Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


TÊN "VIỆT" CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU
VÀ BÁCH VIỆT NÓI NGÔN NGỮ GÌ ?




B ài nghiên cứu: “Defining the Hundred Yue” của William Meacham (1996) có khá nhiều thông tin thú vị liên quan tới cộng đồng Việt.

Đầu tiên, thì tiêu đề của bài viết dịch thẳng từ “Bách Việt” (Bách ~ 100), từ đó, bài viết có xu hướng diễn giải theo khái niệm này để đánh giá về cộng đồng Việt ở phía Nam Trung Quốc trong thời kỳ cổ đại, nhưng thực chất, “Bách” trong Bách Việt không có nghĩa là 100 như cách hiểu của Meacham và cũng như của không ít người Việt quan tâm tới lịch sử thời cổ đại.

Theo Ferlus (2011): “Những chữ được sử dụng ở đây là chữ ghi âm (phonogrammes) dùng để ghi lại những tên gọi không thuộc Hán; cho nên ý nghĩa của tổ hợp ‘Bách Việt’ không thể giải thích bằng ý nghĩa của từng yếu tố hợp thành, tức ở đây cách giải thích nghĩa theo đó ‘băi 百, bách’ là ‘một trăm (cent)’ và ‘yuè 越, việt)’ là ‘cái qua (hache de guerre)’”.

Ferlus (2009) phục nguyên từ Bách 百 như sau:

bǎi 百 <MC pæk <OC *prak [p.rak]

Và Lạc 雒:

luò 雒 <MC lak <OC *C-rak [C.rak]

Trong các ngôn ngữ Austroasiatic khác, dạng thức *prɔːk là “tên tự gọi của người Wa” và rɔːk, “người Khmu”, tương đồng với *b.rak hoặc *p.rak (Ferlus, 2009).

Từ Việt trong nghiên cứu đã dẫn ra những thông tin xuất hiện trong Giáp Cốt văn nhà Thương với biểu tượng chiếc rìu, tên gọi này trong các văn bản trên xương ám chỉ một nhân vật tên Việt, hoặc một đồng minh tên Việt của nhà Thương, nhưng thực chất thì biểu tượng chiếc rìu đại diện cho tên Việt đã có từ rất lâu, trong các văn hóa Đại Vấn Khẩu, Ngưỡng Thiều, sau đó là Lương Chử (hình dưới), các biểu tượng văn hóa Lương Chử được giải nghĩa là “方钺会矢” – “Phương Việt Hội Thi”, có nghĩa là “Liên minh quốc gia Việt” (Dong, 2001). Nhà Thương sau đó chỉ chép lại tên gọi này từ người Việt.


Theo Schuessler (2007), thì từ Việt 戉 được phục nguyên là *wat, từ này tương đương với các ngôn ngữ Austroasiatic: : Proto-Wa *wac ‘dao, lưỡi liềm, kiếm’, Old Mon rwas /rwɔs/ ‘vũ khí’, và trong một số ngôn ngữ Austronesian: wasi ‘sắt, rìu’, có liên quan trực tiếp tới biểu tượng rìu trong Giáp Cốt văn nhà Thương. Do vậy, từ Việt có nguồn gốc từ ngôn ngữ Austroasiatic hoặc Austronesian, nhưng cũng trong bài viết này, Meacham đã chỉ ra nhiều khả năng Yue là một cộng đồng nói ngôn ngữ Austroasiatic, từ Việt nhiều khả năng cũng có nguồn gốc từ ngôn ngữ này.

Như vậy, Bách Việt không thể dịch là 100 Việt, mà có thể hiểu là một tộc người sử dụng rìu làm biểu tượng quyền lực, cả hai từ đều là ký âm, không phải do người Hoa Hạ đặt cho người Việt.

Tiếp theo, bài viết cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng về nguồn gốc của cộng đồng Việt trong các tư liệu ngôn ngữ.

Meacham viết như sau về người Việt: “Tất nhiên, tiếng Việt có phả hệ mạnh nhất là một ngôn ngữ Yue còn sót lại, mặc dù chịu ảnh hưởng rất mạnh từ Trung Quốc (thực tế tiếng Việt ảnh hưởng không quá nặng nề tiếng Trung Quốc). Không nghi ngờ gì nữa, người Việt có nguồn gốc trực tiếp từ người Yue lịch sử ở miền bắc Việt Nam và miền tây Quảng Đông, và ngôn ngữ của họ là bằng chứng tốt nhất cho thấy ít nhất ở các vùng ven biển ở cực nam Trung Quốc, một số dân tộc Yue đã nói ngôn ngữ Austroasiatic. Tiếng Quảng Đông còn được gọi là Yue (粵), một ký tự có thể hoán đổi với từ Yue cũ hơn (越) trong triều đại nhà Hán, và có thể bắt nguồn từ một ngôn ngữ tương tự như tiếng Việt-Mường, mặc dù một tổ tiên của người Tai cũng đã được gợi ý. Trong bất kỳ trường hợp nào, (Cantonese) đã có quá trình Hán hóa nặng nề đến mức nguồn gốc của nó gần như bị che khuất hoàn toàn. Tuy nhiên, rõ ràng là tiếng Quảng Đông bắt đầu xuất hiện vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên khi sự đồng hóa và kết hôn giữa những người định cư phía bắc Trung Quốc của các dân tộc địa phương, trước đây là Nam Việt, ngày càng gia tăng.”

Meacham đã dựa vào nghiên cứu của Norman & Mei, chỉ ra những thông tin về sự hiện diện của ngôn ngữ Austroasiatic trong tiếng Trung cổ và tiếng Mân. Norman & Mei cũng chỉ ra thông tin được ghi chú bởi Duan Yu cho sách Thuyết Văn Giải Tự (khoảng những năm 1800-1807): *siog (chó) là một từ vẫn được sử dụng ở Giang Tô (vào khoảng những năm 1800), Meacham kết luận: “Nếu Norman và Mei đúng trong việc xác định từ này là Austroasiatic, thì điều đáng chú ý là một số tàn dư của ngôn ngữ Yue trước đây vẫn còn tồn tại ở Giang Tô vào cuối năm 1800. Đây có lẽ là sự tồn tại ở một trong những phương ngữ của khu vực từ Austroasiatic cũ, chưa bị loại bỏ bởi từ tiếng Trung có nghĩa là chó.”

Meacham cũng chỉ ra thông tin về sự chia sẻ giữa tiếng Quảng Đông và ngôn ngữ Môn-Khmer: “Đối với Quảng Đông, Benjamin Tsou đã lưu ý một số yếu tố chia sẻ nhất định giữa tiếng Quảng Đông và Môn-Khmer, và nêu ra khả năng rằng một phân tầng rất sớm của tiếng Quảng Đông là Austroasiatic.”

Với ngôn ngữ Tai, Meacham cũng chỉ ra những thông tin sự hiện diện sớm nhất của ngôn ngữ này ở vùng nam Trung Quốc là khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Về ngôn ngữ này, Sagart đã đề xuất rằng đây là một ngôn ngữ là kết quả di cư ngược vào vùng lục địa của cư dân Austronesian từ đảo Đài Loan, đồng hóa một nhóm dân cư nói ngôn ngữ khác, có khả năng là Austroasiatic để hình thành ngôn ngữ Tai-Kadai (Sagart, 2008). Giả thuyết này được hỗ trợ bởi dữ liệu Y-DNA, phần lớn các dân tộc nói ngôn ngữ Tai-Kadai ngày nay có O2a-M95 chiếm đa số, một số dân tộc khác có O1a-M119 chiếm đa số, phù hợp với giả thuyết về việc cư dân ngôn ngữ Austronesian với chủ lưu là haplogroup O1a đồng hóa những người Austroasiatic với chủ lưu là O2a (Li et al., 2008).

Với ngôn ngữ Austronesian, Meacham đã chỉ ra sự thiếu bằng chứng trực tiếp chứng minh sự hiện diện của ngôn ngữ Austronesian ở Trung Quốc đại lục thời cổ đại.

“Những người khác đã đề xuất rằng ngữ hệ Austronesian có nguồn gốc từ đông nam Trung Quốc, và ý tưởng này đã trở nên phổ biến trong giới ngôn ngữ Austronesian trong những năm gần đây. Thật không may cho trường phái tư tưởng này, không có bằng chứng trực tiếp nào chứng minh nó, cũng như không có bất kỳ dấu hiệu nào từ việc nghiên cứu các ngôn ngữ / phương ngữ hiện có hoặc từ các tài liệu tham khảo lịch sử rằng bất kỳ ngôn ngữ Austronesian nào đã từng được sử dụng ở Trung Quốc đại lục trong thời cổ đại.”

Trích bài viết: “Norman (1988) nhận xét rằng “các giả thuyết cho rằng các ngôn ngữ Austronesian được sử dụng trên lục địa Trung Quốc … không thể được xác minh về mặt ngôn ngữ.” Hơn nữa, khá xa vời khi đề xuất rằng một nhóm dân tộc đáng kể ở Nam Trung Quốc, trong số những người trồng lúa sớm, đã biến mất không dấu vết, không chỉ không có người sống sót trực tiếp mà không có dấu vết trong các từ Yue được ghi lại trong lịch sử và không có dấu tích nào giữa nhiều phương ngữ hiện nay được nói bởi miền nam Trung Quốc.”

Thông tin này phù hợp với các nghiên cứu ngôn ngữ, di truyền, cho thấy người Austronesian có nguồn gốc từ Sơn Đông, di cư xuống Phúc Kiến và sang Đài Loan, không lưu lại ở vùng phía Nam Trung Quốc, ngôn ngữ của họ liên quan tới haplogroup O3a2b2, có nguồn gốc từ Sơn Đông (Ko et al., 2014; Sagart et al., 2018; Wei et al., 2017).

Với các thông tin này, nguồn gốc cộng đồng Việt đã trở nên khá rõ ràng, nhiều khả năng nhất đây là một cộng đồng nói ngôn ngữ Austroasiatic, sự hiện diện là từ Giang Tô về tới Việt Nam. Người Việt là một bộ phận quan trọng của cộng đồng Việt, không như sự phủ nhận liên hệ có phần cực đoan trong thời gian gần đây về Bách Việt và nguồn gốc người Việt.

Tài liệu tham khảo:
Dong, Chuping. 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các biểu tượng Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.
Ferlus, M. (2009). Formation of Ethnonyms in Southeast Asia.
Ferlus, M. (2011). Les Bǎiyuè 百越, ou les “pays des (horticulteurs/mangeurs de) tubercules.”
Ko, A. M.-S., Chen, C.-Y., Fu, Q., Delfin, F., Li, M., Chiu, H.-L., Stoneking, M., & Ko, Y.-C. (2014). Early Austronesians: Into and Out Of Taiwan. The American Journal of Human Genetics, 94(3), 426–436. https://doi.org/10.1016/j.ajhg.2014.02.003
Li, H., Wen, B., Chen, S.-J., Su, B., Pramoonjago, P., Liu, Y., Pan, S., Qin, Z., Liu, W., Cheng, X., Yang, N., Li, X., Tran, D., Lu, D., Hsu, M.-T., Deka, R., Marzuki, S., Tan, C.-C., & Jin, L. (2008). Paternal genetic affinity between western Austronesians and Daic populations. BMC Evolutionary Biology, 8(1), 146. https://doi.org/10.1186/1471-2148-8-146
Meacham, W., 1996. Defining the hundred Yue. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association, 15(0). PDF bài viết: https://www.academia.edu/33943947/Defining_the_hundred_Yue
Sagart, L. (2008). The expansion of Setaria farmers in East Asia: A linguistic and archaeological model. Past Human Migrations in East Asia: Matching Archaeology, Linguistics and Genetics, 133–157. Sagart, L., Hsu, T.-F., Tsai, Y.-C., Wu, C.-C., Huang, L.-T., Chen, Y.-C., Chen, Y.-F., Tseng, Y.-C., Lin, H.-Y., & Hsing, Y. C. (2018). A northern Chinese origin of Austronesian agriculture: New evidence on traditional Formosan cereals. Rice, 11(1), 57. https://doi.org/10.1186/s12284-018-0247-9
Schuessler, A. (2007). ABC etymological dictionary of old Chinese. University of Hawai’i Press.
Wei, L.-H., Yan, S., Teo, Y.-Y., Huang, Y.-Z., Wang, L.-X., Yu, G., Saw, W.-Y., Ong, R. T.-H., Lu, Y., Zhang, C., Xu, S.-H., Jin, L., & Li, H. (2017). Phylogeography of Y-chromosome haplogroup O3a2b2-N6 reveals patrilineal traces of Austronesian populations on the eastern coastal regions of Asia. PLOS ONE, 12(4), e0175080. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0175080




VVM.30.8.2024 - Lược Sử Tộc Việt .

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .