KẾT.
C
uối tháng sáu vừa qua, Đỗ và trung sĩ Bảng ra Đà Nẵng công tác. Đầu tiên đi tìm gặp đại tá xếp để phỏng vấn sinh hoạt sư đoàn Không quân mới thành lập. Lại không được gặp vì quan bận đi dự một đại hội, nôm na hơn chưa có mặt ở nhiệm sở. Cả hai đi tìm Trần Viễn Phương khoảng bốn giờ chiều, gặp anh đang ngồi ở bàn viết, cởi trần, trừ một quần đùi. Có lẽ truyện ngắn cuối cùng trong đời nhà văn phi công là Cồn Cát Láng . Gặp Đỗ, đưa ngay xe gắn máy, dặn vơi theo ra phố chơi thì nhớ về ăn cơm khoảng sáu giờ chiều. Phương và Tự ở chung một phòng, trên bàn viết còn tập bản thảo đang viết, ngoài bìa có hàng chữ Phượng Hoàng Bộng. Đỗ và Bảng trở lại sư đoàn không là sáu giơ chiều mà là 11 giờ đêm. Hai tên bạn trách tại sao không về ăn cơm chiều để họ chờ. Thoái thác đi rong chơi cho đã cái thú giang hồ vặt. Cả hai phi công lại rủ hai người đến quán nhỏ mang tên quán cháo gà cô Châu nhậu chơi. Sau Đỗ mới hay, khi thấy Đỗ và Bảng ra, Phương đi vay được hai ngàn đồng để thết bạn. Nhưng không thấy Đỗ và Bảng về như đã hẹn; thì giờ đây dùng hai xấp để thết cháo gà vậy. Quán nhỏ cô Châu ở trong Khu gia binh noi tiếng ngon và anh em phi công thường rủ nhau đến đây vừa ăn, uống vừa tán chuyện gẫu với cô chủ xinh xắn có duyên. Trong bàn nhậu, biết bao là chuyện kể, đấu láo về chuyện trên trời, dưới đất, chuyện hippies, đến chích choác, đến thân phận hèn mọn của lính nhược tiểu thường ngày giao thiệp với cố vấn Huê Kỳ. Và xôm trò nhất kể lại chuyện bọn lính được gọi đích danh Xuân Tóc Đỏ đương thời nhiều như châu chấu, chỗ nào cũng có bọn “bưng bô tướng đái, rước gái tướng chơi” . Khoảng nửa đêm, một phi công trẻ khác, Lý Hợp trở về phòng ngủ thấy Đỗ và Bảng có mặt, chàng nhường phòng. Sáng hôm sau dậy, đã nghe thấy tiếng Trần Viễn Phương gọi ơi ới sang bên này lấy xe Honda ra phố rong chơi. Hết ngồi trong quán Quỳnh Châu lại sang cà phê Dũng, rong chơi khắp nơi, quên cả lời hứa về ăn cơm như đã hẹn với bộ ba: An, Tự và Phương. Chỉ huy trưởng là bạn học chung với Đỗ ở Hà Nội, vẫn còn độc thân vui tính. Sáng hôm sau, Đỗ và Bảng ra Air terminal trở về Tân Sơn Nhất gặp lại phi công Trác Vũ, trưởng phi cơ máy bay Cargo 119. Có cả Tự ra đưa tiễn, trong khi sửa soạn lên máy bay, bỗng nhìn thấy một trung tá Khối chiến tranh chính trị Sư đoàn dẫn một thiếu niên ra bãi xin “pắc” . Đỗ nhận ra ngay là xếp Nhân Hậu. Ông gặp ai cũng nở nụ cười xã giao, lấy lòng mọi người, khi gặp Đỗ bèn nói lớn cho cùng nghe: - Tôi với anh Đỗ đây là bạn quen cũ. Khi học xong khoá ở Pháp về tôi in tập thơ vào thập niên 50 là quen anh Đỗ vào thời ấy. Khi anh đồng hoá vào Không quân đến nay chúng tôi chưa gặp nhau. Sao lần ngoài này không báo cho anh em biết, mà tệ thật chẳng ghé qua chỗ tôi? Phi công Tự có bộ râu quai nón trông rất hùng, lại mặc bộ combinaison đen; nhìn sang cậu bé hỏi với giọng hết sức trịch thượng: - Cậu bé này là con đại tá Ba Bộ Tư lệnh ? Trung tá Hậu đỡ lời thay: - Là con trai đại tá Ba, Bộ Tư lệnh. Ra đây chơi rồi bố cháu gọi điện thoại nhờ tôi xin “pắc’ cho cháu về Sài Gòn kịp đi học. Quay sang cậu học sinh, Tự hỏi: - Này em, cậu học sinh ngây thơ vô tội này, có đúng em là con trai của đại tá không? Cậu bé lí nhí đáp: - Thưa chú đúng ạ. - Trong quân đội không chú, cháu mày con nhà lính, như bố mày thì phải tập dần cho quen. Nhìn thấy tao đeo lon đại úy là thưa đại úy, lon cũ xì trên vai này là đại úy cụ thâm niên, hiểu chưa? Tao khuyên chú mày chẳng cần phải về Sài Gòn sớm làm gì nói là kịp đi học như trung tá đây vừa cho hay vậy ấy mà. Mày biết tại sao không? Bởi lẽ thằng bố mày bây giờ là đại tá, thì xưa kia có cần học hành gì đâu mà bây giờ cũng đầy uy quyền. Tao khuyên thực chú mày đấy cứ bắt chước bố mày đi. Đỗ liếc nhìn sang cậu bé, nét mặt cậu sa xầm lại và Xếp Nhân Hậu thấy tình hình thật gay cấn ben quay sang phía trưởng phi cơ Trác Vũ nói như là phân bua: - Đại tá Ba điện thoại cho nhờ xin pắc cho cháu này đây, như tôi đã nói với trung úy trưởng phi cơ trước rồi và xin quí vị giúp cho. - Trác Vũ này. Lúc nãy tao thấy mày trả lời với mấy người đến xin pắc rằng máy bay trục trặc, hỏng hóc chi đó không thể chở nhiều. Thế bây giờ mày có dám nhận thêm con của đại tá Ba xếp xòng ở bộ Tư lệnh Không quân. Thôi nhận đi, cậu bé này cũng nhẹ ký thôi mà. Trác Vũ biết Tự nói móc, ở đây Tự được coi như có quyền uy tối hậu như vua con, bèn quay sang xếp Hậu lễ độ thưa lại: - Trình trung tá, chỗ thì chẳng thiếu và cậu bé này cũng chẳng nặng là bao; tôi nhận thấy hoa tiêu Tự nói có phần đúng. Là thế này trung tá, việc học hành tuy quan trọng thật nhưng trễ một ngày có sao đâu. Thưa trung tá, tôi đã từ chối hành khách đến xin pắc , chẳng lẽ lại nhận lệnh của trung tá để nhận cho em này một pắc sao? Mong được cảm phiền. - Mày mới đúng là phi công Cargo đấy Trác Vũ ạ! Tự vừa nói vừa cười, nhìn trung tá dắt cậu bé rời khỏi phi đạo. Rồi cách hai tuần sau. Trung sĩ Bảng báo tin cho Đỗ biết Trần Viễn Phương đã qua đời; Khiến Đỗ sửng sốt, thêm một bạn khác nghe vậy thêm lời bình: - Có ai biết sau khi phi công chết được chôn cất ra sao không? Người ăn thịt người là ngợm ; chó ăn thịt chó là má ; gà ăn thịt gà là qué... Và còn tình bằng hữu đối xử với nhau đến lúc chết, như trung tá Hậu đối với phi công kia còn chó hơn cả chó, má hơn cả má... Thế làm sao còn bô bô cái miệng là tình huynh đệ chi binh hỡi Xếp Hậu, sao không cho nhau mượn được một chiếc xe Dodge để chở xác Trần Duy Mỹ phi công ra khỏi phi trường? Chẳng lẽ tình huynh đệ chi binh chỉ có trên môi mép tâm lý chiến? Một anh lính khác thêm vào: - Một thằng chết đi có nghĩ lý gì? Nhưng thằng còn sống ở lại mà nhìn thấy cảnh đối xử bất công của tình huynh đệ chi binh như vậy thì quả là chó má hết chỗ nói!. Lại một lính Không quân khác bình theo kiểu lời bình Mao Tôn Cương: - Đúng, mang tiếng kiêm trưởng khối tống táng lại không tống táng đàng hoàng đúng nghĩa huynh đệ chi binh thì nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ, tiền nhân dạy thế!. Thằng nào chết đi mà chẳng chui vào sáu tấm; hỡi những tên sáu tấm còn sống đành lòng bất nhẫn với các bạn hữu qua đời sao? Chẳng lẽ các ngươi đều thuộc vào bọn bất cố vô liêm sỉ trên cõi đời ô trọc này sao? Mười tháng ba 75, Ban Mê Thuột đã vuột khỏi tay Việt Nam Cộng Hoà. Tin này làm rúng động dư luận trong và ngoài nước, mọi người đều ngẩn ngơ, xôn sao. Đỗ đi đón vợ, hàng ngày vợ anh đi làm ở Đài Phát Thanh Sài Gòn bằng chiếc xe máy Honda cà tàng mà Nguyên Vũ giới thiệu mua hộ. Cái khoá dùng để khoá cửa máy bay nay được dùng cho chiếc xe gắn máy được vòng qua sợi giây lòi tói, mà như con mắt nhìn bình phẩm Lý Đại Nguyên, thì: “...cái khoá này giá trị hơn chiếc xe đó, em ơi...” Có khi mấy ngày liền, Đỗ rong chơi với bè bạn, dùng cái khoá ấy khóa chiếc xe dựng cạnh lề đường quán La Pagode đường Tự Do. Hàng ngày, có khi Đỗ đến đón vợ sớm hơn giờ tan sở, anh đậu xe lại, ghếch chân lên ghế xe ngồi nhìn mọi người qua lại, ai nấy vào ngày này có nét mat lo âu. Ngay cả Đỗ cũng không khác hơn, lo âu về chiến cuộc cùng vụ việc mới xảy ra, chiến trận biên giới Tây Nam không còn yên tĩnh. Đỗ nhớ đến một người bạn Mỹ mua sách tiếng Anh của Đỗ, mời vợ chồng anh đến ăn cơm chiều. Độc giả này là luật sư Husband, người Hoa Kỳ. Tên thật luật sư Husband rất nôm na, dân giã như tên dân quê Việt Nam. Như con trai đặt tên là Đực, con gái là Gái, thì độc giả người nam này có tên Husband , tất nhiên khi lấy vợ thì đúng là husband rồi còn gì? Nhà riêng luật sư Husband ở 39C Duy Tân một biệt thự trệt thuê lại của một bác sĩ chuyên khoa mắt nổi tiếng. Bữa cơm chỉ có hai vợ chồng Đỗ. Khi đầu bếp nữ còn là quản gia bưng thức ăn dọn lên bàn, Husband giới thiệu: - Đây là vợ một cảnh sát dã chiến đã chết vì công vụ. Bà ấy không những là Bắc di cư, còn là thành phần Công giáo Phát Diệm. Husband không giải thích thêm tại sao lại chọn quản gia với ba yếu tố ấy; nhưng Đỗ cũng dễ nhận ra ngay rằng người Mỹ này sợ khỏi bị nội công nguy hiểm hơn ngoại kích. Đỗ nhớ lại sở dĩ quen Husband , qua sự giới thiệu của một linh mục Dòng Tên gốc người Canada ở Trung tâm Đắc Lộ mua tác phẩm dịch sang Anh ngữ, và sau này Husband cũng là độc giả mua rất nhiều sách của Đỗ. Husband còn cho biết lần này trở về Mỹ, ông sẽ lại hành nghề luật sư ở bang Minnesota , mà Đỗ thường gọi đùa bang Mỹ nó sợ ta. Luật sư Husband hỏi liệu tình thế như bây giờ, thì gia đình Đỗ có ý hướng nào mới giải quyết không? Ông ta còn trẻ, lịch lãm, Đỗ đoán chừng trạc tuổi trên dưới ba mươi, chẳng cần phải hỏi ông ta làm nghề gì, ở đâu, cũng đoán biết được. Qua câu chuyện kể, ông thường theo phái đoàn bốn bên ra Hà Nội, mua được nhiều sách bên kia đủ chủng loại: văn học, lịch sử, địa lý v.v... Husband lại giải thích cho vợ Đỗ rằng bạn bè trong sở có người thích mua tranh sưu tập, còn ông sưu tập sách, nhờ đó mở mang chân trời du lịch cũng như giàu có tâm hồn. Quay sang phía vợ Đỗ, ông ta lại hỏi đại để có phải Khuê giao sách cho linh mục nọ, và Khuê nói đây là lần đầu tiên nhận 50 USD, và tại sao không trả bằng tiền Việt Nam? Trả lời mua sách ngoại ngữ tiếng Anh tất phải trả bằng đô mới hợp lý. Ông lại kể chuyện cho vợ chồng Đỗ, có rất nhiều thiếu nữ Việt Nam hỏi tại sao không lap gia đình; để khi về Mỹ có bên cạnh một bạn gái Việt Nam dễ mến, và nếu bằng lòng, họ sẽ giới thiệu cho. Luật sư kể chuyện rất dí dỏm, chắc cô vừa kể chuyện định giới thiệu người đáng giới thiệu là chính cô ta đó. Đây cũng là cách để cô cùng gia đình ra khỏi nước hợp pháp. Còn rất nhiều thương gia Hoa Kiều ra giá trả bằng đô mua visa xuất ngoại, Husband không nhận lời, còn giải thích thêm một khi tình thế hiện nay xoay chuyển, nếu có; thì sau này ai xuất ngoại được sẽ trở thành công nhân viên chức với đồng lương tương xứng với sức lao động bỏ ra. Quay sang phía Đỗ, Husband nhấn mạnh, như nhà văn đây chẳng hạn ở lại nước thì sẽ không còn cơ hội nào in tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ, cũng như dịch ra Anh, Pháp nữa. Husband hỏi Đỗ hiện nay đang viết tác phẩm gì, và cuốn bút ký “Tôi đi dân vệ Mỹ” là tài liệu sống thực, cảm nghĩ của một người có một vai trò cốt cán xác định cho sự thay đổi chương trình. Và tác phẩm Đỗ chứng tỏ bất khuất trước áp lực mua chuộc, và tất nhiên giới chức có thẩm quyền phải lưu tâm. Husband đi lại tủ gần đó lấy ra một tờ báo tiếng Anh, tờ “Saigon Daily News” , rồi đưa cho Đỗ, lấy tay chỉ vào trang nhất , hai cột có bài của phóng viên Nguyễn Ngọc Lương viết về cuốn ấy, qua bản dịch “The Ordeal of The American Militiaman”: “...The Phong considers himself an American simply because he was employed by the Americans. For two years he was a lecturer in politics at the Vung Tau Training Center which produced cadres for the Government s pacification program. He was in a vantage position assesses the chance of the program, and his book is a tough but constructives warning to the authorities concerned...” - Riêng tôi, Husband nhấn mạnh , tôi có thể nói nhỏ với nhà văn, cuốn sách này làm cho giới chức có thẩm quyền liên hệ về vấn đề này điên đầu. Sau bữa cơm, luật sư Husband tiễn vợ chồng Đỗ ra cửa, còn khéo léo nhắc nhở tình hình chính trị sôi động hiện nay. Không nói thẳng thừng ra như vậy, nghe xong vợ chồng Đỗ hình dung trong đầu; rồi ra Sài gòn cùng lắm cũng như một HongKong thứ hai. Tuy nhận định này chưa hẳn sáng suốt, của người am hiểu diễn biến thời cuộc thế giới. Trên đường về nhà ở Cư xá không quân Tân Sơn Nhất, Đỗ nảy ra ý nghĩ, ngay bây giờ phải tận dụng cái bể chứa nước mưa làm hầm trú ẩn có chiều sâu hai thước dưới lòng đất. Thì như vậy mói có thể tránh được những cơn pháo như mưa bấc vào sân bay. Khuê cũng cho là phải và họ chuẩn bị cấp tốc cái hầm trú ẩn khá an toàn này. Trên nắp hầm phải có những bao cát cao chừng một thước mới chống nổi sức công phá của hỏa tiễn 108 ly Trung hoa lục địa và 122 ly Liên Xô, Đỗ nhớ lại cái hào nhỏ ở phía trước sân cột cờ Bộ Tư Lệnh Không quân, do những trận pháo vào đây, và đại úy Phát đong sự nói đùa rằng ở đây có thể nuôi cá được. Đại úy Phát xưa là trưởng trạm Hàng Không Quân sự Đà Lạt thuyên chuyển về đây là bạn cũ, thường xuyên vào chơi với gia đình Đỗ giúp nhiều công việc vặt trong gia đình như là tình anh em ruột thịt. Có lần Phát chở anh đi mua hai miếng tôn kiếng tạo ánh sáng trời cho gian nhà dùng làm bếp núc, rồi Phát chở Đỗ trên chiếc scooter ở ghế phía sau ôm hai tấm tôn cuộn tròn lại. Bởi lẽ nếu chuyên chở bằng xe thuê vào Căn cứ Không quân rất phiền phức, thủ tục ra vào cổng cũng rất phiền hà. Phát lại có sự chung thủy với bè bạn ít nói; nhưng chân tình không thiếu. Chẳng hạn hầm trú ẩn thường bị nước thấm rò rỉ vào, Phát đưa ra ý kiến tát cho cạn nước, để cho khô, mua xi măng trộn với nước quét lên nhiều lần, tự nhiên hầm sẽ khô ráo không còn bị thấm nữa. Mà quả đúng như vậy, kinh nghiệm thực nghiệm kia giúp cho đời sống hàng ngày hiệu nghiệm. Có lần Đỗ bảo với Phát, giá anh chàng này viết truyện chẳng hạn, thì nhân vật chính trong truyện của Phát sẽ chẳng kém gì nhân vật truyện của nhà văn Lê Văn Trương, và lại còn mới và hay là khác! Đỗ khuyên Phát nên đọc cuốn sách biên khảo bàn về văn học Việt Nam “Introduction à la littérature vietnamienne của Maurice M. Durand và Nguyen - Tran Huan mới in ở Paris. Nếu Phát thích thì nên dịch sang Việt ngữ. Vì vốn chữ Hán của Phát, có thể chuyển âm từ tiếng Pháp, qua tên riêng các triết gia. Văn thi sĩ Trung Quốc có ảnh hưởng đến văn chương Việt Nam. Đỗ lấy thí dụ “Han Kao Tsou”, Phát đọc rồi chú thích bằng bút chì Hán Cao Tổ, “Han Kouang Wou” là Hán Quang Vũ chẳng hạn; “Kang You Wei” rất xa lạ với độc giả Việt thì lại là Khang Hữu Vi quen thuộc hay “Li Po” là Lý Bạch; “Kiang Tseu Ya” thì đó là chàng câu cá đợi thời Khương Tử Nha. Rồi đến “Pai You Ki” là gì nhỉ, giản dị chỉ là Bạch Cư Dị mà thôi. Lại còn tên được phiên âm sang La tinh ngữ như “Seu-Ma Tiang-jou” thì đành chịu, với tôi thôi, giản dị chỉ là Tư Mã Tương Như. Còn một số danh từ khác quen thuộc, thì chẳng cần nói làm gì, như “Sun Yat Sen” thì ai ai cũng biết là Tôn Dật Tiên. Về sau này mỗi khi giở cuốn sách ấy ra, ở trong “Bản Liệt Kê Tên Riêng” ở sau cuốn sách thì Phát đã chú thích gần đủ hết, chưa kịp dịch ra tiếng Việt vì hoàn cảnh thời cuộc bây giờ chẳng ai còn bình tâm tiếp tục làm. Về đến nhà, Đỗ cởi quần áo ra treo trên mắc, anh bắt đầu tát hết nước trong bể ra chuẩn bị tái tạo thành một hầm trú ẩn gia đình. Anh làm quên mệt, quên cả ăn cơm,
càng lo hơn nữa khi tin chiến sự thông báo trên radio về tình hình chiến sự nóng bỏng, áp lực quân sự vùng Một, vùng Hai, vùng Ba ... nhất là Sàigòn
trung tâm nhận loạt pháo kích, càng nhiều hơn nữa vẫn trọng điểm sân bay Tân Sơn Nhất. Một khi máy bay ở hậu cứ còn an toàn, muốn tránh những khẩu pháo từ xa nã vào
và tất nhiên hầm trú ẩn của gia đình Đỗ càng phải kiên cố nhiều hơn. Gia đình hàng xóm thường ra chỉ làm hầm trú ẩn dã chiến, bao cát được chất lên giường mỗi khi
nghe tiếng ùng oàng chuyển xuống đất nằm. Còn gia đình Đỗ năm đứa con còn nhỏ cả, lúc nhúc từ ba đến chín tuổi không dễ dàng nhẩy ra khỏi giường chui xuống hầm,
vợ chồng Đỗ đã thỏa thuận với nhau, mỗi tối xuống hầm ngủ trước cho an toàn. Bỗng dưng Đỗ lại nghĩ đến Trại David , tên người Mỹ đặt cho một trại lực lượng bốn bên trú tại Tân Sơn Nhất, chỉ cách nhà ở của Đỗ vài con đường.
Nơi này có thành phần hai phái đoàn ở cạnh nhau: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ăn ngủ tại đó để làm
việc với Việt Nam Cộng Hòa và Huê Kỳ. Xếp Tiên Không quân cho đào hầm xung quanh sâu hơn một thước, ngang hai thước, bơm nước vào đấy.
Cuộc sống của hai phái đoàn rất êm ả, chiều chiều mặc áo may ô, quần đùi, dượt banh ở sân bóng rổ, hoặc chăm sóc liếp trồng bắp.
Ở ngoài nhìn vào, Đỗ có ý nghĩ rất khôi hài, có khi nào hoả tiễn lại pháo trúng nơi này không? Cho đến khi Tân Sơn Nhất bị pháo tơi bời thì nơi này vẫn được an toàn.
Một lần Đỗ được chứng kiến tận mắt sân bay bị pháo; họ nhảy xuống đúng hào làm chỗ nấp. Về nhà Đỗ kể lại tình hình ở ngoài phố, thiên hạ nhao nhao đèo nhau trên xe máy,
xe hơi với đồ đạc đầy nóc như tìm cách di tản; nên vợ chồng anh cũng bị hoang mang. Và khi Phát vào chơi, giục Đỗ lấy cái túi lớn hỏng giây kéo đem ra chợ Tân Định
sửa lại và cả hai tạt vào Brodard như muốn ngồi lâu hơn. Có linh tính như không dễ biết được, Đỗ bảo Phát vậy, rồi ra liệu có còn được ngồi
ở đây tọa hưởng nữa không? Nhớ lại lần đi xem phim cao bồi Viễn Tây, phim Bố Già ở rạp Rex vào buổi chiếu dành riêng cho báo chí, truyền thanh,
truyền hình do Mai Trung Tĩnh rủ rê. Anh ta nói với Đỗ: - Xem đi, chứ sau này chắc gì còn được xem, tôi có sẵn hai thiệp mời đây. Đỗ không nói ra nhưng trong thâm tâm mỗi người như đã biết trước cả. Còn Phát lại chủ quan cho biết đến giờ chót hãy hay, phi vụ có sẵn, bởi anh là chuyên viên không vận. Có một lần Phạm Bình An trở lại nhà Đỗ lấy cái ti vi gửi, bây giờ phi công không còn là xếp Phi đoàn 516 ở Đà Nẵng, nay được chuyển về đặc trách khu trục. Chàng hoa tiêu, độc thân vui tính, bạn học trung học thời xa xưa ở Hà Nội gặp nhau, chẳng hề bàn chuyện đi đứng, ngẫm dạm ý có gì anh lo lieu. Còn cô Hòa, người hàng xóm, vợ chuẩn úy Tiên làm ở Sở Mỹ nói với Khuê “... em đã có sẵn vé máy bay rồi, có gì ta cùng đi chị ạ...” Một buổi chiều vợ anh đi làm về kể lại chuyện anh Nhàn nhà xuất bản Vàng Son đến Đài phát thanh kiếm nhắn cần gặp Đỗ. Nàng lại quên không nhắn lại, sau Đỗ gặp lại Nhàn mới vỡ lẽ. Có một người Việt gốc Hoa nhờ Nhàn xem có ai quen có thể chở họ qua cổng Phi Long vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tất nhiên hộp bích quy chứa vàng, hột xoàn mang theo lọt qua cổng thì Đỗ sẽ được chia đôi. Chờ mãi không thấy Đỗ ra nhà in gặp, người Hoa kia bồn chồn tìm con đường khác, Nhàn kể lại câu chuyện này, còn tiếc mãi; riêng Đỗ chỉ cười trả lời chở người Hoa kia qua cổng không khó; vì Đỗ không có cơ duyên vì vậy vợ anh được quên đi không báo lại. Và việc này hình như cũng có một Đấng nào định trước, Đấng ấy không cho việc được thành tựu, nên Đỗ không duyên gặp đó thôi. Đỗ chìa lá thư của báo Asia News gửi từ Hong Kong báo tin dự định in một tập thơ của Đỗ, qua bản chuyển ngữ sang Anh dịch giả Đàm Xuân Cận. Trong thư ấy, tòa báo khuyên y như lời khuyên của Husband, ở lại chỉ có thể trở thành công nhân, công việc viết lách chấm dứt. Nhàn bảo Đỗ dịch thư cho nghe, không tiếc về chuyện tự do tư tưởng hoặc làm công nhân thuần túy này nọ, mà anh tiếc hộp bích quy thoát tay thật quá uổng!
Đưa người đi qua cổng là việc Đỗ làm thật dễ, như có lần Đỗ đưa Nhàn vào Câu lạc bộ Mây Bốn Phương Trời , thì có ai ngăn lại hỏi giấy tờ đâu?
Nhàn biết rất rõ gia đình Đỗ hàng ngày chỉ đủ hai bữa cơm rau, có sữa cho con là may rồi, làm gì có tiền dư; nên thấy công việc dễ làm này Nhàn giới thiệu cho Đỗ.
Nói đúng hơn thì ngay từ đầu tháng ba này, đời sống gia đình Đỗ khá hơn lên một phần; hàng tháng có thêm một trăm ngàn đồng, tiền trả lời của nhật báo Sóng Thần
vay tiền làm báo từ giám đốc một công ty tư có tên Việt Nam Kỹ Thuật . Công ty này của Ngơi thầu việc xây cất, thiết kế điện nhà. Có một buổi gặp nhau,
bây giờ anh có thêm vợ mới ở cùng gia đình nhà vợ trên dẫy lầu tầng ba đường Trần Quang Khải, đối diện Đình Nam Chơn. Vốn đầy văn nghệ tính mà Đỗ biết về Ngơi,
là từ khi anh thuê nhà mẹ anh ta ở Lý Thái Tổ vào năm trước 60. Nay gặp lại Đỗ, Ngơi hỏi về tình trạng tài chính của nhật báo Sóng Thần , gợi ý nếu
Đỗ gặp Uyên Thao hỏi xem cần vay vốn thì Ngơi sẽ cho mượn một triệu đồng với lời hai mươi phần trăm. Và trong số nửa phần trăm ấy,
Ngơi tặng Đỗ để bù vào ngân quỹ gia đình eo hẹp. Khi ấy Uyên Thao làm tổng thư ký tòa soạn, thay mặt chủ nhiệm Nguyễn Thị Thái nhận tiền; hàng tháng Đỗ thay
mặt chủ nợ Ngơi đến thâu lãi. Và lần này đột nhiên khi cầm trong tay hai trăm đồng từ nơi ban trị sự, Đỗ có cảm giác như đây là lần cuối. Tin chiến sự bắt đầu đè nặng đến tỉnh Tuyên Đức, vợ Đỗ bồn chồn nghĩ đến ông bà ngoại, các em còn mắc kẹt ở ĐàLạt. Khuê đưa ra ý kiến, nếu di tản,
thì đi phải có cả gia đình bên ngoại; để sang nơi đất khách quê người luôn có người thân thích bên cạnh nhau. Đỗ chưa biết tìm cách nào để biết ngày nào
có chiếc máy bay C 130 bay lên Cam Ly; Đỗ sẽ theo đi để đón gia đình bên ngoại; vừa đúng lúc Phát đến chơi báo: - Này ông ơi, 6 giờ 30 sáng mai 31 tháng ba; một chiếc C 130 do trưởng phi cơ Phương bay chuyến SGN-DLT-NTR-SGN, thế nào ông có tháp tùng không?
Và đây là chuyến chót bay lên trên đó, thiếu tá Chu Bình Phương lên đón vợ con ông ta luôn thể. Đỗ gọi Khuê lên báo tin này thì Phát nói ngay với vợ Đỗ: - Hình như anh phi công Cargo này là dân Đà Lạt cùng học lớp đệ nhất với chị ở Trần Hưng Đạo, phải không chị? Khuê gật đầu và biết tin này vui ra mặt, thì vừa lúc đó có một khách gọi cửa, Khuê nhìn ra ngoài bắt gặp Dũng, phi công A37 từ Đà Nẵng vào chơi.
Thời gian quen biết viên phi công trẻ tuổi chưa lâu, thân người gầy gầy, nhưng lái máy bay oanh tạc lại thật cừ khôi. Mỗi khi Dũng về Saigon thường ghé ăn,
ngủ tại nhà Đỗ. Dũng báo tin cho biết lý do bay gấp từ Đà Nẵng vào, vì vợ anh hiện là y tá làm ở Trung tâm Đa khoa Đà Lạt cùng đứa con nhỏ kẹt trên ấy.
Vợ Đỗ báo tin cho Dũng biết mai có chuyến bay C 130 lên Đà Lạt, Dũng mừng quá “... để em đi với anh, em đón vợ con em; còn anh đón gia đình ngoại luôn thể.
Thật là may! Vì chuyến này em về cũng chưa biết có cách nào đón vợ con em. Chị biết không, vì em lái máy bay chỉ chở người yêu là bom thôi chị ạ...”
Vợ Đỗ giục hai anh em đi ngủ sớm, để sáng mai không thể để trễ chuyến máy bay cuối cùng thật quí giá này! Sáng hôm sau ra phi đạo, phi công Dũng mặc bộ đồ bay mầu olive , đầy đủ huy hiệu Tổ quốc không gian phía tay trái; huy hiệu Phi Hổ 516 ,
dao, súng, áo lưới chùm ngoài-đây là loại áo đựng thuốc men, có cả lưỡi câu, mồi nhử cá, kiểu survival jungle, cho dầu ngoài biển cả hay trong rừng sâu vẫn có thể
tự cứu mình sống sót. Đỗ mặc quần áo trận, trên nắp túi trái là tên, bên phải có hàng chữ Báo chí-Press để được hưởng ưu tiên di chuyển, phi công Dũng nói đùa,
chúng ta ăn uống ở dưới đất, làm việc ở trên trời, em mặc đủ đồ nghề để xin “pắc” cho dễ”. Trưởng phi cơ xưa nay vốn là vua con mà anh”. Hai người tìm được chiếc
máy bay C130, rồi gặp ngay trưởng phi cơ Phương thì mừng hết lớn. Đỗ cho Phương biết lý do hai người xin “pắc” đi Đà Lạt và Phương đáp:
“Thôi mời chư vị lên là vừa rồi. Thử tua xong là bay liền”. Ngồi trên phi cơ khổng lồ, Đỗ nghĩ đến phi công người Việt Nam nhỏ thó, nhìn họ de vào ụ như là lái chiếc xe gắn máy quẹo trái, phải hoặc như lái xe hơi
bốn chỗ tiến, lùi, thật nhịp nhàng. Đỗ và Dũng không ai nói với ai; im lặng dành để suy nghĩ việc đi đón người nhà cách nào cho thật trôi chảy. Cái khó là phải bỏ nhà cửa,
đem cái gì theo, bỏ lại cái gì, còn nữa, chó, mèo là vật thân thương trong gia đình bỏ nó lại thật khổ tâm, không dễ gì mà xa nó cho được. Đỗ sẽ nói, với ông bà cụ
là bỏ của chạy lấy người; đó là ưu tiên số một rồi lại phải ra sân bay đúng giờ, tốt hơn là trước giờ trưởng phi cơ đến. Một khi đến chậm bị bỏ lại thật khốn đốn;
hơn nữa đây là chuyến bay đặc biệt cuối cùng lên Đà Lạt, Đỗ chắc mẩm rằng đưa điểm này ra thuyết phục ông bà ngoại chắc thành công. Bỗng dưng có tiếng ồn ào ở phía dưới máy bay, cơ phi chạy lại báo trưởng phi cơ An ninh sư đoàn đến kiểm tra phi cơ rời phi đạo. Là cuộc kiểm tra đột ngột, thường thường ít khi xảy ra, nếu không có tin báo đặc biệt. Có thể vì tình hình nghiêm trọng nên mới có sự vụ này, trưởng phi cơ mời chúng tôi rời băng ghế, nét mặt buồn thiu nói : -Tôi rất tiếc phải thông báo với quí vị là ai đi pắc thì không thể cùng đi. Còn ai có lệnh di chuyển thì mở hành lý cho khám xét, nếu An ninh yêu cầu. Anh Đỗ ạ (quay sang phía Dũng và Đỗ) đến nước này tôi cũng đành chịu, mong các anh thông cảm. Đỗ và Dũng rời phi đạo xách hành lý về nhà, báo nàng buồn xo về việc bất khả kháng này. Đỗ giải thích xin đi pắc gây rắc rối cho trưởng phi cơ, một khi An ninh có mặt; Đỗ an ủi vợ như vậy, vì nàng rất có hiếu với bố mẹ. Có tin từ những người ở Đà Lạt thoat về Sài Gòn kể lại, đa số dân thành phố này chạy xuống Nha Trang theo đường Đà Lạt-Phan Rang. Kể từ mùng 3 tháng tư, người người nườm nượp bồng bế nhau thoát thân, nơi tạm trú đông nhất là Phan Rang. Đỗ tìm gặp Phát vào ngày 15 tháng tư để hỏi xem có cách nào theo máy bay ra Phan Rang để dò tìm tin tức bên ngoại có di tản đến đó không? Thì buổi tối, tiếng kèn xe Vespa Phát đến. Vào đến nhà, tay cầm lệnh di chuyển đi Phan rang vào ngày 16 tháng tư. Đỗ nói với vợ, đây là cơ hội tốy nhất đi tìm gia đình bên ngoại. Đỗ ra ngay Trạm Hàng Không Quân Sự Saigon, đó là Air Terminal cũ của Huê Kỳ giao lại cho Không quân Việt Nam, sau ngày ký hiệp định ở Paris 1973. Và Mỹ rút quân về nước, cuộc chiến thay màu da thực sự đi vào thực tế. Khi thấy Đỗ, một quân nhân của Trạm quen biết Đỗ nhận lệnh di chuyển, bèn dằn giọng hỏi: - Này nhà báo Lý Tưởng có điên không đó? Đỗ lắc đầu, thì anh tiếp: - Người ta chạy về Sài Gòn thì không được, nhà báo có nhìn thấy cảnh nhộn nhịp ở đây không; người ta đưa thân nhân theo chuyến bay Galaxy đi Phi, Thái, Honolulu, Hawai.. còn ông lại chui đầu vào máy bay đi Phan Rang, nơi này chỉ ngày một, ngày hai sẽ bị thất thủ. Phan Rang đặt dưới quyền chỉ huy tướng tiền phương Nguyễn Vĩnh Nghi, chuyến mai này nhà báo đi sẽ đi cùng với lính Dù ra ngoài ấy thay cho Biệt động quân về hậu cứ. Quân nhân Trạm Hàng kể cho Đỗ nghe cảnh có một không hai, một anh lính Kỹ thuật Không quân ở Đà Nẵng chưa hề học lái trực thăng H34 một ngày nào lái thay cho một phi công đại úy bỏ máy bay chạy lấy người ở Phi trường Phù Cát. Đó la thảm cảnh binh lính đu cả trên hai càng máy bay đông quá, thường ra chỉ chở được dưới một tiểu đội lính Huê Kỳ với quân trang, vũ khí thì nay chở lính Việt Nam ít kí lô hơn lại chở ba chục là quá mạng; còn đằng này họ bu theo, tính sơ sơ trên không dưới ba mươi tên còn đếm được ở bãi đậu Sài Gòn. Ấy là không kể người bị rơi rờt dọc đường, vì du theo càng máy bay quá mệt không chịu nổi với gió bạt ngàn lùa thổi mạnh như cơn phong ba. Đỗ tra lời quân nhân cầm lệnh di chuyển của anh: - Cứ ghi tên vào danh sách để tôi đi. Anh ta chép miệng cầm lấy bút, ghi, qua nét mặt buồn rượi cảm thông cho số phận thật mỏng manh của Đỗ hơn Đỗ cảm nhận được!
Sáng hôm sau Đỗ bước lên phi cơ C130 bay Phan Rang, trạm đầu tiên đáp xuống Biên Hoà để nhận lính Du. Nhìn cách ăn mặc quần áo xộc xệch, tinh thần sa sút hiện rõ lên khuôn mặt. Đỗ nghĩ tới thân phận anh, một khi cùng họ bay đến đó không biết có còn cơ hội trở về nữa không? Tuy nhiên đã quyết định, như giờ này đây đã leo lên lưng cọp, chẳng còn cơ hội leo xuống; Đỗ cứ bước mạnh dạn lên ngồi theo hàng chen chúc ở sàn máy bay. Chẳng còn thảnh thơi như xưa, ngồi vào ghế vải dọc theo hai thân máy bay, bởi khoảng giữa bụng thường để chở xe tăng hoặc khí tài quân sự. Quả thực C130 được gọi là Hercule cũng đúng, chiếc xe tăng M48 nặng nề mà hai động cơ bán phản lực của C130 cất cánh ngon lành. Từ phi trường Biên Hòa nhìn xuống dưới đất, cảnh thanh bình như chẳng có gì là chiến tranh khốc liệt. Kìa giải đồi vẫn xanh, này vườn cây ăn quả vẫn trĩu trái, còn cánh đồng lúa đang vào thì con gái xanh mơn mởn ngọn lướt theo nhau qua chiều gió thổi.
Máy bay đáp xuống phi trường Phan Rang an toàn, bạn bên cạnh cho biết nếu muốn ra phố tìm người nhà, không thể không mặc quân phục treilli , bằng không chẳng tài nao xuất trại được. Chỉ còn một cách thuê xe ôm ra phố là gọn, nhất. Bây giờ lúc dầu sôi lửa bỏng, Đỗ nhớ lại vẫn mặc đồ dân sự; chứ không như có lần trung tá họa sĩ Tạ Tỵ đưa anh vào thăm đại tá làm thơ Cao Tiêu, cục trưởng Tâm lý chiến, bị ông ta hạnh họe. Nào là giờ hành chánh, hạ sĩ quan, binh sĩ thì nhất định trăm phần trăm không được phép mặc dân sự. Thì bây giờ đây, chẳng cần đại tá kia khuyên thế này thế no, vẫn phải mặc bộ quân phục dày mo bên mình, bằng không không thể xuất trại. Có đôi ba chiếc trực thăng HUIB lượn quanh khu quân sự quanh quanh phi trường. Còn lính tráng, từ tướng tới lính bây giờ đây mỗi người như đội một khối đá lớn trên đầu. Bây giờ lính KQ không còn cảnh vui, tếu nhộn như xưa, nét mặt lầm lì, chỉ nói năng khi thật cần thiết. Đỗ ăn bữa trưa dã chiến, bánh mì chả anh mua từ phi trường Biên Hoà, sẵn bi đông cà phê, cả gói Lucky strike bên mình, ôi thôi một bữa cơm trưa đầy thú vị ở nơi gió cát đầy không khí ngột thở chiến tranh sắp tới hồi kết thúc, qua bom nổ bốc khói mịt mù ở chân trời. Đến xế trưa, một trực thăng HUIB đáp xuống, một VIP như là tướng Lục quân nào có vẻ tầm cỡ Tham mưu trưởng Liên quân thị sát phi trường Phan Rang. Đỗ thấy có tướng Không quân đi cùng tướng ba sao, nói với nhau bằng tiếng Pháp: “...il faut abandonner champ de bataille..”. Ngay sau đó tướng Lành KQ nhìn thấy Đỗ, vẫy lại hỏi đi đâu hẹn giờ cùng về Sài Gòn luôn thể. Tướng Không quân này rất thích thơ Hàn Mặc Tử, đọc luôn: “... Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà..” , nói tiếp: “... Ở đây không có ý thơ lãng mạn đâu, chỉ có khói nhân ảnh chiến tranh mờ mịt. Ông nhớ về Sài Gòn cùng tôi chiều nay nhé”. Đỗ cảm ơn, gật đầu và lại thuê xe ôm ra phố tìm gia đình ông bà ngoại. Đi tìm người nhà chẳng thấy, đanh trở lại phi trường Phan Rang tìm chiếc C130 sáng nay vẫn còn nằm trên đường băng. Trưởng phi cơ thấy Đỗ quen mặt buổi sáng, vẫy Đỗ lại cho hay máy bay sắp cất cánh trở về Biên Hòa, lấy tay chỉ ra xa xa phía chân trời, từng cụm khói đen từ hỏa tiễn đối phương bắn vào rớt ở vòng đai phi trường, cũng có ít trái rớt xuống biển. Máy bay cất cánh lượn một vòng cao rồi hướng thẳng bay về Biên Hòa. Buổi tối hôm ấy, không còn chiếc nào bay về Tân Sơn Nhất, Đỗ đành ngủ lại đây một đêm. Chợt nhớ ra ở đây, bạn anh là Cận có ngưới bạn gái, cô Ngọc y tá làm ở bệnh viện, đã từ lâu không gặp. Tuy Đỗ vẫn nói Ngọc là bạn gái của bạn mình; nhưng thật ra Đỗ giấu hẳn có nhiều đêm phóng đãng chung chăn gối với nàng. Khúc phim dĩ vãng lan tỏa mờ mịt tâm trí , từ từ quay lại từng khúc si mê. Một buổi đi uống cà phê ở Nhà hàng Việt Mỹ có cả Ngọc, Cận, Phát, và Đỗ. Nàng là y tá một bệnh viện mạn Lục tỉnh, mỗi lần về Sài Gòn, thường ngủ lại nhà bà con ở Vườn Chuối, rủ Cận đi chơi. Phát, Đỗ và Cận thân nhau, Cận rủ luôn cả Ngọc cùng đi chung. Ngọc là một cô gái duyên dáng mặn mà, đa tình, biết gợi ý cho đàn ông biết điều nàng cần. Uống cà phê xong, nàng nói với Cận sao đó, rồi Cận nói với Đỗ: - Anh chở Ngọc về nhà bà con cô ấy, và tôi ngồi sau xe Phát. Để hôm nào Phát làm xong Lệnh di chuyển đi Cần Thơ thì anh đến đón giùm. Quay sang Phát, Cận hỏi: - Anh lấy chuyến máy bay buổi chiều cho cô ấy dễ đi hơn, chứ buổi sáng sớm vào phi trường lập cập lắm. - Máy bay đi miền Tây sớm lắm, hay là anh Đỗ biết nhà thì ra đón cô ấy vào là tiện nhất. - Được rồi, bây giờ đi Cần Thơ gần hai trăm cây số cũng phải đi máy bay cho an toàn; thực ra đi xe hơi là sướng nhất, à mà cho đi chuyến mấy giờ sáng? Đỗ hỏi. - Năm giờ sáng, ông ơi. Mà phải đến từ bốn rưỡi sáng làm thủ tục ở Trạm Hàng Không Quân Sự. Phát trả lời, hay là vào trong nhà anh Đỗ ngủ rồi đỡ lập cập. Cận quay sang Ngọc: - Cô có chịu không, để tôi vào nói với chị Đỗ cho ngủ nhờ. Ngọc gật đầu. Và Phat bảo Cận: - Anh vào gặp chị Khuê xin cho cô Ngọc ngủ nhờ để tránh cho anh Đỗ khó xử. Ngọc ngồi phía sau xe gắn máy rất tự nhiên, ngồi sát Đỗ; bộ ngực tròn, nẩy nở chà sát lưng gây cho anh cảm giác nhột nhạt. Anh phóng nhanh và thắng gấp, thì bộ ngực lại chà sát mạnh hơn, và Ngọc vỗ vai; đưa mặt ra phía trước nói với Đỗ: -Có khi nào anh lái xe chở chị ấy cũng thắng gấp như vậy “hôn” ? Chạm vào da thịt anh, người muốn bủn rủn hết đây nè! Đỗ không trả lời thẳng ngay câu hỏi của Ngọc; nhưng lòng cũng bủn rủn. Đỗ không biết rằng tình bạn của Ngọc đối với Cận ra sao, Đỗ nghĩ bụng, giá bị nàng cám dỗ thì bây giờ khó tránh khỏi. Ngọc lại nỉ non: -Nghe nói Không quân các anh có một quán cà phê đẹp, thơ mộng tuyệt vời “Mây Bốn Phương Trời” , tối nay đưa đến đó cho biết nghe. Đỗ gật đầu , thì đúng lúc đó Ngọc ra hiệu vẫy tay dừng xe trước cửa nhà bà con rồi hẹn Đỗ đến đón vào tám giờ tối. Phòng khách nhà Đỗ, ngoài bộ sa lông, bàn ăn, giường ngủ của Đỗ cạnh tủ sách lớn, bìa đóng gáy da mạ chữ vàng, là tác phẩm của nhà văn và bạn bè tặng. Phòng trong kê hai giường lớn, một giường cho bà chị vợ ngủ, nay bà đã dọn đi chỗ khác; còn giường phía trong cùng là của vợ con anh. Khuê bảo chồng: - Anh để cô Ngọc ngủ ngoài phòng khách có tiện không? Đỗ sắp đặt trước việc này khi Ngọc và anh ngồi trong quán “Mây Bốn Phương Trời” ; khi hai người ngồi đối diện nhau, chân họ phía dưới bàn đã chồng lên nhau, như thoả thuận “tình trong như đã..” . Và trên bàn, đầu Ngọc đã ngả vào vai Đỗ rồi, cả hai chỉ chờ cơ hội thuận tiện mà thôi. Đỗ trả lời vợ: - Anh ngủ ngoài tiện hơn, đêm trực chiến xong về nhà không làm ai mất ngủ cả. Cô Ngọc ngủ ở giường bác Thư là tiện nhất Khuê ạ. - Em chỉ sợ ban đêm con khóc cô ấy mất ngủ thôi! - Tốt nhất là em hỏi ý kiến cô ấy. Và Ngọc đã chọn ngủ ở giường trong nhà, và cho biết rất dễ ngủ, đặt mình xuống ngủ ngay. “Em là y tá mà chị, em ngủ trực bệnh viện thường xuyên quen rồi”. Chợt tỉnh, Đỗ được cô y tá trực bệnh viện Biên Hoà cho biết: - Chàng phi công ơi, bữa nay cô Ngọc không có ở đây. Hình như cô ấy và con trai cô về Sài Gòn rồi. Đỗ nhớ lại ngay là đêm xưa, khi thức giấc, có người đánh thức và bịt miệng anh lại. Nụ hôn tới tấp và vong ôm da diết để lại hậu quả, sau đó Ngọc sinh được một bé trai rất kháu khỉnh. Rồi có lần Cận đưa cho anh xem tấm ảnh nhỏ khổ 3x4 nói là con Ngọc. Cô ấy không liên lạc thường xuyên với Cận nữa; nhưng bản tính ít nói, thâm trầm, nên Đỗ cũng không biết là Cận có biết rõ chuyện tình tay ba này đến mức nào? Khi đài BBC loan tin buổi chiều tối là Phan Rang đã thất thủ, phi trường này đã lọt vào tay đối phương. Đỗ bàng hoàng, cho đây la dịp may lớn nhất đối với anh; giờ này ở Sài Gòn vợ không thấy chồng về, rồi lại nghe được tin này hẳn lo âu không ít! Đỗ bước vào quán, gọi món ăn hợp khẩu vị, như gọi một ly cà phê đen đậm đặc, hút điếu thuốc để tự thưởng cho bản thân thoát hiểm. Rồi đến phi đoàn trực thăng H34 tìm Đào Vũ Anh Hùng tá túc một đêm. Nhìn thấy cánh mai bạc đã lẻ loi rơi vào mũ ca lô của chàng này hồi nào không biết nữa. Khuôn mặt Hùng đen xạm, nỗi lo âu hằn lên nét mặt, gò má xương xương, gầy guộc. Chẳng nói với nhau được lời nào, chỉ nhìn nhau, thở dài; rồi mỗi người tự tìm quên trong giấc ngủ vùi. Buổi chiều tà 28 tháng tư không dễ quên; bởi từ xa vọng lại còi hụ báo động liên hồi, Đỗ bỏ tờ báo “Chính Luận” đọc dang dở chạy ra; thì biết phi trường Tân Sơn Nhất bị ba chiếc A37 ném bom. Anh phụ trách trông coi súng phòng không lại không về kịp, và trở về chỉ chậm một hai phut gì đó nên phi trường Tân Sơn Nhất bị mưa bom. Đỗ và vợ đồng ý với nhau, ngay từ đêm nay, mỗi khi ăn cơm chiều xong là phải đưa các con xuống hầm ngủ. Ngoài đường, xe cộ nườm nượp chở va li ra Air Terminal để thoát thân ra nước ngoài. Xe hơi, gắn máy, Vespa bị ném bỏ ở ngoài đường, gần phi đạo, nhiều hằng hà sa số! Những chiếc xe này đã hoàn thành xong công việc cho chủ cất cánh bay xa, còn nó thì bị bỏ lại. Cô Hòa, hàng xóm, sang báo tin cho Khuê biết chuẩn bị đi là vừa; “thế nào khuya này cũng phải ra đi thôi”. Những cơn mưa pháo kích đã dội vào sân bay không ngớt. Không còn là đôi ba tiếng oành oành như trước; còn bây giờ thì phi trường mù mịt khói và tai hầu như bị điếc, vì hoả tiễn giội từ ngoài vào. Những đám cháy lớn, máy bay bị trúng hoả tiễn, tạo thành những cột khói đen tỏa ngút bầu trời. Những tiếng kêu “mau mau lên bỏ của thôi” từ xa vang vọng lại. Hai vợ chồng Đỗ bàn với nhau, giờ này đi ra cũng chết, thà nằm lại đây để chờ thì may ra còn sống sót. Khuya đêm, có tiếng cô Hòa gọi báo tin: - Chị Khuê ơi, máy bay Galaxy không thể đáp xuống được nữa rồi. Nếu ai tìm được phương tiện riêng nào thích hợp thì cứ đi. Chưa bao giờ hỏa tiễn pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất lại nhiều và liên tục như đêm hôm đó. “Nữ quân nhân trở thành heo quay hết rồi...!” tiếng than khóc như ri. Một trái hỏa tiễn 122 ly rơi vào gần chỗ dẫy nhà trên làm bị thương con trai thượng sĩ Minh Triệu, nhà văn quân đội cùng Khối với Đỗ ở Bộ Tư lệnh xưa. Mỗi lần hoả tiễn nổ, Đỗ như mất hết bình tĩnh, còn vợ anh thì bình tĩnh như không. Nàng đi ra cửa hầm tắt quạt, vì giây điện bị chập, cường độ tăng khiến cho chiếc quạt xưa kia chạy chậm rì, nay kêu vo vo như tiếng máy bay. Qua một đêm, sáng hôm sau hầm trú ẩn của nhà Đỗ vẫn nguyên vẹn. Đỗ lấy chiếc xe Honda chạy ra Air Terminal để xem có chiếc máy bay nào còn cất cánh được nữa không? Thì một chiếc C119 đang nằm ngoài phi đạo. Nhìn thấy Đỗ, trưởng phi cơ vẫy Đỗ lại và bảo : “.. hãy nhanh nhanh chở vợ con ra đây...”. Đỗ quay về nhà giục vợ con đem theo hành lý gọn, nhẹ; rồi chất tất cả hai vợ chồng và năm đứa con lên đó chạy ra phi đạo trực chỉ tới bãi, nơi có chiếc máy bay đang chờ bốc cất cánh. Nhưng khi tới Air Terminal , từ cổng nhìn vào, thì chiếc C119 kia đang bốc khói vì trúng hỏa tiễn. Đỗ quay lại bàn với vợ: - Chúng ta không có cơ duyên ra đi rồi đó em. Hay là chúng ta bỏ ý định này, thay vào đó chúng ta ra Tân Định tạm trú ở nhà chị Hòa vậy. Khuê gật đầu, Đỗ lái xe chở vợ con ra khỏi cổng Phi Hùng. Quân cảnh gác cổng không kiểm soát người đi ra; chỉ khống chế người đi vào sân bay. Nhiều người đi vào nhìn thấy họ đi ra, ngạc nhiên, Vợ chồng anh biết vậy, vẫn trực chỉ ra ngoài phố.. nơi nhà bà chị họ ở 13 Trần Khát Chân, Tân Định. Khi đến cầu Kiệu, một cảnh sát viên giang tay cản lại, Đỗ tưởng chừng sao còn chuyện lạ vậy. Nhưng anh ta cười thân thiện, muốn dò hỏi tin tức: - Sao xếp lại chở gia đình ra ngoài mà không ở lại để đi? Tôi xin lỗi xếp, sao xếp dại thế; người ta muốn vào Tân Sơn Nhất để đi không được, còn xếp cùng gia đình lại đi ra? Xếp cứ ở trong đó thì sớm muộn gì cũng đi được thôi mà! Khi gõ cửa nhà số 13, chủ nhân đi ra bắt gặp gia đình Khuê chạy loạn, bà chị họ của Khuê ngạc nhiên không ít; nhưng chị vẫn mở cửa, an ủi: - Cô chú và các cháu vào nhà đi, hãy dọn vào phòng trong, trải chiếu ra ngủ, nấu ăn và hãy coi như là ở nhà vậy nhé. Buổi chiều 29 tháng tư, một buổi chiều đáng nhớ, cũng khó quên như chiều tối 28 có ba chiếc máy bay A37 thả bom xuống Tân Sơn Nhất vậy. Nhà hàng xóm bà chị họ, số nhà 11 lại đang sửa soạn ra đi bằng tàu thủy ở bến Bạch Đằng. Khuê nhìn chồng, nhìn họ, nói bâng quơ: - Hai vợ chồng mình chỉ còn vài ngàn bạc tiền Việt Nam trong túi, chỉ một đô la cũng không. Vậy thì có đi, ở giữa đàng, năm con kêu đói, thì lấy đâu ra tien mua bánh mì cho chúng ăn đỡ lòng. - Đúng thế, thôi thì đành vậy! Buổi trưa ngày 30 tháng tư, một buổi thời tiết đẹp, nắng hanh vàng chan hòa ngoài phố xá. Và từ chiếc radio phát ra vào lúc 11 giờ trưa, Đài phát thanh Sài Gòn loan tin binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà hãy buông súng. Tiếp theo, Đại tướng Dương Văn Minh đọc lời hiệu triệu, giọng thật chậm rãi, lời lẽ ôn tồn; khiến Đỗ là người nghe có cảm tưởng như là ông ngập ngừng đọc lời của chính ông chăng? Tiếp đến, tiếng động cơ máy bay phản lực F5 rít trên bầu trời Sài Gòn. Đỗ nhìn lên, có dăm ba chiếc bay về hướng tây, nam sang Thái Lan; như gửi lời chào vĩnh biệt. Đỗ quay vào nhà, Khuê đưa tiền bảo chồng đi mua mấy ổ bánh mì cho con đang khóc kêu la đói bụng./.