Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


“TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ ... ”



“Tổ Quốc ta, ta phải nghe trong tiếng chuông Linh Mụ”.
LM Sảng Đình Nguyễn Văn Thích

 Để nhớ Phan Hải, Hoàng Hữu Chung,  Nguyễn Văn Bê, Huỳnh Văn Khánh,
Lê-Quang Dung (đã qua đời), Phạm Xuân Lý, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Quang Chiểu,
 Trần Phú Trắc, Trần Hữu Bảo và Phạm Ngọc Hiền
thuộc Tổ 1/ Đội 1/ Khối 1/ L3T3 Hòm thư 7590, Trại Cải Tạo Trảng Lớn/ Tây Ninh (1975-76).

hoànglonghải

I.


1.-         

    Hoàng Hữu kể:          

   “Làng tui tên là làng An Ninh Thượng, ở ngay phía sau chùa Linh Mụ. Tôi sinh ra và hồi nhỏ lớn lên ở làng, lên Trung Học mới về ở Huế học hành. Khi tui bắt đầu biết nghe, âm thanh đầu tiên đập vào tai tui có lẽ là tiếng chuông chùa Linh Mụ. Ngoài ra, ngay hồi nhỏ, tui còn nghe tiếng chuông chùa làng. Tiếng chuông chùa làng nhỏ hơn chùa Linh Mụ nhiều lắm. Chùa Linh Mụ là chùa của Triều Đình, chùa của “vua xây”, chùa “nhà nước”. Còn chùa làng là do dân trong làng góp công góp của xây lên vì làng có đời sống riêng của làng. Rằm, mồng một, người làng đi chùa làng. Những ngày vía, họ đi cả hai chùa. Dân làng tui nghèo, tuy không nghèo lắm, nhưng công đức thì đóng góp cho cả hai, mỗi khi họ đi lễ chùa”.        

       “Không riêng gì tui, những tiếng chuông chùa ấy đều có ảnh hưởng đến tâm hồn người dân làng. Trong làng có nhiều người ăn chay để tránh sát sinh. Cúng kỵ cũng vậy. Nếu kỵ mặn, họ thường ra chợ Kim Long mua thịt heo về cúng. Dân làng ít khi cúng gà vịt. Gà vịt nuôi để bán, ít khi ăn. Hoặc có khi cần cắt tiết gà vịt thì mấy cô, mấy chị kêu mấy anh thanh niên làm giùm. Tui chưa từng thấy đàn bà con gái làng tui cắt cổ gà vịt bao giờ. Các ông bà già lớn tuổi cũng vậy”.        

       “Năm tui tới tuổi đi học, vì chiến tranh, làng không có trường. Sư cụ chùa làng chỉ biết chữ Nho, rành kinh kệ “Cầu siêu”, “Cầu an” mà thôi, đọc lõm bõm chữ quốc ngữ với trình độ “Bình dân học vụ”. Với lại ông cũng lẩm cẩm vì đã già không biết cách dạy học nên chúng tôi không được học hành gì. Sau đó, sợ chúng tôi bị thất học, một chú điệu cũng khá lớn tuổi, đang học Trung Học thì bỏ đi tu ở chùa Linh Mụ, thương tình, mở lớp “Đồng Ấu” cho chúng tôi ở hậu liêu chùa, chỗ cái kho chứa bài vị “Thất thập nhị hiền”.          

     Số là sau khi tái chiếm Huế năm 1946, Tây lấy Văn Thánh làm đồn bót, bèn hốt hết bài vị Khổng Tử cùng “thất thập nhị hiền” làm bằng gỗ mà thả xuống sông. Sư cụ chùa Linh Mụ thấy tội nghiệp, bèn sai đệ tử vớt lên. Nhưng chùa thì không thờ mấy ông thánh hiền đạo Nho nên cất ở hậu liêu. Chúng tôi học ở đó, giờ ra chơi, lâu lâu tò mò ra lật bài vị lên xem vì thấy cách trang trí bài vị ngày xưa lạ mắt. Dĩ nhiên, không biết bài vị nào của “ông hiền” nào vì chúng tôi không biết đọc chữ Nho. Hỏi chú Sung, thầy dạy chúng tôi, chú đọc vanh vách. Cầm từng cái, chú nói với chúng tôi: Bài vị nầy là của ông Nhan Hồi, bài vị nầy là của ông Tăng Sâm, ông Trình Tử, ông Tử Lộ, v.v... Hồi đó, tên mấy ông nầy đều lạ hoắc. Về sau, nhờ học hành và đọc nhiều sách báo mới nhớ có nhiều ông tên hơi quen quen, nhiều ông người ta phải theo gương họ mà tu thân. Bây giờ thì không biết mấy bài vị đó còn không. Tuy chùa Linh Mụ chưa bị cháy bao giờ, nhưng không chắc mấy “ông hiền” đó không bị “Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự” hay giao cho Viện Hán Học Huế rồi?”        

       “Tui nghĩ tui thấm nhuần lòng từ bi của Phật tử nơi phong tục tập quán làng tui, nơi chùa làng, nơi tiếng chuông chùa Linh Mụ nghe thật rõ, ấm, lắng đọng mà vang rất xa, nhứt là mỗi khi trời thanh vắng. Mấy năm trọ học ở Huế, nhớ làng, nhớ chùa, mỗi lúc hoàng hôn hay khi trời gần sáng, tui nằm lắng nghe tiếng chuông chùa Linh Mụ vẳng lại trong sương mà lòng ray rứt. Tui cũng thấm nhuần đạo Phật qua lời dạy của sư cụ chùa làng, - cũng không nhiều lắm đâu -, hoặc ngay cả với chú Sung là thầy giáo đầu đời, hay “Gia Đình Phật Tử” mà tui có vô hồi còn học tiểu học. Có lẽ ảnh hưởng sâu đậm nhứt là nơi cách sống, lề thói của làng. Thành ra, trình độ Phật Pháp của tui không phải là “Thiên kinh vạn quyển” mà ở trong đời sống thực hằng ngày như tránh sát sinh, thương người, thương loài vật, giữ lòng từ bi, hỉ xã, biết phục vụ người khác như ai già yếu, ai bịnh tật, tai nạn, nên khi đi học tui hay tham gia cứu lụt; hiếu để với cha mẹ anh em, hòa thuận với mọi người, yêu quê hương, làng nước mình, v.v... Kể ra thì dài dòng lắm, nói không hết được”.          

     “Sau khi đậu Tú Tài, thi vô sư phạm bị hỏng, học các ngành khác thì không được vì nhà nghèo, tui vào học luật để chuẩn bị đi lính. Trường luật chỉ là cái hộc giấy giữ những cái đơn sau khi bị các trường khác trả đơn lui, chờ nhập ngũ”         

      “Vô quân trường tui đã sợ, ra trường, tui sợ hơn. Đậu thấp, trên bảng chọn đơn vị, miền Trung, chỉ còn tiểu khu Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tui chọn Quảng Nam vì Quảng Nam gần Huế hơn, rồi ra đơn vị, “lon” chuẩn úy mới toanh, “lon sĩ quan trẻ nhứt quân đội Việt Nam Cộng Hòa”, không biết uống rượu, chỉ biết “Sữa nước sôi” mà làm Đại Đội Phó. Chỉ nửa tháng sau, thiếu úy Đại Đội Trưởng trúng mình đi “đoong”, tui lên Quyền Đại Đội trưởng trong tình hình đánh nhau rất căng, lính tráng thì “năm cha bảy mẹ”, quân số thiếu hụt, cả Đại Đội còn có mấy chục ngoe, không hy vọng được bổ sung quân sớm. Lính tráng ba gai lắm, tui ngán lắm. Thành ra đối với tui lên chức là một đại nạn. Khổ hơn nữa là lúc đó đang hành quân vùng sát chân núi Trường Sơn, núi rừng mênh mông, bạt ngàn”.        

       “Hôm đó tui được lệnh đóng sát chân một ngọn núi. Mấy anh trung sĩ Trung Đội Trưởng bàn với tui:          

   - “Chuẩn úy! Mình chém vè xuống dưới làng nằm đi. Ở đây nửa đêm Việt Cộng đánh, không có đường rút, chết cả đám.”         

    “Tui nói:          

   - “Nhưng Tiểu Đoàn ra lệnh đóng ở đây. Đâu dám rút đi”.        

     “Một anh nói:                   

      - “Ông nhát quá, Tiểu đoàn biểu là một chuyện, mình chém vè là một chuyện. Họ ở phía sau, biết gì ở đây mà ra lệnh. Mình phải tự liệu mà bảo vệ mạng sống chớ”.            

“Tui chống chế:

- “Lỡ họ biết thì răng?        

“Một anh thấy tôi “quê mùa”, dễ ăn hiếp bèn văng tục:       

- “Lỡ cái con c... Bọn nó ở sau ăn nhậu, thằng nào dám lên đây mà sợ”.        

“Tui trừng mắt nhìn anh ta. Anh ta bỏ đi, lằm bằm: “Có ngày lính nó bắn vỡ sọ”.        

“Chuyện lính bắn hay dọa bắn cấp chỉ huy rất thường xảy ra. Năm trước, đụng một trận lớn, mấy thằng lính muốn rút, đại đội trưởng không cho. Lợi dụng khi nổ súng dữ, một thằng lén bắn chết đại đội trưởng rồi chém vè. Quân cảnh Tư pháp điều tra, bắt bỏ tù. Được mấy tháng, Biệt Động Quân cần binh sĩ, vào quân lao tuyển; thằng ấy tình nguyện đi, thế là hết tù. Biết tính tui hiền, mấy thằng ba gai lại càng ba gai.”          

“Cuối cùng, tui cho rút về làng. Buổi chiều, lính tráng tản ra nấu ăn, có mấy thằng, trong đó có thằng Năm là thằng nổi tiếng “mất dạy”, mua rượu về nhậu. Tui than phiền với Trung Đội Trưởng, anh ta nói:          

- “Cái thằng Năm là đầu bầy, chuẩn úy có nói gì được thì nói. Tui chịu. Nó bắn tui nát óc có ngày. Nó là thằng bất trị”.                

“Quả thật thằng Năm là thằng bất trị, nó ba gai nhứt Đại đội, chẳng coi ai ra gì. Nó người Gò Công, ở một xã không nghèo lắm, cha là Việt Cộng, bị giết khi nó còn nhỏ. Nó bị gọi quân dịch, sau “ba tháng quân trường”, Bộ Tổng Tham Mưu đưa nó ra miền Trung xa xôi cho khỏi đào ngũ trốn về, thành ra nó luôn luôn bất mãn. Cha ghẻ và mẹ nó không có đất ruộng gì. Đúng là thành phần vô sản. Thằng nầy ác lắm, nhậu say vào hay quậy hết người nầy tới người khác. Đêm ấy say rượu, nó bắt một ông già bằng tuổi ông nội nó trèo lên bụng một cô gái buộc giao cấu cho nó coi. Ông già khóc lạy nó, nó lấy báng súng đánh vào đầu ông già, té máu. Anh em vào can, nó rút lựu đạn đòi ném cho chết cả đám, khiến người ta tránh cả. Lợi dụng khi mấy người kia vào can, cô gái ngồi dậy chắp tay lạy nó như cóc lạy trời. Không thấy tội nghiệp thì chớ, nó đá cô gái mấy đá lăn vào góc bếp, nằm bất tỉnh nhơn sự. Thiệt nó ác vô cùng tận! Tôi chưa từng thấy ai tàn ác như nó bao giờ.    

“Nhân lúc lộn xộn khi y tá cùng mấy người lính lo cứu cấp cho cô gái, vài anh em đoạt được trái lựu đạn trong tay thằng Năm. Tôi ra lệnh trói nó lại, cho người canh, chờ sáng hôm sau có trực thăng tới, giải về Tiểu Đoàn để đưa ra tòa. Thằng Năm dọa nếu nó trở lại đơn vị, nó sẽ giết tôi.            

“Đêm đó, nằm trong nhà dân, tui vừa buồn vừa lo. Lo là lo Tiểu đoàn làm ăn cà chớn, cho nó trở lại Đại Đội thì không những nguy cho tui mà còn cho nhiều anh em khác nữa; buồn là buồn cho thân phận một sĩ quan thân cô thế cô mới phải ra một đơn vị “chó má” như vầy, vừa gian khổ, vừa nguy hiểm từ nhiều phía, cả địch cả bạn, sống rày chết mai. Mỗi khi gặp cảnh buồn, tui thường nghĩ tới mạ tui, vừa thương mạ vừa thương thân. Tui hay nghĩ tới câu Kiều đã học: “Dặm nghìn nước thẳm non xa, Biết đâu thân phận con ra thế nầy”.           

“Đêm đó, tui không sao ngủ được, nhắc tụi lính canh chừng thằng Năm, sợ nó sổng được thì nguy cho cả đám.         

“Khuya lắm, hai mắt tui ráo hoảnh, vừa l thằng Năm, vừa sợ Việt Cọng. Thay vì nằm ngủ nhà trên, - cũng chỉ là một cái chòi,- để đánh lạc hướng thằng Năm phòng khi nó sổng giây trói, tui và thằng “tà lọt” xuống nằm dưới bếp. Bếp là cái chái nhỏ sát vách, vách cũng bằng tranh, lợp hơi thưa, gió lọt qua lành lạnh. Tui kéo mền lên tận cổ, mắt ngó ra ngoài vách lá. Trời sáng mờ mờ, gió đập vào lá chuối xào xạc. Đêm ấy lại mưa dầm, tiếng mưa rơi rì rầm trên các tàu lá chuối, nghe như tiếng ai nói chuyện thì thầm và đôi khi tui tưởng tượng như tiếng Việt Cộng ra lệnh chuẩn bị tấn công! Chưa bao giờ tui buồn vậy.        

“Lâu lâu, chuối ngoài vườn đổ sầm một cái, như tiếng con voi hay con trâu ngã xuống đất.         

“Ban đầu, tui không biết tiếng chi đổ ầm, tưởng Việt Cọng, ngọ ngoậy hoài. Thằng “tà-lọt” nằm bên cạnh, kinh nghiệm và hiểu ý tui, thì thầm:     

-“Chuối trúc (*) đó, không phải Việt Cọng di chuyển. Chuẩn úy ngủ đi, mai còn hành quân”.  

“Tui cũng thì thầm hỏi:

- “Răng chuối trúc?”         

“Thằng “tà lọt” giải thích:  

- “Vùng ni rải thuốc khai quang. Thuốc làm cho cây bị rút nước, lá phải rụng. Chuối bị rút nước nguyên cây nên thân nó mềm ra, không đứng được nữa, trúc xuống”.  

“Tui hỏi:

- “Răng biết?   

- “Dân họ hay lắm. Rứa chớ kinh nghiệm dạy họ biết hết”.            

“Tui nghĩ tới người dân ở đây, nghèo thiệt quá nghèo, khoai sắn là thường xuyên. Ghé nhà họ, ít khi thấy họ nấu cơm. Họ trồng chuối cũng để bán, không phải để ăn. Bụi chuối lớn lên, chưa kịp trổ buồng, đổ xuống một đống, nghĩ thiệt tội cho dân. Nhà nào cũng chỉ toàn đàn bà con gái, ông bà già. Thanh niên theo Việt Cọng hết. Không theo cũng phải theo vì sẽ bị đi lính Quốc gia, bị đưa tuốt vô trong Nam không có ngày về. Tử trận cũng chôn trong Nam. Vùng nầy không có chính quyền Quốc Gia, chẳng ai đưa giấy báo tử”.    

+           

Kể tới đó, Hữu quay ngang sang hỏi Long:       

“Anh Long nghĩ coi, răng mình “học tập cải tạo”, thấy nói giai cấp vô sản là giai cấp tiên tiến lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Thực Dân Pháp, Đế Quốc Mỹ thắng lợi mà thằng Năm cũng vô sản, răng lại tàn ác như thú vật rứa?”            

Long không trả lời, chỉ nghe tiếng ngáy ngủ khò khò. Hữu hỏi thêm một lần nữa, Long cũng im lặng. Tuy nhiên, Phạm Xuân Lý nằm bên cạnh Long, thấy tay Long lén ra dấu cho mình, bèn nói với Hữu:

- “Thằng chả ngủ rồi! Thôi ngủ đi”.           

Tổ tôi là tổ 1, gồm 12 người (*), thuộc Đội 1, Khối 1 trại Cải tạo L3/ T3 Trảng Lớn, Hòm Thư  Bảy năm không chín (7509) có nghĩa là sẽ đi học tập tới 7 năm nhưng không chín, như thơ Trần Tế Xương “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín” nên phải học nữa, chưa biết ngày nào về. Hồi đó chúng tôi “học tập cải tạo” mới được một năm, nghĩ tới bảy năm thấy mà ghê! Chúng tôi ở trong một ngôi nhà trại gia binh chế độ cũ.          

Mỗi tối, trước khi máy đèn ở gần Khối 6 tắt, chúng tôi cũng như mọi người còn được ngồi chơi trước hiên nhà một chốc. Khi nhà đèn chớp ba lần báo hiệu máy tắt, ai nấy lo vào chỗ nằm như lệnh Bộ Đội đưa ra. Lúc ấy, dù mùa hè hay mùa đông, trời còn sớm, chúng tôi vào nằm trong phòng nói chuyện chơi với nhau chờ giấc ngủ. Long là người “lắm chuyện” nhứt. Anh nhớ dai, nhớ nhiều chuyện trên trời dưới đất, nhứt là những chuyện về giới vua quan triều đình Huế, về chế độ Bảo Đại, chế độ Ngô Đình Diệm, chuyện ăn chơi của Phan Văn Giáo, Ngô-Đình Cẩn, v.v... nên có nhiều chuyện làm quà vui cho anh em. Đôi khi, các anh em khác cũng có vài chuyện kể, chuyện tiếu lâm Nam Trung Bắc, đủ cả. Chúng tôi cũng hát cho nhau nghe. Thời gian đầu, chưa cấm hát “nhạc vàng”. Chúng tôi cũng hát vài bài mới như “Nguồn Tin Vui” của Duy-Trác. Hát hay và hay hát cũng là Long với Chiểu.        

Anh em trong tổ không giữ kẻ nhau vì ai cũng “ngụy” cả, lại nhiều anh “ngụy ròng”, “ngụy rặc”, “ngụy chăm phần chăm”, nghĩa là chẳng có bà con nào theo “Kách Mạng”. Có anh lại là “ngụy gộc” tức là có bà con làm to bên phía Quốc Gia, ngoại trừ Phan Hải, người nằm ngoài cùng, Khối Trưởng.        

Phan Hải là dân Quảng Nam. Theo anh ta kể thì anh là cháu nhà văn nổi tiếng Phan Khôi; cháu Phan Bôi, Phan Thao, Phan Mỹ là mấy tay Cộng Sản gộc.                    

Thân sinh anh ta là Phan Mạch, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhứt. Bố mẹ anh ta tập kết, anh ở lại trong Nam với một ông bác làm tài công một chiếc ghe lớn chở hàng chạy đường Saigon - Đà Nẵng. Ông bác chết sớm, Phan Hải sống lây lất một mình ở Saigon, tự kiếm cơm ăn học rồi bị động viên, lên tới trung úy, đang làm việc ở tòa Đô Chánh, phụ trách an ninh kiểm tra lương thực tại khám Chí Hòa thì “đứt phim”. Bởi những sự liên hệ gia đình như thế, lại gốc Quảng Nam, lớn lên ở xã hội miền Nam, cá tính anh có nhiều điểm khác nhau, xem ra có nhiều điểm tốt. Anh ta không “phát biểu linh tinh”, hy vọng cha mẹ bảo lãnh về sớm, trở thành “đứa con của đảng” như cha mẹ anh ta hứa, nhưng lại có những “biểu hiện bất mãn chế độ nhà tù Cộng Sản”, mặc dầu lúc đó, các trại cải tạo còn do Bộ Đội quản lý, không đến nỗi tàn ác như các trại thuộc quyền Công An. Tuy vậy, một năm nay, vài ba lần nhân dịp “các ngày nễ nớn” mỗi người mới thấy được miếng thịt heo to bằng đầu ngón tay út trong phần ăn của mình, khiến một lần, Phạm Quang Chiểu nói đùa: “Báo cáo anh bộ đội, con ruồi tha mất miếng thịt của tôi rồi!” khiến ai cũng cười. Ngày thường chỉ có cơm (cũng may còn cơm mà ăn, không ăn toàn khoai mì như bên trại Công An) rau muống với “nước mắm Đại Dương” (*). Vài ba tuần mới có một chút cá.          

Phan Hải kể:     

- “Chế độ cũ đâu có như ri! Ngày nào cũng có cá, mỗi tuần ba lần thịt. Tui là thành viên kiểm tra lương thực nhà thầu cung cấp cho tù nhơn nên tui biết rõ lắm. Hễ cá ươn, thịt ôi là đại diện tù nhơn từ chối không nhận. Để kịp bữa ăn, nhà thầu phải cung cấp cá hộp hay thịt hộp thế vào.”  

Phan Hải ở với anh em cũng có tình. Ngày chuyển trại, chia tay nhau, Phan Hải được ở lại. Anh ta khóc khi nhìn chúng tôi lên xe đi. Tuy nhiên, vì anh ta có “liên hệ Việt Cộng”, lại dân Quảng Nam, tính tình cực đoan, thẳng thắn, dễ đụng chạm, hoặc như anh ta tự xét mình “Ngựa non háu đá” nên một vài người tránh né anh ta. Trong đó có Long.          

Nếu nằm phía ngoài cùng là Phan Hải thì phía trong cùng là Trần Phú Trắc, “cháu anh Tám Thẹo” như chúng tôi thường gọi đùa, kêu “tông tông” bằng cậu ruột. Tuy nhiên hai ông chú của Trắc là hai Việt Cộng cỡ bự, tỉnh ủy viên. Nghe nói thân sinh của anh ta cũng là Việt Cộng nhưng bị Cộng Sản thủ tiêu vì có em vợ là “Tổng Thống Miền Nam”. Trắc cũng thuộc loại sống có tình nghĩa với anh em nhưng hơi xà bát vì là “con cưng của mẹ”.      

Chiều hôm sau, năm sáu anh em tụ họp ngồi ở khoảng trống trước mặt nhà bếp. Mùa đông năm đó lạnh lắm. Ông trời như muốn làm tăng thêm nỗi thê lương cuộc sống những người thua trận đang bị giam cầm trong chốn lao tù. Sau khi cơm chiều xong, Trắc và Hữu thường đi dọc bếp các khối, tìm những khúc củi chưa cháy hết, đem về bỏ trong một cái nón sắt cũ, thổi cho cháy mạnh lên, năm ba anh em quây quần chung quanh, vừa sưởi ấm, vừa chuyện trò, cười đùa. Có lần chỉ vào cái nón sắt chứa mấy khúc củi cháy,  

Trắc nói:

- “Mấy cha thấy không? Chiến tranh phục vụ hòa bình!”

Chẳng ai phụ họa lời Trắc. Có lẽ người ta đang theo đuổi ý nghĩ nào đó về gia đình xa cách đã một năm chưa gặp lại. Họ đâu có biết Cộng Sản đang chuẩn bị cho họ một chuyến đi xa hơn nữa, tít mù ở núi rừng Việt Bắc, chín mười năm sau còn chưa được tha về, nhiều người đã bỏ thân ngoài chốn rừng thiêng nước độc đó.  

Một lúc, Long nói với Hoàng Hữu mà cũng với mọi người:

- “Moa” từng lưu lạc trong Nam mấy năm, lại thường ở miền quê, “moa” có thể trả lời thằng Hữu được nhưng túi hôm qua kẹt có Phan Hải, “moa” giả bộ ngủ, không nói gì?”  

Trắc phản ứng:

- “Anh đừng nghĩ vậy. Phan Hải là người rất có tư cách, rất “trí thức tiểu tư sản”. Đời nào nó đi báo cáo với bộ đội”.                              

Long giải thích:

- “Không phải “dzậy”! Mấy “toa” nên hiểu nó là thằng Quảng Nam, cãi là cãi tới cùng. Hoàn cảnh nó khác mình, nó tin vào đảng chẳng qua có cha mẹ đang làm lớn, lại đang lo cho nó về. Thành ra, hôm qua nếu “moa” lên tiếng là rơi vào chủ trương “đấu tranh giai cấp” của Cộng Sản, thế nào cũng phải tranh cãi với nó, thành ra “moa” giả bộ ngủ”.

- “Theo anh thì làm răng?” Hoàng Hữu hỏi.

- “Làm răng là làm răng?” Long đùa.  

Phạm Quang Chiểu cười nói: - “Đã bảo không được nói tiếng nước ngoài. Thế “nà” không tiến bộ đấy!”

 

Long nói:

- “Làm việc ở miền Nam, “moa” ở nhà quê nhiều hơn thành phố, “lội” từ Biên Hòa cho tới Gò Công, Định Tường, Long Xuyên, Cà Mau. “Moa” hiểu phần nào dân tình Nam bộ, thấy ở nhiều xã, một số người dân không cần đất ruộng gì nhiều nếu không phải là người chí thú làm ăn. Họ chỉ cần một khoảnh vườn nhỏ, trồng rau trái bán ra chợ theo mùa, đến mùa cày, mùa cấy làm “dầng” (vần) công lấy lúa cũng có một đời sống no đủ. Đất ruộng không cần thiết, học hành không cần thiết, không buộc đi làm thì sáng nhậu, trưa nhậu, tối nhậu. Ngoài chuyện bị gọi quân dịch. Họ chẳng có trách nhiệm, tinh thần gì với làng xã nhưng lại muốn hưởng thụ. Ham ăn chơi là hiện tượng thường thấy trong giới vô sản miền Nam. Họ là số người rất dễ bị Cộng Sản tuyên truyền. Đọc trong “Hồ Sơ Trận Liệt”, “moa” thấy rất nhiều tên theo Việt Cộng với lý lịch khá tức cười. Hồi “moa” ở Cái Sắn, sai lính theo tìm “giải hóa hạ tầng cơ sở Cộng Sản”, thấy bí thư kiêm kinh tài xã Tân Hội, gần “đồng chó ngáp” Huệ Đức (*) bên Long Xuyên, tên Trần Văn Vốn, tự Ba Lèo, gốc là một tay không đất ruộng, không nghề ngỗng, ham cờ bạc, lấy lúa non của người khác đem bán, gọi là “bán lúa non” (*) để đánh bài. Bị thưa, nó bỏ vào bưng, theo Việt Cọng. Vậy mà cũng không chừa máu mê. Làm trưởng ban kinh tài xã, có tiền, nó bèn đổi vùng, lén ra xã Mông Thọ, tỉnh Kiên Giang đánh me, bị dân chúng phát hiện, kêu Nhân Dân Tự Vệ tóm cổ đem về giao cho xã. Thằng Tư Ngọc, kinh tài xã Đức Phương, nguyên cũng là thằng chẳng có đất ruộng gì, làm trưởng ấp cho phe Quốc Gia xã nầy, tên tục là xã “Dàm” (Vàm) Rày, quê của “chị Tư Nết” (*). Anh nầy thay mặt xã thu tiền của dân trong ấp, đánh bài thua sạch nên bỏ theo Việt Cộng. Anh ta ở trong bưng, vợ con ở ngoài bờ kinh, vùng Quốc gia. Cứ mỗi lần tới mùa cày hay mùa lúa, thấy vợ anh ta đeo vàng đầy mình, là biết chắc anh ta có nhiều tiền. Do vậy mà anh ta bị “thám báo” phục kích bắn chết khi đi thâu thuế máy cày. Trần Chí Tài, phó bí thư kiêm kinh tài huyện Hà Tiên, từng đi lính Bảo An phe Quốc Gia, sau theo Việt Cộng làm kinh tài để có nhiều tiền, cũng bị “thám báo” phục kích bắn chết. Tại đây cũng có một thằng tên Năm Tu Hú, lưu manh hết chỗ chê, thay mặt cán bộ kinh tài Việt Cộng ở những nơi cán bộ không dám xuất hiện để thu thuế giùm. Thu xong, anh ta rủ lính Nghĩa quân ra Rạch Giá chơi bời, cờ bạc, bị Cộng Sản xử tử hình. Bọn vô sản ở thôn quê là bọn “bất học bất tri lý”, không biết mẹ gì để mà làm "cách mạng" hết. Phải có học ít nhiều mới biết cái gì đúng sai, mới ý thức quyền lợi mình bị bóc lột như thế nào, mới biết thế nào là bất công, là không bình đẳng mới đấu tranh, làm “cách mạng”, “bất tri lý” thì biết gì mà đấu tranh, chỉ thấy cái lợi trước mắt, vì cái lợi trước mắt nên chúng làm theo những tác động hoàn cảnh xã hội bên ngoài. Xã hội tác động như thế nào thì chúng làm theo thế ấy. Thời Tây xâm lược nước ta thế kỷ trước thì theo Tây mà chống triều đình kiếm ăn như Huyện Sĩ, gốc gác chỉ là một anh chăn vịt ở Gò Công. Thời chiến tranh Việt Pháp 45-54 thì số nầy đi lính “Com măng đô”, “Pạc ti-dăng” cho Tây, hết Tây tới thời Cộng Hòa thì đó là đám “Năm cha bảy mẹ”. Chúng theo Cộng Sản vì Cọng Sản tuyên truyền hay, xúi gì làm nấy, “hy sinh” cũng nhiều mà chặn dân đi làm ruộng, làm đồng bắt đóng thuế “nông nghiệp” bỏ túi tiêu riêng cũng dữ, có khi tàn ác hết ý kiến luôn. Hồi đó, “moa” có đọc một cái thư Việt Cộng gởi cho một ông chủ lò vôi ở Hà Tiên để đòi thuế, thấy tụi nó tự xưng là “Kách Mạng”,  “moa” buồn cười. Không phải nói vu, tụi nầy mà  “Kách Mạng” cái chi! Chúng là tụi cướp có võ khí, có luật pháp của nó đặt ra che chở, là “quan cách mạng đi cướp ngày”. Cụ Ngô gọi là “Cộng Phỉ” đâu có sai. Hễ có cơ hội thì bản chất lưu manh, tham lam, tàn ác nẩy sinh. Để rồi xem, mai đây “giai cấp vô sản nắm quyền toàn bộ đất nước” rồi thì hàng ngàn, hàng vạn chuyện tán tận lương tâm xảy ra. Tên nào còn có chút truyền thống nhân đức dân tộc thì còn đỡ, còn ngoài ra “cộng sản hóa” hết thì “nhứt điểm lương tâm” cũng không còn. “Cái nầy tôi ăn được, cái nầy tôi dùng được”, là “Lấy của ban ngày”. (*) “Moa” nói không có sai. Để rồi các “toa” xem. Biết là không thể nói với Phan Hải như rứa được nên khi hôm “moa” nằm im, giả bộ ngủ”.  

Phạm Quang Chiểu thấy Long nói một hơi, bèn đùa:

- “Nóng máy dữ ông! Đạp hết “ga” vậy?!”

Trắc nhìn Long, cười:

- “Cha nầy là “đại phản động”. Việt Cộng nó đọc được bụng anh là nó làm mắm”.  

Nghe có tiếng chân đi lẹt xẹt phía con đường bên hông nhà, Chiểu nói, vẫn bắt chước tiếng nói ngọng của Cộng Sản:

- “Thôi! thôi! Im đi mấy cha. Cải tạo không có ngày về đấy nhá! Theo chân “Nê Nai, Nê Nợi” đấy nhá!”  

Trần Văn Thanh hỏi Hữu:        

- “Rồi con nhỏ đó mầy làm sao?”    

         Hữu nói:       

- “Tỉnh lại rồi, hôm sau nó khóc quá trời! Con gái, mới 16 tuổi, một thân một mình, không anh chị em, cha mẹ chết hết, thiệt tội hết sức!”       

      Trắc nói:         

- “Chắc ông lấy nó làm vợ luôn”.          

   Hữu cự nự:     

- “Bậy! bậy! Thằng ni khi mô cũng nghĩ chuyện đen túi (tối). Phải thương người chớ! Người ta rứa mà mình không thương là tội lỗi với Phật Thánh dữ lắm”.      

       Thanh cười:    

- “Ông lấy nó làm vợ là thương nó đó, tiện lợi vô cùng”.            

Long không nói gì, đọc câu thơ của Vũ Hoàng Chương để châm chọc Hữu:  

            Em mười sáu tuổi trăng mười sáu,
            Mười sáu trăng tròn em biết không?!  

Tuổi mười sáu là tuổi con gái đẹp nhứt đó.    

Hữu dợm đứng dậy, vẽ bất mãn:

- “Nói chuyện với mấy cha nội ni sợ luôn. Ai mần như rứa được!” Long nói:

- “Chọc chơi thôi mà! Ngồi lại đi, còn sớm, vô chi trong nằm cho lạnh. Ai chẳng biết ông là người “Không bằng làm phúc cứu cho một người”. (*)  

Long quay qua giải thích với các anh em khác:          

- “Mấy “toa” chẳng hiểu chi Hữu hết. Nó là thằng nhà quê nhưng là thằng nhà quê chân chất, ngay thẳng, lớn lên bên cạnh chùa, văn minh làng xã có lề thói, phong tục, có văn hóa đã mấy trăm năm nay cho nên nói chuyện “xà bát” như mấy cha với nó là mất lòng lắm. Con gà con vịt còn sợ nó đau, huống chi con người. Nhưng tui hỏi thiệt ông, chuyện con nhỏ đó rồi ông giải quyết ra làm sao?”  

Hữu thật thà nói:

- “Tui sai thằng “tà lọt” đem nó về Huế cho mạ tui nuôi”.  

Cả bọn ồ lên:

- “Thấy chưa? Đem về cho mẹ nuôi chư cho nó mà”.  

Long sợ sinh chuyện, cắt ngang.

- “Ồn ào quá! Để xem thằng Hữu nó “thương người” đến đâu!” Rồi Long quay qua Hữu: “Nói tiếp đi”.  

- “Mạ tui cũng la tui! Nhưng mạ tui cũng biết tui thương người chớ không có ý chi khác. Tui cưới vợ là người khác chớ phải con nhỏ đó mô? Nói cho thiệt lòng! Cũng không phải tui hoàn toàn “cứu người” mô. Tui là con út, mấy anh chị có chồng có vợ đi xa hết rồi. Tới khi tui đi lính thì mạ tui ở một mình. Tui sợ bà lui cui tội nghiệp. Có thêm con nhỏ đó, mạ tui có người hôm sớm, nấu giùm nồi cơm, nấu nồi nước chè, giặt cái áo. Rứa mình cũng trả hiếu cho mạ”.

... còn tiếp 1 kỳ.



VVM.18.5.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com