Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



tranh Lương Tín Đức

NGHÌN THU NHỚ NGƯỜI




H ai hàng cây dầu cao vút, cắt bầu trời xám xịt thành những mảnh vụn. Con đường Pasteur đêm chưa xuống đã ít người qua lại, có lẽ vì cơn mưa trái mùa. Đi gần tới ngã ba cuối phố, tôi ghé vào một quán cà phê nhỏ. Quán vắng ngắt. Cô chủ ngồi ở cuối phòng, vẫn cái dáng lơ mơ quen thuộc, nhìn mà chẳng thấy, nghe mà chẳng hiểu. Tôi rũ áo mưa bước vào, cô quán giật mình, đưa vội ngón tay lên miệng, khẽ suỵt. Theo hướng mắt của cô, tôi thấy một gã đang lặng lẽ hí hoáy viết ở góc quán, gần bên cửa sổ. Tôi nói khẽ:

-Cái thằng mặt dày sao còn vác xác về đây?

-Lạ lắm! Hơn ba năm gặp lại, anh ấy chỉ ấm ớ mấy câu, rồi ngồi trơ như phỗng.

-Chắc cu cậu đang bận mần thơ, không viết nhanh chữ nghĩa bay mẹ nó hết.

-Nhưng trông có vẻ rất đau.

-Thì cô lại an ủi nó đi.

Nhìn dáng tiều tụy của gã, tôi chợt nhớ lại quang cảnh ba năm trước, cũng trong quán này, cả bọn năm đứa quay quần vào một chiều cuối năm, không khí có vẻ nặng nề.

Gã họ Nguyễn thở dài:

-Đám thần tượng đất sét của bọn mình, lúc này gặp mưa, nhão nhoét thành bùn…

Tôi hình dung ra ba khuôn mặt: một ông linh mục, một ông giảng sư, một ông học giả. Buổi học đầu tiên sau ngày đảo chánh, ông linh mục lắp bắp thanh minh về mối quan hệ của mình với nhà họ Ngô. Ông giảng sư bên ngoài xấp tài liệu cắp nách, bao giờ cũng có tờ báo Đuốc Tuệ to tướng, làm như thiên hạ chỉ có ông là Phật tử thuần thành. Còn ông học giả không ngớt bi bô: Nếu bà Nhu được gặp tôi sớm hơn, thì đâu có đến nỗi này.

Giọng gã họ Nguyễn rất khinh bỉ:

-Tao chẳng còn gì để học ở các ông ấy. Ngày mai tao đi.

Họ Hoàng cự lại:

-Mày chỉ được cái trò vơ đũa cả nắm. Nhà Nho còn có cụ Quỳnh, cụ Giác. Linh mục còn có cha Nghiêm, cha Định. Học giả còn có thầy Cầm, thầy Chi. Các nhà mô phạm chân chính như thầy Toản, thầy Bào. Lại còn thêm thầy Trụ cười lên đi cho răng vàng sáng chói. Một đời âm thầm, tận tụy nghiên cứu, nhiều ông tuy học vị không cao, nhưng há chẳng đáng cho mày học hỏi sao?

Gã họ Nguyễn vẫn cố chấp:

-Bầu không khí nhiễm độc rồi. Mùi chuột chết bốc lên từ chính giữa đám sinh viên. Tao tởm.

Rồi gã bỏ đi một mạch ba năm.

Hết nhìn gã gục đầu bên cửa sổ, tôi lại nhìn sang Thủy. Cô quán vẫn là cô quán xưa, nhưng ánh mắt tinh quái thời nào đã thêm phần diệu vợi. Thủy trách nhẹ:

-Anh cũng tệ, cả tháng mới ghé một lần.

Tôi nói nhỏ vào tai cô:

-Chỉ sợ ghé hoài quen nết, sẽ lạc mất lối về. Thế nào, khá không?

Thủy đưa mắt nhìn khắp gian phòng nhỏ chừng chục mét vuông:

-Anh xem đó.

Tôi cũng biết, cô chủ mở quán, có lẽ chỉ để vui với đời, chứ bán chác gì. Khách khứa được vài ông đứng tuổi, với dăm bảy gã sinh viên kiết xác, lâu lâu lại đòi lấy sổ à la ghi.

Gạch gạch, xóa xóa chừng năm mười phút, gã quăng bút thở dài, tay mân mê tờ giấy. Tôi chỉ:

-Đẻ xong rồi, không khéo lại đẻ ra quái thai thì vất vả to.

Tôi tiến về phía gã, túm chăt lấy vai:

-Thằng khốn.

Gã giật mình như tỉnh cơn mộng du. Nhận ra tôi, gã toét miệng cười, nhưng ánh mắt phía sau cặp kính vẫn đờ đẫn, vô hồn. Gã hỏi bâng quơ:

-Thế nào? Tốt chứ?

-Đồ vô duyên.

-Ý tao hỏi tình hình thế nào?

-Vẫn cảnh bát nháo kinh niên. Phật giáo, Công giáo vẫn lên đường, xuống đường. Các đấng lãnh tụ vẫn nhi nhô. Có đấng để râu, cắt râu đến dăm lượt, rồi nhảy phốc lên mui xe đấm ngực, tự đả đảo chính mình. Thứ trò hề muôn thuở, nói ra bẩn miệng.

Gã nhìn khắp phòng, hất hàm:

-Thằng Uông, thằng Hoàng đâu?

-Bộ chúng ông ngày nào cũng phải túc trực ở đây để đợi mày chắc. Nói vậy chứ tháng trước tao gặp thằng Hoàng ở Gò Dầu Hạ, nó phất phơ ngoạn cảnh chợ trời biên giới. Thằng Uông đi Thủ Đức, nghe đâu bây giờ đóng ở Khe Sanh. Bọn mình năm đứa, may mà còn ba.

Gã nhìn tôi có vẻ diễu cợt:

-Còn mày, liệu nên cơm cháo gì không?

-Vẫn giương mắt ếch lên mà nhìn đời. Việc chính của tao bây giờ là đến đây trồng cây si. Tiếc rằng đất cứng quá, rễ không bén được.

Thủy đấm nhẹ vào vai tôi, nguýt dài:

-Đốt ông đi.

Tôi làm bộ mắng:

Liệu hồn cô, giọng con gái sao mà chua thế?

Rồi quay sang gã:

-Bây giờ tới phiên tao lục vấn mày. Ba năm trôi sông, lạc chợ, mày sống ở đâu?

-Tao đi tứ xứ. Ngủ đò ở sông Hương một tuần. Tới chợ Hàn mua đồ hộp phế thải của lính Mỹ. Về Bến Đá ngửi mùi nước mắm. Ghé lầu Ông Hoàng đọc hết sạch mấy bài thơ dấm dớ đề kín mặt tường. Đi tác ráng xuôi ngược song nước miền Tây. Ăn bò nướng ngói ở Sa Đéc, ăn mắm bồ hóc ở Cao Lãnh, rồi say chết ở bến Ninh Kiều.

Đột nhiên gã dừng hẳn lại, thẫn thờ. Tôi tiếp:

-Cuối cùng vác cái xác sống dở, chết dở về Sài Gòn, sau khi đã để lại nửa hồn ở… ở đâu? Khai ra, đồ chết tiệt.

Giọng gã rất nhẹ:

-Ở Đà Lạt.

Gã đưa tôi bài thơ mới làm. Tôi đọc nhanh rồi trao cho Thủy:

-Thủy này, cô ngâm nhá.

Thủy cười:

-Trong mấy năm các anh tứ tán, cũng có mấy ông thi sĩ ẩm ương tới đây bắt em ngâm thơ con cóc, thét rồi lòng hóa đá và tiếng bị rè, chả biết còn ngâm nổi nữa không?

Ngày trước, tôi thích nhất những đêm cuối thu, ngoài trời mưa rơi rả rích, gió se se lạnh. Trong quán đèn tắt hết, dưới ánh nến lung linh, bốn đứa quay quần nghe Thủy ngâm thơ, cùng với tiếng tiêu của tôi phụ họa. Giọng ngâm lãng đãng, không trong vắt mà trầm đục nỗi buồn. KhiThủy ngâm bài Màu Thời gian của Đoàn Phú Tứ, tôi bắt gặp trong ánh mắt cô một chút gì luyến tiếc, một chút gì cay đắng, bẽ bàng, một chút gì vời vợi nhớ nhung Hương thời gian thanh thanh, có lẽ không bao giờ trở lại. Ngâm hết câu cuối, đôi mắt chìm ngập bóng tối từ từ nắm lại, khép kín một khung trời. Tôi nhớ vô cùng đôi mắt trong đêm hôm ấy.

Thủy đọc bài thơ hai ba lượt, như muốn nuốt kỹ từng lời, rồi bắt đầu cất giọng:

Bút khai xuân nét chữ gầy,
Mong manh tình ý, thoảng đầy hồn ta.
Nắng lên thơm bước lụa là,
Gió lên phơi phới hài hoa đầu thềm.
Phấn nào hồng rực má em?
Son nào tô thắm môi mềm chiêm bao?
Mắt trong như ý ngọt ngào,
Ngập ngừng em đến, lời trao môi cười.
Gió bay tóc xõa tơ trời,
Xuôi bờ vai nhỏ chơi vơi nắng hồng.
Cuối đường, áo trắng mênh mông.
Hồn ta phút cũng bềnh bồng cuốn trôi.
Giấc La Phù mộng giữa đời
Mà ta lãng tử lạc loài lối tiên.
Trong ta, tình đã ngủ yên,
Phút như gió thoảng, triền miên chợt đầy.
Rượu nồng hay mắt em say?
Giây tương tư buộc gót giày lãng du.
Hồn ta lạc bến sông mù,
Vọng về lối cũ, nghìn thu nhớ người!
Bút khai xuân nét hao gầy,
Mà buồn theo bút tháng ngày thoảng qua.

Vẫn dáng mộng du, gã đăm đăm nhìn ly cà phê nhỏ từng giọt một. Cái thằng vốn coi trời bằng vung, bây giờ ngồi đó, dáng mệt mỏi, răng cắn chặt cán tẩu, miệng cười như mếu. Tôi vỗ vai đánh thức gã:

-Tao hiểu rồi, cóc chết ba năm quay đầu về núi, tưởng nên vương tướng gì, ai ngờ vất va, vất vưởng, ngồi gặm từng chút cô đơn giữa biển người điên loạn, để vọng về lối cũ nghìn thu nhớ người. Này thằng khốn, lòng bạc như vôi, xưa kia mày mà biết nhớ ai, bây giờ đúng là quả báo. Đời tịch rồi em ạ!

Gã vẫn lầm lầm như tượng gỗ. Tôi xuống nước:

-Bọn mình bốn đứa, với Thủy là năm, ngày xưa còn bé, có gì cũng tâm sự với nhau. Bây giờ bộ tưởng mày lớn lắm rồi sao?

Thủy cũng giục:

-Phải đấy, nói hết ra đi cho vơi cái bầu tâm sự.

Gã quay sang Thủy.

-Cô còn nhớ anh Hiền không? Chết rồi.

***

Buổi chiều Sài Gòn còn nồng hơi nắng. Xa cái giá buốt trùng trùng của miền cao nguyên đất đỏ, thể xác tôi trở lại bình thường, nhưng hồn lại như đóng kín một lớp băng. Tôi còn nhớ ba năm trước, trong cơn bốc đồng, từ giã bạn bè nối khố, tôi đã sống trôi nổi, lang bạt khắp nơi, từ giải đất miền Trung còm cõi, tới đồng bằng mầu mỡ miền Nam, nhưng tất cả đều không thể níu chân tôi lại. Cùng với tháng ngày trôi nổi, tôi đã để lại sau lưng những cuộc tình dối gạt, có lẽ cả những cặp mắt tuyệt vọng, đợi chờ hay uất hận. Ba năm ấy, tôi được mất những gì? Được những cảm giác nặng nề xác thịt, nhưng mất trắng sự thanh thản tâm hồn. Nỗi nhọc nhằn đè nặng lên đôi chân đã bắt đầu thấm mỏi. Vừa lúc ấy, một bậc đàn anh làm hiệu trưởng trường tư ở Đà Lạt kéo tôi về.

Buổi học đầu tiên bước vào một lớp nữ sinh, tôi bắt gặp một ánh mắt mở to, bang hoàng mừng rỡ. Tôi vội bước xuống:

-Xuân phải không?

Cô bé lí nhí:

-Chú Nguyễn.

Niềm vui bất ngờ làm tôi mất tập trung. Đi cùng trời cuối đất, lúc dừng chân lại gặp được đứa cháu năm xưa. Buổi học tan, Xuân đón tôi ở cổng trường, dắt tôi về nhà bằng bước chân chim sẻ tíu tít. Sự mừng rỡ bồng bột hiện rõ trong từng câu nói huyên thuyên, nhiều lúc không đầu, không đuôi. Con bé vẫn như ngày nào, cho dù tuổi mười bảy không còn là tuổi mười hai. Điều ấy làm tôi thầm vui, vì thấy cháu mình chưa vội đánh mất tuổi hồn nhiên, Vừa tới cổng, chị Hiền đã nhận ra tôi, chị reo lên:

-Chú Nguyễn hả? Trời ơi! Đi đâu mà biệt tăm biệt tích, chú tệ thật.

-Thì bây giờ em đã dẫn xác tới tạ tội rồi mà.

Bước qua cửa, tôi chợt khựng lại, kinh ngạc đến sững người:

-Anh mất rồi sao?

Khung hình trắng đen của anh đặt trên bàn thờ, phía trước có một bát nhang.

-Phải vậy không?

Nét mặt chị chùng xuống:

-Anh mất hơn hai năm rồi. Trước khi mất, anh vẫn thường nhắc đến chú, tiếc rằng không được gặp. Chị có viết mấy lá thư báo tin, họ đều trả lại.

-Xin lỗi chị, thời gian qua em đi tứ xứ, không nhận được là phải.

-Mà chú cũng tệ thật, biền biệt mấy năm, không có lấy một chữ.

-Dạ anh cũng rõ thói xấu của em, ngày xưa viết thư về nhà chỉ vỏn vẹn: còn sống, cần tiền.

-Gớm, dẹp chú đi, giá viết thư cho gái thì khỏi phải dục

Tôi nó đùa:

-Ai bảo chị vậy, viết thư cho gái chỉ cần hai chữ: còn yêu.

Rồi cười xòa, lảng sang chuyện khác:

- Vì sao anh mất hở chị?

-Mấy năm sau này anh yếu lắm, anh mất vì bệnh lao.

Tôi ngạc nhiên:

-Ngày nay lao đâu có phải là chứng nan y.

Giọng chi đượm vẻ ngao ngán, mệt mỏi:

-Chị biết thế mà đành bất lực. Sau này chi mới rõ, bệnh lao không làm anh chết, nhưng chứng trầm uất có thể tiếp sức cho bất cứ bệnh gì vật ngã một người đàn ông. Chú hiểu rõ anh mà. Bây giờ chị rất sợ, sợ chứng trầm uất và sợ nhất là bệnh phổi.

Tôi bước đến bàn thờ anh, thắp ba cây nhang, đầu óc miên man suy nghĩ.

Cả bốn chúng tôi cùng gặp anh ở quán cô Thủy sáu bảy năm về trước. Buổi tối hôm ấy, Thủy ngâm một bài thơ anh làm. Bài thơ phác lại cuộc hành trình của một tay lãng từ, tuổi bốn mươi, tuy rất tài hoa mà chung thân thất bại. Có bốn câu làm tôi xúc động:

Ta thèm say cho đất trời đổ sụp,
Chén đắng không làm vị đời ngọt them!
Ta muốn quên trong trận cười nghiêng ngửa,
Hồng phấn, yên chi, lòng lạnh như tiền.

Tôi mơ hồ cảm thấy giữa đời phù du, không còn nơi nào để anh có thể tìm được niềm vui.

Anh kết bằng hai câu:

Gió loạn trời Nam, mắt người vẩn bụi,
Xin nhận tiếng cười chàng Tiếp Dư điên.

Câu thơ xác định vị thế của con người lạc lõng giữa cảnh nhiễu nhương. Tự nhiên tôi thấy thông cảm và gần gũi anh. Không hiểu sao trong bốn đứa, tôi có vẻ hợp với anh hơn cả. Từ đó chiều thứ bảy, chúng tôi rong chơi phố phường, rồi ghé về nhà anh ăn tối. Tôi vốn là đứa bé mồ côi từ nhỏ, nên đã lấy gia đình anh chị làm những người thân, và anh chị cũng coi tôi như đứa em ruột thịt của mình. Năm ấy Xuân mới lên tám. Buổi tối, tôi thay anh dạy cháu học bài, cho tới năm nó được mười hai. Tôi đã chứng kiến con bé từ lúc lên tám vòi vĩnh chú từng gói kẹo, cho tới tuổi mười hai, sớm biết giúp mẹ vun vén việc nhà. Cháu của chú bây giờ đã lớn, nhưng tôi ao ước nó vẫn cứ bé bỏng như xưa, để có thể ôm chặt vào lòng. Ngày tháng ấy chan hòa vẻ đẹp thanh bình rất hiếm.

Tuổi trẻ anh khá sôi động. Bị cuốn hút vào vòng xoáy thời cuộc, đã có lúc anh tham gia đảng phái. Cuối cùng chợt nhận ra: anh chỉ là kẻ ngây thơ giữa sinh hoạt chính trị phản trắc, đầy mưu ma, chước qủy. Mọi diễn biến chung quanh, hầu như đều trái ngược với lý tưởng, lại thêm thất bại kéo theo thất bại, từ đó, anh rơi vào trạng thái trầm uất, suốt ngày lầm lì đọc và viết, nhưng viết chỉ để mà nhìn, kể cả thị trường chữ nghĩa cũng không dành chỗ đứng cho kẻ thẳng lưng. Hai năm sau chị đưa anh lên Đà Lạt trồng hoa, ngắm cảnh. Người đàn bà đó âm thầm theo dõi từng bước chân chồng, bước chân lún dần trong bãi cát đời vô định, chị xót xa mà không hề thốt một lời than.

Bình thường trong lúc oằn vai gánh vác nỗi nhọc nhằn của cuộc sống, con người thường có thói quen đến với Tôn giáo, để tìm nguồn an ủi cuối cùng, nhưng tôi còn nhớ có lần anh đã bảo:

-Từ khi trưởng thành anh không bao giờ cầu nguyện, vì Chúa và Phật chẳng thể ban phát những điều mình không đáng hưởng. Còn nếu cầu nguyện là một hình thức tỏ bày tình cảm của mình với đấng Thiêng liêng, thì thú thật, thứ tình cảm ấy anh không hề có.

Như vậy còn lại những gì cho anh, con người chơ vơ giữa vòng trời đất?

Quay lại với gia đình, anh mang thêm mặc cảm bất lực, vì không thể chia sẻ gánh nặng áo cơm. Lòng yêu vợ, thương con, phút chốc biến thành nỗi ám ảnh dày vò. Thế đó, hình như chỉ còn một con đường dành cho anh đi: con đường về với cái chết. Bản chất con người khác nhau, nên chẳng thể trách anh sao không thử đứng lên làm lại từ đầu. Nhưng tôi vẫn trách anh một điều: một gia đình như thế chưa đủ với anh sao? Anh có người vợ suốt đời thương yêu và đủ tinh tế để thưởng thức tài hoa của chồng. Anh có đứa con gái dịu dàng, luôn nhìn cha bằng đôi mắt kính phục xen lẫn thương yêu. Như vậy chưa đủ với anh sao? Cái chết chấm dứt bốn mươi năm tuổi đời phiền muộn, nhưng lại khởi đầu chuỗi ngày dài đau đớn, xót xa cho người còn sống. Nhìn lên bàn thờ, tôi thấy anh cũng đang nhìn tôi, mắt buồn rười rượi như muốn bảo:

-Cả chú cũng trách anh sao?

Cái khắc nghiệt trong thân phận làm người là chúng ta thường xuyên bị đặt trước những cảnh ngộ không phải lúc nào cũng rạch ròi trắng, đen.

Không biết tôi đứng lặng trước bàn thờ anh bao lâu, tiếng nói của Xuân làm tôi giật mình.

-Mẹ ơi! Con dọn cơm nhá.

Xuân quay sang tôi:

-Chú tâm sự gì với bố cháu mà lâu dữ vậy?

-Chú chả nói gì cả. Giữa bố cháu và chú không cần phải nói vẫn hiểu rõ nhau.

Chị Hiền nói như ra lệnh:

-Hôm nay chú phải ở lại ăn cơm với chị, rau dưa thôi.

Trong bữa cơm, câu chuyện tuy cởi mở nhưng vẫn có vẻ nặng nề. Chỉ có Xuân còn vui vẻ, nhưng câu nói hồn nhiên đôi lúc làm chúng tôi nguôi ngoai. Xuân hỏi tôi:

-Chắc chú có đôi rồi phải không?

-Có rồi, chú có đôi đũa cháu vừa mới đưa.

Chị cười hiền hòa:

-Chị hỏi thật, nếu chưa có chỗ nào để chị chỉ cho một đám.

-Dạ em vẫn chiếc bóng phòng không.

-Rõ khéo, lớn tướng rồi còn gì.

-Không phải đâu, già rồi mới đúng.

Xuân chen vào:

-Cô Nhung phải không mẹ? Cháu dám cá cô ấy gặp chú là mê tít thò lò.

Tôi bật cười:

-Con bé này, cứ tưởng chú của mình ghê gớm lắm, chẳng sợ người ta cười vào mặt cả lũ. Nói vậy chứ xin chị, em khấn đồng trinh.

-Có mà đồng xu, chị đi guốc trong bụng anh em nhà chú.

Tuy vẫn cười cười nói nói, nhưng khuôn mặt xanh xao của chị vắng hẳn nét mãn nguyện ngày nào. Điều ấy làm tôi cảm thấy xót xa.

Cơm nước xong, Xuân liếc mẹ, cười cầu tài:

-Mẹ ơi! Để chiều về con rửa chén bát, bây giờ con phải đi theo chú cho biết nhà.

Chị mắng yêu:

-Con bé này, lúc nào cũng nóng nóng, sốt sốt, để chú nghỉ ngơi chốc đã.

Căn nhà tôi thuê bề ngoài trông cũng tươm tất, nhưng vừa bước vào, Xuân đã chun mũi:

-Eo ơi! Chú bê bối kinh khủng, thế này mà chịu được à? Thôi để mai cháu bảo cô Nhung sang dọn dẹp hộ.

-Chả dám đâu.

Nói vậy chứ Xuân bắt đầu ra tay. Trước hết gom mớ quần áo bẩn vứt lung tung, dồn vào trong thau, quét sạch trong nhà, dưới bếp, sắp gọn lại chồng sách vở, rồi lau tủ, bàn. Chẳng mấy chốc căn phòng khác hẳn. Bàn tay phụ nữ quả là khéo léo.

Nhìn quanh quất một hồi, Xuân chọc:

Tạm ổn, có thể làm tổ uyên ương cho chú được rồi.

-Có mà cái tổ tu hú.

Ra tới cửa, Xuân vênh mặt, mặc cả:

-Hôm nay cháu lao động cật lực, không có thì giờ học bài đâu nhá, mai chú đừng gọi cháu lên, quê lắm.

Kể từ đó, mỗi chủ nhật tôi tới ăn cơm với chị, còn hằng ngày Xuân vác sách sang tôi học bài. Chị hoàn toàn tin tưởng nơi tôi, vì chị vốn tin ở đôi mắt nhìn người của anh ngày trước. Điều ấy khiến tôi càng phải giữ gìn. Sau khi bài vở đã xong, Xuân thường giúp tôi những việc vặt vãnh. Thấy tôi ủi quần áo qua loa, Xuân giựt lấy bàn ủi:

-Để cháu làm dáng cho chú, mai còn đi gặp cô Nhung.

Cách ba ngày Xuân thay cho tôi một bình hoa hái trong vườn. Thỉnh thoảng Xuân cũng khâu cho tôi mớ quần áo đứt nút, sổ chỉ. Trong lúc vá may, con bé giống y như mẹ, cũng cần cù, cẩn thận từng ly, từng tí. Buổi chiều sau khi Xuân về, tôi thường nằm dài trên giường nệm trắng tinh, tận hưởng sự thoải mái được sống trong căn phòng ấm cúng, gọn gàng. Chính lúc ấy một câu hỏi lần đầu hiện ra:

-Phía sau tất cả những vật lộn, bon chen, người đàn ông thật sự cần gì?

Thời gian cứ thế trôi đi. Một hôm Xuân chợt hỏi:

-Chú có thích thơ không?

-Rất thích, nhưng điều kiện tiên quyết thơ phải chân thành. Những rung cảm xuất phát tự đáy lòng không bao giờ đồng hành với thứ ngôn ngữ phô trương, làm dáng.

Cô bé chợt cười bằng ánh mắt ranh ma:

- Để cháu đọc bài này, chú nghe thử xem có chân thành không nhá. Cháu không biết ngâm đâu.

Ta đốt đời mình trong men rượu đắng.
Còn gì để tiếc ngày xanh qua mau.
Hồn ta bãi trống, hoàng hôn tắt nắng,
U ám mây trời, trong đáy mắt sâu.
Thôi nhé! Ngậm ngùi bên nhau lần cuối.
Em khóc làm gì thêm xót xa nhau.
Em biết ta chăng, nửa đời phiêu bạt,
Đã chín lâu rồi những vết thương đau.
Tính sổ thời gian, đời như canh bạc,
Ta đã trắng tay, đành xin cúi đầu.
Còn ân tình này dành cho em đó,
Rồi cũng tan đi trong khói thuốc sầu
Ta nhận đắng cay và cam bỏ cuộc,
Đâu dám mơ gì hạnh phúc dài lâu.
Em hãy coi ta như làn mưa mỏng,
Thấm ướt hồn em trong cuộc tình đầu.
Liều thuốc thời gian xóa mờ kỷ niệm,
Giúp em quên dần vui cuộc tình sau.

Tôi nói nhanh:

-Bài thơ tồi tệ, làm trong hoàn cảnh tồi tệ: rượu say viết càn. Mà hình như cháu đọc thơ của chú, lếu láo thật.

-Hôm nọ dẹp phòng, cháu vớ được bài thơ vương vãi dưới gầm bàn, đọc thấy hay hay, ai dè dễ thuộc hơn mấy bài học ở trường.

Xuân chợt rụt rè:

- Thời gian có thật là liều thuốc không hở chú? Chắc nó đắng lắm.

Cùng với ánh mắt thao thức, đằng sau câu hỏi ấy, tôi mơ hồ thấy xuất hiện một con người khác, không còn là đứa bé ưa vòi vĩnh chú ngày nào. Trước mắt con người ấy, bắt đầu mở ra một chân trời mới, đầy những thắc mắc, băn khoăn, pha lẫn tò mò, lo lắng. Và lần đầu tiên, tôi chú ý tới vẻ đẹp thanh khiết, thấp thoáng nảy nở dưới màu áo lụa bạch đơn sơ. Hình như có một khoảng cách vừa nảy sinh, hình như trong cách đối xử có điều cần phải dè chừng.

Xuân chợt ngẩng lên nhìn tôi bằng đôi mắt ướt, giọng ngập ngừng rất nhẹ:

-Tình yêu là gì hở chú?

-Tình yêu là sự hòa hợp trọn vẹn giữa hai tâm hồn, phải trải qua mới hiểu. Thật ra cũng có thứ tình yêu đơn phương. Nhưng thôi, cháu hỏi làm gì?

Giọng Xuân có vẻ hờn dỗi:

-Bộ chú nghĩ cháu còn bé lắm sao? Mười bảy tuổi rồi.

Tôi cố giữ vẻ chế riễu:

-Cháu chẳng bé thì lớn với ai?

Đột nhiên tôi nhận ra trong đôi mắt đỏ hoe có ánh nhìn rất khác, vừa tha thiết, vừa trách móc, giận hờn. Lúc này tôi mới ý thức sự bất ổn đang lớn dần. Tôi vội đứng lên:

-Quên mất, chiều nay chú phải đi gặp hiệu trưởng có việc cần bàn.

Hành động này là một hình thức trốn chạy, vì tôi chưa kịp chuẩn bị đối phó. Nếu ở lại, có thể tôi sẽ yếu lòng. Nhưng trốn chạy được bao lâu?

Có những thực tế ta phải đàng hoàng đối mặt. Có những nhu cầu ta không tài nào cấm cản: quyền yêu thương dành cho người con gái đang từng bước trưởng thành. Chỉ mong sao cháu đặt tình yêu đúng chỗ.

Đêm ấy tôi trằn trọc đến khuya, ôn lại từng chặng đường suốt ba mươi năm làm người. Có chặng được đánh dấu bằng những cuộc tình bèo bọt, trong đó từng lời giả dối được nói trơn tru, trở thành công thức. Nhưng hỗi ôi! Tất cả đã góp phần làm chai đá tâm hồn. Tôi chợt nhớ đến câu kệ thầy Thiện Minh đọc trong giờ triết Đông: Khi chưa có ta, ai là ta? Giờ có ta rồi, ta là ai? Tôi là ai? Tôi là ai? Giữa cõi vô minh chợt hiển hiện bóng dáng một tay đãng tử trên dưới ba mươi, những hạt sạn trong đầu nhiều hơn hạt giống, nên hạt giống thối rữa từ từ. Như thế còn lại gì cho tôi? Tôi thiếp dần, thiếp dần trong giấc ngủ chập chờn.

Hôm sau Xuân không đến, hôm sau nữa cũng không đến. Tôi ghé lại thăm. Chị Hiền cười:

-Chả biết mệt hay lại làm nũng. Con gái thời nay đến là rắc rối.

Tôi bước vào phòng. Xuân nằm úp mặt xuống gối. Chị bảo:

-Chú mặc xác nó. Con gái lớn rồi.

Đúng, Xuân đã lớn rồi.

Ba hôm sau Xuân mới tới. Dáng điệu vẫn rụt rè, nhưng giọng nói cố làm ra vẻ mạnh dạn:

-Hôm nọ chú còn nợ cháu một câu trả lời.

-Câu gì?

Vẻ bẽn lẽn hiện trên nét mặt:

-Tình yêu là gì hở chú?

-Cháu thực sự đã đến tuổi cần biết hay sao?

Xuân cúi đầu, đôi má rực hồng,

-Cháu lớn rồi.

-Ai bảo cháu thế?

-Trái tim mách cho Xuân biết.

Lần đầu tiên nói chuyện với tôi, Xuân tự xưng tên. Dấu hiệu gì đây? Tôi cố trả lời lạnh nhạt:

-Trái tim dại khờ là thứ dễ mắc sai lầm nhất. Nó có thói quen nhìn đời toàn màu hồng, hoặc toàn màu đen. Thật ra không phải vây đâu, cuộc đời muôn màu ngàn vẻ.

Nét mặt Xuân lộ vẻ xúc động, đôi mắt tha thiết mở to, tuy dịu dàng, nhưng vẫn đủ sức thiêu cháy một thời bình yên. Đôi mắt ấy làm tôi bàng hoàng.

-Tình yêu đến cùng với những rung động rất kỳ lạ ở tận đáy tâm hồn, làm se thắt trái tim, nhất là đối với tuổi mới lớn, lần đầu tiên khao khát được nếm hương vị ngọt ngào, nhưng hãy coi chừng, nhiều khi lại rất đắng cay. Tình yêu có thể nâng ta lên thật cao, mà cũng có thể vùi cả xác lẫn hồn ta xuống vũng bùn. Cái nghiệt ngã đối với người con gái là mối tình đầu thường lẽo đẽo đuổi theo, ám ảnh suốt cuộc hành trình. Nó đặt ta trước một ngã rẽ mới: hạnh phúc hay đau khổ. Bởi thế dù trái tim ít khi tỉnh táo, nó vốn mù lòa, nhưng tối thiểu cũng phải biết phân biệt sự giả trá và chân thật. Tình yêu chân thật đòi hỏi sự tôn trọng lẫn nhau và lòng độ lượng. Người con gái mới lớn thường phải trả giá rất đắt cho sự hối hả, bồng bột của mình.

-Tình yêu thật là phức tạp, nhưng con người hình như muốn trốn cũng không chạy thoát.

-Vì nó là bước khởi đầu của vòng truyền sinh, giúp con người tồn tại

Giọng Xuân ướt sũng:

-Chú ơi! Hãy chỉ cho cháu, chỉ cho cháu con đường đúng để đi. Cháu thầy mình nhỏ nhoi, hoang mang, run sợ.

Vẻ yếu đuối của Xuân làm tôi mềm lòng, tôi muốn dang tay che chở. Nhìn ánh mắt tha thiết và đôi môi run rẩy, lòng tôi bỗng dâng lên một niềm khao khát rất chân thật, rất thanh khiết, thánh thiện. Tôi vẫn biết một nụ hôn phớt nhẹ qua môi, chẳng đủ làm hoen ố tâm hồn trong trắng, cũng không phải là tội lỗi đáng khinh, nhưng nó sẽ để lại dấu ấn thật sâu, in đậm suốt một đời người, nhất là khi người con gái ấy có một tâm hồn mong manh, dễ vỡ. Từ đó đặt ra vấn đề trách nhiệm, trách nhiệm về dấu ấn của mình. Tôi là người trần tục, sống giữa vòng trần tục, tuy đã trót lội xuống vũng bùn, nhưng vẫn còn chút tình người sót lại. Khổ thay, đó lại chính là khởi điểm của bi kịch, bi kịch của sự giằng co giữa hai đối cực. Tôi cố lấy giọng bình tĩnh giảng giải:

-Có một tiêu chuẩn để phân biệt: Tình yêu ích kỷ, giả dối là thứ tình chỉ muốn lấy mà không muốn cho. Tình yêu chân chính là thứ tình chỉ muốn cho mà không cần nhận lại.

Bản thân chú, chú biết mình đã quá cằn cỗi, để có thể đáp lại thứ tình yêu thần thánh. Chú không còn gì để cho, nên cũng không dám nhận. Đó là án phạt dành cho kẻ trong quá khứ đã trót dại, coi tình yêu như một cuộc vui.

Câu nói này tôi muốn dành cho Xuân, mà cũng là lời cảnh tỉnh, giúp tôi dừng lại trước một ranh giới quá đỗi mong manh.

Đêm hôm đó, trời Đà lạt bỗng dưng trở lạnh, cái lạnh cắt da xẻ thịt vây bủa bốn bề. Tôi chợt cảm thấy dường như có bàn tay xiết chặt lấy cổ. Hơi thở bắt đầu nặng nề, kèm theo tiếng rít khò khè. Tôi giật mình sợ toát mồ hôi: cơn suyễn. Cơn suyễn kéo đến thật mau, như một trận lũ không hề báo trước. Hằng chục năm qua, căn bệnh quái ác tưởng đã buông tha không hành hạ tôi. Vùng khí nóng Sài Gòn giúp thể xác giữ mực bình thường. Bệnh suyễn kỵ nhất hơi men, chỉ cần một hớp nhỏ đủ làm bệnh nhân nghẹt thở trong vòng một giây. Tôi đã uống thứ rượu trong vắt được gọi là nước mắt quê hương ở Long An, tôi đã say gục ở bến Ninh Kiều, vậy mà cơ thể không hề phản ứng lại. Sự chủ quan đã phải trả giá. Chỉ cần một mũi Théophiline hay vài viên Asthmal, cơn bệnh quái ác sẽ từ từ hạ xuống. Bằng chút sức lực cuối cùng, tôi lục thật kỹ dưới đáy vali. Vô ích, đã từ lâu lắm, tôi không đề phòng dự trữ thuốc men. Cơn suyễn không cho tôi nằm, cơn suyễn không cho tôi ngủ. Phổi nóng rát, hai tay phải chống thẳng, ghì chặt lấy thành giường, để đỡ cho lồng ngực đủ sức căng ra. Toàn thân lạnh ngắt mà vẫn nhơm nhớp mồ hôi. Tôi vịn tường, men từng bước nhỏ xuống bếp tìm chút nước nóng. Tấm gương treo tường phản chiếu một khuôn mặt, già không ra già, trẻ không ra trẻ. Hai mắt thâm, lõm vào, lở đờ như mắt cá chết. Má hóp, tóc mai dính bết vào thái dương. Ai vậy? Đôi môi khô nứt, miệng há hốc. Ai vậy? Ông thầy ngày ngày vẫn tươi cười trên bục giảng đó ư? Cổ rút lại, hai vai nhô lên thụt xuống, lồng ngực phập phồng hết cỡ, cho hơi thở khò khè từng sợi thoát ra. Ai vậy? Con người đã rong chơi giữa đời bằng nụ cười ngạo mạn đó ư? Phút chốc tôi nhận ra con người thật của mình, rất nhầy nhụa.

Tôi bỗng nhớ tới lúc ngồi bên bàn thờ anh. Tôi đã đọc được ý nghĩ trong đôi mắt đầy dấu chân chim của chị. Đôi mắt ấy nói với tôi một điều: không gì cay đắng, xót xa cho bằng nỗi lòng thiếu phụ rất yêu chồng, mà phải nửa đời goá bụa. Cảnh ngộ ấy có nên để tái diễn lại không? Lại vẫn một người con gái rất mong manh, dễ vỡ, lại vẫn một người đàn ông tâm hồn tràn đầy mặc cảm và thể xác bệnh hoạn mỏi mòn. Tôi cũng nhớ câu chị nói: bây giờ chị rất sợ… sợ nhất là chứng bệnh phổi.

Suyễn không phải ho lao, nhưng cũng là bệnh phổi, một chứng bệnh không bao giờ chữa dứt được. Vậy thì. thử ngồi tính sổ lại coi: đậu tú tài hạng bình, tốt nghiệp đại học hạng bình. Ba mươi tuổi đầu mới chợt hiểu ra: bằng cấp không đủ làm nên con người. Sức khỏe là con số không. Tiền bạc trong tay ước độ vài nghìn. Sau lưng có những mối tình vụng về đánh mất, trước mắt có một cuộc tình đụng nhẹ sẽ tan. Thử ngồi tính sổ lại coi… còn gì để tính.

Cái khổ của bệnh suyễn là thể xác tuy kiệt quệ, nhưng tinh thần hoàn toàn tỉnh táo. Cứ thế, dĩ vãng quay vòng.

Hôm sau bệnh tuy bớt, nhưng tôi phải nghỉ dạy.

Buổi trưa có tiếng bước chân ngập ngừng dừng trước của phòng, rồi tiếng gõ rụt rè. Tôi cố giữ mình không ra mở cửa. Không thể gặp Xuân lúc này. Cơn suyễn làm bệnh nhân thay đổi hoàn toàn, dù phong độ cách mấy, chỉ cần một đêm cũng trở thành bệ rạc.

Tiếng gõ mạnh hơn, rồi một giọng lạc lõng:

-Chú ơi! Chú ở đâu rồi?

Tôi ở đâu rồi? Tôi ở một thế giới khác, thế giới ấy không dành cho những tâm hồn mong manh, thanh khiết như Xuân.

Tiếng gõ lại vang lên, dồn dập. Tiếng gọi đứt quãng, nghẹn ngào:

-Chú ơi! Mở cửa.

Tôi không thể mở. Đây là giờ phút định mệnh, lưỡi gươm đã chém xuống và tôi là tội nhân thụ hình.

Rất lâu, không biết khoảng bao nhiêu phút, tiếng chân rất quen lại vang lên, bối rối, xa dần, xa dần. Tiếng chân bước trên lối sỏi, trên lớp lá khô, xào xạc, xa dần… xa dần đời tôi. Tôi muốn tung cửa chạy ra.

Buổi chiều, tôi ngồi vào bàn, viết vội lá đơn xin nghỉ việc, một lá thư xin lỗi anh hiệu trưởng, thêm ít điều dặn dò nhờ Xuân chuyển lá đơn, vì tôi có việc rất gấp phải đi. Sau đó tôi chép lại bài thơ Xuân đọc hôm nào, lấy thước kẻ chặn tất cả trên bàn. Cuối cùng, suy đi nghĩ lại, tôi xé vụn bài thơ vứt vào sọt rác. Còn gì rỗng tuếch cho bằng:

Liều thuốc thời gian xoá mờ kỷ niệm.

Tôi khép hờ cửa phòng, rồi xách hành lý ra đi.

Con đường có nắng hoàng hôn mà vẫn lạnh. Giờ này chắc đã hết xe về Sàigòn. Tôi ghé vào tiệm thuốc Tây rồi tìm phòng trọ. Căn phòng lạnh lẽo, trơ trẽn, vắng tiếng cười và thiếu hẳn hơi thở ấm. Giữa không gian trống rỗng, hoang vu, tôi mường tượng tiếng bước chân rất quen, bối rối, lạc lõng, xa dần, xa dần. Bước chân mang đi tất cả, xa dần, xa dần…

***

Gã họ Nguyễn gục xuống bàn từ lúc nào, tôi hình dung ra chiếc bóng dĩ vãng quái ác đè nặng trên đôi vai gã, dìm đầu gã xuống. Tôi nói bâng quơ:

-Canh bạc đã cuốn chiếu rồi, còn ngồi mà tiếc của, đứng dậy thôi.

Gã ngẩng phắt lên vặc:

-Mày là thằng ngu, biết cóc gì mà nói. Tình yêu không bao giờ giống như canh bạc.  -./.




VVM.18.5.2025-NVA3384.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .