Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
     



HẠNH PHÚC CỦA TÔI



T à tà trên con đường hai chiều của thị trấn, tôi lơ đãng nghiêng ngó những dãy nhà. Đó là những chiếc hộp bé tí hình chữ nhật, xếp cạnh nhau một cách miễn cưỡng, mặc dù thoạt nhìn thì thấy chúng có vẽ như đồng đều, bằng lòng với nhau vì chúng gần như y hệt nhau về kiểu dáng, chiều ngang, chiều cao. Nhưng nhìn kỷ lại thấy mỗi ngôi nhà đều có một dáng vẽ ưu tư riêng biệt: có những ngôi nhà phô ra một cách nhăn nhó, thô kệch, lại có những căn nhà có vẽ kiêu kỳ ngạo mạn, nhìn vào cứ thấy như cái gai chọc thẳng vào con ngươi. Còn căn nhà ba tầng, nằm ngay lối rẻ xuống ngôi chùa cổ thì lại mơ màng với mái nhà màu xanh.
     Thôi, mặc kệ những ngôi nhà. Vì tôi vừa trông thấy bên đường có cái quán nom sạch sẽ với vài ba dãy bàn, quán trông ra một vườn hoa nhỏ, có mấy cây bằng lăng đang mùa hoa tím biếc rưng rưng trong chiều, khiến cho khung cảnh dịu lại dễ chịu. Chà, ghé vào ngồi ngắm thiên hạ cũng hay! Quán vắng, chỉ có một người đàn bà đã nhiều tuổi đang ngồi ăn cháo ở chiếc bàn trong góc khuất. Tôi chọn một chiếc bàn ngoài hàng hiên lộng gió. Mát quá, nhờ ngọn gió Nam thốc thẳng vào mặt quán. Kéo chiếc ghế ngồi thật thoải mái, kêu chút thức nhắm cho có lệ, rút điếu thuốc ra châm rồi ngó quanh. Quán nhỏ và thoáng, lại được bóng một cây xoài to che rợp mát. Đang mùa quả, những chùm trái trĩu nặng, đong đưa khiến cho những người thích của chua khó lòng bỏ qua. Tôi nghĩ đến món xoài xắt mỏng, vắt bớt chua bằng nước muối rồi trộn cùng cá khô nướng, xé sợi kèm theo những ngọn rau mùi…thì mùi xăng khét lẹt của xe Honda xộc vào mũi. Một chiếc xe trườn sát vào mép quán mới dừng lại. Ngồi trên xe, tay vẫn cầm lái, người phụ nữ cất tiếng như ra lệnh:
     -Phần của Bo sẳn sàng chưa, dọn ra cho Bo đi nghe.
     Chủ quán cười giòn rụn:
     “Xong rồi, xong cả rồi. Sẳn sàng cả rồi đây, phần của Bo mà lúc nào lại không sẳn sàng. Nè, nhìn bộ gan nè. Đã chưa! Con vịt trên ký lận mà. Coi, cái đùi thịt thịt không hà. Cả lạng chứ không ít”.Vừa nói chị chủ quán vừa lăng xăng bày bàn, dọn dĩa.
     Người phụ nữ lúc này mới xuống xe. Chị ta lùi chiếc xe vào sát bên chiếc xe của tôi rồi dựng sóng đôi. Lúc chị ta đã ngồi, hai chân chéo lên nhau, bên chiếc bàn bày cho thằng Bo. Vẽ mãn nguyện của người phụ nữ đầy ứ trên gương mặt đầy thịt và dày kem phấn. Sự dư dã về tiền bạc biểu hiện qua những vòng vàng lủng lẳng trên cổ, trên tay.
     “Bo,chó cắn đó nghe. Lại đây lo mà ăn đi không.
     Ngày nào cũng như ngày nào, nội cái ăn đã mất luôn một buổi”.
     Vừa nói, chị ta vừa chạy đến bên thằng Bo đang nghịch một con chó nằm ở cửa ra vào của một ngôi nhà bên cạnh. Con chó hình như rất quen thân với thằng bé thì phải. Lúc mẹ nó đến gần, thằng Bo vùng chạy ra đường cười khanh khách. Con chó chạy theo chân nó, tiếp tục đùa giởn. Mẹ Bo phải túm áo nó kéo lại, ôm hẳn nó lên người, mang đến bên bàn, ấn ngồi xuống ghế. Nhưng thằng Bo vẫn không động đến thức ăn mà tiếp tục chơi với con chó, con chó đã chạy đến ngồi một bên.
     - Bo có chịu ăn đi không? Bo không ăn mẹ đi kêu ông già có râu đó nghe, ông già đến kìa-
     Người mẹ nói và dợm bước đi. Thằng Bo níu mẹ lại, nhìn quanh và vì sợ ông già có râu nào đó, nó bắt đầu ăn.
     Nó cầm chiếc đùi vịt vàng tươm, thơm ngậy, thịt đã được cắt ra sẵn thành từng múi, nhưng múi thịt vẫn còn bám vào chiếc đùi. Nó đưa lên miệng, cắn một miếng. Tôi nhìn bữa ăn của thằng Bo thầm nghĩ: đến tôi cũng không thể ăn hết bộ gan, chiếc đùi, chén cháo và cả một hủ sữa chua nữa đừng nói chi thằng bé. Không khéo lại bội thực cũng nên. Nhưng tôi đã hoài công lo, thằng bé có ăn đâu nó lại nghịch chó, từng miếng thức ăn được nó cắn ra rồi nhả cho con chó nằm chờ sẵn dưới chân, trong khi đó mẹ nó đang buôn chuyện cùng bà chủ quán.
     Thêm một người khách nữa bước vào, một phụ nữ mặc chiếc áo sơ mi màu xanh. Chị bỏ chiếc mũ ra, chiếc mũ in một đường hằn đậm ngang vầng trán trắng mịn. Chiếc áo sơ mi, ôm mềm mại tấm lưng thon thả. Có lẽ chính chiếc áo đã làm cho thân hình chị trẻ trung hơn gương mặt mệt mỏi trắng xanh. Chị nhìn chủ quán và nở một nụ cười thân thiện, ở khóe miệng hằn rõ một nết hằn chất chứa phiền muộn. Chị ngồi xuống một chiếc bàn phía ngoài cửa, cách chỗ tôi ngồi một chiếc bàn vẫn đang trống.
     Giọng nói với âm thanh cao vút của mẹ thằng Bo vang lên
     - Này, chị nhìn kia kìa. Tụi nó đang xách bao đi cả bầy kia kìa!- Chị ta chỉ cho chủ quán bọn trẻ đang đi lang thang bên lề đường.
     - Coi. Năm, sáu đứa luôn. Đứa nào cũng cầm bao to ghê chưa! Bao đó thì thứ gì mà chúng không quơ được. Thau rửa chén, thau giặt đồ, song, nồi đều mất hết. Nhà chị có ai coi nhà không? Cẩn thận chứ không thì bọn chúng luợm sạch!
     - Bọn nhỏ này không ăn trộm đâu. Tụi nó đi lượm bao giấy dầu đó. Tui biết tụi nó, bọn nó con của mấy gia đình ở ngoài quê mới vô đang sống dưới xóm Sình kìa. Ngày nào tụi nó không đi ngang qua đây, có lấy cái gì của ai đâu.
     Mẹ thằng Bo khăng khăng:
     - Giã đò đó chị ơi, tụi nó lấy chẳng lẻ lại cho chị thấy!”
     Bọn trẻ lượm rác, trên người treo lơ lửng những manh quần áo cũng như rác đỏ quạch. Mồ hôi nhễ nhại trên mặt, trên lưng chúng. Bốn đứa con trai, một con bé gái. Những mái tóc bết đất bụi, đỏ hoe dán vào da đầu. Mặt, cổ chân tay bọn chúng đen nhẻm. Trên tay mỗi đứa đều có cầm một chiếc bao nhẹ tênh và lép xẹp. Bọn chúng ngập ngừng khi ngang qua quán. Con bé đi trong bầy dừng lại, nó mon men đến đứng gần chỗ thằng Bo, rồi hình như chân nó dính chặt vào chỗ đất ấy luôn, mắt nó bám vào trò chơi cho chó ăn đùi vịt của thằng Bo. Trong đôi mắt to, long lanh dưới hàng mi đen cong vút của con bé, cháy lên một nỗi thèm khát, nỗi khát thèm toát lên cả từ tấm thân nhỏ nhoi được bọc trong bộ quần áo lùng nhùng, từ cái cẳng tay be bé gầy trơ xương, từ đôi chân mà bàn chân nhỏ bé sớm bành ra trong đôi dép nhựa mòn vẹt, do đi thành quả đi lang thang hàng ngày của nó.
     Tên của con bé là Thúy, tên đó do cô Tâm cán bộ phụ nữ thôn đặt cho. Mẹ nó là một người đàn bà dở người, sống trong ngôi nhà của ông bà ngoại nó để lại, trong một khu vườn đầy cỏ rậm mọc cùng những cây ổi sẻ, cuối xóm Sình. Nhà của ngoại nó xây bằng những viên gạch to, đóng bằng xi măng. Gạch thì to, nhưng nhà lại bé xíu, tối om om. Trong nhà chỉ đủ chỗ đặt một chiếc gường tre, một đầu chiếc gường cũng được kê bằng gạch. Chiếc gường ấy là nơi nó ra đời.
     Trước đó, cô Tâm từng đem mẹ nó ra cuộc họp trong làng bảo mẹ nó chỉ ra con người đã tạo nên nó. Mẹ nó chỉ vào một người mà ai cũng sửng sờ đó là ông Ánh, làm thợ rèn, có mái tóc xoăn tít trước trán, có bà vợ điệu nhất làng. Bất kỳ cuộc họp nào của thôn, ông Ánh đều nỗi bật vì tài ăn nói trôi chảy về mọi vấn đề. Ông Ánh không bỏ sót bất kỳ gia đình nào trong ý kiến góp ý xây dựng của ông ta.
     Hôm ấy, ông Ánh không thèm chau mày, vẻ mặt đầy khinh miệt, bước tới sát chỗ cô Tâm và người đàn bà dở hơi, ông Ánh dí ngón tay vào mặt người đàn bà đang mang thai rồi cất giọng sang sảng: “ Điên thì có người, đâu phải ai cũng điên cả. Mà toàn nói chuyện điên. Việc này không xong với tui đâu. Ai xúi giục nó, ai bày vẻ cho nó vu họa cho tôi vì mục đích gì, tui đều biết cả. Tui sẽ kiện tới tòa!” Người đàn bà điên co rúm người lại, chúi mặt vào người cô Tâm sợ hãi. Mục đích truy tìm cha cho đứa bé của cô Tâm không thành.
     Bé Thúy đã lớn lên bằng những hộp sữa của cô Tâm cho, bằng chiếc áo cũ của người mẹ nuôi đông con cùng xóm. Ngày tết còn có cả bánh kẹo của cán bộ trên xã. Từ lúc 4 tuổi nó đã bắt đầu lang thang với bọn trẻ lượm rác, mới đầu chỉ đi quanh làng thôi, còn bây giờ thì đi xa hơn, những chuyến đi từ Võ Đắc xuống Võ Xu với đoạn đường trên 20 cây số mỗi ngày bằng chân là chuyện thường. Lang thang từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt. Có những bữa đói và khát, chúng tụm nhau lại ngồi trong vườn điều nhìn nhau mà mơ chén cơm bốc khói chan nước cá kho.
     Hôm nay, cũng như mọi ngày, nó đã cùng bọn thằng Bưng, thằng Nhẫn đi từ đồi Bảo Đại xuống tận miệt núi Dinh, bọn chúng lượm được một ít sắt vụn, mấy chiếc dép đứt và bao giấy. Gom hết lại bán được mười một ngàn, mua gạo cho thằng Tiên, vì đến phiên của nó. Bà mua sắt vụn tử tế cho mỗi đứa một quả chuối, nhưng giờ thì bụng nó sôi lên cồn cào. Ánh mắt nó bám từ tay thằng Bo đến miệng con chó. Miệng nó cũng mở ra, dưới cổ nó hình như có cái gì vừa nuốt xuống theo miệng con chó. Có lẽ lúc này con bé ước mình là con chó kia để nhận lấy thứ thức ăn thơm phức ấy, mà nuốt ừng ực, mà nhai ngấu nghiến, mà thõa thuê sung sướng tận hưỡng sự béo ngậy, thơm tho của chiếc đùi vịt.
     “Này, các cháu có muốn ăn cháo không?”
     Tiếng nói đột ngột cất lên làm tôi giật mình, đó là lời của người phụ nữ mang áo sơ mi xanh ngồi cách tôi một chiếc bàn. Bọn trẻ lúc này đã đến đứng vây quanh quán nhìn ước ao vào trò chơi của thằng Bo. Nghe tiếng mời có đứa ngơ ngác nhìn người phụ nữ rồi nở nụ cười gượng gạo cầu khẩn, một đứa dợm bỏ chạy.
     “ Đừng sợ, cô nói thật đó. Mấy cháu muốn ăn cháo thì ngồi cả vào đây cô mua cho”. Vừa nói, chị vừa chỉ vào một chiếc còn trống giữa bàn tôi và chị. Thằng bé nhỏ nhất trong đám lì lợm bước đến ngồi, những đứa khác nhìn nhau dò hỏi. Tôi bỗng nhiên cũng lên tiếng hùa vào: “ Đừng sợ, mấy cháu muốn ăn cháo thì ngồi vào cho tử tế đi”
     - Chị làm cho bọn trẻ mỗi đứa một tô cháo đại, tô dành cho người lớn đó nghe. Bỏ nhiều thịt vào. Tiền, chút nữa tính cho em- Người mang áo xanh nói rành mạch với bà chủ quán.
     - Ừa,…ừa được. Chị biết rồi mà. Chị biết tính cô rồi mà… Mấy cháu ngồi vào chờ một chút rồi ăn nghe.-
     Vừa nói bà chủ quán vừa hăng hái bày tô múc cháo, chặt thịt. Tự nhiên tôi cũng đứng lên hăng hái không kém, lăng xăng phụ bưng dọn cho bầy trẻ. Chị chủ quán múc vào tô, chặt thịt, nêm mắm, rắc tiêu hành… còn tôi bưng, lau đủa, muỗng y hệt như tôi là một tiếp viên lành nghề của quán. Mấy phút sau bọn chúng bắt đầu ăn. Những chiếc miệng mới đầu còn rụt rè rồi thi nhau nhai, nuốt. Mồ hôi càng vả ra, mắt bọn trẻ càng long lanh. Con bé Thúy ngước đôi mắt đen to rợp hàng mi cong vút, nhìn chăm chắm vào người phụ nữ áo xanh. Muỗng cháo đưa lên môi nghiêng chảy chảy xuống áo. Có lẽ nó không hiểu được điều gì đang xãy ra. Người phụ nữ nói khẽ:
     “ Nhìn cô làm gì con, cứ ăn đi đừng sợ!”
     Bọn trẻ ăn xong, trên gương mặt chúng bừng sáng, thứ ánh sáng ngây thơ với niềm vui không cần che dấu. Nhìn chúng ăn, hiểu rằng bữa cháo hôm nay với bọn chúng là bữa đại tiệc đầu tiên trong đời chúng được người khác mời đúng nghĩa, chứ không như những lần khác chỉ là chút thừa mứa thiên hạ thí cho. Chúng tìm nước uống, cười nói tíu tít, cúi đầu, khoanh tay cảm ơn tử tế người phụ nữ, rồi tỏa ra đường bằng những bước chân rộn ràng. Có đứa bỗng nhiên hét lên, rồi ú té chạy, để lại chuỗi cười dòn khanh khách. Con bé Thúy mắt đen ăn xong sau cùng, nó bước ra và vấp chân vào một chiếc bàn suýt té, vì mắt nó vẫn dán chặt vào người phụ nữ mặc áo xanh. “Nhìn cô chi dữ vậy con. Thôi đi cùng các anh đi”. Con bé ù té chạy và nó cũng cười khanh khách.
     Mẹ thằng Bo nãy giờ im lặng, bỗng đột ngột đứng phắt lên nạt thằng Bo:
     “Bo, ăn xong chưa? Đi về!”
     Tôi nói “ Nó có ăn đâu, toàn đút cho chó” .
     Mẹ thằng Bo lạnh tanh:
     “Thằng này là vậy đó, bữa ăn nào nó cũng nửa ăn, nửa đổ quen rồi!”.
     Người phụ nữ mặc áo xanh rời quán trong khi tôi mãi chuyện với mẹ thằng Bo. Tôi đứng lên theo, nhưng vì xe tôi kẹt bên trong chiếc xe của mẹ thằng Bo nên người ấy đã khuất ở ngả tư. Tôi đuổi theo đến tận cánh đồng giữa Nam Chính và xã Đức Chính mới biết là không phải chiếc áo xanh tôi muốn gặp.
     Không còn việc gì để làm, tôi quay về với niềm hối tiếc. Trong đầu hiện ra hình ảnh bọn trẻ ban chiều. Người ta nói đủ thứ về hạnh phúc, có lúc tưởng như nó là một cái gì rất cao siêu mơ hồ, riêng tôi chiều nay đã cùng hạnh phúc với bọn trẻ, một hạnh phúc thật đơn giản từ một bữa ăn.
     Ngày xưa, một thằng bé đi câu trở về trong mưa lạnh, moi trộm củ khoai, lau vội vàng qua vạt áo rồi nhai ngấu nghiến. Có lần đói quá, thằng bé nằm dài ruột trên vạt cỏ ven sông mơ chén cơm trắng chan canh cà có vài con tép nhỏ. Tất cả đều y hệt như chiều nay, chỉ thiếu người phụ nữ áo xanh và bữa tiệc được mời.
     Có lẽ trong đời tôi, người ấy mãi là một niềm mơ tưởng mà tôi chừng như đã cầm được trên tay lại vuột mất vì lơ đễnh trong giây phút.   -/-




VVM.22.3.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com