Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


TÔI LÀ AI?



- H ột Mít, ba mầy về rồi!

Tôi giật nẩy mình, nhìn ra cửa sổ lớp học. Thằng Phong Khờ đang lúp ló ngoài đó. Khuôn mặt đỏ ửng, mồ hôi rịn ra ở thái dương. Hai cánh mũi phập phồng, miệng há hốc thở phì phì. Mái tóc vốn bùm sùm của nó giờ như ổ rơm bị xới tung rối nùi. Chắc nó đã vò đầu liên tục. Tánh nó vẫn vậy, hễ bối rối, xúc động là nó hành tội mấy cọng tóc. Phong Khờ nháy nháy mắt, chụm hai bàn tay thành một cái loa trước miệng rồi …thì thào:

- Ba mầy về rồi, Hột Mít Ướt.

Tôi phì cười. Nhưng chợt choáng váng. Ái chà, nó nói gì vậy kìa! Chẳng lẽ…Tôi hét toáng lên:

- Ba tao về thiệt hả Phong Khờ?

Đang viết bài Lịch sử lên bảng, cô Huệ quay phắt lại. Cả lớp cũng trố mắt nhìn tôi. Bấy giờ tôi mới nhớ là đang giờ học. Cô nghiêm nghị hỏi:

- Chuyện gì vậy Tím?

Tôi lật đật đứng lên, khoanh tay:

- Thưa cô, ba em về rồi ạ!

Cả lớp bật cười. Cô cũng cười:

- Vậy thì vui rồi. Em chép bài đi!

Tôi ấp a ấp úng:

- Thưa cô nhưng…em quýnh hết trơn, em chép không được, xin phép cô cho em về sớm một bữa …

Cô Huệ lặng yên giây lâu. Cô hiểu vì sao tôi lại như thế. Hôm khai giảng, vào lớp cô không dạy ngay bài đầu tiên mà cho học trò lớp nhất (tương đương Lớp năm bây giờ) mình phụ trách lần lượt tự giới thiệu về hoàn cảnh sống. Cô bảo để mọi người làm quen và hiểu nhau. Chúng tôi kinh ngạc lắm vì chưa có thầy cô nào làm như thế nhưng đứa nào cũng thấy thích vì…được nói về mình lại biết chuyện nhà tụi bạn. Chúng tôi còn quá nhỏ để nhận ra đấy là phương pháp giảng dạy cực kỳ hay của cô. Vì qua đó, cô sẽ có cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng học trò. Tôi đã khai rằng:

-Thưa cô em tên là Nguyễn Thị Tím. Em còn có nhiều tên khác nữa. Các bạn học chung vẫn gọi em là Tím Rịm. Hàng xóm gọi em là Hột Mít, Ông ngoại gọi em là Con Nhỏ nhiều chuyện. Các bạn ở xóm trên gọi em là Tím Tía Lia …

Cô vừa cười vừa cắt ngang lời của tôi:

- Về tên em giới thiệu vậy đủ rồi. Em kể về hoàn cảnh sống của gia đình đi!

- Dạ, nhà em nghèo lắm. Một mình mẹ em bán hàng rong ngoài chợ nuôi sáu người. Ông bà ngoại em già yếu nên chỉ phụ giúp việc nhà. Còn chị Hai và em trai út với em đi học.

Cô Huệ cau mày:

- Còn ba em đâu, không phụ giúp gì sao?

Tôi chưa kịp trả lời thì nhỏ Cẩm Vân nói hớt:

- Thưa cô ba trò Tím bỏ nhà theo vợ bé lâu lắm rồi.

Các bạn ồ lên “Trời đất ơi!”. Tôi òa khóc. Cô Huệ đi xuống ôm tôi vào lòng. Hai bàn tay mềm mại của cô vỗ nhè nhẹ vào lưng tôi. Được nước, tôi vùi đầu vào ngực cô khóc mùi mẫn.

Cô rươm rướm nước mắt, vuốt tóc tôi:

- Em đừng buồn. Trong nhà trường, mọi trẻ em đều được bình đẳng. Trong học tập không có sự phân biệt đối xử vì hoàn cảnh giàu hay nghèo. Em phải hãnh diện vì có một người mẹ hiền, quanh năm tần tảo nuôi con ăn học, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ già. Em phải cố gắng học để mẹ vui lòng. Hôm nào thuận tiện, em đưa cô đến nhà thăm gia đình nghen!

Tôi cảm động vô cùng. Chưa có thầy cô nào gieo vào lòng tôi niềm tự hào về mẹ như cô. Tôi chợt hiểu không cần phải có nhiều tiền mới được mọi người nể trọng. Từ đó, cô yêu quý, quan tâm tôi hơn. Cô cho phép tôi ôm vở của các bạn về nhà cô và hôm sau lại đến để ôm vở vào lớp, được phát tập cho các bạn. Nhà nấu món gì ngon, cô hay để dành phần cho tôi và bạn lớp trưởng. Vì vậy, hay tin ba tôi về chắc cô cũng mừng giùm. Nhưng cô lắc đầu:

- Cổng trường đóng trong giờ học, làm sao em ra được đây.

Tôi nhoẻn cười:

- Không sao đâu cô! Em sẽ chui…cửa chó ở bên hông trường để ra ngoài ạ.

Cô tròn mắt kinh ngạc:

- Cửa chó là sao em?

- Dạ hàng rào dây kẽm gai chỗ đó bị tụi học trò nam kéo rộng ra thành một cái cửa bí mật để lở đi trể, cổng trường đóng tụi nó chui vào trường bằng cách này. Khi chui nhìn giống con chó lắm nên em gọi là cửa chó ạ.

Cô bật cười:

- Thôi, lâu lâu cô phá lệ cho phép em về sớm. Nhưng phải mượn tập của bạn chép bài nghen.

Tôi dạ một tiếng rõ to. Xách cặp phóng ra cửa, để lại tiếng cười vui vẻ của các bạn phía sau lưng. Phong Khờ đã đứng đợi ở bên ngoài của chó tự lúc nào. Nó cười toe toét:

- Nhìn mày chui ra y chang con chó con ha ha… Cho bỏ cái tật chế giễu tụi tao nha. Đúng là cười người hôm trước hôm sau người cười.

Tôi không thèm đếm xỉa gì tới nó. Phải mọi ngày thì nó sẽ biết tay tôi. Cúi xuống xách dép, tay phải ôm cặp, tôi phóng ào ào trên lối mòn. Thằng Phong vừa đạp xe baby vù vù vừa réo om sòm:

- Ê Hột Mít, lên xe tao chở mày về cho lẹ!

Tôi dừng lại, nhìn cái xe baby của Phong Khờ. Thường ngày nó vẫn dùng chiếc xe này chở tôi chạy vòng vo quanh xóm. Nhưng bây giờ nhìn hai bánh xe chỉ bằng hai cái bánh tráng nướng nhỏ xíu, cọng dây sên như cọng …dây luộc. Tôi trề môi:

- Thôi, để tao chạy bộ còn lẹ hơn. Cám ơn mày nha Phong...đơn. Hihi…

Tôi chạy nhanh thật nhanh. Loáng cái đã thấy dạng cái nhà xác của bệnh viện. Màu vôi xám xịt của nó nhìn phát ớn. Nhưng tôi cũng không có thời giờ để run. Tôi vọt qua như sao xẹt. Tôi lách vào cổng sau của chùa Ông Mẹt, đó là tên thân mật của Chùa Bodhisálaràja còn có tên gọi khác là chùa Kom Pong để chạy dọc lối đi có hàng cây dầu cổ thụ tỏa bóng mát rượi. Gặp các sư đang quét dọn, tôi hớn hở:

- A Di Đà Phật! Con chào các sư.

- A di Đà Phật! Chào con. Ai dui! Thủng thẳng đi, chạy chi dữ vậy? Coi chừng vấp té.

Tôi dừng lại, chắp tay vái chào:

- Dạ, các sư biết không, ba con về rồi!

- A Di Đà Phật!

Chắc các sư kinh ngạc lắm. Chẳng đợi các sư nói gì thêm, tôi đã phóng ra cổng trước và thấy mái nhà mình thấp thoáng phía xa. Lòng tôi rộn ràng vui. Tôi chỉ nhớ có hai chữ ba về. Nó đơn giản vậy nhưng đã từng là nỗi ám ảnh, là ước mơ không ngừng nghỉ của tôi. Tôi yêu biết bao nhiêu màu da rám nắng của ba. Dù đứng gần bốc mùi khét lẹt vì ba không chịu đội nón. Nụ cười tươi tắn và vàng chóe do có hai cây răng vàng trồng ở hai bên hàm trên. Nó cứ lấp la lấp lánh mỗi khi ba nói chuyện hay mỉm cười. Trông có duyên gì đâu.Thằng Phong thì bảo ba tôi cười tóe lửa. Tôi đã thụi cho nó một cái rõ đau vào bụng và nghỉ chơi với nó hết một buổi. Nếu chiều đó nó không tặng tôi cục gôm thơm hình con thỏ thì tôi sẽ cạch nó ra ít nhất …một ngày. Vai và ngực rộng nhưng ba không cao lắm nên nhìn không thanh tú. Tuy nhiên, điều đó không nhằm nhò gì với sự yêu quý của tôi dành cho ba. Ba cười, tôi vui. Ba quạu, tôi đau khổ, lo lắng, bồn chồn.

Kỳ lạ lắm! Ba vui vẻ với tất cả mọi người trừ tôi. Tôi còn nhớ như in, trước khi ba bỏ đi ba cãi một trận dữ dội với mẹ. Lúc đó, tôi chưa đủ lớn để hiểu vì sao ba bảo mẹ cho tôi nghỉ học. Ba gọi tôi là đồ con hoang. Con hoang cho học làm gì uổng tiền vô ích. Ném vào viện mồ côi cho rảnh nợ. Khuất mắt!

Tôi khóc thét lên, chạy núp sau lưng ông ngoại. Ông cúi xuống, bế tôi đi ra nhà sau, rửa mặt cho tôi rồi bảo qua nhà hàng xóm chơi. Tôi lén ra cổng rồi chạy thụt mạng sang nhà Phong Khờ, ở đến khi bà ngoại tìm về ăn cơm tối. Có lẽ đó là bữa ăn ảm đạm, nhạt nhẽo nhất thời thơ ấu. Ba cúi gầm mặt lua vội vàng mấy chén cơm rồi buông đũa. Mẹ chỉ ăn được có một nửa chén mà thôi. Ông bà ngoại cũng qua loa có một chén. Chỉ có thằng Út là ăn ngồm ngoàm. Tôi và chị hai nuốt chẳng muốn trôi.

Sáng sớm, khi mẹ quảy gánh hàng rong ra chợ, ba lặng lẽ xếp quần áo vào cái rương gỗ to tướng rồi khuân nó xuống tàu, đi biệt đến giờ. Dù hàng xóm kéo đến nhà an ủi mẹ:

- Ví dầu tình bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra…”

Nhưng mẹ vẫn đau buồn đến độ ngã bệnh liệt giường. Mẹ nằm thiêm thiếp, nước mắt lặng thầm rơi trong bóng tối của gian buồng vẫn còn hơi hướm của ba. Mẹ sốt rồi lạnh. Mẹ lạnh rồi lại sốt. Cả nhà như một tàu ngựa bị đau. Không ai dám nói lớn tiếng. Không ai mỉm cười. không ai muốn ăn dù đã mấy ngày rau cháo. Nhà không còn hột gạo nào, tiền cũng không có. Bà ngoại đem bán đôi hoa tai ngày xưa ông tặng để mua gạo và thuốc cho mẹ. Chưa kịp uống thuốc, mẹ bỗng ngồi bật dậy như có một cái lò xo đẩy sau lưng. Mẹ ăn liền mấy bát cháo rồi bương bả ra chợ. Bà hoảng hốt hấp tấp chạy theo sau lưng, chờ để đỡ mẹ nếu có ngã bất ngờ. Khi mẹ và bà quay về, trong đôi giống gánh mới mua có lủ khủ hàng hóa, và một ít thức ăn. Mẹ bảo đã hết bệnh và sẽ không bệnh thêm giây phút nào nữa. Cả nhà như vừa hồi sức, vỡ òa niềm vui thầm lặng. Tôi thấy lạ ghê lắm mà không dám hỏi nhưng rất mừng vì tôi biết mẹ là sự sống của gia đình mình.


Ba về! Gian nhà như bừng tỉnh sau một giấc mơ dài. Ba lôi từ trong cái túi vải căng phồng xấp vải gấm màu vàng hoa cúc làm quà cho mẹ. Ba biếu bà cái ống ngoáy bằng đồng sáng loáng để bà giầm trầu. Ba tặng ông một cái ống điếu bằng sừng bóng nhẫy. Quà của chị tôi là một cái áo đầm trắng có viền đăng ten. Thằng Út được một bộ đồ tây màu xanh da trời. Và ba lôi từ đáy bao ra món quà cuối cùng dành cho tôi là một đôi giày đỏ…đã cũ. Tôi reo lên “A! Một đôi hia bảy dặm!” Nhưng trái tim bé thơ của tôi đau nhói như có ai vừa đặt lên đó một vết thương, Dù vậy, tôi vui mừng lắm vì gia đình được hưởng những giờ phút sum vầy hiếm quí. Ba đưa mẹ một xấp tiền bảo để tiêu xài và nghỉ bán vài hôm. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của gia đình tôi.

Ba về. Ba như mưa xuân mang sức sống tưới lên mảnh đất quê nghèo. Mẹ tôi như đóa hoa tàn chợt hồi sinh, phô sắc. Mẹ lau bụi bám trên chiếc gương soi từ lâu đã bị lãng quên và thay một chiếc lược mới.

Ba che một tấm liếp nhỏ bên hiên để làm chỗ sửa chữa máy tàu. Suốt ngày, ông cặm cụi tháo ráp, gõ, hàn…Mặt mày lem luốc, tay ám khói đen sì. Ngoài giờ học, tôi không rời ba nửa buớc. Tôi như chiếc bóng lặng thầm bên ba. Ông ít chịu hé môi nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp. Tôi kiên nhẫn chờ đợi ba sai bảo để được vâng lời. Nhưng ông quên sự có mặt của tôi.

Hôm ấy là ngày sinh của tôi. Ba không dọn hàng mà dẫn thằng Út đi dạo, tôi lon ton chạy theo. Ba trợn mắt bảo về nhưng tôi làm lì cứ bám sát. Ba và thằng Út vào tiệm nước Hớn Hồ, kéo ghế cho nó ngồi rồi gọi một ly cà phê đen với một cốc sữa. Tôi rón rén đi vào, cười lỏn lẻn, năn nỉ “Ba cho con uống với!”. Ba lãnh đạm quay đi chỗ khác. Khi người ta bưng cà phê và sữa ra, tôi lại năn nỉ “Cho con uống với!” Người hầu bạn hỏi “Có gọi thêm gì nữa không hia”. Ba hầm hừ “Không”. Ông lấy ly sữa dành cho thằng Út sớt một ít ra cái đĩa lót ly rồi bảo “Phần của mầy đó, uống đi!” Tôi tủi thân vô cùng khi thấy mắt ba ánh lên tia lửa căm giận. Nhưng trái tim trẻ thơ của tôi đang thầm thì hãy uống đi dòng sữa đầu đời của ba ban cho. Và tôi đã cuối xuống thè lưỡi liếm sạch đĩa sữa như một con chó. Tôi sẽ không nghĩ như thế nếu không có tiếng chế giễu của một thằng bé lạ hoắc đang ngồi bàn bên cạnh :

- Ba mẹ xem kìa, con nhỏ kia liếm sữa như một con chó.

Ngẩng lên, tôi bắt gặp khuôn mặt vui vẻ một cách lạ lùng của ba. Có tiếng xì xào xung quanh “Tội nghiệp con bé”, “ Ly sữa có bao nhiêu tiền đâu, sao để con uống kỳ cục quá”. Ông chủ tiệm nước cho người chạy bàn bưng ra một ly khác cho tôi bảo sẽ không tính tiền. Nhưng tôi cảm thấy như nghẹt thở và đau nhói ở ngực. Tôi bỏ chạy ra đường và một chiếc xe trờ tới, thắng lết bánh nhưng vẫn hút tôi văng một đoạn ngắn. Tôi té bật ngữa và không còn biết gì nữa.

Khi tôi mở choàng mắt thấy mình đã nằm ở bệnh viện. Mẹ đang ngồi kế bên, mắt mờ lệ. Thấy tôi đã tỉnh, mẹ mừng quýnh hỏi dồn thấy trong người thế nào? Tôi thấy đau ở đầu và chân trái nhưng vì sợ mẹ lo lắng nên gượng nhoẻn cười:

- Dạ con không sao hết. Hổng đau chỗ nào hết mẹ à. Hihi…

Sờ lên đầu mới hay bị quấn băng như người ta đội cái khăn đóng, tôi níu tay mẹ:

- Nhìn cái đầu con chắc bự lắm hả mẹ. Thằng Phong Khờ mà thấy, nó sẽ bảo to đầu mà dại cho xem. Thằng đó hay nói tục ngữ lắm. hihi…Y như khùng.

Mẹ không cười mà lại rươm rướm nước mắt. Mẹ kéo tôi vào lòng. Tôi cố gắng lắm mà nước mắt vẫn cứ tuôn lã chã.

Khi mẹ đưa tôi về nhà thì ba đã đi mất. Cái rương gỗ không còn trên đầu tủ. Mẹ dẹp cái gối đặt cạnh gối mẹ vào một cái thùng giấy. Khúc vải màu vàng hoa cúc chưa kịp may thành áo đã bị guộn lại như cuộn nỗi buồn giấu vào đáy tủ. Cái gương soi bị úp xuống mặt bàn, chiếc lược buồn tủi nằm trơ một góc.

Tôi bỗng thành con bé hay khóc nhè khi nhìn thấy hai chữ “Vô danh” lúc đem tờ khai sinh nộp cho cô giáo. Hai chữ Vô danh được điền vào chỗ ghi tên cha tôi trong tờ khai sinh .

Vô danh! Nghĩa là không tên. Trên đời, có thứ gì không tên, không nguồn cội? Từ đồ vật, con vật cho đến con người. Một cái bát sinh ra từ… đất. Một con chó cũng còn có chó bố kia mà. Còn tôi, sao không cha?

Tôi không dám hỏi mẹ vì sợ sẽ làm mẹ khóc. Cũng chẳng dám hỏi bà vì bà hay quát bảo im đi. Chỉ có ông ngoại là cưng tôi nhất, nên lần nọ tôi đã hỏi ông ngoại tôi là ai? Vì sao tôi không có cha? Ngoại ngậm ngùi bảo thật ra, tôi cũng có một người cha. Nhưng cha không chấp nhận tôi. Cha từ chối cái bào thai mà mình đã góp phần tạo nên. Chỉ vì nó được tượng hình ở một thời điểm đáng ngờ. Khi ba bị đi tù về tội chính trị. Địch tình nghi ba tôi là “Việt cộng” Ngoại bảo tiếc là ba bị bắt lầm vì ba không đủ tài năng, đức độ để trở một người Cách mạng mà chỉ sống một cuộc đời tầm thường hơn những người tầm thường khác. Cuộc đời ba tôi là sự kết nối những nỗi đau, hoài nghi, lạc hướng, thất vọng. Lúc ấy, ba tôi chỉ là dân buôn chuyến theo tàu Sài gòn – Huế. Ông bị mật thám của địch bắt lầm vì có khuôn mặt giống hệt một cán bộ cao cấp nằm vùng. Ông cũng được nếm đủ mùi tra tấn mà một người tù yêu nước phải chịu. Nhưng ba tôi bảo không đau bằng khi được thả về thấy vợ đẻ. Khuôn mặt đỏ hỏn của tôi nhìn dễ ghét còn hơn bộ mặt hung tợn của lũ cai tù. Ba bỏ nhà đi sau khi đi làm xong khai sinh cho tôi. Tôi được mang họ mẹ. Phần ghi họ tên cha vỏn vẹn hai chữ VÔ DANH!

Mấy năm sau, ba về. Nhưng ba không sao chịu được khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười của tôi. Mặc những lời giải thích của mẹ rằng đã có thai từ trước khi ba bị bắt. Tôi là con của ba. Hạnh phúc gia đình phục hồi khi mẹ sinh thằng Út. Nhưng ba lại đòi gởi tôi vào viện mồ côi. Ông hứa sẽ đóng nhiều tiền để tôi được chăm sóc chu đáo. Mẹ tôi không trả lời. Bà lặng lẽ gom quần áo của ba ném ra sân.

Ba trở lại cùng những chuyến đò đưa khách dọc đường sông. Ba ghé lại bao nhiêu là bến. Nhưng suốt một thời gian dài chẳng một lần ghé lại bến xưa. Thỉnh thoảng, ba gởi ít tiền về. Mẹ không tiêu một đồng. Bà tảo tần nuôi chúng tôi ăn học. Những tờ giấy bạc ấy được xếp trong một chiếc hộp gỗ nâu bóng. Lâu lâu, mẹ tôi lấy tiền ra săm soi, ve vuốt. Như một cô phụ tìm lại chút hương thừa ủ trong những bức tình thư cũ.

Ba về lần này chẳng bao lâu lại đi.

Ba về. Ba đi…. Như một điệp khúc tình buồn đời mẹ. Tạo nên nỗi đau hoài nghi thân phận của tôi.

Tôi lại hỏi ông ngoại tôi là ai? Ngoại xoa đầu tôi:

- Con là con của ba mẹ, là cháu yêu của ông bà. Nhưng điều đó không quan trọng bằng con sẽ là ai sau này. Con là người tốt hoặc là người xấu, con là người lương thiện hoặc là tội phạm… hoàn toàn tùy thuộc vào con, vào đạo đức, hành vi ứng xử của con đối với đời sống. Không ai có thể lựa chọn được cha mẹ nhưng mọi người đều có thể trở thành bậc làm cha, làm mẹ tốt, nếu muốn.

Câu trả lời của ngoại khiến tôi vừa được an ủi vừa được nhìn thấy một lối đi phía trước của đời mình. Từ đó, không lần nào tôi nhắc lại câu hỏi tôi là ai?    ♥ ./.




VVM.07.03.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .