Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



Ô - SIN




L ương tháng hai triệu rưỡi, ăn trưa ăn chiều, lễ tết có thêm tiền thưởng hậu hĩnh, ô-sin thời nay quả đang lên đời. Đã thế, họ thường yêu sách này nọ. Không hiếm trường hợp ô-sin làm tội làm tình gia chủ, chê lương thấp, than việc nhiều, nghỉ ngang giữa chừng. Kiếm được người đàng hoàng tử tế không dễ, người biết chăm lo công việc càng hiếm, cung bậc chủ tớ bây giờ thực sự đã xóa bỏ.

Bốn mươi bảy tuổi không con, chồng tách bến khác, Mỹ lên thành phố làm ô-sin bởi nhà chẳng có ruộng đất gì. Làm thuê cả đời rồi, tay làm hàm nhai, người đàn bà quê chẳng có gì để nói nếu không có chồng con. Chính vì không bận bịu chuyện gia đình, Mỹ là một ô-sin sáng giá. Cô được chủ nhà dành riêng một phòng trên gác với những tiện nghi tối thiểu của cư dân thành thị. Công việc của cô là chăm sóc cháu bé, trông chừng và dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng. Chuyện chợ búa đã có người lo, chuyện giặt giũ đã có máy móc, ấy vậy mà cô vẫn thở vắn than dài. Cô bực mình bởi ông chủ nhà khó tính, ưa xét nét, dò hỏi đủ điều. Thực tế thì không hẳn thế, nhưng trong con mắt ô-sin không có người chủ nào thực sự tốt lành.

- Giặt nhanh đi, còn nấu cơm.

- Sớm mà ông.

- Rề rà như bà chửa...

Lúc đầu thì Mỹ cũng nhũn nhịn, riết không chịu nổi cô nhắm mắt quát liều, tới đâu tới :

- Ông xuống đây mà giặt, người có hai tay chớ đâu phải bốn. Giỏi thì ông làm hết đi, tui nghỉ.

Ông đay nghiến :

- Cô học thói đốp chát ở đâu thế. Tôi có ăn một mình đâu ?

- Cảm phiền ông để yên cho. Tới giờ ông xuống, miễn sao có cơm ông ăn là được rồi.

Ông chủ nhà nín re. Ông giận nhưng không muốn nói thêm gì. Lỡ Mỹ nghỉ việc thật thì ông làm sao ăn nói với con dâu, con trai. Thời buổi này, kiếm được một ô-sin tháo vát và thật thà khó như lên trời. Ông thành cái bóng trong ngôi nhà của chính mình hồi nào không hay. Ở cái tuổi sáu mươi, trông ông còn phốp pháp lắm. Ông cũng muốn dùng lời ngọt ngào với người ở, kẻ làm nhưng ngại ánh mắt của cô con dâu sao ấy. Còn rắn rỏi với họ quá thì chỉ tổ cho họ ghét thêm.

Làm sao Mỹ biết, có nhiều đêm ông không ngủ được. Ông thương nhớ cô. Ông thương cuộc đời cô cô quạnh. Thương sự mất mát quá lớn của người đàn bà bị chồng ruồng bỏ. Ông thương vồng ngực căng tròn nhựa sống, mái tóc lòa xòa không điểm trang và đôi dép Lào đã mòn hết gót của cô. Ông muốn sắm sửa cho cô cái gì đó nhưng không dám, cành hoa hồng cũng không. Ông sợ cô nghĩ sai về tấm lòng tốt của mình. Đồng lương hưu của ông chẳng biết dùng vào việc gì, chúng xếp chồng trong tài khoản. Phải chi Mỹ dịu dàng với ông thêm chút nữa, nhũn nhịn với ông thêm chút nữa thì chắc chắn ông đã lân la chuyện trò. Đêm hai người nằm hai phòng, cách nhau một mét hành lang nhưng sao mà xa vời vợi đến thế. Ông rón rén tìm chai rượu và ra hàng hiên ngồi đối diện với màn đêm. Rượu, chỉ có rượu mới có khả năng giúp ông dỗ dành giấc ngủ yên lành. Giờ thì ông mới có dịp chăm chú ngắm nhìn thành phố của mình, ngắm nhìn hàng xóm kín cổng cao tường đèn nhà ai nấy tỏ, ngắm nhìn con lộ buồn buồn về khuya lưa thưa bóng người qua lại mà nghe xót xa. Ông nghĩ đến Mỹ, đến cái lằn ranh giữa đạo lý luân thường và tình cảm nam nữ không được rạch ròi. Không ai có quyền ngăn cấm ông yêu cô ấy, trái tim ông đồng tình nhưng khuôn phép gia đình chắc chắn là không. Con cái ông sẽ phản đối kịch liệt, sẽ tống cổ cô ấy ra khỏi nhà mà không cần biết cô ấy có yêu ông hay không. Ông sợ. Ông sợ mất đi sự xao xuyến mỗi khi nhìn cô cười rũ rượi khi xem một chương trình hài. Cô cười hồn nhiên và thật đẹp. Đẹp như thiếu nữ đang xuân, dẫu ngần ấy tuổi cô vẫn là trẻ thơ trong mắt ông mà.

Đêm nay cũng thế, ông lại ngồi trước hàng hiên và nhìn đất nhìn trời. Một tin nhắn từ đâu bay tới :

- ” Em gửi cho anh tình yêu của nắng trên chuyến tàu đầy ắp yêu thương. Em gửi cho anh đôi mắt nhìn của Huế và tình yêu da diết mặn nồng. Em gửi cho anh con đường xưa của Huế và hàng cây xanh mướt bốn mùa. Em gửi cho anh tình yêu của Huế và đêm hồng rộn rã tiếng cười em. Em gửi cho anh trái tim của Huế ăm ắp nỗi niềm và giấc mơ em.”

Lãng mạn thật, tình tứ thật. Ông không tin là có ai đó gửi cho mình. Chắc họ nhầm số.

- “ Bạn đã nhầm ? “

- “ Không, gửi cho Cửu Lợi đấy.”

Cửu Lợi đích thị là ông rồi, còn Huế thì có dính dáng gì tới ông đâu, nơi đây không phải là Huế. Ông moi hết ký ức của mình ra xem có quen ai ở Huế. Không, không có ai cả. Ông rà ánh mắt quanh hàng xóm của mình, khuya khoắt rồi, không nhà nào còn ánh đèn. Ông chăm chú nhìn vào mấy khung cửa sổ, sau lớp kính là một màu đen hun hút.

- “ Mình đã gặp nhau bao giờ chưa ?”

- “ Hằng ngày.”

Ông kiểm lại mình, buổi sáng dậy năm giờ, chạy một vòng quanh hồ. Sau đó ngồi quán cà phê quen la cà cùng bạn bè. Quán cà phê thì không thể, của vợ người bạn ông mà. Tám giờ đi ăn sáng. Ăn sáng thì lung tung, bạn bè rủ đâu đi đó. Mỗi tuần bù khú đôi lần với “ chiến hữu “ ở mấy cái quán bia lạnh bình dân, đâu có ai đâu mà gặp hằng ngày. Ông nghĩ tới Mỹ, lẽ nào. Ông quay người lại nhìn chỗ phòng cô ấy, cửa vẫn đóng im ỉm, vả lại số máy này đâu phải của Mỹ.

- “ Vậy sáng mai mình gặp nhé.”

- “ Chắc chắn rồi.”

- “ Bye. “

- “ Bye.”

Buổi sáng gặp Mỹ ở phòng khách, không thấy gì khác lạ. Vẫn hai nụ cười chào nhau. Nhạt thếch. Đêm qua cô ấy vẫn ngủ ngon. Mắt trong veo. Buổi sáng nhanh chóng qua đi, ông không phát hiện được gì. Ông nhắn máy cho người ta không được. Máy ngoài vùng phủ sóng. Đến đêm ông mới nhận được tin nhắn :

- “ Anh vẫn uống rượu đấy à ?”

- “ Không có giọt nào “.

Ông nhìn lại chai rượu, có gì đó khang khác. Và cái ly nữa. Chúng sạch tưng. Đúng là Mỹ rồi, Mỹ đã biết ông uống rượu nghĩa là cô biết ông buồn.

- “ Hèn gì…”

- “ Cô nhắn tiếp đi. “

- “ Sao không mua. “

Lạ thật, ông phải mua rượu bao giờ đâu. Rượu lúc nào nhà cũng sẵn, hết có người lo. Ông chưa tính đi lấy đó thôi. Ông thử :

- “ Quên “.

- “ Thế thì ngủ đi vậy.”

- “ Từ từ…”

- “ Ngồi giữa khuya khoắt người ta bảo thất tình đấy. “.

- “ Đang thất tình đây “.

- “ Hèn gì, cái áo ca rô ấy mặc hoài.”

Ông nhìn lại mình, đúng là ba bữa nay vẫn mặc chiếc áo sơ mi ca rô này. Người đó lại tắt máy. Hơn tháng trời tán gẫu như thế, ông vẫn chưa tìm ra người có số máy nọ. Ông hỏi nhà đài, người ta từ chối cung cấp thông tin. Bây giờ, ông không ra ngồi nơi hàng hiên nữa, ông kéo ghế ngồi sát cửa sổ nhìn xuống vườn sau. Tin nhắn cũng không đến nữa. Lâu lâu thấy nhớ vu vơ, ông lại ra hàng hiên thì lại nhận được tin nhắn : “ Hôm nay anh mặc cái áo màu xanh trông được đấy, dễ thương lắm “, hoặc là “ Lại thất tình nữa ư, cái áo màu đỏ cải lương quá..”. Ông chịu. Ông đầu hàng. Ông nghĩ mình đang làm trò cười cho ai đó. Ông bái bai cả cái hàng hiên thân thích nhất của mình. Ông ru rú trong phòng, thế mà lại được yên.

Sáng qua Mỹ đã về thăm quê đôi ngày, ông nhớ, ông ra hàng hiên cho khuây khỏa. Ngồi nhâm nhi cốc rượu chưa trọn thì con trai ông xấn xổ chạy lên thang gác, càu nhàu :

- Giờ này mà bố vẫn chưa ngủ à. Bố chưa ngủ thì bố đừng ra hành lang. Máy báo động réo léo nhéo làm sao con ngủ.

- Máy báo động gì.

- Máy canh chừng kẻ trộm đó.

- Tao có thấy đâu.

- Trước thì để trong phòng chị Mỹ. Chị ngủ trên gác nghe máy tíc tíc thì chạy ra lan can quan sát bao quát hơn. Còn hôm nay chỉ nghỉ, con phải đưa máy xuống phòng con.

Ông lẳng lặng đi vào phòng, ông đã hiểu rõ mọi thứ. Thì ra, vì không ngủ được và chưa nguôi giận chuyện cãi cọ hôm trước, Mỹ dùng một số điện thoại khác trêu chọc ông để ông khỏi ra ngồi lan can giữa khuya khoắt. Mỹ thông minh lắm, và tinh nghịch nữa. Ông không hề giận cô bao giờ. Những tin nhắn kia ông sẽ giữ làm kỷ niệm, biết đâu sau này có lúc cần. Rồi khi gặp Mỹ trở lại làm việc, ông ngùi ngùi :

- Cô chỉ biết hành hạ mỗi tôi thôi.

Mỹ cười cười, nụ cười thật hồn nhiên.   -/.




VVM.24.5.2025.-NVA5535.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .