N hiều người đã nghĩ về việc xuất gia tu hành theo Đạo Phật một cách đơn giản : Chỉ cần Phát Tâm, rồi Xuất Gia. Hình tướng đầy đủ, mặc Cạo đầu, mang bát, ở trong Chùa là Tu sĩ. Tu lâu năm lên Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng.. Cứ tu hành, ở trong Chùa thì cuộc sống đã có bá tánh lo. Lúc chết thì được Phật rước về Tây Phương Cực Lạc. Hoặc có người Xuất gia chỉ vì ngưỡng mộ Phật nên muốn hiến trọn cuộc đời để phụng sự cho Phật, không cần biết gì đến Quả vị, Chứng đắc, cho rằng như thế là có tâm mong cầu, là vọng động ! Nhưng nếu có Đọc Kinh LĂNG NGHIÊM, chúng ta thấy, bắt đầu từ việc Phát Tâm thôi, cũng đã được xác định rõ ràng : Phật đã hỏi ngài A Nan : “Ông đối trong giáo pháp của ta, do ngưỡng mộ cái gì mà Phát Tâm Xuất Gia ? . Chỉ cần nói về cái Phát Tâm thôi, là ta thấy Đạo Phật không phải dễ dãi, không phải Phát bất cứ Tâm gì cũng được, miễn là Xuất Gia, vô Chùa, Quy Y, Thọ Giới, thì tất cả đều là Đệ Tử Phật, sẽ được Phật cứu độ.
Nếu tìm hiểu về lý do Phát Tâm, ta sẽ thấy có rất nhiều nguyên do khác nhau : Có người đi nghe Thầy giảng, thấy nói về Đức Quán Thế Âm cứu Khổ, cứu nạn, nên muốn đi tu để được che chở. Có người thấy Đức Thích Ca bỏ ngai vàng, vợ con để đi tu, sau khi đắc đạo rồi thì cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nên ngưỡng mộ mà phát tâm để được phụng sự cho Ngài. Trong kinh Lăng Nghiêm, Ngài A Nan vì “thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường nên sinh lòng hâm mộ mà Phát Tâm”. Có Vị Hòa Thượng rất có uy tín, đã khuyên Phật Tử Phát Tâm tu hành, vì cho rằng “Đức Thích Ca nhờ bỏ đất nước nhỏ bé mà được cả thể giới tôn sùng”, nên cho rằng đi tu là để “bỏ cái nhỏ mà được cái lớn”. Có vị thuyết pháp nói là do hồi nhỏ mẹ dẫn vô Chùa được ăn chay, ngon quá nên muốn đi tu ! Có nhiều nơi cha mẹ nghèo mang con gởi Chùa cho nó có cái ăn, cha mẹ đỡ lo. Đưa bé từ nhỏ sống trong Chùa, được nuôi dạy nên tu luôn ! Cửa Chùa lúc nào cũng rộng mở, nên có thời gian nhiều người trốn lính, trốn nợ, thất tình cũng đi tu. Hình như hầu hết không biết gì về ý nghĩa Giải Thoát của Đạo Phật chân chính mà người tu Phật cần đạt tới.
Nhưng nếu may mắn mà họ gặp được vị Thầy đã Chứng Đắc thì bổn phận của người thầy là nhắc nhở để họ biết thế nào mới là ý nghĩa của việc tu hành thật sự theo Đạo Phật. Đó là nguyên do Phật hỏi Ngài A Nan để giải thích cho ông biết rằng mục đích tu hành không phải là vì ái mộ những Tướng Tốt của Phật, mà để bản thân được Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử, nên cần phải xem lại cái Phát Tâm của mình, vì : “Nếu các ông dùng cái Vọng Tâm sanh diệt làm nhơn tu hành mà mong cầu cho đặng quả Phật thường còn không sanh diệt thì không thể được”.
Với Đạo Phật chân chính thì Xuất Gia là để Tu Phật, là học cách Làm Phật. Do đó, khi đã hiểu rõ về ý nghĩa của việc Xuất Gia thì lại phải có thêm Nghĩa quyết định : “ Này A Nan ! Các ông muốn bỏ Tiểu Thừa Thinh Văn, tu theo Đại Thừa Bồ Tát, vào tri kiến của Phật, thì trước phải quan sát cái nhơn địa phát tâm cùng với quả vị sẽ chứng là đồng hay khác”. Phát tâm để tu hành thành Phật thì đương nhiên phải hiểu rằng sẽ có những việc làm đưa đến kết quả đó. : Nếu không xác định mục đích, đi Tu mà không biết mình tu để làm gì ? Phải làm gì ? Làm như thế nào ? thì làm sao hạ thủ công phu cho phù hợp để đạt kết quả ?.
Chùa bây giờ mọc lên như nấm. Sư cũng không biết trình độ tới đâu. Nếu người vào tu Phật rồi giao số phận cho người Thầy. Thầy hướng dẫn tới đâu thì hành theo đó, không cần biết gì thêm thì không biết rằng điều cần thiết nhất cho mỗi người tu, theo lời Phật dặn là :“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Đuốc đó chính là TRÍ HUỆ để không phải lệ thuộc người thầy suốt đời. Người cứ ngồi chờ Thầy bảo đâu lảm đó, Phật gọi là hàng Thinh Văn, và cho rằng phải tiến lên địa vị Bồ tát thì sau đó mới có thể đạt đến quả vị Phật được.
Thật vậy, Trí Huệ đóng vai trò rất quan trọng trên con đường tu hành, vì khi có được nó rồi thì chính nó sẽ soi lối, dẫn đường để người tu biết mình phải làm gì ? Làm tới đâu ? Làm như thế nào ? Phải có nó hướng dẫn thì mới có thể tu hành, thành tựu được, vì thiếu sự hiểu biết thì chúng ta sẽ làm như thế nào ? Kết quả là gì ? Chẳng lẽ cứ làm, kết quả ra sao mặc kệ, rồi tự dối mình là không cầu mong, vì cầu mong là vọng động ?
Nói về Trí Huệ, BÁT NHÃ TÂM KINH khẳng định : “TAM THẾ CHƯ PHẬT Y BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA CỐ, ĐẮC TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ”. Có nghĩa là Ba Đời Chư Phật đều nhờ Trí Huệ qua bên kia bờ mà đắc thành Vô Thượng Chánh Giác. Nhưng “Trí Huệ qua bên kia bờ” là gì ? Làm sao để có ? Nếu người tu Phật mà còn chưa phân biệt được thế nào là Trí Phàm, thế nào là Trí Huệ thì khó mà tu hành cho thành công.
“TRÍ HUỆ Đáo Bỉ Ngạn” được giải thích là “Sự hiểu biết qua bên kia bờ”, có nghĩa là sự hiểu biết để qua Bờ bên kia, hay còn gọi là Bờ Giác, so với Bờ Bên này, là Bờ Mê. Sự hiểu biết của TRÍ HUỆ hoàn toàn khác biệt so với TRÍ THỨC. Tuy cả hai cùng là CÁI HIỂU BIẾT, nhưng Trí Thức là sự hiểu biết do học cao, hiểu rộng của người đời, hoàn toàn thiên về những thứ thuộc về đời. Dù có học cao, hiểu rộng bao nhiêu thì cũng không ngoài phục vụ Cái Thân và những gì hiện hữu, trong đó có đủ thứ Danh, Lợi, Tình, nghèo, giàu, sướng, khổ, vui, buồn, thương, ghét, cao, thấp, hơn, thua, sống chết.. mà Phật gọi là Thế Gian. TRÍ HUỆ là sự hiểu biết để đưa đến Giải Thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian, trong khi vẫn tiếp tục sống chung với nó. Đó là mục đích của Đạo Phật chân chính do Đức Thích Ca mở ra.
Muốn có Trí Huệ thì phải TƯ DUY, QUÁN SÁT. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN dạy : Này Thiện Nam Tử ! Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì dầu có người vô lượng vô sổ kiếp chuyên tâm thính pháp. Nhưng nếu không Tư Duy thì trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề. Đây cũng là do Tư Duy mà được gần Đại Niết Bàn”. Muốn Tư Duy cho hiệu quả thì không thể vừa suy nghĩ vừa ăn uống, vui chơi, tiếp xúc, nói chuyện, làm việc nọ kia..mà cần ngồi yên, dừng hết mọi hoạt động của cái Thân. Do đó mà phải NGỒI THIỀN. NGỒI là chỉ mới dừng hoạt động của cái Thân. Nhưng với ý tưởng thì chưa, vì cái Thân Ngồi mà nó đâu có chịu yên ? Vẫn tiếp tục bay nhảy từ cảnh này đến cảnh khác, việc nọ đến việc kia, nên cũng phải Dừng nó lại, gọi là ĐỊNH. Do vậy gọi là THIỀN ĐỊNH. Tư Duy trong lúc Thiền Định gọi là CHỈ QUÁN hay CHỈ QUÁN SONG TU. (Vipassana).
Kinh VIÊN GIÁC giải thích về lợi ích của THIỀN ĐỊNH qua Kệ :
Biện Âm ông nên biết
Các Trí Huệ thanh tịnh
Của tất cả Bồ Tát
Đều do Thiền Định sanh
Và
Mười Phương các Như Lai
Và Hành giả Ba Đời
Đều y pháp môn này
Mà thành Đạo Bồ Đề.
Và Chúng sanh đời sau
Phải như thế tu hành
(Kinh VIÊN GIÁC, Chương BIỆN ÂM THỨ 8).
Kinh đã khẳng định Mười Phương các Đức Như lai và hành giả ba đời cũng như chúng sinh đời sau này muốn thành đạo Bồ Đề thì phải theo pháp môn này. Nhưng không phải cứ Thiền Định là sẽ có Trí Huệ. Cũng không phải như một vị nào xưa đã nói : “Quán một pháp cũng đắc Tâm” làm nhiều người sau tin rồi hành mà không thành công, bởi Quán Tâm mới thấy Tâm. Quán thứ khác làm sao đắc Tâm ? Không biết Tâm là gì thì làm sao “Đắc” ?
Nhiếu người đi tu cũng Quán, Soi, nhưng do không biết mục đích của Đạo Phật, nên mà cứ Soi, Quán vòng quanh, không đi vào trọng tâm, nên dù bỏ ra nhiều năm dài mà không bao giờ đến đích được.Tư duy cũng thế. Có những đề tài quan trọng, chính yếu, cũng có những đề tài không cần thiết, chỉ làm mất thời gian của người tư duy. Đọc trong Góp Nhặt Cát Đá, ta thấy có Thiền Sinh đã có 50 tuổi Đạo, chất vấn Thiền Sư Shinkan : “Tôi đã học ở Tendai về tư tưởng khi tôi còn bé, nhưng có một điều tôi không thể hiểu được. Tendai dạy rằng cả đến cỏ cây cũng giác ngộ. Đối với tôi điều này có vẻ kỳ lạ quá”.
Shinkan hỏi : “Bàn luận về cỏ cây sẽ giác ngộ thế nào có ích chi đâu ? Vấn đề là làm sao chính ông có thể giác ngộ được. Ông có xét thấy vấn đề này hay không ? Thiền sinh lạ lùng : “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này”. Shinkan kết thúc : “Rồi, hãy về nghĩ kỹ xem” !
Tu hành 50 năm vẫn là Thiền Sinh và không biết bản thân mình cần phải Giác Ngộ ! Cứ nhắm mắt theo người hướng dẫn mà không biết trong đó có những bậc chân tu, mà cũng không thiếu những kẻ lợi dụng cửa Chùa, chỉ học thuộc một số bài rồi mang ra giảng cho bá tánh. Bản thân họ chưa Chứng Đắc nên làm sao biết đường lối để hướng dẫn cho người khác ? Do đó, người học cứ bị dắt đi loanh quanh. Ngày tháng Ngồi Thiền, tụng kinh, Niệm Phật, không biết đâu là bờ bến !
Nhiều người nghĩ đơn giản là bất cứ ai, cứ tu lâu năm là có quyền làm Thiện Tri Thức để hướng dẫn cho mọi người, quên rằng việc tu Phật cũng như việc học ở thế gian, cũng có nhiều trình độ, và người thầy trình độ nào thì đào tạo học trò ra trình độ đó. Kinh VIÊN GIÁC dạy : “Này Thiện Nam ! Có loại chúng sanh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ, thì chúng thành Tiểu Thừa.. còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ, thì chúng thành Đại Thừa, Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chứng thành Phật Thừa. Tu hành theo đúng Chánh pháp là phải “Kiến Tánh, Thành Phật”, mà muốn Kiến Tánh thành Phật thì phải có Trí Huệ. Muốn có Trí Huệ thì phải Ngồi Thiền, phải Tư Duy, Soi Quán. Đề tài Soi Quán không cần lớn lao mà là những vấn đề ta chưa hiểu rõ. Như người trong phòng bị màn che, ánh sáng không lọt vào được, thì hé mở chút nào ánh sáng sẽ lọt vô chút đó. Chư cổ đức dạy : “Nghi lớn, ngộ lớn. Nghi nhỏ, ngộ nhỏ. Không nghi thì không ngộ”. Hiểu rõ về những việc mình sẽ phải làm, kết quả mình sẽ đạt được, rồi khi thực hành thấy có tiến bộ cũng là động lực để mình càng quyết tâm hơn.
Trí Huệ mỗi người vốn sẵn có, Kinh gọi là Vô Sư Trí, tức là không phải do thầy nào truyền cho, mà người Thầy sẽ hướng dẫn cách để mỗi người tự khai mở bằng cách Tư duy. Người chịu bỏ nhiều thời gian để tư duy nhiều hơn thì sẽ thấy rõ hơn. Khi có kết quả thì phải đối chứng với chính Kinh, vì đó là những cột mốc mà Chư Vị giác Ngộ đã cắm sẵn cho người sau không sợ lạc lối, vì nếu không có người đã có kinh nghiệm chỉ lại thì chúng ta biết sẽ về đâu giữa rừng Phật Pháp mênh mông ? giữa những người giảng pháp thời nay, không cần nhớ đến lời căn dặn của Chư Tổ : “Phải là người đã Thấy Tánh thì mới được thuyết pháp”, mà thuộc ít, thuộc nhiều, chứng đắc hay chưa, cứ vào tu được một thời gian thì tự ý mở đạo tràng thuyết pháp cho mọi người.
Trong khi Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN cho rằng các cõi trời Đao Lợi v.v.. chỉ là những “lá dương vàng, những trâu gỗ, ngựa gỗ để dỗ cho trẻ con nín khóc”, tức là phương tiện để làm cho con người hết khổ mà thôi. Quả Vị thì Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA cho là “để cho những người lười mỏi nghỉ ngơi”, sợ họ tu lâu mà không thấy chứng được quả vị gì đâm ra nản lòng, thì các vị bên Thiền Tông, chỉ khai được một Công Án thôi là đã cho là mình không những chứng đắc, mà còn cao hơn cả Phật ! Không cần Trí Huệ mới biết được những người đó là Tăng Thượng Mạn ! Tu Phật là để xóa cái Giã Ngả, vì chính nó là nguyên nhân làm cho con người phải trầm luân trong bể Sinh Tử Luân Hồi, mà các Thiền Sư lại tôn vinh nó thì quả là đi khác hướng với Đạo Phật chân chính dù người sáng lập ra Thiền Tông là đệ tử nhiều đời sau của Lục Tổ Huệ Năng. Điều đó cho thấy không phải ai tu theo Đại Thừa thì kết quả cũng như nhau.
Lục Tổ Huệ Năng dạy : “Tánh của Trí Huệ là hay phân biệt”. Bởi nếu chúng ta không phân biệt đúng, sai, những việc cần hành, những gì cần bỏ, cần phải làm những gì ? Bố Thí khác với Bố Thí Ba La Mật, Bố thí tam luân không là thế nào ? thì làm sao hành pháp Bố Thí cho đến nơi đến chốn ? Nhiều người tự dối mình, cho rằng khởi tâm là vọng động để rồi sống trong cảnh mê mờ, trắng đen không rõ thì sẽ tu thế nào ? kết quả về đâu ? Muốn hành thâm Trí Huệ Ba La Mật đa để “độ” hết Khổ ách thì phải “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” . Muốn “Qua bên kia bờ” thì phải phân biệt rõ ràng, Bờ bên này là gì ? Bờ bên kia là gì ? Muốn qua Bờ bên kia thì dùng cách nào ?
Thiền Định là để mở Trí Huệ, nhưng ngoài trói tay chân, mắt khép hờ thì cần phải làm gì trong lúc Ngồi ? Trong MÃ TỔ BÁCH TRƯỢNG NGỮ LỤC có giai thoại :
Lúc Mã Tổ còn là Thiền sinh, đang Ngồi Thiền, thì Hoài Nhượng lượm một viên gạch mang mài trước am của Ngài.
Mã Tổ lấy làm lạ hỏi ?
- “Mài gạch để làm gỉ ?
- Đáp : Mài gạch để làm kính
- Hỏi : Gạch mài sao thành kính được ?
- Đáp : Gạch mài không thành kính được, Tọa Thiền há thành Phật được sao ?
- Hỏi : Vậy sao mới phải ?
- Đáp : Như bò kéo xe, xe không đi thì đánh xe hay đánh bò là phải ? Ông học tọa Thiền hay tọa Phật ? Nếu học tọa Thiền thì Thiền không dính chi tới chuyện nằm ngồi. Nếu học Phật thì Phật vốn không có tướng nhất định. Còn pháp vô trụ thì không nên buông bắt. Nếu chấp cái tướng Ngồi thì không đạt được lẽ đó”.
Đó là những lời khai sáng của vị đi trước khi người sau chưa khai mở được Trí huệ của mình. Nếu chê Kinh không đọc, không tìm theo dấu chân, cột mốc của những vị Giác Ngộ đi trước, thì khi Soi Quán thấy được kết quả nào đó chúng ta biết là đã đúng hay chứ ? Nhiều người cứ than phiền là thiếu may mắn nên không được sinh cùng thời có Chư Vị Giác Ngộ ra đời, mà quên rằng Chính Kinh là lời của các vị được truyền tải từ thế hệ này qua thế hệ khác thì dù các vị có đi xa, nhưng khác nào vẫn kề cận để từng bước nhắc nhở cho chúng ta ?
Phái PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY thì cực lực phản đối Kinh ĐẠI THỪA. Thượng Tọa Thích Nhật Từ cho rằng “Kinh Đại Thừa không phải do Phật thuyết, vì do các Tổ sau này tự bày ra. Đó là lời của ma, không phải của Phật, nghe theo đó sẽ bị dẫn vào mê lộ” ! . Đó là vì T. T. này không hiểu gì về việc TRUYỀN Y BÁT cũng như lời Thọ Ký của Đức Thích Ca : “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, tức là tất cả mọi người đều có khả năng để thành Phật không phải chỉ riêng Đức Thích Ca dành độc quyền. Kinh dạy có Ba Đời Phật, tức là : Phật Quá khứ, Phật Hiện Tại và Phật Vị Lai. Những Vị Tổ là những người đã được ấn chứng, đã thấy Tánh, tức là cũng đã Thành Phật. Khởi đầu là Đức Ca Diếp. Sau đó Ngài đã truyền lại cho Tổ A Nan, lần lượt truyền nhau đến đời Tổ cuối cùng là Lục Tổ Huệ Năng. Như vậy ít lắm trong quá khứ chúng ta đã có đến 33 vị Phật, không kể những vị chứng đắc sau đó, vì người thật tâm tu hành thì không khua chuông giống trống , phô trương để cầu danh, cầu lợi nên chúng ta không thể biết hết.
Tổ tức là PHẬT ĐƯƠNG THỜI. Kinh ĐẠI THỪA do các Tổ Đại Thừa viết hay giảng. Lời của các Ngài là lời của Phật. “Phật trước Phật sau đều bình đẳng” , vì cùng làm những Hạnh như nhau, cùng Chứng Đắc như nhau. Người Giảng Đạo Phật mà không hiểu điều đó, thì sẽ rao giảng điều gì cho bá tánh ? Nếu chỉ cần dạy Thờ Phật thì bá tánh mỗi người tự thỉnh một Tượng về để tại nhà rồi hương khói ngày mấy thời và thành khẩn cầu xin là được rồi, cần gì phải cất Chùa to, dựng tượng Phật cho lớn và cung dưỡng các tu sĩ từ A đến Z để được dạy Thờ Phật ? Sở dĩ bá tánh cung dưỡng các Tu Sĩ, là để họ học Phật Pháp, tu hành, đạt kết quả Giải Thoát rồi sau đó hướng dẫn lại cho mọi người. Như vậy những người dạy Thờ Phật để cầu xin, là Nhị Thừa, Quyền Thừa thì đó là ngoại đạo, đâu phải là những người “Hoằng dương Chánh Pháp” của Đức Thích Ca như họ tự xưng ?
Khi chưa nắm vũng mục đích tu hành theo Đạo Phật thì nhiều người tưởng tượng tu hành là để trở thành Thần Linh hay thánh nhân, nên đòi hỏi phải đáp ứng điều kiện, phải thế nọ thế kia thì mới có thể tu hành thành công. Đơn cử một thí dụ để chúng ta thấy sự khác biệt của người giảng pháp hiện giờ so với Chính Kinh. Trong khi T.T. Nhật Từ cho rằng : “Chỉ có những người Xuất gia thanh tịnh thì mới chứng đắc. Người cư sĩ chỉ đắc chân nhân thôi”, thì Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết rất rõ : “ Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ, trì, dọc, tụng, giải nói, biên chép đúng như lời tu hành, hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường,hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.
Vì sao ? Phải biết chỗ đó chính là đạo tràng, các đức Phật ở đây mà đặng Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển pháp luân. Các đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn” .
Qua đoạn Kinh trích dẫn, chúng ta thấy : Tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh, trong Chùa hay ngoài chùa, dưới tàng cây, trong rừng, điện đường hoặc núi hang đồng trống.. đều có thể tu hành được, với điều kiện là Y Pháp tu hành. Nhiều người cứ nghĩ rằng Thành Phật là thành một vị Thần Linh, không biết rằng Phật chỉ có nghĩa là Giải Thoát. Tu hành theo Phật dạy chỉ là TU TÂM, tức là Xả cái Chấp nơi Tâm của mình để được Thoát Khổ. Hoàn cảnh nào cũng có cái Khổ của hoàn cảnh đó. Chỉ cần SỬA CÁI TÂM DÍNH MẮC là sẽ Thoát Khổ, mà Thoát Khổ cũng là Giải Thoát hay Thành Phật, đâu có phải thành Thần Linh hay vị nào đó cao cả mà phải độc thân, thanh tịnh ? Nếu có sự phân biệt độc thân hay có gia đình, trong Chùa hay ngoài Chùa hẳn Đức Phật đã không Thọ Ký cho “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” ! Chẳng qua là vì họ chưa hiểu rõ mục đích thật sự của Đạo Phật nên tưởng tượng và quan trọng hóa tu sĩ xuất gia mà thôi. Lục Tổ Huệ Năng dạy : “Chư Thiện Tri Thức. Muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở Chùa. Ở nhà mà thường tu hành thì cũng như người Đông phương có lòng lành. Ở Chùa mà chẳng tu thì cũng như người Đông phương có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch thì Tánh mình là Tây Phương vậy”. Tổ Đạt Ma cũng dạy : “ Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng bạch y vẫn là Phật. Nếu không thấy Tánh, cắt tóc cạo râu vẫn là ngoại đạo” .
Đến thời này rồi mà nhiều Chùa, nhiều Tu Sĩ vẫn còn cho rằng Phật là Thần Linh, nên lúc nào cũng vận động bá tánh cất Chùa cho thật to, dựng tượng cho thật lớn để tôn vinh, và hướng dẫn cho bá tánh thờ Phật để Cầu xin,nương tựa. Sống thì Cầu An, chết thì cầu siêu. Họ truyền nhau tụng những bài Chú được cho là linh ứng như là Chú Đại Bi, khuyên mỗi người hàng ngày nên tụng, để cầu gì được nấy ! Họ cứ “xưa bày, nay làm” mà không thèm chú ý đến lời giải thích của các lãnh đạo Phật Giáo được viết rõ ràng trên Google : “Phật không phải là Thần Linh mà cũng chỉ là một con người bình thường như tất cả chúng ta. Ngài cũng có vợ con và cũng phải tu hành để đạt kết quả”. (Phatgiao.org). Lý do làm cho nhiều người tiếp tục hiểu lầm là các vị không biết vô tình hay hữu ý, bỏ lửng, không giải thích rõ Thành Phật là như thế nào ? hoặc chính các vị cũng không biết rằng Đạo Phật thật ra chỉ là Con Đường Giải Thoát. Thành Phật chỉ là thành tựu Công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ. Kết quả tu hành của Đức Thích Ca cũng chỉ là để bản thân Ngài được Giải Thoát, đâu có phải để trở thành Thần Linh ? Phật đã không phải là thần Linh thì làm sao phù hộ cho ai mà cầu xin Ngài phù hộ cho mọi người để trả ân ?
Những người cứ tin tưởng để cầu xin Phật mà thiếu Trí Huệ nên quên luôn Đức Thích Ca cũng đã Bệnh, đã chết, đã trà tỳ ! Con của Ngài là La Hầu La, vợ, và di mẫu, cả em họ là Ngài A Nan cũng phải tự tu hành để Tự Độ. Nếu Phật Độ Tha được, thì những người đầu tiên mà Phật phải độ chính là gia đình của Ngài, thì những người đó còn phải đi tu làm chi ? Năm 2016, những trận động đất kinh hoàng đã làm sụp đổ bao nhiêu Tòa tháp cổ, cướp đi sinh mạng của cả hơn 9.000 con người ngay chính tại Népal là quê hương của Phật ! Năm 2017, một ngôi Chùa dát vàng xây dựng năm 2009 có tên Thiri Yadana Pylone Chantha trên bờ sông Ayeyarwa của Miến Điện cũng đã bị cuốn xuống sông. Cũng trong năm 2017, Trung Quốc đã phá dỡ phần lớn Học Viện Phật Giáo Larung Gar tại Tây Tạng. Đánh đập tu sĩ, buộc họ phải hồi tục. Hai tượng Phật to lớn được tạc trên cả một quả núi đã bị phá hủy do những nhóm người Hồi Giáo Pakistan mà với phương tiện hiện đại, nhiều nguời muốn phục dựng mà không làm nổi ! Những hiện tượng đó không lẽ không làm cho những người mê muội thức tỉnh ?
Tất nhiên chúng ta không cố súy cho những kẻ bạo ác, cố tình hủy hoại hình ảnh của Đạo Phật. Nhưng nếu Phật linh thiêng, quyền phép vô biên lẽ nào để cho hình ảnh tượng trưng cho tôn giáo của mình bị hủy hoại mà không trừng phạt những kẻ bất kính ? Phải chăng điều đó chứng tỏ lời Phật không bao giờ hư vọng : “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” ? và những điều ai chứng kiến cũng đau lòng như thế đã diễn ra, là để cảnh tỉnh những người theo Đạo Phật mà vẫn còn mê muội, vẫn tin vào sự cứu độ của Phật do một số người vì lợi dưỡng cá nhân quảng bá sai sự thật, đọc Kinh rồi “Y ngữ” mà giải thích, không cần tìm xem trong Kinh viết “Phật có quyền phép, có thể cứu độ cả Tam Thiên Đại Thiên” là thế nào ? Cõi đó ở đâu ? .
Đạo Phật ra đời gần 3.000 năm rồi. Một thời gian quá dài như vậy, trong số những vị rao giảng Đạo Phật có những bậc chân tu, có nhiệm vụ truyền bá Chánh Pháp mà cũng không thiếu những người mà kinh dạy là :”bụng trống lòng cao”, dựa vào bộ áo Cà sa để kiếm danh, lợi và nhàn thân còn được làm thầy mọi người, được ăn trên, ngồi trước ! Không cần có Trí Huệ cao siêu, chỉ cần xem một số căn bản của Đạo Phật mà ai cũng hiểu, so với những gì Phật Tử đang làm, chúng ta sẽ thấy :
- Phật dạy : “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” dạy người tu phải “Ăn ít, biết đủ”, thì cất Chùa ngày càng to, dựng tượng ngày càng lớn, tổ chức những buổi lễ linh đình rước kiệu, thả hoa đăng, xa xỉ, tốn kém trong khi bá tánh còn nghèo, cuộc sống còn lao đao, túng thiếu !
- Chư Tổ dạy : “Ly Kinh nhất tự đồng ma thuyết” , vì Kinh Đại Thừa là do các Tổ đã được Truyền Y Bát viết hay giảng theo mong mỏi của Đức Thích Ca, mục đích là để Phật Pháp được trường tồn, thì bị chính những Đệ Tử nhiều đời sau của Phật, trong màu áo Tu Sĩ - là những người lẽ ra có trách nhiệm duy trì, phổ biến con đường của Phật- xuyên tạc, bài bác, cho đó là không phải lời Phật thuyết, đòi dẹp bỏ, làm cho Phật Tử hoang mang ! Trong khi đó, chính họ lại xui Phật Tử đội Sớ để cầu xin Phật phù hộ, và làm phép trên bút cho sĩ tử trước khi đi thi ! Những điều đó không hề có trong Đạo Phật chân chính mà hoàn toàn mê tín, dị đoan ! Có vị chê trong Kinh ĐẠI THỪA toàn rác rưởi ! Tôi tin rằng nếu có đọc, và biết lời trong Kinh viết là của Chư Vị Giác Ngộ hẳn vị đó không dám mạo phạm !
Những việc làm, lời phát biểu đó chứng minh họ hoàn toàn không biết về giá trị của việc Truyền Y Bát và lời Thọ Ký “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, nên cũng không hiểu rằng Ba Đời Phật chính là Phật Quá Khứ, Phật Hiện Tại và Phật Vị Lai, và người được Truyền Y Bát, tức là đồng thời được Ấn Chứng, là Phật Hiện tiền thời đó, thì việc viết hay giảng kinh là sứ mạng của các vị. Chống báng, chê bai các vị là chống báng Phật!
Lục Tổ Huệ Năng dạy trong Pháp Bảo Đàn Kinh : “Chúng ngươi phải biết, tự mình mê còn dung được, sao dám chê bai Kinh Phật ? Chẳng nên chê bai Kinh mà phải tội chướng vô cùng”.
Lục Tổ dạy : “Biết, thấy tất cả mà lòng không nhiễm vương, dính líu là Vô Niệm” thì mọi người được dạy cột cái Tâm, chú tâm vào một việc, cho đó là Chánh Niệm ! Lục Tổ dạy : “Đối với cảnh mà Tâm không nhiễm gọi là Vô Niệm. Trong các niệm tưởng của mình Tâm thường lìa cảnh. Chẳng vì đối cảnh mà sanh Tâm. Bằng đối với mọi việc Tâm chẳng nghĩ đến, các động, niệm đều bỏ hết, và nếu một niệm dứt tuyệt thì chết liền và phải chịu đầu sanh vào chỗ khác. Đó là một điều lầm to. Người học đạo khá suy nghĩ”. Không tư duy, không tìm hiểu thì Trí Huệ sẽ không phát triển. Không có Trí Huệ thì người tu sẽ căn cứ vào đâu mà hành trì ? Cuối cùng sẽ về đâu ?
Lẽ ra Tu sĩ đi Tu là để thành Phật, thì lại trở thành chuyên Thờ Phật, làm trưng gian chuyển lời cầu xin của bá tánh đến Phật, và hướng dẫn cho bá tánh Thờ Phật, cúng kiếng, cầu xin để được ban ơn, giáng phúc, đổi xấu lấy tốt, trong khi Đạo Phật dạy Tự Độ, không hứa Độ Tha ! Đạo Phật dạy Tin Nhân Quả, thì những người hướng dẫn cầu xin, cúng kiến để trao đổi rõ ràng không phải là đệ tử chân chính của nhà Phật !
Đáng sợ nhất là nhiều người bản thân họ tu hành chưa biết kết quả về đâu mà còn thuyết pháp lôi kéo nhiều thanh, thiếu niên đang tuổi trẻ, sức khỏe tốt, học vị cao, nghề nghiệp xã hội cần, lẽ ra có thể đóng góp được nhiều thứ cho dân tộc, cho đất nước thì bỏ hết, vô Chùa, ngày tháng chỉ chuyên học pháp, tụng Kinh, Niệm Phật, dứt hết niệm tưởng, chỉ nghĩ đến Phật để chờ Phật rước ! Phải chăng đó là những “Con trùng trong thân sư tử, ăn thịt sư tử” mà Kinh vẫn đề cập đến ? vì không chỉ làm gánh nặng cho bá tánh mà còn góp phần làm cho xã hội trì trệ, bởi lôi kéo lớp trẻ có thể đóng góp cho đất nước vô Chùa, ngày tháng chỉ tụng kinh, Niệm Phật, không dám suy nghĩ gì ngoài Phật sợ thất niệm ! Họ không chịu xem kỹ lời Phật dạy : Nếu Phật muốn người tu phải bỏ đời, không được tham gia việc đời, sao còn dạy phải đền TỨ ÂN, dạy phải hoàn tất 32 Tướng Tốt cho Phật của mình?
Nếu hiểu hết mục đích của Đạo Phật chúng ta sẽ thấy : Người tu Phật không phải để chê chán, xa lánh cuộc đời. Trái lại công cuộc tu hành Quán sát, tư duy chính là khai mở sự hiểu biết sáng suốt để nhận chân giá trị về Thân, Tâm, về cuộc sống, về các pháp, rồi thanh lọc Thân Tâm để có cuộc sống bình thản giữa giòng đời đầy đau khổ, và làm hết trách nhiệm của một con người để trả ân cuộc đời. Người vào tu buổi đầu do bản thân chưa phân biệt đúng, sai, lợi, hại, nên Đạo Phật buộc phải Giữ Giới, phải đi trong Bát Chánh Đạo, phải Quán Sát, Tư Duy các Pháp, vì như một con bệnh rất nặng, giai đoạn đầu phải kiêng khem nhiều thứ, uống các loại thuốc để loại các độc tố, sau đó mới từ từ ăn uống bổ dưỡng lại. Khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, thì có thể ăn uống bình thường mà không trúng độc nữa, vì đã biết thứ nào ăn được, thứ nào có độc không được ăn. Con mắt phàm phu trước kia nhìn cuộc đời đầy thèm muốn, cứ đấu tranh để giành cho nhiều. Ăn không hết thì tích lũy, không dè tạo Nghiệp để rồi sau khi hết kiếp, bỏ cái Thân lại phải trả Nghiệp đã gieo. Nhờ Tư Duy mà có Trí Huệ để phân biệt. Biết rằng những thứ mình thèm muốn chỉ là tạm bợ, không giữ được mà còn có thể tạo Nghiệp để những kiếp về sau bị đọa, nên chẳng những chỉ dùng vừa đủ mà còn đóng góp để trả ơn cuộc đời.
Đạo Phật khai mở cách đây đã gần 3.000 năm. Mục đích thật sự của Đạo Phật là để cho con người có được một kiếp sống hạnh phúc. Nhưng vì con người đã Tham Lam mà còn cố chấp, không chịu buông bỏ cái hiện tại nếu không thấy sau đó họ sẽ được cái lớn hơn, giá trị hơn, quý hơn.. Vì thương bá tánh nên Chư Phật phải lập ra nhiều phương tiện để dẫn dụ. Với người ham Quả Vị cao thì hứa hẹn sẽ thành Thánh, thành Phật, ngồi trên đài Sen cứu độ chúng sinh. Với người ham Châu báu thì hứa sẽ được về Tây Phương Cực Lạc, là Cõi Phật được hình thành toàn châu báu, là những thứ mà người cho con người ham thích, tranh giành nhau để chiếm đoạt ! Người muốn cảnh thanh tịnh, thoát tục thì có cảnh Niết Bàn. Tất cả là tùy theo sự mê chấp của người đời để họ mong đạt được điều đó thì phải hành theo những hướng dẫn, xả bớt những đeo bám trần cảnh, bớt tranh giành với nhau, để tất cả mọi người đều được một cuộc đời hạnh phúc, an vui trong kiếp sống, dù nói rằng ngắn ngủi, nhưng cũng kéo dài cả trăm năm.
Mục đích của Đức Thích Ca khi khai mở Đạo Phật được ghi rõ trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA : “Ta thấy các chúng sanh bị những sư Sanh, Già, Bệnh, Chết, lo buồn khổ nào nó đốt cháy, cũng vì năm món dục, tài lợi mà bị các điều thống khổ. Lại vì đeo đuổi tìm cầu nên hiện đời thọ khổ Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Nếu sanh lên trời và trong loài người thì nghèo cùng khốn khổ, bị khổ về người yêu thường xa lìa, kẻ oán ghét lại gặp gỡ. Các món Khổ như thế mà chúng sanh chìm trong đó vui vẻ dạo chơi, chẳng hay, chẳng biết, chẳng kinh chẳng sợ, cũng chẳng sanh lòng nhàm, không cầu Giải Thoát. Ở trong Nhà Lửa Tam Giới này đông tây rảo chạy, dầu bị khổ nhiều vẫn chẳng lấy làm lo”. Nhưng cũng vì chúng sanh quá mê muội, nên Phật phải dùng phương Tiện mở ra Ba Thừa : Thanh Văn, Duyên Giác và Phật Thừa để dụ cho chúng nó ra, như người cha thấy các con mải mê chạy giỡn trong ngôi nhà sắp sặp mà hứa cho chúng nó xe dê, xe trâu, xe nai là những thứ chúng ưa thích, để cho đứa nào dù ham đồ chơi nào mà chạy ra khỏi ngôi nhà lửa thì đều có kết quả thoát chết như nhau.
Kết quả của con đường tu Phật được Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA diễn tả : “Các chúng sanh này nghe Pháp rồi, hiện đời an ổn, đời sau sanh về chỗ lành, do đạo được hưởng vui và cũng được nghe pháp. Đã nghe pháp rồi lìa khỏi các chướng ngại, ở trong các pháp theo sức mình kham được lần lần vào đạo”. Mục đích của Đạo Phật chỉ có thế.
Trước khi tu hành thì cuộc đời là Bể Khổ, đầy Phiền não. Người muốn thoát Phiền Não nên vào tu hành. Đầu tiên, họ sẽ được dạy giữ một số Giới, đi trong Bát Chánh Đạo và Ngồi Thiền để tập trung Quán sát, tư duy để có cái nhìn chính xác về bản Thân, về cái Tâm, về Các Pháp. Sau khi hiểu rõ: Sở dĩ con người phải Khổ là do cái Vọng Tâm. Do nó mê lầm nên CHẤP THÂN hay CHẤP NGÃ, rồi CHẤP PHÁP làm cho cuộc sống thêm điên đảo, thì Chuyển cái Vọng Tâm thành Chân Tâm. Chuyển Phiền Não thành Bồ Đề. Chuyển Mê thành Ngộ, chuyển trần gian xao động thành Niết Bàn thanh tịnh. Lục Tặc thành Lục Hộ Pháp gọi là Chuyển Pháp Luân. Công việc CHUYỂN PHÁP này gọi là công năng tu hành. Khi hoàn tất, người tu sẽ không còn bị Các Pháp khảo đả, mà sẽ được hưởng một cuộc sống an lạc, hạnh phúc, giữa cõi trần đầy xao động, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn.
Tất cả đều diễn ra trong Cõi tâm. Vì thế Kinh DUY MA CẬT viết : “Bồ Tát nếu muốn được Cõi Phật thanh tịnh nên làm cho Tâm thanh tịnh. Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh”.
Niết Bàn không phải là một cõi xa xôi tận Đông phương, Tây Phương, chờ chết mới được về. Khi hết Duyên, hết Nghiệp cũng không cần Phật nào đến rước, mà Nhân Quả của mỗi người sẽ quyết định cảnh giới sắp đến sau khi bỏ thân xác giả tạm. Chính vì vậy mà đạo Phật cũng gọi là Đạo Nhân Quả. Đã là Nhân Quả thì không có việc đổi xấu hay tốt hay xin khất, xin giảm, xin trả chậm.. mà phải Sám Hối và không tạo Ác Nghiệp nửa, vì không có thần linh nào cầm cân nẩy mực hơn là Thần Thức của chính mình. Tự nó ghi nhận và luận tội, phước, nên không thể nhầm lẫn hay thiếu sót được. Tự mình làm nên tự mình phải chuyển đổi, không Phật, Bồ Tát nào bên ngoài có thể chuyển đổi giúp ta được.
Trong hầu hết các Tôn Giáo hiện đời, Đạo Phật là một Tôn Giáo duy nhất không dạy tôn sùng Giáo Chủ là đấng sáng lập. Không nói rằng Giáo Chủ sẽ cứu độ cho tín đồ, mà nói rằng tín đồ phải Tự Độ, tự gây Nhân Thiện để được hưởng Quả lành. Kinh có nói rằng « Phật, Bồ Tát cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế giới », những đó là Phật, Bồ Tát trong Nội Tâm của mỗi người, và Tam Thiên Đại Thiên Thế giới đó là những « Chúng sinh khởi », cũng ở trong tâm của mỗi người, không phải bên ngoài vũ trụ. Đó là sự khác biệt giữa Đạo Phật và những tôn Giáo khác. Do đó, Đạo Phật cũng có tên gọi là NHẤT THỪA, hay PHẬT THỪA, so với những tôn Giáo khác, Tín đồ phải tôn thờ, cầu xin Giáo Chủ, là Nhị Thừa hay Quyền Thừa.
TU PHẬT là hành trì để được GIẢI THOÁT hay THÀNH PHẬT. Giải Thoát không phải để trở thành Thần Linh, mà chỉ là Giải Thoát khỏi những nỗi Khổ đang đè nặng lên kiếp sống, mà nếu kiếp hiện tại không làm được thì nó có thể làm ảnh hưởng đến vô lượng kiếp về sau. Ta có thể tạm dùng thí dụ là một người nghèo khổ quá. Muốn thoát nghèo, nhưng thay vì làm việc siêng năng hơn để cải thiện thì anh ta lại trộm, cướp để chóng thoát nghèo. Hậu quả là không thoát nghèo mà còn bị bắt, bị bỏ tù, ra tù còn khốn đốn hơn ! Con người hiện tại đang Khổ. Thay vì những Tôn Giáo khác sẽ hướng dẫn cho Tín Đồ cầu xin Giáo Chủ, vì cho rằng Giáo Chủ cầm nắm, quyết định số phận của Tín Đồ, tùy ý ban cho, tốt thì nhờ, xấu thì xin giảm.. thì Đạo Phật hướng dẫn con người nhận diện nguồn gốc Khổ và sửa chữa ngay Gốc của vấn đề để không còn Khổ nữa, vì quan niệm rằng con người sở dĩ KHỔ là do bản thân họ đã gây tạo, không phải do ai áp đặt cho.
Do vậy, Đạo Phật không dạy Cầu Xin để Thượng Đế hay Thần Linh thay đổi số mạng giùm cho con người, mà hướng dẫn cho con người TỰ MÌNH CẢI SỐ bằng phương pháp trực tiếp tìm nguyên nhân rồi sửa đổi. Để tìm một cách hữu hiệu, người muốn thay đổi số phận phải Dừng hết mọi hành động, suy nghĩ, mà tập trung tư tưởng để tìm cách thức, vì thế có THIỀN ĐỊNH. Tư Duy trong lúc Thiền Định gọi là CHỈ QUÁN SONG TU. Sự hiểu biết làm cho hành giả thấy rõ, hiểu rõ thêm nguyên do ràng buộc cũng như cách thức tháo gỡ những gì đã ràng buộc gọi là TRÍ HUỆ. Vì thế, Kinh viết là « Tam thế chư Phật y theo Trí Huệ đáo bỉ ngạn mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác» và khẳng định là « Chúng sanh về sau cũng phải tu hành như thế », vì không cách nào khác hữu hiệu hơn cách này.
Tu Phật là để Thành Phật. Tu Phật là phải Thành Phật. Nhưng cả mấy ngàn năm qua, mọi người đã để mặc cho các Tu Sĩ hướng dẫn vì hoàn toàn tin tưởng nơi họ. Thế nhưng, ngày càng lộ rõ, không phải tất cả những người khoác áo tu sĩ đều tu hành chân chính, thông thạo Giáo pháp để dẫn dắt mọi người cách thức tu hành đạt kết quả. Trái lại, có quá nhiều người lợi dụng sắc áo tu hành của nhà Phật, trà trộn vô đó để vừa được ăn trên, ngồi trước, vừa được nhàn thân ! Lẽ ra họ tu học nghiêm chỉnh để giảng dạy cho bá tánh, theo đúng cách thức mà Chư Vị Giác ngộ để lại, để tất cả đều được Thành Phật, nhưng ngược lại, họ chỉ hướng dẫn mọi người theo Nhị Thùa, Quyền Thừa, cầu xin, nương tựa vào Chư Phật, Chư Bồ Tát, để rồi gần 3.000 năm qua chỉ thấy Chùa cất ngày thêm nhiều, Tượng ngày thêm to, Phật Tử Quy Y ngày thêm đông, mà không thấy có được một vị nào Chứng đắc. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Phật Tử phải tự tìm Trí Huệ để hướng dẫn lấy, vì Phật cũng đã dặn dò : “Mỗi người phải tự đốt đuốc lên mà đi”, đừng nương đuốc của người khác, tức là phải Tư Duy để có Trí Huệ để tự soi đường mà đi.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi : Mục đích của Đạo Phật là gì ? Tu hành theo Đạo Phật là như thế nào ? Thế nào mới là phát Tâm chân chính ? Thế nào là dùng Vọng Tâm mà phát ? Thiền Định là gì ? Tại sao Đức Thích Ca Ngồi Thiền chỉ 49 ngày là Đắc Đạo còn người thời sau ngồi năm này sang tháng kia, cả một đời mà không thấy đắc đạo ? Họ ngồi sai tư thế, hay trong lúc Ngồi còn phải làm gì ? Tánh là gì ? Làm thế nào để Thấy ? Tại sao Đức Thích Ca Thọ Ký cho « Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành » ? Thành Phật là như thế nào ? Muốn Thành Phật phải làm gì ? Khởi tâm muốn Thành Phật có Tăng thượng Mạn không ? Đạo Phật là Đạo Độ Khổ. Vậy muốn hết Khổ có phải cầu xin Phật Độ cho không ? Hay phải làm gì ? Tự Độ là gì ? Tại saoTu Phật là TU TÂM ? Tâm là gì ? Ở đâu ? Làm sao Thấy ? Tu Tâm là tu như thế nào ? Chúng Sinh là gì ? « Độ Chúng sinh » là làm gì ? Đó là một số câu hỏi mà mỗi người muốn tu Phật phải tìm câu trả lời trước khi « hạ thủ công phu », vì hết sức vô lý khi bỏ đời để đi tìmmột thứ mà không biết thứ mình phải tìm là gì ? Không biết đối tượng mình muốn tìm là ai ? mặt mũi ra sao ? thì làm sao gặp được ? Đạo Phật đòi hỏi người tu phải có TRÍ HUỆ, mà Trí Huệ chỉ là sự hiểu biết về những điều cần thực hành. Càng hiểu rõ thì hành mới đúng, mới đưa đến kết quả.
Đơn cử một pháp THIỀN ĐỊNH thôi. Mấy ngàn năm rồi, Chùa chùa đều dạy Ngồi Thiền, người người, nhà nhà đều Ngồi Thiền mà sao không thấy có vị Giác Ngộ xuất hiện nhờ Thiền, mà chỉ có vài người tự xưng là Thiền Sư và được mọi người xưng tán thôi ! Bài học của Sư Hoằng Nhẫn dạy cho Mã Tổ Bách Trượng đã chỉ cho chúng ta thấy : « Ngồi Thiền không thể Thành Phật được ». Vậy phải Ngồi như thế nào mới thành Phật ? Đó là câu hỏi mà lẽ ra mỗi chúng ta phải tự đặt ra cho chính mình trước khi bước vào thực hành môn THIỀN ĐỊNH, bởi hết sức vô lý khi ta làm một việc mà không biết tại sao phải làm ? Phải làm như thế nào ? Làm tới đâu ? Không lẽ cứ Ngồi ỳ ra đó rồi lúc nào đó sẽ « đột nhiên hoát ngộ » ? Mà đã biết ngộ là thế nào để lúc nó đột nhiên đến thì nhận ra ? . Đó là lý do Phật dạy phải khai mở CÁI BIẾT. Biết mình đang tìm gì ? cách nào tốt nhất để thực hành cho đạt hiệu quả.
Phật dạy có 5 điều Khó được. Một trong 5 điều đó là “Nhân thân nan đắc” . Nếu chúng ta không chịu khai mở Trí Huệ, để tiếp tục tu hành trong mê mờ, thì đó là chính mình để phí đi thời gian trong kiếp sống hiện tại một cách vô ích. Biết kiếp sau có còn đủ phước được sinh ra được nơi quốc độ có Đạo Phật lưu thông hay không ? Do đó, người ý thức tầm quan trọng và lợi ích của việc tu hành hẳn không dám coi thường mà không chịu khai mở TRÍ HUỆ vậy.
Tháng 7/2023