Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


LAO XAO CHUYỆN ĐỜI


                         
      

1.  

Không biết tôi mơ hay thức? Cái đầu quay mòng mòng, nhức tựa búa đập. Đàn vịt xiêm bơi dưới kênh đi lên vườn, trắng muốt lông thiên nga. Bọn chúng vô sân, ùa tới bụi chuối gãy tả tơi, xâu xé tàu lá cuối cùng vàng úa. Con vịt đực có cái đầu vừa bự vừa dài, dang đôi cánh vỗ loạn xạ, cất cao đầu chạy lạch bạch tới trước mặt tôi. Cả đàn mấy chục con chạy ùa theo, há miệng kêu “cáp, cáp”. Bọn vịt bắt đầu cong đít lên ỉa xoèn xoẹt. Đám phân vịt hôi hám, màu đen đỏ lẫn lộn tràn ngập cái sân nhỏ. Tôi rùng mình, mắc ói.  

Bầy vịt bắt đầu vũ điệu điên loạn. Chúng nhảy nhót, lăn lộn dưới đất. Rồi như có hiệu lệnh, đồng loạt quay đầu chu mỏ về phía tôi, ngáp ngáp, giãy chết. Tôi kinh hoàng nhìn đám vịt nằm trắng toát khắp sân. Tôi muốn bước ra kêu thằng Thắng về đào hố chôn lấp lũ vịt. Không thể nào lội qua bãi phân vịt lênh láng, thúi hoắc. Tôi lấy đà, nhảy qua sân. Tôi cất người lên, nhưng không đáp đất. Tôi bay tà tà qua xác đám vịt, qua vườn chuối chết rũ, rơi tõm xuồng hồ cá. Nước hồ cũng một màu đen kịt, xung quanh nổi lập lờ xác cá. Tôi sợ hãi, vùng vẫy cố leo lên bờ. Lớp bùn bên dưới thum thủm kéo hút chân tôi xuống. Tôi la lớn. “Thắng ơi! Cứu ba!”.  

Chỉ có cậu cán bộ Môi trường đứng ngoài cửa, người khô mỏng như cái xác ướp. Đến cái đầu cũng dẹp lép, làm cặp mắt ếch lồi ra, lơ láo. Chiếc cặp da đen bự tổ chảng làm lệch bên sườn.  “Bác Mười hết bịnh chưa? Nhà đi đâu hết rồi?”. Giọng nó trầm đục và vang. Thằng nầy được giọng nói gỡ lại.  

“Qua khỏe rồi em! Kiếm qua có việc chi không?”. Chiếc cặp da nặng nề được mở ra. Một xấp giấy tờ dày cộp đặt xuống mặt bàn. Cái xác ướp giơ tay áo chấm mồ hôi trán, giọng chắc nịch: “Hồ sơ kiện Công ty Vuvertes đứng tên ông Huỳnh Văn Đực, là của bác?” Tôi nhỏm dậy, ngồi ngay ngắn trên giường. Cái đầu đang nặng chịch bổng nhẹ bẫng. Cái thằng Vu-vơ-tét đó hả. Nông dân tôi vẫn kêu là Vu vơ cho dễ. “Ừa! Của qua và bà con 4 ấp đó em. Có hồi đáp rồi hả?”. Cặp mắt ếch lồi ra thêm, lòng đen trắng lẫn lộn. Tôi chợt nhớ đến những cặp mắt bọn vịt xiêm chết trong giấc mơ. Giọng nói trầm vỡ ra vì vui mừng. “Thắng lợi rồi bác Mười! Thằng Vu Vơ chịu chi 15 tỉ đồng giúp đỡ bà con nông dân mình”. “ Ủa! Sao lại giúp đỡ? Nó phải bồi thường thiệt hại cho tụi tui chớ?”. “Bồi thường hay giúp đỡ thì cũng vậy mà bác. Nó vẫn phải móc hầu bao trả tiền cho mình. Vậy là bác nhận lại mớ đơn từ này nghen?”. Tôi lại thấy cơ thể bã ra, nóng hầm hập. Chỉ kịp xua tay ra hiệu từ chối, tôi nằm vật ra giường, mắt đổ đom đóm. Tai tôi còn nghe được tiếng giấy tờ loạt soạt chui trở lại vô chiếc cặp. Tiếng khóa cặp lạch cạch. Tiếng người loáng thoáng: “Cho tiền tỉ không lấy. Còn đòi gì nữa đây?”.      

    2.  

  Đường vô chùa Vạn Phước không dễ đi. Càng vô, đường càng ghập ghềnh gấp khúc, đôi chỗ phải lách qua mấy hòn đá to như trâu nằm. Sáng nay mình nuốt có một ổ mì, giờ vừa đói, vừa khát. Từ Biên Hòa lên đây hơn hai trăm cây số, may mắn hỏi đường, ai cũng tận tình chỉ tới nơi. “Cậu lên chùa xin thuốc hay cầu phước? Nếu xin thuốc phải gặp sư trụ trì. Ngài lấy thuốc giỏi lắm. Còn cầu phước thì gặp sư cả cũng được”.   

Sư  thầy trụ trì khó đoán tuổi. Da mặt hồng hào, râu tóc trắng như tiên ông. Áo dài nâu che kín đám da thịt trần tục, bên dưới lộ hai bàn chân đất. Sư thầy bước đi, chân trần thong thả đạp lên lối mòn lợn cợn đá sỏi. “Thân sinh con bịnh sao?”. Mình hấp tấp kể lại. Rằng từ mười năm nay, dòng sông quê bị chết dần. Màu nước từ xanh lục chuyển sang đen nhờ, rồi đen kịt. Ba con lặn ngụp dưới dòng nước ấy để cứu những lồng cá bè. Dòng sông đen ấy chảy vô con kênh, lan tràn qua ruộng rau, ao cá. Bầy vịt xiêm nhà con đang lớn thuôi thuổi, chúng mò mẫm tìm cua tép dưới đồng, rồi về nhà lăn ra chết. Cha con tiếc, đem làm thịt nấu ăn. Má con đi cắt lúa giữa trưa nắng bị cảm chết. Không biết có phải bà hít thở nhiều quá thứ hơi nước hôi xì, cay cay ấy không? Nhưng giờ cha con bịnh nặng lắm. Thân thể ông khô đi, mà cái bụng lại chướng lên, hơi thở khó khăn, không chịu ăn uống. Con nghe tiếng thầy nhẹ tay hốt thuốc nên lặn lội tìm tới chùa. Mong cửa Phật rộng mở, cứu nhân độ thế.  

Sư thầy nghe kể bịnh xong, tay lung túng lần tràng hạt. “Căn thế nặng lắm con à. Thân sinh con bịnh trọng thân xác mà còn bịnh trầm uất trong tâm. Cả hai thứ lửa nầy cùng đốt cháy lục phủ ngũ tạng. Phải dập tắt một thứ đi, mới hi vọng cứu người”. “Bạch Thầy! Nếu bây giờ dập bớt một thứ lửa trong người ba con. Ổng sống thọ được bao năm?”. “Sanh tử hữu mệnh. Thầy không nói trước được điều gì. Mấy thang thuốc nầy, đem về sắc cho ba con uống hàng ngày thay nước. Bịnh thuyên chuyển tới đâu, điện thoại báo cho ta biết. Đây là số điện thoại của nhà chùa”.     

      3.  

Tiếng máy lạnh rù rù tựa bầy ong dai dẳng bám trên  đầu. Ta chán những cuộc họp vô bổ, toàn báo cáo màu hồng. Năm nay thành tích tăng mấy phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, khuyết điểm giảm mấy phần trăm so với cùng kỳ…Có lẽ tới đây phải kiến nghị thành lập một đội chuyên làm báo cáo. Họp sơ kết, tổng kết, đại hội nhiệm kỳ…cứ giao cho đội nầy số liệu của, rồi tự nó vẽ rồng vẽ phụng, lãnh đạo đem đọc là xong.  

Ai bảo làm lãnh đạo là sướng? Xạo bà cố! Cứ thử cho mấy người làm lãnh đạo nửa năm, đủ thời gian để chạy chỗ này, luồn chỗ kia, bằng mọi cách giành giật từng chút quyền lợi cho dân, cho lính của mình thôi. Ai không có bản lãnh, xem dám làm lãnh đạo không?  

Địa bàn của ta bây giờ việc gì quan trọng nhất? Không thể ngồi mà lựa được. Nhưng “bó đũa chọn cột cờ” thì phải tính tới vụ dân mình kiện thằng Vu Vơ. Cái thằng mặt dày như thớt, trở mặt như bàn tay và thực hiện lời hứa chậm như rùa bò. Nó ra tay giết chết mấy dòng sông con rạch nơi nầy, mà còn làm mặt ơn nghĩa. Ta cũng không hiểu điều kỳ diệu nào giúp nó tồn tại đến hôm nay. Đầu tuần thằng Lộc bên Môi trường ôm chiếc cặp to gấp hai người nó, qua báo cáo. Nó giương cặp mắt ốc nhồi ra nhìn ta. Ta ớn lạnh, tưởng mình cũng là một đống rác đang ô nhiễm. Bên Môi trường chọn nó làm cán bộ pháp lý thật hay. Người nó mỏng lét, khô cong. Không thứ vi khuẩn độc hại nào xâm nhập nổi. Trong bụng nó, khéo không có cả đám giun sán và vi khuẩn bịnh tiêu chảy. Vi trùng chỉ tập trung ở những kẻ bụng bự? Có lẽ thế.   

“Báo cáo anh. công ty Vu vơ rất thiện chí trong việc giúp nông dân khắc phục hậu quả. Số tiền họ đồng ý hỗ trợ đã lên 15 tỷ đồng”. “ Nhưng dân họ không đồng ý?”. “Dạ!”. “Ý kiến ông Hai Lâm bên Hội nông dân thế nào?”. “Nhắc tới ông nầy…nản quá thưa anh. Ổng nói ý dân là ý ổng”. “Tất nhiên rồi!”. “Còn ý kiến chỉ đạo của anh sao ạ?”. Ta cũng suýt buột miệng nói như ông Hai Lâm. Lãnh đạo cỡ mình “trên đe dưới búa”, dưới là dân, trên là quan, khó có chính kiến được. “Để tôi bàn với Hai Lâm đã. Bên môi trường các cậu cũng nên tham mưu cho cấp trên điều tra tìm hiểu thật kỹ những thiệt hại của người dân. Đừng xa dân mà hỏng đó”. Thằng Lộc ôm chặt chiếc cặp bự trước ngực. Nhìn ta chằm chằm, như nhìn con khỉ đột.  

Ông Hai Lâm mặt mũi bơ phờ. Con mắt đỏ quạch sau tròng kính cận. Ta bật cười khi nhìn bộ dạng của ông cán bộ Nông dân. “Sao! Oải quá rồi hả? Uống ly trà đi. Trà Thái thơm lắm. Mình lâu nay ghiền trà Bắc”. “Tôi đang mất ngủ. Quất mấy ly trà vô là đi theo ông bà luôn”. Hai Lâm nhăn nhó thú nhận. Ta xem đồng hồ. Còn mười phút nữa hết giờ hành chánh. Bữa nay phá lệ, ra khỏi phòng làm việc sớm. Ta tự nhủ rằng ra khỏi phòng sớm chớ không nghỉ việc sớm, chỉ thay đổi địa điểm mà thôi. “Đi! Xả hơi chút”. “Đi đâu? Không phải anh kêu tôi tới bàn công chuyện mà?”. “Ngồi riết dưới máy lạnh, đầu óc tim gan cũng lạnh theo. Tôi với anh kiếm chỗ nào ngồi uống chai bia coi”. Hai Lâm tỏ vẻ lúng túng. Ta vỗ vai chả, trấn an. “Đừng có nói là sợ phải bao lãnh đạo nghen. Bữa nay tôi mời”. “Không phải vậy! Hồi nào tới giờ tôi toàn ngồi quán bình dân không hà…”. “Vậy cho tôi bình dân với được không? Đi! Chạy xe honda của ông nghen. Chớ đánh xe con đi, lộ bem hết. Vậy hén!”.  

Bọn ta chọn cái bàn ở góc sân quán, dưới gốc cây mận già. Bếp lửa đằng trước, than đỏ rực, nổ lép bép. Bò lụi cuốn lá lốt. Mực khô nướng. Bèo hơn thì mấy cái bánh tráng nướng. Bia Sài gòn xanh, đỏ. Đúng là quán bình dân. Mùi thơm thịt nướng thúc vô khứu giác, gõ tưng tưng trong bao tử. Lần đầu tiên vô quán nhậu ta cảm thấy đói. Khác với những phòng ăn sang trọng mát lạnh, trắng toát. Các em tiếp viên hở hang, tươi như hoa, với đủ các món đặc sản mà không muốn ăn mới lạ.  

Nào! Dzô! Bia chưa đủ độ mát nên còn nồng nồng. Miếng bò lụi, mỡ còn sôi lăn tăn trên thớ thịt. Đã quá. Muốn quên hết mọi việc. Nhưng cha Hai Lâm thì không muốn quên. “Chắc anh muốn bàn với tôi về vụ nông dân kiện công ty Vu Vơ?”. “Đúng! Có chắc ăn không? Sự thiệt hại thì sờ sờ ra đó, nhưng làm thế nào có bằng chứng để kiện nó?”. Hai Lâm lột kiếng, bỏ vô túi ngực, rồi nhìn ta bằng đôi mắt ngầu đỏ. “Phải có bằng chứng. chúng tôi đã nhờ luật sư. Chỉ mong các anh thuận tình, tạo điều kiện cho nông dân theo vụ này”. Ta gật đầu. Ta dư biết bản lãnh của nông dân. Ông bà, cha mẹ ta cũng xuất thân từ nông dân chứ đâu. Hồi nhỏ đi học, có bài thơ về nông dân ta còn nhớ lõm bõm.  

 Nông dân đã nói là làm
Đã quyết là định đã vùng là  lên
Đã lật lật dưới lên trên
Đã đánh là đổ bốn bên bạo tàn.
 

Ta đọc cho Hai Lâm nghe lại. “Có đúng vậy không ông nông dân?”. “Chắc là vậy đó anh”. Hai Lâm cúi thấp xuống, nhỏ giọng. “Bên Vu Vơ nó bám tôi dữ lắm. Họ muốn chúng tôi rút đơn kiện. Thay vô đó là nhiều tỉ đồng giúp đỡ nông dân khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Một thằng bên Công ty tới gặp riêng tôi, đưa chiếc phong bao mỏng. Nó biểu ông giám đốc bên ấy gởi tôi chút quà. Tôi giả bộ hỏi trong đó có bao nhiêu? Nó nói năm ngàn. Tôi giận dữ. Các anh chơi trò gì đây? Nó vội móc tiền trong phong bao ra. Anh Hai ơi! Là năm ngàn đô la, đừng hiểu lầm chúng tôi. Tôi giơ điện thoại di động tính chụp hình thì nó giấu biến. Vậy là mất tang chứng”. Hai Lâm kể xong vụ hối lộ hụt, giận dữ thở hổn hển. Ta đưa cho ổng ly bia. “Vô đi cho hạ hỏa. Tức giận dễ bị cao máu và hư việc. Vậy là ông có giá lắm chớ bộ”. Hai Lâm lẩm nhẩm. “Nó còn bỏ nhỏ với tôi là nó mua hết rồi, đừng có bẻ gậy chống trời”. Ta bỗng nóng bừng da mặt. Đồ khốn! Nó nói mua ai chớ?  Bàn tay ta vô thức đập bốp xuống mặt bàn. Chai bia ngã kềnh. Hai Lâm liếc vội xung quanh. Không ai quan tâm tới bàn tay đau rát của ta.  

      4.  

Tôi  đã ngồi dậy được, đôi lúc còn mon men chống gậy đi từ trong nhà ra sân. Vườn chuối bị úa vàng, chết rạp đã được thay bằng mấy luống khoai lang mới trồng. Dây lang héo úa, chưa chịu đâm mầm.  

Mấy bọc thuốc thằng Thắng lấy ở chùa về hay quá. Nó sắc cho tôi uống ba thang mà trong người thấy khác hẳn. Chén thuốc thơm ngọt, óng ánh màu hổ  phách. Lúc đầu tôi không muốn uống, vì thấy nó thơm, ngọt. “Thuốc đắng dã tật”, cứ thơm thơm, ngọt ngọt thế này làm sao khỏi bịnh? Tôi không sợ chết. Nhưng tôi muốn sống. Tôi phải theo đuổi vụ kiện nầy tới cùng. Tôi sợ mình nửa đường nằm xuống thì phụ lòng bà con, anh em nông dân.  

Con chó phèn nằm trong nhà, lười biếng sủa vóng ra. Từ ngày tôi bịnh, con phèn như vậy, không còn hung dữ như trước. Người khách đang dắt xe máy qua tấm ván bắc ngang rãnh nước là ông Hai Lâm.  

Tôi rất quý trọng Hai Lâm. Anh là người gắn bó, chia sẻ với tôi từ đầu vụ kiện. Thiếu anh, không chừng nông dân tụi tôi đã bỏ cuộc ngang chừng. “Hội nông dân có chút quà gởi biếu anh. Mong anh chóng lành bịnh”. Tôi cảm động, run rẩy đỡ chiếc phong bì có những đường viền xanh đỏ. Tôi muốn hỏi anh về vụ kiện, muốn kể cho anh việc thằng ván ép bên môi trường tới dụ dỗ tôi như thế nào. Miệng tôi méo xệch, không tuân theo lịnh của não bộ. Anh Hai Lâm vuốt lưng cho tôi, an ủi: “Đừng xúc động nhiều, ảnh hưởng sức khỏe. Vụ kiện vẫn tiếp tục. Tôi đã nhờ luật sư hướng dẫn rồi. Công ty Vu Vơ vừa đưa ra giá 15 tỉ, nhưng không ai chịu”. “Anh Hai…đừng bỏ…bà con…”. Tôi không thể nói rành mạch được. Trong bụng tôi lại như có ngọn lửa thiêu đốt.  

Thằng Thắng đi làm về. Cẳng chân lấm láp những vệt bùn  đen. “Ba ăn cháo cá lóc nghen. Hên quá! Con lóc già nầy, nó chúi sâu dưới cả thước bùn nên sót lại tới bữa nay”. Tôi xua tay lia lịa. “Thả nó ra! Thả ra con ơi. Nó sắp tuyệt chủng rồi. Kiếm chỗ nào sạch sẽ cho nó sống, còn sinh con đẻ cháu…”. Thằng Thắng cự nự: “Một mình nó làm sao sinh con? Ba mắc cười quá”. Tôi lớn giọng, nạt: “Thả nó ra!” Tôi bị sặc, cổ họng nghẹn lại, khó thở. Thằng Thắng cuống quýt xoa ngực, rồi cầm chén thuốc ghé vô miệng tôi.  

Tôi trôi bồng bềnh trên cánh đồng xanh lúa con gái, trên những khu vườn cây trái chín đỏ. Con sông quê lững lờ cụm lục bình trôi tím sắc hoa. Vợ tôi nhẹ khua mái chèo, áo bà ba bịn rịn mồ hôi, nụ cười lấp lóa nắng chiều. Thằng Thắng mới hơn mười tuổi, trần nhồng nhỗng nhảy từ trên bờ xuống sông. “Thôi cưng ơi! Tắm vậy được rồi. Mang mớ tôm nầy vô nhà, chút má làm cơm không ba kêu đói rồi kìa”.  

Tôi thấy vợ tôi da mặt tím ngắt, nằm thoi thóp giữa ruộng lúa có mùi bùn thum thủm. Tôi bồng vợ tôi lên, đặt xuống đám cỏ, hết sức hà hơi vô miệng người mà thổi, nhưng trái tim vợ tôi đã ngưng đập. Tôi loạng choạng đi về, ngang qua vườn thấy thằng Thắng đang đào hố chôn bầy vịt xiêm. “Mấy con chưa chết hẳn, để ba mần thịt ăn đỡ hả Thắng”. Nó không nói gì, cứ cúi đầu lấp đất.  

Tôi  đứng run rẩy trước sân. Thằng Thắng từ đâu đi về, bàn chân tướp máu. “Thuốc nầy hay lắm ba. Con xin của sư thầy chùa Vạn Phước đó”. “Thuốc gì mà ngọt ngay. Tao không uống đâu”. Thằng ván ép cầm tập đơn vung vẩy trước mặt tôi: “Đồ nông dân khùng! Tiền tỉ không muốn nhận, muốn theo kiện cho tán gia bại sản hả?”. Tôi thấy lồng ngực bị xé rách. Lửa đốt trong đầu bừng bừng. Đầu tôi nổ tung. Tối sầm.      

   5.  

Chưa bao giờ mình thất vọng và cô đơn thế  này. Chỉ trong vòng hai năm, mình mất cả ba lẫn má. Mình hối hận vô cùng. Lúc ba đi sao mình không biết. Sao ba không kêu con hả ba? Lúc đó con đang ở ngoài vườn, đang trồng lại đám khoai mỡ, gần ba lắm mà. Mình ngồi gục giữa nhà, khóc. Chú Hai Lâm và bà con lo đám tang cho ba ra sao mình cũng không rõ. Từ lúc căn nhà đầy chật người ra vô, cho tới lúc làm lễ cầu nguyện cho ba, đưa ba ra nơi an nghỉ cuối cùng, mình vật vờ như xác không hồn, làm theo mọi sự chỉ dẫn như cái máy.         

   6.  

Một ngày làm việc cật lực. Ta không hiểu tại sao lại có  nhiều hơi sức đến vậy. Sáng, dự hội nghị  công tác An ninh quốc phòng. Trưa, dự lễ trao tặng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Chiều, họp công bố quyết định tặng danh hiệu Trường chuẩn quốc gia. Còn hai mươi phút nữa thì hết giờ làm việc. Ta vào phòng làm việc, ngồi ngả lưng ra ghế, nghỉ và nghĩ. Mười bốn năm làm lãnh đạo, từ cấp phó rồi lên cấp trưởng, đã có những gì ở xứ sở nầy mà ta chưa hiểu hết. Đôi lúc cảm thấy mình quá thông thuộc những ngõ ngách, quá hiểu biết những mặt người, rồi giật mình nhìn lại như chiều nay. Ta vẫn như một kẻ nghe một tai, nhìn một mắt.  

Cạch! Cạch! Cạch!  

Vẫn chưa hết khách. Đám khách không mời này còn kéo lằng nhằng tới buổi tối tại tư gia. Thiệt ớn! Ta uể oải: “Vô đi!”. Lại là cậu Lộc bên môi trường. Bộ mặt khô choắt của nó le lói niềm vui. “Báo cáo anh! Có tin mới từ bên công ty Vu Vơ. Sau nhiều ngày bàn thảo, phân tích với đối tác. Chúng em đã buộc họ phải tăng số tiền giúp đỡ dân lên 20 tỉ đồng. Đề nghị anh tác động bên nông dân cho họ nhận số tiền này. Hiện nay nông dân rất cần vốn để phục hồi sản xuất, chăn nuôi. Cứ theo kiện mãi, để vuột tiền vốn của dân đi là mình có tội”. Ta bắt đầu bực mình. “Ai bảo cậu đó là tiền của dân?”. Thằng mặt choắt kia tỉnh khô: “Thưa anh! Họ đồng ý giao cho dân, tức là tiền của dân rồi ạ”. Nó lại còn lý luận với ta. Dân còn đang ì xèo vụ kiện, đồng ý nhận hay không là do dân. Lãnh đạo ép thế nào được. Thằng kia bảo người đứng đầu lá đơn kiện Vu Vơ là ông Huỳnh Văn Đực vừa mới qua đời. Ta thoáng bần thần. Ông ta chết rồi sao? “ Cậu ghé qua Hội nông dân, nói qua với Hai Lâm một tiếng. Tôi sẽ có ý kiến sau”.  

Ta chỉ biết cầu chúc cho mọi người đi tới đích. Con đường chân lý kia cũng đã quá dài. Họ đi gần hết con đường, không lẽ bây giờ dừng lại.-  . /.   

Trường Lưu 4/8/2010



VVM.18.5.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .