Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


KHÚC QUANH TỒI TỆ



T ôi bán nhà, khép cửa thiên đường với bao nuối tiếc, buồn tủi tận cùng.

Hai năm trôi qua vội vàng. Chưa đủ để tạo nên một phần đời hôn nhân hạnh phúc nhưng cũng là chuổi ngày tháng dịu êm nhất của bình minh một hôn nhân

Sau khi tôi tìm đủ cách để hai vợ chồng có thời gian dành cho nhau và việc giảng dạy được thuận lợi. Tôi trở lại là tôi với bản lĩnh một giáo viên dạy giỏi. Những sáng kiến lại được nẩy sinh, thực hiện và đem lại hiệu quả cho tiết dạy. Buổi tối tôi đến lớp Bình dân học vụ sớm hơn sau khi đã ăn uống đầy đủ. Hai vợ chồng thỏa thuận là không nhất thiết phải ăn cơm chung. Người nào đói cứ ăn để giữ sức khỏe. Không phải chờ người kia. Chuyện ăn chuyện tiền được gát qua một bên, xem chỉ như phương tiện và điều kiện để sống. Không để cho tiền chi phối, làm cho tình yêu suy giảm . Nhờ vậy, cả hai thoát ra cái vòng lẩn quẩn không cần thiết.

Cuối năm học, học sinh tôi lên lớp một trăm phần trăm. Tôi được cấp giấy khen và học sinh quý mến. Anh cũng vậy.

Ba tháng hè quả là ba tháng thần tiên của đôi vợ chồng trẻ. Năm giờ sáng anh không phải trở dậy đạp xe đến trường mà nằm ôm vợ ngủ nướng đến bao lâu tùy thích. Tôi cũng vậy. Thời gian suốt ngày chỉ để đi chợ, nấu ăn rồi ngủ. Chiều nếu trời quang, hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng dong ruổi đó đây. Điểm đến của hai vợ chồng thường là cảnh đẹp địa phương. Có khi là một ngôi chùa u tịch, mát rười rượi dưới bóng cây dầu cổ thụ. Ngồi bên thềm chánh điện, lắng nghe tiếng gió lùa qua sân vắng để thấy lòng thanh thản lạ lùng,

Tôi vẫn thường ao ước mình được viếng đủ 141 ngôi chùa Khmer trong tỉnh, để thấy tự hào về quê hương bé nhỏ vậy mà có một gia tài văn hóa đồ sộ đến bất ngờ.

Chiếc xe đạp cũ kỹ như một chuyến xe du lịch sinh thái đưa hai vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật muộn. Hai vợ chồng chơi trò đếm cây dầu , cây sao trẻ trung vừa được trồng dọc hai bên đường, đếm những trụ đèn đường mới toanh, kiêu hãnh mọc lên, lấn dần vào tận xã ấp. Tôi nghe như hơi thở quê hương bừng bừng sức sống. Những bước tiến dù chậm chạp nhưng chắc nịch, tạo niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Tiền trợ cấp đã tăng lên 48 đồng rồi gấp đôi. Trong dĩa thức ăn đã có thêm thịt cá. Hai vợ chồng chìm đắm trong niềm vui và hạnh phúc khi tôi có thai. Một đứa con được tượng hình trong tình yêu. Tôi chờ đón ngày được làm mẹ trong nỗi hân hoan vô bờ bến, tôi như bay lên khoảng không gian tràn ngập ánh sáng và âm thanh dịu êm của cuộc sống.

Tôi và anh ví von đây là đứa con của tình yêu. Nó đang được tượng hình và mang đến cho cha mẹ niềm hạnh phúc viên mãn.

Nhưng rồi, bên cạnh niềm vui đã nhen nhóm nỗi lo lắng. Ai sẽ trông nom con khi hai vợ chồng đi dạy?

Tôi bàn với chồng:

- Có gì khó đâu! Hai vợ chồng xin dạy trái buổi nhau. Anh đi dạy buổi sáng, em buổi chiều, thay phiên nhau trông con.

Anh không nói gì, lặng lẽ gát tay lên trán:

- Làm sao dạy kèm? Có thêm khẩu phần, thêm chi phí đó, em à.

- Tất nhiên rồi. nhưng vì con, chúng ta hãy cố lến! Cố lên, anh nhé.

Anh mỉm cười. Nụ cười gượng gạo như mếu.

Một chiều, đi dạy về, anh hớn hở báo tin:

- Em ơi! Có cách rồi, ổn lắm!

Tôi ngạc nhiên nhìn chồng chưa kịp dựng xe đã reo lên như thế:

- Cách gì vậy anh? Mà chuyện gì chứ?

- Thì chuyện trông con đó. Anh vừa hay tin ở Trường Cấp II ở Cù Lao Long Hòa đang thiếu giáo viên dạy Ngoại ngữ em à. Anh sẽ đến gặp Trưởng Phòng Giáo dục để xin xung phong về đó với điều kiện là cho em chuyển về dạy ở Thị xã. Như vậy có hai cái lợi. Một là anh coi như thăng tiến rồi. Từ cấp I nhảy lên cấp II dễ ụi. Còn em được về dạy gần nhà. Có thể gửi con cho bà cố hay mợ Út trông giúp khi em đi dạy. Lại có chị Hai ở cạnh, khi sinh nở cũng đỡ lo. Sau này con mình lớn lên được học tại trường của Thị xã, nhà gần bệnh viện Đa Khoa nữa. Đây là cơ hội tốt em à. Quá ổn đúng không em?

Tôi bối rối vô cùng. Bởi cách anh tính thoạt nghe cũng hợp lý, đúng là cơ hội tốt. Cơ hội tốt cho riêng anh. Anh đâu biết khó có thể gửi con cho mợ Út vì mợ vừa có con nhỏ lại có thương yêu, kính trọng gì người chị chồng này đâu! Còn gửi bà sao tiện. Bà già yếu lắm rồi. Nhưng nếu nói ra sợ anh coi thường mợ Út. Tôi chợt nhớ ra:

- Còn nhà mình ở đây, làm vậy đâu tiện.

- Thì bán đi chứ sao.

Tôi sững sờ vì câu trả lời nhanh gọn, chắc nịch đến vậy. Có lẽ anh đã suy tính cả rồi, giờ chỉ thông báo lại thôi. Anh sắp xếp cả chuyện bán nhà, ngôi nhà đã mang lại sự bình yên và hạnh phúc vô vàn dù nó chỉ là một mái lá. Mọi ngóc ngách đã trở nên quen thuộc, thân thương và gần gũi vô cùng. Nếu xa nơi này để quay về nhà, nơi từ lâu không còn dành cho tôi. Anh không để ý rằng, ngoài anh chị Hai, đâu có ai xuống thăm hai vợ chồng đâu. Kể cả mẹ, hình như mẹ đã quên sự có mặt của tôi hoặc là mẹ không quan tâm rằng tuy tôi đã lớn nhưng vẫn cần vòng tay yêu thương của mẹ.

- Em tính sao em?

Tôi lắc đầu:

- Để từ từ em tính. Anh chị mua nhà cho mà bây giờ bán đi thì kỳ lắm.

- Kỳ gì đâu mà kỳ? Thì vợ chồng mình bán rồi trả tiền lại cho anh chị. Giá đất đang lên, như vậy càng có lợi cho anh chị chứ sao. Em không nhớ là dạo này anh chị làm ăn thất bát, suy sụp sao em? Đưa lại số tiền này, anh chị cũng đỡ phần nào chứ.

Tôi bàng hoàng nhớ ra dạo này anh chị tôi khổ lắm. Chuyện hùn làm cái nhà máy chà lúa nảy sinh đủ thứ chuyện đau lòng. Máy móc cứ hư hỏng hoài. Lạ là tới tháng anh chị Hai xuống làm là máy hư. Anh chị bỏ tiền ra sửa chữa hoặc thay phụ tùng khác thì sở phí trong tháng quá nặng, hết lời. Đã vậy, gần nhà máy có vợ chồng anh Xã đội trưởng hay tìm cách vơ vét của bà con xung quanh. Trước giải phóng, Anh ta chỉ là một nông dân bình thường. Nhưng nhờ là cháu vợ của ông Chủ tịch Huyện, thêm nữa là anh ta vạm vỡ, có sức khỏe nên khi anh ta xin vào đội dân quân tự vệ để giữ gìn an ninh trật tự địa phương, liền được cất nhắc làm Xã đội trưởng. Anh ta lợi dụng chức quyền để lên mặt với bà con hàng xóm và tìm cách vơ vét những gì có thể vơ vét làm của riêng. Nhất là bà vợ. Bà tự cho mình cái quyền …đi xin. Nói là đi xin chứ như gián tiếp ép người khác dâng cho. Bà xin bất cứ cái gì có thể xin. Từ vài cọng xã, lá hành, nài chuối, trái bưởi, trái mít đến con gà, con vịt, heo con…Nhà nào có gì xin nấy. Chị Hai tôi chủ nhà máy chà nên có cám, có trấu bà ta xin cám nuôi heo, xin trấu làm chất đốt. Thấy chị nảy ra sáng kiến mua lúa và tự chà gạo để bán, bà ta liền …xin gạo. Bà làm cho anh chị Hai không còn ham mua bán gì thêm nữa. Bởi số tiền lời cũng không đủ để bù vào chỗ bà ta xin.

Khi việc anh Xã đội trưởng xin tình vở lở thì mọi chuyện xin chấm dứt. Anh ta thấy vợ bạn xinh đẹp nên động lòng bèn thừa lúc nhà vắng định xin tình. Nào ngờ gặp phải người đàn bà chung thủy, chính chuyên. Chị ta vác dao rượt chạy bán sống bán chết. Bà con được dịp cười vỡ bụng và mừng rỡ vì sau đó anh ta bị kiểm điểm và cho về làm ruộng vĩnh viễn.

Chuyện xin vừa chấm dứt thì anh chị Hai lại bị “cướp”. Cướp từ trong nhà cướp ra. Khi anh Hai phát hiện chính anh ruột của mình đã tráo phụ tùng hư vào để lấy cái mới đem bán trước khi giao ca chà lúa cho mình thì hai anh em cãi nhau một trận tơi bời. Anh Hai bảo sẽ ngưng hùn hạp, cho người anh nghỉ chà lúa vì thật ra toàn bộ tiền xây nhà máy và mua máy móc là của anh Hai bỏ ra. Nhưng người anh tham lam đã nói toẹt ra rằng tại em trai và em dâu ngu giờ ráng chịu chứ cái nhà máy xây trên đất anh ta vừa được cha sang tên cho. Cái nhà máy anh ta cũng được cử đại diện mọi người đứng tên làm chủ. Như vậy, về mặt pháp luật thì anh ta là chủ sở hữu. Anh chị Hai tôi không giấy tờ gì chứng minh là bỏ tiền ra xây nhà mua máy móc. Anh chị tôi mất trắng phần hùn. Quay về nhà, anh Hai ngã bệnh nằm liệt giường cả tháng. Anh không tiếc tiền dù rất cần tiền. Anh chỉ đau cái đau vì tiền đã cắt đứt tình ruột thịt. Chị Hai tôi tuy cũng đau buồn nhưng chị gắng gượng để tìm cách khác mưu sinh. Chị sang một cái sạp bán chiếu đệm tại chợ Thị xã để đắp đổi qua ngày.

Khi hai vợ chồng tôi về trả lại số vàng bán nhà được ba chỉ cho anh chị. Chị Hai khóc ngất:

- Liệu hai em có sai lầm không? Nhắm có ở yên không đây?

Anh Tâm nhìn tôi, gật đầu:

- Vì đứa con, chắc vợ em sẽ cố gắng chị à.

Anh Hai nghẹn ngào bảo:

- Mua nhà chỉ có hai chỉ hà dì dượng. Phần dư, dì dượng giữ lại đi.

Tôi cương quyết không nhận:

- Thật ra nhà là của anh chị mua, nên bán được bao nhiêu tụi em đưa lại bấy nhiêu. Tụi em chỉ giữ những vật dụng anh chị mua cho cũng là quý lắm rồi anh chị à. Anh Hai đừng nghĩ ngợi xa xôi. Khi nào anh chị khá lại giúp tui em , lo gì.

Anh Hai lặng yên suy nghĩ rồi gật đầu. Anh quay đi để giấu những giọt nước mắt cảm động tràn xuống đôi má hóp.

Chị Hai lo chẳng sai chút nào. Bà biết chuyện tôi quay về chờ sinh nở liền tuyên bố:

- Ngoại già rồi, không giữ nổi đâu.

Cô em dâu nói xách mé:

- Tưởng gì, Lấy chồng không về bên chồng mà trồi đầu về nhà báo bà, báo mẹ mình!

Tôi như bị dao cứa vào tim, chết lặng cả người. Anh Tâm nhìn thẳng vào mặt mợ Út gằn từng tiếng:

- Vì các em tôi còn nhỏ chưa biết cách chăm sóc người sinh đẻ và nom em bé, lại bận mua bán chứ không thì chúng sẽ giúp.

Mẹ về. Mẹ nhìn vào cái bụng lùm lùm của tôi rồi thở ra:

- Tạm thời con che thêm cái chái trước hiên nhà mình để ở tạm đi. Vì trong nhà đâu còn chỗ. Đã có gia đình riêng nên các con ăn riêng cho tiện rồi từ từ tính tới.

Thật đúng với câu “Làm con gái ăn cơm tạm ở nhà ngoài”. Tôi nuốt nước mắt vào trong. Đâu còn cách nào khác! Anh Hai và Anh Tâm thuê người che cái chái bằng tôn trước hiên nhà. Làm thêm vách và cửa để kín đáo và tránh gió.

Mợ Út bế con đi ra đi vào dòm ngó rồi trề môi:

- Có cóc khô gì đâu mà sợ mất, làm cái cửa cho tối hù nhà trước.

Chị Hai hình như không còn chịu nổi nữa, chị thét lên:

- Mợ Út có im đi không? Ăn nói hỗn hào vô duyên coi chừng tôi vả rớt răng đó!

Lần đầu tiên tôi thấy chị Hai nổi giận đến vậy. Mợ Út phát hoảng nhưng vẫn cố lì lợm:

- Mạt thì tôi nói mạt chứ có gì đâu mà hỗn, mà vô duyên.

Chị Hai một tay chống nạnh, tay kia chỉ vào măt em dâu:

- Mợ nhìn lại mợ đi. Mợ có cái gì chứ? Vàng mợ đeo là tiền của em tôi đi dạy đưa cho mẹ từ hồi chưa giải phóng, mẹ sắm vàng rồi sau này dùng để cưới mợ đó. Mợ có làm ra đồng xu cắc bạc nào đâu mà dám lên mặt chứ. Đồ Mất dạy!

Mợ Út òa khóc, ẳm con ngoe nguẩy vào buồng. Mẹ đứng nhìn rưng rưng nước mắt. Chị Hai cũng khóc. Còn tôi mắt ráo hoảnh. Tôi đau như xé nát từng mảnh nhưng tôi đặt tay lên bụng và thầm nói với con:

- Mẹ chịu đựng được hết con à. Tất cả vì con yêu của mẹ!

Đúng là tôi vượt qua tất cả thật. Anh Tâm đi qua Cù lao Long Hòa dạy, tôi ở trong cái chái trước hiên nhà. Đêm đêm, nằm một mình nhìn ra bầu trời lấp lánh sao khuya, tôi mơ về ngôi nhà cũ. Ngôi nhà biến mất như cái chớp mắt của đất trời. Tôi càng buồn hơn khi chồng không phải cuối tuần về một lần như đã hứa mà có khi nửa tháng, rồi một tháng mới thấy mặt anh. Anh cũng không còn mang giáo án của tôi qua đó soạn giúp nữa. Anh bảo tôi phải tự làm cho quen. Chứ một người soạn, một người dạy thì đâu có ích gì, chỉ là đối phó với quy định của ngành Giáo dục mà thôi.

Đúng vậy! Chỉ là đối phó thôi. Nhưng trong tình cảnh sức khỏe và hoàn cảnh này, tôi hụt hẫng và ngỡ ngàng vô cùng. Sao trước đây dù tôi không đòi, anh vẫn giành soạn giúp? Tôi mơ hồ nhận ra có một sự thay đổi trong cách anh cư xử. Anh cũng không còn đưa đồng lương nào cho tôi với lý do là phải trang trải cuộc sống bên Cù Lao. Nào là tiền ở trọ, tiền ăn, tiền đi đò máy về đất liền… Anh tưởng tôi không biết ở bên đó dân chúng quí thầy cô giáo lắm. Họ nuôi ăn, nuôi ở trọng hậu, coi thầy cô như thành hoàng về miếu.

Mỗi lần tôi đặt tay lên bụng, cảm nhận một mầm sống đang chổi dậy trong lòng, tôi quên hết mọi buồn tủi. Tôi tự dỗ mình “Vì con, mẹ sẽ vượt qua tất cả thác ghềnh con à”.

Tôi bắt đầu làm thêm. Sáng đi dạy chính khóa, chiều về nhận đồ len về đan áo, đan vớ trẻ em. Tôi dành dụm tiền, chuẩn bị cho ngày sinh, tuy chị Hai vẫn bảo:

- Có chị đây, em không phải lo quá như vậy, hãy nghỉ ngơi đi cho khỏe.

Tôi lặng thầm tìm cách tự ngoi lên, để thở và để con chào đời trong vòng tay của chính tôi.


Một đêm nọ, Công an Phường đến xét nhà. Do thằng Út báo có người cư ngụ bất hợp pháp.

Tôi có chồng nhưng chưa tách hộ khẩu. Chỉ có anh Tâm không có tên trong đó. Nhưng bên Phường biết rất rõ anh là chồng tôi. Trụ sở Phường chỉ cách nhà tôi một khoảng ngắn của con đường vào hẻm mà thôi. Tôi cũng là người tích cực tham gia dạy lớp Bình dân học vụ ban đêm cho dân trong Phường từ khi trở về nhà cho đến lúc sinh đứa con đầu lòng. Vì vậy, họ có lạ gì vợ chồng tôi. Thậm chí còn quí mến một người phụ nữ bụng đã cao vượt mặt mà đêm nào cũng đến trụ sở Phường tham gia phong trào xóa dốt.

Trước khi quay về Phường, chú Trưởng công an nhìn thằng Út với vẻ bất bình ra mặt:

- Anh Có say xỉn không mà báo cáo lung tung quá. Anh Ba đây tuy chưa nhập hộ khẩu nhưng là người nhà của anh lâu rồi mà. Thật không hiểu nổi!

Thằng Út gục mặt không trả lời được. Mấy chú công an đi rồi, chồng tôi bực bội hỏi:

- Cậu Tư có ý gì thì nói thẳng ra đi chứ làm vậy khó coi quá.

Vừa mắc cỡ vừa quạu, nó thét lên:

- Tui không muốn mấy người ở đây nữa. Có chồng sao không theo bên chồng cứ ăn bám hoài là sao. Ra khỏi nhà này đi!

Nó hét lớn quá, Tí Xíu của tôi giật mình khóc thét. Tôi vội bế con lên dỗ. Cơn uất nghẹn khiến tôi không nói được thành lời. Nước mắt tuôn như mưa.

Anh Tâm đỏ mặt tía tai:

- Tôi chưa từng thấy ai tàn nhẫn với chị ruột như cậu! Thiệt hết nói nổi!

Thằng Út quát lên:

- Mày dám chửi tao hả thằng khốn. Ra khỏi nhà tao!

Nó chạy vào nhà bếp lấy cây dao yếm ra. Bà và mẹ hoảng hồn chạy tới cản nhưng nó vẫn phóng cây dao về phía chồng tôi. Anh né kịp, cây dao va vào tường, rơi xuống làm bể cái khạp da bò tôi mua đựng nước uống riêng. Nước tràn lênh láng bên thềm.

Anh Tâm mặt tái mét vì tức giận. Tôi sợ xảy ra ấu đả nên vội đặt con nằm trên giường, chạy tới, ôm lấy anh, van xin:

- Anh ơi, bỏ qua cho nó đi anh! Chắc tại nó say xỉn mới vậy.

Thằng Út quơ tay, nói lớn:

- Tao không say xỉn gì hết. Tao muốn đuổi cổ vợ chồng mày thôi. Đồ ăn bám.

Anh Tâm mặt đỏ gay, quay vào dắt xe đạp ra. Trước khi phóng xe đi, anh nói lớn:

- Khỏi đuổi. Nhưng trước khi đi tui nói cho cậu biết. Cậu mới chính là thằng ăn bám. Vợ chồng tui có công ăn việc làm hẳn hoi, có lương với lại ăn riêng mà. Tại chị cậu sinh con đầu lòng, mà bên tui toàn con nít chưa biết cách chăm sóc nên nhờ bên ngoại chăm giùm. Nào ngờ còn thua người dưng kẻ lạ nữa.

Thằng Út tuy mắc cỡ nhưng nó vẫn làm lì, nói vói theo:

- Đi đi! Mày ngon mày đi đi! Có vợ mà không bảo bọc được vợ còn …ăn bám.

Anh Tâm đã khuất ở đầu hẻm, không kịp nghe câu nói khiến anh tổn thương thêm. Thằng Út quay sang tôi:

- Còn chị nữa. Liệu mà cuốn gói đi đi, đồ …ăn bám!

Tôi cắn răng, mím môi để không bật ra lời nào nữa. Lòng tôi tan nát. Thấy nó đã vào phòng ngủ, mẹ đến bên tôi, nói nhỏ:

- Mẹ thấy hổng êm rồi con à. Thôi con liệu thu xếp về bên nhà thằng Tâm ở đi.

Suýt chút nữa tôi ngất xỉu vì nghẹn thở. Vậy là hết!

Câu nói của mẹ khác nào đuổi tôi ra khỏi nơi này. Chỉ là một cách nói dịu êm thôi. Nhưng lại có sức mạnh khủng khiếp, bẩy tôi bật ra khỏi nhà dễ dàng. Nước mắt ràn rụa tràn xuống má, tôi cũng không buồn lau. Tôi nhìn sang Tí Xíu thương yêu của tôi. Nó đã ngủ say. Chưa tròn thôi nôi mà đã nếm đủ mùi vất vả.

Khi gần đầy tháng Tí Xíu, chị Hai đến bên giường nắm lấy tay tôi, thì thầm:

- Tím à, tối nay anh chị và mấy cháu đi rồi. Anh Hai đòi vượt biên em à. Ảnh quá chán cảnh sống ở đây. Chán gia đình anh ấy, chắc cũng chán luôn gia đình mình. Chị đã khuyên rồi năn nỉ hết lời nhưng anh ấy bảo nếu không đi thì anh ấy đi một mình. Phận làm vợ chị biết làm sao đây! Phải vì chồng con thôi em à. Chị định sang tên nhà chị cho em nhưng anh hai sợ bể chuyện bị bắt nên bảo khi nào qua được bên ấy sẽ ráng làm rồi gửi tiền về cho em mua nhà khác. Em đừng buồn anh chị. Em ráng chịu đựng nghen em.

Từ đó, gia đình chị biệt tăm. Tôi như mất đi cánh tay phải. Người hiểu và yêu thương tôi nhất hiện nay đã ra đi. Chị rời bỏ quê hương để tìm đến một miền đất khác với ảo vọng làm giàu và mong đợi nơi đó không có bon chen, lọc lừa, chiếm đoạt.

Chỉ vài hôm sau, bên Phường qua niêm phong nhà. Rồi vài tháng sau dùng làm chỗ ở cho nhóm công nhân cầu đường từ miền Bắc vào thi công xây dựng lại những con đường nội ô Thị xã đã xuống cấp trầm trọng.

Hết hạn nghỉ hộ sản, tôi phải trở lại trường học. Tí Xíu không ai giữ đành đem gửi Nhà trẻ. Mấy ngày đầu chưa quen. Thằng bé khóc khan cả tiếng. Tội nghiệp con tôi! Tôi ăn uống kham khổ nên thiếu sữa, lại thiếu cả tiền nên con tôi bữa được uống sữa bò, bữa đỡ dạ bằng nước cháo loãng pha đường.

Thời kỳ đó, ai cũng khó khăn nên ở nhà trẻ đứa nào cũng giống Tí Xíu bị suy dinh dưỡng. Cả nhà trẻ hơn bảy chục đứa trẻ mà chỉ có bốn cô phụ trách. Họ vất vả, bù đầu bù cổ với hàng núi công việc như giặt giũ, nấu cháo, đút các bé ăn, tắm rữa… Cả bốn cô đều là những cô gái trẻ mới tốt nghiệp, chưa lập gia đình. Vậy mà đã trở thành những bà mẹ của mấy chục đứa con. Tôi thật sự mến phục các cô vô cùng.

Một chiều, tôi vào rước Tí Xíu thấy hai gò má con có nhiều vết răng cắn bầm tím, tôi òa khóc. Cô Đẹp, người phụ trách chăm sóc Tí Xíu cũng khóc hù hụ. Cô kể lể:

- Em xin lỗi chị. Chị tha lỗi cho tụi em nghen chị. Vì Hôm nay có đến ba cháu bị tiêu chảy. Mẹ chúng lại để có hai bộ đồ nên em phải giặt liền để phơi cho kịp khô để thay. Ở đây, các cháu giành đồ chơi cắn nhau chị Thoa can không kịp nên hai đứa đều bị vầy hết.

Nhìn con, tôi đau lòng lắm nhưng cũng gắng gượng bảo không sao. Rồi lật đật bế cháu vào bệnh viện Đa Khoa.

Bác sĩ vừa khám vừa nổi nóng:

- Thật là vô trách nhiệm hết sức. Giữ trẻ kiểu này sao trời à! Cô muốn đi kiện không, tôi làm giấy chứng thương cho. Vết cắn vầy là nặng lắm. Sưng lên rồi nè.

Tôi lắc đầu, thở dài:

- Dạ thôi, cảm ơn bác sĩ nhiều lắm. Nhưng mấy cô đó cũng vất vả lắm bác sĩ ơi. Tôi có một đứa mà không có điều kiện chăm sóc phải nhờ mấy cô giúp. Nếu đi thưa gởi rồi làm sao nhìn mặt nhau. Rồi biết gởi con cho ai đây. Ai dám lãnh con mình nữa.

Vị bác sĩ nhìn tôi, vẻ nghĩ ngợi:

- Cô không có người thân nào sao?

- Dạ có. Nhưng bà và mẹ tôi ở xa lại già yếu lắm rồi. Chồng lại đi dạy ở Cù Lao Long Hòa nên chỉ trông cậy vào các cô giữ trẻ thôi.

Bác sĩ thở dài, ông ghi một cái toa thuốc dài ngoằng. Có cả thuốc bổ dành cho tôi nữa, ông dặn dò:

- Tuần sau, cô bế cháu vào tái khám nghen. Cô cũng cần bồi dưỡng thêm để có sức khỏe lo cho con. Chỉ còn da bọc xương vầy sao chịu nổi. Đừng tưởng mình nhịn ăn, nhịn mặc lo cho con là người mẹ tốt, Nếu cô để ốm o, gầy mòn rồi sanh bệnh lúc đó con cô càng khổ hơn đó.

Tôi cảm động đến ứa nước mắt. Tôi rời phòng khám với trái tim ấm áp, dược vỗ về từ một lương y như từ mẫu.

Hôm sau, vì Tí Xíu còn sốt vả lại tuy tôi nói vậy nhưng bụng cũng có ý giận nên tôi bồng con vào lớp. Để con ngồi trên bàn viết thì sợ nó bò ra rồi té xuống nên trải tờ báo ở sàn lớp sát bên chân ghế giáo viên. Chỉ một lúc sau, bụi phấn bay bám đầy tóc thằng bé, thỉnh thoảng nó lại khóc đòi bế. không tài nào dạy dỗ gì nữa. Học sinh được dịp nhao nhao lên, cười giỡn dù tôi nhịp thước lên bàn ra lệnh im lặng. Rốt cuộc, chưa có hôm nào tệ hơn hôm đó. Hai mẹ con mệt lữ, học trò chẳng học được bao nhiêu. Bài vở còn nguyên, chưa chấm quyển nào.

Chở con về nhà, buổi trưa, cái chái lợp tôn nóng như rang, Tí Xíu đổ mồ hôi, khóc nhề nhệ dù tôi quạt suốt. Buổi chiều tôi không thể soạn giáo án. Cũng không sao làm bánh để bỏ mối cho căn tin trường kiếm ít đồng lời mua sữa cho con. Tôi nhận ra rằng. Phải đưa con trở lại nhà trẻ thôi. Dù sao, ở đó là một ngôi nhà đẹp và rộng lớn. Nó được xây từ thời Pháp thuộc, kiểu dáng rất đẹp. Mái vòm cao thật là cao, có rất nhiều cửa sổ lớn. Dù các cô ít mở quạt máy để tiết kiệm điện nhưng nhà trẻ vẫn mát rười rượi. Con tôi được sống trong môi trường sạch sẽ, sáng sủa, được chơi với các bé cùng tháng tuổi. Đồ chơi tuy rẻ tiền nhưng còn hơn ở nhà có cái nào đâu. Tí Xíu lại được ăn ngủ đúng giờ và tôi có nhiều thời gian để lo việc giảng dạy cũng như làm kinh tế phụ.

Phải hiểu và thông cảm cho các cô khi có sự cố mới được.

Tôi không hiểu vì lý do gì mà người trong nhà thường lạnh nhạt với Tí Xíu. Nó ít được bà cố bế, nựng nịu. Cậu mợ Út thì không hề chạm tới. Hoạ hoằn đảo mắt liếc qua một cái rồi thôi. Còn mẹ tôi, lâu lâu trước khi đi ngủ, mẹ ghé mắt vào mùng, thò tay bẹo má cháu một cái rồi hỏi:

- Nó ngoan không con?

Cả chồng tôi cũng vậy. Cuối tháng quay về, bế Tí Xíu hôn hít, nói nựng một hồi rồi bỏ đi lo công chuyện riêng gì đó. Nhưng dù sao, Tí Xíu cũng rất hạnh phúc vào những lúc có ba gần bên cho đến khi chiếc đò máy rời bến, đưa ba nó quay về chỗ dạy. Thằng bé chưa biết vẩy tay chào. Nó nằm yên trong vòng tay mẹ, ngủ thiếp đi. Tôi cũng cảm thấy quên dần nỗi buồn len lén vào tim khi nhìn thấy chồng cười đùa vui vẻ với mấy cô giáo dưới khoang đò chật chội. Anh quên cả nói lời chào vợ. Và tất nhiên không nhìn thấy đôi mắt sũng nước của tôi lúc đó.

Đêm nay, tôi thức trắng. Tôi biết minh không thể ở lại hoặc quay về sau này. Lòng tôi lại nhói lên câu hỏi “Tôi là ai?”. Tôi có chút máu mũ, huyết thống gì với gia đình này hay không? Sao lại nở tống tôi ra đường như đuổi cổ một kẻ xa lạ làm thiệt hại mọi người. Sao không ai nghĩ rồi tôi sẽ ra sao? Sống thế nào? Đói no mặc kệ! Tôi không trả lời được câu nào mình đã đặt ra. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là khi mặt trời ló dạng, rải những tia nắng đầu ngày lên lối mòn vào cái chái nhà này thì tôi phải rời khỏi nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Nơi mình đã từng có một thời thơ ấu tuyệt đẹp với người ông nhân hậu, có thời thanh xuân êm đềm, dịu ngọt. Tôi nhớ chiếc lưng to bè từng cõng tôi qua những vũng bùn trên đường đến lớp, Nhớ đôi vai công kênh tôi lên cao để tôi nhìn rõ những con thú đang làm trò trong một gánh xiếc về tỉnh, biểu diễn trong sân vận động. Nhớ vắt cơm nguội mỗi trưa ông ngoại tỉ mỉ nêm ít muối rồi nén thành một cục to bằng nắm tay để khi tôi thức giấc, sung sướng nhận lấy, ăn ngon lành …

Tôi nhớ anh Khoa, Nhớ ánh mắt, nhớ nụ cười hồn hậu, ngọt lịm. Nhớ vòng tay ôm và nụ hôn đầu cũng là nụ hôn cuối đẹp nhất đời tôi.

Tôi nhớ mái nhà cũ ven bờ kênh nước trôi lặng lờ ngầu đục. Buổi chiều, gió từ ruộng đồng lướt qua dòng kênh thổi vào nhà mát rượi. Nhớ Dì Hai Vốn, nhớ …bà con láng giềng ở quê xưa.

Tất cả, tụ lại, đong đầy ký ức, tạo thành ngọn lửa ấm áp. Cuộc đời tựa như một con đường dài hun hút, thay đổi từng chặng. Có lẽ đây là một khúc quanh tồi tệ. Một bước ngoặt dẫn đến một lối nào đó tiếp nối. Có sỏi đá, có gai nhọn . Nhưng dù thế nào tôi vẫn phải giẫm chân lên, đi tới. Không cho riêng tôi mà còn cho con tôi nữa. Tôi đã tạo ra nó, tôi không thể để cuộc đời con tôi bị đời vùi dập. Tôi không được yêu thương. Nhưng tôi có quyền yêu thương kia mà. Tôi nhất quyết tận dùng quyền nầy. Đầu tiên là dành cho con tôi.

Tôi bỗng nhiên bình tĩnh lạ lùng, Tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc. Bật cười chua chát khi thấy loáng cái đã xong. Tài sản mình sao …ít quá! Gọn ghẽ quá! Quần áo của hai vợ chồng và đứa con yêu chỉ vừa đầy một túi xách. Dăm ba quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, bộ giáo án vừa vặn trong một thùng mì gói. Cái tủ thiếc đựng quần áo chị Hai mua cho ngang năm tấc, cao một mét rưởi có sáu ngăn…trống rổng, nhẹ tênh. Một chiếc chiếu đã cũ, Gối, mền cũng bệ rạc lắm rồi. Cái giường là hoành tráng nhất. Nhưng chút nữa Cu Tí dậy, tôi dỡ các thanh giường, bộ vạc cột lại chác cũng gọn hơ. Cái khạp chứa nước đã bể. Hai cái thau nhựa dùng giặt đồ và ba cái nồi bé tẹo. Một chục chén kiểu rất đẹp. đó là quà cưới do thầy cô ở trường cũ hùn tiền mua cho cùng với hai cái dĩa, hai cái tô và một chục đũa màu ngà.

Tất cả đã sẵn sàng. Chỉ cần một chuyến xe lôi cũng đủ đưa chúng ra khỏi cái chái bên ngoài ngôi nhà thân yêu. Mớ hành lý bèo bọt! Dù vậy, chúng lại rất cần thiết, quý giá và thấm đẫm yêu thương đối với tôi.

Trời chưa hững sáng, tôi đã bế Cu Tí ra đầu hẻm đón xe lôi. Chú Tư Biển, người hàng xóm hành nghề chạy xích lô ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, dọn đi đâu sớm quá vậy cháu?

- Dạ về bên nhà chồng cháu chú à.

- Ủa sao vậy cháu?

- Dạ ở đó gần trường cháu dạy, đi bộ chừng vài phút đã tới, tiện hơn ở đây chú à.

- Ờ… ờ…Vậy cũng tiện.

Cả nhà ùa ra nhìn. Không ai phụ giúp chú Tư Biển khuân đồ lên xe. Chỉ có mợ Út vạch túi xách, tủ thiếc, mấy cái bao ny lông ra dòm, bỗng kêu lên:

- Trời Phật ơi! Người gì tham quá trời! Cái nồi nầy là của mẹ mà chị cũng lấy nữa. Thiệt hết nói nổi.

Chú Tư Biển nhìn cái nồi nhỏ téo, không nắp, đen xì chỉ còn một bên quai rồi nhìn mợ Út với vẻ ác cảm:

- Trời thần ơi! Cái nồi đó liệng ra ve chai còn không thèm lượm nữa mà vợ thằng Út la bai bải nghe bắt ớn.

Mợ Út thản nhiên trề môi:

- Chú nói sao chứ cái nồi nầy bán ve chai tệ gì cũng được mấy ngàn đồng chứ chẳng chơi đâu.

Mẹ chợt quát lên:

- Thôi, cho nó đi!

Tôi mím môi kềm nén những giọt nước mắt chực trào ra. Tôi lấy cái nồi để lại bên ngạch cửa:

- Dạ thôi, con cám ơn. Con trả lại mẹ đó. Con có hai cái kia xài cũng đủ rồi. Thưa mẹ, thưa bà con đi.

Tôi đặt thằng bé lên yên gỗ mắc trên sườn xe đạp. Nó ngơ ngác nhìn về phía những người thân. Tôi lặng lẽ đạp xe đi trước. Chú Tư Biển gò lưng chở mớ hành lý theo sau.

Cánh cửa gia đình khép lại sau lưng. Xua tan giấc mơ quay về mái nhà xưa từ đó .

Không ai bên chồng ngạc nhiên khi thấy tôi dọn về. Chắc anh Tâm tối qua đã kể hết cho mấy đứa em nghe. Chúng không vồn vã cũng không xua đuổi.

Anh Tâm phụ chú Tư Biển dọn đồ xuống để ở một góc nhà bếp. Người em trai thứ ba nói với tôi:

- Chị để cháu nằm xuống giường em nè. Từ bây giờ anh chị với cháu dùng cái giường này đi. Em trải chiếu ở sàn nhà trước ngủ cũng được. Cái giường kia để tạm ở góc đó đi vì đâu có chỗ. Chị yên tâm đi, ăn nhiều chứ ở chẳng bao nhiêu mà.

Hai đứa em gái cũng bảo:

- Anh ba nói phải đó chị. Chị với anh Hai xài cái giường đó đi. Thôi tụi em đi bán à nghen,

Tôi cười gượng gạo. Cảm thấy tạm ổn nhưng đến tối khi cả nhà đông đủ mới thấy bất tiện.

Hai cái giường ngủ kê song song nhau, không có màn che hay vách ngăn. Hai vợ chồng tôi chẳng dám nằm cạnh nhau sợ các em mắc cỡ. Tí Xíu bị sốt, khóc ri rỉ suốt đêm. Không ai ngủ được. Chú ba nằm chèo queo trên sàn nhà trước trông rất tội nghiệp. Tôi ái ngại vô cùng. Là anh chị đã không giúp được gì còn trồi về gây khó.

Sáng vào trường, vừa gặp Kim Lang và chị Hồng Châu là những bạn đồng nghiệp thân thích tôi đã ứa nước mắt kể lại chuyện nhà.

Chị Hồng Châu thở dài bảo:

- Coi bộ không êm đâu Tím. Tụi nhỏ chịu đựng lâu ngày chắc có chuyện nữa quá! Em phải tìm chỗ ở nào đó ổn định mà không làm phiền ai mới được. Kẽo mất thêm tình cảm của mấy đứa em chồng.

Tôi cũng đồng ý là chị nói đúng nhưng biết tìm đâu ra chỗ ở trong thời buổi khó khăn.

Kim Lang chen vào:

- Hay là chị Tím nhờ thầy Hiệu trưởng nghĩ cách xem sao? Thầy là người quen biết nhiều.

Thầy Quân nảy giờ ngồi ở bàn làm việc cặm cụi ghi chép, ai dè đã nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Thầy vốn là bạn học thời phổ thông của tôi nên luôn quan tâm động viên. Thầy Quân đến chỗ bọn tôi, ngồi xuống chiếc ghế cạnh chị Hồng Châu, nhìn tôi vẻ ái ngại:

- Để tôi qua bên Phường gặp ông Bí Thư rồi về Phòng Giáo dục hỏi ý kiến Trưởng Phòng xem có thể cho Tím ở tạm trong một phòng bên điểm phụ không. Bên đó có 3 phòng bị tróc mất mấy tấm tôn, tường nứt nẻ nên đang chờ kinh phí để xây lại. Cô Tím có thể mua ít tấm lá che chỗ bị mất tôn để ở tạm một thời gian.

Chiều đó, Trưởng Phòng Giáo dục và ông Bí Thư Phường xuống trường. Thầy Hiệu trưởng mời họ qua bên điểm phụ xem xét. Tôi cũng được thầy kêu đi theo. Đó là một dãy có sáu phòng học nằm bên phải nhà thờ Tin Lành. Trước đây, nhà thờ dùng làm chỗ dạy tư. Nhưng khi giải phóng, bên ngành giáo dục chưa có chủ trương cho các nhà thờ dạy tư nên vị Mục sư đã hiến cho Nhà nước làm trường công. Nó trở thành điểm phụ của ngôi trường tôi mới chuyển về. Nay đã xuống cấp trầm trọng. Nền hành lang loang lở, có ba phòng mất mấy tấm tôn do gió cuốn bay đi mất trong một cơn bão lớn. Làm cho cây chỗ thiếu tôn trơ ra ngoài nắng mưa, bị mục dần, Thầy hiệu trưởng phải chờ có kinh phí mới xây dựng lại nguyên điểm này. Hiện thời chỉ dùng tạm ba phòng cho sáu lớp thôi.

Ông Bí thư Phường nhìn tôi rồi lắc đầu thở ra:

- Cô Tím qua đây ở cũng gần nhà bên chồng tính ra cũng tiện. Nhưng cô ở một mình có sợ không đó. Lỡ nó sập bất ngờ rồi làm sao?

Tôi nhìn lên mái tôn và mấy cây kèo ốm o mỉm cười:

- Dạ chắc cũng không đến nổi nào đâu ạ. Được ở đây là phước đức lắm rồi. Tôi cám ơn Ông Bí Thư, ông Trưởng Phòng và thầy Hiệu trưởng nhiều lắm.

Thầy Quân mỉm cười nói vui:

- Chắc không sao đâu. Vì cô Tím không có kê cái giường ngủ ngay chỗ tróc tôn và cây mục.

Ông Trưởng Phòng Giáo dục dặn dò:

- Cô ở tạm nghen. Khi nào mưa to gió lớn phải cẩn thận.

Vậy là xế chiều hôm đó, chồng tôi và mấy đứa em chồng phụ khiên đồ qua bên trường học. Cô em thứ tư dặn dò:

- Bên này cách nhà mình chỉ có con lộ chính thôi. Chị qua bên nhà tắm rửa, xách nước uống về xài nghen chị. Khi nào thấy bất tiện quá, chị trở về với tụi em nghen.

Đứa em trai thứ ba rầu rầu:

- Nhìn anh chị với cháu ăn ở vầy em đau lòng quá!

Tôi cảm động lắm. Chỗ ở mới tuy mất hai tấm tôn, nhưng cũng là một chỗ trú tốt nhất đối với tôi hiện giờ. Dù nắng, gió và bụi tha hồ tràn lan qua các khe hở.

Chồng tôi vì phải trở lại bên Cù Lao ngay nên không kịp mua lá che tạm chỗ tôn mất. Đêm đêm, nằm ôm Tí Xíu vào lòng tôi vẫn có thể nhìn thấy bầu trời lấp lánh sao khuya. Hôm nào nửa đêm trời đổ mưa, hai mẹ con bỏ cái giường bên này, ôm chiếu gối mùng mền chạy qua phòng học còn nguyên ngủ tạm. Cái bục giảng bằng xi măng trở thành cái giường kiên cố cho tôi ru con vào giấc mơ bình yên.

Cũng may, Tí Xíu hình như quen với vất vả nên gió mưa chẳng làm nó ngã bệnh. Nó cũng không biết sợ cảnh đêm đêm vắng tanh vắng ngắt đến rợn người.

Ít lâu sau, bên Phường cho hai mẹ con một cô bị chồng bỏ rơi, không nhà ở đến trú cạnh phòng của tôi. Nhờ vậy, tôi có bạn …láng giềng. Mỗi khi mưa to gió lớn, hai gia đình tụ vào một phòng trò chuyện cũng vui vui.

Nỗi nhọc nhằn trôi cùng với sự bảo bọc của cộng đồng bỗng trở nên ấm áp, tôi luyện cho tôi sự cứng cỏi, lòng biết ơn và niềm tin yêu vào cuộc sống còn biết bao người tốt.

Tôi tin rằng khi cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Chắc chắn phía trước tràn đầy ánh mặt trời ấm áp. -  * /.




VVM.05.6.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .