Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


tranh Thanh Trí

BƯỚC NGOẶT



T rong một lần về tỉnh thăm nhà, tôi gặp lại thầy Tâm, người đồng nghiệp cũ. Thầy mừng quýnh, hỏi thăm ríu rít. Thầy khoe cũng đã xung phong về một trường ở vùng sâu và hẹn khi nào rảnh sẽ ghé thăm.

Tưởng vậy rồi thôi, nào ngờ hôm sau đã thấy thầy lò dò xuống trường tìm. Vừa nhác thấy tôi, thầy đã xúc động kêu lên:

- Tôi nhớ Tím không chịu được!

Tôi bối rối vô cùng. Giữa tôi và thầy chỉ là bạn đồng môn rồi lại được bổ nhiệm về cùng một nơi. Tuy có vài kỷ niệm vui vui nhưng đó đâu phải là tình yêu. Thật lòng, tôi có để ý gì đến thầy đâu. Nhưng đành lịch sự mỉm cười:

- Dạ, cảm ơn thầy! Thầy …khỏe không?

- Khỏe sao được mà khỏe?

Thầy bực bội gắt. Tôi bật cười, trêu:

- Không khỏe sao thầy đạp xe hơn mười cây số đến đây được?

Thầy Tâm đỏ mặt, đưa tay vò đầu. Cử chỉ này làm tôi chợt nhớ đến Phong, người bạn thân thời thơ ấu. Nay đất nước đã hòa bình, Phong không cần trốn quân dịch nên đã xuất ra khỏi chùa, không còn tu nữa. Bạn theo gia đình về quê ngoại ở Vĩnh Long. Chẳng biết ra sao? Nhớ những ngày còn bé ngồi sau xe ba bi để Phong chở vòng vo quanh xóm. Mồ hôi Phong tươm ướt lưng áo, còn tôi ngồi phía sau giăng hai tay như chim bay, ngoác miệng cười. Lâu lâu còn giả tiếng còi xe hơi “tin, tin…tin…” Vui thiệt là vui! Thời thơ ấu thật là hồn nhiên!

- Sao em không nói gì hết vậy?

Tôi giật mình, chợt đỏ mặt vì cách xưng hô ngọt ngào bất ngờ của thầy:

- Dạ, Tím đâu biết nói gì bây giờ.

- Em có nhớ anh không Tím?

Tôi cố nén cười. Hai người bạn dạy chung trường chẳng có tình ý gì, làm sao nhớ cho được. Nhưng nói huỵch tẹt ra vậy bất lịch sự lắm, tôi gật đầu:

- Dạ, đôi khi cũng nhớ thầy và các thầy cô khác ở trường cũ hồi chiến tranh. Lúc đó sợ chết quá hén thầy!

Thầy Tâm lườm tôi:

- Nhớ…lãng xẹt!

Tôi bật cười. Vừa lúc đó tiếng trống trường vang vang báo giờ tan học. Tôi vội bảo:

- Thầy chờ Tím một chút nha. Vì phải cho học sinh xếp hàng ra về và thu dọn sổ sách trên bàn. Chẳng biết chúng chép bài xong chưa nữa!

Thầy hiệu trưởng từ lớp tôi đi ra. Thầy đúng là một người quản lý…tâm lý. Giáo viên trường có khách bất ngờ, thầy giữ lớp, dạy thay, giúp cho họ an tâm trò chuyện. Nhờ vậy, ai cũng quý mến thầy và xem thầy như người anh cả.

- Chúng chép xong rồi. cô khỏi lo. Cô về đi!

- Dạ. Em cám ơn thầy!

Tôi nhìn thầy Tâm, lưỡng lự chưa biết tính sao. Mời thầy về nhà trọ thì trưa nay làm sao chị Thư nghỉ ngơi. Ở lại trường thì cũng kỳ vì chú bảo vệ phải chờ để đóng cửa văn phòng. Thật may! Thầy Tâm đã bảo:

- Anh và em qua quán hủ tiếu bên kia đường ăn trưa nghen. Từ sáng đến giờ chưa ăn gì đói bụng gần chết!

Tôi gật đầu, trêu chọc:

- Nhìn thầy tươi hơn hớn mà chết nỗi gì?

Thầy Tâm cười xòa:

- Gặp người mình yêu rồi còn gì vui hơn nữa chứ. Như bay lên tận chín tầng mây luôn.

Tôi thẹn đỏ mặt:

- Đừng đùa nữa thầy ơi! Tui…mắc cỡ lắm đó!

Thầy chợt nắm lấy tay tôi:

- Anh có đùa đâu. Anh yêu em từ hồi ở trường cũ kia mà.

Một chút xao xuyến thoáng qua. Tôi len lén rút tay về, nhìn quanh:

- Coi chừng chú Hai bảo vệ nhìn thấy cười Tím đó!

Thầy cũng nhìn quanh:

- Kệ ổng. Cười thì cười! Bất quá ông ấy nghĩ khi yêu nhau người ta phải vậy thôi.

Tôi định cãi:

-Yêu nhau hồi nào?

Nhưng nhớ đến đoạn đường từ tỉnh xuống đây xa hun hút mà thầy đạp xe giữa trời nắng chan chan nghĩ cũng tội. Giờ trời lại âm u chuyển mưa. Không chừng lát nữa khi thầy quay về lại phải dầm mưa.

Tôi dịu dàng bảo:

- Thôi mình qua quán ăn đi anh.

Thầy như bay lên mây thật khi nghe tôi …lỡ lời gọi thầy là anh. Thầy ăn một tô xong còn gọi thêm một vắt nữa. Tôi ăn cũng thấy ngon miệng lắm. Quán đối diện trường mà tôi và chị Thư chỉ ăn khoai lang luộc lót dạ mỗi sáng. Cả hai tiết kiệm để mong dư ra chút ít phụ giúp gia đình mình.

Thầy Tâm nhìn tôi âu yếm:

- Có em bên cạnh, anh ăn ngon miệng quá! Bây giờ anh phải quay về mới kịp giờ dạy kèm cho con ông chủ tịch xã. Gia đình bên vợ ông này giàu lắm. Họ trả lương cho anh cao còn hơn tiền trợ cấp nữa.

- Ồ! Vậy à. Anh dạy chính khóa buổi nào?

- Buổi sáng.

Tôi ngạc nhiên vì sáng nay sao anh đến đây. Lớp anh bỏ cho ai lo? Như đoán được ý nghĩ tôi, anh bảo:

- Anh nhờ cô bạn chung trường dạy thay rồi.

Tôi nhìn anh chăm chú:

- Anh có dạy lớp Bình dân học vụ không?

Anh lắc đầu:

- Không em. Ở xã chỗ anh có hai lớp nhưng rất nhiều người đăng ký dạy rồi. Vả lại, sáng dạy ở trường, chiều dạy kèm, tối mà dạy Bình dân học vụ nữa chịu sao thấu.

Tôi hơi bất ngờ, Thầy Tâm đúng là rất bận rộn nhưng cách bận rộn của thầy mang lại lợi ích cá nhân nhiều quá. Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi, thầy vừa rót trà vào ly, đưa tận tay tôi vừa kể lể:

- Má anh mới mất em à. Ba anh theo vợ bé lâu rồi. Mấy đứa em còn nhỏ đâu ai nuôi…ngoài anh ra.

Tôi hết bất ngờ nầy đến bất ngờ khác. Tuy dạy chung trường với thầy hơn một năm mà tôi cũng không biết rõ hoàn cảnh nhà thầy. Thì ra nhà thầy còn bi đát hơn cả nhà tôi nữa. Tôi chợt mừng là mẹ tôi vẫn khỏe mạnh. Chứ không, chưa chắc tôi yên tâm xung phong diệt giặc dốt.

Càng nghĩ, càng thấy yêu quí mẹ nhiều hơn. Mẹ tôi đúng là một người đàn bà cứng cỏi, vững như một cây trụ đồng. Một thân một mình chống trời, là chỗ dựa cho cả gia đình. Mẹ tôi cũng đau buồn, nhưng mẹ biết nuốt nước mắt vào trong, biết ngậm đắng nuốt cay khi bị chồng phản bội. Nhờ vậy mà con của mẹ đứa nào cũng nên người hữu dụng.

Nhìn thầy Tâm gò lưng trên chiếc xe đạp phóng đi như bay trên con đường ngập nắng trưa, lòng tôi chợt rưng rưng thương cảm. Mỗi phận người hình như đã được định sẵn. Thầy Tâm cũng trở thành chỗ dựa cho các em. Tôi bỗng thấy quý mến thầy hơn.


Thằng Út cưới vợ. Cuộc hôn nhân của nó như trò đùa. Đơn giản, dễ dàng làm sao! Và cũng hợp ý mẹ và bà ngoại.

Chính mẹ đã chọn cô gái ấy cho con trai mình. Đó là cô gái ở quê lên tỉnh đi làm người giúp việc nhà cho một tiệm buôn ở gần chỗ mẹ tôi bán. Ngày nào cô gái ấy cũng ra chỗ mẹ tôi mua một tô bún tép về cho bà chủ. Có khi cô ta cũng ngồi lại ăn trước khi bưng về. Thấy dáng người thon thả, trắng trẻo, mặt mày cũng dễ nhìn. Nói chuyện tuy lớn tiếng, ruột để ngoài da nhưng chịu thương chịu khó. Mẹ nghĩ nếu thằng Út có được người vợ như vậy là xứng nhất. Hiện thời thằng Út chỉ là một …ngụy quân, chưa có nghề nghiệp, chân lại đi cà xích. Học hành cũng chưa tới nơi, tới chốn. Tìm một người con gái nhan sắc hơn, học thức cao chỉ là ảo tưởng. Nghĩ vậy nên mẹ tìm cách cho thằng Út nhìn thấy và làm quen với cô gái.

Đúng là duyên tiền định! Vừa trông thấy cô ta, thằng Út đã…chịu đèn. Nó bắt đầu thích ra chỗ mẹ bán lúc sáng sớm để gặp cô gái đến mua bún. Buổi chiều, thằng Út hay ra chỗ cây cầu ván chồm trên mặt sông ở gần chợ. Vì cô ta phải gánh nước sông về cho chủ. Lâu dần, cô gái cũng yêu thích thằng Út. Cô ta hay gác cặp thùng một bên, để ngồi trò chuyện với thằng Út, cùng ngắm những con tàu lướt qua, lùa những con sóng nhỏ chạy về một phía.

Một đêm nọ, khi thằng Út đang cầm tay cô gái thì bị …dân quân tự trông thấy mời về Phường với cái tội tình tự công khai, xúc phạm tu sĩ.

Cô gái gân cổ cãi:

- Ở đây đâu có thầy tu nào đâu?

Người phụ trách công tác văn hóa của phường mặt non choẹt nhưng bao giờ cũng làm ra vẻ già dặn và rất thich “nói chữ”. Dù đôi khi anh ta chưa hiểu hết từ ngữ mình vừa thốt ra. Anh ta trừng mắt với thằng Út:

- Ở gần mé sông có chùa Long Khánh. Anh nắm tay chị này là…bậy bạ rồi.

Cô gái đỏ mặt, lớn tiếng nạt:

- Bậy bạ gì đâu chứ! Nắm tay chứ có hun hít gì đâu nà…

Anh Văn hóa Phường cũng đỏ mặt nạt ngang:

- Có im lặng không? Đã bậy bạ…còn dám “chống người thi hành công vụ” nữa.

Cô gái há miệng định cãi nhưng anh Văn hóa Phường đã bỏ ngoài gọi một anh dân quân tự vệ tới nhà mời mẹ tôi vào phường để giáo dục và bảo lãnh cho thằng Út với cô gái về.

Mẹ phải hết lời năn nỉ và đã nói dối:

- Dạ xin cán bộ tha cho em nó. Tụi nó đâu có phải là :mèo mả gà đồng” như cán bộ nói đâu. Chúng sắp cưới nhau rồi. Chỉ chờ bà ngoại sắp nhỉ đi coi ngày tốt nữa là hai bên làm đám hỏi rồi cưới luôn.

Trước khi thả thằng Út và cô gái về, anh Văn hóa Phường còn đe nẹt:

- Bà phải dạy dỗ anh ta lại. Đã là thân ngụy quân thì phải biết phận chứ. Có đâu còn…bậy bạ.

Có lẽ hai chữ “ngụy quân” đã đánh trúng tâm lý mẹ và thằng Út. Hai người bắt đầu lo sợ về cái phận đã được xác định. Mẹ bảo nhân tiện xảy ra vụ này thôi thì cưới cô gái ấy cho phải phép. Thật là đơn giản và dễ dàng! Buổi giao thời, mọi người như lạc vào cõi mơ màng nào, nghĩ ngợi mông lung, lo sợ viễn vông… bậy bạ. Vì thế, chuyện hôn nhân được tính cái rụp, chẳng cần so đo gì cả.

Vậy là giữa lúc gia đình khó khăn, đám cưới thằng Út vẫn diễn ra vui vẻ, huyên náo cả xóm Cầu Tàu.

Bộ mặt gia đình bắt đầu thay đổi khi có thêm thành viên mới. Bà rảnh tay hơn vì mợ Út vốn là người hay lam hay làm. Mợ dọn dẹp, sắp xếp lại cái bếp …theo ý mợ ngay sau ngày cưới. Mấy cái xoong nhôm được cạo bỏ lớp lọ nghẹ lưu niên trở nên sáng loáng như mới. Mấy cái chén mẻ bị mợ gom lại một góc. Mợ lấy chục chén kiểu mới mà bà ngoại để dành dùng trong ngày Tết hoặc lúc có đám giỗ để thay vào. Mợ lôi cái “gạc-măng-rê” cũ mèm ra chà rửa sạch sẽ rồi bảo mẹ mua sơn để mợ sơn cho mới. Mợ bảo chồng sơn nước thứ hai màu nâu để nhìn như gỗ. Cái tủ như được mặc áo mới, trông nó bảnh bao hẳn lên. Cái bếp sáng rực khiến cho bà ngoại và mẹ hài lòng ra mặt. Họ quên mệt nhọc và lo lắng. Chỉ có chị hai nhận ra thực tế trước mắt là nhà có thêm miệng ăn, người làm ra tiền vẫn chỉ có mình mẹ. Chị âm thầm mua thêm gạo đổ vào đầy khạp.

Lâu lâu, tôi về thăm nhà cũng thấy vui vui và ấm áp hẳn. Nhìn thằng Út lúc nào cũng tươi tỉnh, hớn hở, quần áo phẳng phiu vì vợ ủi láng lẩy. Nhà cửa sạch tinh tươm. Bà đã có giấc ngủ trưa, tôi rất mừng. Nhà chị Hai ở sát bên, khi rảnh mợ út cũng sang quét dọn, giặt giũ phụ một tay. Chi Hai bảo cũng an tâm để chị lo chuyện kinh tế gia đình.

Một lần nọ, khi cả nhà đang ăn cơm vui vẻ, mợ Út hỏi:

- Mỗi tháng chị ba lãnh lương được bao nhiêu?

Tôi vô tư bảo:

- Ba mươi sáu đồng.

Cô em dâu bĩu môi:

- Thầy cô bây giờ rẻ mạt vậy chị? Hồi trước, tui đi ở cho dì Hai tiệm bán lưới chài cá, còn được một trăm đồng mà người ta bao ăn ngày ba bữa nữa đó. Mỗi năm được cho hai bộ đồ mới.

Tôi từ tốn giải thích:

- Đây không phải là mức lương cố định mợ à. Mới chỉ là trợ cấp thôi. Chị sẽ được lĩnh lương và truy lĩnh khi kinh tế Nhà nước đi vào ổn định.

Mợ Út cười khẩy:

- Chừng nào ổn định hãy tính. Còn bây giờ tui thấy chị bèo quá!

Miếng cơm nghẹn trong cổ họng. Tôi cố gắng hết sức để không bật khóc vì sợ mẹ và ngoại buồn. Tôi gầm mặt ăn cho nhanh hết chén cơm rồi vội vào buồng để úp mặt xuống gối cho nước mắt được dịp tuôn trào. Lòng đau như cắt. Tôi bỗng thấy chỗ đứng của mình trong gia đình bắt đầu chênh vênh, ngất ngưỡng như bên bờ vực. Tiền lương đã quyết định giá trị một con người! Hay nói rộng ra vị thế một ngành nghề bỗng tuột dốc. Mợ Út là người ít học, ăn nói thiếu tế nhị nhưng khiến tôi nghĩ đến cái kẽ hở của kinh tế khiến cách mạng phải đương đầu. Riêng bản thân tôi, cái nghèo đã được đính lên trán và bị xúc phạm một cách ngang nhiên. Điều làm tôi đau nhất là một người hiện không làm ra tiền lại dám khinh khi mình, miệt thì cái nghề mà xã hội đang xếp loại cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Từ đó, tôi ít về nhà hơn. Tới tháng, khi lĩnh lương xong, tôi ghé chợ đưa cho mẹ một phần rồi đạp xe quay lại nhà trọ ngay trong ngày. Tôi giống như cách chim lạc lối. Cái tổ ấm thân yêu bỗng dưng trở nên xa vời vợi.

Cũng may! Mỗi môi trường sống mỗi khác. Chỗ tôi đến dạy học tuy cũng nghèo vô cùng nhưng tấm lòng họ bao la như những cánh đồng trải rộng đến tận chân trời. Họ yêu quý, trân trọng thầy cô giáo, xem chúng tôi chẳng khác nào như “những người đi mở cõi”, cõi tâm hồn họ và con cháu họ. Họ nhìn thấy sự mở mang trí tuệ đem lại hy vọng tương lai xán lạn.

Họ biểu lộ sự trân quý bằng cử chỉ thân mật cụ thể. Có nãi chuối chín cây, béo ụ liền mang biếu thầy cô giáo. Nhà có đám tiệc, giỗ quãy đều đến mời thầy cô dự. Xong tiệc còn gói ghém món ngon để thầy cô mang về. Lúa vừa chín tới, phơi cho giòn rồi giả mẽ đầu đã mang đến tặng ít lít để thầy cô được ăn cơm lúa mới dẽo thơm vô hạn…Tình người như bát nước đầy! Vì thế, không có thầy cô nào bỏ trường, bỏ lớp. Họ bám lấy mảnh đất quê hương thứ hai như rễ cây đa bám chặt đất sân đình. Thầy cô giáo xem ánh trăng tưới lên con đường đất quanh co sáng huyền hoặc còn hơn ánh đèn nê ông trên tỉnh lỵ. Và bóng mát lũy tre làng ru đầy giấc trưa yên ả, dịu dàng.

Tôi và các thầy cô khác bắt đầu biết trồng rau củ trong vườn trường. Biết làm giàn bằng nan tre cho dây khổ qua leo lên và biết những bữa cơm tập thể ấm áp nghĩa tình. Có khi cơm độn bo bo, có lúc độn khoai, thế nhưng vị ngọt thương yêu khiến cho miếng cơm vẫn thảo thơm trong miệng. Chuổi ngày khó khăn thế đó vậy mà trở thành ký ức đẹp vô vàn của một quảng đời thanh xuân vươn mình trong khốn khó.

Dạo này, thầy Tâm thường lui tới thăm tôi. Cứ cuối tuần là thầy đạp xe cả chục cây số chỉ để nhìn nhau, trò chuyện vài câu rồi quay xe trở về. ần dần, thầy làm quen với ông bà chủ nhà trọ. Mang xuống biếu ông chủ hai chai rượu nếp than, biếu bà chủ hộp kem dưỡng da mặt trắng hồng. Không biết anh tìm ở đâu ra, anh bảo tôi đã đẹp sẵn nên không cần thứ đó. Anh dành biếu cho bà chủ để tôi được ưu đãi. Có lẽ anh đã đúng. Vì từ đó, ông bà chủ rất quý mến tôi và chị Thư. Bà không còn cằn nhằn khi hai chị em để đèn điện quá khuya nữa. Bà còn cho phép anh ngủ lại đêm vào những hôm trời chiều mưa tầm tã. Anh được ngủ chung giường với thằng con trai đầu lòng của ông bà trong một căn phòng thoáng mát. Nhờ vậy, anh biết thằng bé học kém môn Tiếng Anh. Vậy là anh xung phong dạy kèm cho nó vào những ngày cuối tuần. Anh không nhận tiền thù lao mà chỉ dùng cơm cùng gia đình mà thôi. Anh trở thành một người thân tín của ông bà chủ khi thằng bé đạt điểm mười môn tiếng Anh.

Tuần nào anh xuống trễ hay không xuống, chủ nhà trọ nhấp nhỏm, trông đợi. Có món gì ngon cũng dành phần cho anh. Thậm chí, bà chủ còn đợi anh xuống mới nấu món ăn mà gia đình vốn thích.

Như mưa dầm thấm đất. Anh cứ chậm chạp nhích từng chút một vào những ngày tôi đầy ắp sự trống trải, cô đơn, buồn vơ vẩn. Anh gò lưng chở tôi trên chiếc xe đạp cà tàng đến thăm một số ngôi chùa cổ khi vừa nghe tôi bảo ao ước được khám phá. Anh nói huyên thiên về những ngôi chùa trong tỉnh

Lòng tôi rũ mềm. Buồn đau nhớ về anh Khoa được xoa dịu. Những vết thương anh Hải để lại trong tim tôi cũng liền vết. Trong tôi chỉ còn lại sự đằm thắm, dịu dàng về một cảm xúc mới mà tôi ngờ ngợ là tình yêu.

Anh mang giáo án của tôi về nơi anh dạy để soạn giúp. Anh muốn tôi có thời gian ngủ trưa để buổi tối có đủ sức khỏe dạy lớp bình dân học vụ. Anh trang trí tiêu đề bài dạy tuyệt đẹp. Anh còn tìm vật thật để minh họa bài dạy thay vì vẽ tranh. Có ai biếu cam mật to, anh không ăn để dành mang xuống cho tôi.Được chế độ mua giày dép, anh mua ngay một đôi giày nữ. Mặc cho đòng nghiệp cười chế giễu, anh bảo anh rất sung sướng, hạnh phúc khi nhìn thấy bàn chân mủm mỉm của tôi nằm vừa khít trên đôi giày mới xinh xắn. Anh bảo nếu có thể, anh còn muốn rửa chân cho tôi và hôn lên những cái ngón bé xíu kia. Anh làm cho tôi xuyến xao từng hồi và bắt đầu biết nhớ khi anh quay về tỉnh lỵ.

Có khi tôi trăn trở về tình yêu. Người ta thường bảo trong đời chỉ yêu một lần thôi. Còn tôi, sao lại yêu đến lần thứ ba? Tôi tự sỉ vả mình là đứa con gái hư, không nên nết. Nhưng rồi tôi cũng tự bào chữa. Tình yêu của tôi sáng đẹp như ánh trăng khuya, Tôi yêu anh Khoa vì anh như một thiên thần. Anh hiện ra trong khoảng đời tăm tối, đầy thách thức. Như ngọn đuốc soi đường, như vòng tay ấm áp yêu thương, che chở, đỡ nâng,

Anh Hải len vào tim tôi như một làn gió lạ. Dẫn dụ bằng những ngôn từ hoa mỹ, bay bổng.

Rồi để lại trong tim tôi những vết thương khiến nó trở nên chai sạn không còn chút cảm xúc nào dành cho tình yêu. Thế nhưng, bây giờ nỗi xao xuyến, mộng mơ lại trở về như thể mới yêu lần đầu. Tuy có khác hơn. Tình yêu bắt đầu từ những cảm thông hoàn cảnh khó khăn tương tự nhau. Từ ngưỡng mộ sự hy sinh của một người anh dành cho các em, cũng giống như chị Hai tôi đã không từ nan giúp đỡ gia đình khi chị còn có thể. Tôi tôn trọng anh. Dần dần tình cảm lệch sang hướng khác. Tôi cũng không rõ đó có phải là tình yêu thật sự hay chỉ là …hình như. Lại thêm một ẩn số!

Tôi bất ngờ ngã bệnh, nóng sốt mê man. Chị Thư hoảng hốt chẳng biết tính sao đành chạy vào trường báo cho Ban giám hiệu hay. Thầy cô ùa đến nhà trọ, đưa tôi vào trạm y tế xã. Tôi dần tỉnh nhưng có những giấc ngủ ngắn, liên tục khiến mọi người lo lắng. Trưởng trạm Y tế quyết định chuyển tôi về bệnh viện Đa khoa của tỉnh. Ban Giám hiệu chưa biết phân công ai trực tiếp chăm sóc tôi vì thầy cô nào cũng bận việc nhà, việc trường.

Thật may, Anh Tâm bất ngờ xuống thăm giữa tuần. Anh bảo bỗng dưng lòng nóng như lửa đốt nên lo lắng chẳng biết chuyện gì. Chợt nghĩ đến tôi, anh chạy xuống.

Vừa nhác thấy anh, chị Thư òa khóc:

- Thầy ơi, nhỏ Tím bị sốt nặng lắm. Trạm Y tế định chuyển Tím về tỉnh nhưng chưa sắp xếp được người chăm sóc và liên hệ gia đình . Thầy biết nhà nhỏ Tím không?

Anh hoảng hốt kêu lên:

- Còn chị? Sao chị không đưa Tím đi chứ?

Chị Thư ấp úng:

- Tui bận dạy lớp tui và dạy thế lớp Tím.Buổi tối còn lớp Bình dân học vụ của hai đứa nữa…làm sao…

Anh nói như quát:

- Trời đất quỷ thần ơi! Người bệnh gần chết không lo, lo lớp lang. Bỏ hết đi, vài bữa Tím hết bệnh dạy bù chứ vầy…thiệt hết nói nổi! Hèn chi tui nóng ruột quá trời quá đất! Ngủ không được. Vừa dạy xong là vù xuống đây.

Chị Thư run giọng:

- Thầy biết nhà nhỏ Tím không?

- Không!

- Chết chưa! Vậy giờ làm sao?

- Thì có gì khó đâu. Tui gửi xe đạp lại nhà trọ. Tui theo xe Hồng thập tự đưa Tím lên bệnh viện Đa Khoa. Tui chịu trách nhiệm chăm sóc cho. Khi nào cô ấy tỉnh, tui hỏi nhà rồi đi báo tin cho gia đình đến lo cho em ấy.

Chị Thư mừng quýnh, chạy vô trường báo lại với Ban Giám hiệu. Mọi người lật đật qua trạm Y tế thu xếp mọi việc. Chị Chủ tịch Công đoàn đưa cho anh Tâm chiếc bao thư tiền của thầy cô đóng góp để giúp tôi phần nào.

Năm giờ chiều hôm đó, tôi được chuyển đến phòng cấp cứu của bệnh viện Tỉnh lỵ. Sau đó được đưa xuống phòng hồi sức.

Làn nắng mỏng mảnh đậu ngoài khung cửa kính, hắt một dòng sáng lướt qua mắt khiến tôi choàng tỉnh. Tôi ngơ ngác nhìn căn phòng quá rộng quét vôi trắng toát. Hai cây quạt trần xoay tít trên cao. Quanh tôi còn có nhiều cái giường khác xếp thành nhiều dãy song song nhau. Trên đó có một người nằm thiêm thiếp, trùm chăn tận ngực. kế bên mỗi giường còn có một người đang đứng hoặc ngồi nhìn chăm bẳm vào kẻ nhắm nghiền mắt. Tôi hoảng hốt. Đây là đâu?

Tôi định ngồi dậy thì mới hay một bên tay bị băng dính với một dây truyền nước biển, tay kia bị nắm chặt trong bàn tay khác của một người đàn ông ngồi gục đầu bên giường đang ngủ gật. Tôi xấu hỗ, len lén rút tay về. Giật mình, người ấy ngẩng đầu lên. Tôi buột miệng “Anh Tâm”. Anh mừng rỡ, chồm tới, ôm chầm lấy tôi, rung giọng:

- Vậy là em tỉnh rồi! Không sao rồi! Mừng quá!

Tôi mắc cỡ, xô nhẹ anh ra. Những người xung quanh cũng đã nhìn thấy, có tiếng cười khúc khích.

Một bà trạc tuổi mẹ tôi, mặc bộ đồ bà ba đen, vai vắt chiếc khăn rằn. mỉm cười, vui vẻ bảo:

- Tỉnh rồi à? Chà, thầy giáo mừng dữ nghen.

Một bà nuôi bệnh ở giường gần đó cũng lên tiếng:

- Chưa thấy ai cưng vợ như thầy giáo nghen. Thức sáng đêm lau mồ hôi mồ kê, thay quần áo rồi còn lau rửa chân cho vợ nữa. Chưa thấy ai chu đáo vậy hết. Phải chồng con gái tôi cũng được vậy tui đâu khổ vầy nè.

Tôi đỏ mặt nhìn xuống bộ đồ đang mặc. Hai tay vội vàng vòng quanh ngực, ấp úng:

- Anh…anh thay đồ cho em à?

Anh cũng đỏ mặt, nhìn xuống chân:

- Chứ biết làm sao? Bác sĩ tưởng anh là chồng em, ông ấy rầy anh để mồ hôi ướt chèm nhẹp, bảo thay đồ khác cho em nên anh mới liều…

Tôi run giọng:

- Chắc thấy …hết trơn rồi hả?

Anh nhìn tôi, phì cười:

- Ừ…Em đẹp lắm!

- Đồ quỷ sứ!

Tôi nằm xuống, kéo mền trùm kín đầu. Người chợt nóng như bốc lửa. Trời đất quỷ thần ơi! Vậy là mình hiện nguyên hình trước mắt anh ấy mất rồi! Chắc dòm mình hổng sót chỗ nào quá! Còn rửa chân cho mình nữa.

Tôi he hé mền nhìn ra. Anh cũng đang đỏ mặt ngồi vò đầu rối nùi nhưng miệng mim mỉm cười ra vẻ khoái chí lắm. Tôi cằn nhằn:

- Chắc khoái chí lắm phải không ?

Anh bật cười, gật đầu:

- Còn phải hỏi. Ước gì em lại…bất tỉnh lần nữa.

Tôi ngắt mấy cái vào cánh tay anh. Anh chụp lấy, nắm thật chặt trong bàn tay anh:

- Ngắt không đau gì hết! Vậy là còn yếu lắm em à. Em nằm nghỉ đi. Bác sĩ bảo em bị rối loạn tiền đình và suy nhược cơ thể trầm trọng. Cần phải bồi dưỡng thật nhiều mới khỏe.

Ánh mắt anh nhìn tôi đầy thương cảm:

- Em để ốm nhom ốm nhách vầy mà không bị suy nhược cơ thể mới lạ nghen. Ra viện phải tẩm bổ mới được đó.

Tôi nghĩ đến số tiền trợ cấp ít ỏi. Đã vậy còn đem về đưa mẹ phân nửa. Lấy gì tẩm bổ đây? Tôi lặng im nhìn ra khung cửa kính tràn ngập nắng mai.

Chắc anh hiểu, nắm lấy tay tôi:

- Em đừng lo, đã có anh. Anh sẽ mua thịt bò cho em ăn mỗi khi xuống thăm. Như vậy em sẽ mau lại sức lắm.

Tôi cảm động nhìn anh:

- Nhưng anh lấy đâu ra tiền chứ? Anh cũng lãnh trợ cấp như em.

- Thì anh làm thêm.

- Làm thêm chuyện gì?

Anh suy nghĩ giây lâu:

- Có thể anh chạy bàn cho quán cà phê buổi tối. Hoặc giữ xe, hoặc…lãnh dạy kèm thêm.

Tôi rưng rưng nước mắt. Lòng tôi như tấm lụa nhầu phất phơ trong làn gió tình yêu thời khốn khó. Tôi gạt ngang:

- Thôi đi! Em hổng chịu đâu! Như vậy làm sao anh chịu nổi.

- Anh khỏe như voi mà, lo gì.

Tôi nhìn bộ dạng ốm tong ốm teo của anh mà bật cười:

- Thôi đi ông tướng! Đừng có làm bộ ta đây.

Anh cũng cười và đứng lên:

- Để anh pha nước cho em rửa mặt rồi pha sữa em uống tạm trước nghen. Chắc em đói bụng rồi. Anh sẽ xuống căn tin bệnh viện mua cháo lên đút cho em.

Tôi đỏ mặt khi nghe dì mặc áo bà ba đen bảo:

- Qua đây tôi cho nước nóng nè thầy. Cưng vợ dữ hén.

- Dạ, cám ơn dì. Có vợ đẹp hổng cưng uổng lắm ạ.

Nhiều tiếng cười rộ lên. Không khí u ám, bệnh hoạn hình như giảm đi chút ít.

Anh bưng thau nước ấm đến bên giường, đặt nó lên chiếc ghế rồi lấy cái khăn vắt trên đầu giường nhúng vào, vắt ráo. Anh ngồi lên giường, một tay quàng sau lưng, một tay lau mặt cho tôi. Tôi xấu hỗ nói nhỏ:

- Để em tự lau mà.

- Thôi đi cô nương! Để người ta lau cho. Mai mốt anh có bệnh em tha hồ săn sóc lại nghen ha ha…

- Đồ quỷ sứ!

Anh phì cười. Mọi người xung quanh cũng cười theo. Một dì nhìn chằm chằm hai đứa:

- Chắc mới cưới đúng không?

Anh nháy mắt với tôi:

- Dạ. Tụi con mới cưới.

- Chứ nếu cưới lâu rồi thì thế nào cũng để bà già vợ vô nuôi bệnh chứ dễ gì được vậy.

Anh chợt nhớ đến gia đình tôi liền hỏi nhỏ:

- Nhà em ở đường nào? Số mấy vậy em để anh đến cho gia đình hay em bệnh mà vô thăm em.

Tôi lưỡng lự chưa biết tính sao. Nếu không cho gia đình hay thì phiền cho anh quá, anh phải chăm sóc tôi. Làm sao lo chuyện giảng dạy được. Nhưng nếu cho gia đình hay, lại phiền cho gia đình. Ai sẽ chăm sóc tôi đây. Mẹ bận bán, bà già yếu lắm rồi, Chị Hai đã điên đầu với ba đứa con và chuyện bán buôn của vợ chồng chị. Chỉ có cô em dâu là rảnh. Nhưng làm phiền tới cô ta liệu ổn không?

Anh nhìn tôi chằm chằm:

- Sao vậy em? Không muốn cho anh biết nhà em à?

- Dạ không phải vậy. Em đang lo nhà em neo đơn, ai sẽ vào với em đây nữa.

Anh mỉm cười, nắm tay tôi:

- Tưởng gì. Thì đã có anh lo chăm sóc em rồi. Nhưng phải cho gia đình hay em à. Ai vào được thì vào, bận thì thôi. Chứ nếu không cho hay mọi người lại giận em. Anh tính vầy nghen. Để khi nào gần xuất viện, anh hãy cho hay để bác rước em về nhà tịnh dưỡng ít hôm.

- Nhưng vậy còn lớp của anh làm sao?

- Yên trí đi. Anh có cô bạn đồng nghiệp tốt với anh lắm. Mỗi lần anh bận, cô ấy đều dạy thay.

- Ồ. Cô nào tử tế quá. Có phải là…bồ của anh không?

Anh đỏ mặt, lắc đầu lia lịa:

- Đâu có. Đâu phải bồ bịch gì. Chỉ là đồng nghiệp thôi mà.

Anh suy nghĩ một hồi rồi nói nhỏ:

- Có lẽ cô ấy thích anh lắm. Có gì ngon cũng mang vào trường cho anh. Nhưng cô ấy…xấu hoắc hà. Vả lại, anh đã yêu em từ lâu rồi trước khi gặp cô ấy.

Tôi sững sờ với thông tin này. Tuy biết anh lợi dụng tình cảm của cô bạn để có thời gian lo cho tôi nhưng có gì đó không đúng và tàn nhẫn.

- Tội nghiệp cô ấy lắm anh ơi!

Anh xua tay:

- Cô ấy tự nguyện chứ anh có ép đâu. Khi nhà cô ấy có việc anh cũng dạy thay vậy. Bánh ít đi bánh quy lại, em lo gì.

Tôi lặng yên kéo mền lên tận cổ. Cố gắng hết sức để không khóc. Chẳng biết vì sao?

Người đến đưa tôi ra viện về nhà là chị Hai. Mẹ bận bán. Chị ôm chầm lấy tôi, ứa nước mắt:

- Sao em ra nông nổi này hả em. Sao không cho gia đình hay sớm chứ. Trường em không có điện thoại à?

Tôi chợt nhớ ra trường có điện thoại nhưng lúc đó tôi…mê man thì ai biết số điện thoại của anh chị chứ. Đâu cũng vào đấy rồi. Chị cám ơn anh Tâm rối rít.

Anh xoa hai bàn tay vào nhau:

- Dạ không sao đâu chị Hai. Em với Tím vốn là bạn hồi học trường sư phạm mà. Về chung nhiệm sở hồi chưa giải phóng. Lại ở chung nhà trọ hơn cả năm nữa. Với lại em…yêu Tím từ hồi đó lận đó chị mà đâu dám nói.

Chị Hai sửng sốt nhìn anh chăm chú. Tôi đỏ mặt thẹn thùng với cách thổ lộ thẳng đuộc của anh, lật đật xen vô:

- Nhưng em…

Chị hai mỉm cười:

- Nhưng em mắc cỡ chứ gì.

Anh và tôi bật cười. Chị Hai luôn hiểu tôi nhất. Tôi hay mắc cỡ, e ngại đủ chuyện.

Anh giúp chị hai mang đồ đạc của tôi ra xe lôi đậu trước cửa bệnh viện rồi vẫy chào. Chị Hai hỏi:

- Em về cách nào đây?

- Dạ, em đi bộ ra bến xe buýt để xuống xã chỗ Tím dạy lấy xe đạp về. Chị yên tâm. Em là đàn ông con trai mà, À mà bác sĩ bảo Tím cần bồi dưỡng thật nhiều mới lại sức đó chị.

Chị Hai rưng rưng, gật đầu:

- Em yên tâm, gia đình chị sẽ không để Tím thiêu thốn nữa đâu.

Đúng như lời chị hứa. Tôi được chị và mẹ vỗ béo khi về nhà. Chị Hai mua thịt bò nấu cháo. Còn mẹ mua sữa bò nhưng tôi không uống được bao nhiêu. Tôi bị chứng dị ứng sữa từ lúc liếm dĩa sữa ở tiệm nước Hớn Hồ. Vị béo ngọt của sữa khiến tôi lợm giọng. nhìn màu trắng đục của nó tôi lại nhớ đến ánh mắt tàn nhẫn của ba và thế là tôi ọc hết ra.

Buổi tối, khi gia đình quây quần bên mâm cơm, mẹ dặn tôi ráng ăn nhiều cho mau lại sức. Cô em dâu bỗng nói:

- Đi dạy đói đến sanh bệnh mà dạy làm gì. Gặp tui là tui nghỉ mẹ nó đi. Rồi đi ở đợ còn được nuôi cơm.

Mẹ tôi giận dữ nạt ngang:

- Con nói bậy gì vậy hả! Con không được hỗn với chị ba con nghe chưa?

Thằng Út trợn mắt, bênh vực vợ:

- Hỗn đâu mà hỗn. Vợ con chỉ nói sự thật thôi. Đi dạy rốt cuộc được gì? Ba mươi sáu đồng trợ cấp quèn. Đói đến sanh bệnh rồi về nhà báo hại mẹ chứ ai.

Tôi không nén được nữa, òa khóc. Mẹ cũng rươm rướm nước mắt nhưng không hiểu sao mẹ lặng yên không nói cho chúng biết tuy tôi lãnh trợ cấp ít ỏi nhưng đó là những đồng tiền lương thiện kiếm được từ sự lao động trí tuệ. Tôi ra nông nổi này là vì tôi đã chia phân nửa tiền trợ cấp đó đưa cho mẹ để nuôi chúng nó thôi.

Anh chị Hai nghe lớn tiếng liền chạy qua. Anh rể cau mày:

- Cậu mợ nói vậy nghe kỳ lắm…

Thằng Út trừng mắt, ngắt ngang câu nói của anh rễ:

- Kỳ chỗ nào? Chuyện riêng nhà tôi, anh là người dưng đừng xía vô.

Anh Hai tức giận tím cả mặt mày, bỏ về một nước. Chị Hai cũng vội chạy theo chồng. Từ ngày anh xin nghỉ làm để đi buôn rồi gia đình anh ở quê sau lần đổi tiền, họ không còn khá giả nữa. Anh rể bị rớt giá với thằng Út. Nó không từ cơ hội nào để nói xốc anh rể mình. Có lẽ do sự tự hỗ thẹn sinh ra ngang bướng. Bản thân nó là ngụy quân hiện chẳng có nghề nghiệp gì cả. Tối ngày chỉ đánh quần đánh áo đi chơi. Chính Bà ngoại và mẹ đã phủ lên người nó cái áo giáp thượng đế nên nó trở nên lố bịch, hợm hĩnh vô cùng. Tôi và chị Hai đều nhận ra điều đó nhưng tư tưởng “Con gái là con nhà người” và Có một lần thằng Út chộp được ở đâu đem về ném vào mặt hai cô chị câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” để xác định giá trị của nó trong nhà .

Cách mạng đã thành công nhưng tư tưởng phong kiến hãy còn đè nặng tâm hồn bao người. Trong lòng tôi dậy lên nỗi ao ước chính bản thân tôi sẽ góp phần đào tạo những con người mới có tư tưởng mới. Nam nữ bình đẳng. Hạnh phúc thuộc về tất cả chứ không riêng dành cho đàn ông.

Lấy xe đạp về, anh liền đến nhà thăm tôi. Thoáng nhìn vẻ ủ rũ của tôi, anh tái mặt:

- Em sao vậy Tím, không lẽ…bệnh tái phát.

Tôi òa khóc:

- Em muốn về nhà trọ ngay!

- Nhưng em mới xuất viện, ở nhà tịnh dưỡng tốt hơn em à.

Chị Hai mời anh qua nhà chị. Chẳng biết hai người nói gì mà khi trở qua, nét mặt anh căng thẳng lắm:

- Em thu xếp quần áo đi, anh đưa em về trường ngay. Sáng mai anh trở lên sớm cũng kịp giờ dạy mà.

Mẹ đi bán chưa về, tôi ra sau bếp chào bà ngoại, bà không cản còn bảo:

- Ờ, xuống đó ăn uống đàng hoàng đừng để bệnh nữa nghen.

Anh Hai bảo anh Tâm lấy xe honda của anh chở tôi xuống đó rồi mai về sớm cho tiện. Chị Hai đưa tôi một ít tiền, chị dặn dò:

- Em cố gắng giữ sức khỏe. Hôm nào tiện, chị xuống thăm. Đừng hà tiện nữa em. Cứ xài đi, hết nhắn lên, chị gửi cho.

Mọi người trong trường túa ra đón tôi và anh Tâm. Ai cũng ngạc nhiên. Anh mỉm cười thân thiện, bảo:

- Tại em Tím nhớ trường, nhớ lớp , nhớ thầy cô nên đòi xuống ngay.

Thầy hiệu trưởng vui ra mặt. Ông gật gù:

- Cô luôn là tấm gương tốt để học sinh noi theo. Cô nghỉ thêm ít ngày cho thật khỏe đi, lớp đã có các thầy cô khác dạy thay. Cô đừng ngại nghen.

Tôi cảm động vô cùng. Hôm sau, bà con trong xã kéo ra thăm đông nghịt. Họ mang nào gà nào cá, nào tép…Họ khiến cho tôi hạnh phúc không tả nổi.Tôi biết từ nay, tôi thuộc về nơi nầy . Hay nói rộng ra thì tôi sẽ bám trường bám lớp, không từ bỏ cái nghề mà theo cô em dâu nó còn thua một con ở đợ. -  /.




VVM.18.5.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .