Thằng Tú vừa chạy vào nhà vừa réo má nó, gương mặt rạng rở, phe phẩy trên tờ giấy trúng tuyển đóng mộc đỏ chói. Bà Tư đang nấu khoai trong bếp nghe con báo tin, vui mừng đứng bật dậy ôm chầm lấy con tay vỗ nhẹ vào vai nói:
-Má biết mà, con má tài lắm.
Tú hớn hở vạch ra phương hướng cho mình:
-Từ đây đến ngày nhập học còn hơn tháng nữa con sẽ đạp xe ôm trang trải tiền học phí, má không phải lo. Còn bây giờ, con chạy qua cô Bảy ve chai đưa cho cô danh mục sách con cần khi nào mua sách cũ có thì dành lại cho con.
Rời vòng tay mẹ, Tú chạy nhanh ra cửa. Bà Tư lại cúi xuống gạt tro ra khỏi bếp, ánh lửa hắt lên hiện rõ gương mặt sạm đen cùng với những giọt nước sung sướng lẫn lo âu lấp lánh như những mãnh vỡ thủy tinh từ từ lăn xuống đôi gò má xương xẩu. Trong bụng bà Tư nhẩm tính, chịu khó bán thêm buổi chiều, tối xin thêm chân rửa ly tách ở quán cà phê bà Ba Mập, chắc cũng lo đủ tiền cho con đi học. Từ nhỏ Tú là đứa ham học, ngặt nổi quá nghèo không có tiền để đến trường mà ở thành phố biết bao nhiêu là khoản đóng, lo làm sao nổi. Mỗi buổi đi bán tiếp mẹ nó hay la cà ngấp nghé trước cửa lớp xem cô giáo dạy, thế là nó thuộc hết các mặt chữ cái, rồi tập đánh vần, mỗi khi gặp tờ giấy nào có chữ là cầm lên đọc ngấu nghiến. Cô Bảy ve chai thấy nó sáng dạ, thường hay ghé cho thằng bé những cuốn sách nhặt ra từ mớ giấy vụn. Thằng Tú cứ thế mà thành thạo các mặt chữ và rành luôn bốn phép tính. Thương thằng bé cơ cực thông minh, thầy hiệu trưởng đã nhận nó vào trường học. Năm nào Tú cũng lĩnh thưởng, tập sách khỏi mua, nó còn nhiều lần đạt học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh ở các cấp học và liên tục nhận được học bổng của các cấp lãnh đạo và các mạnh thường quân…Khoai chín bà Tư vớt ra rổ, lấy cọng dừa ghim lại từng xâu để đấy, bà xách giỏ bương bả ra chợ hẻm, mua ít thức ăn tạ ơn tổ tiên ông bà đã hộ độ cho thằng Tú.
Ông Tư đạp mấy cuốc xe về tới, dựng con ngựa sắt cà tàng vào gốc sứ trước nhà. Hôm nay thấy trong người khan khác ông về nghỉ sớm hơn mọi ngày. Xô cửa, bước vào thấy nhà vắng hoe, rổ khoai thì vẫn còn bốc khói- chắc bả mới chạy đâu đó- vừa nghĩ ông Tư vừa ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn, rót ly nước uống một hơi, dạo rày ông thấy tức ngực và khó thở lại ho nhiều, mình mẩy uể oải, tống vào mấy liều thuốc rồi không thấy bớt mà coi bộ nặng thêm. Xách giỏ đồ ăn vào nhà, nhìn chồng nằm trên bộ ván nhắm mắt, gương mặt gầy gò, xanh xao, bà Tư thấy lo, bước đến sờ trán thấy hâm hấp, liền hỏi:
-Ông thấy trong người thế nào? Thằng Tú nhà mình vô đại học rồi, cả xóm ai cũng mừng cả, giấy báo của nó nè ông. Bà Tư chìa tờ giấy ra trước mặt chồng.
Ông Tư mở mắt cười mệt nhọc, gượng dậy cầm tờ giấy tay run run, ứa nước mắt, cả họ ông lần đầu tiên có người vào đại học. Sau bửa lễ tạ ơn, Tú giúp mẹ dọn cơm xuống bàn, cả nhà quây quần nói cười vui vẻ, bé Phúc-em gái Tú- nhìn anh trai nó ngưỡng mộ mà từ lâu nó đã luôn coi Tú là thần tượng của nó rồi. Tối hôm đó, ông Tư lên cơn sốt mê sảng, đưa đến bệnh viện bác sĩ kết luận bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Trên đường về nhà, Tú đi thất thơ thất thểu, mộng vào đại học đã tan thành mây khói, trước mắt phải làm thế nào để kiếm nhiều tiền chữa bệnh cho ba. Cầm tờ giấy báo trên tay, nó rơi nước mắt, lấy tay vuốt lại cho phẳng phiu rồi đem cất vào tủ bàn thờ.
Bà Tư ngày lội đi bán khoai, tối rửa ly ở quán cà phê bà ba Mập. Tú thì cực hơn, xin làm phụ hồ cho một công trình do chú Năm thợ mộc giới thiệu, ngày kiếm được hai chục ngàn, tội nghiệp thằng nhỏ, thân hình còm nhom chưa đầy bốn chục ký, lắm lúc xách hồ nặng mệt muốn xỉu cũng phải cố không dám nghỉ ngày nào, đôi khi nghĩ đến đám bạn lúc này đang ngồi ở giảng đường mà tủi thân cho mình để rồi len lén đưa tay kéo vạt áo dính đầy hồ lau nước mắt…
-Tú ơi vác cát lại đây.
-Dạ.
-Tú ơi cắt sắt.
-Dạ.
-Mua dùm gói thuốc, Tú ơi!
…
-Kêu dùm ly cà phê coi mậy.
Tú như con thoi chạy đi chạy lại theo tiếng gọi sai bảo của đám thợ, nó rất cần mẫn ai cũng thương. Tú đứng nhìn giàn giáo dựng lên bên cạnh toà nhà đang xây cao ngất ngưỡng nó thấy choáng ngợp. Nó mơ ước sau này tự tay nó sẽ thiết kế cho ba má nó cùng em Phúc ngôi nhà thật đẹp, cao ráo không còn phập phòng lo sợ mỗi khi đến mùa giông bão kéo về. Chiều nay tốp thợ nghỉ sớm, cai đi nhậu. Tú vừa lĩnh lương nó chạy vội về dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm để má về có cơm ăn liền tranh thủ nghỉ ngơi để tối còn qua quán bà Ba Mập, và đưa tiền mua thuốc cho ba nó. Đang thổi lửa dưới bếp nghe có tiếng gọi, Tú bước ra thấy Hùng đang lui cui dựng chiếc xe cạnh rào. Có bạn đến tìm Tú mừng hỏi:
-Vào được kinh tế rồi phải không, đi đâu mất biệt không để cho bạn bè chúc mừng vậy?
-Hổm rày mình lo thủ tục nhập học ở thành phố, sắp xong rồi, mới về nhà chuẩn bị đồ và một số giấy tờ bổ sung, nghe tin ba bồ bệnh mình tranh thủ đến đây ngay, cho mình gởi bác ít quà bồi dưỡng. Nhận túi quà từ tay bạn Tú bùi ngùi:
-Cậu đến thăm là quý rồi, quà cáp làm chi, vào nhà uống nước nghỉ ngơi một lúc đi.
-Thôi được rồi, nghe cậu đi phụ hồ cực quá mà mình rất vội, sáng mai mình lại phải trở lên thành phố cho kịp thời gian nhập học. Mà nè, mình có việc này, Hùng lấy trong túi ra tờ giấy đưa cho Tú, đây là địa chỉ những nơi mình làm gia sư, bồ thay mình đến dạy, mình cũng đã có giới thiệu đôi nét về bồ rồi. Cố gắng lên nhé!
Nói xong Hùng quay xe đạp thật nhanh ra hẻm, đến nổi Tú chưa mở thêm được lời nào. Nhìn những dòng địa chỉ Hùng gởi lại Tú mừng như mở cờ trong bụng và thầm cảm ơn thằng bạn tốt, từ nay Tú có công việc phù hợp với sức mình. Lúc mẹ về, Tú cho mẹ hay việc đi làm gia sư, bà Tư nghe thấy cũng yên lòng vì con mình không phải làm việc cực nhọc như trước nữa. Sáng hôm sau, Tú ghé qua công trình xin nghỉ rồi đạp xe đến các địa Hùng giới thiệu. Nhìn vẻ ngoài của Tú nhiều nơi nghi ngại từ chối. Chỉ còn một địa chỉ cuối cùng, dừng lại trước một căn nhà sang trọng, chắn ngõ là một con chó bec-giê dư tợn, làm Tú mất niềm tin, định bỏ về, nhưng về thì thế nào, việc làm trước thì đã xin nghỉ rồi, làm sao đây, một chút chần chừ, cuối cùng Tú cũng quyết định bấm chuông. Một cô bé có hai cái bím tóc dài cài nơ hồng xinh xắn chạy ra mở cổng, nụ cười và đôi lúm đồng tiền của cô bé làm Tú vững dạ:
-Thầy dạy tụi em phải không? Ba mẹ em đợi nãy giờ.
-Anh là Tú.
-Em là Bình còn đứa em gái là An đang ở trên lầu xem ti-vi.
Đôi vợ chồng trẻ nói năng rất tế nhị và thẳng thắn. Họ thường xuyên đi công tác vắng nhà nên cần có người tin cậy trông coi việc học tập của hai con. Sau khi đã thoả thuận công việc, Tú lên tầng trên tham quan góc học tập, nhà giàu có khác, toàn là những phương tiện học tập hiện đại có cả hai dàn máy vi tính và rất nhiều đĩa hình hổ trợ cho các môn học. Bình và An là hai chị em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, từ hình dáng, tóc tai đến cách ăn mặc khó mà biết được ngoài cha mẹ chúng ra, nhưng nếu chịu để ý kỹ thì cô em An không có lúm đồng tiền như Bình, Tú dựa vào đó để phân biệt. Các cô bé sợ nhất là môn Toán và Hóa. Tú từ từ hướng dẫn lại những kiến thức cơ bản, cách phân tích và hướng giải của các đề bài tập, các cô bé lại rất chăm và ngoan nên Tú cảm thấy thoải mái và tự tin hơn trong vai trò gia sư của mình.
Trong lúc chờ An và Bình giải bài tập, Tú ngồi suy nghĩ vẩn vơ chuyện gia đình mà lòng rối bời. Bỗng nghe tiếng An gọi:
-Thầy.
Gần tuần này cả ba cũng hợp ý nhau, nghe gọi nhưng Tú vờ không nghe, An lại gọi một lần nữa.
-Thầy Tú. Tú vẫn không quay lại. Lúc này Bình cũng xong bài tập ngẩng đầu lên gọi:
-Anh Tú. Tú quay mặt lại. An nũng nịu:
-Chị Bình gọi thì quay lại, tại sao em gọi thì nín thinh vậy.
-Anh em mình đã giao ước rồi mà, không được gọi thầy, gọi thầy nghe già lắm. An cười:
-Em quen gọi thầy Hùng như thế rồi. Anh Tú nè, nhà anh nghèo lắm hả?
-Ừ. Tú trả lời trong ngậm ngùi.
-Nhưng mà anh học rất giỏi. Bình tiếp
-Ai bảo hai đứa? Tú hỏi lại. An trả lời
-Thì thầy Hùng, thầy khen anh giỏi, hiền lành, thật thà…có vậy ba mẹ em mới chịu cho anh đến dạy chứ bộ…
Nghe hai đứa khen mình Tú thẹn đỏ cả mặt, lảng sang chuyện khác:
-Anh dạy thế có hiểu không?
-Anh dạy còn dễ hiểu hơn thầy giáo em ở trường nữa, anh xem bài toán này em giải có đúng không?
Tú nhìn vào vở công nhận con bé An có cách giải rất thông minh và lúc nào cũng nhanh hơn so với cô chị, nhưng về các môn xã hội thì An lại không bằng Bình nhất là lĩnh vực làm văn. Đúng như lời ông bà chủ đã nói, Tú dạy kèm ở đây ba tháng nhưng chỉ gặp họ hai lần, tiền lương của Tú và mọi chi phí sinh hoạt của hai đứa nhỏ đều do thư ký mang đến. Họ đang điều hành một công ty mà Tú nghe nói cũng rất nổi tiếng nên luôn bận rộn, xuất ngoại thường xuyên. Ơ đây lúc đầu làm gia sư, sau hai đứa trẻ mến, đi đâu, làm gì hay mua sắm đều đòi phải có anh Tú đi theo, ông bà chủ thì cũng rất tin tưởng giao hai đứa con mình cho Tú, thế là Tú kiêm luôn nghề bảo mẩu, nhưng bù lại tiền lương tháng nào nhận cũng rất hậu hỉ và vượt mức thỏa thuận ban đầu.
Mấy ngày nay ba hơi mệt nên dạy xong là Tú đến ngay bệnh viện chăm sóc ba. Nhìn ba nằm thở oxy, vẻ mệt nhọc hiện lên gương mặt gầy gò làm Tú đau nhói cả lòng, Tú thương ba lắm, muốn chia xẻ với ba mà không biết làm thế nào. Tú lấy khăn ấm lau mặt cho ba, ông Tư mở mắt thều thào:
-Tú đó hả con, cho ba miếng nước!
Tú lấy ly rót nước, rồi đến ngồi cạnh bên ba vừa đưa từng muỗng nước vào miệng ba Tú vừa hỏi:
-Ba thấy trong người ra sao? Có khoẻ không ba?
-Ba thấy rất mệt, con nói với mấy cô y tá và mấy chú bác sĩ làm ơn chữa cho ba mau khỏi, để còn về lo cho con và em con ăn học tới nơi tới chốn, bỏ giữa chừng thế này là không được, ba không muốn…
Nghe ba nói mà Tú không cầm được nước mắt, nó dạ trong tiếng nấc, rồi quay mặt đi sợ ông Tư nhìn thấy.
Vài ngày sau, khi Tú đang dạy thì anh Sáu hớt tóc đầu hẻm chạy đến bảo về ngay ba đang mệt lắm. Tú đã lường trước được ngày này thế mà khi được tin Tú bủn rủn chân tay đứng trân một chỗ, Bình và An cũng lo lắng và tội nghiệp cho ông thầy, cứ thúc Tú đi nhanh kẻo không gặp mặt ba lần cuối. Khi đến bệnh viện thì ba đã mất, bé Phúc đang ôm xác ba gào khóc, mẹ thì ngất luôn nằm trên giường, chị Bảy ve chai đang ngồi săn sóc. Tú cắn răng, gạt nước mắt đi làm thủ tục đưa ba về nhà. Cả xóm trong hẻm Tú hay tin ùa đến mỗi người một tay : người phụ mua hòm, người mua vải tang, đồ tẩm liệm…, xem giờ liệm, giờ hỏa táng. Mọi việc đều được bà con giúp đỡ hoàn tất nhanh gọn. Ôm hủ hài cốt ông Tư trở về nhà bà Tư cứ thấy là khóc, còn anh em Tú thì như người mất hồn, ngồi mãi ở ngạch cửa nhìn đăm đăm ra đầu hẻm và chốc chốc cặp mắt lại mở to lên mỗi khi nghe có tiếng đạp cọc cạch của những chiếc xe đạp ngang qua.
Nỗi đau buồn rồi cũng được giấu lại trong lòng, mọi người còn phải tiếp tục sống, mẹ Tú lại đi bán khoai, Tú trở lại dạy kèm, em gái ngoài giờ học nhận nón về may kiếm thêm tiền khi anh hai vào đại học đỡ vất vả phần nào. Nghe lời mẹ khuyên và cũng muốn làm tròn ước nguyện của ba, Tú tiếp tục luyện thi đại học cho mùa thi năm tới. Vì lo bệnh tình của ba Tú không đi đăng kí bảo lưu điểm cho năm sau, khi chợt nhớ thì đc hết hạn. Căn nhà vào mùa mưa rất cơ khổ, dột khắp nơi, mưa lớn giống như ở ngoài sân, vậy mà góc học tập của Tú lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ. Mỗi chiều đi dạy về, tắm rửa xong dù mệt Tú cũng bắt mình ngồi vào bàn học, học lại kiến thức lớp mười hai, giải những bài toán luyện thi vào đại học mượn được của bạn bè, lúc căng thẳng quá thì lấy giấy, bút chì ra vẽ. Chị Bảy ve chai thường hay ghé tặng sách cho Tú, nhờ đó mà Tú cũng tiết kiệm được một khoản tiền mua sách. Bà Tư thấy con chăm ngoan cũng thấy lòng mình được an ủi. Mưa dầm mấy ngày, món khoai của bà Tư tự nhiên đắt hàng. Chiều nay, bà Tư mua miếng thịt quay về kho nước dừa đổi món cho hai con, mà nó cũng là món khoái khẩu của ông Tư, bà Tư đốt cây nhang cắm lên bàn thờ van vái chồng phù hộ cho con thi làm bài được tốt.
Ngày thi còn hơn tuần nữa, Tú dạo này học rất rút, bà Tư thường dành lại một phần khoai cho con để khuya đói có cái dằn bụng. Trời về khuya con hẻm vắng lặng, mọi vật dường như đều yên lặng, chỉ có mùi hoa sứ thoang thoảng đưa hương. Xếp sách vở lại, đứng lên lấy hơi hít thở không khí trong lành, Tú chợt nghe tiếng rên trở mình của bà Tư, nó bước đến kéo mền đắp cho mẹ, nhìn vẻ mặt mẹ có vẻ không ổn, Tú lay em dậy:
-Phúc, Phúc dậy đi em, sang nhà dì Tám cơm tấm, nhờ dì qua xem má sao kỳ quá nè.
Đang ngái ngủ nghe anh gọi dậy má có chuyện, Phúc tỉnh ngay chạy ù sang nhà dì Tám, nó đập vào cửa dồn dập, giọng hoảng hốt đứt quãng:
-Dì tám, dì tám ơi… má con…má con…kỳ lắm…
Mấy nhà gần, nghe con bé kêu cũng bật đèn dậy chạy sang, bà Tư được đưa vào bệnh viện, Tú bàng hoàng chạy lúp xúp theo sau quên cả việc trong người chỉ độc nhất cái quần xà lỏn. Bà Tư bị tai biến nhưng nhẹ vì được phát hiện kịp thời. Bà con chòm xóm của ít lòng nhiêu góp tiền lại đưa cho Tú lo chạy chữa cho má. Họ còn thay phiên nhau chăm sóc bà Tư cho anh em Tú đỡ phần vất vả. Ba mẹ Bình, An hay tin cũng cho Tú ứng trước một số tiền để đóng viện phí. Sáng nay, Bà Tư tỉnh, vừa mở mắt bà đã hỏi ngay đến việc học của Tú. Mấy bữa nay, Tú làm gì có tâm trí mà học, chỉ còn hai hôm nữa là thi rồi. Thấy má đã tỉnh Tú rất mừng, nấn ná bên cạnh mãi. Phúc liền giục anh về nhà lo bài vở. Tú dặn dò em mấy việc rồi ra về, vừa đi đến ngõ quẹo đã nghe có tiếng la thất thanh:
-Cướp…Cướp…bắt thằng giựt giỏ đang chạy vào hẻm… bắt…bắt nó dùm.
Nhanh như cắt, Tú rượt theo hai gã thanh niên đang chạy phía trước, vừa ngang nó, Tú quẹt chân một thằng té xấp xuống, nhào tới, đè lên lưng, khóa trái tay nó lại. Bỗng Tú nghe sau lưng mình một cái bụp, cảm giác đau điếng lan khắp người, nghe có tiếng ồn ào, rồi ngất đi lúc nào chẳng hay. Tỉnh lại thấy mình nằm trong bệnh viện, vây quanh là những gương mặt quen thuộc đầy vẻ lo âu, thấy anh mở mắt Phúc reo lên:
-Anh hai tỉnh rồi.
Tú nhìn em hỏi:
-Má có biết không?
Phúc lắc đầu, Tú thở phào nhẹ nhỏm. Chị chủ nhân chiếc túi xách nắm tay Tú cảm ơn ríu rít:
-Em tỉnh lại chị rất mừng, nhờ có em mà chị không bị mất một số tiền lớn nó có thể làm chị phá sản đó, cảm ơn em nhiều lắm.
-Chuyện đó ai thấy cũng phải làm như em thôi, có gì đâu. Mà bọn chúng thế nào rồi chị?
-Tụi nó bị bắt hết rồi- Người phụ nữ rút trong túi ra một xấp tiền đưa cho Tú nói tiếp -chị nãy giờ trò chuyện với các cô chú ở đây cũng hiểu được phần nào hoàn cảnh của em, chị tặng em ít tiền lo cho má.
Tú đẩy gói tiền ngược lại nói:
-Chị có lòng quan tâm, em rất cảm ơn, má em cũng dần bình phục rồi, em có thể lo được, khi nào cùng quá em sẽ nhờ chị.
Thuyết phục Tú mãi vẫn không được, người phụ nữ đành ghi lại địa chỉ mình đưa cho Tú, rồi dặn:
-Khi nào cần chị giúp, em cứ đến địa chỉ này tìm chị. Chị đã đóng viện phí cho má em rồi, yên tâm tịnh dưỡng đi.
Ngày thi đã đến, Tú vẫn còn mang băng trắng xoá trên đầu, các y tế bác sĩ không cho đi, Tú nhất quyết đòi đi đến phòng thi cho bằng được. Chú Sáu xe lôi chở Tú đến trước cổng phòng thi dặn dò đủ điều:
-Ráng nghe Tú, đừng để ba má thất vọng, xóm nhà lá mình hảnh diện là nhờ con đó.
Những cơn nhức đầu vô hồi làm Tú vô cùng vất vả, có lúc tưởng đã bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến má, đến ba, em phúc và cả lời nói của chú Sáu xe lôi, Tú cố gắng chịu đựng và đã hoàn thành xuất sắc các bài thi của mình.
Ngày Tú nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại học kiến trúc cũng là ngày bà Tư xuất viện, cả xóm kéo lại chúc mừng, ba mẹ con ôm nhau sung sướng chảy nước mắt. Mấy chú bên phường biết được hoàn cảnh nên xét cho bà Tư vay tiền xoá đói giảm nghèo được ba triệu. Bà mừng lắm, bà lấy một triệu phụ vào vốn mua bán, còn lại hai triệu đóng học phí cho Tú. Ba mẹ Bình, An cũng đã nhận đỡ đầu cho Tú suốt những năm đại học. Tú biết chặng đường trước mắt còn rất nhiều khó khăn và tự nhủ mình phải ráng hết sức, nhất định phải vượt qua vì cuộc đời này của Tú không phải là của riêng mình nữa, con đường mà Tú đi nó được trải bằng ân nghĩa của tất cả bà con trong hẻm này.
Ngày mai Tú lên thành phố, sẽ là chàng sinh viên kiến trúc, ngành mà Tú ước mơ. Trong giấc ngủ, Tú thấy xóm nhà lá trong hẻm mình bỗng nhiên biến thành một xóm nhà ngói khang trang, xanh đẹp, mọi người ra đường vẫn chào nhau bằng nụ cười chân tình thân thiết. . - ♡ /.