Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



VỀ THAY ÁO MỚI



N ăm 22 tuổi vừa xong Đại Học, nghe hỏi “Bao giờ lấy chồng?” tôi cười khì khì, mặt tươi hơn hớn, thầm kêu: “Chồng con gì giờ này hả Trời? Để tui đi làm chục năm tích lũy vốn liếng đã chớ?” Người hỏi là vài bà hàng xóm cả ngày có rất ít việc để làm.

Năm 27 tuổi, nghe câu: “Tính bao giờ mới lấy chồng?” tôi cười xòa -mặt vẫn tươi nhưng có kém hơn hớn đôi chút- rồi lảng sang chuyện khác, bụng nghĩ: “Sao mọi người thích săm soi cuộc đời tui vậy? Chắc tưởng tui ế đấy à? Ế… kệ tui!” Người hỏi là bạn bè và chú bác cô dì hai bên nội ngoại.

Năm 34 tuổi, vẫn phải nghe lần nữa câu hỏi đã ngán ngẩm cực độ: “Cô định đến bao giờ mới chịu lấy chồng đây?” tôi nhíu mày tránh đi nơi khác để nén cơn giận có thể bộc phát, hậm hực lẩm bẩm: “Ừ, tui ế rồi đó. Thì sao? Có mắc mớ gì tới ai không?” Người hỏi không chỉ gồm hai nhóm tôi đã kể ở trên, mà còn từ chính mẹ và các anh chị tôi nữa.

Thú thật, nhìn bạn bè lần lượt “theo chồng bỏ cuộc chơi” đôi lúc tôi cũng chạnh lòng. Nhưng tôi không để nỗi buồn vò xé vì tôi không đặt nặng chuyện hôn nhân. Phụ nữ chỉ có mục đích duy nhất là lấy chồng thôi sao?

Với tôi, đã yêu là phải cưới, không có chuyện “yêu suông”, “yêu theo phong trào”, “yêu cho bằng chị bằng em”. Nhất định rồi! Mà muốn yêu thì trước tiên phải có đối tượng khiến tôi xao xuyến đã. Người ấy chắc còn đang ham vui tận đẩu tận đâu nên chưa tìm ra địa chỉ nhà tôi.

Bạn thân của tôi, Quỳnh, có lần tếu táo bảo:

-Có lẽ chồng tương lai của mày lúc này đang được mẹ dắt tay gửi vào lớp Mẫu giáo. Sáng nào tên nhóc ấy cũng khóc nhè, gào toáng lên: “Không đi học đâu!... Không đi học đâu!”

Tôi phì cười. Ừ nhỉ, chuyện gì đều có thể xảy ra được mà. Cũng thú vị đấy!

Quỳnh nhún vai:

-Mày thú vị chứ chưa chắc “nó” đã thấy thú vị.

Tôi tin số phận. Vợ chồng là duyên nợ, thế nên trên trái đất 8 tỉ người này chỉ có 2 người mới là duyên phận đích thực của nhau thôi. 2 trên 8 tỉ người? Oh my God! Hiếm hoi thế bảo sao không gian nan trên hành trình tìm và nhận ra nhau? Có khi lận đận cả đời cũng không gặp, nếu cái nửa kia của mình đã bị một kẻ bộp chộp (và quáng gà) nào đó “vồ nhầm” trước mất rồi!

Tin vào duyên số nên tôi luôn lạc quan, làm một FA đầy sức sống. Đã không phải duyên thì cưỡng cầu thế nào được? Thì vất vả ngược xuôi tìm kiếm làm chi cho héo úa dung nhan? Đến ngày đến giờ, “duyên” sẽ sừng sững hiện ra chói lòa trước cửa nhà tôi. Cứ điểm phấn tô son mà… đợi!

Còn giả sử Thượng Đế đã định cho tôi trọn đời là FA đi nữa, thì tôi (một hạt bụi nhỏ nhoi) chống lại được quyền năng của Ngài sao? Hay vì Ngài đã cho tôi nhiều ưu điểm nổi trội rồi nên cũng cần “nhéo” bớt lại một tí?

Đôi lúc tôi vẩn vơ tự hỏi: Vì tôi chưa tìm ra người xứng hợp hay bị ám ảnh từ hôn nhân thất bại của mẹ và chị Hai nên tôi tự đặt ra nhiều rào cản ngăn chặn các bạn trai lăm le bật tín hiệu với mình? Tôi không biết và cũng không mất thời giờ tìm biết. Đã nói tôi không đặt nặng chuyện kết hôn mà!

Ba tôi đột tử sau một đêm cùng những người bạn “dốc cạn ly đầy, rót đầy ly cạn”, bỏ lại cho mẹ tôi năm đứa con. Khi ấy, tôi còn nằm nôi và chị Hai lớn nhất cũng vừa lên tám.

Năm đứa con leo nheo lóc nhóc vắt cạn sức lực lẫn nước mắt của mẹ. Chị Hai bỏ học ở nhà trông em, thổi cơm, giặt giũ, cho mẹ chạy chợ. Lặn lội như đàn cò, kiên nhẫn như lũ kiến, chăm chỉ như đám ong thợ.

Cái nghèo cái đói cột chặt chân sáu mẹ con. Suốt thời thơ ấu, chị em tôi thiếu thốn đủ đường. Nhà vắng người đàn ông trụ cột thường thế đấy. Ngoài đứa con út là tôi được ưu tiên ra, các anh chị đều học hành dang dở, lận đận mưu sinh.

Điều làm mẹ tôi buồn tủi hơn cả còn là bị chính họ hàng khinh rẻ, ức hiếp nhiều bề. Mấy chị em thường ca thán sao ba “trốn nợ đời” quá sớm?

Tôi đem nỗi ấm ức kể cho Ma Soeur dạy tôi giáo lý ở nhà thờ. Soeur lắng nghe rồi nhỏ nhẹ khuyên:

-Con không được oán trách ba như thế. Ba con đã làm xong nhiệm vụ trần gian nên được về thiên đàng hưởng vinh phúc đời đời…

Tôi không dám cãi nhưng lòng trĩu nặng dỗi hờn: Ở miền “vinh phúc đời đời” ấy, ba có nhìn thấy chị em tôi không? Nếu thấy, liệu ông có thanh thản vui sướng khi chồng chất gánh nặng nuôi dạy đàn con nhỏ do chính ông tạo ra, lên hai bờ vai gầy guộc của mẹ?

Đâu chỉ có vậy, tôi còn nghe nhiều người kể rằng, ngày còn sống, ba rất gia trưởng, vũ phu. Vài ngày mẹ lại bị một trận đòn vì những lý do đôi khi nhỏ nhặt, tào lao. Đuôi mắt và gò má mẹ luôn bầm tím, vết bầm trước chưa kịp tan đã chồng lên vết bầm sau. Trời trở lạnh, mẹ không ngủ, suốt đêm rên rỉ kêu đau nhức xương cốt.

-Vì mẹ cháu bị đòn nhiều quá mà ra đấy.

Bác dâu tôi kết luận thế. Bác còn kể mẹ có “tật” rất dở: biết sắp bị hành hung là mẹ ôm ngay lấy đứa con nhỏ nhất vào lòng. Ôm rất chặt, ai muốn đưa đứa bé đi chỗ khác cũng không gỡ tay mẹ ra được. Tôi hiểu mẹ làm thế là để hy vọng ba thương hại con sẽ bớt đánh mẹ.

Nhưng những lúc ấy, ba như lên cơn điên, có chùn tay đâu. Chừa phần bụng và ngực, ba đấm vào mặt, thụi xuống lưng, đạp lên đùi. Đứa bé mới vài tháng (nhiều nhất là 2 tuổi thôi) bị lôi kéo, lăn ngang lộn dọc giữa tâm điểm “chiến trường” khốc liệt ấy dĩ nhiên rất sợ hãi, khóc ré từng hồi. Mấy đứa lớn hơn thì rúc kỹ vào một xó kín đáo, mặt tái mét, run lẩy bẩy, kinh hoảng tột cùng. Có lẽ vì vậy mà các anh chị đều yếu thần kinh sốt mới 38 độ đã sùi bọt mép, giật kinh phong đùng đùng.

Dì tôi còn kể tỉ mỉ hơn: ba tôi “giữ ấn nguyên soái” trong nhà, mọi việc lớn nhỏ đều do ba “điều binh khiển tướng”. Cây chổi cùn, cái chén mẻ hay chiếc nồi lâu ngày đã móp méo thì mẹ cũng không dám mua cái khác thay thế, nếu ba chưa gật đầu cho phép.

Không cần hỏi, tôi cũng biết mẹ khổ sở thế nào với người chồng như vậy. Tôi hậm hực chất vấn:

-Sống khổ thế sao mẹ cháu không ly dị hả dì?

Giọng dì tôi ngậm ngùi:

-Mẹ cháu sợ đàn con mất cha nên cắn răng chịu đựng.

Tôi ứa nước mắt, xót xa thương mẹ. Sợ các con mất cha ư? Vậy đã có ai một lần nào thử hỏi xem chúng tôi có cần giữ lại người cha “hung thần” như thế hay chưa?

Dì tôi nói thêm:

-Mà sợ miệng đời cười chê, ông bà ngoại cũng không cho phép mẹ cháu ly dị đâu.

Tôi cũng chứng kiến nhan nhản trường hợp như thế.

Suốt đời, mẹ tôi sống mà chỉ lo quan sát người xung quanh, luôn nơm nớp sợ họ phê phán từng hành động riêng tư, vụn vặt của mình. Những người xung quanh ấy (dù thân thiết, ruột rà) cũng có vác lên lưng gánh oan khiên thay mẹ đâu, nên họ vô tâm, vô tư và vô lý lắm. Họ đòi hỏi người phụ nữ phải luôn biết chịu đựng, tha thứ, hy sinh. Cho ai? Cho người đàn ông không đáng mặt làm chồng, cho đàn con khát khao “thoát cũi sổ lồng” hơn cả mẹ.

Rồi chị Hai đi lấy chồng. Ở nhà chồng tuần trước, tuần sau đã thấy chị về, kéo mẹ ra một chỗ mà sụt sùi thì thào cả buổi. Đứng xa nhìn trộm, tôi thấy chốc chốc mẹ lại kéo vạt áo lên chấm mắt.

Một lần, tôi nghe lỏm mẹ khuyên chị Hai:

-Cũng may nó không vũ phu đấy, chứ nếu giống ba mày thì… Thôi, vợ chồng là duyên số cả. Chứ làm sao mẹ mở miệng nói chuyện ấy với nó được? Giờ cứ mắt nhắm mắt mở mà sống, con ạ. Khi có đứa con, nó sẽ nghĩ lại…

Chị Hai nhắm mắt hay mở mắt, tôi không rõ. Chỉ thấy chị thậm thụt về kể lể với mẹ thường xuyên hơn. Cả thời gian bụng bầu vượt mặt, kéo lê từng bước nặng nề, chị vừa ưỡn bụng vừa một tay chống sau lưng như giữ cho khỏi bật ngửa ra đường.

Rất lâu sau, mẹ mới nói thật cho tôi biết: chị Hai nghi ngờ anh rể ngoại tình, từ lâu rồi, trước cả đám cưới kia. Tôi sửng sốt quá, không ngờ anh “gan” thế, dám dấm dúi tình nhân đâu đó.

Anh rể là người bộc tuệch và khá hài hước. Có anh ở đâu, chỗ đó đầy tiếng cười. Hài hước đến độ trong tiệc cưới của mình, anh cầm micrô rống toáng lên câu nhạc chế thời ấy đang rất thịnh hành: “Anh sẽ vì em… làm cha thằng bé…”

Khách rộ lên, thi nhau vỗ tay, đập bàn, gõ ly, cười rần rần. Còn chị Hai mặt tái xanh, chết đứng tại chỗ. Được cái hơn năm sau, chị mới cấn bầu con đầu lòng nên mọi người đều hiểu do anh rể vui quá, lỡ miệng hát tếu táo thôi chứ không phải... “ăn cơm trước kẻng”.

Tuy ngoại tình mà anh rể chưa cạn lương tâm, vẫn chăm sóc vợ con chu đáo. Ốm o hao mòn vì ghen, nuốt nước mắt nhiều hơn cơm gạo, chị Hai đổ bệnh đau ốm liên miên, gầy như xác ve.

Nhìn chị Hai mà tôi thêm ngao ngán. Ôi lấy chồng khổ thế thì làm FA như tôi cho xong!

Chồng tôi sau này (nếu Thượng Đế không bỏ sót tôi) nhất định không giống ba hay anh rể. Anh ấy rất mực chung tình và không bao giờ giả dối. Anh ấy có thể xấu xí một tí, nghèo nghèo một tí, vụng về một tí nhưng biết tôn trọng và yêu toàn bộ các mặt ưu và khuyết của tôi…

Chà chà, coi bộ hơi khó tìm nhỉ? Thì khó chứ sao, nên tôi vẫn FA đây nè…

♡♡♡

Cuối cùng, “anh ấy” đã đến. Không cưỡi bạch mã, không đi xế hộp, chỉ qua Facebook thôi. Chúng tôi kết bạn với nhau do cùng là bạn chung với người thứ ba.

Nickname của anh ngồ ngộ và ảnh nền là một nhánh lộc vừng khiến tôi chú ý. Trước giờ, tôi rất thích cây lộc vừng. Ảnh đại diện của tôi cũng selfie từ một chậu lộc vừng mua về ngày tết, có những dải hoa buông xuống đong đưa như tấm rèm cửa.

Tiếc rằng tôi hớ hênh mua nhầm hoa giả: người bán dùng keo dán sắt đính từng dải hoa tươi lên thân cây nên chỉ qua tuần sau là hoa đổi màu, héo úa, rụng lả tả.

Người bạn chung giới thiệu tôi với anh. Tôi cẩn thận giao hẹn trước:

-Chỉ kết bạn thôi, không cần biết mặt nhau. Nghĩa là em không cần gặp anh ngoài đời đâu nhé.

Anh vui vẻ OK ngay.

Mỗi tối, chúng tôi lên mạng trò chuyện mấy giờ liền. Anh rất thân thiện, ngôn từ có kiểm soát, rành tâm lý và ga-lăng nữa. Anh lại đang ở khá xa, tận Phú Quốc, làm việc trong một công ty thủy hải sản, gần nhà. Điều đó khiến tôi thích thú.

Quỳnh lại hỏi:

-Xa xôi thế, nước non gì mà quen cho mất công?

-Kết bạn cho vui thôi, có yêu iếc đâu mà cần nước non?

-Làm gì có chuyện “cho vui thôi”? Thế nào tình yêu cũng phát sinh, lúc đó mày mới thấy yêu xa là thiệt thòi.

-Thiệt thòi gì?

-Thì ví dụ mỗi ngày lễ tết, mỗi dịp kỷ niệm, anh ta đâu thể đưa mày đi ăn hay mua quà cáp tặng mày.

Tôi cười xòa:

-Yên chí. Tao dư sức tự đi ăn, tự mua quà cho mình, không cần đến anh ta.

-Điên! Khùng!

-Điên khùng gì chứ? Hàng triệu người còn yêu xa nửa vòng trái đất đấy, Phú Quốc với Sài Gòn đã có gì là xa?

-“Xa mặt cách lòng”, lỡ có đứa nào nhảy vô “hốt’ là mày mất người yêu như chơi.

-Nếu anh ấy dễ dàng để người ta “hốt” vậy, tao càng nên mừng, phải nói cám ơn ngàn lần mới xứng.

Không như Quỳnh nói, anh chu đáo lắm, tỏ ra quan tâm tôi đặc biệt. Lễ hay ngày kỷ niệm nào, anh đều nhớ gửi điện hoa hoặc nhờ dịch vụ giao hàng chuyển tới tôi món quà nhỏ: thú bông, cuốn sách kèm tấm thiệp viết tay với lời đề tặng không hề rập khuôn hay sáo ngữ.

Sinh nhật tôi tuần trước, quà anh gửi là xấp vải thêu hoa hồng rất đẹp. Tôi ưng ý lắm, mau chóng bỏ tiệm may ngay. Mỗi lần tôi nhận quà là niềm vui lâng lâng suốt tuần, suốt tháng.

Rốt cuộc rồi sao?

Rốt cuộc, một thời gian sau, cả hai chúng tôi cùng… thay đổi cam kết.

Anh đề nghị biết mặt nhau qua Facebook. Suy nghĩ hai ngày, tôi đồng ý nhưng yêu cầu dùng video call chứ không thích đưa ảnh lên tường. Hầu hết những ảnh ấy thế nào mà chẳng ít nhiều dùng ứng dụng chỉnh sửa khiếm khuyết trên gương mặt chủ nhân?

Mọi người sẽ không tin chăng? Vì làm gì có chuyện chủ nhân không đưa bất cứ hình ảnh nào của mình lên tường Facebook chứ? Thậm vô lý! À, dĩ nhiên cũng có đấy, nhưng hầu hết là ảnh chụp chung cả nhóm, trong bàn tiệc, khi đi du lịch hay buổi hội họp đông người. Giữa mấy chục khuôn mặt lố nhố, đố xác định được anh là ai hay tôi đứng vị trí nào? (Cũng có thể anh tò mò hỏi người bạn chung nên biết mặt tôi rồi. Phần tôi thì không).

Nếu tôi tự tin không làm anh thất vọng thì anh cũng không khiến tôi... vỡ mộng. Trái lại nữa. Nhìn anh trẻ hơn số tuổi, cao ráo, điển trai, hiền lành, vui tính… Tôi rất hài lòng.

Thế là chúng tôi chính thức hẹn hò. Thế là từ giờ tôi cũng đã có “gấu” như ai rồi nhé. Thế có người nào còn sợ tôi ế nữa không?

Bắt chước ngôn ngữ tuổi teen trên mạng, anh gọi tôi là “Gấu Bé Bỏng”. Tôi đùa:

-Em thích nghe gọi... “Gấu Mẹ Vĩ Đại” hơn.

Anh bật cười. Rồi vui miệng khoe:

-Các bạn trong team đang trêu anh tối mắt tối mũi, bảo anh có cô bạn “ngon lành cành đào” nhất bọn.

Tôi mỉm cười, thích thú “ngôn từ mạng” quái quái, ngồ ngộ, rất đáng yêu. Yêu anh, dĩ nhiên tôi thiện cảm với tất cả bạn bè anh.

♡♡♡

Mọi người ơi, tôi vui quá! Chiều tối nay tôi có một cuộc hẹn rất quan trọng.

Với anh? Dĩ nhiên rồi, vì chỉ gặp anh mới khiến tôi hạnh phúc đến phải khoe lên cho thiên hạ đều biết như thế.

Anh có chuyến công tác mười ngày ở Sài Gòn và Bình Dương. Mà anh không đi một mình đâu nhé, còn dẫn theo ba mẹ và người chú sẽ đại diện “họ nhà trai” đến “nói chuyện” với mẹ tôi đấy.

Kìa, mọi người vừa bảo tôi “phông bạt” ư? Chưa gặp nhau ngoài đời lần nào đã tính chuyện hôn nhân? Vô lý! Không tin được! Nhưng sự thật là thế đấy, tôi không nói dối đâu. Tin hay không là quyền của mọi người, tôi làm sao bắt ép được? Tôi chỉ thuật lại diễn biến câu chuyện thôi.

Tóm lại: hai chúng tôi yêu nhau và nghiêm túc muốn chung sống với nhau.

Tóm lại lần nữa: tình yêu kỳ diệu lắm!

-Em sẽ ra sân bay đón ba mẹ anh chứ?

-Nhất định rồi. Em sẽ đón anh.

-Nhớ mặc cái áo hoa hồng cho anh dễ nhận diện.

Anh cẩn thận dặn thêm.

Cái áo thêu hoa hồng -loài hoa biểu tượng tình yêu- đã được tôi đặt may từ xấp vải anh tặng sinh nhật vừa qua. Nó đâu? Đang treo trong tủ kính, lộng lẫy như váy Công Chúa kia kìa!

Đột ngột, bốn giờ chiều, mẹ tôi gọi điện thoại, giọng đầy hốt hoảng:

-Con sang với chị Hai, nhanh lên!... Nó sắp đi đánh ghen đấy!... Phải chặn nó lại… Trời ơi, lỡ ra…

-Đánh ghen ai? Ở đâu hả mẹ?

-Mẹ không biết. Nó chỉ nói thế thôi… Mẹ sợ quá…

Tôi cũng sợ quá, cuống quýt gọi Taxi đi ngay.

Chị Hai vẫn còn ở nhà, chưa đi đánh ghen. Tôi sững sờ thấy chị áo quần xốc xếch, đầu tóc rũ rượi, mắt sưng húp, đồ đạc trong nhà đổ vỡ ngổn ngang như vừa có cơn bão quét qua.

Chị Hai ôm tôi, khóc như mưa. Chắp vá những lời kể rời rạc, tôi mới hiểu thì ra nhiều năm qua, anh rể vẫn lén lút qua lại với tình nhân. Kiểm soát chặt lắm mà vẫn không tìm ra “tổ con Tò vò” ở đâu, chị Hai nhờ dịch vụ thám tử tư theo dõi chồng. Và họ vừa báo cho chị biết anh rể đang ở một nhà nghỉ cùng ai đó mà họ chưa nhận diện được.

Thế nên chị Hai mới điên cuồng đập phá. Chị dọa tạt acid, quăng bom xăng, rạch mặt… làm tôi sợ bay hồn bạt vía, run rẩy hai chân:

-Chị ơi, không được đâu… Vào tù đấy!… Cứ bình tĩnh, nghe em…

Chị giận dữ đẩy tôi ra:

-Em thì biết gì? Chị buồn khổ bao năm qua, em giúp được không?…

Tôi chẳng biết gì thật, ngoài chuyện kè kè bên cạnh để còn kịp ngăn chị quăng bom xăng, tạt acid hay rút dao lam rạch mặt tình địch.

Tôi không tưởng tượng được bà chị vốn yếu đuối của tôi lúc lên cơn ghen lại kinh khủng đến thế. Nếu sau này anh cũng ngoại tình như anh rể, tôi có lồng lộn như chị hai bây giờ không nhỉ?

Nghĩ đến anh, tôi giật mình chợt nhớ có hẹn ra phi trường đón chiều tối nay. Nhưng tình thế này tôi không thể bỏ mặc chị Hai một mình được. Tôi chỉ biết thầm cầu mong giải quyết tốt đẹp và nhanh chóng sự việc, kịp cho tôi về nhà tắm gội, thay váy hoa hồng, tung tăng đi đón anh.

Mất 40 phút, chúng tôi mới tới địa chỉ thám tử cho.

Luồng gió mát trên đường có lẽ đã làm thần kinh dịu lại nên chị Hai tỏ ra bình tĩnh hơn. Nhưng nhìn sâu vào mắt chị thấy tia lấp lánh rất lạ, tôi nhớ đến dòng dung nham trào ra từ miệng một ngọn Hỏa Diệm sơn. Biết chị đang cố gắng kềm giữ, tôi hồi hộp quá,

-Ông khách thuê phòng 106 nhắn tôi đem tiền đến cho ông ấy.

Chị Hai bình tĩnh nói với cô lễ tân. Tôi nghĩ cô ta sẽ từ chối hoặc ít ra cũng gọi điện thoại hỏi ý kiến anh rể trước. Không ngờ cô tươi cười hướng dẫn:

-Mời chị lên lầu một.

Tôi thầm kêu: “Là chị tôi đi đánh ghen đấy. Cô đã biết có đôi nam nữ đang thuê phòng 106, sao dám cho chị tôi vào tự do thế? Cô làm lễ tân bao lâu rồi mà non nớt kinh nghiệm vậy, hả?”

Tôi chẳng còn thời giờ trách cứ thêm vì chị Hai đã bước vùn vụt lên cầu thang. Tôi lẽo đẽo bám theo.

Nghe tiếng gọi, anh rể hé cửa, thò đầu ra, giọng ngái ngủ:

-Có việc gì đấy?

Anh rể chưa nhận ra ai thì chị Hai đã đẩy cánh cửa mở rộng, sồng sộc vào phòng.

Đúng như tôi nghĩ, trên giường còn một người nằm chùm chăn, quay mặt vào tường. Trên bàn ngổn ngang mấy hộp thức ăn thừa và vài vỏ lon bia đã cạn. Áo sơ mi của anh rể vắt lên tay ghế.

Chị Hai gào lên:

-Con khốn!

Thấy chị hùng hổ toan nhảy phóc lên giường, cả hai người -tôi và anh rể- giật bắn, cùng lao theo giữ chị lại. Anh rể kêu lên:

-Dậy đi, em!... Nhanh lên!...

Dĩ nhiên “em” đây là cô ả đang ngủ mê kia, không biết tai họa sắp đổ xuống.

Chị Hai nghiến răng ken két:

-Con khốn! Mày sẽ biết…

Chị Hai sắp cho “Con khốn” biết gì nhỉ? Một cú đá xuống bụng? Mấy quả đấm vào ngực hay vài đường dao lam xẻ đôi gò má?

Tôi và anh rể ra sức níu chị Hai lại. Ba người xúm xít vào nhau. Sao lúc này chị Hai khỏe thế, vùng ra được và nhanh như chớp, nắm góc chăn giật tung lên. Trong lúc giằng co lộn xộn, vai áo tôi bị tay ai không biết kéo rách xoạc một đường, lộ nửa khung ngực trần. Thật xấu hổ. Nhưng lúc này tôi còn tâm trạng nào nghĩ đến vai áo rách?

Người trên giường cũng đã bật dậy, mặt đầy ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trong lúc chị Hai thõng hai tay, đứng chết lặng. Nhưng liệu có chết lặng như tôi giờ phút này không?

Tôi choáng váng đến suýt quỵ gối xuống khi nhìn thấy đó là… anh!

Chị Hai ơi! Có phải bom xăng, acid của chị vừa dội xuống em không mà em như đang tan chảy trên giàn thiêu rừng rực lửa?

Sao tôi lại gặp anh ở đây, đúng thời khắc tệ hại này? Cuộc hẹn hò đầu tiên của chúng tôi đã được ấn định chiều tối nay cơ mà? Lúc ấy, tôi sẽ mặc váy mới anh tặng, đâu phải cái áo cũ kỹ vừa bị kéo rách xoạc vai?

Bật khóc tức tưởi, tôi chỉ còn biết làm một việc là quay đầu bỏ chạy như ma đuổi, một mạch xuống đường. Thây kệ anh rể! Mặc xác chị Hai! Cứ để họ tự giải quyết chuyện của họ đi!

Tôi chạy như người điên, mất phương hướng. Tôi sẽ lao chính diện vào một xe tải đang phóng rất nhanh; sẽ nhào đầu xuống nước, nếu gần đây có sông hay kênh rạch gì đó; sẽ cắm mặt vào đoàn xe lửa… Tóm lại, “tôi đi chết đây”! Tử thần ơi! Tôi muốn đặt một cuộc hẹn với ông đấy. Hãy sai Ngưu Đầu Mã Diện đến đón tôi đi! Tôi chẳng còn thiết sống nữa…

Vừa khóc vừa chạy đã xa, hai chân rời rã mệt nhoài, tôi buông người ngồi phệt xuống đất, dựa lưng vào một gốc cây lớn, thở hổn hển.

Có mấy người đi đường ái ngại thoáng ngập ngừng vài giây rồi lại tiếp tục hành trình dang dở của họ. Nhìn bộ dạng tôi, họ thừa biết tôi đang đau khổ cực độ do thất tình hoặc vừa bị… đánh ghen! Miễn hỏi!

Khá lâu như thế, tôi mới dần trấn tĩnh để kéo tay áo lên lau mặt và vuốt cho xuôi những lọn tóc rối. Mắt đã khô mà lòng tôi còn nguyên thổn thức, trĩu nặng buồn đau.

Nghiền ngẫm lại sự việc, tôi vẫn thấy mơ hồ, đầu óc lãng đãng. Tôi không thể tin anh là người tình đồng giới của anh rể, là người biến hôn nhân của chị tôi thành địa ngục, cũng chính là người có hẹn đưa gia đình đến “nói chuyện” với mẹ tôi.

“Phải làm gì đây?” Tôi u uất kêu thầm, một cách cay đắng.

Chợt, điện thoại báo cuộc gọi đến. Như một phản xạ, tôi đờ đẫn nhấn nút nghe.

-Em yêu, anh lên máy bay rồi. Hẹn gặp em một giờ nữa, nhé!

Tôi giật thót người, như vừa vô ý chạm tay vào ổ điện. Màn hình điện thoại hiển hiện một gương mặt tươi cười. Là… anh!

“Sao lại là anh?... Sao có thể… vẫn là anh?”

Tôi ngớ ngẩn tự hỏi.

Một cách nghịch ngợm, anh đang nháy mắt và chu môi gửi một nụ hôn xa. Ngồi dãy ghế ngay phía sau là ba người lớn tuổi mà anh vừa lia máy như ngầm “giới thiệu” trước với tôi.

Tôi chết sững, không nói được lời nào. Có phải tôi hoa mắt nhìn nhầm? Hay tôi đang trong một giấc mơ xấu và lát nữa thức dậy sẽ thấy mọi chuyện bình thường như mọi ngày: chị Hai không đi đánh ghen, anh rể không vào nhà nghỉ và “kẻ thứ ba” dĩ nhiên không bao giờ là... anh.

Nhưng kìa… tôi đang thức đây, hai mắt thao láo, có ngủ đâu mà mơ? Sờ tay lên vai, tôi xác nhận rõ ràng có đường xoạc dài. Qua chỗ vải rách, gió luồn vào khuôn ngực tôi, rờn rợn.

Như lạc mất hồn phách, tôi cứ ngẩn ngơ thầm hỏi: Tôi phải làm sao? Tôi nên làm sao? Có ai chỉ cho tôi biết ngay lúc này tôi cần làm gì không?

Hẳn câu hỏi ngây ngô đã làm bộ não siêu việt của tôi phát cáu. Nên nó dấm dẳng trả lời, một cách trịch thượng:

-Về thay áo mới đi, đồ ngốc!

“Đồ ngốc”? Ừ nhỉ, hình như tôi ngốc thật đấy! Lại điên nữa, đúng như Quỳnh đã phê phán.

Nhìn xuống đồng hồ hiển thị trên điện thoại, tôi giật mình nhớ ra: tôi có muốn sai hẹn với anh không mà sát giờ rồi còn ở đây, lang thang vất vưởng như một linh hồn mồ côi?

Câu thơ xuất thần của tác giả nào đó “Đôi khi lỗi hẹn một giờ / Lần sau gặp lại phải chờ trăm năm…” như tiếng chuông đánh động lòng tôi. Chờ trăm năm nữa thì tôi 134 tuổi, da nhăn như trái táo khô, mắt lòa tịt, miệng móm sọm, tóc bạc loe hoe và cơ thể đầy bệnh tật chết người. Lúc đó anh còn đặt một cuộc hẹn nữa với tôi không?

-Bộ não thông minh tuyệt vời của ta ơi! Mi cứ chửi nữa đi! Cứ mạt sát ta ngu ngốc, điên khùng, lẩm cẩm hay trẻ con… cũng được. Ta không giận đâu. Chỉ cần lúc nào mi cũng gửi đến cho ta một lời khuyên kịp thời và vô cùng đắt giá, như mẫu câu “Về thay áo mới đi, đồ ngốc!” vừa rồi ấy. Cám ơn mi nhé! Ta về thay áo hoa hồng đây. - ♡ /.




VVM.13.03.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .