Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


tranh Trần Nguyên

BỐN CHIỀU GIÓ CẢ



1-

Tháng năm, những cơn mưa rào không còn bất chợt ào đến rồi ngừng như tính khí của cô gái già đỏng đảnh, mà bây giờ nước đổ xuống ngập ao trào rãnh. cứ mỗi lần như thế, con đường dẫn ra đầm nhầy nhụa bùn đất. Nước ngập lênh láng hai bên đường, gió đánh táp vào bờ loạp oạp. Cỏ, rác, phân trâu bò sau hàng tuần phơi dưới nắng nóng, khô quắt queo nổi lều bều, lập lờ trên mặt nước. Đêm, đám ếch nhái được thể kêu inh ỏi gọi nhau tìm bạn tình đến nhức tai. Những con cóc cụ, to như chiếc bát úp, nhảy chồm chồm trên mặt đường, bọc mủ hai bên đầu ựa ra một thứ nước trăng trắng nhớp nháp. Những ngày như thế, con đường ra đầm vắng tanh vắng ngắt. Mấy con chó bố tôi nuôi để trông đầm và cho có bầu có bạn cũng không còn le te, tý tớn chạy chơi nhởi hay vào xóm gạ gẫm mấy chị chó cái ra đầm vừa chạy đuổi nhau vừa sủa oăng oẳng. Vào những ngày mưa như thế, bố thường đi quanh đầm bắt những con cá rô bị nước mưa xót mắt róc ngược lên bờ. Tay cầm giỏ, tay chộp cá, chỉ một vòng đầm bố đã có thể mang về cả một chậu đầy. Tôi thường lấy một ít rán lên cho bố uống rượu, số còn lại đem kho khô, phơi ba bốn nắng, xếp vào vại sành, cứ một lớp cá thì rải một lớp lá chuối khô chống mốc để ăn dần. Hàng tháng sau hai bố con không phải lo thức ăn nữa. Thịt cá đồng, quyện nắng dai, nhuyễn vào mùi lá chuối khô, mỗi khi ăn, mùi thơm của cá, mùi thơm của lá chuối khô lẫn vào hương gạo quê thật khó lòng mà quên được.

Đến mùa khô, sau ba tháng mưa, con đường ra đầm đã biến dạng. Do phải ngâm mình trong nước suốt mùa mưa lại chịu những con sóng vỗ liên hồi kỳ trận nên từng đoạn bị sạt. Cộng vào đó, chiều chiều lũ trẻ cưỡi trên lưng trâu để ra thả bên bờ đầm nên con đường càng nhanh hỏng. Lúc nào cũng lầy thụt. Bùn đất lẫn vào phân trâu bò phủ kín mặt đường, ngập ngụa. Con đường ghẻ lở, nhôm nhoam, những ụ đất nhô lên thụt xuống như ổ gà. Mùa mưa qua, lúc đó cũng là mùa người làng làm vụ thu đông. Người, trâu và các loại phương tiện kéo đàn kéo lũ trên đường. Công nông, xe bò thi nhau chạy làm cho con đường nhão ra, xẻ rãnh. Dứt mùa mưa, con đường phơi mình trong hanh khô, chỉ vài ba tuần sau, lớp bụi nhỏ như mạt cám dày hàng gang tay phủ lên trên mặt. Mỗi khi lũ trẻ lùa đàn trâu về chuồng, lớp bụi cuốn lên. Qua hết quãng đường cả bầy trâu chỉ một màu nâu đất.

Với tôi, con đường hỏng vậy chứ hỏng nữa nó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Điều làm tôi khó chịu nhất là gió. Gió ngoài đầm lúc nào cũng ràn rạt. Những chiếc lá chuối non vừa nhú lên đã bị gió xé cho tơi tả. Tiếng gió rít đêm đêm, tiếng lá chuối đập vào nhau lạch phạch. Nhiều đêm khó ngủ, tôi nằm nghe tiếng gió chập chờn có lúc như tiếng trẻ nô giỡn, có lúc lại như tiếng gào khóc, tiếng rú rít của ma quái. Lẫn trong tiếng gió là tiếng kêu của bầy chuột đuổi nhau chí choét. Vào những ngày vãn đồng, bầy chuột thường kéo nhau về khu đầm trú ngụ. Những khi ấy, tối tối, mới nhọ mặt người, chúng cắn đuôi nhau chạy vòng quanh đầm. Nhiều lúc phởn chí, chúng nhảy xuống đầm chòm chõm không khác gì người ta ném hòn chuổm kéo vó.

Những ngày có gió như thế, người tôi nổi mẩn ngứa ngáy hàng tuần chưa khỏi. Từ những nốt mẩn ban đầu như muỗi đốt rồi cứ to dần lên bằng quả ổi, bưng mủ. Bao giờ những nhọt bọc đó vỡ ra, mủ, máu chảy đến đâu thì chỗ đó lại nổi mẩn ngứa đến đó. Mùi tanh của mủ làm cho bầy ruồi nhặng kéo về từng đàn, bu kín khắp người. Có những lần, tôi quờ tay cũng nắm được bốn năm con nhặng xanh. Nhấn nắm tay nhẹ một cái có thể nghe thấy tiếng nổ lách tách của bầy ruồi bị bóp vỡ bọng. Xòe bàn tay, một lớp máu, mủ lẫn lộn, nhờ nhờ xanh xanh, đo đỏ dính nhơm nhớp. Mùi thối, tanh, khai bốc lên đến lợm gịng. Tôi cũng sợ chính cái mùi tanh tanh, khăm khắm đến lợm giọng từ người tôi toả ra, cái mùi mà bọn trẻ trâu bảo không khác gì mùi cóc chết thối.

Ngoài những ngày gió, trời nắng hay mưa, có người hay không ai qua lại, phía chót con đường vẫn là gian lều của hai bố con tôi. Không người đến, không người qua, đơn độc, lẻ loi bên bờ đầm. Một thế giới không của đời lặng lẽ sống. ấy là tôi nghĩ thế, chứ bố tôi, hình như chẳng có cái gì ở đời là quan trọng. Vui không ai hay, buồn không người biết, khổ cũng thế mà vất vả cũng vậy.

Tôi còn nhớ, ngày hai bố con mới chuyển ra đầm ở. Có một chiều, bố nói có việc phải lên huyện. Trong lúc bố vắng nhà, lão Vấn đem lưới đến đánh cá trong đầm. Tôi nói, gọi rồi thậm chí chửi nhưng lão cứ nhe hàm răng cải mả ra cười hềnh hệch. Lão làm như không có tôi ở đó. Lão đánh cá công khai trước mắt, giữa ban ngày ban mặt chứ không thèm lén lén lút lút nên tôi càng bực. Không những thế, khi thu lưới lên bờ, lão còn tụt quần chổng mông vào tôi, khoe cái mông đen sì sì, chóp mông bàng bạc trắng của lớp chai do ngồi lê đánh thớt thời gian dài. Rồi lão xoay người đứng đái tồ tồ xuống đầm, hai tay cầm vẩy vẩy vẽ rồng vẽ phượng. Khi bố về, tôi nói lại. Ông đã không làm gì lại còn ngồi giải thích. Ông bảo:

- Người ta phải đi ăn trộm, ăn cắp chẳng qua cũng vì nghèo quá. Đói khổ sinh đạo tặc mà con. Mấy con cá nhà ta họ có sống hết cả đời được đâu. Bố con mình có cái để người khác đến lấy là mừng rồi. Chuyện bác Vấn có xuống đánh cá con cứ để cho bác đánh. Chuyện đời dài lắm, bây giờ con chưa hiểu được đâu.

Nghe bố nói, tôi chán mớ đời. Tôi chả hiểu bố thế nào nữa. Bụng ấm a ấm ức.

Để bảo vệ đầm, tôi gạ bọn trẻ trong xóm ra thả trâu đổi nải chuối lấy cái súng cao su. Tôi nhờ chúng dạy bắn phòng khi lão Vấn lại đến. Chúng nó khoái trí được gọi là sư phụ, làm thày dạy cho tôi. Khi nghe kể lão Vấn đái trêu tôi, chúng nó hè nhau dựng cây chuối, lấy lõi ngô cắm vào thân để tập bắn. Mỗi khi bắn trúng mục tiêu, bọn tôi lại tự thưởng cho nhau khi quả chuối lúc củ khoai hay bắp ngô nướng. Tôi chả hiểu chúng nó học ở đâu, ai dạy nhưng đứa nào cũng cam đoan rằng, muốn bắn hạ ai đó, chỉ cần bắn một phát vào chỗ ấy là thế nào cũng gục. Lúc đầu tôi không tin nhưng chúng nó thề. Để minh chứng, chúng nó bắt thằng Còi tụt quần rồi lấy cây cỏ gà vụt một nhát vào đó. Cây cỏ gà èo uột thế mà thằng Còi ôm háng lăn long lóc, miệng kêu oai oái, nước mắt nước mũi chảy giàn giụa. Để đền bù cho sự đau đớn của lần thực nghiệm ấy, chúng nó bảo tôi mang rá lạc ra luộc bồi dưỡng. Hiệu nghiệm thật nhưng bắn trúng rất khó. Chúng nó lại bảo. Có khó mới phải tập luyện. Phải hàng tháng trời chúng nó chỉ cho tôi được phép nhằm vào một mục tiêu đó. Đến bay giờ, không cần mở mắt, tôi chỉ cần kéo chạc cao su. Buông tay. Tạch. Y phóc là đúng đích.

Ngày bố và tôi chưa bị bệnh cuộc sống vui biết bao nhiêu. Nhà tôi lúc ấy cũng đang ở trong làng, có cả cha mẹ chứ không phải ở lều ngoài đầm coi cá như thế này. Mấy đứa bằng tuổi tôi, tối tối rủ nhau đi bắt cào cào, châu chấu, chàn chạt về hì hụi nướng ăn. Những ngày trèo leo cây nhãn bắt bọ xít, đem thả vào chậu cho chúng quay tít, nhả hết nước đái rồi bỏ vào nồi rang rán. Những con bọ xít rang vàng ăn bùi, thơm ngầy ngậy, đứa nào đứa nấy tranh cướp đến bỏng cả tay, khô cả họng, rát cả lưỡi. Rồi những con bọ xít to bị chúng tôi bắt kéo xe. Những chiếc xe bọ xít kéo sà sà mặt đất trong các cuộc đua để nhận phần thưởng thắng cuộc là vài ba vòng có người làm ngựa. Hàng ngày bố mẹ đi làm. Sáng, trưa, tối cả nhà quây quần bên mâm cơm. Nhiều hôm hứng chí, bố kiệu tôi trên cổ nhong nhong quanh sân hay sang nhà hàng xóm chơi. Hôm nào bận việc, mẹ sai tôi đóng cửa chuồng gà hay thu mấy chiếc bát rếch mang ra thả vào chậu ngâm để tý nữa rửa. Ngày ấy thật thích, nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Bọn nhóc trong xóm đứa nào cũng đòi bố mẹ cho sang nhà tôi chơi. Những tối như thế, mẹ thường luộc nồi khoai, hãm ấm nước chè xanh cho bọn tôi nhí nhách và mời các bác trong xóm đến chơi ăn cho vui. Ngôi nhà tối tối tôi ngồi trong lòng bố nghe kể chuyện biên giới, chuyện bố đi dạy chữ cho bà con dân tộc, chuyện bọn buôn lậu giấu hàng trong người bây giờ cũng không còn là nhà của tôi nữa. Nó đã phải bán cho người khác để đưa cho mẹ lên tỉnh. Mẹ ở trên tỉnh có nhớ tôi không. Còn tôi, thỉnh thoảng vẫn mơ thấy mẹ về. Nhưng lần mơ nào cũng thế, mỗi khi bố và tôi bị bệnh, mẹ lo lắng, sợ sệt phải giặt giũ hay lau chùi vết thương. Mơ, nhớ lại như thế, trong lòng tôi buồn lắm.

2 -

Ngôi lều bố đưa tôi ra ở nằm ngay cạnh chiếc đầm giữa đồng. Ngày còn bé, mỗi khi tôi khóc, hờn dỗi, mẹ thường doạ, nếu không lặng sẽ mang ra đầm thả để cho ma nuôi. Những con ma có cái lưỡi đỏ, dài hàng mét, ngửi thấy mùi trẻ chiếc lưỡi cứ đưa qua đưa lại. Ngày đó chỉ cần nghe mẹ nói thế là tôi đã sợ, đái uớt sũng cả quần.

Chiếc lều nằm đơn độc, lẻ loi và khuất lấp giữa vườn chuối. Nếu đứng từ xa nhìn lại, chiếc lều lặn hẳn vào trong màu xanh ngằn ngặt của cây, chỉ khi nào đến gần, thật gần mới nhìn thấy nó nép mình vào bên các gốc cây chuối. Căn lều tuềnh toàng tường trát vách, một vài chỗ đã bục chân, lộ cả khung tre ải. Mái lều lợp bằng lá cây mía, trơ cả cọng, phía trên phủ một lớp giấy dầu nhăn nheo, mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, chúng run lên, kêu loạch xoạch. Tường hai đầu hồi trát lửng, phía trên hình tam giác, trống huơ trống hoác nhìn rõ cả trời. Nhiều hôm phải tránh gió, nằm trong lều tôi vẫn đếm được những đàn chim bay qua, ngắm mây thay hình đổi dạng khi hình người lúc con vật. Sợ nhất là về đêm, lũ chuột đuổi nhau chạy qua chỗ người nằm rào rào. Trong lều có cái gì cắn được là chúng gặm làm cho nát hết. Cũng vì thế mà tất cả mọi đồ dùng trong lều của bố và tôi phải cho vào trong chum sành, lấy miếng áo mưa bịt kín miệng. Những chiếc chum xếp vào sát chân bức vách lúc nào cũng âm ẩm hơi nước.

Vào các buổi chiều, khi trâu đã no, những ngày tôi không bị bệnh, bọn trẻ trâu thường rủ đi bắt chuột về làm món thịt hấp. Chuột đồng con nào con nấy béo mũm mĩm, nung núc những thịt. Chuột bắt về, làm lông, mổ bụng, rửa sạch rồi luộc lên. Bao giờ chuột chín, cắt lá chuối xanh rải một lớp xuống đất, xếp chuột luộc chín lên trên, rắc vừng rang, phủ thêm một lớp lá chuối khô, vần cối đá hay xếp gạch đè, ép cho hết nước. Xong, cầm cả con, xé từng miếng mà ăn. Thịt chuột đồng thơm có thêm mùi dầu vừng. Khi ăn vào vừa ngậy vừa thơm. Có nhiều đứa ăn khoẻ hết năm sáu con to cụ.

Mũi lão Vấn quả là thính. Thịt chuột vừa ép xong thì lão Vấn xuất hiện. Lão nhe hàm răng vàng khè, ám khói thuốc lào, thò tay nhón một con, mắt nhìn tôi bảo.

- Có thèm mày cũng đừng ăn. Thịt chuột nhiều đạm lắm đấy. ăn vào rồi ra bố mày lại khổ. Mủ tanh và thối hơn hố xí.

Bệnh tôi, tôi biết. Tôi chỉ không hiểu vì sao lại mắc bệnh này. Mọi người bảo bệnh của tôi là do từ trong máu phá ra. Lão Vấn khăng khăng cam đoan rằng bệnh của tôi là do bố truyền sang. Có một vài người độc mồm độc miệng bảo do nhà tôi ăn ở mất vệ sinh, kiếp trước chắc làm điều gì thất đức. Giận nhất là mụ hàng cá cạnh nhà, chuyện nhà ai mụ cũng hay, việc nhà ai mụ cũng tường. Mụ tọc mạch thóc mách và chúa đưa chuyện, đã thế cái gì cũng có thể suy diễn ra được. Đi đến đâu mụ cũng rêu rao bệnh của bố con tôi bị phá ra từ lục phủ ngũ tạng, cái nhìn thấy chỉ là thứ ngoài da thôi. Mụ còn cam đoan, bệnh này bao giờ chạy lên mắt, nước mắt rơi lã chã là gần đất xa giời. Nghe nói bệnh đã vào đến lục phủ ngũ tạng thì sống chẳng được bao lâu, chỉ còn nước chờ chết. Lục phủ ngũ tạng là cái gì tôi đâu có biết. Tôi hỏi lão Vấn. Lão lừ mắt nhìn tôi rồi hằm hè.

- Nó là tim gan phổi phèo, các cơ quan nội tạng của cơ thể con người – Lão kéo áo chỉ tay vào bụng – Nó là những cái ở trong này này. Từ nay cấm chỉ được nghe con thối mồm đấy nói. Rõ chưa.

Nói xong lão bước đi miệng lủng bủng.

- Bệnh là bệnh, người là người, đời là đời. Đúng là quân hàng cá, chỉ được cái tài xiên thẹo mẹo dậu, suy diễn mất dậy. Có một lần bố sai tôi vào làng mua dầu hoả về tối thắp đèn. Tôi vừa bước lên chiếc cầu vào làng thì bọn trẻ ở xóm giữa vây xung quanh, đứa nào đứa nấy lăm lăm cầm trên tay cục gạch. Chúng chỉ chỏ vào tôi ê a kêu hôi thối. Nhiều đứa còn chụm môi, nhọn mồm trông như cái loa, nhăn mặt, chun mũi, nhổ bọt. Mấy người lớn đi qua, ghé mắt vào nhìn, thì thầm vào tai nhau rồi quay ra nói gì với bọn nhóc trong xóm. Nghe người lớn nói, chúng tự nhiên dạt ra xa không dám đến gần. Bỗng một đứa hét toáng lên: Thằng hủi. Cả bọn nhao nhao lên kêu theo. Đúng lúc ấy lão Vấn từ đâu xuất hiện. Nghe nói thế, lão chửi.

- Đồ ngu. Có mắt mà như mù. Nói năng như con củ...

Chuyện xảy ra cách nay đã lâu rồi, phải bảy tám năm gì đó. Chiều hôm ấy bố đi cày về đến nhà. Mẹ sắp cơm gọi ba bốn lần nhưng bố kêu người mệt không muốn ăn. Nửa đêm tôi thấy mẹ lục cục dậy hì hụi dưới bếp hình như rang cái gì đấy cho bố lau người. Sáng ra, bố bảo mẹ đưa cho ông con dao. Khi bố cởi áo, tôi nhìn thấy cả người ông đỏ lựng như da người bị bỏng. Bố cầm con dao cạo trên da không khác gì người ta cạo lông lợn. Bố cạo đến bật máu. Ngày hôm sau, từ các mẩn đỏ trên người bố tự nhiên cứ mọc lên các nhọt. Lúc đầu các nhọt chỉ to bằng đầu đũa, sau rồi ngày càng to hơn, bằng cái bát chiết iêu mẹ vẫn hay dùng để đựng canh. Trong các nhọt chứa đầy mủ xanh. Mỗi khi nó vỡ ra, mủ máu chảy thành dòng nhờ nhờ như máu cá. Mùi tanh nồng nặc. Đi đến đâu, từ người bố toả ra mùi tanh tanh, chua chua, khăn khẳn. Bầy nhặng xanh lúc nào cũng bay theo bu xung quanh.

Bố bị bệnh năm trước thì năm sau đến tôi. Trong một lần tôi theo bố ra đồng dắt trâu non vực cày. Hôm ấy gió to lắm. Chiều về nhà tôi thấy người nổi mẩn ngứa. Lúc đầu chỉ như muỗi đốt. Bố vạch áo lên xem rồi bảo đó là tôi bị dị ứng thời tiết. Bố đem rang chiếc áo, xát lên các chỗ ngứa. Bố càng xát thì mẩn nổi càng to. Sang ngày hôm sau, những chỗ nổi mẩn đã thành các mụn nhọt to như quả ổi găng. Bên trong các nhọt đó cũng chứa đầy mủ xanh không khác gì của bố. Cũng từ đấy, mỗi khi tôi gặp gió là bệnh lại tái phát. Năm ấy tôi đang học lớp hai đành phải bỏ. Cứ mỗi khi tôi đến lớp, tất cả chúng bạn đều bỏ chạy ra ngoài. Ngay cô giáo, khi có tôi cô lại lấy chiếc khăn tay mùi xoa buộc che nửa mặt, thỉnh thoảng chạy ra ngoài, tháo khăn, ngửa cổ lên thở lấy thở để, hai tay vuốt ngực một thôi một hồi chán chê mới thôi. Nghe chuyện, bố tôi lúc đầu sôi lên sùng sục, đòi đến nhà trường làm cho ra môn ra khoai. Sau khi gặp cô giáo, thầy hiệu trưởng, chả biết thế nào bố tôi lặng lẽ gật đầu. Tối, khi mẹ sang nhà hàng xóm chơi, bố xoa xoa tay lên đầu tôi, nhẹ nhàng bảo ở nhà bố dạy chữ cho. Ngày trước, khi còn trong bộ đội bố vẫn đi dạy chữ cho bà con đồng bào suốt. Cứ yên tâm, bố có đủ chữ để dạy tôi nên người. Bố cười mà miệng cứ méo xệch, chả khác gì người mếu. Cả lớp, cả trường chả ai thích tôi. Đến như mẹ, tối tối cũng kiếm cớ sang nhà hàng xóm để tránh không phải chịu nỗi khổ của những gì từ người bố và tôi thoát ra. Ngôi nhà tôi giữa xóm mà cô độc như nhà ma, lạnh lẽo.

Vừa cắn miếng thịt nhai chưa kịp nuốt, nghe lão Vấn nói thế tôi nhè vội ra. Mỗi lần bị phát bệnh tôi rất sợ. Lúc mới phát, các mụn nhọt còn mẩn đỏ thì ngứa. Khi thành nhọt thì đau, nhức, buốt. Đầu lúc nào cũng ong ong như sắp vỡ. Khi các mụn nhọt vỡ ra thì tanh, mủ nhầy nhầy. Rồi những chỗ quần áo bị mủ giây vào, không kịp giặt, nó khô cứng, loang lổ phải ngâm nước cả ngày mới vò sạch. Thấy tôi không ăn, mấy đứa cũng bỏ luôn. Được thể, lão Vấn ngồi bệt xuống đất, hai chân khoanh bằng tròn, lấy tay kéo đống thịt vào lòng. Lão lắc lư đầu ra chiều đắc ý lắm. Chiếc quần đùi bộ đội rộng thùng thình, lão vén cao quá bẹn, hở tô hô, chấm cả xuống đất.

3 -

Thời gian gần đây tối nào tôi ngủ cũng mơ thấy mẹ về. Mỗi đêm như thế tôi rất sợ khi tỉnh giấc. Những giấc mơ không trọn vẹn, sứt sẹo.

Một lần tôi mơ thấy mẹ đi xe máy về thăm bố và tôi. Chiếc xe mẹ đi đỏ lắm, đỏ như máu. Khi mẹ đi trên con đường ra đầm, chiếc xe nhảy chồm chồm như trâu lồng, lúc ẩn, lúc hiện trong bụi đất. Khi đến cạnh lều, thấy bố và tôi đang nằm ngủ thì tự nhiên mẹ bị ngã. Đàn trâu ở đâu lao đến dẫm lên. Tôi chạy ra thì mẹ vùng bỏ chạy, hai tay khua về sau rối rít. Mẹ xua tôi đừng đến gần. Con trâu vênh ngà của thằng Còi hất mẹ lên cao rồi lấy đầu đánh văng xuống đầm. Một đàn cá lao đến, chúng nhe những chiếc răng vừa to vừa dài như răng cưa cứ thế mà xâu xé. Sợ quá, tôi hét lên gọi bố. Đưa tay quờ quờ trên mặt chiếu, một lớp nhầy nhầy, tanh tanh dính vào tay. Tỉnh dậy, tôi đang nằm trong vũng mủ do các nhọt bọc vừa bị vỡ.

Lần khác, tôi vừa nằm thì đã mơ thấy mẹ. Bà đến đứng bên đầu giường của tôi. Từ trong các mụn nhọt, cả vốc giòi ngo ngoe bò ra. Con nào cũng béo nung núc, căng tròn to như ngón tay. Chúng bò ra rồi lại kéo nhau chui vào, hai hàm răng to đen như càng cua ngoạm từng miếng thịt của tôi mà ăn. Tôi đau quá, gọi mẹ cứu nhưng bà cứ đứng nhìn, mặc cho bầy giòi căng bụng máu, đầy một bụng thịt. Tôi càng giãy giụa thì bày giòi càng ra sức đục sâu vào người. Bố đến, trên tay cầm bó đuốc vẫn thường đi kiểm tra đầm hơ hơ lên trên. Từng con giòi căng lên rồi nổ lốp bốp. Có tiếng ai đó gọi mẹ ngoài cửa. Ngoái đầu nhìn ra ngoài. Có một người đàn ông lạ lắm lấy xe máy đưa mẹ đi. Bố nhìn theo, hai mắt héo hắt, mặt nhoè nhoẹt nước. Tôi vùng dậy, chạy ra ngoài vớ hòn gạch vỡ ném đuổi theo. Viên gạch bay vèo vèo, quay lại rơi xuống chân tôi đau điếng.

Bao nhiêu lần mơ là bấy nhiêu lần tôi đều thấy mẹ không bao giờ đến gần. Mẹ cứ đứng từ xa nhìn lại. Mẹ sợ những bọc mủ ở nhọt vỡ ra bắn sang người. Tôi nhiều khi cố quên nhưng hình như tôi càng nhớ thì lại càng nhớ.

Phải hôm hai bố con vỡ nhọt, quần áo bê bết những máu cùng mủ, mùi tanh sặc sụa, trùm kín cả ba gian nhà. Quần ái thay ra chưa kịp mang đi ngâm ruồi nhặng kéo về, bu kín chẳng khác gì rá đỗ bị đổ. Lúc cầm lên, cả đàn ruồi bay nhao nhao. Nước mủ bám ở chân, ở cánh văng ra, bắn sang mặt. Nếu không lau rửa ngay chúng đen lại không khác gì nốt cứt ruồi, tàn nhang. Phải những ngày như thế, bố và tôi phải kiêng gió nên chỉ còn mình mẹ. Mẹ thường lấy chiếc gậy dùng để phơi quần áo xêu lên mang ra cầu ao thả xuống nước. Bầy ruồi nhặng xoắn lại bay theo phía sau. Mặc dù nước mủ đã được ngâm nhưng khi vò giặt chúng dính như keo, trơn trơn, nhầy nhầy, nhơm nhớp. Sau, mẹ lấy chiéc khăn bông to làm khẩu trang, cuốn che mặt chỉ để hở hai con mắt.

Có một lần tôi ngồi câu bên bờ ao, khuất trong bụi chuối nên mẹ không nhìn thấy. Tôi thấy mẹ lấy cái gậy khoắng khoắng chiếc áo vào trong nước. Chẳng may nước bắn lên người, mẹ quăng gậy chạy, mặt tái xanh tái xám. Bộ quần áo của bố và tôi nổi lập lờ trên mặt nước. Rồi mẹ ngã. Ngã dúi ngã dụi vào bờ giậu dâm bụt ở ngõ. Biết mẹ sợ bệnh của bố và tôi nên tôi buồn lắm. Những hình ảnh ấy cứ hằn vào đầu tôi như đào ao xẻ rãnh.

Buồn nhưng tôi không dám nói với bố. Lão Vấn thường nói với tôi rằng, nếu có nhìn thấy gì, nghe thấy gì cũng đừng có toang toác. ếch chết tị miệng, người chết tại mồm. Lão giơ nắm đấm lên nhứ nhứ ra điều không nghe thì liệu thần hồn. Nhưng mà lạ lắm, tối nào tôi mơ là y như rằng bố đều biết. Có một lần, sáng ra, đợi tôi ăn xong bát mỳ tôm, bố hỏi.

- Tối qua con lại nằm mơ à?

Nghe bố hỏi mà tôi không biết trả lời thế nào. Nếu nói thật, tôi sợ bố buồn. Trả lời không thì tôi lại là kẻ nói dối, điều mà bố rất ghét. Hình như bố hiểu. Bố dục tôi ăn xong mang bát đi rửa rồi đứng lên lấy bộ quần áo tự chế làm bằng vải áo mưa mặc vào xuống đầm.

Sau những lần mơ như thế, tôi rất buồn. Những giấc mơ tôi không hề mong đợi. Đêm mơ giấc mơ buồn nên ngày tôi hay nghĩ đến mẹ. Mỗi lần nghĩ đến là tôi lại giận. Có một lần lão Vấn bảo mẹ phải lên tỉnh làm để lấy tiền mua thuốc cho bố và tôi. Mặc dù tôi cố gắng tin điều lão Vấn nói là thật nhưng những việc làm của mẹ nó cứ ám ảnh, chập chờn, phảng phất trong đầu.

Để chữa bệnh cho bố và tôi, tài sản trong nhà có bao nhiêu cứ lần lượt được mẹ mang đi bán. Tôi nghe mẹ nói phải lên trên tỉnh lấy thuốc. Chỉ có điều lạ là nói thế nào bố cũng không chịu đi bệnh viện. Còn lão Vấn, khi bố hoặc tôi phát nhọt là y như rằng lão cứ lởn vởn quanh xóm, chẳng khác gì cú nhòm nhà bệnh. Những thang thuốc mẹ mang về lọ mọ sắc lên cho bố và tôi uống đắng kinh khủng. Mấy lần đầu, tôi uống chút một, chút một như uống nước. Khi vào đến cổ họng, đắng quá tôi lại nôn ra. Thấy thế, bố dậy. Mỗi lần uống thuốc, tôi thường phải lấy tay bóp mũi thật chặt, tợp một ngụm, nuốt ngay. Bố bảo, làm như thế, vị đắng không kịp ngấm vào cổ đã trôi xuống dạ dày rồi. Bố còn dặn, làm bất cứ cái gì như đắng cay, đau đớn nên làm thật nhanh. Càng nhanh càng tốt, nó không để lại cho cảm giác sợ hãi. Bố còn nói khích. Con bộ đội phải dũng cảm mới xứng con nhà lính chứ.

Bố kể. Ngày trước, khi bố còn ở bộ đội, có một chú trong tổ công tác bị rắn lục xanh cắn vào ngón tay. Nọc loại rắn này độc lắm, nếu không kịp chữa, nọc độc sẽ ngấm vào máu chỉ chớp mắt là chết. Chú ấy đặt ngón tay bị rắn cắn lên tảng đá, tay kia cầm con dao phát rừng, chặt một nhát. Ngón tay bị rắn cắn lìa ra, rơi xuống, các cơ trên ngón tay còn động đậy. Tất nhiên việc uống thuốc không thể bằng chú gì trong chuyện của bố tự chặt ngón tay được nhưng nó cũng luôn làm tôi nổi da gà. Tôi rất tin những điều bố nói.

Lần đầu, khi bố bị phát bệnh, nhọt bọc nổi to lắm ở ngay bả vai, cộm cả lưng áo. Một hôm, bố vén áo bảo tôi nhìn xem nó như thế nào. Sau này, đến khi tôi bị mắc bệnh, tôi biết, những lúc như thế nhức vô cùng. Chỗ mọc mụn vừa ngứa vừa đau, buốt đến tận óc. Mụn to như bát tô, đỏ tía, tím tái, phía đầu nhọt nhờ nhờ trắng, sờ tay vào có cảm giác bòng bọng nước. Bố bảo tôi lấy hai tay nặn thử xem có vỡ không. Vì da lưng dầy, lại sợ bố đau nên tôi nặn không được. Bố bảo tôi đưa cho ông con dao găm. Bố cầm con dao nói tôi đặt mũi dao vào chỗ đầu mụn nhọt. Khi tôi vừa buông tay ra, ông nhấn mũi dao cho nhọt vỡ. Từ trong nhọt, máu mủ chảy chan chứa khắp lưng. Bố thu hai tay trước ngực, cong người gồng lên ép cho mủ chảy ra rồi sai tôi lấy giẻ lau ngược từ dưới thắt lưng lên. Bố lấy cán dao đập vỡ vụn mấy viên thuốc rồi đưa cho tôi rắc lên trên miệng nhọt. Nhìn bố làm, tôi sợ nhắm tịt hai mắt.

Một lần khác, mụn nhọt mọc ở giữa lưng, gần chỗ cạp quần. Khi mụn làm mủ, bố bảo mẹ nặn cho đỡ nhức. Mẹ lấy hai tay bóp mạnh, nặn. Mẹ đang day day thì bất ngờ nhọt vỡ, phụt đầy mặt. Mẹ buông tay, lao ra cửa bỏ chạy, nôn thốc nôn tháo. Lão Vấn đi qua thấy thế vào làm giúp. Dường như lão Vấn không còn biết sợ là gì. Tay lão bóp, nặn, miệng thổi phù phù vào đó. Đôi tay lão ngoe ngoét, nhớp nháp máu, mủ. Lão túm luôn vạt áo đang mặc chùi tay rồi lại nặn tiếp. Xong, lão thò tay rút từ trong túi chai rượu đổ vào vết thương rửa. Khi băng xong, chỗ rượu còn lại lão ngửa cổ tu ừng ực. Những khi như thế, bố để mặc cho lão làm gì thì làm. Và lão làm xong cũng chẳng nói lấy nửa câu, tay cầm chai rượu, ngất ngưởng bước đi.

4 -

Vì công việc đồng áng nên bao giờ cũng thế, đi làm đồng về mẹ mới đạp xe lên tỉnh để cắt thuốc. Mấy lần bố bảo mẹ không phải cắt thuốc cho ông, dành tiền mua cho tôi chữa trị thôi. Lẵng nhẵng việc mua bán thuốc thang chữa trị hàng năm trời mà đâu vẫn hoàn đấy. Tôi chả hiểu ông thày thuốc này tài giỏi đến đâu nhưng bắt mạch kê đơn chỉ nghe mẹ tôi kể chứ chưa bao giờ đến thăm khám hoặc bố và tôi phải lên hiệu thuốc. Sau mỗi lần đi lấy thuốc ở trên tỉnh về, tôi nghe mẹ nói, lần này thì bảo bệnh này, lần sau đã lại chuyển sang bệnh khác. Có một lần, mụ hàng cá nói xoe xoé giữa xóm, chữa bệnh mà không đúng căn nguyên chỉ tổ làm giàu cho mấy thằng lang băm. Có bao nhiêu của nả nó bòn rút cho bằng hết, tiền mất mà tật vẫn mang. Bệnh trong người phải chữa từ trong chữa đi, trị tận gốc, đằng này sợ đau, chữa chạy loanh quanh, chẳng khác gì trò cháo húp vòng quanh, chơi đĩ cả váy, chỉ vạ thêm ngứa.

Khổ nhất bệnh của bố và tôi là việc đi lại. ở rịt trong nhà không sao, ra ngoài đường, chỉ cần sơ sẩy một chút không giữ gió là về nhà, thế nào cũng bị phát nhọt. Thuốc lúc đầu uống đắng là thế, sau này tôi uống như nước lã, chả biết đắng là gì nữa. Đến khi phải uống nhiều quá, tôi lại phát sợ. Chỉ cần ngửi thấy mùi thuốc là người tôi đã run, lông tay dựng ngược cả lên. Những lúc hai bố con bị bệnh, tôi để ý, bố cứ ngồi bó gối thở dài thườn thượt, cả ngày chả nói một câu.

Một thời gian sau tôi để ý thấy mẹ cách hai ba ngày lại đạp xe lên tỉnh nói lấy thuốc. Thuốc mẹ mang về sắc lên chỉ mình tôi uống chứ bố không động đến một giọt. Mỗi khi lên tỉnh lấy thuốc, mẹ tắm gội rồi mới đi chứ không như trước, tong tả quần xắn móng lợn, nếp áo nhăn nheo như lò so, tóc không kịp chải chỉ lấy tay vuốt vuốt rồi chít khăn lên. Bao giờ từ tỉnh về nét mặt mẹ cũng vui, không như ngày trước, lúc nào cũng nhăn nhó, khó chịu. Thỉnh thoảng mẹ còn mua cho tôi cái áo mới, khi chiếc bánh nướng to bự. Chỉ có bố, mỗi khi mẹ từ tỉnh về lại thở dài, lôi rượu ra uống. Nhiều hôm, bố gọi lão Vấn sang, hai người ngồi khề khà đến gần sáng.

Một chiều, khi mẹ ở tỉnh về gặp hai bố con đang ăn cơm. Chả biết mẹ mệt hay làm sao mà chạy vội vào bếp nôn. Bố bảo tôi ăn cho xong bữa rồi thu dọn để đi nghỉ sớm. Tối ấy bố đi đâu đến sáng mới về, người nồng nặc mùi rượu. Thỉnh thoảng lão Vấn qua nhà nhỏ to gì đó với bố. Tôi không nghe bố nói gì chỉ ậm ừ.

Rồi vào một đêm, khi ấy khuya lắm rồi tôi tỉnh giấc thì nghe có tiếng xì xào bên ngoài nhà.

- Tôi nghe chuyện này lâu rồi. Thôi thế cũng đỡ khổ cho cô. Cô cứ đi đi. Đừng lo lắng gì cho bố con tôi. Rồi đâu sẽ lại vào đấy. Tôi tự lo được.

Tôi không nghe mẹ nói gì chỉ nghe tiếng nấc ầng ậng nước. Tiếng điếu bát lọc sọc suốt đêm. Sau đêm ấy, tôi thấy bố và mẹ ít khi ngồi với nhau. Cũng từ hôm đó, tất cả quần áo của bố và tôi đều do ông giặt. Tháng sau, mờ sáng bố gọi tôi dậy rồi cùng lên huyện.

Buổi tối, sau khi ở toà án về, bố giục tôi đi ngủ, bảo mẹ ngồi lại. Nằm trong nhà, tôi nghe bố nói.

- Làm người đàn bà, xuất giá phúc phận nhà chồng. Số cô chẳng may vấp phải tôi nên khổ. Chuyện vợ chồng đầu ấp má kề. Nay chia tay nhau, tài sản không còn gì ngoài mấy gian nhà và mảnh vườn. Tôi đã bán để cô có tiền làm lại. Cô cứ giữ cả lấy, coi như sự đền bù những năm con gái. Tôi cũng đã nói với người ta, bao giờ cô đi thì người ta sẽ đến nhận.

Sáng hôm sau, bố thu dọn mấy bộ quần áo rồi dắt tôi ra căn lều ngoài đầm.

Việc trông nom ngoài đầm quả là vất vả. Nơi đồng không mông quạnh che chiều nào cũng gió. Những cơn gió hoang luồn lách ngang dọc, hở ở đâu một chút là chúng cũng có thể chui vào. Để tránh gió cho khỏi bị phát bệnh, bố tự thiết kế chiếc áo liền quần bằng vải mưa để mặc mỗi khi đi làm. Bố và lão Vấn hì hụi đo đo cắt cắt rồi hơ hơ trên lửa cho chúng dính vào nhau. Lão Vấn còn mang đến cả chiếc túi du lịch ba tầng từ thủa nảo thủa nào cậm cạch dùng mũi dao tách chỉ, tháo lấy dây khoá, cả ngày ngồi khâu. Hôm làm xong, bố và lão Vấn xem ra sướng lắm. Mỗi khi bố mặc trông chẳng khác gì ông thợ lặn, từ chân lên đến đầu kín như bưng chỉ thò mỗi hai con mắt. Khi ông từ trong áo mưa bước ra người ướt đẫm mồ hôi, chiếc áo sâm sấp nước.

Thực lòng mà nói, tôi không thích lão Vấn. Lão như thằng mật thám bám theo tôi mà theo dõi. Động cái là lão chửi, không như bố, lúc nào cũng nhẹ nhàng mặc dù ông rất nghiêm khắc với những việc tôi làm. Ghét lão nhưng tôi lại thấy lão gần gũi chứ không sợ. Những lần lão giúp bố nặn nhọt, băng bó vết thương, những hôm lão chửi ầm ầm bênh tôi khi có ai đó nói này nói nọ, nhất là những lúc lão phởn chí bảo chúng tôi ngồi quây trong vườn chuối để lão cắt tóc thì sao tôi thấy lão hiền thế, tốt thế. Ghét lão nhưng một ngày không nhìn thấy tôi cũng nhơ nhớ. Có một điều mà tôi không hiểu nổi, lão rất ngại bố tôi. Nhiều khi lão ngồi một mình bên bờ đầm uống rượu, thấy bố ra, lão giấu vội chiếc chai vào sau lưng áo. Bị bố phát hiện, lão ngửa cổ cười cười trông cứ tồi tội, chả khác gì bọn tôi bị bắt lỗi quả tang. Một đôi lần, khi bố nói lão cũng có ý định cự nự lại nhưng rồi thôi ngay, cun cút làm theo.

Thi thoảng vào các tối, hôm nào trời lặng gió, bố và tôi ra ngồi trên bờ đầm. Từ dưới đầm, tiếng cá đớp chân bèo tẹp tẹp. Giữa đầm, có con cá động hớn nhảy lũm tũm. Sau đấy là tiếng đớp nước uôm uổm. Bố bảo, những con cá lúc nào cũng luôn mồm lép nhép đớp chân bèo chỉ là loài cá nhỏ như mương, rô, giếc, cá cờ. Loài cá nhỏ, thịt không đáng làm mắm, chẳng mấy ai để ý nên lúc nào cũng thích đớp để ra điều có tôi ở đây. Vênh vang là thế nhưng động rạng một tý là chúng chuồn sạch, không mọc mũi sủi tăm. Bao giờ yên hàn lại vênh vang lép bép chân bèo. Tiếng đớp nước uôm uổm là bầy cá chuối. Loại này là cá ăn thịt. Chúng bơi rất nhanh và săn mồi cũng rất giỏi. Tối tối, bầy cóc nhái hay rủ nhau xuống đầm làm tình, những con cá chuối đã đón sẵn. Chỉ bằng một động tác lao mình từ dưới lên là chúng đã có thể tóm gọn những chú nhái đang say sưa giỡn nhau trên mặt nước. Tiếng rơi lũm tũm là bầy cá rói, cá trôi. Chúng nhảy tránh những cú lao mình của bầy chuối săn mồi và cũng có ý nói rằng, trên thế gian này còn có bầy loài như chúng tôi nữa. Loại cá này thường ăn ở tầng nước giữa. Còn một loại, lặng lẽ tầng đáy là những con cá trê, cá bò. Tầng đáy thường là loài cá da trơn. Loại này không mấy khi tự nổi lên tầng trên để ăn. Chúng cứ lặng lẽ săn mồi nơi hun hút bóng tối. Tuy chúng lặng lẽ thế nhưng giá trị dinh dưỡng và thịt của chúng ngon hơn những loại ăn nổi nhiều lần. Có một loại, vừa ăn tầng trên, vừa ở tầng giữa và cũng kiếm sống tầng đáy. Đó là những loài như trắm, chép, rô phi. Loài cá này tầng nào cũng có thể sống được. Bố bảo ở đời cũng thế.

Chiều nay, bố và lão Vấn rủ nhau ra đầm đánh cá. Cả một buổi chiều cá đánh được đầy ự mấy chiếc thúng. Đánh được đến đâu bố bán hết cho mấy người đi xe máy đến mua. Bố mang số tiền bán cá được giao cả cho lão Vấn. Bố vừa đưa tiền, lão Vấn dằn cái chén uống nước xuống mặt chõng.

- Anh khinh tôi vừa vừa thôi. Tôi cầm tiền đi mua quan tài à.

- Thì chú cũng phải nộp sản cho hợp tác xã chứ. Họ có cho chú thả không đâu.

- Tôi đếch trả. Tiền cho thuê đầm nộp cho họ cũng chưa đủ bữa tiếp khách. Tôi không trả cũng chả có thằng đếch nào dám đến hạch sách. Tôi đấu chứ anh đấu đâu mà sợ.

Nói đến đây lão chợt nhận ra có tôi liền thôi. Chắc bố cũng nghĩ như lão nên không nói thêm gì nữa. Lão đi lại góc lều lôi bình rượu ra uống. Khi lão nâng chiếc bình rót rượu ra bát, tôi để ý thấy tay trái của lão có ngón bị cụt. Phát hiện thấy tôi cứ nhìn chằm chằm vào bàn tay có ngón cụt, lão trợn mắt trộ.

- Nhìn, nhìn cái gì. Có lên chõng ngủ đi không? Người lớn nói chuyện ngồi đấy mà hóng hớt.

Tôi điên quá, lần tay xuống cạp quần lấy chiếc súng cao su, bí mật nhặt mấy viên sỏi giấu vào túi rồi ra khỏi lều. Mấy con chó ngồi chầu hẫu ngoài cửa chờ cho ăn. Tiếng dế ri ri kêu bên bờ đầm như tiếng màng ai thả trên cao. Tìm chỗ khuất gió tôi ngồi. Tự nhiên tôi lại nhớ mẹ. Phía xa xa kia, nơi có những vệt sáng vàng vọt có một lần bố bảo đó là tỉnh đấy. Nơi ấy có mẹ tôi đang ở.

5 -

Sáng hôm sau, khi trời còn sớm, bố gọi tôi dậy bảo đi cùng lão Vấn lên tỉnh. Lão Vấn hôm nay ăn mặc rất bảnh chứ không như mọi ngày, bộ quần áo quân phục còn nguyên nếp gấp, đầu đội mũ cối, chân đi giầy đen, tóc gọn gàng chứ không bù xù rối mù hôi hôi mùi nước đầm. Bộ râu ria mọi ngày xồm xoàm được lão cạo sạch trông trẻ và trắng trẻo. Thấy tôi nhìn chăm chú, lão nháy nháy mắt rồi cười thật hiền.

Lão cứ thủng thẳng đạp, thi thoảng lại bấm chuông kêu leng keng. Vừa đạp xe, lão vừa nói chuyện, giọng không bẳn gắt, cắm cẳn như mọi ngày mà thân thiện và gần gũi. Lão kể những chuyện gỉ chuyện gì tôi nghe tiếng được tiếng mất, chả rõ, chỉ láng máng hình như lão đang kể những chuyện ngày bằng tuổi tôi thì phải. Những năm tháng tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn và buồn tủi phải đi ở bên nhà ông chú vì cha mẹ lão mất sớm.

Lên đến tỉnh đã thấy cơ man nào là người, là xe. Tôi và lão Vấn như lạc lõng giữa dòng người sang trọng, sạch sẽ và thơm tho. Bám dọc theo hai bên đường là những căn nhà cao tầng cùng hàng hoá xếp đầy ních từ ngoài vào trong. Mải nhìn ngắm mà mấy lần tôi bị rơi cả mũ. Tôi ước gì bố và tôi có được ngôi nhà như thế để ở, không phải chui rúc trong căn lều ngoài đầm đêm đêm lũ chuột đuổi nhau lao cả qua người, mỗi khi có mưa lại phải bê xô, xếp chậu hứng giột, nghe tiếng rơi long bong cả đêm không tài nào ngủ được. Tôi chợt nghĩ, mẹ ở trên này sung sướng làm sao còn nhớ đến tôi nữa. Lão Vấn vẫn thường nói với tôi, con người gặp sướng hay quên, thấy buồn hay nhớ, thấy khổ hay nản, thấy nạn hay tránh. Tránh được buồn khổ ngày nào là người ta sung sướng ngày đó. Không biết mẹ tôi có như lão Vấn nói không?

Suốt cả buổi sáng tôi ngồi sau xe cùng lão Vấn đạp lòng vòng đi hết phố này đến phố khác. Thỉnh thoảng lão dừng xe, bảo tôi đứng trông để lão vào hỏi thăm. Chả biết lão hỏi gì nhưng ra là lão dục tôi lên xe nhanh nhanh rồi lại đạp đi. Trưa, lão Vấn dẫn tôi vào vườn hoa ngủ. Lão chỉ tôi cái ghế hoa, còn lão, ngả xe ra vệ cỏ, gối đầu lên bánh sau, rồi lấy khoá dây, ngoặc qua cổ, ngoắc vào khung, úp chiếc mũ lên mặt đã thấy ngáy. Tự nhiên tôi lại nhớ đến bố. Không biết bây giờ bố đang làm gì ngoài đầm. Ngoái đầu nhìn lão Vấn đang ngủ. Lão nằm ngủ mà chân co chân duỗi, chẳng khác gì người ta đang bước đi.

Khi tôi tỉnh lại đã thấy lão Vấn ngồi cạnh, tay cầm chiếc mũ phe phẩy quạt. Lão bảo ở lại trông xe rồi cắt đường đi sang ngôi nhà đối diện có hai cây dừa trước cửa, cánh cổng sắt sơn xanh chỉ để he hé một lối đi nhỏ cho người ra vào. Phía trên bờ tường, các dây leo bám kín vào các cọc rào. Trên ban công các tầng, các loại cây cảnh che gần kín hết mặt tiền. Phía trên cao, tấm biển hiệu được trang trí bắt mắt chạy dài suốt từ tầng ba xuống đến tầng hai. Đến trước cửa, tôi để ý thấy lão Vấn ngập ngừng một lát rồi mới bước vào và mất hút sau bóng cây cảnh bầy biện bên ngoài.

Lão Vấn đi rồi, ngồi đợi ở ghế tự nhiên tôi thấy sợ. Có mấy thanh niên người gầy nhẳng, kẻ cắt tóc ngắn, người để tóc dài, buộc túm sau gáy, túm tụm bên gốc cây làm cái gì giấu giấu diếm diếm, mắt lấm la lấm lét. Khi qua chỗ tôi họ lượn lờ nhìn chằm chằm, đôi mắt tái dại.

Kỳ cạch dắt xe qua đường, tôi len lén dựng xe vào bên ngoài bờ rào phía sườn của ngôi nhà. Ghé mắt nhìn qua hàng cọc bê tông và các khóm cây. Lão Vấn ngồi bên chiếc bàn kê ở ngay dưới gốc cây dừa. Lão chờ ai mà ra dáng thấp thỏm, nhấp nha nhấp nhổm ngọ ngoạy trên ghế. Rồi có người đàn bà đi ra. Ôi, mẹ tôi. Bà mặc váy ngắn hở cả đùi. Chiếc áo cổ rộng trễ xuống ngang ngực. Tôi giơ tay dụi mắt. Đúng là mẹ tôi rồi, chỉ khác mắt mẹ kẻ xanh xanh, đo đỏ. Mẹ còn tô cả móng chân, móng tay. Trông mẹ vẫn trẻ như ngày trước và có phần còn xinh hơn, trắng trẻo, trưng diện. Tôi nhao người lên định chạy vào thì đầu va phải khung xe. Tôi như thế này liệu mẹ có nhận ra không. Tại sao lão Vấn vào gặp mẹ mà không cho tôi biết. Hay là lão cũng ngại vì tôi ăn mặc rách rưới và đen đúa, bẩn thỉu. Tôi lại nhớ những lần bố và tôi bị bệnh, mẹ lấy cây gậy khều khều quần áo rồi mang ra ao thả, cái hôm mẹ giặt bị nước bắn lên người bỏ chạy, ngã dúi ngã dụi vào bờ dậu dâm bụt. Tôi vào, mẹ lại bỏ chạy thì đến bao giờ mới được gặp. Thôi, tôi cứ nhìn mẹ qua hàng rào cũng được.

Vừa trông thấy lão Vấn mẹ tôi đã khóc. Lão Vấn cứ ngồi trên ghế để mẹ tôi khóc một lúc mới bảo. Giọng lão nhẹ nhàng chứ không gắt gỏng như mọi ngày.

- Cô chuyển chỗ để tôi phải tìm suốt từ sáng đến giờ. Thôi, khóc lóc cái gì. Cô làm đây còn con bé đâu?

Tôi không ngờ mẹ lại khổ đến thế. Ngồi ngoài nghe mà tôi thương mẹ vô cùng. Mẹ còn khổ hơn cả bố và tôi những ngày bị bệnh. Người chồng mới đã bỏ vì mẹ không sinh cho ông ta con trai. Ông ta cũng không cho mẹ được nuôi con vì mẹ không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Vì mẹ bỏ bố và tôi đi do bệnh tật nên cũng không dám về quê sợ làng xóm chê cười. Mẹ phải đi làm trong nhà hàng, khách sạn để kiếm sống. Mẹ bảo cũng muốn về nhưng vì đã trót nhúng tay vào chàm rồi. Mẹ sợ mọi người trong xóm ngoài làng biết chuyện thì lại càng thêm khổ. Mẹ không muốn bố và tôi khổ thêm nữa. Mẹ bảo lão Vấn đừng nói chuyện này cho bố và tôi biết. Từng câu mẹ nói có tiếng nấc ầng ậng nước xen vào ngắt quãng.

Lão Vấn ngồi nghe nét mặt nhăn lại, đỏ như người đi nắng. Bàn tay của lão nắm lấy chỗ tay vịn ghế. Mẹ tôi nói xong một lúc sau lão mới lên tiếng, từng câu rành rọt, dứt khoát, sắc như dao. Giọng lão nghe chẳng khác gì hôm bênh tôi, chửi bọn nhóc và người xóm trong lần đi mua dầu trên cầu vào làng.

- Cô về. Theo tôi về ngay hôm nay. Về.

- Em về thì ở đâu bây giờ – Tiếng mẹ nhoè trong tiếng nấc- Nhà không có, gia đình thì không. Ai chứa em. Đến lúc ấy em còn biết đi đâu.

- Về nhà cô chứ về đâu. Tiền mua nhà ngày ấy là tiền của tôi. Hai người không ở được với nhau, tôi phải bỏ tiền nhờ người khác mua, để giữ lại. Bây giờ cô về, dọn về đấy mà ở, đưa cả bố con nó về ở nữa là xong. Tôi lấy lại cái lều ngoài đầm. Nhà tôi, tôi ở, không phải trông nhà cho cô nữa - Giọng lão nhấm nhẳng, cáu gắt như mọi ngày. Những lúc như thế này là lão hay nổi xung lắm.

Sợ lão ra thấy tôi nấp bên ngoài nghe lại nổi cáu, thậm chí cho cái bạt tai cũng chưa biết chừng, tôi len lén dắt xe về chỗ cũ, ngồi xuống ghế đá, giả vờ thiu thiu ngủ. Một lát sau tôi nghe tiếng chân bậm bịch đi ra, tiếng lão nói lủng bủng cái gì đó. Gần như lão giằng cái xe, lôi xềnh xệch nó đi, ghệ mông lên yên không ngoái đầu lại, giọng gắt gỏng như ra lệnh.

- Lên. Đúng là đồ ngu.

Chắc lão cáu điều gì đấy, tôi nem nép ngồi lên xe. Khi tôi ngồi xong lão quay lại nói nhỏ nhẹ, cứ như không có chuyện gì xảy ra.

- Bây giờ chú cháu ta đi mua đồ rồi về. Vào cửa hàng thích mua gì thì nói, đừng ngại. Thích gì chú mua cho cái đó.

Tối sầm tối sà tôi và lão mới về đến lều. Căn lều không thắp đèn nhờ nhờ sáng do không gian của đầm, của đồng và chút ánh sáng yếu ớt rớt xuống qua lỗ chái. Bố tôi không biết đi đâu, căn lều vốn đã trống trải, không có người nó càng lạnh lẽo. Đẩy xe vào trong, lão Vấn sai tôi đi lấy cây đuốc rồi cùng lão chạy ra ngoài.

Bố tôi người bê bết máu, nằm vắt ngang người trên bờ đầm, những cái sẹo do các lần nhọt bầm đỏ hở tô hô trong chỗ áo rách. Bốn xung quanh chỗ nằm, bùn đất, cỏ rác, bèo tây và những cành chà rào ngổn ngang. Lão Vấn không hỏi, lặng lẽ bế xốc bố lên mang về lều. Tôi lập cập cầm đuốc chạy theo sau. Trong khi lão Vấn và tôi đi tỉnh, chập tối có một toán người mang lưới đến đánh cá ở đầm. Bố tôi ra nói và thế là họ xúm vào, kẻ dùng gậy, người dùng dây thừng đánh. Họ là ai bố tôi không nói. Lão Vấn cật vấn thế nào bố cũng lắc đầu. Băng bó, lau chùi vết thương cho bố tôi xong, lão Vấn rầm rầm đi vào làng.

6 -

Bố tôi lại phát bệnh. Các mụn bọc lần này xem ra to hơn các lần trước. Chiếc áo bố mặc cộc tớn, vạt buông cách người bung biêng, sổ xủ xuê. Trông bố không khác gì người dị dạng, u đằng trước, ùng đằng sau. Mỗi bước đi người ông xô lệch, nhúc nhắc từng bước một. Nhìn nét mặt nhăn nhó tôi đoán, chắc bố đau lắm. Những ngày đầu, mụn bọc còn nhỏ có thể mặc áo, sau nó to quá khổ, bố đành phải đánh trần, khoác bên ngoài tấm vải màn che bụi và ruồi. Những mụn bọc lần này không như những lần trước. Trông chúng đo đỏ, hồng hồng, tim tím, xam xám. Khi bố bảo tôi sờ xem chúng đã làm mủ mềm chưa hay vẫn còn cứng. Tôi có cảm giác các bọc máu, mủ bên trong đang chạy xoắn vòng tròn như xoáy nước chỗ lỗ thoát cống những hôm có mưa. Khắp người chỗ nào cũng mụn nên bố không thể nằm mà chỉ có thể ngồi, hai bờ vai tựa vào vách đỏ lên, cứng lại, đóng chai rồi bong ra như vẩy cá. Hôm mụ buôn cá ra đầm, biết thế, không nói xoe xoé mà nhễu ra, nét mặt ươn ươn như cá chết, chả biết là thương, là tiếc hay chia sẻ.

Từ hôm bố phát bệnh, ngày nào lão Vấn cũng qua, tờ mờ sáng đã thấy đến cổng quát tháo, chửi mắng bầy chó nhặng xị. Qua mấy hôm, chắc bầy chó đã quen mặt lão nên không sủa ầm ĩ mà chỉ gậm gừ ra điều nhà có chủ. Lão đến lo cơm nước, giặt giũ, thu dọn căn lều không khác gì bố tôi vẫn làm. Hết việc, lão lại vào ngồi nói chuyện với bố những gì tôi nghe chả hiểu. Trong các câu chuyện, họ hay nhắc đến vùng đất có tên A Sầu, A Lưới nào đấy. Tôi đoán hai người nói về một nơi nào xa lắm, nơi ấy chắc lão Vấn và bố ngày xưa đã từng ở những năm quân ngũ. Thỉnh thoảng họ lại nhắc đến tên một ai đó, lạ hoắc. Hết chuyện, bố và lão Vấn ngồi mồi thuốc lào cho nhau cùng hút ra chiều rất thân thiện.

Các nhọt bọc ngày càng ngày to ra và òng ọng nước. Chắc bố mệt lắm, tiếng thở nặng nhọc. Sau khi để lão Vấn dùng dao chích các nhọt bọc và làm vệ sinh xong, bố hẩy hẩy tay ra ý bảo tôi và lão Vấn ra ngoài. Lão Vấn cầm tay lôi tôi ra bờ đầm. Gió hiu hiu thổi. Những tàu lá chuối cong ưỡn ẹo đan vào nhau che kín mặt đất. Tự nhiên tôi đưa tay xuống cạp quần rút chiếc súng cao su. Lão Vấn đưa tay cầm lấy, nhặt viên sỏi, đặt vào miếng da làm kẹp đạn và kéo. Tạch. Chiu. Viên sỏi bay bắn rụng luôn đầu con chuồn chuồn ngô đang đậu trên ngọn cành rào rấp chống trộm dưới đầm. Trả súng lại cho tôi, lão nói.

- Tiên sư anh. Anh định hạ gục tôi chứ gì.

Quàng tay qua vai, lão vỗ nhè nhẹ bảo tôi.

- Tổ đầm của chúng ta bây giờ lại vẫn có ba người. Hai đồng chí bố và một đồng chí con cùng cây súng cao su. Cuộc chiến của chúng ta bây giờ là đầm cá và các nhọt bọc.

Nói xong lão cười khà khà, các nếp nhăn trên trán co dúm lại.

Đớp dưới chân đám bèo sen ven bờ đầm vẫn là mấy con cá lẹp nghe lép nha lép nhép. Giữa đầm, bầy cá chép, cá mè, cá trôi nổi thành từng đàn hớp hớp. Thi thoảng chúng lại động hớn nhảy vọt lên rồi rơi xuống lũm tũm. Góc xa phía cuối đầm, tiếng đớp uôm uổm của bầy cá trắm phàm ăn tranh nhau. Từ dưới lòng sâu, những vệt tăm nhỏ ly ti kéo dài nổi lên trên mặt nước. Lão Vấn đứng lên, bảo về thu dọn che chắn lều. Hôm nay trở trời, oi thế này và cá nổi lên nhiều thế kia, đêm thế nào cũng có mưa rào to. Khi tôi và lão Vấn vào trong lều thì hai tay bố tôi đã buông xõng xuống đất. Lão Vấn nhào đến lay, gọi. Lão phủ phục xuống bên chõng, nước mắt lã chã rơi ướt cả ngực áo của bố. Bố ơi! Sao bố lại bắt con ra ngoài lều rồi chết. Không còn bố con biết sống với ai. Tôi gào lên, mặc lão Vấn ra rả nói bên tai.

Cơn mưa tầm tã ba ngày liền. Nước ngập mênh mông. Những đụn rạ nổi lều bều, gió đánh giạt vào thành từng mảng bám dọc theo bờ đường ra đầm. Tiếng gió hun hút luồn qua các ống tre gác mái lều, nâng tấm giấy dầu lạch phạch. Trong góc lều, hai chiếc thùng gánh nước lục cục tiếng ếch nhảy. Kế đó là chiếc rổ đựng cá rô. Tiếng mang cá róc vào các nan rổ lách nhách cùng tiếng đập đuôi lép nhép. Mặt đầm trông sáng, trong và sạch sẽ.

Tôi nhìn về phía con đường dẫn ra đầm. Lão Vấn quần xắn móng lợn đang lội bì bõm. Không có lão ở cùng, một mình trong lều tôi cứ thấy dờn dợn. Từ xa, lão đã nói ầm ầm.

- Về, về ngay. Về mà dọn nhà.

- Dọn nhà?

Tim tôi đập thình thịch.

- Phải.

Lão Vấn nhìn tôi, mắt sáng lấp lánh. Tôi nhảy lên ôm lấy cổ lão. Trời ơi, lão Vấn yêu quý của tôi. Sao hôm nay người lão, cổ lão, đầu tóc lão lại thơm thế, chả thấy hôi hám gì cả.

Lão nhệch miệng ra cười nhưng mắt lại rơm rớm  -. /.




VVM.22.3.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .