa số kiếp người đã trầm luân qua bao nhiêu thế kỉ…

Tình và ý trong bài thơ “Cảm xúc” là  một tiếng nói, một cách cảm nhận mới mang chiều sâu suy tư và cảm xúc của một nhà thơ hiện  đại đối với hình tượng người con gái, người phụ  nữ Việt Nam truyền thống. Tác giả đã nhanh chóng phát hiện được thực chất bi kịch của số phận họ, và đã đi thẳng vào trung tâm của bi kịch ấy:

Cô  gái Việt Nam ơi!
Từ  thuở sơ sinh lận  đận rồi.
Tôi biết tình cô  u uất lắm,
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.

Những câu thơ ấy chứa đựng niềm cảm thương sâu sắc của một trái tim mang nặng tình nhân ái nhưng rơi vào bế tắc bởi chưa có cách nào giải toả được. Vì vậy nỗi cảm thương ấy đã bị ứ nghẹn lại trong lòng nhà thơ. Nhưng vấn đề trọng yếu nhất đã được nêu lên: nhờ một linh cảm nhạy bén, nhà thơ biết rõ rằng có một sự ứ nghẹn gay cấn hơn nhiều ở phía “cô gái Việt Nam” được ông diễn đạt bằng mấy từ: “tình cô u uất lắm”. Nhà thơ đã phát hiện được cái nỗi đau ngầm, cái “vấn nạn” vẫn hiển nhiên tồn tại nhức nhối ở “cô”, cho dù suốt đời cô đã phải ráng hết sức nhấn chìm nhân bản của mình, phải khốn khổ học cho kì được tính “nhẫn” mà gia đình và xã hội gay gắt đòi hỏi cô phải có. Nỗi đau ấy, vấn nạn ấy là gì? Là nỗi khát thèm được người khác biết đến con người và số phận của mình, cảm thông, chia sẻ và an ủi! Trong xã hội Việt Nam, khi mà ánh sáng của một thời đại thật sự văn minh và tiến bộ chưa dọi tới, sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ ấy hình như rất ít ỏi, thậm chí có khi nó còn trở thành sự vô cảm. Đến như vợ của Tú Xương – nhà thơ đã để lại thi đàn bài thơ “Thương vợ” nổi tiếng “Quanh năm buôn bán ở mom sông…” còn phải thở than trách móc rằng “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không” nữa là! Chính vì hiểu thấu tâm tư ấy của cô gái Việt Nam mà Hồ Dzếnh đã mạnh dạn miêu tả thực chất tấn bi kịch của đời cô:

   

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa,
Má  hồng mỗi tiết mỗi phôi pha.
Khi cô  vui thú là khi đã
Bồng bế  con thơ, đón tuổi già!

Vẻn vẹn có bốn câu thơ với vài nét chấm phá  mà tất cả cuộc đời, tất cả số  phận đáng thương của cô gái Việt Nam được lột tả chính xác, giống như những thước phim quay vội nhưng sắc nét!

Người ta nói không sai: một nỗi đau khổ được chia sẻ  sẽ chỉ còn lại một nửa nỗi đau khổ. Tôi tin rằng bất kì người phụ nữ Việt Nam nào  đọc những câu thơ này cũng cảm thấy xúc động, cũng thấy lòng phần nào vợi bớt khổ đau, và cũng thầm cảm ơn tấm lòng quý hoá của nhà thơ quá cố, cũng muốn thắp cho ông một nén hương tưởng nhớ.

Có  phải nhà thơ Hồ Dzếnh đã phóng đại tấn bi kịch của cô gái Việt Nam chăng? Tôi xin bày tỏ: trên thực tế, ở nửa đầu thế kỷ XX, thời đại “văn minh Âu hoá” tuy đã mở màn trên đất nước ta, nhưng trừ một số ít phụ nữ ở các thành thị, cuộc sống được ít nhiều thay đổi, tự do hơn, còn ở hầu hết các vùng nông thôn rộng lớn thì – đúng như nhà văn Tô Hoài đã viết – “cuộc sống không một chút thay đổi, như trong tranh vẽ” (Xóm Giếng ngày xưa). Chính Hồ Dzếnh đã lí giải về sự thật này như sau:

Ngọn gió  thời gian đổi hướng rồi,
Thế  hệ huy hoàng không đủ xoá 
Nghìn năm vằng vặc  ánh trăng soi.

Thế nhưng trong khi nhận thức thực chất tấn bi kịch của người con gái Việt Nam xưa, tâm hồn thi nhân của Hồ Dzếnh đã đồng thời lĩnh hội được đầy đủ về những phẩm chất vàng ngọc của họ. Phát hiện ấy đã tạo nên một sự đối lập triệt để giữa hai phạm trù ĐAU KHỔ - CAO QUÝ khả dĩ gây ra được những hiệu ứng sắc cạnh về trí tuệ và những cảm xúc mãnh liệt về tình cảm – những cái làm nên đặc trưng của văn chương kim cổ.

Chính người con gái, người phụ nữ Việt Nam nói chung, đã tạo nên những vẻ đẹp vô ngần gắn liền với quê hương xứ sở thân yêu:

Tôi  đến đây tìm lại bóng cô,
Trở  về đường cũ, hái mơ  xưa.
Rau sam vẫn mọc chân rào trước,
Son sắt, lòng cô  vẫn đợi chờ.

Phải, những người con gái Việt Nam chân chính không khi nào đánh mất đức hạnh cao quý của phụ nữ phương Đông, cũng không bao giờ để lụi tắt niềm tin vào tương lai của cuộc sống. Họ tuyệt nhiên không bao giờ là những kẻ lánh đời và yếm thế. Câu thơ “Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ” gợi nhớ đến câu thơ của Hồ Xuân Hương “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son”. Thơ Hồ Dzếnh đã cho chúng ta thấy vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam là bất hủ với thời gian.

Nhà  thơ cũng không quên ghi nhận biết bao “công lênh”  của những cô gái Việt đã đóng góp cho quê  hương đất nước bằng nết chịu thương chịu khó và đức quên mình, khiến chúng ta càng khâm phục bao nhiêu thì càng thương cảm bấy nhiêu:

  Dải lúa cô trồng nay đã tươi,
Gió xuân ý nhị vít bông, cười…
  Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!

Hiểu biết, sẻ chia bằng tấm tình yêu thương chân thật, đằm thắm, nhưng đối với nhà thơ, thế vẫn là chưa đủ. Toàn bộ tình cảm và suy nghĩ của ông, ở đoạn thơ kết, đã thăng hoa, dồn nén rồi bùng nổ với một mãnh lực mới. Có thể nói, bằng sức mạnh của một hồn thơ đích thực, bằng cách vươn theo sự phát triển nội tại tất yếu của một tình yêu sâu nặng, của dòng xúc cảm thơ trào cuộn, rốt cuộc lí trí của Hồ Dzếnh bỗng bừng sáng và ông đã tìm thấy chiếc chìa khoá vàng để giải toả nỗi ứ nghẹn tâm tư của cô gái Việt Nam đã dàn trải trong suốt mấy khổ thơ liền. Mẫn tuệ nắm bắt ngay lấy hình thức “tụng ca”, ông đã cất cao giọng để tưởng thưởng, để ca ngợi đức hạnh cao quý, chân giá trị con người, cuộc sống cùng với những công lao và những hi sinh to lớn nhưng thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam đối với gia đình, xã hội và quê hương xứ sở.

Như  trên đã nói, nỗi buồn sâu kín nhất của người phụ  nữ Việt Nam là “mình đã cống hiến tất cả  cho cuộc đời này, và nếu được hưởng thụ thì cũng chỉ là “một tí con con”, thế nhưng có ai biết đến điều ấy cho mình đâu?”. Hiểu thấu điều đó, Hồ Dzếnh với thiên chức của một nhà thơ, đã dùng những lời vàng ngọc của thi ca để mạnh mẽ xua tan cái tâm sự u uất ấy và làm bừng lên trong tâm hồn “cô” những tia nắng vui tươi. Chúng ta hãy lắng nghe khúc tụng ca của nhà thơ:

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ HI SINH có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

Cổ  ngôn có câu “Thi khả dĩ hứng” (thơ  có thể làm hứng khởi con người), thì quả  vậy. Hồ Dzếnh đã mang hết tâm huyết để thực hiện cái công việc thật lớn lao, thật cao thượng: thay thế những hiện thực ảm đạm, đáng buồn của cô gái Việt Nam (được diễn đạt bằng những từ lận đận, u uất, già, héo, khổ cực) bằng một hiện thực hoàn toàn mới mẻ, chói ngời, thắm đẹp, được diễn đạt bằng những từ ngữ trang trọng, thân thương và đầy khích lệ: nạm vàng, lòng cô gái Việt Nam, tươi.

Hành động bằng văn chương nghệ thuật ấy của nhà thơ Hồ Dzếnh nào khác gì hành động “cứu khổ ban vui” của các đấng Phật, Tiên!

“Cảm xúc” chỉ là một bài thơ dung dị, mềm mại như nước, nhưng qua đó chúng ta đã có thể thấy được trái tim, trí tuệ, hồn thơ và nghệ thuật thơ đích thực của Hồ Dzếnh.




VVM.30.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .