Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



KÝ ỨC VỀ
CON KÊNH ĐÀO RẠCH GÍA-HÀ TIÊN


            
T hầy cô và các bạn thân mến, sau khi viết xong bài về quá trình thành hình con kênh đào Rạch Giá – Hà Tiên (RG-HT), như đã nói trong phần nhập đề, mình sẽ viết một bài riêng về những ký ức thời còn nhỏ theo bà ngoại đi Rạch Giá theo tàu sông trên con kênh nầy. Vào khoảng thời gian thập niên 1960, đường bộ đi từ Hà Tiên sang Rạch Giá (dài khoảng 90 km) được mang tên là Liên tỉnh lộ 8A (LTL8A), có rất nhiều xe đò chở khách chạy trên con đường nầy mặc dù thời đó đường rất xấu, nhiều ổ gà, đất bụi và sình bùn nhiều trong mùa mưa. Có một số hiệu xe đò chở khách mà mình còn nhớ như: Lộc Thành, Liên Trung,..v..v.. Đến khoảng vài năm trước 1973, con đường nầy trở nên không còn an ninh, thỉnh thoảng có hiện tượng mìn nổ trên đường và « mấy ảnh » cũng thường hay chặn xe kiểm soát xem có lính tráng bên « quốc gia » nghỉ phép về nhà đi trên xe hay không…. Người dân Hà Tiên thời đó muốn được an toàn, một số hành khách phải đi theo đường ghe biển, hoặc có người gan dạ thì đi bằng xe « Honda ôm », người chủ xe Honda thường được bao khoán để chở một hoặc hai người thanh niên phía sau xe và chạy một mạch từ Rạch Giá về Hà Tiên hay ngược lại…Có người thường hay nói đùa rằng, khi chạy xe Honda ôm thì cứ theo dấu bánh xe Honda chạy trước mà chạy thì an toàn, không cán phải « vật gì » nguy hiểm…!! Có người cũng kể lại là lúc đó đi lính nghỉ phép về thăm nhà, cứ đi xe « Honda ôm », mặc kệ cho số mạng, vì trong lúc đi đường trên xe Honda thì thủ sẳn một trái lựu đạn, nếu có « mấy ảnh » ra thăm mình thì cùng nhau « đi » hết cả nhóm…

Sở dĩ mình kể lại dài dòng về con đường bộ LTL8A Hà Tiên-Rạch Giá ngày xưa đó là vì cũng trong thời gian khi mình còn nhỏ, người dân Hà Tiên muốn đi Rạch Giá cũng có một phương tiện khác, thông thả, an nhàn hơn đường bộ, đó là đi bằng tàu sông trên con kênh Rạch Giá-Hà Tiên. Mặc dù đi theo con kênh RG-HT nầy là thông thả, an nhàn, vì mọi người thường hay mướn một chiếc võng để nằm nghỉ trong suốt thời gian tàu chạy, nhưng cái tiện nghi đó chỉ để dành cho đàn bà, ông lão và trẻ con được hưởng mà thôi. Tại sao vậy, cũng tại « mấy ảnh » ! vì lúc đó con đường kênh RG-HT là do « mấy ảnh » kiểm soát, khoảng vừa qua khỏi đầu trái của ngọn núi Tô Châu, chạy một đoạn thì có một trạm kiểm soát bên bờ bên phải, nhân viên tàu khách phải lên bờ « trình báo », vì thế thanh niên, công chức, lính tráng không ai dám đi theo con đường sông nầy…Đa số hành khách đều là quý bà bạn hàng, dẫn theo nhiều em bé nhỏ đi theo, tuyệt nhiên không có thanh niên trai tráng trong tuổi đi lính…Đó là lúc mình còn nhỏ, khoảng trước năm 1965, lúc đó mình còn học tiểu học và hai anh em mình học chung lớp, chung lớp với hai anh em bạn Lâm Tấn Hào và Lâm Tấn Kiệt…Vì công việc nhà, bà ngoại mình cũng thường xuyên đi Rạch Giá (cũng khoảng hai ba tháng đi một lần), lần nào cũng đi bằng tàu sông theo con kênh nầy. Thời đó mình chỉ nhớ tên hai con tàu khách chạy đường sông nầy, đó là chiếc tàu Việt Hùng và Võ Nguyên. Khi các bạn Hà Tiên đọc bài về con kênh đào RG-HT đã đăng vừa rồi thì các bạn có góp thêm ý kiến là ngoài hai chiếc tàu sông nầy còn có vài chiếc nữa tên Tài Nguyên, Phước Thạnh, Tân Nguyên, Chí Thành…riêng mình thì không còn nhớ mấy chiếc tàu nầy. Mình vẫn còn nhớ câu nói với bạn Trương Thái Minh khi hai đứa đi chơi ở bến tàu sông nầy (bến tàu sông Hà Tiên – Rạch Giá lúc đó là ở ngay trước khách sạn Tô Châu, chỗ có ba căn phố kế sát khách sạn Tô Châu, Hà Tiên). Khi mình nhìn cái tên Võ Nguyên vẽ bên hông chiếc tàu sông nầy, mình nói đùa với Minh Trương rằng « Tên chiếc tàu nầy ý là mới có hai chữ thôi mà đã ngon rồi, nếu mang đầy đủ ba chữ thì còn ngon hơn nhiều nữa…! »

Trong những chuyến đi công việc qua Rạch Giá như vậy bà ngoại mình thường hay dẫn anh em mình đi theo cho biết..Có khi dẫn anh Hai Dõng, có khi dẫn mình đi cũng có khi bà ngoại dẫn cả ba anh em trai mình đi theo qua Rạch Giá cũng như bây giờ người ta đi chơi nghỉ hè vậy.  Thường thì đi tàu sông trên kênh RG-HT như vậy, buối sáng phải thức sớm đi xuống tàu. Nhà mình cũng gần bến tàu, không xa mấy, khi xuống tàu xong thì ổn định hành lý và bà ngoại có dặn một hoặc hai chiếc võng và chuẩn bị tìm chỗ tốt dưới tàu để giăng võng nằm. Mình kể ra đây một kỷ niệm mà mình vẫn còn nhớ rỏ ràng trong ký ức, không có một chút gì nghi ngờ…Đó là có một chuyến đi bà ngoại dẫn mình đi theo, hai bà cháu ổn định dưới tàu xong, tàu bắt đầu chạy qua cửa sông Giang Thành để đi vào đầu kênh RG-HT. Qua khỏi đầu trái của núi Tô Châu thì nếu có ai còn ở lại bến tàu bờ sông ở Hà Tiên sẽ không còn thấy chiếc tàu nữa vì tàu đã khuất sau núi Tô Châu. Chạy được một quảng không xa, như mình đã kể ở trên, tàu bắt đầu đi ngang trạm kiểm soát của « mấy ảnh ». Lúc đó mặc dù là con nít còn học tiểu học, nhưng mình cũng nghe nói vụ đi đường sông nầy, nên cũng hơi sợ, không dám nhô mình ra rỏ quá lúc chờ người ta làm thủ tục trên bờ. Tuy nhiên qua khung cửa hông của chiếc tàu, mình nhìn lên bờ thấy có một trạm nhà lá, có vài ba anh ngồi trên đó, và có một điều ngạc nhiên mà bây giờ mình vẫn còn nhớ, đó là có một người bạn học cùng lớp trường tiểu học Hà Tiên với mình đang đứng trong trạm trên bờ và hình như đang nói chuyện chơi với mấy anh trên đó…Mình còn nhớ người bạn đó tên là Lợi, không còn nhớ họ của Lợi, chỉ còn nhớ Lợi dáng người hơi thấp, nước da hơi sạm nắng, lại có một điều quan trọng nữa là chính bạn Lợi nầy trong vài tuần trước có cải lộn với hai anh em bạn Lâm Tấn Hào, Lâm Tấn Kiệt ở sân trường tiểu học Hà Tiên và cũng có đi đến giải quyết bằng tay chân,…(nói cách khác là anh em bạn Hào Kiệt có đánh nhau với bạn Lợi nầy, thực ra không có gì dữ dội vì cũng đều là học trò trẻ con thôi, mà mình cũng có mặt trong lúc các bạn đang cải lộn và đánh nhau như thế, không hiểu tại sao lúc đó mình không nhảy vào can gián, chắc mình cũng thuộc về tuổi con thỏ nên chỉ đứng nhìn, may thay cuộc tranh chấp cũng không kéo dài nhiều)..Chính vì vậy nên khi thấy bạn Lợi có mặt ở trên trạm kiểm soát và đang trò chuyện với « mấy ảnh », mình cũng giựt mình, và vội vàng núp xuống trong tàu không dám cho bạn Lợi thấy mình…Sau khi thủ tục tiến hành xong xuôi thì tàu tiếp tục chạy, có ghé Kiên Lương một chút và sau đó chạy đến Rạch Giá. Từ đó về sau mình cũng không dám kể chuyện gặp bạn Lợi trong hoàn cảnh như vậy cho ai nghe hết.

Có lần bà ngoại dẫn cả ba anh em mình cùng đi Rạch Giá với bà ngoại, đó là nhân dịp bà ngoại dẫn mấy cháu đi chơi cho biết. Mình còn nhớ bà cháu cùng ở khách sạn Đỗ Thành đối diện bên hông là rạp chiếu bóng Châu Văn. Lần đó bà ngoại cũng dẫn cho mấy anh em mình xem chiếu bóng trong rạp Châu Văn đó. Mình còn nhớ lúc đó xem một phim Ấn Độ cũng rất hay, còn nhớ nội dung phim, đại khái là có một gia đình đó rất nghèo, nhà bị cháy, trong lúc lục lọi đám cháy để tìm đồ vật còn sót lại, anh chàng trong phim mệt quá, và cũng hơi tức giận vì nhà bị cháy nên phóng cái xẻng đào cắm mạnh xuống đất, bổng nhiên anh nhìn thấy chỗ đất đó bị sụp to ra, anh ta thấy lạ tiếp tục đào xới ngay chỗ đó thì tìm ra được một thùng của quý, kho tàng của ai đã chôn cất ở đó từ xa xưa, thế là anh ta được trở nên giàu có….

Những lúc bà ngoại đi Rạch Giá một mình, thường là đi hôm trước, ngủ lại một đêm ở Rạch Giá trong nhà người quen và hôm sau thì về Hà Tiên. Đúng hôm ngày về của bà ngoại thì mấy anh em mình thường hay trông ngóng, cứ nhìn đồng hồ xem gần tới giờ chưa để đi xuống bến tàu Hà Tiên-Rạch Giá đón bà ngoại về. Tàu chạy từ Rạch Giá về Hà Tiên thường là khoảng 3 hoặc 4 giờ chiều thì tới bến Hà Tiên. Mấy anh em mình đi đón trước giờ, ngồi ở bến tàu phía trước khách sạn Tô Châu, cứ thỉnh thoảng là nhìn về phía cửa sông Giang Thành thông qua kênh RG-HT, phía bên đầu trái của ngọn núi Tô Châu để canh xem có một chấm đen của con tàu sông với ngọn khói đen phía trên xuất hiện ở đó chưa, khi đã thấy chấm đen và ngọn khói của con tàu sông hiện ra ở đầu núi Tô Châu rồi thì biết đó là tàu của bà ngoại đang chạy về tới, dần dần con tàu hiện lớn ra và khi tàu vừa cặp bến thì người ta bắt một thanh ván rất dài và cũng rất dầy từ trên mũi tàu kê lên bờ kè của bến tàu…Lập tức mình, hoặc anh Hai, có khi là Tư Phi chạy nhanh tới và đi trên thanh ván dài đó để chun tuốt vào phía bên trong tàu và xách ngay một hai túi xách đựng hàng hóa của bà ngoại để chạy nhanh về nhà, còn bà ngoại thì từ từ được dẫn lên bờ và đi chậm rải về nhà, lúc nào cũng đi theo con đường tắt phía sau, trước mặt khách sạn Đại Tân, quẹo phải ngay vào đường nhỏ trước mặt Đình ThầnThành Hoàng và vào nhà mình bằng cửa sau. Lúc nào bà ngoại đi Rạch Giá về cũng thường hay mua bánh, trái cây đem theo về nên mình cũng có phần ăn ngay sau đó…

Có một kỷ niệm tuy là kỷ niệm buồn vì chuyện xảy ra lúc ông ngoại mất cũng có liên hệ đến chuyến đi Rạch Giá của bà ngoại. Lúc đó vào năm 1964, anh Trần Văn Dõng đang học lớp Đệ Thất trường trung Học Hà Tiên, còn mình vì thi rớt khóa thi lên Đệ Thất nên học lớp Tiếp Liên với thầy Hà Phương Linh chờ năm sau thi lại. Năm đó ông ngoại lên cơn suyển nhiều, thở rất khó khăn, chỉ nằm trên giường lâu lâu ở nhà cho ông ngửi thuốc để thông đường thở…Vài ngày sau ông ngoại mất, ở nhà phân công cho mình phải đi tới trường trung học xin phép cho anh Hai Dõng nghỉ học về nhà. Tuy còn ở bậc tiểu học, nhưng hôm đó vì phải vô trường trung học nên mình cũng mặc áo trắng, quần tây xanh dài kiểu như học sinh trung học, làm gan đạp xe đạp lên trường và vào ngay lớp học của anh Dõng để xin phép thầy cho anh tạm nghỉ về lo việc tang ở nhà. Mình không còn nhớ lúc đó là thầy nào đang dạy trong lớp anh Dõng, chỉ còn nhớ rỏ là khi xin phép thầy, trình bày lý do xong, còn đang ngóng xem anh Dõng ngồi ở chỗ nào thì có bạn La Văn Cao phía sau lưng mình đang đứng, chỉ về phía bàn có anh Dõng ngồi và nói « Kìa kìa…!! ». 

Lúc ở nhà lo việc tẩn liệm cho ông ngoại thì trước đó một ngày bà ngoại đã có việc phải đi Rạch Giá, mà bà ngoại lại đem theo khâu chìa khóa trong đó có chìa khóa cái tủ xưa to lớn có cất quần áo, vải vóc dành cho việc tẩn liệm cho ông ngoại…Rồi lại vì người ta xem giờ tốt cho việc tẩn liệm nên không thể chờ bà ngoại về mặc dù ngay ngày đó là ngày bà ngoại về trong buổi chiều…Cuối cùng ở nhà mình phải nhờ người ta đụt phía sau vách cái tủ lớn, để lấy cho được quần áo, vải vóc để liệm cho ông ngoại. Sau khi tẩn liệm xong, chưa hoàn toàn đóng nấp lại thì bà ngoại về đúng lúc tới nhà, vì phải tránh giờ kỵ nên bà ngoại chỉ vào lạy mà thôi và lúc đó người ta đóng nắp lại.

Đó là những điều thú vị cũng có, buồn vui cũng có, liên quan tới con kênh đào RG-HT mà thuở nhỏ mình có nhiều lần sống thực qua, bây giờ vẫn còn nhớ …Cho đến sau nầy, khi anh Hai Dõng qua Rạch Giá học năm Đệ Nhất trường Nguyễn Trung Trực rồi qua năm sau đến phiên mình cũng qua Rạch Giá học lớp Đệ Nhất, mỗi lần đi, về cũng thường hay đi bằng tàu sông, mà chỉ đi theo kiểu tổng hợp hai con đường, đó là có thêm một cách thứ ba từ Hà Tiên đi Rạch Giá, đi từ Hà Tiên xuống Kiên Lương (30 km) bằng xe đò hoặc Honda ôm, và tiếp theo từ Kiên Lương đi Rạch Giá bằng tàu sông chạy theo kênh đào RG-HT. Những năm tiếp theo, khi anh Hai Dõng lên Cần Thơ học Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp và năm sau thì tới phiên mình cũng lên Cần Thơ học Đại Học Sư Phạm thì cũng vẫn còn đi từ Kiên Lương qua Rạch Giá bằng con kênh đào RG-HT nầy…Nói vậy để thầy cô và các bạn thấy số phận người dân Hà Tiên gắn bó rất lâu dài với con kênh đào nầy… Rồi mãi cho tới những năm giữa thập niên 80 (khoảng 1985, 1986…) khi mình đã có gia đình ở Long Xuyên và có một đứa con trai đầu lòng đặt tên là Trần Nguyễn Tường Linh, lúc đó cái gia đình nhỏ bé gồm ba người của mình về Kiên Lương định cư một thời gian ngắn chờ đi nước Pháp, cũng đi bằng phương tiện tàu sông từ Rạch Giá về Kiên Lương. Còn nhớ hôm từ giả Kiên Lương để đi lên Sài Gòn có việc làm giấy tờ, mới sáng sớm vợ chồng và dứa con nhỏ (3 hoặc 4 tuổi thôi) kéo nhau ra bến tàu Kiên Lương chờ xuống tàu để đi Rạch Giá, vì trời còn sớm, hơi tối, tàu chưa động đậy gì cả, người ta còn ngủ dưới tàu, đứa con của mình, bé Linh, cậu ta nhún người xuống nhìn vào phía bên trong tàu còn tối thui, và kêu « Tàu ơi thức dậy đi Xào Gòn !! », lúc đó cậu ta nói còn ngọng nghịu muốn nói là « Tàu ơi thức dậy đi Sài Gòn…!! ».  Đó cũng là câu để chấm dút bài viết ký ức ngày xưa về kênh đào RG-HT nầy, cũng vui vì chấm dứt bằng một ý hài hước… -./.

Paris,03/02/2020




VVM.29.03.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .