Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


      

TIẾNG HÁT RU ĐỜI…À…ƠI…


                  
  1.Đã bao năm xa nhà, xa tiếng ru hằng đêm của những bà mẹ hiền ru con như ru niềm đau của chình mình, của quê hương chinh chiến có những người chồng đêm đêm dưới chiến hào chờ địch, chờ mong hòa bình để thấy lại bình minh trên quê hương, ôm súng mơ ngày về thăm lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Thăm lại vườn sắn, nương dâu mà bấy lâu hoang phế vì vắng bóng chân anh.

Đêm nay, bước chân giang hồ thả bộ trên hè phố quen, mang tên Little Sài Gòn. Thành phố gối đầu lên những ngọn đồi xanh mướt cỏ non và xoải chân xuống bờ cát của Thái bình dương. Trên mặt lộ, những dòng xe cũ, mới rã rượi vòng quay đã tìm về bến đậu, quên đi một ngày tơi tả nặng nề áo cơm. Thành phố đã thưa người chỉ còn lại những ánh đèn đường canh thức chờ bình minh, một vài cánh gió chạy vội vã đuổi theo những phiến lá của mùa đông năm cũ và lũ thiêu thân quay cuồng đi tìm ánh sáng cho đời. Đêm hè oi bức hiếm có nơi miền đất tạm dung này. Bên những dòng chảy của Thái bình Dương đêm nay hòa với tiếng sóng ngoài khơi văng vẳng bên tai một giọng ru hời như cưỡi trên đầu những con sóng mượt mà vượt trùng dương…Tôi đoan chắc là như vậy. Tiếng ru như tổng hợp của muôn vàn tiếng bà mẹ hiền đã thực sự nằm xuống sau bao năm chờ đợi lũ con quay về.

Lời ru đêm nay không phải để dành ru những dòng đời miêu duệ, mà có lẽ để ru những cơn đau sau năm mươi năm không chịu im tiếng. Niềm đau ấy cứ hấp hối trong từng hơi thở trong từng nhịp đập của mỗi buồng tim của mỗi đứa con xa nhà trong đó có anh, có chị, có em và có cả …tôi.

Tôi có cần để viết xuống đây trên mảnh giấy đời đã ố vàng, lọ mực đã gần cạn vì thời gian chèo kéo và nét bút đã trở nên lem luốc khi mái tóc cứ tiếc nuối một màu xanh xưa sau một nửa thế kỷ ? Nhưng, khi Sông Hồng vẫn còn khí thế, còn nung nấu của tiếng trống thúc quân, khi dòng Cửu Long vẫn hùng dũng xuôi nam, vẫn ngậm trong hồn nó bao nhiêu khí phách và phù sa trùng điệp, hứa hẹn với anh, với chị một tương lai khi rơm rác đã được quét sạch để lộ ra một quê hương phì nhiêu của những bộ não, đầy chất xám tài ba đang hẹn ngày về.

2. Ai còn nhớ được những tờ lịch treo tường tháng Tư năm mươi năm trước ra sao. Có phải nó cũng vô tri như những viên sỏi trong sân trường ư ?

Không phải đâu.

Nó đang khóc cho thân phận của Nhà Việt nam cũng mong manh như nó khi xé tới tờ thứ ba mươi. Đánh dấu giây phút tự do sau cùng, cáo chung của một Miền Nam thắm tươi ra đi theo những tiếng súng bảo vệ nền Cộng hòa cuối cùng trước giờ bị bức tử. Lịch sử từng chứng minh rằng mỗi khi móng vuốt của sự dữ vươn ra tới đâu thường chỉ để lại những tang thương đói rách. Hậu duệ của con mãng xà nơi vườn Địa đàng xưa. Người ta nói rằng lịch sử Ấn độ cũng đã từng có một ngày khủng khiếp như vậy . Đó là buổi chiều ( 5.45 phút ) ngày 30 thàng Giêng 1948 khi Godse đã nổ viên đạn cuối cùng vào ngực nhà lãnh đạo tinh thần Mahatma Ganđhi trong buổi cầu nguyện tại New Delhi. Mặt trời hôm đó nhìn xuống làm nhân chứng đã khóc thương cho một tâm hồn vĩ đại vừa ra đi, khiến cả bầu trời đã trở nên tối đen. Bạo loạn đã nổ ra khắp nơi gay trong đêm đó. Báo trước một trang sử đầy bể dâu, hậu quả thường xuất phát từ một hành động ngu xuẩn, hoặc quá khích.

Sau khi được thả về, nhìn những cánh chim xuôi nam thôi thúc tôi đi tìm tự do, cánh cổng đại học đã trở nên xa lạ, chữ nghĩa chỉ còn Chữ mà vô Nghĩa. Lòng tôi hằng đêm đã bay theo cơn mơ tự giải thoát chắp thành cánh về phương nam. Một chân trời tự do không xa lắm, nơi có những chàng thanh niên như tôi, 25 tuổi vô tư lự đang cắp sách đến trường. Những cánh cửa đại học trang bị cho họ những kho tàng kiến thức cần thiết để sẵn sàng bước xuống cuộc đời.

Tôi quyết một phen đánh cuộc với định mệnh.

Sàigòn đang rơi vào cơn đói triền miên sau lần đổi tiền, có lẽ đây là cơn đói ô nhục nhất trong lịch sử của vựa lúa miền Nam. Tôi nghĩ đến người em gái và muốn rủ nàng theo, nhưng sau khi được thả về là thành phần bị quản thúc, ngoại trừ nếu xin giấy dời về vùng quê làm ruộng thì lại cấp ngay vì đỡ cho thành phố một miệng ăn và loại được một tên trí thức bất hảo.

Quận Rạch Sỏi, miền quê có chim hót trên mảnh đất lành quanh năm mưa nắng hai mùa, dân cư hiền lành chất phác như hai mùa nắng mưa nằm bên dòng sông Dương cầm nhỏ thôi không có bên lở bên bồi, mang âm thanh của những con sóng đêm đêm vỗ vào giâc ngủ, chỉ cách thị xã Rạch Giá có năm cây số, hầu hết đều là mái tranh, dân cư khá thưa thớt. Nơi có những người em gái đôi mắt mơ màng như những cánh cò trắng trên cánh đồng xanh ngát như mơ, chiều chiều giặt yếm bên sông. Bên cổng tam quan một kiến trúc mỹ thuật theo kiểu Á đông với mái ngói cong cong có từ thời Đệ nhất Cộng hoà là những khu rẫy bái trồng đủ mọi hoa mầu phụ như khoai sắn rau đậu và những vườn cây ăn trái phủ phê, một người bà con xa cho tôi canh tác nhờ hơn sào đất bỏ hoang và dựng một cái chòi để đụt nắng mưa. Hàng xóm thấy tôi chiều chiều ngồi thả câu và hát nghêu ngao với cây đàn, đồng điệu với khung trời của dân miền Nam ngoài chuyện cơm áo, phải có tiếng đàn giọng hát câu hò. Thế là sự có mặt của tôi đã ít nhiều mang lại niềm vui cho chòm xóm.

Mùa mưa đầu tiên trên miền đất mới, hoa mầu đã thu hoạch, rẫy bái tạm ngưng, tôi xin đi theo ghe chài đánh cá biển. Ngày ngày chúng tôi ra khỏi cửa Rạch giá miệng sông mới vời vợi làm sao. Ban đầu chưa quen với con thuyền lắc lư, kinh nghiệm thì không, tôi quen thói ăn no chắc bụng nhưng tôi đã lầm, nôn thốc nôn tháo ra tới mật xanh, nanh vàng, anh em dân chài khiêng tôi bỏ vào khoang và cười như nắc nẻ. Nhưng chỉ vài bữa sau tôi làm quen với sóng gió nhận ra địa danh trên mặt biển đâu là Miệt Thứ nhất, thừ nhì cho tới Miệt Thư tám cách nhau bao nhiêu hải lý nhờ vào cách nhắm chừng giữa vận tốc máy và thời gian mà biết ghe đang ở tọa độ nào. Khúc nào trên biển an toàn nhất khúc nào nhiều cú vọ nên tránh, tọa độ nào thì lọt vào độ nhắm của bọn Công an biên phòng, giờ giấc an toàn ra khơi. Đó là những bài học vỡ lòng cần thiết.

Thường khi ghe chài phải đi qua trạm kiểm soát nằm giữa hai đảo là hòn Đất và hòn Rùa . Đây là hai hòn đảo khá trù phú cách bờ biển Rạch gía chỉ độ năm cây số và cách nhau hơn hai cây, có thể nhìn rõ bờ bên kia từ bên này. Ghe chài ban ngày thường xuyên ra vào tấp nập như lá tre nhưng cũng rất nhiều vọng gác và những thyền máy dùng để rượt đuổi với vận tốc cao. Mỗi khi ghe cá ra khơi nghe cơn khát tự do réo gọi làm khô cổ, làm lòng tôi nao nao không muốn trở về. Mỗi sáng khi ghe vừa ra khỏi cầu Đúc ngay khi còn chưa xa bờ, tôi đã như chim xổ lồng và ước gì tài công và anh em bỗng nhiên một ngày đổi ý và với cái engine 130 ngựa, con kình ngư sẽ cưỡi sóng thật đẹp thật hào hùng lao vào đại dương như lao vào lòng của mẹ Thái Bình . Những đứa con như chúng tôi sẽ tới bến bờ tự do chỉ vỏn vẹn bốn mươi tám giờ như một chuyến du lịch. Giấc mơ tầm thường này dễ mà lại khó, giọt nắng chiều có đó, nhưng ai có thể giữ lại cho mình chẳng khác nào cơn gió lộng thổi qua vai nên mỗi khi chiều tà con thuyền trở đầu thì lòng tôi mất vui mau mắn héo tàn vì tôi không muốn nhìn thấy cái nhà tù vĩ đại trên quê hương. Tôi biết từ điểm này tính tọa độ chỉ còn chưa đầy 300 hải lý nữa là lọt vào hải phận của Thái lan.

Tự do, tự do ơi ta đã mất ngươi thật sao.

Chưa bao giờ tôi khát khao tự do như lúc này. Đứng trên boong thuyền mà lòng tôi xót xa không hiểu nổi tại sao hàng ngàn chiếc ghe kia cứ đi ra đi vào đi ra đi vào như những con thoi mà không chịu trực chỉ phương nam, giữa lúc có muôn vàn triệu người như chúng tôi muốn thoát ra khỏi cái thiên đàng này mà không được. Cái ý thức hệ nào đang tạo ra hàng rào cản họ, đang xây tường nhốt cánh chim tự do trong lòng họ hôm nay ? Vật gì còn sót lại cho họ sau khi tự do đã mất trắng tay. Cái gì còn neo chân họ lại, có phải chăng là vài con cá bắt được mỗi ngày? Hoặc là tiếc rẻ căn nhà thửa vườn với mớ cây ăn trái ? Hoặc gỉa học đòi được ở đâu đó cái câu “Tiếng ta còn, nước ta còn” mà tự ru ngủ mình. Hoặc an nhiên tự tại với câu bất hủ mà chẳng thiếu gì người an phận thường nói “ Làm gì phải đi đâu, nước ta ta ở”.

Đi đâu, sống ở đâu tôi cũng mang theo cây đàn, nó như cây đèn thần mở ra cho tôi nhiều cánh cửa dẫn đến bước thành công, kể cả mang theo lên thuyền đánh cá. Về đêm anh em thường neo thuyền chung lại với nhau nhậu nhẹt. Tôi không biết nhậu nhưng biết hò hát nên anh em tha cho và vừa nhậu vừa hát theo đàn. Những ngày sau đó trên đường về, anh tài công bằng lòng hướng dẫn tôi cách dùng hải đồ hải bàn tính toạ độ và sau cùng trao tay lái cho tôi, chiều hôm đó tôi đưa chiếc tàu cá vào bãi bằng an dưới sự hướng dẫn của tài công.

Lúc này vào mùa biển động, giông bão thường xuyên, ghe chài thả neo mũi, neo lái mọi ngư phủ ai về nhà nấy đợi thời. Tôi cũng bị thất nghiệp ngày ngày đi thăm xóm làng mới ngã ngũ ra trong suốt thời gian tôi giang hồ sông biển một số nóc gia đã trở thành nhà hoang. Đầu tiên là những tay cự phách tìm đường chuồn cho lẹ trước khi chúng ra tay, tạo nên phong trào vượt biên lúc đầu còn nhỏ giọt sau trờ nên rầm rộ ảnh hưởng đến mọi tầng lớp. Cái cửa biển đứng trên bậc thềm cũng nhìn thấy, rộng mở thênh thang như chào mời như thách thức, ai sống ở vùng này đều hiểu biết ít nhiều về kinh nghiệm hàng hải và những ngõ ngách an toàn khi ra đi cũng như mùa biển êm, biển động, dù là dân amateur như tôi cũng còn biết “ Tháng ba bà già đi biển”.

Bây giờ mới nửa tháng bẩy, tôi phải chuẩn bị cho kịp để theo chân “ bà già” vào tháng ba năm sau. Sàigòn chỉ sau mấy tháng vắng mặt đã thay đổi rất nhiều tiều tụy và hốc hác, vẻ mặt nó bần cùng như đang trải qua một cơn dịch tễ ngày tôi về thăm cha mẹ và hai chị để ngỏ với gia đình về quyết định của tôi. Lúc tôi đã hiểu ra và khâm phục lòng dân Rạch giá thế nào thì khi trở lại Sàigòn tôi thất vọng như vậy. Cả một bầu trời u uất không lối thoát, vừa đói khát vừa hoang mang sợ hãi, không môt ai hài lòng về kế hoạch của tôi, ai cũng nhìn tôi như nhìn một đứa trẻ người, thơ dạ, tôi sẽ bị lừa, tôi sẽ ra tù vào khám, tôi sẽ tiền mất tật mang. Quả thật khi tôi trở lại nhà Sàigòn đâu đâu cũng đầy những tiếng rỉ tai, đầy những tổ chức ma, chơi trò lường gạt, vì người giầu muốn ra đi nhưng không có phương tiện. Cha mẹ tôi đã già bỏ ngoài tai chuyện thời cuộc. Hai chị tôi đã có gia đình có cơ ngươi làm ăn sống qua ngày nên không hề nghĩ đến chuyện khác cho mất thì giờ.

Hôm sau, tôi nói lời tạm biệt ( ý tránh lời vĩnh biệt ) hòn ngọc Viễn đông, mà lòng quặn thắt, trở lại Rạch giá, cha mẹ đã chúc lành cho tôi được bình an trên biển được may mắn, tìm thấy bến bờ tự do. Riêng tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ, tôi đã biết lái tàu, biết định tọa độ theo dõi hướng gió biết gối sóng lỡ khi cơn giông đến bất ngờ biết dùng hải bàn và hải đồ mặc dù là tôi chưa thành thạo lắm.

Mùa Giáng Sinh lại về. Niềm hy vọng lại nhen nhúm trong tim. Biển bắt đầu giảm dần những cơn bão lớn ngoại trừ những con giông đang lúc giao mùa, ghe chài lại bắt đầu mùa đánh bắt. Tôi mê say đi theo ghe như mê một cuộc tình.

Một lần chúng tôi vượt biên qua hải phận Thailand để mua chài lưới lậu của họ. Cơ hội ngàn năm đang chờ đợi mà Thượng Đế đã dành cho tôi hôm do. Mọi người trên ghe đều ngỡ ngàng chẳng còn hiểu chuyện gì đang xẩy ra vì nghe tôi bỏ tiếng Việt nói toàn tiếng Anh lưu loát với dân chài Thailand để thăm dò đường đất, và anh em trên thuyền nhờ tôi mặc cả với họ. Mọi người đã mua được đủ số chài lưới với giá phải chăng. Chẳng ai ngờ về con người tầm thường nhưng bí ẩn của tôi trong một năm qua ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu với họ. Tôi xin với anh tài công cho phép tôi thêm ít phút nữa để tôi điều đình với nhóm ngư phủ Thailand. Đọc bài này xin đừng ai ( nếu còn muốn vượt biên ) dại dột bắt chước tôi. Bao nhiêu thuyền nhân bỏ nước ra đi trước và sau tôi đã từng là nạn nhân của hải tặc Thailand. Tin này có thật và ai cũng biết, chỉ có mỗi mình tôi không bị họ ăn cướp nhưng lại tự nộp mình cho họ! Vị thuyền trưởng ra gặp tôi, ông là người cao lớn khuôn mặt sáng sủa chẳng có vẻ gì là tướng cướp( trên răng duới khố, tôi còn gì đâu cho họ cướp !) nhìn tôi với đôi mắt nhiều dấu hỏi :

“ Anh là ai, tại sao anh lại muốn đi theo chúng tôi với mục đích gì ?”

tôi bình tĩnh hơn bao giờ hết, nhìn thẳng vào cặp mắt của ông .

“ Tên tôi là Nguyễn huy Chương, sinh viên cao học Khoa học. Sau ngày mất nước, Cộng sản bỏ tù và hành hạ tôi thể xác lẫn tinh thần trong trại cải tạo, bị tước đoạt tự do và đời sống tôi đang bị đe doạ”

“Anh muốn chúng tôi làm gì cho anh ?” Giọng ân cần.

“ Tôi muốn xin được tỵ nạn “

“ Bằng cách nào ?”

“ Ngay sau khi ông thả tôi lên đất Thái, tôi sẽ đi gặp Cao ủy Tỵ nạn và hy vọng tôi sẽ được nhận vào trại.

“Anh có giấy tờ tuỳ thân không”. Tôi biết sẽ bị hỏi câu này, nên tôi đã kịp chuẩn bị :

“ Tôi đã bị tước đoạt hết mọi giấy tờ để tôi không thể đi đâu xa được, nhưng dù không giấy tờ tôi không phải là người nguy hiểm, xin các ông đừng lo, tôi còn giúp các ông mọi việc trên tầu”

“Đây, anh cầm lấy tấm thẻ này, phòng khi cần đến, tôi sẽ nói với Cao Ủy là tôi đã cứu anh trên biển”. Ông lấy trong bóp ra tấm danh thiếp đưa cho tôi. Tên ông là Lamon Changthong

Sau một hồi lâu bàn với nhau bằng tiếng Thái, họ bằng lòng cho tôi qua ghe của họ và tôi đã lột chiếc đồng hồ Longine và sợi dây chuyền vàng biếu ông thuyền trưởng để cảm ơn.

“ Tôi đã cứu anh trên biển”. Một lối nói rất khôn khéo của một người từng trải, không dối trá khi đã làm một việc thiện. Tôi nhớ câu nói này của ông suốt đời.

Ở tầu bên này, tôi đưa tay chào vĩnh biệt anh em. Nhìn qua thấy mọi người ra đi ai nấy đều ngẩn ngơ. Tôi không rõ họ nuối tiếc điều gì khi tôi đã thuộc về một thế giới khác dù chỉ là chiếc ghe, nhưng đại diện cho một thế giới tự do. Hoàn toàn tự do,và tôi đã quên cây đàn guitar bên thuyền kia bất đắc dĩ phải ở lại trong thế giới chẳng đặng đừng .

Cả ngày hôm đó, tôi như người chìm đắm trong cơn mơ, tôi đang chơi vơi giữa mơ và thực, giữa nô lệ và tự do. Người ta không thể cởi bỏ một gông cùm mà không đặt trước một điều khỏan nào đó, một ký kết nào đó, một trao đổi sòng phẳng nào đó cho cân bằng giữa đôi bên nhưng vẫn để lại những vết hằn thù, những con ma phản phé được cả đôi bên cài vào đó khuất sau những tờ hiệp ước, những chữ ký chưa kịp ráo mực. Riêng tôi sự bẻ gẫy gông cùm của một chế độ lại không theo những quy chế rườm ra đầy lừa đảo bên trong ấy, nhưng chính là “lòng nhân từ”, cụm từ mềm mỏng và yếu đuối lại có thể du đổ thành quách, có nội lực mạnh hơn cả một đạo luật. Tôi không cảm thấy đói khát không mệt mỏi vì sóng gió, lòng tôi nhẹ như cánh chim, mắt tôi mở lớn chan hoà ánh sáng và trái tim đong đầy niềm vui, nhịp gõ của con tim tự do lúc này là tiếng trống hoà vào với làn sóng tự do bên dưới con tầu. Một chiếc tàu bằng sắt cao lớn bệ vệ như vị thuyền trưởng, bên thành cabin mang tên ECHO- Z.27O và lá cờ Thailand đang hứng gió trên cao. Cái ranh giới ngăn đôi giữa cuộc đời nô lệ và tự do ở Berlin trước đây là bức tường ô nhục thì cái ranh giới của tôi hôm nay lại là bức tường vô hình chỉ một giờ trước tôi vẫn là tên nô lệ, một giờ sau tôi đã thành người tự do chỉ bằng một bước ngắn từ chiếc ghe chài bước qua chiếc tàu Thailand.

Đêm đầu tiên trong trạng thái tự do, tôi tháo cởi mọi gông cùm như sợi xích của một chế độ vô nhân bản đã áp đặt lên đời tôi cùng những toan tính vượt biên mà may ít rủi nhiều, dẫu cho quyết định này có là quyết định nông nổi của tuổi trẻ thì cũng chỉ ngang ngửa với cái liều, chơi diều đứt dây, một thân một thuyền nếu chẳng may va vào cơn giông bão. Tôi cũng tạm quên đi những rủi may biến cố có thể như cơn mưa phũ phàng chụp xuống trên đầu và đi vào giấc ngủ, mà tôi biết khi thức dậy sẽ nhìn thấy mặt trời tự do huy hoàng đang chồi lên từ lòng đại dương.

Có lẽ lệnh của thuyền trưởng không bắt tôi phải làm việc, nhưng tôi đã xin với ông chia cho tôi một vài thao tác nào tuỳ ý ông và tôi đã được phụ chân lựa cá thả xuống hầm và hốt cá tạp trả lại cho biển cả, sau đó xuống hầm xúc đá lạnh chườm cá đợi mẻ lưới sau và rửa sàn tầu cho sạch cứ như vậy suốt ngày. Tôi cũng tìm được một cây guitar cũ mốc meo và đứt dây, của một thủy thủ nào đó trước đây đã bỏ lại, tôi vui mừng lau sạch và nối lại dây đàn. Đêm đầu tiên trên mặt biển êm đềm, tầu đã buông neo, trên bầu trời đen thẫm như nhung yên tĩnh như lòng tôi lúc này gắn đầy những hạt kim cương, con trăng mười sáu xuân xanh yểu điệu như một tiên nữ đang rải xuống mặt đại dương những tia sáng mượt mà, tôi như người lạc vào cõi thiên thai, nghĩ rằng cảnh thiên thai có hai chàng Lưu Nguyễn ngày xưa cũng đẹp như đêm nay là cùng, ngồi trên cái đe tầu, bắt đầu so dây và hát những bài ca ngoại quốc làm thủy thủ bỏ cả đánh bài, ra ngồi quây quần bên tôi, và cùng hát nghêu ngao lạc điệu nhưng cũng ít nhiều mang lại cái không khí mới mẻ và tạo được niềm vui chất phác nơi anh em dân chài. Anh chàng Decha Zhao có đôi mắt chất chứa cả một trời tâm tư, khuôn mặt hiền hoà, không biết đàn nhưng lại thích hát, tối nào cũng muốn tôi đàn cho anh hát hai bài tủ mà anh đã thuộc lòng Bésame Mucho và La paloma. Có lẽ chàng mang tâm sự buồn nên sau khi bản đàn lắng xuống hai ánh mắt để rơi những tia buồn rầu mầu lá thu chan hoà trên hai bàn tay đã một thời vụng về, thất bại, hoang vắng đang thả hồn về bến xa xôi nơi có người con gái đã mang theo vầng trăng thề, một nửa linh hồn của chàng và để lại khối tình vụn vỡ.

Nắng gió và nước biển mặn đã “tôi” làn da nâu xạm như đồng đen chẳng ai có thể phân biệt được giữa tôi với người Thái nữa vì tôi cũng đen đúa và ở trần như họ. Tôi đang lõm bõm học nói tiếng Thailand thì con tầu được lệnh trở về vì các khoang đã đầy những cá.

Những ngày sống lênh đênh trên biển làm con tim của tôi cũng mặn theo và một ý nghĩ ngộ nghĩnh đến với tôi là muốn định cư làm dân Thái cũng hay hay. Đại học ở đây dậy bằng Anh ngữ là thứ vốn liếng tôi sẵn có. Con chim mới tìm lại được tự do nên nó không muốn đậu, những đồng tiền Baht do ông Changthong dúi vào tay tôi lúc lên bờ dùng để đi xe tới trại tỵ nạn, với số tiền này tính ra tôi có thể sống được một tuần lễ mà vẫn còn đủ đến trại Songkhla. Nhưng ý tôi thua ý Trời nên chỉ sau một ngày lang thang đi bụi trên đường phố, tôi lại bump vào ông Changthong ở bãi cá và ông lấy xe mini vận tải đưa tôi về tới trại tỵ nạn ở mãi miến nam giáp với Malaysia và bị nhốt trong đó vừa làm thông dịch viên cho cao ủy vừa làm y tá cuối tuần trong bịnh xá cho tới ngày đi định cư.

Nếu một ngày nào gần đây định mệnh có cho tôi một điều ước thì tôi xin được trẻ lại và trở về đi làm ngư phủ cho ông Changthong. Tôi yêu xứ sở này, yêu người dân bánh mật hiền hậu, yêu từ hột cát trên bãi biển vì chúng may mắn được làm hột cát tự do. Xin hãy lấy lòng Bồ tát quên đi và thứ tha cho những dân chài đã một lần tham lam mang danh hải tặc, thực tình họ không phải. Năm mươi năm sau, họ cũng thành cát bụi cả rồi để hồn thiêng họ được đụng tay vào chốn vĩnh hằng.

Trời đã về khuya. Đêm đang chờ sáng sỏi đá đưới chân cũng đã nghủ yên, chỉ còn vài tiếng dế mèn đang thao thức đếm thời gian. Gió cũng không muốn đánh thức cây nữa, nên sóng cũng đang ru cho biển ngủ bằng bài hát của mermaids trong những đêm trăng rằm.

Tôi đứng lặng một mình nghe lòng mình cô đơn trước đại dương bao la đang mở cửa mà ước ao chớ gì những giọt nước bên kia Thái bình dương (trong đó có bờ biển quê hương tôi ) Những giọt nước ô nhiễm, hãy ở lại bên đó . Đừng bôi bẩn ( Contaminated ) đại dương bên này của chúng tôi. Ước chi những giọt nước ấy không chứa những giọt sầu của mẹ già, vợ trẻ con thơ để lòng biển khỏi quặn đau. Và ước gì người em gái năm xưa vẫn giữ được trong tim mình mầu áo lụa Hà Đông. - ♡ /.

( Đánh dấu năm mươi năm sau )



VVM.22.3.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .